Trọng và Thưởng khác nhau thế nào?
Jackhammer Nguyễn
7-3-2023
Tiếng Dân
Vậy là “anh cán bộ đoàn” Võ Văn Thưởng trở thành một trong tứ trụ triều đình của nhà nước cộng sản Việt Nam, khi ông nhận chức chủ tịch nước vào ngày 2-3-2023. Với tuổi đời là 53, con đường hoạn lộ của ông Thưởng khá hanh thông và nhanh chóng, trong một hệ thống của những cụ già.
Thậm chí nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm là ông Carl Thayer còn nói với BBC Việt ngữ rằng, việc thăng tiến của ông Võ Văn Thưởng là một trường hợp độc đáo, có thể là bước ngoặc của chính trị Việt Nam. Lý do để ông Thayer nhận định như vậy là xuất thân của ông Võ Văn Thưởng, ông sinh ra ở miền Bắc và trưởng thành ở miền Nam, một sự dung hòa để vượt qua một luật bất thành văn, rằng những nhân vật “lý luận cộng sản” phải có gốc gác miền Bắc.
Bước ngoặc giả định của ông Thayer sẽ được chứng minh trong vài năm tới, liệu ông Thưởng cùng với “hành trang Mác Lê” của ông, có làm tổng bí thư đảng hay không.
Ông Thưởng học Đại học Tổng hợp thành Hồ, nay được chia ra làm hai là xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên, trong những năm 1988-1992. Đây là thời kỳ khá đặc biệt của lịch sử Việt Nam hiện đại, với cái gọi là “đổi mới”, bắt đầu năm 1986. Không ít thì nhiều, “đổi mới” cũng tạo nên một không khí xã hội tự do hơn. Lúc ấy đám báo chí, văn nghệ sĩ, công khai chọc quê cái nghề mà ông Thưởng rành nhất, là nghề … “cán bộ đoàn”.
Thời ông Thưởng bắt đầu học đại học là thời mà khoa Chính trị Mác – Lê bắt đầu … không có ai học, nhất là tại đầu não một thời của xã hội tự do Việt Nam Cộng hòa là thành phố Sài Gòn. Sinh viên khoa này đa số là các cựu chiến binh của cuộc chiến Campuchia đang bước vào giai đoạn cuối, chủ yếu là dân gốc miền Bắc. Các cựu chiến binh này không có kiến thức gì về các môn khoa học tự nhiên, hay thậm chí là văn chương chính trị hóa của chế độ. Khoa Mác – Lê, ít nhất tại trường đại học Tổng hợp lúc đó, thực sự là để chứa những phần tử yếu kém nhất về kiến thức của thế hệ thanh niên lúc đó. Đó là nơi giải quyết một số lượng khá đông các cán bộ chính trị trong quân đội vừa giải ngũ, nhưng đồng thời cũng là một cố gắng vơ vét “nhân lực”, nhằm duy trì ý thức hệ của chế độ.
Tuy nhiên, ông Thưởng không phải là cựu chiến binh, cho nên việc chọn lựa của ông đi học Mác – Lê có thể là một trong hai nguyên do, thứ nhất là ông không học được các môn khoa học tự nhiên hay ngoại ngữ. Với thân thế cha mẹ tập kết như ông, ông có thể “tranh thủ” được một “suất” đi … Liên Xô, nếu ông học tốt khoa học tự nhiên hay ngoại ngữ.
Tuy vậy, tôi cho rằng sự lựa chọn của ông Thưởng là ở nguyên nhân thứ hai, đó là con đường hoạn lộ Mác – Lê, dễ vào, không cạnh tranh nhiều với các gia đình “ưu tú” khác, lại có thể đi lên như các bậc tiền bối Nguyễn Phú Trọng, hay Đinh Thế Huynh…
Trong cái không khí đó, ông Võ Văn Thưởng, dù có thể không có gì sáng chói, nhưng ông lại có một đức tính làm cho ông thăng tiến trong xã hội cộng sản, đó là nhẫn nhục (bị chọc quê là cán bộ đoàn, bị chê là dốt mới vô khoa Mác – Lê), dĩ hòa vi quý, tròn trịa không góc cạnh, không tranh cãi… Đây là điều mà ông Nguyễn Hữu Liêm nhận định với BBC tiếng Việt: “Võ Văn Thưởng là một hiện tượng quyền lực trong một truyền thống và thể chế biết tận dụng những nhân sự ngây ngô, không bản lãnh, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo ngôn ngữ và tập quán chế độ”.
