“Ngày 30 tháng 4 năm 2025 đánh dấu một khởi đầu đầy ý nghĩa cho thế hệ hậu chiến, nay họ trưởng thành với tuổi 50 và có trách nhiệm chính trị cho công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.”
Đỗ Kim Thêm

Ảnh trên mạng
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là một ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam đương đại, cũng là dịp để chúng ta cùng nhau hồi tưởng về ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những gì mà dân tộc đã sống trong 50 năm qua.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc chiến tranh và mở ra một vận hội mới huy hoàng cho đất nước: hoà bình, thống nhất và tái thiết hậu chiến với tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc. Thực tế nhiều năm qua lần lượt bào mòn bao ước vọng chân thành của những người dân muốn có một chỗ đứng trong lòng dân tộc.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 khởi đầu cho một tiến trình tương phản phức tạp, một biểu tượng nghịch lý bi đát: ngày miền Nam thoát khỏi chiến tranh cũng là ngày miền Bắc hiểu rõ hơn thế nào là giải phóng và hy sinh cho chính nghĩa, cảm xúc vỡ oà không phải chỉ có vinh quang, thắng lợi vật chất mà còn tủi nhục và thiệt hại tinh thần. Hằng năm, vào ngày lịch sử này, hai tâm trạng đối nghịch nhau luôn được đặt ra và đến nay được nhìn lại khác hẳn.
Với bao thăng trầm của dân tộc trong 50 năm, tâm tư người dân hai miền giờ đây lắng đọng hơn và không còn thiết tha tranh luận chuyện thắng thua, những cảm xúc vui buồn của thời sự năm nào nay đã phai nhoà.
Ngược lại, đứng trước bối cảnh của một đất nước đang phát triển kinh tế đầy năng động và hội nhập quốc tế, một sự thật khác lại phơi bày: một nền chính trị tự do dân chủ toàn diện và kinh tế thịnh vượng công bình và bền vững vẫn còn là mơ ước chung, và ưu tư của chúng ta là phải làm gì cụ thể để đóng góp.
Nhưng chúng ta ở đây là ai?
Có hai tác nhân chính: Chính quyền và dân chúng. 50 năm là một khoảng thời gian dài đủ để cho cả hai có ý thức phản tỉnh khi nhìn lại quá khứ lịch sử và tìm ra một lối đi chung cho tương lai đất nước. Sự tỉnh thức là khởi điểm cần thiết của tư duy, một khả năng tự khai sáng và quyết định về các vấn đề sinh mệnh của đất nước và hạnh phúc của toàn dân. Trong tình tự dân tộc, chúng ta cũng nên nói hết cho nhau nghe những gì suy nghĩ và cùng muốn thực hiện.
Chính quyền
Chính quyền cần nhìn lại thành tích trong quá khứ lịch sử để tìm ra một cách chính xác hơn về các nguyện vọng trung thực của toàn dân trong hiện tại; từ đó, may ra có thể đề ra một giải pháp cải cách toàn diện, hữu hiệu và khả thi cho tương lai.
Dù đã có thành tích nổi bật trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh với kẻ cựu thù Hoa Kỳ và nâng mối bang giao lên tầm cao mới với ý nghĩa đối tác chiến lược toàn diện, nhưng, với nhiều lý do khác nhau, chính quyền lại chưa thành công trong việc hoà giải và hoà hợp với người dân của hai miền, cũng như trong và ngoài nước.
Nhưng hoàn cảnh mới đang mang lại nhiều thuận lợi cho chính quyền.
Có hai lý do chính: Một là, các tiếng nói chống đối của cộng đồng người Việt hải ngoại lặng lẽ hơn. Các phong trào chuyển lửa cho quê hương qua việc yểm trợ về truyền thông ngoại vận và tài chính không còn tác động tích cực; đôi khi ngược lại, sự đồng cảm về mục tiêu đấu tranh chung giữa bên trong và bên ngoài nước không còn thắm thiết.
Hai là, mục tiêu của các phong trào đấu tranh dân chủ trong nước thay đổi thực tế hơn. Những tiếng nói can đảm đòi quyền tự do báo chí, cải cách pháp luật và tôn trọng nhân quyền thưa thớt dần, thậm chí những khuôn mặt nổi bật được người Việt kỳ vọng trong vai trò lãnh đạo cũng lần lượt ra nước ngoài hay tuyên bố “giã từ vũ khí”. Do đó, chính quyền không còn bận tâm lo đối phó mà chỉ còn tìm cách bội thu kiều hối từ hơn 5 triệu người Việt hải ngoại.
