Những bức ảnh mới cho thấy: Các đảo nhân tạo của Trung cộng là những căn cứ quân sự rất phát triển
Trong bức ảnh chụp từ trên không ngày 25/10/ 2022 này, các tòa nhà và cấu trúc liên lạc được nhìn thấy trên đảo nhân tạo do Trung cộng xây dựng ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Trung cộng đã dần khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông bằng mở rộng quy mô đảo, tạo ra các đảo mới và xây dựng các cảng, tiền đồn quân sự và đường băng. Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images
Các bãi đá ngầm và đảo đá được cải tạo có hệ thống sân bay, radar và có thể có cả hầm chứa tên lửa.
Những ảnh chụp gần đây cho thấy sân bay và các công trình khác hiện diện trên một số đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông – nơi mà Mỹ cho rằng đã được “quân sự hóa hoàn toàn”.
Nhiếp ảnh gia Ezra Acayan của Getty Image đã tiếp cận được các chuyến bay gần một số đảo đá mà Trung cộng đã cải tạo và biến thành các căn cứ quân sự có các trạm radar, đường băng và các cơ sở pháo binh.
Những bức ảnh được chụp vào ngày 25/10 vừa qua cho thấy một khía cạnh khác của các đảo nhân tạo của Trung cộng – những nơi hầu như từ trước đến nay chỉ được biết đến qua ảnh vệ tinh.
Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John C. Aquilino, hồi tháng 3/2022 cho biết Trung cộng đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba đảo nhân tạo gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập – tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa nơi mà Bắc Kinh tuyên bố có “quyền lịch sử”.
Cuộc sống trên Đá Chữ Thập
Các bức ảnh của Getty cung cấp thông tin chi tiết về các cơ sở của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trên các bãi đá Vành Khăn, Ga-ven, Subi, Châu Viên, Chữ Thập và Tư Nghĩa – sáu trong số 15 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung cộng chiếm đóng.
Chữ Thập dường như là một trong những bãi đá phát triển nhất với một sân bay đã hoạt động hoàn chỉnh, các nhà chứa máy bay (hangars), các tòa nhà lớn và vòm bảo vệ radar hoặc các cấu trúc có mái tròn với thiết bị radar bên trong.
Một loại tòa nhà mới được phát hiện trên Đá Chữ Thập cũng như trên Đá Vành Khăn và Subi, là một cấu trúc giống như garage để xe mà theo các nhà phân tích có thể là nơi đặt các bệ phóng tên lửa.
“Tôi đoán rằng các garage hướng ra biển là dành cho các bệ phóng tên lửa hành trình góc cạnh” – ông Tom Shugart, trợ lý Nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, viết trên Twitter.
Một nhà phân tích khác, ông Tyler Rogoway, biên tập viên của cổng thông tin quốc phòng The War Zone, cho biết những garage này có thể “được sử dụng để cất giữ, phục vụ và nhanh chóng triển khai” các bệ phóng được sử dụng cho tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm hoặc đất đối đất.
Ông Shugart cũng lưu ý một số chi tiết khác như: Ảnh chụp cho thấy “một chiếc xe đang lái quanh đá Chữ Thập và một người đang đi bộ trên đường.”
“Đó không phải là đám đông, nhưng cũng không phải là không có gì”- ông viết.
Ba tuần trước, truyền thông nhà nước Trung cộng đưa tin rằng với sự có mặt của hơn 5.000 binh lính và sỹ quan, dân số trên các đảo và bãi đá mà Trung cộng chiếm đóng ở Biển Đông đang ngày càng gia tăng.
Bức ảnh chụp từ trên không ngày 25/10/2022 này ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay trên đường băng của đảo nhân tạo do Trung cộng xây dựng trên Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images
Những mái vòm bảo vệ radar và tháp súng
Một trong những bức ảnh chụp Đá Chữ Thập đã ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không KJ-500 trên đường băng.
“Hình ảnh một chiếc KJ-500 trên đường băng thật cuốn hút và nó giúp khẳng định rằng: PLA vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra trên không ngoài khơi các đảo” – Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với Đài Á Châu Tự Do.
