HRW tố Chính phủ Việt Nam “trơ trẽn” khi giải trình với LHQ về việc bắt chín nhà hoạt động
Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng Fb Lê Trọng Hùng
Chính phủ Việt Nam phản hồi Cơ chế đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, bác bỏ cáo buộc đàn áp giới hoạt động, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói lập luận của Hà Nội là “trơ trẽn.”
Ngày 24/3, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phản hồi văn bản chất vấn hồi tháng 11/2021 của ba Báo cáo viên đặc biệt về việc bắt giữ tùy tiện chín nhà hoạt động.
Những người này bao gồm các ông/bà: Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, và Lê Chí Thành.
Trong số này, cựu đại úy công an Lê Chí Thành bị bắt và kết án vì hai tội danh “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” còn ông Chung Hoàng Chương bị án “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Những người còn lại đều bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án từ năm năm đến 10 năm tù giam. Tám người trong số họ đang thụ án tù, riêng ông Chương đã thi hành xong án tù 18 tháng từ giữa năm 2021.
Trong văn bản giải trình, Hà Nội nói việc bắt giữ và kết án họ đều tuân thủ pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á châu của HRW trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 30/3 cho rằng lập luận của Chính phủ Việt Nam là trơ trẽn:
“Phản ứng của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn hai mặt, từ chối tuân thủ các cam kết quốc tế (về nhân quyền- PV) của mình nhưng sau đó lại viết phản hồi như thể họ đang tuân thủ.
Vấn đề cơ bản là Việt Nam đã liên tục thất bại trong việc đưa luật pháp quốc gia của mình tuân thủ Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà nó đã phê chuẩn.
Sau đó, Nhà nước Việt Nam tuyên bố một cách dối trá và ngụy biện rằng bởi vì đang hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của mình, nên không có quyền nào bị vi phạm.”
Theo ông, Việt Nam dường như là cố gắng làm thất bại nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và che đậy những vi phạm nhân quyền của mình giống như đang làm với câu trả lời mới nhất này cho các Báo cáo viên đặc biệt.
Việc bắt giữ và kết án đúng luật Việt Nam
Trong thư chất vấn hai năm trước, các báo cáo viên đặc biệt nói họ nhận được thông tin về việc bắt giữ tuỳ tiện chín nhà hoạt động chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt, giam giữ họ trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư và gia đình, và xét xử không tuân thủ quy trình về xét xử công bằng.
Trong thư phản hồi, Việt Nam khẳng định những việc các cơ quan chức năng làm đều tuân thủ luật pháp Việt Nam và tuân thủ khoản 3 Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR):
“Bất kỳ ai bị bắt hoặc giam giữ vì cáo buộc hình sự sẽ nhanh chóng được đưa ra trước một thẩm phán hoặc viên chức khác được pháp luật ủy quyền để thực thi quyền tư pháp và có quyền được xét xử trong một thời gian hợp lý hoặc được trả tự do.”
Phía Việt Nam cũng biện hộ việc từ chối cho những người bị tạm giam gặp luật sư và người thân trong quá trình điều tra nhằm “bảo vệ bí mật điều tra” trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Thư phản hồi cũng khẳng định chín nhà hoạt động bị kết án vì tuyên truyền thông tin không đúng sự thật, lợi dụng quyền tự do biểu đạt và dân chủ để xuyên tạc và bôi nhọ chính quyền.
Ông Chung Hoàng Chương, người bị bắt ngày 11/01/2020 ngay sau vụ thảm sát Đồng Tâm và mãn hạn tù vào tháng 7/2021, nói với RFA về trường hợp của mình:
“Tôi bị bắt về cáo buộc theo Điều 331 vì một số bài viết góp ý trên Facebook. Trong khi hỏi cung, công an không cho tôi cơ hội giải thích, Sở Thông tin và Truyền thông đã cường điệu quá mức khi thẩm định các bài viết của tôi, còn toà án cắt ngang khi tôi trình bày bản tự bào chữa.”
Ông cho rằng bản thân “bị tù tội vì nói ra sự thật,” đó là những điều mà chế độ không muốn nghe và không muốn người dân biết.
Ông bị hạn chế gặp vợ trong thời gian tạm giam, không được nhận thuốc gia đình gửi vào và cũng không được điều trị dù bị bệnh tim. Thêm nữa, dù có thị lực kém và cần phải đeo kính nhưng trại tạm giam không cho ông sử dụng kính, kể cả kính gọng nhựa.