Với quy luật thời gian, thế hệ tham chiến, dù ở trong nước hay hải ngoại, dù muốn hay không, cũng phải lần lượt ra đi và thế hệ hậu chiến hầu như không mang nhiều gánh nặng từ quá khứ lịch sử. Không ai bảo ai, cả hai thế hệ cùng nhau tự nhủ lòng rằng nhu cầu hoà giải sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc trong âm thầm, một kết quả đương nhiên.
Về mặt lý thuyết, chính quyền biết rõ hơn dân chúng là không thể tiếp tục hô hào đấu tranh cho lý tưởng chuyên chính vô sản theo lý thuyết Xã hội chủ nghĩa (XHCH), vì thực ra, không còn thuyết phục được ai. Về cơ bản, nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCH tự bản chất là một quái thai giúp cho giới tư bản thân tộc lên ngôi thành một giai cấp bóc lột mới gây bao bất công cho xã hội. Chính quyền cũng không có lý thuyết nào khác hay hơn để áp dụng cho phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Nhìn chung, khi nhìn lại sau 50 năm cầm quyền, chính quyền có thể hãnh diện về những thành tựu kinh tế, cụ thể là năm 2024 mức tăng trưởng đạt 7,09%, vượt chỉ tiêu 6,5-7%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kỷ lục 405,53 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,3% so với năm 2023. Thanh thế ngoại giao của Việt Nam vang lên tại nhiều diễn đàn quan trọng như ASEAN, Liên Hiệp Quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28),Vành đai và Con đường, v.v., nhưng không thể che giấu được một thảm hoạ chung nghiêm trọng cho đất nước: tham nhũng lên ngôi cao ngất, cạn kiệt môi sinh, suy đồi đạo đức, khủng hoảng giáo dục, vi phạm nhân quyền và bất ổn xã hội.
Ai nhận chịu trách nhiệm về hiện tình này?
Hẳn nhiên, Đế quốc Mỹ và tay sai đã trốn chạy từ lâu và ngày nay không đủ khả năng. Nhưng còn ai khác? Chính quyền quy chụp cho thiểu số, những thành phần phản động, suy thoái đạo đức đang chống phá đất nước, đó là một cách tổng quát hoá vội vã. Đúng hơn, chính quyền cần thành tâm nhận ra rằng độc tôn đảng quyền đã tạo nên cơ chế kiểm soát quyền lực hoạt động không hữu hiệu, hệ thống tư pháp không độc lập, sinh hoạt công quyền thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình là nguyên nhân chính. Do đó, chính quyền nên tiến hành một cuộc cải cách chính trị toàn diện trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường và xã hội dân sự, một nhu cầu mới và bức thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, một đất nước với 100 triệu dân mà chỉ có khoảng 200 người tù nhân lương tâm, nên chính quyền không cần phải tận lực toàn diện để đàn áp mà cần đối thoại với thiểu số này trong tinh thần tương kính. Nếu so với các phong trào đối kháng như tại Syria, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền không có nhiều đối lực đáng lo ngại.
Tuy nhiên, một bài học cần suy gẫm là sự trường tồn của dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng, đó là hai phạm vi khác nhau mà hầu như chính quyền chưa phân biệt; “Mừng Đảng, mừng Xuân” là một thí dụ quen thuộc, một khẩu hiệu mà đến độ hầu như ai cũng đồng ý là trong niềm vui xuân của dân tộc, lời chúc mừng cho Đảng có phần ưu tiên hơn.
Thời thế đổi thay sau 50 năm dài, lịch sử dân tộc hào hùng vẫn còn đó các khuất tất bi thương, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục “làm thinh” trước sự thật lịch sử. Đã đến lúc chính quyền phải nhận ra rằng mọi nhận thức về quá khứ vinh quang của một đất nước anh hùng cần được xét lại, thay vì tiếp tục độc quyền giải thích.
Có hai thí dụ tiêu biểu. Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, chưa có một trường hợp nào mà giới lãnh đạo lại vô cùng hãnh diện về mục tiêu đấu tranh là đem binh sĩ chết thay cho ngoại bang như Liên Xô và Trung Quốc. Còn về thành quả thì đáng ngạc nhiên hơn: phe thắng cuộc mất khoảng 1 triệu binh sĩ được so sánh với phe thua cuộc khoảng 225.000, một việc đáng suy gẫm về mối tương quan của tổn thất và ý nghĩa của chiến thắng.