Ngoài ra, ông Thưởng còn có một điểm đặc biệt về nhân thân của ông, mà do đó ông được ông Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và có thể chọn làm người kế vị. Đó là ông hoàn toàn là một sản phẩm nội địa, không bị phương Tây “hủ hóa” như các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam vừa bị mất chức. Sản phẩm nội địa như ông Thưởng hiện nay khá hiếm, vì con cái cán bộ to nào mà chả đi phương Tây để du học?! Các sản phẩm “ngoại nhập” vẫn khó làm việc với các lãnh chúa địa phương, vì bị nghi ngờ, hoặc do cách sống, ứng xử.
Thế nhưng, trường hợp Võ Văn Thưởng làm cho ông Liêm sai trong nhận định trước đây của ông, rằng ông Trọng, đương kim tổng bí thư đảng, là “người cộng sản” cuối cùng. Ông Thưởng rất giống ông Trọng ở con đường học hành và hoạn lộ. Chẳng lẽ ông Thưởng lại là một người cộng sản cuối cùng tiếp theo?
Tôi nghĩ, chẳng có ông nào “cộng sản”, mà ông nào cũng là “cộng sản” cả. Các ông Trọng, Thưởng, hay Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng… nên được gọi là các ông “thuần đảng” thì đúng hơn. Mà chữ “đảng”, từ hơn 30 năm qua đâu có nghĩa chỉ là … cộng sản, mà là quyền lực. Cái quyền lực ý thức hệ lạ lùng ám chướng tầng lớp tinh hoa đang cai trị Việt Nam hiện nay. Nó giống như cái khái niệm “thiên tử” ngày xưa của chế độ phong kiến.
Nói cho cùng, xã hội cộng sản ở Việt Nam ngày nay là một xã hội phong kiến kiểu Tàu hiện đại. Thay vì một ông vua như ngày xưa, Việt Nam bây giờ có tới gần 20 chục ông vua trong Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, giữa Trọng và Thưởng cũng có một điểm khác biệt. Đó là ông Thưởng dù sinh ra ở miền Bắc, nhưng lớn lên ở miền Nam, và vào giai đoạn trưởng thành, ông chứng kiến một không khí khá cởi mở, trong đó người ta công khai chỉ trích cái “nghề cán bộ đoàn” của ông, người ta biết được sự kiện Thiên An Môn, biết được Gorbachev thay đổi Liên Xô. Chắc là ông Thưởng có đọc, hoặc ít nhiều nghe nói tới các tác phẩm văn chương, nghệ thuật vào thời điểm tự do nhất của xã hội Việt Nam trong gần 50 năm qua, như là: Cù lao Tràm, Cái đêm hôm ấy… đêm gì, Ông đại tá về hưu, Nhân danh công lý…
Một điểm nữa có thể làm ông Thưởng khác các đồng nhiệm Mác – Lê của ông ở miền Bắc, đó là ông tiếp xúc được với một văn hóa tự do, “tàn dư chế độ cũ”, của Việt Nam Cộng hòa trước đây. Trên đường phố Sài Gòn, chắc chắn ông có nghe người ta nghêu ngao những bản nhạc của Lam Phương, trong các khu học xá đại học, chắc hẳn ông chứng kiến các sinh viên say mê nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy…
Dĩ nhiên trong một chế độ vua tập thể (Bộ Chính trị) như nước Việt Nam cộng sản hiện nay, thì một cá nhân không quan trọng lắm, nhưng sự khác biệt giữa ông Thưởng và ông Trọng dù sao cũng là một sự chuyển dịch nội tại của tầng lớp cầm quyền ở Việt Nam, của xã hội Việt Nam, nếu như ông cán bộ đoàn Võ Văn Thưởng tiếp tục thăng tiến làm người đứng đầu đảng trong vài năm tới.
Trước mắt, ông Thưởng là một giải pháp có vẻ tối ưu cho cuộc khủng hoảng cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn năm năm qua.
Việt Nam: Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các phương án nhân sự cao cấp sắp tới
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi” là câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu được tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng nêu trong bài phát biểu nhậm chức ngày 02/03 ở Hà Nội.
Được xem ở vị trí biểu tượng hơn là quyền lực trong ‘Tứ Trụ’, liệu ông Thưởng có thể mang lại khác biệt gì cho nhân dân Việt Nam từ nay đến năm 2026?
Hôm 06/03, BBC News Tiếng Việt phỏng vấn với Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) về chuyển biến nhân sự mới nhất trong bộ máy chính trị ở Việt Nam.
BBC: Ông Võ Văn Thưởng có sự nghiệp chính trị hoàn toàn trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên về chủ nghĩa Marx-Lenin. Ông bình luận thế nào về sự lựa chọn ông Thưởng trở thành một trong ‘Tứ Trụ’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Liệu sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam và một đội ngũ trung thành là những ưu tiên hàng đầu hiện nay của ông Trọng?