Việt Nam nói Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 tương thích với ICCPR
Trong thư chung đề ngày 21/11/2021, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền biểu đạt; về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa; về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những vi phạm rõ ràng có hệ thống của chính quyền đối với các quyền cơ bản của con người…
Các báo cáo viên của LHQ nêu quan ngại của họ về “những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự” và cho rằng điều này dường như “không phù hợp với các nghĩa vụ của (Việt Nam) theo luật nhân quyền quốc tế.” Họ nhắc đến các điều “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” (Điều 117) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331) được dùng để chống lại những cá nhân “chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin.”
Họ nói hai điều trên không tương thích với công ước mà Hà Nội tham gia từ năm 1982, kêu gọi Việt Nam xoá bỏ hai điều này vì chúng đi ngược với quyền tự do ngôn luận và lập hội được quy định theo Điều 9 và 19 của ICCPR.
Tuy nhiên, trong thư phản hồi, Chính phủ Việt Nam khẳng định Điều 117 tương thích với Khoản 3, Điều 19 của công ước này, trích dẫn: “việc thực hiện quyền tự do biểu đạt có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.”
Hà Nội khẳng định Điều 117 xác định rõ ranh giới trong việc xác định tội phạm và chỉ xử lý hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật nhằm chống nhà nước.
Ông Lê Trọng Hùng, người bị bắt và kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế vì bị cho là đăng tải bảy video clip có nội dung xuyên tạc và bôi nhọ các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, vợ ông, bà Đỗ Lê Na, phủ nhận việc kết tội này và nói rằng chồng bà thượng tôn pháp luật khi cổ suý cho việc thành lập toà bảo hiến để xét xử những quan chức và tổ chức vi phạm Hiến pháp.
Bà nói với RFA về văn bản giải trình của Việt Nam:
“Cái văn bản đó không có gì hơn là một thứ dối trá rác rưởi. Việc chồng tôi làm đúng với pháp luật và có ích cho dân cho nước.”
Hà Nội khẳng định không ai bị bắt giữ vì tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Hai ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt giữ vào tháng ba sau khi công bố ý định tham gia tranh cử vào quốc hội trong vai trò là ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử tháng năm năm 2021.
Trong thư chất vấn, các báo cáo viên đặc biệt bày tỏ sự lo ngại về việc một số nhà hoạt động bị bắt giữ liên quan đến cuộc bầu cử trên.
Chính phủ Việt Nam phản hồi rằng, ông Khánh không nộp hồ sơ ứng cử còn hồ sơ của ông Hùng bị loại bởi quy trình bầu cử chặt chẽ.
Thư phản hồi cho biết: “Các vòng tuyển chọn người ứng cử ở địa phương (hội nghị hiệp thương – PV) được tổ chức công khai, thông tin rộng rãi đến nhân dân.
Trường hợp cá nhân tự ứng cử nhưng bị loại khỏi danh sách ứng cử do không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và không nhận được sự tín nhiệm của cử tri địa phương. Thông tin chính quyền gây khó khăn, cản trở công dân tự ứng cử là sai sự thật, không có căn cứ.”
Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Lê Trọng Hùng, người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội ở khu vực Hà Nội nhưng bị bắt hai tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nói với RFA:
“Chính Bộ Công an thừa nhận với Đại sứ Mỹ, Đức, và Liên minh Châu Âu rằng họ rất coi trọng cuộc bầu cử này và họ rất sợ một số thành phần sẽ phá hoại cuộc bầu cử, do đó họ bắt giữ chồng tôi. Các đại sứ Mỹ và Liên minh Châu Âu đã nói lại với tôi như vậy.”
Phóng viên gửi email cho các cơ quan này, đề nghị họ xác nhận thông tin từ bà Đỗ Lê Na đưa ra nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Bà Na cũng cho biết cơ quan tổ chức cuộc bầu cử đã gây rất nhiều khó khăn cho chồng bà trong việc đăng ký ứng cử trước khi lực lượng an ninh bắt giữ ông.
Trong văn bản giải trình, phía Việt Nam cũng bác bỏ cáo buộc cựu sỹ quan công an Lê Chí Thành bị tra tấn và đối xử tàn bạo trong nhà tù, nói ông tự gây thương tích cho mình trong khi bị đưa đi hỏi cung. Nhà chức trách cũng nói rằng ông được tiếp cận chăm sóc y tế đầy đủ.
