“ những người trong nước không hoàn toàn là Cộng sản và trong CĐVN hải ngoại không phải hoàn toàn là người quốc gia yêu nước thương dân… Không có cùng quan điểm về chính nghĩa thì dễ hiểu lầm.
Lý luận nào có thể thuyết phục toàn dân tham dự cuộc đấu tranh cho VN tương lai?„
Trần Công Lân
Chúng ta đã chứng kiến 50 năm cộng sản Việt Nam (CSVN) thống nhất đất nước và kết quả so sánh với các nước bạn Đông Nam Á như thế nào?
Đài Loan với 26 triệu dân đang đi vào lão hóa đã nắm 90% chip điện tử cung cấp cho thế giới, tự sản xuất tàu ngầm để bảo vệ duyên hải, mua vũ khí Mỹ để canh tân quân đội với tinh thần chống Trung Cộng quyết liệt.
Nam Hàn với 62 triệu dân tự sản xuất chiến đấu cơ, xe tăng, đại bác, hỏa tiễn bán cho các nước Âu Châu — cũng đi vào tình trạng thiếu nhân công vì dân số lão hóa. Nam Hàn trở thành cường quốc chỉ đứng hàng sau Nhật.
Nhật với 126 triệu dân, kinh tế thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Cộng, Đức) với sức đầu tư, khả năng sáng tạo, cạnh tranh với thế giới về mọi mặt cũng gặp dân số lão hóa đe dọa.
Thái Lan với nạn quân phiệt đe dọa vẫn duy trì dân chủ và kinh tế mặc dù chiến tranh Miến Điện tiếp diễn và dân tỵ nạn Hồi giáo lan tràn. Cam Bốt chịu đựng chế độ gia đình trị của Hun Sen gần 50 năm nhưng đất nước phục hồi không chỉ về kinh tế mà về chính trị, các đảng đối lập vẫn sinh hoạt cho dù bị đàn áp. Cam Bốt canh tân hải cảng và đào kinh Funan Techo (Trung Cộng giúp) đe dọa nguồn nước của VN. Còn Phi Luật Tân với 112 triệu dân luôn bị đe dọa bởi thiên tai, thiếu ăn cũng đã dũng cảm chống Trung Cộng bành trướng trên biển Nam Hải.
Phe Địch (CSVN)
Còn VN sau 50 năm đạt kết quả gì? Dân sản xuất thực phẩm có ăn, xuất cảng gạo nhưng tiền đi về đâu? Có việc làm ra sao mà dân vẫn đi lao động nước ngoài? Hay di dân lậu qua Âu Mỹ bất kể nguy hiểm? Thành phần du học về nước làm được gì? Kinh tế VN chỉ là nước ngoài đầu tư, người VN là công nhân (một thứ nô lệ kinh tế ngay trên quê nhà)? Có nên hãnh diện vì VinFast hay chỉ là “mặt nạ” cho tập đoàn kinh tế xe điện của Trung Cộng? Hãy tự hỏi vì đâu VN không sản xuất máy cày, xe gắn máy … bỗng dưng sản xuất xe hơi khi cây cầu xây không xong? Có thiết thực cho nhu cầu quốc gia hay bị xỏ mũi? Hàng chục tỷ mỹ kim từ hải ngoại gửi về đã đi về đâu? Hãy nhìn qua hướng đi của CSVN đã thực hiện 50 năm qua.
Nương theo chính sách của Trung Cộng (TC), CSVN cũng có bầu cử theo mùa để chọn đại biểu quốc hội. Tuy chỉ là dàn cảnh nhưng đó là mặt nổi để có “hình ảnh dân chủ” nói với quốc tế. Cũng như chức vụ chủ tịch nhà nước do quốc hội chọn nhưng bên trong là đảng chọn. Mà quyết định của đảng là sự chọn lựa của Sếp Công An.
