Chợ Bến Thành là một di tích văn hóa lâu đời có từ hàng trăm năm về trước, gắn liền với đời sống của các thế hệ người dân Sài Gòn và là nét đẹp đặc trưng, biểu tượng của thành phố này.

Chợ Bến Thành năm 1970

 

Nói đến Sài Gòn ta không thể không nhắc đến một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là biểu tượng của thành phố, có tên gọi là chợ Bến Thành – khu chợ cổ mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn trải qua nhiều thế hệ.

Chợ Bến Thành hiện tại như ta thấy ngay nay nằm tại quận 1, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nhưng thực chất có lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ XVII – đầu XVIII, lúc đó chợ nằm gần sông Sài Gòn và là nơi mua bán của các tiểu thương.

Vào thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, chợ nằm ở khu vực giáp ranh với ngã ba sông Sài Gòn và sông Bến Nghé cách thành Gia Định không bao xa. Ở đó có bến nước để cho hành khách vãng lai và quân sĩ vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.

 

Thời kỳ đầu, chợ Bến Thành được xây bằng gạch, khung sườn gỗ, lợp tranh, được người xưa mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông”.

 Chợ Bến Thành cũ, cuối thế kỷ XIX, ở gần bờ sông Sài Gòn

 

Ở khu vực gần bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang, đò dọc chở khách buôn từ biển lên. Dọc bến sông, ghe buôn lớn nhỏ đậu san sát. Đầu phố phía Bắc là con ngòi Sa ngư (có điểm xuất phát từ vị trí ngày nay là Tòa Đô chánh mà thời trước người Pháp gọi Hôtel de Ville, dân ta gọi nôm na là Dinh Xã Tây, gom nước từ vùng cao xung quanh khu vực Dinh Độc lập và Nhà thờ Đức Bà ngày nay), đổ ra cửa sông Bến Nghé). Trên con ngòi có nhiều cầu ván gác ngang qua, hai bên có dãy phố ngói, quy tụ trăm thứ hàng hóa. Về sau, con ngòi này bị lấp, tạo thành con đường gọi là đường Kinh Lấp, tức là đường Nguyễn Huệ ngày nay.

Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước. Thành Quy do vua Gia Long xây năm 1788 (còn gọi là thành Phiên An, tiền thân của thành Phụng do vua Minh Mạng xây sau đó, về sau được gọi là thành Gia Định). Trước thời điểm Pháp đánh chiếm Gia Định thì khu vực quanh thành có khá ít dân cư nhưng chợ Bến Thành vẫn rất đông đúc.

 Chợ Bến Thành mới, đầu thế kỷ XX

 

Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Năm 1859, khi đánh chiếm thành Gia Định, quân Pháp bắn hỏa công thiêu rụi cả thành, thiêu hủy cả ngôi chợ ấy. Sau đó chợ có được dựng lại nhưng chỉ bằng các loại vật liêu thô sơ nên đến đầu thế kỷ XIX ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nhằm phòng tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ chừa lại gian hàng thịt, cá, với cấu trúc bằng vật liệu nhẹ. Đồng thời người Pháp đã chọn một khu vực khác để xây dựng lại một khu chợ mới với kiến trúc tốt hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, chính là nơi tọa lạc chợ Bến Thành ngày nay. Đây là vị trí vô cùng đắc địa vì ga xe lửa là điểm đầu mối giao thương sản vật giữa hai miền Đông và Tây Nam kỳ lục tỉnh. (Ga xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho đã bị dỡ bỏ, nay thành Công viên 23/9)

 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc của chợ Bến Thành ngày nay mang diện mạo không mấy khác xa so với thời kỳ đầu hình thành chợ mới. Được khởi công xây dựng năm 1912, đến năm 1914, chợ khánh thành đi vào hoạt động với tên gọi “chợ Bến Thành mới”. Cũng cần biết thêm, khu chợ tự phát trên đương Tôn Thất Đạm Q1 ở góc đầu đường Hàm Nghi được gọi tên “chợ Cũ” vì nó tọa lạc trên nền cũ của một phần chợ Bến Thành quá khứ.

Khu vực trước mặt chợ Bến Thành ngày nay – công trường Quách Thị Trang – trước kia là cái ao sình lầy được chính quyền bảo hộ Pháp cho lấp năm 1912 cùng lúc với việc xây chợ Bến Thành mới. Cửa chính của chợ Bến Thành là cửa Nam, rất phù hợp với tiêu chí mở cửa chính trong kiến trúc Việt: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”.

 Chợ Bến Thành ngày nay

 

Mặt Bắc chợ mới là đường Lê Thánh Tôn ngày nay; mặt Tây là đường Phan Chu Trinh; mặt Đông là đường Phan Bội Châu. Chợ Bến Thành có 16 cửa gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ. Cửa Nam là mặt tiền của chợ Bến Thành hướng ra công trường Quách Thị Trang. Điểm nổi bật nhất của cửa Nam chính là tháp đồng hồ, tháp có ba mặt và được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp.

Bên dưới tháp đồng hồ, ở mặt tiền, có ba chữ “CHỢ BẾN THÀNH”, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. Nếu như cửa Bắc rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây thì cửa Ðông lại bày bán các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc. Cửa Tây nổi bật với sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm…

Buổi tối, chợ như khoác lên một tấm áo mới với sắc màu rực rỡ, tráng lệ trong không khí đông đúc, tấp nập, nhộn nhịp người qua lại. Chợ đêm được tổ chức trên hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ chính, với nhiều hoạt động giao thương, thưởng thức ẩm thực đa dạng dành cho du khách và người dân bản địa.

Có thể nói, chợ Bến Thành chính là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc. Không chỉ vậy chợ còn mang dấu ấn văn hóa rõ nét, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Việt.