Trong phiên toà ngày 14/01/2022 xử về cáo buộc “chống người thi hành công vụ,” ông Thành không thể tự đi được mà cần sự trợ giúp của hai cảnh sát để vào phòng xử án. Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ nghi ngờ ông bị đánh đập trong quá trình điều tra ở trại tạm giam.
RFA (30.03.1023)
Việt Nam phạt y án 6,5 năm tù đối với hai người ở Đồng Nai theo Điều 331
Trang CA Đồng Nai loan tin về phiên phúc thẩm ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng.
Một tòa án ở Đồng Nai vừa y án tổng cộng 6,5 năm tù đối với ông Nguyễn Thái Hưng, chủ kênh YouTube ‘Nói bằng thực TV’ và bà Vũ Thị Kim Hoàng với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trong phiên xử phúc thẩm ngày 29/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên y án bản án sơ thẩm của một tòa án cấp huyện trước đó đối với ông Nguyễn Thái Hưng, 53 tuổi, 4 năm tù giam, và vợ là bà Vũ Thị Kim Hoàng, 45 tuổi, 2 năm rưỡi tù, theo trang Công an Đồng Nai ngày 30/3.
Bà Vũ Thị Kim Hoàng, hiện vẫn được tại ngoại, cho VOA biết hôm 29/3:
“Anh Hưng nói chỉ thể hiện tự do ngôn luận và ảnh chỉ nói theo báo chí chính thống. Phiên tòa vẫn xét xử ảnh y án cũ”.
“Còn tôi thì họ nói với ‘vai trò giúp sức’, cho ảnh mượn máy laptop, cho mượn số tài khoản để ảnh mở kênh YouTube, nấu cơm nấu nước… Nó ghép cho tôi 2 năm 6 tháng tù, còn anh Hưng vẫn y án 4 năm”.
Truyền thông nhà nước loan tin rằng bà Kim Hoàng sống như vợ chồng với ông Hưng từ năm 2019, cho biết thêm rằng “Hoàng cho Hưng sử dụng chỗ ở của mình, giúp Hưng mua laptop, lo ăn uống sinh hoạt hàng ngày, cho Hưng sử dụng số tài khoản ngân hàng của mình”.
Báo Đồng Nai viết: “Hưng nói cho Hoàng biết việc lập kênh trên mạng xã hội để Hưng nói và phát trực tiếp các nội dung chính trị, xã hội nhằm thu hút nhiều lượt xem và theo dõi, từ đó có thêm thu nhập và Hoàng đã đồng ý”.
Trang này cho biết thêm trong khoảng thời gian từ ngày 7/6/2020 đến 5/1/2022, ông Hưng đã tổ chức nhiều lượt nói chuyện trên mạng xã hội “có nội dung nói xấu đảng, nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật về những vụ việc nổi bật diễn ra gần đây”.
Bà Kim Hoàng bày tỏ sự bức xúc vì bản án bất công:
“Thật sự quá bất công. Trong việc này tôi chỉ nấu cơm và chưa từng ngôn luận, chưa từng nói ra cái này, hay làm điều gì, hay đăng tải cái gì mà vẫn bị quy kết theo Điều 331”.
“Anh Thái Hưng chỉ nói lên chính kiến của mình thôi, không chống lại ai. Ảnh chỉ nói lên những gì mà nhà nước cho phép, giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi… Ảnh chỉ nói lên những gì theo báo chính thống nói thôi, chứ ảnh không tự đặt điều ra… Tất cả những gì ảnh nói là sự thật!”
“Ảnh muốn tại phiên tòa phải có người đối chất 21 video mà họ bảo ảnh ‘làm sai’, nhưng không có người đối chất”.
Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai chưa phản hồi lời đề nghị bình luận của VOA.
Trang Công an Đồng Nai viết: “Phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật”.
Vào ngày 22/11 năm ngoái, Toà án Nhân dân huyện Tân Phú kết án hai ông bà Hưng, Hoàng tổng cộng 6,5 năm tù theo Điều 331.
Sau gần bốn tháng bị tạm giam, bà Kim Hoàng được tại ngoại. Mặc dù vậy, bà cho VOA biết rằng bà sẽ bị cơ quan chức năng đưa vào trại giam để thi hành án trong thời gian sắp tới.
Kênh YouTube Nói bằng thực TV của ông Thái Hưng, được lập từ đầu năm 2020, thu hút gần 40 ngàn người đăng ký theo dõi. Kênh này chuyên bình luận các vấn đề về “tình hình đất nước ngày nay”.