Ai sẽ làm trùm công an nếu không có sự phê chuẩn của Bắc Kinh? CSVN có canh tân quân đội (vũ khí trang bị) nhưng để làm gì nếu không có quyết tâm bảo vệ tổ quốc? Nếu chỉ là để dùng tiền (ngoại tệ) của VN ứng trước cho đến khi đầu hàng TC thì tất cả vũ khí, quân trang sẽ là đóng góp cho TC mà thôi. Chuyện VN lâu lâu phản đối TC về xâm phạm biển chỉ là màn kịch giúp CSVN có vẻ “độc lập, tự do” với quốc tế khi kế hoạch thiết lập các đặc khu TC trên đất Việt chưa hoàn tất. Một khi các yếu điểm trên đất Việt bị “đặc khu” kiểm soát thì quốc hội CSVN sẽ bấm nút tuyên bố VN thành “khu tự trị”: ngôi sao thứ 5 trên lá cờ TC.
Sau 50 năm xua dân ra biển làm tỵ nạn, lao động — gửi tiền về cho đảng tham nhũng. Đảng CSVN trở thành cai thầu sau khi bán đất, biển, đảo thì dùng dân làm nhân công cho các công ty quốc tế đầu tư. Khi giáo dục thất bại để thuyết phục dân theo xã hội chủ nghĩa thì làm gì có nhân tài, chuyên gia. Tuổi trẻ VN âm thầm bỏ nước ra đi. Con cháu đảng gửi đi du học: (1) Hồng: là về thay cha anh tiếp tục bóc lột nhân dân vì chẳng học được gì khi du học ngoài chuyện ăn chơi. (2) Chuyên: có về cũng không làm việc được vì “Hồng” tranh chấp quyền hành để tham nhũng. Cuối cùng thì “Chuyên” cũng phải bỏ nước ra đi như dân lao động.
Ra nước ngoài sống không phải dễ cho lớp người sau 1975 vì văn hóa chẳng có gì (giáo dục CSVN chỉ là nhồi sọ “tư tưởng” Mác-Mao), có việc làm kiếm sống là may. Có cộng đồng Việt Nam (CĐVN) hải ngoại đón nhận nhưng hội nhập như thế nào? Cũng là một ngôn ngữ nhưng từ ngữ cộng sản vốn ngu ngơ, ngớ ngẩn, mất gốc có lúc chống Tàu (Hán), có lúc theo Tàu (cộng sản) để được gọi là lý thuyết “cây tre” thay vì dân VNCH gọi là cỏ đuôi chó. CSVN thường đem sự thay đổi vật chất (nhà, xe) tại VN để khoe sự thành công về lãnh đạo nhưng chẳng dám nói gì về văn hóa và cũng chẳng còn nhắc đến “chuyên chính vô sản” nữa.
Vậy thì gốc của CSVN là gì? Không phải Mác, không phải Mao, không phải độc tài vì có “bầu cử”, không phải độc đảng vì có đảng bù nhìn, không phải kinh tế tư bản vì không có tự do thông tin, không phải tôn giáo trị vì các tôn giáo đều được quốc doanh, không phải quân phiệt vì tuy có “làm ăn” chút đỉnh nhưng vẫn dưới trướng bộ công an.
Công an coi toàn bộ sinh hoạt nhà nước nhưng phải có TC đồng ý. Thông thường đảng cầm quyền phải có kế hoạch 5, 10 năm nhưng đảng CSVN không biết vì dốt hay khôn lỏi nên chẳng có kế hoạch gì. Mà làm sao có thể vạch kế hoạch khi chính trị thì theo TC, kinh tế theo Mỹ, phát triển đất nước tùy theo các công ty nước ngoài đầu tư. Chuyên gia thì không có mà viên chức tham nhũng thì nhiều. Muốn phát triển thì phải có tin tức, có thảo luận nhưng giới truyền thông CSVN chỉ có hai nhiệm vụ: (1) ca tụng nhà nước, đảng. (2) chửi bới những ai chống đảng. Kể từ khi có mạng điện tử thì báo, truyền thanh, truyền hình của nhà nước chẳng ai theo dõi vì không nói dối (chối quanh) thì là nói láo (bịa đặt cho xong chuyện).
Đó là ngụy quyền CSVN. Gọi CSVN là ngụy vì bản chất dối trá, gian lận từ khi Hồ học từ Stalin, Mao; với căn bản dốt nát, dùng cái dốt để cai trị nên ngôn ngữ CSVN chẳng có định nghĩa, văn phạm; đảng và nhà nước cũng có luật lệ nhưng không theo, không tin (ai tin ráng chịu) vì luật lệ đặt ra chỉ để gạt người. Vì thế gọi là NGỤY.