Giáo sư Zachary Abuza: Kể từ năm 2016, sự thăng tiến trong sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng chủ yếu diễn ra trong bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tuyên giáo-tư tưởng, đó là lý do nhiều người dán nhãn ông ấy là ‘apparatchik’ [quan chức bộ máy – khái niệm có từ thời còn Đảng Cộng sản Liên Xô].
Nhưng trước năm 2016, hồ sơ của ông ấy ít mang tính hệ tư tưởng hơn, khi ông ấy làm quan chức cấp cao tại TP HCM, một địa phương có tư tưởng tự do.
Ông ấy đã có vài năm làm quan chức hàng đầu trong lĩnh vực công tác tư tưởng như Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách Hội đồng Khoa học các Ban Đảng Trung ương và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Đây là cơ quan cố vấn hàng đầu nhằm đảm bảo các chính sách của chính phủ sẽ đi đôi với ý thức hệ. Ông cũng từng giữ chức Thường trực Ban Bí thư. Ưu tiên của tất cả các nhà lãnh đạo chính trị là duy trì sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
BBC: Ông Võ Văn Thưởng được giới quan sát xem là một người trung thành với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Giáo sư, ông Thưởng có thể tạo được sự khác biệt gì trong thời gian tới xét về lĩnh vực đối nội, đối ngoại? Hoặc có thể nói việc một nhân vật dù trung thành hay không trung thành với ông Trọng được bầu nên đều sẽ không mang lại sự khác biệt gì cho nhân dân Việt Nam?
Giáo sư Zachary Abuza: Tôi không chắc việc ông Thưởng trở thành tân Chủ tịch nước sẽ tạo nên sự thay đổi tức thời nào trong bất kỳ vấn đề gì. Chức vụ chủ tịch nước phần lớn mang tính chất nghi thức, được xem là yếu nhất trong ‘Tứ Trụ’ với văn phòng và nhân sự tương đối nhỏ. Ông Thưởng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách ngoại giao. Do đó tôi không kỳ vọng có sự thay đổi nào trong chính sách ngoại giao của Việt Nam thời gian tới, vốn sẽ được Bộ Chính trị định đoạt.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam tiếp tục dựa trên hai động lực vốn không hề tương thích với nhau, đó là nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp cận thị trường xuất khẩu, trong khi vẫn duy trì sự toàn trị của Đảng và ‘để mắt’ đến nguy cơ xảy ra những cuộc cách mạng màu. Tôi không cho rằng có nhóm thân Trung Quốc hoặc thân Mỹ [trong Đảng], tất cả các lãnh đạo đều ở đâu đó theo đường hướng này.
Tôi nghĩ với kinh nghiệm của ông Thưởng trong Thường vụ Ban Bí thư thì việc quan trọng nhất của ông ấy sẽ là công tác chuẩn bị nhân sự trong hậu trường cho kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Việt Nam, theo đồn đoán là sẽ vào tháng 04/2023, và sau đó là soạn thảo bản báo cáo chính trị và phân công nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 14 diễn ra vào đầu năm 2026.
Ông Nguyễn Phú Trọng, nếu chưa từ nhiệm vì lý do sức khỏe kém trước thời điểm năm 2026 này, thì ông ấy sẽ kiên quyết chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra tại Đại hội lần thứ 14 tới. Ông Trọng sẽ không muốn lặp lại kỳ Đại hội 13, khi người thân tín của ông ta không được bầu nên và tất cả những người đối nghịch với ông ấy không bị thanh trừng.
BBC: Liệu ông Võ Văn Thưởng, 53 tuổi có khả năng kế nhiệm ông Trọng, 78 tuổi, nếu ông Trọng từ nhiệm trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ là năm 2026 hay không? Hoặc ông thấy có khả năng nào khác?
Giáo sư Zachary Abuza: Ông Võ Văn Thưởng thân cận với Nguyễn Phú Trọng, và ở độ tuổi trẻ để có thể phục vụ đến hai nhiệm kỳ mà không bị hạn chế tuổi (theo như yêu cầu của ông Trọng), và hầu hết sự nghiệp của ông ấy đều ở TP HCM.
Mặc dù sinh ra ở vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Thưởng được xem là người miền Nam, và chuyện một người miền Nam trở thành tổng bí thư là chuyện chưa từng có tiền lệ.
Tôi nghĩ ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, người cũng thân cận với ông Trọng vẫn có khả năng trở thành là tổng bí thư tiếp theo.
Tuy nhiên phương án này có thể thay đổi nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính bị buộc phải từ chức…Tôi nghĩ nếu trong trường hợp ông Chính từ chức thì ông Huệ là người duy nhất có kinh nghiệm kinh tế và chính sách đủ rộng để trấn an thị trường và các nhà đầu tư nước ngoài.