“Điều này đã diễn ra kể từ năm 2020” – ông nói thêm.
Theo biên tập viên Rogoway của The War Zone, máy bay KJ-500 và các máy bay săn tàu ngầm và thu thập thông tin tình báo khác “thường xuyên hoạt động từ sân bay ở đó”.
Các mái vòm bảo vệ radar, tháp pháo và hệ thống vũ khí tầm gần để phát hiện và tiêu diệt tên lửa và máy bay đang bay tới là những đặc điểm chung của tất cả các đảo nhân tạo của Trung cộng.
Trên đảo đá Subi, đường băng chính đang bị chặn bởi một số vật thể, có thể là ô tô hoặc xe đẩy.
“Đây là một hành động không an toàn, không thân thiện với bất kỳ ai khác bay trong khu vực” vì phi công của một chiếc máy bay đang thực sự gặp nguy hiểm có thể không nhìn thấy khu vực bị chặn và đâm vào đó – ông Shugart nói.
“Điều này một lần nữa cho thấy sự giả dối của ý tưởng cho rằng những hòn đảo này được xây dựng vì sự an toàn đi lại cho tất cả” – nhà phân tích có trụ sở tại Fort Hood nói.
“Chúng là những căn cứ quân sự. Chấm hết!”
Trung cộng và năm quốc gia khác tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông, bao gồm cả những thực thể mà theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, là các bãi đá ngầm và đá chứ không phải đảo.
Theo luật, các bãi đá ngầm và đá có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên hạn chế hơn nhiều so với các đảo.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS, kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã phát triển ít nhất 07 đảo nhân tạo và tạo ra 1.295 ha đất mới (tương đương với 3.200 mẫu Anh).
Trong chuyến công du tới Washington năm 2015, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình cho biết: “Trung cộng không có ý định theo đuổi hoạt động quân sự hóa” các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng Trung cộng đã gia tăng đáng kể năng lực tấn công của PLA và cũng như sự đe dọa đối với các nước khác trong khu vực lân cận.
RFA (02.11.2022)
Hình ảnh mới tiết lộ toàn bộ mức độ tăng cường quân sự của Bắc Kinh trên các rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông
Những bức ảnh đặc biệt về các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông đã cho ta cái nhìn chi tiết nhất về những gì Tập Cận Bình đang xây dựng – và cho thấy chúng đang tràn ngập với các hệ thống phòng thủ.
Đảng Cộng sản Trung Hoa đã tranh thủ trong một thập kỷ để biến một loạt đảo san hô và rạn san hô hẻo lánh trong khu vực thành các căn cứ quân sự được xây dựng kiên cố, hiện được trang bị các pháo, tên lửa của hải quân, hệ thống phòng không, hệ thống radar, tàu tấn công và nhà để máy bay có khả năng chứa hàng chục máy bay chiến đấu.
Ít nhất có hai khoang chứa phương tiện khổng lồ cũng đã được xây dựng đủ lớn để che giấu các bệ phóng di động, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa chống hạm, hệ thống phòng không và tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Các căn cứ nằm trong một phần của lãnh thổ mà Tập giành được, chiếm toàn bộ Biển Đông – nằm trong ranh giới mà Bắc Kinh gọi là ‘Đường chín đoạn’. Bằng cách kiểm soát vùng biển, Tập nhắm đến việc thể hiện quyền lực đối với các nước láng giềng, cũng như các ngư trường màu mỡ và các tuyến đường vận chuyển với lượng hàng hóa trị giá 5 ngàn tỷ đô la đi qua mỗi năm.
Tuy nhiên, các tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và đã bị một tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ. Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền đối với cùng một phần vùng biển này.