Phía quốc gia
Các “chuyên gia” chống cộng tại hải ngoại thường loạn ngôn rằng “phải về VN để tìm hiểu CSVN thì mới biết đường chống” để che giấu chuyện du lịch, ăn chơi vì sau nhiều lần tìm hiểu từ Nam chí Bắc, các ngài bị mất trí nhớ (quên) hay đổi chiêu “làm kinh tế để chuyển hóa” và gọi đó là “diễn tiến hòa bình”. Có người gọi là vận động hòa bình ám chỉ Mỹ (Trump) sẽ “đánh” TC, cứu VN tức là “bất chiến tự nhiên thành”. Có người muốn tìm hiểu chính sách ngoại giao, Á Châu của Mỹ để “đẩy” (hay đón gió) cho nhanh vì tuổi cũng đã gần đất xa trời.
Sau 50 năm CSVN đã dở thì “phe ta” còn dở hơn (hay dở hơi) vì các tổ chức chống cộng vẫn không hiểu CSVN là gì. Vẫn còn sống trong thời 1930s-1940s, ôm quá khứ mà quên hiện tại. Sống trên đất tự do, dân chủ gần 50 năm vẫn không học được dân chủ là gì. Nếu không học kinh nghiệm học lịch sử thì làm sao xây dựng tương lai?
Trong khi các nhân sự đấu tranh cho nhân quyền, lương tâm trong nước nếu không bị tù, cô lập thì cũng bị đẩy ra nước ngoài. Đấu tranh cho nhân quyền trong nước thì may ra có tác dụng nhưng tại hải ngoại thì chỉ nương nhờ sự yểm trợ của quốc tế. Các tổ chức đấu tranh nhân quyền cho VN tại hải ngoại tiếp tục vận động quốc tế nhưng nếu không có kế hoạch toàn diện thì sẽ đi về đâu.
Các đảng phái quốc gia không có lý thuyết chỉ đạo. Người thì ngày càng hiếm hoi. Khi tài lực, nhân lực đã không có bao nhiêu mà vẫn không chịu giải tán hay kết hợp chỉ vì quá khứ, tự ái, tự kiêu quá lớn. Con đường cũ bế tắc. Con đường mới không thấy vì có học hỏi, nghiên cứu đâu mà thấy. Hoặc giả có thấy có dám theo không? Hay sợ mất “dĩ vãng vàng son” ?
Con đường mới
Nếu nói là chính nghĩa thì chẳng có gì là mới. Nhưng bạn giải thích “chính nghĩa” như thế nào? (sau 50 năm sống tự do dân chủ tại Mỹ). Không có cùng quan điểm về chính nghĩa thì dễ hiểu lầm (vì CSVN cũng xưng là có chính nghĩa) hay nói nhảm, lật lọng, giả mù sa mưa…
Để hậu thuẫn cho căn bản Nghĩa phải có căn bản Học. Học cái gì? Học lý luận rốt ráo (triết học). Học sự chính xác, hệ thống (khoa học). Học từ quá khứ con người, thiên nhiên (lịch sử).
Nhưng khi loài người phát triển theo những nền văn hóa khác nhau (ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo) tạo nên những quan niệm sống khác nhau mà muốn tìm hiểu nhau để sống chung hòa bình thì phải thỏa thuận cách trao đổi ý kiến, tranh luận, lý luận qua phương thức thống nhất (căn bản luận).
Khi các dân tộc phát triển theo địa lý vùng thì lịch sử mỗi quốc gia khác nhau nhưng lịch sử của nhân loại là một. Nếu không hòa giải sự khác biệt đó thì sẽ không có hòa bình thế giới cho dù bạn định nghĩa nhân quyền, nhân bản như thế nào đi chăng nữa.
Mỗi con người sinh ra là một bản thể riêng biệt, độc lập với trí óc để suy nghĩ và tay chân để hoạt động. Nhưng không vì thế mà mọi người giống nhau. Thân thể có mập, ốm, cao, thấp. Trí óc có khôn, ngu, lanh, chậm. Và định mệnh, hoàn cảnh tạo nên sự khác biệt.