Vào đầu năm 2021, ông Hưng và bà Hoàng bị bắt khi chính quyền huyện Tân Phú được cho là cử một nhóm người mặc thường phục có vũ trang gồm cả “thợ điện” đã “bẻ khóa cổng” và “xông vào nhà”, tiến hành khám xét nơi ở của họ vào tối ngày 5/1. Vài ngày sau đó gia đình mới được thông báo rằng họ bị bắt tạm giam theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015.
Vào đầu năm 2022, một bản kiến nghị gửi đến giới lãnh đạo Việt Nam kêu gọi hủy bỏ Điều 331, cùng với các Điều 109, 117 của Bộ Luật Hình sự 2015, mà giới tranh đấu cho là “những quy định mơ hồ” đã mở đường cho các cơ quan chấp pháp “vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”.
Trong kiến nghị, các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự cho biết rằng trong thời gian qua, chỉ riêng theo Điều 331 đã có hàng chục người bị bắt, trong đó có hơn 10 người đã bị tuyên phạt hơn 50 năm tù giam.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên nói rằng những người này bị bắt và xét xử vì “vi phạm phát luật”, và rằng chính quyền luôn đảm bảo các quyền căn bản của người dân theo luật pháp và công ước quốc tế.
VOA (30.03.2023)
THƯ KÊU CỨU – CSVN CHUẨN BỊ CƯỚP ĐẤT, CƯỚP CHÙA THIÊN QUANG TẠI BÀ RỊA VŨNG TÀU CỦA TT THÍCH THIÊN THUẬN THUỘC TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN
VC lại trù dập, đàn áp, đập phá, cướp bóc và san bằng các ngôi chùa thuộc GHPGVNTN Tăng Đoàn, qua lời khẩn thiết kêu cứu của TT T. Thiên Thuận; vc chuẩn bị bước kế tiếp là cướp đất chùa Thiên Quang và san bằng toàn bộ cơ sở chùa Thiên Quang ở Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu và các chùa khác.
Kính thưa…
Trong tuần qua,công an Huyện Xuyên Mộc – Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
liên tục đến Chùa Thiên Quang sách nhiễu,đe dọa Thượng Tọa Thích Thiên Thuận ép buộc theo Giáo Hội Quốc Doanh của nhà nước.
Thượng Tọa đã gởi Thư Kính Trình.. Xin kính chuyễn trình lên Chư Tôn Đức Tăng Đoàn GHPGVNTN,Quý Hội Đồng Liên Tôn VN,Quý Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam, Quý Hội Đoàn, Đoàn Thể,Tổ Chức,Chính Đảng,Quý Cộng Đồng Người Việt QG cùng Quý Nhân Sĩ, Thân Hữu Phật tử trong ngoài nước được biết để Kính mong lên tiếng can thiệp, giúp đỡ cho.
Thành kính bái niệm.
Thích Không Tánh.
THƯ KÍNH TRÌNH
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch:
– Hòa Thượng Thích Viên Định – Viện trưởng Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
– Hoà Thượng Thích Không Tánh – Phó Viện trưởng Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN.
– Hoà Thượng Thích Chí Thắng – Phó Viện trưởng Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN.
Con là Tỳ Kheo Thích Thiên Thuận xin kính trình lên Hòa Thượng Viện Trưởng, cùng Chư Tôn Đức Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN. Chùa Thiên Quang của chúng con được thành lập từ năm 2000 cho đến nay, liên tục gặp nhiều khó khăn! Nhà cầm quyền bắt ép phải theo GHPGVN, nhưng vì chúng con không theo nên chính quyền địa phương thường gây sức ép, sách nhiễu. Chúng con xin kính trình những vụ việc chính sau đây:
– Năm 2018 Chính quyền gửi quyết định cưỡng chế tháp Lục Hòa và nhà thủy tạ.
– Năm 2019 Chính quyền cho biết sẽ làm kênh mương nước cắt ngang đất chùa nếu không theo GHPGVN, và gửi Quyết định cưỡng chế các nhà khách, nhà bếp, nhà vệ sinh và các công trình khác.
– Ngày 10/11/2022 Khi con đi vắng, chính quyền đã kéo lực lượng rất đông (khoảng 40 người) đến cưỡng chế, phá sập nhà khách và chở đi không lập biên bản.