Dưới đây, báo MailOnline sẽ xem xét kỹ hơn các căn cứ trên đảo và những gì các bức ảnh tiết lộ …
Những hình ảnh mới cung cấp bức tranh chi tiết nhất về các căn cứ quân sự mà Trung cộng đã giành được trong một thập kỷ để xây dựng trên các rạn san hô và đảo san hô hẻo lánh ở Biển Đông, khi nước này cố gắng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực
+ Các hình ảnh được chụp trong chuyến bay trinh sát trên quần đảo Trường Sa tiết lộ chi tiết về hoạt động tăng cường quân sự của Trung cộng
+ Các căn cứ được xây dựng trên các đảo nhân tạo có nhiều đại bác, súng phòng không, radar và nhà để máy bay chiến đấu
+ Hai cấu trúc lớn cũng có thể chứa bệ phóng cho tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân
Một sân bay, các tòa nhà và công trình được nhìn thấy trên hòn đảo nhân tạo do Trung cộng xây dựng ở Đá Chữ Thập. Trung cộng từng bước khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông bằng cách tăng kích thước của chúng một cách giả tạo
Những dãy nhà gần với một loạt các tòa tháp có đỉnh mái che rada ở phía xa. Có rất ít dấu hiệu về hoạt động trên mặt đất tại bất kỳ cơ sở lắp đặt nào
Vũ khí phòng thủ tầm gần được lắp đặt trên các bệ rộng khoảng hơn 9m, đặt trên đỉnh các cụm tháp bê tông hình lục giác
Các tòa nhà, cơ sở giải trí và các công trình kiến trúc khác được nhìn thấy trên đảo nhân tạo do Trung cộng xây dựng ở Subi Reef. Các khu đất chưa phát triển và các khu vực trồng trọt nằm trong số các cụm công trình lớn
Rạn san hô Xu Bi có các nhà để tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân, được nhìn thấy dọc theo ngọn hải đăng ở cuối đảo. Nó cũng có các mái vòm radar tương tự như những mái vòm khác gần đó
Các rạn san hô (đá) nằm giữa các quốc gia trong khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung cộng và đưa ra những khẳng định của riêng họ về khả năng tiếp cận kinh tế và phòng thủ
Những bức ảnh cận cảnh là chi tiết nhất về những gì Trung cộng đang phát triển căn cứ trong khu vực
Một tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Houbei Type 022 có thể được nhìn thấy neo đậu ở phía bên trái của hòn đảo. Các báo cáo cho rằng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân đã triển khai Type 022 đến quần đảo vào năm ngoái. Các tàu có thể mang theo 8 tên lửa chống hạm cận âm YJ-83 và một pháo 30mm H / PJ-13 Gatling
Các nhà cao tầng và công trình được nhìn thấy trên đảo nhân tạo do Trung cộng xây dựng ở Đá Vành Khăn ngày 25/10, thuộc quần đảo Trường Sa.
Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam đều có yêu sách lãnh thổ đối với các khu vực mà Trung cộng xây đảo và cắm cờ của mình
Các bức ảnh chụp ở Cuarteron Reef cho thấy các ụ súng hải quân trên một loạt các tháp, cùng với một pháo đài radar chỉ huy
Hòn đảo này có thể sở hữu hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) Type 730/1130 và súng gắn trên boong tàu đa năng H / PJ76 76mm, giúp bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ phi cơ bay thấp, như tên lửa hành trình, máy bay và UAV.
Một trong những hòn đảo nhân tạo nhỏ hơn nằm trên Gaven Reef, nơi có các khẩu pháo 76mm
Một khu vực bến cảng và một số mái vòm lớn có thể nhìn thấy trên rạn san hô Gaven, một trong những hòn đảo mà Trung cộng đã xây dựng nhân tạo.
Rạn san hô Hughes dường như có một bãi đáp trực thăng và một tòa nhà nhiều tầng ở đầu bên kia, được hoàn chỉnh với hình dáng giống như một hồ bơi lớn
CHRIS PLEASANCE (DAILY MAIL, 02.11.2022)
Việt Nam,Trung cộng cam kết sẽ “xử lý thỏa đáng” tranh chấp chủ quyền Biển Đông
Cơ sở hạ tầng và đường bay được Trung cộng xây dựng trên đã Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 20/03/2022. AP – Aaron Favila
Hôm qua, 01/11/2022, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc chuyến thăm chính thức Trung cộng. Hai bên đã ra một Tuyên bố chung, trong đó Hà Nội và Bắc Kinh cam kết sẽ “xử lý thỏa đáng” các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong chuyến đi Trung cộng bắt đầu từ ngày 30/10/2022, ông Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với ông Tập Cận Bình, vừa tái đắc cử tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung cộng nhiệm kỳ thứ 3, và gặp các lãnh đạo cao cấp khác của chính quyền Bắc Kinh, trong đó có thủ tướng Lý Khắc Cường.
