“Kiên cường” đứng về phía Nga, đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đứng về phía tội phạm chiến tranh, phía sai lầm của lịch sử, và điều đó sẽ mang lại nhiều hệ lụy đau đớn cho đất nước, nhất là trong mối quan hệ với thế giới văn minh.
Hiếu Chân
Hôm thứ Hai 14 tháng Mười Một, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) bỏ phiếu về một nghị quyết do 50 quốc gia thành viên bảo trợ lên án cuộc xâm lăng của Nga và đề ra các bước đi tiến tới việc buộc Moscow bồi thường cho sự tàn phá mà quân Nga gây ra ở Ukraine. Nghị quyết được thông qua với 94 phiếu thuận, 73 phiếu trắng và 13 phiếu chống; Việt Nam một lần nữa lại bỏ phiếu trắng và huênh hoang tuyên bố “Việt Nam kiên định lập trường về vấn đề xung đột Nga – Ukraine”.
Tại phiên họp khẩn cấp bất thường thứ 11 ngày 14 tháng Mười Một, các thành viên ĐHĐ LHQ bỏ phiếu về nghị quyết tạo ra một cơ chế tiến tới việc buộc Moscow bồi thường cho sự tàn phá mà quân Nga gây ra ở Ukraine. Như những lần trước, Việt Ma lại bỏ phiếu trắng, từ chối lên án Nga. Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images)
Nghị quyết nêu “Nga phải chịu các hậu quả pháp lý về tất cả những hành động sai trái về mặt luật pháp quốc tế, bao gồm bồi thường cho những người bị thương, bao gồm bất kỳ tổn thất nào bị những hành động như vậy gây nên.”
Nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có tính ràng buộc về cưỡng chế thi hành nhưng có trọng lượng chính trị rất lớn vì nó thể hiện quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, cho thấy thế giới đứng ở phía nào trong các cuộc xung đột có ảnh hưởng toàn cầu. Lá phiếu của mỗi quốc gia vì thế sẽ cho thấy chỗ đứng của quốc gia đó, có hòa nhập được với thế giới hay chỉ là quân cờ của một phe nhóm nào đó.
Năm lần lội ngược dòng
Từ khi Nga nổ súng xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai 2022, ĐHĐ LHQ đã có năm nghị quyết lên án hành vi của Moscow vi phạm Hiến Chương LHQ, cấm các nước sử dụng vũ lực để giải quyết những bất đồng chính trị. Trong năm lần bỏ phiếu, Việt Nam bỏ một phiếu chống và bốn phiếu trắng, chưa bao giờ đồng thuận với đại đa số thành viên LHQ, bất chấp những cảnh báo, thuyết phục của các nước có cảm tình với Việt Nam.
Vào ngày 2 tháng Ba, ĐHĐ LHQ bỏ phiếu một nghị quyết yêu cầu Nga ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ quân ra khỏi Ukraine và bảo vệ dân thường. Nghị quyết này có 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Ngày 24 tháng Ba, ĐHĐ bỏ phiếu quy trách nhiệm cho Nga về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, kêu gọi ngừng bắn và bảo vệ ngay lập tức cho hàng triệu thường dân và nhà cửa, trường học, và bệnh viện. Nghị quyết này có 140 phiếu thuận, năm phiếu chống và 38 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Ngày 7 tháng Tư, ĐHĐ ra nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ; kết quả có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và có tới 58 phiếu trắng; lần này VN bỏ phiếu chống.
Ngày 12 tháng Mười, ĐHĐ LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án kịch liệt “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” của Nga đối với bốn khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine và kêu gọi tất cả các nước không công nhận việc sáp nhập này. Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Và như nói ở đầu bài, hôm 14 tháng Mười Một, Việt Nam lại bỏ phiếu trắng cho nghị quyết yêu cầu Nga bồi thường chiến tranh ở Ukraine.
Người Việt có câu “sự bất quá tam.” Phàm ở đời, việc gì cũng không nên làm nhiều lần, chỉ ba lần là tối đa. Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha ba lần, nếu vẫn tái phạm thì lần thứ tư phải phạt. Làm một việc gì đó, nếu tới lần thứ ba mà vẫn không thành thì nên dừng lại suy nghĩ và tìm cách khác. Với năm lần bỏ phiếu chống và phiếu trắng, Việt Nam đã vượt qua lằn ranh đó, “kiên cường” chứng tỏ cho thế giới thấy lòng trung thành của Hà Nội với Moscow – “anh cả Đỏ” từng bảo trợ cho đảng Cộng Sản Việt Nam trong cuộc chiến thôn tính miền Nam Việt Nam và hiện cung cấp trang bị vũ khí cho quân đội.
Sự kiên cường của kẻ điếc
Nên để ý trước các cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ, Việt Nam đã được các nước vận động khá kỹ nhưng Hà Nội giống như người “điếc không sợ súng”.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm 12 Tháng Mười, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã họp với 160 nhà ngoại giao nước ngoài có trụ sở tại Mỹ, đại diện cho hơn 100 quốc gia, yêu cầu họ ủng hộ nghị quyết. Hoa Kỳ cho rằng trong cuộc chiến Ukraine-Nga không có cái gọi là trung lập, và hành động của ông Putin là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.” Lời nhắn nhủ của ông ngoại trưởng Mỹ vẫn bị Việt Nam bỏ ngoài tai dù bên cạnh Việt Nam hai nước Cambodia và Miến Điện – hai nước có nhiều hiềm khích với Tây Phương – đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm qua 14 tháng Mười Một, Hà Nội đã đón tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và một trong những thông điệp quan trọng mà nhà lãnh đạo Đức mang tới là kêu gọi chính phủ Việt Nam thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng đối với cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, đài truyền hình Tagesschau và tờ báo Tagesspiegel của Đức đưa tin hôm 13 tháng Mười Một, dẫn lại tuyên bố báo chí của ông Scholz. “Cuộc chiến xâm lược của Nga là sự vi phạm luật pháp quốc tế, tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Các nước nhỏ hơn không còn an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn”, ông Scholz nói thêm với Thủ tướng cộng sản Phạm Minh Chính.