Do đó con người phải học để biết thân và phận trong gia đình, xã hội. Biết tốt xấu, thiện, ác, chân giả…. Đó là sự khác biệt giữa người Quốc gia và Cộng sản. Vậy những người trong nước không hoàn toàn là Cộng sản và trong CĐVN hải ngoại không phải hoàn toàn là người quốc gia yêu nước thương dân. Đừng chụp mũ cho người bất đồng ý kiến với bạn là cộng sản khi người cùng hàng ngũ với bạn chỉ là kẻ nói láo.
Con đường mới không thể nào là sự ngồi chờ quốc tế (hay bất cứ cường quốc) làm cỗ sẵn cho chúng ta hưởng trong khi các tổ chức, nhân vật đấu tranh chẳng có gì trong đầu. Không vốn, không tư tưởng, bạn chờ gì khi CSVN sụp đổ? Bài học các nước độc tài Phi Châu, Trung Đông khi sụp đổ còn rối loạn, tệ hại hơn trước. Bài học Miến Điện, Cam Bốt cho chúng ta kinh nghiệm gì?
Con đường mới sẽ chẳng có gì mới vì đó chỉ là sự nói thẳng, nói thật. Nếu không có sự công bằng trong chính bản thân bạn thì bạn đi tìm công lý ngoài xã hội làm gì? Nếu bạn không đấu tranh tư tưởng để xây dựng bản thân thì bạn đi kêu gọi người khác tham dự đấu tranh cho xã hội là phi lý.
Nếu bạn không có sáng kiến, hy sinh, chịu đựng thì bạn sẽ lãnh đạo ai? Bạn đi tìm lãnh đạo nhưng có biết điều kiện của lãnh đạo là gì? Bạn đi tìm đồng hành nhưng có khả năng nhận diện ai là kẻ đồng hành? Bạn lên mạng xã hội để ghi nhận tin tức nhưng bạn có khả năng nhận định, phân tích các dữ kiện thu thập?
Con đường mới cũng đòi hỏi bổn phận và trách nhiệm. Bổn phận của công dân Việt là đấu tranh bảo vệ đất nước và dân tộc. Không tham dự thì thôi mà một khi tham dự thì phải có trách nhiệm. Đó là sự tự giác, tự kỷ không ai ép buộc ngay cả cha mẹ và không ai trả tiền hay hứa hẹn ghi danh bạn vào lịch sử mạng điện tử (Facebook). Bài học của sư Minh Tuệ là gì? Là không sợ (vô úy) nên CSVN phải sợ. Sự sợ hãi còn đâu đây nên các tổ chức đấu tranh hải ngoại vẫn không nói thẳng, nói thật với quần chúng về sự bế tắc đấu tranh.
Kết
Thách thức của chúng ta là sẽ có bao nhiêu người sẽ “can đảm” gặp nhau để nói về con đường mới sau 50 năm thống nhất bởi CSVN. Chúng ta có rất nhiều trang mạng viết về VN, gọi là chống CSVN nhưng chỉ là giúp vui cho qua cơn mê vì CSVN vẫn sống và tham nhũng.
Vạch trần cái xấu của CSVN không làm CSVN sụp đổ. Dân Việt sẽ tự hỏi nếu chống cộng sản thì VN sẽ đi về đâu? Các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước có câu trả lời không? Lý luận nào có thể thuyết phục toàn dân tham dự cuộc đấu tranh cho VN tương lai?
Có những cá nhân, tổ chức cố gắng đi tìm một hiến pháp (mô hình cơ cấu chính quyền) mới cho VN. Nhưng hiến pháp cho VN không thể nào là sao chép, sửa đổi vá víu từ sự cóp nhặt các hiến pháp nước ngoài.
Trong hoàn cảnh ngăn cách thông tin giữa trong và ngoài nước thì khi nào sẽ thực hiện? Các bạn có biết tiền nhân chúng ta đã vạch ra một mô hình cho VN 2000s. Đó là con đường mới? Có thể nào chúng ta chờ 50 năm nữa? Hy vọng gì ở “cường quốc siêu cộng sản”? Nếu cộng sản gian ác thì “siêu cộng sản” có thể nào là tốt cho con người?
Tỉnh dậy đi bạn.
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2025 (Việt lịch 4904)