Theo bản Tuyên bố chung mà phía Việt Nam công bố, trong cuộc gặp giữa ông Nguyễn Phú Trọng với các lãnh đạo Trung cộng, hai bên đã trao đổi ý kiến “chân thành, thẳng thắn” về vấn đề trên biển, đồng thời đã “nhất trí xử lý ổn thỏa” vấn đề trên biển để “duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Hai bên cũng cam kết sẽ “sử dụng hiệu quả” cơ chế đàm phán biên giới cấp Chính phủ Việt Nam-Trung cộng, kiên trì, đàm phán về “các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên, tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.”
Trung cộng dưới thời ông Tập Cận Bình đã tỏ ra hung hăng hơn trong việc xác quyết chủ quyền ở Biển Đông, thể hiện qua việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, cũng như tăng cường tuần tra trên vùng biển này và sách nhiễu các tàu cá của những nước khác, đặc biệt là của Việt Nam.
Không công nhận chủ quyền mà Bắc Kinh tự áp đặt lên phần lớn Biển Đông, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác thường xuyên đưa chiến hạm đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này, bất chấp phản đối của Trung cộng.
Tuy vẫn thường xuyên gặp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông, trong chuyến đi thăm vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã tuyên bố sẽ “ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung cộng”.
Không những thế, theo bản Tuyên bố chung, Hà Nội và Bắc Kinh cho biết sẽ “tích cực thúc đẩy” kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình đề xướng.
Ông Nguyễn Phú Trọng như vậy là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tập Cận Bình sau khi ông đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ 3 trong kỳ Đại Hội đảng Cộng Sản Trung cộng lần thứ 20, trở thành lãnh đạo có thế lực nhất ở nước này kể từ thời Mao Trạch Đông.
RFI (02.11.2022)
Luật biển Quốc tế lần đầu xuất hiện trong Tuyên bố chung của hai Tổng bí thư Việt Nam-Trung cộng
Ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung cộng, chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3 Thông tấn xã Việt Nam
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kết thúc chuyến thăm để chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3 chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung cộng. Lãnh đạo hai đảng vừa ra thông cáo chung ngày 1/11/2022. Trong thông cáo chung này, đây là lần đầu tiên Công ước Quốc tế về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) được nêu trực tiếp và rõ ràng trong một chuyến thăm cấp cao nhất giữa hai tổng bí thư.
Báo Nhân dân: ông Trọng nói đến UNCLOS khi hội đàm với ông Tập
Theo báo Nhân Dân, khi hội đàm với ông Tập Cận Bình hôm 31/10, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói về các vấn đề ngoại giao, ý thức hệ, kinh tế, hợp tác đào tạo cán bộ… Ông Tập cũng hứa sẽ cấp không dưới 1000 ngàn học bổng chính phủ và không dưới 1000 học bổng đào tạo giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam. Đặc biệt, ông Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp nói về Luật biển Quốc tế với ông Tập:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.”
Còn Bộ Ngoại giao Trung cộng cũng tường thuật cuộc hội đàm này nhưng không nhắc đến việc ông Nguyễn Phú Trọng nói về Luật biển Quốc tế. Theo bản tin của Bộ Ngoại giao Trung cộng thì ông Nguyễn Phú Trọng khi nói về Biển Đông chỉ đề nghị là hai nước “duy trì hòa bình, ổn định trên biển, không để các vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển chung của quan hệ hai nước.”
Luật biển Quốc tế xuất hiện trong Tuyên bố chung
Đây dường như là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng nói trực tiếp với ông Tập Cận Bình về Luật biển Quốc tế trong một cuộc hội đàm chính thức, công khai. Trong cả bản tin của báo Nhân Dân của Việt Nam và của Bộ Ngoại giao Trung cộng, không thấy nói ông Tập Cận Bình có đề cập đến Luật biển Quốc tế khi hội đàm với ông Nguyễn Phú Trọng hay không. Tuy nhiên, hôm nay 1/11 Tuyên Bố chung của hai ông tổng bí thư đã có nội dung hai nước sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế.