Lập luận chung của chúng ta là cần phải khép lại quá khứ lịch sử; thực ra, đó là một thái độ né tránh và chọn lọc khôn ngoan, cố níu kéo những vinh quang trong quá khứ, che giấu các sai lầm và gian trá về chính sử.
Điều may mắn là bia miệng vẫn còn trơ trơ để truyền tụng các sự thật. Lịch sử truyền khẩu sẽ không bao giờ quên được các tội ác sát hại Đức Huỳnh Giáo Chủ (1946), đàn áp Phật giáo Hoà Hảo và thảm sát hơn 5000 người dân vô tội tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân (1968), đó là mấy thí dụ. Dĩ nhiên, còn vô số các khám phá khác mà các tư liệu từ phương Tây gần đây đã lần lượt phơi bày. Trong thời đại văn minh, các hình thức độc quyền ban phát chân lý lịch sử không phải là tiếng nói của lương tri và đạo đức. Sự thật sẽ mãi tồn tại và khai sáng cho chúng ta.
Thế hệ hậu chiến
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 đánh dấu một khởi đầu đầy ý nghĩa cho thế hệ hậu chiến, nay họ trưởng thành với tuổi 50 và có trách nhiệm chính trị cho công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nhìn chung, ước vọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân vào tuổi trung niên bình thường thật giản dị và dể hiểu; ai cũng có các nhu cầu thực tế, đó là bảo vệ sức khoẻ cá nhân, hạnh phúc gia đình, bình yên thôn xóm, đất nước được thịnh vượng, dân quyền và nhân quyền được tôn trọng. Đó là một khuôn khổ cụ thể để xây dựng lại các mối quan hệ chung cho toàn xã hội mà mọi người cùng đồng tình chuyển hướng trong đường lối thực tiễn.
Nhưng thông qua đó, mục tiêu chung cho đất nước trong thời kỳ mới là vô cùng cao cả: phải thay đổi hiến pháp dân chủ, đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, nâng cao đạo đức và giáo dục, tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo vệ thiên nhiên. Chính một tinh thần đồng thuận về mọi giá trị chính trị mới này trở thành niềm tin trong việc xây dựng tương lai. Nhưng nếu nghĩ ra được những mục tiêu xa vời như vậy, thì giới trẻ phải làm gì cho thiết thực? Để đáp ứng cho tình hình mới, họ cần tích lũy nhiều kiến thức và kinh nghiệm, nhưng đang gặp phải vô số các thách thức.
Về mặt lý thuyết, giới trẻ bất hạnh vì không được thừa hưởng một lý thuyết khả thi nào của bậc cha ông. Cho đến nay, chính quyền không thể lý giải được việc vận hành cơ chế Kinh tế Thị trường và Nhà nước Pháp quyền theo định hướng XHCH và cũng công khai xác nhận là không thể hoàn thiện đường lối XHCN cho đến cuối thế kỷ XXI. Do đó, giới trẻ không tìm ra được một lý thuyết nào mới để học tập và thực thi.
Nhận thức mới cho giới trẻ đến từ đâu? Hiển nhiên là đến từ hệ thống giáo dục sau năm 1975. Khi một hệ thống giáo dục đã lạc lối và làm mất niềm tin về giá trị của toàn xã hội qua nhiều thế hệ, thì tình trạng tụt hậu là hậu quả. Thực tế càng bi quan hơn vì giới trẻ ít quan tâm đến việc tìm hiểu và mến yêu lịch sử và trào lưu dân chủ tự do. Không được học tập và thực tập các giá trị cao đẹp này; do đó, họ không có các nhận thức mới cần thiết, đó là vấn đề không đáng trách.
Về mặt kinh nghiệm, giới trẻ thu thập được gì để chuẩn bị cho tương lai? Hầu như là không. Các kinh nghiệm đấu tranh hào hùng của các bậc tiền bối trong thời kỳ Cách Mạng Tháng Tám (1954) và Đại Thắng Mùa Xuân (1975) không còn phù hợp cho công cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, số hoá và hợp tác quốc tế.
Để bù đắp, các kinh nghiệm mới về chính sách kinh tế dân chủ xã hội tại các nước Bắc Âu có lẽ cũng cần nên tìm hiểu. Việc tôn trọng tinh thần tôn trọng dân chủ, bình đẳng, luật pháp và phúc lợi cho toàn dân trong mô hình này cần thảo luận để so sánh với chủ trương XHCN.