Nhưng những khuyến cáo của ông Blinken của Mỹ hay ông Scholz của Đức với lãnh đạo Hà Nội đều như nước đổ lá môn!
Bộ mặt khó coi của Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vasily Nebenzya trong cuộc họp bất thường của ĐHĐ ngày 14 tháng Mười Một, khi nghe Đại diện thường trực Ukraine Sergiy Kyslytsya phát biểu, tố cáo tội ác của Nga đối với thường dân Ukraine. Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images)
Chẳng những thế, Việt Nam “kiên cường” khẳng định: “Quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga – Ukraine là rất khách quan và rõ ràng, đó là: Việt Nam kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu”, theo một bài xã luận trên trang mạng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Quan điểm đó thể hiện trong các phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang – lặp đi lặp lại như một chiếc đĩa hát bị lỗi: “Việt Nam ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả chiến tranh để tái thiết đất nước, duy trì hòa bình bền vững, ổn định cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, Việt Nam tin tưởng rằng trong mọi xung đột, các bên liên quan và đối tác quốc tế cần hết sức nỗ lực góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Hà Nội làm như tin rằng chỉ “kêu gọi”, “tin tưởng” thì mọi xung đột sẽ tự khắc chấm dứt mà không cần dùng tới biện pháp trừng phạt thủ phạm, giúp đỡ nạn nhân!
Chính nghĩa nào ở hành vi xâm lược?
Ông Phạm Minh Chính thì dường như rất tâm đắc với câu nói: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải…,” mà ông ta nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) giữa thủ đô Washington, DC hồi tháng Năm 2022 – nhằm che giấu bản chất theo đóm ăn tàn của chính quyền Hà Nội.
Mới tuần trước, hôm 5 tháng Mười Một, ông Chính lại nhấn mạnh đường lối đối ngoại “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”, đài BBC dẫn lại.
Chính nghĩa, công bằng và lẽ phải mà ông trùm cộng sản nói là cái gì? Không dưng xua quân xâm lược một nước láng giềng nhỏ hơn nhưng là nước độc lập, có chủ quyền và đang sinh sống hòa bình, hành vi của Vladimir Putin bị cả thế giới phản đối mà kết quả các cuộc bỏ phiếu ở ĐHĐ LHQ kể trên cho thấy. Vô cớ xâm lược mà là chính nghĩa ư? Chín tháng chiến tranh đã bộc lộ đầy đủ bộ mặt gian ác, tàn bạo của chính quyền Nga dưới quyền của tay đồ tể Vladimir Putin: hàng vạn người bị giết oan, hàng chục thành phố bị san bằng; nhiều nhà máy điện, nước, bệnh viện, trường học, nhà hát… bị biến thành đống đổ nát. Như thế là công bằng ư? Xua quân chiếm đóng rồi sáp nhập các vùng đất chiếm được vào lãnh thổ của mình để mở rộng biên giới. Như thế là công lý ư?
Hóa ra cái chính nghĩa, công bằng, công lý, lẽ phải của ông trùm cộng sản Phạm Minh Chính là đứng về phía xâm lược, theo đuôi những nhà độc tài khát máu và luôn nuôi tham vọng bành trướng. Ông ta quên rằng, Việt Nam đang sống cạnh một tên độc tài bành trướng như vậy, chẳng biết lúc nào chính Việt Nam lại trở thành nạn nhân của một cuộc xâm lược như tình cảnh của Ukraine hiện nay.
Hậu quả khó lường
Nga đang liên tiếp bị đánh bại, phải tháo chạy nhục nhã khỏi một số cứ điểm quan trọng trên chiến trường. Kinh tế Nga đang lao đao vì các lệnh trừng phạt quốc tế. Hàng trăm ngàn người Nga có năng lực và trình độ đã rời khỏi đất nước để tránh bị biến thành bia đỡ đạn cho tham vọng của Putin. Trên trường quốc tế, Nga bị cô lập tới mức Putin không dám đến dự các sự kiện chính trị của LHQ vì lo sợ bị ám sát, bị đàn em đảo chính lúc ông ta vắng mặt. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Bali, Indonesia không có đoàn nào chịu chụp ảnh chung với đoàn Nga như thông lệ. Từ một cường quốc, Nga đã bị biến thành một đất nước bị xa lánh, thật thảm hại.
“Kiên cường” đứng về phía Nga, đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đứng về phía tội phạm chiến tranh, phía sai lầm của lịch sử, và điều đó sẽ mang lại nhiều hệ lụy đau đớn cho đất nước, nhất là trong mối quan hệ với thế giới văn minh.
Cái hậu quả của sự lựa chọn sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam chắc sẽ không nhỏ.
(15.11.2022)