– Ngày 13/12 /2022 Chính quyền tỉnh KonTum tập trung rất đông lực lượng an ninh kéo đến dùng máy cưa và xe cẩu giật phá sập chùa Sơn Linh ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), khi thầy Nhật Phước (đệ tử của con) đi vắng. Trước đó, vào năm 2019 Chùa Sơn Linh cũng bị phá dỡ khi thầy Thích Đồng Quang đi chữa bệnh.
– Hôm nay, Chính quyền Huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa quyết định cưỡng chế gần như toàn bộ cơ sở thờ tự, nhà ở của chư Tăng, khu nhà bếp, nhà ăn, bể nước v.v.
Trước tình cảnh trên! Chúng con xin kính trình lên quý ngài can thiệp, giúp đỡ cho chùa Thiên Quang của chúng con, cùng lên tiếng để Việt Nam có được sự Tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo thật sự. Cũng như tôn trọng và thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với Liên Hiệp Quốc.
Kính bạch Chư Tôn Đức!
Chúng con nghĩ chính quyền thường nhắm đến các chùa thuộc Tăng Đoàn, cũng như các chùa độc lập không theo GHPGVN nhằm cưỡng chế, triệt phá dần dần để sau này không còn chùa của Tăng Đoàn GHPGVNTN nữa.
Sách lược này rất nguy cho các Chùa thuộc Tăng Đoàn GHPGVNTN, cũng như các tổ chức Tôn giáo độc lập. Vì lý tưởng Tu hành giải thoát, “Hoằng Pháp Lợi Sanh” cả cuộc đời, và hơn 20 năm qua chúng con cùng Phật tử mới tạo dựng nên ngôi Già Lam Thiên Quang này để có nơi hành đạo, tu học cho Phật tử.
Vì tiền đồ của Giáo Hội và Đạo pháp, chúng con thành kính đảnh lễ kính trình lên Hòa Thượng Viện Trưởng, HT phó Viện trưởng cùng Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Điều Hành của Tăng Đoàn GHPGVNTN lên tiếng bảo vệ các chùa thuộc Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang bị đàn áp – triệt phá!
Ngưỡng cầu Hòa Thượng Viện Trưởng cùng chư Tôn đức lãnh đạo Tăng Đoàn GHPGVNTN Pháp thể an khương, chúng sanh dị độ.
Chùa Thiên Quang, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 25, tháng 3, năm 2023.
Thành kính bái trình
Thượng Tọa Thích Thiên Thuận
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị kết án 6 năm tù
NGUỒN HÌNH ẢNH,UGC Chụp lại hình ảnh, Nhà hoạt động Trương Văn Dũng
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 28/3 kết án nhà hoạt động Trương Văn Dũng sáu năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Ông Dũng bị cáo buộc “trả lời phỏng vấn báo đài ngoại quốc và tàng trữ sách lậu, không giấy phép.” Phiên tòa và bản án của ông Dũng không được báo chí nhà nước đưa tin và chỉ có vợ ông, bà Nghiêm Thị Hợp được vào dự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông bị cáo buộc trong thời gian từ ngày 24/10/2015 đến tháng 5/2022 đã trả lời phỏng vấn của chương trình “Từ cánh đồng mây” của Radio Sài Gòn Dallas ở Hoa Kỳ.
Theo đó, ông Dũng bị cáo buộc là tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý thông qua các bài phỏng vấn, video clip đăng tải trên mạng xã hội.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông tàng trữ hai cuốn sách: “Những mảnh đời sau song sắt” của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và “Chính trị bình dân” của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Theo đó, hai cuốn sách này bị cho là được in và phát hành bất hợp pháp với nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.
Ngoài ra, công an còn thu giữ ở nhà riêng của ông Dũng 31 băng rôn và biểu ngữ được in trên vải bạt và 14 tài liệu in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau, có nội dung bị cho là chống phá nhà nước Việt Nam.
Thực tế, đối với trường hợp ông Dũng, một số nhà quan sát cũng như trong lời kêu gọi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhắc đến những hoạt động khác của ông Dũng, đặc biệt là vai trò của ông trong việc đồng sáng lập Hội Bầu bí Tương thân.
“Trong mắt chính quyền Việt Nam, dù có là phản biện ôn hòa, biểu tình, đấu tranh bất bạo động thì đều được xem là mối hiểm họa. Để lập thành án, như trường hợp ông Trương Văn Dũng, chính quyền sẽ cần gán ông Dũng là thành viên, hoặc lãnh đạo một nhóm nào đó có tính tổ chức và rồi buộc tội nhóm đó là chống phá nhà nước. Đó là điều họ làm với ông Nguyễn Văn Đài của Hội anh em Dân chủ, với Nguyễn Thúy Hạnh của Quỹ 50k và nhiều nhà bất đồng chính kiến khác,” nhà hoạt động giấu tên nói với BBC Tiếng Việt.