Bản tiếng Việt trên báo Nhân Dân của Việt Nam và bản tiếng Trung trên Nhân Dân Nhật báo của Trung cộng đều viết giống nhau. Mục số 9 của Tuyên bố chung viết:
“Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.”
Đây là một bước tiến so với bản tuyên bố chung trong chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2017. Bản Tuyên bố chung (bản tiếng Việt và tiếng Trung) nhân chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2017 chỉ nói về COC (Tuyên ngôn về quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông) chứ không nhắc đến Luật biển Quốc tế một cách trực tiếp.
“Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung cộng”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung cộng, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.”
và
“Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Bản Tuyên bố chung năm 2017 này chỉ nhắc đến Luật biển Quốc tế một cách gián tiếp, bằng cách đề cập đến “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung cộng” năm 2011. Bản Thỏa thuận năm 2011 này có nói hai bên sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế.
Giá trị của việc Luật biển Quốc tế vào Tuyên bố chung
Tuy hai bên đã ra Thỏa thuận năm 2011 là sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế nhưng năm 2014 thì ông Tập Cận Bình cho giàn khoan 981 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cách đảo Lý Sơn 120 hải lý) từ tháng 5 đến tháng 7 để thăm dò thềm lục địa. Khi bị Việt Nam phản đối, Trung cộng đã huy động tàu chiến, tàu hải cảnh ngăn chặn, xua đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan, đâm chìm tàu ngư dân.
Đến tháng 11 cùng năm thì truyền thông quốc tế bắt đầu nhận ra Trung cộng đã cải tạo hàng loạt đảo đá ở Trường Sa thành những căn cứ quân sự lớn: bắt đầu với đá Chữ Thập, sau đó là đá Xu Bi, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn. Trung cộng cũng làm tương tự với một số đảo đá ở Hoàng Sa.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ 20 hôm 16/10, ông Tập Cận Bình tuyên bố là sẽ “tăng cường toàn diện huấn luyện và chuẩn bị chiến tranh, nâng cao khả năng chiến thắng của quân đội nhân dân”, “tăng tỷ lệ lực lượng tác chiến mới trên các địa bàn mới, đẩy nhanh phát triển lực lượng tác chiến thông minh không người lái, phối hợp xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin mạng”, “thúc đẩy hơn nữa đào tạo quân sự theo định hướng chiến đấu thực tế, và đào tạo sâu hơn những huấn luyện tổng quan, huấn luyện tác chiến, huấn luyện quân sự, khoa học và công nghệ”, “giành thắng lợi trong những cuộc chiến tranh ở tầm địa phương.”
Trao đổi với RFA, một chuyên gia không muốn nêu tên khẳng định: Nếu Trung cộng đánh Đài Loan thì đó không thể là một cuộc chiến tranh ở tầm địa phương. Trung cộng đánh Đài Loan thì sẽ đối đầu với Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả khối phương Tây. Nhưng nếu họ đánh các đảo đá mà Việt Nam, Phillipines, Đài Loan đang đóng quân ở Trường Sa thì họ có thể kiểm soát cho cuộc chiến đó chỉ là một cuộc chiến ở tầm “khu vực”.
Bởi vậy không ai có thể bảo đảm ông Tập Cận Bình sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế như trong Tuyên bố chung 2022 với Việt Nam hay không.
RFA (01.11.2022)
Việt Nam, Trung cộng vẫn bất đồng về chủ quyền biển đảo Biển Đông
Việt Nam và Trung cộng vẫn chỉ cam kết “kiểm soát thỏa đáng bất đồng” vì lập trường ngược nhau đối với chủ quyền biển đảo tại Biển Đông.
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, đã có cuộc họp với ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung cộng, ngày 31 Tháng Mười. Ngày hôm sau, hai bên ra bản tuyên bố chung về những thỏa thuận đạt được trên nhiều mặt hợp tác để cùng bám vào nhau “kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội.”