Còn nếu Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang được thăng chức lên vị trí Phó Thủ tướng thường trực và vào Bộ Chính trị, cùng với hai người khác, tôi không chắc liệu ông Quang sẽ có đủ kinh nghiệm ở tầm vóc quốc gia để trở thành tân thủ tướng vào thời điểm ngay lúc này hay không.
BBC: Theo ông thì chiến dịch ‘đốt lò’ để đảm bảo tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, chọn lựa những nhân vật trung thành vào hàng ngũ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là khá giống với đường lối của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay?
Giáo sư Zachary Abuza: Ông Nguyễn Phú Trọng đã sao chép cách thức ‘vũ khí hóa’ công cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm loại trừ những đối thủ chính trị.
Nạn tham nhũng là một vấn đề thật sự ở Việt Nam, đây là một nạn bệnh dịch trong giới lãnh đạo cấp cao.
Thế nhưng tại sao có một số người bị nhắm tới trong nhưng không phải là người khác?
Trong khoảng từ năm 2016 đến 2021, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP của Việt Nam đã tăng từ 257,1 tỷ USD lên 366,1 tỷ USD, tăng 42%. Trong thời kỳ này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 24% từ 12,6 tỷ USD lên 15,6 tỷ USD, và năm 2022 còn tăng hơn nữa.
Thế nhưng năng lực điều tra và điều hành của Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công an Việt Nam lại không thể bắt kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Họ không thể điều tra mọi hành vi tham nhũng, năng lực ngăn chặn thấp hơn ý muốn của chính phủ.
Vì thế nhà nước Việt Nam phải cẩn trọng chọn lựa các vụ truy tố, hầu như luôn được thực hiện nhằm vào các đối thủ chính trị cùng những cá nhân thân tín của những đối tượng này.
Tuy nhiên chuyện này có thể bị phản pháo. Ví dụ vào Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng đã không thể đảm bảo chiếc ghế tổng bí thư cho ‘người của mình’ là ông Trần Quốc Vượng, khi đó là Thường trực Ban Bí thư. Tóm lại, Bộ Chính trị có thể đoàn kết về một vấn đề: ông Vượng, người khiến tất cả ai bị ‘dính bụi’ phải ra đi.
Ông Vượng đã bị rớt chiếc ghế Ủy viên Bộ Chính trị và đó là lý do tại sao ông Trọng tiếp tục nắm thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Ngay lúc này đây đang bắt đầu có một số sự phản pháo nhắm tới ông Nguyễn Phú Trọng, người đã thâu tóm quá nhiều quyền lực, khi đối thủ của ông ta là Nguyễn Xuân Phúc bị phế truất và những người thân tín của ông Trọng đang nắm giữ các vị trí có thể tiến xa hơn nữa trong kỳ Đại hội 14 vào đầu năm 2026.
Ngoài ra, các cuộc điều tra chống tham nhũng cũng khiến hệ thống quản lý nhà nước bị ảnh hưởng. Việt Nam bị thiếu thuốc men điều trị vì khi Bộ Y tế bị điều tra.
BBC: Ở Việt Nam, có bộ phận người dân kỳ vọng về một thế hệ kỹ trị mới, sự nghiệp chính trị không chỉ thuần túy trong nội bộ Đảng Cộng sản hay đi lên từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, với bằng cấp là ngành xây dựng đảng, hay triết học, chuyên về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông có nghĩ Việt Nam sẽ có một thế hệ kỹ trị trong một tương lai không xa?
Giáo sư Zachary Abuza: Tôi tin rằng kể từ Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị báo động trước sự gia tăng quyền lực và thẩm quyền đưa ra quyết định của giới kỹ trị trong chính phủ. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng trưởng và trở nên phức tạp hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu thì sự can thiệp của Đảng sẽ dần trở nên phức tạp hơn.
Ông Trọng đã cố gắng tái khẳng định sự kiểm soát của Đảng ở mọi cấp độ có thẩm quyền đưa ra quyết định. Tôi thấy động thái nhằm vào Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh hồi tháng 12/2022 là bằng chứng về điều này. Cả hai người, theo như tôi thấy, đều không dính ‘vết nhơ’ cá nhân nào về tham nhũng, đều là những nhà kỹ trị có trình độ tốt, đóng vai trò cần thiết trong sự vươn lên của Việt Nam sau đại dịch Covid với vị thế kinh tế mạnh mẽ.
Các bạn cần lưu ý rằng nguồn chọn nhân sự chính trị cao cấp ở Việt Nam rất ít và hạn hẹp. Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Có khoảng 400 vị trí nhân sự ở các cấp tỉnh, bộ máy nhà nước, đảng, quân đội mà Đảng có rút về, đưa vào các vị trí cao. Thế nhưng, những người này lại không phải là những bộ não thông minh nhất ở Việt Nam hay là những nhà kỹ trị tinh tế, giỏi giang.