Ông Dũng tố cáo gì?
Trong phiên xét xử, ông Dũng có tố cáo việc mình bị công an đánh đập trong lúc hỏi cung.
Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Dũng đã thuật lại trên Facebook cá nhân rằng, trong cuộc thăm gặp vài ngày trước phiên xử, thân chủ của ông tố cáo bị dùng nhục hình và “trong một thời gian dài ông đã phải nhờ đến sự chăm sóc y tế của Trại tạm giam.”
Theo lời ông Dũng mà luật sư Việt thuật lại, ngày 15/9/2022, trong thời gian trích xuất ông đến Cơ quan ANĐT để hỏi cung, ông đã bị dùng nhục hình.
“Việc này dẫn đến, từ đêm ngày 15/9/2022 và kéo dài đến khoảng nửa tháng sau đó, ông đã phải thường xuyên nhờ đến sự hỗ trợ về y tế của Trại tạm giam để đối phó với sự hành hạ của những cơn đau. Sau thời gian này thì ông bình phục dần và hiện tại khỏe mạnh,” ông Việt viết trên Facebook cá nhân.
Theo HRW, chính quyền Việt Nam kết án ít nhất 163 người kể từ năm 2018 vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận hoặc lập hội theo các điều luật “mơ hồ hoặc quá mông lung” nhằm hình sự hóa việc bày tỏ ý kiến phản đối hoặc chỉ trích chính phủ.
HRW cũng viết trong thông cáo báo chí gửi đi trước phiên xử của ông Dũng rằng, ít nhất 18 người khác đã bị buộc tội và đang chờ xét xử, và rằng các cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố nhiều trường hợp trong số này qua cáo buộc “tuyên truyền”, tội phạm hóa theo điều 88 và 117 của BLHS.
Vấn đề về đối xử tù nhân chính trị đã được nhiều tổ chức dân sự, nhân quyền nêu quan ngại trước đó.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) từng lên tiếng về trường hợp của ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Ông qua đời sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ.
Ngày 9/8/2022 gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho các tù nhân lương tâm.
Trương Văn Dũng là ai?
Trương Văn Dũng, 65 tuổi, lần đầu tiên tham gia vận động quyền lợi về đất đai vào những năm 2000, vận động chống lại việc cưỡng chế tịch thu nhà riêng của mình.
Vào đầu những năm 2010, ông cùng các nhà hoạt động khác bắt đầu vận động cho các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.
Từ năm 2011 đến 2018, ông cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường như phản đối luật an ninh mạng năm 2018 và công khai tẩy chay “các cuộc bầu cử” tầm quốc gia của Việt Nam.
Ông cũng công khai lên tiếng ủng hộ nhiều tù nhân chính trị và những người bị tạm giam. Trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng… và các thành viên Hội Anh em Dân chủ.
Vào tháng 12 năm 2013, ông Trương Văn Dũng và các nhà hoạt động khác đã thành lập một nhóm nhân đạo, Hội Bầu bí Tương Thân, để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các tù nhân chính trị, dân oan về đất đai và gia đình họ.
Theo HRW, nhà bất đồng chính kiến Trương Văn Dũng đã bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa, bao gồm việc bị công an thẩm vấn, quản thúc tại gia, cấm đi lại, và bị công an mặc thường phục hành hung.
Sau khi bị bắt vào tháng 5/2022, Trương Văn Dũng đã bị biệt giam hơn chín tháng. Ông chỉ được gặp luật sư của mình lần đầu tiên vào tháng 3/2023.
Gia đình ông không được phép vào thăm.
Ông Trương Văn Dũng, trước đây, đã một số lần bị báo chí nhà nước ở Việt Nam lên án.
Tháng 9/2021, báo Công an Nhân dân viết rằng ông Dũng, từ đầu năm 2021 đến nay, “thường xuyên phát tán, chia sẻ các tin/bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước; công kích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; đả kích chế độ XHCN ở Việt Nam, gây dư luận xấu trên không gian mạng và trong xã hội”
“Người này là đối tượng cốt cán trong nhóm chống đối như: “Nou-FC”, “Bầu bí tương thân”, “Mạng lưới blogger Việt Nam”; là “đầu mối” tiếp nhận hỗ trợ tài chính khu vực miền Bắc cho các gia đình “tù nhân chính trị”.”