Dân chúng tại Hà Nội tưởng niệm những người lính bỏ mạng vì bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Bản tuyên bố chung vừa mới đưa ra, nhìn trên đại thể, không khác bao nhiêu so với bản tuyên bố chung mà hai bên công bố ngày 13 Tháng Mười Một, 2017, khi ông Tập Cận Bình thăm Hà Nội, họp với ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi đã đến Đà Nẵng dự Diễn Đàn Kinh Tế APEC. Điều này chứng tỏ quan điểm và lập trường căn bản của hai bên trong tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông vẫn còn đó.
Bản tuyên bố chung ngày 1 Tháng Mười Một cho biết “hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển” rằng “kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng.” Bởi vậy thấy cần “nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển…”
Để đạt điều đó, bản tuyên bố chung viết là hai bên “đàm phán hữu nghị, tích cực bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.”
Đi ngược lại bản tuyên bố chung năm 2017, người ta thấy cũng đã viết về vấn đề tranh chấp Biển Đông là “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiên chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung cộng” để “tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.”
Trước khi ông Tập Cận Bình đến Hà Nội vào Tháng Mười Một, 2017, thì Tháng Sáu cùng năm này, Tướng Phạm Trường Long, phó Quân Ủy Trung Ương Trung cộng, gặp cả ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó ông Phúc là thủ tướng, trước khi dự trù đến biên giới hai nước tham dự “giao lưu biên giới.”
Tuy nhiên ông Long không đi “giao lưu” mà đột ngột bỏ về Bắc Kinh. Báo chí Tây phương tiết lộ rằng Phạm Trường Long bỏ về nước sau khi đã đe dọa các lãnh đạo Việt Nam là nếu không dẹp bỏ các vụ dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “Lưỡi bò” thì Trung cộng sẽ xua quân đánh chiếm các vị trí Việt Nam đang trấn giữ ở Trường Sa. Việt Nam đã dừng lại.
Năm 2020, trước áp lực của Trung cộng, Việt Nam phải yêu cầu công ty dầu khí Rapsol chấm dứt ngang khoan tìm tại mỏ Cá Rồng Đỏ (lô 07/03, khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn) và bồi thường cho họ khoảng $1 tỷ, theo tiết lộ của báo chí Anh.
Trung cộng duy trì một lực lượng đông đảo các tàu Hải Cảnh, tàu dân quân biển trên Biển Đông, theo dõi chặt chẽ các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Trung cộng ngang ngược tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều khu vực lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước khác, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế.
Lính Trung cộng tập trận tấn công chiếm đảo trên Biển Đông hồi Tháng Ba. (Hình: Chụp màn hình ChinaMil)
Trong bản tuyên bố chung ngày 1 Tháng Mười Một, Việt Nam và Trung cộng “tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện hiệu quả Tuyên Bố Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (DOC)” để sớm có “Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.”
Bản tuyên bố chung còn kêu gọi “Kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.”
Bản tuyên bố chung năm 2017 cũng nói y chang như vậy. Nhưng từ năm 2014, Trung cộng đưa hàng chục tàu nạo vét cát đá lòng biển bồi đắp thành bảy đảo nhân tạo khổng lồ tại Trường Sa mà họ đã cướp của Việt Nam từ năm 1988. Nay những đảo nhân tạo này đã trở thành những căn cứ quân sự quy mô, ngoài cảng biển, còn được trang bị từ viễn thông vệ tinh, radar, phi đạo cho máy bay chiến đấu, hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn tấn công tàu biển… nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông.
Hà Nội cũng cơi nới một số đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa nhưng với quy mô rất nhỏ bé, không so sánh gì được với chương trình của Trung cộng, theo các ghi nhận của tổ chức nghiên cứu CSIS ở Mỹ.
Trung cộng cũng theo sát các hành động của phía Việt Nam và cho tổ chức SCSPI thỉnh thoảng cập nhật hoạt động của Việt Nam ở Trường Sa nhưng lờ tịt hoàn toàn các hành động bất hợp pháp của họ. Lời kêu gọi “không làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp” thì cứ nói trong khi trên thực tế lại khác.
Người Việt (01.11.2022)