Nói chung, Việt Nam cần theo một mô hình chuyên biệt, phản ảnh bản sắc và lịch sử dân tộc trong khuôn khổ chung theo các giá trị phổ quát của trào lưu thế giới. Dĩ nhiên, khó khăn nhất ở đây là dị biệt về bối cảnh văn hoá và môi trường áp dụng.
Sau 50 năm cầm quyền trong một đất nước thống nhất, chính quyền sẽ sẵn sàng chuyển giao quyền lực chính trị cho thế hệ trẻ không? Giới trẻ có nên hy vọng như vậy không? Chắc là không. Trong một xã hội hỗn loạn, không ai có thể tiên đoán được đổi mới về chính trị sẽ được hình thành như thế nào. Tất cả đều tuỳ thuộc vào một số quan niệm về tương lai, những cách đánh giá khác nhau về ý nghĩa của xu hướng và các chuẩn mực để giải quyết các khác biệt.
Dù chính quyền đang hô hào là đất nước đang đi vào một kỷ nguyên mới và Đảng sẽ nắm vững hơn vai trò lãnh đạo toàn diện và tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, giới trẻ cần tự hỏi đó có phải là một tin vui chung cho đất nước không? Họ hiểu gì về các cải cách gần đây, nhất là về triển vọng dân chủ hoá và canh tân đất nước?
Nhiều việc thanh trừng cá nhân và chuyển giao quyền lực một cách mờ ám trong các cấp trung ương Đảng và chính quyền cho thấy có một tín hiệu mới bi quan hơn: giống như những gì đang xảy ra tại Trung Quốc, đó là việc tập trung quyền lực hệ thống Đảng vào trong tay cá nhân, có nghĩa là, quyền lực cá nhân sẽ trổi dậy và chế độ Công an trị cứng rắn hơn bao giờ hết sẽ ra đời.
Trong chiều hướng này, lời kêu gọi “đổi mới tư duy” trong “giai đoạn cách mạng mới” để có “quyết sách lịch sử” có xuất phát từ thực tâm không, đó có phải là một tiền đề cho việc mở rộng quyền tham gia của thế hệ trẻ trong hệ thống mới không?
Thực ra, Đại hội XIV đang chuẩn bị một kế hoạch dài hạn cho tương lai: tái cấu trúc Đảng để kiểm soát toàn diện bộ máy tổ chức và cá nhân hóa quyền lực của người đứng đầu, đó một nhu cầu sinh tử hơn là nỗ lực dân chủ hóa cho đất nước, có nghĩa là, chuyển giao quyền lực chính trị trong an hoà theo cách minh bạch, hợp pháp và hướng đến lợi ích quốc gia lâu dài cho thế hệ trẻ không được đặt ra. Do đo, giới trẻ sẽ không có cơ hội để tham gia trong tiến trình đổi mới chính trị này.
Kết luận
Đất nước đang chuyển mình, mà cải cách chính trị toàn diện là giải pháp, sức mạnh của toàn dân, quyền dân tộc tự quyết là phương tiện và thế hệ đang tuổi 50 sẽ là lực lượng chính trong tiến trình này. Họ có thực sự dám mơ ước có một nền chính trị với tự do dân chủ toàn diện, kinh tế phát triển công bình thịnh vượng trong lâu dài không và có can đảm tham gia thực hiện mục tiêu này không? Đó là thách thức mới cần thảo luận.
Thế hệ hậu chiến cần tỉnh thức về thân phận chính trị, vấn đề kiến thức; xác định ý muốn đóng góp cho đất nước, vấn đề quyết tâm. Nếu còn sống trong vô cảm, mang tâm trạng nô lệ tự nguyện, còn Đảng còn mình và chờ đợi hạnh phúc do Đảng ban phát, thì đất nước sẽ còn tiếp tục sống trong tương lai như trong 50 năm qua. Trong thời kỳ mới, không ai có thể chuyển hoá đất nước thay cho thế hệ trẻ. Vấn đề chính là thế hệ trẻ có dám chọn lựa đúng đắn và quyết tâm hành động cho một khởi đầu mới không. Tương lai đang vẫy gọi, hãy nỗ lực rồi sẽ cậy trông.
Cuối cùng, trong thời điểm giao mùa của lịch sử, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện hồn thiêng sông núi và các bậc tiền nhân phù hộ cho chúng ta. May ra, một phép lạ nào đó làm biến đổi đất nước tươi đẹp cho 50 năm sắp tới sẽ đến.
Đỗ Kim Thêm