“Trương Văn Dũng thường xuyên tham gia kích động người khiếu kiện đất đai tại các trụ sở cơ quan Nhà nước, quay video clip tung lên mạng để vu cáo chính quyền,” tờ này viết.
Trong khi đó, nhiều tổ chức nhân quyền nước ngoài gọi ông Dũng là nhà hoạt động xã hội.
Trang web Front Line Defenders mô tả ông là “tham gia các hoạt động nhân quyền trong nhiều năm, tích cực nhất là thay mặt cho các nạn nhân bị chính quyền Việt Nam chiếm đoạt đất đai và chịu những bất công khác”.
Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức HRW, Phil Robertson viết trong thông cáo báo chí hôm 27/3 vừa qua:
“Làm sao Trương Văn Dũng có thể được xét xử công bằng khi hệ thống luật pháp của Việt Nam không độc lập và điều luật mà ông ta bị buộc tội vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cơ bản – và những gì ông ta bị tuyên án thậm chí không nên được xem là phạm tội,” ông Robertson nói .
BBC (29.03.2023)
Tòa Việt Nam có thể không để xảy ra án oan sai?
Ông Nguyễn Trường Chinh và gia đình ra Hà Nội kêu oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Hình do ông Nguyễn Trường Chinh cung cấp
Chủ tịch nước Việt Nam mới đây yêu cầu Tòa án xét xử không được để xảy ra oan sai. Ông Võ Văn Thưởng đưa ra yêu cầu vừa nêu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hôm 27/3/2023.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, đại diện ngành Tư pháp cho biết số lượng các vụ án tòa án các cấp giải quyết tăng bình quân 6%/năm với chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ các bản án bị hủy, sửa ở mức thấp, dưới 1,5%, thời gian gần đây chưa phát hiện trường hợp kết án oan.
Một luật sư tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/3 nhận định:
“Án oan thì chia thành nhiều giai đoạn. Sau 30/4/1975 lúc đó Việt Nam chưa có luật nên xử oan nhiều người, người ta kêu oan 30-40 năm bây giờ mới được minh oan, chứ không phải là án oan bây giờ. Sau khi cải cách tư pháp từ năm 2005 đến 2018, tầm nhìn 2020 thì án oan mới có vẻ ít hơn. Nhưng vấn đề thứ hai quan trọng hơn, là những luật sư bảo vệ cho những vụ án oan hiện nay giống như là bị bịt miệng gần hết. Trước đây đụng đâu cũng thấy án oan, ví dụ như người dân gõ cửa nhà tôi là thấy án oan, tôi đọc hồ sơ thấy oan thì kêu anh em vô. Nhưng bây giờ các luật sư như vậy bị bịt miệng hết, bị rủi ro hết. Thành ra án oan bị chặn đứng.”
Nhưng theo luật sư này, án oan bị chặn đứng không phải là không có án oan, mà để chứng minh một mệnh đề “oan” hay “không oan” đã bị chặn đứng. Ông nói tiếp:
“Như vậy giai đoạn trước đổ thừa là do lịch sử để lại. Còn giai đoạn bây giờ luật sư vào trong tòa không được mang laptop, không được mang điện thoại di động, tại sao chính phủ điện tử mà không có luật sư điện tử? Luật sư bây giờ vô tòa chẳng lẽ mang cả một thư viện hồ sơ vụ án mấy chục ngàn bút lục? Cấm hẳn luật sư không được mang điện thoại, laptop như vậy thì luật sư thì làm sao bào chữa?”
Nhưng vấn đề thứ hai quan trọng hơn, là những luật sư bảo vệ cho những vụ án oan hiện nay giống như là bị bịt miệng gần hết.
-Luật sư không nêu tên
Trong nhiều năm gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được thả tự do sau 10 năm ngồi tù vào ngày 5/11/2013.
Sau đó, vào ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long từng bốn lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em đã được tha sau 11 năm tù oan.
Mới nhất là năm 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân” với số tiền lên đến hơn sáu tỷ đồng. Vụ án oan vừa nêu đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979. Có hai người đã qua đời không nhận được tiền bồi thường.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ án kêu oan hàng chục năm qua vẫn không được chính quyền giải quyết, như vụ hai án tử hình oan sai nổi bật là tử tù Hồ Duy Hải và tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại hôm 28/3:
“Tôi đã đi kêu oan đòi công lý tự do cho con tôi từ năm 2007, đến giờ đã hơn 16 năm mà chưa thấy có tiến triển gì. Họ vẫn giữ nguyên, bây giờ họ chỉ trả lời bằng miệng nói rằng trường hợp nhưng anh Chưởng đang được xem xét. Tôi chỉ yêu cầu trả lời bằng văn bản là Chưởng có tội hay không có tội, nhưng họ không trả lời. Có một luật sư đang hỗ trợ pháp lý cho tôi là luật sư Lê Văn Hòa, theo dõi vụ án oan sai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng từ năm 2009, ông nắm rất rõ và nói rằng đây là oan sai, hiện ông vẫn đang tiếp tục kiến nghị. Theo tôi có nhiều án oan sai lắm, nhưng đặc biệt là có hai án tử hình oan sai nổi bật là tử tù Hồ Duy Hải và tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Tử tù Hồ Duy Hải đã kêu oan 15 năm, còn Nguyễn Văn Chưởng hơn 16 năm.”
Trong vụ án bị cho là oan sai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thiếu tá Nguyễn Văn Sinh thuộc công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra. Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người, trong đó người thanh niên này bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân.
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án. Người thanh niên này tố cáo bị đánh đập và ép cung bởi điều tra viên trong khi các lời khai của các nghi can mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp… Nhưng đến nay vẫn chưa thể minh oan.
Một vụ án khác được dư luận quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm.
Đáng chú ý, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm đến nên không làm thay đổi được kết quả phiên tòa.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA trước đây cho biết, án oan tại Việt Nam không đến nỗi xảy ra quá thường xuyên, nhưng không phải là ít:
“Trong những vụ án mà tôi tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này, kiểu khác. Điển hình là vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra chẳng hạn…”
Trong phiên xử vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Tổng cộng có sáu người đã bị cáo buộc tội ‘”Giết người”. Trong đó, có hai người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.
RFA (28.03.2023)
Thỉnh nguyện thư phản đối chính quyền Việt Nam ‘can thiệp’ vào tự do tôn giáo
Thỉnh nguyện thư đang được đăng trên trang Vietlist.us. Photo: Vietlist.us
Một bức thỉnh nguyện thư được hơn 110 người trong và ngoài nước ký tên liên quan đến hai vụ việc riêng biệt trong đó cáo buộc chính quyền “can thiệp” vào tự do tôn giáo tại Việt Nam và Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Vụ việc thứ nhất là việc Giám mục Nguyễn Hữu Long được cho là đã huyền chức và đang giam lỏng Linh mục Đặng Hữu Nam tại toà Giám mục không theo giáo luật hay luật pháp. Vụ việc thứ hai là việc ông Hồ Hữu Hoà được cho là “đã ngang nhiên trở thành linh mục” trong khi ông bị cho là có quá khứ “bất hảo”.
Thỉnh nguyện thư hiện tại đang được nhiều người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại quan tâm, với mong muốn kêu gọi mọi người cùng ký tên để phản đối nhà nước Việt Nam “không tôn trọng quyền tự do tôn giáo” của con người, đồng thời thỉnh Sứ Thần Tòa Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam, và Hội đồng Linh mục Giáo Phận Vinh lên tiếng để Giám mục Nguyễn Hữu Long cần phải từ nhiệm vì lợi ích của Giáo phận Vinh nói riêng và của Giáo hội Công giáo nói chung.
Ông Nguyễn Quốc Nam, một người Công giáo, đang sinh sống tại Paris là một trong những người đã đưa ra thỉnh nguyện thư, trao đổi với VOA hôm 24/3 rằng thỉnh nguyện thư này có ba mục đích chính: mọi người lên tiếng về việc ông Hồ Hữu Hoà được phong làm Linh mục mà ông Nam nói là “biến cố 3H”; lên tiếng về những chuyện xảy ra ở Giáo xứ Vinh; và lên tiếng cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, khi mà đang bị vi phạm nghiêm trọng.
“Thỉnh nguyện thư sẽ gởi đến các cơ quan có thẩm quyền, có liên hệ đến những việc để mà họ lên tiếng, để tìm hiểu sự thật,” Ông Nam nói. “Bởi vì sự thật là cái gì mà cả đời mình luôn luôn phải tìm hiểu. Đó là ba cái mục tiêu của thỉnh nguyện thư.”
Ông Nam cho biết thêm rằng các chữ ký sẽ là một cách để vận động quốc tế, nhắm tới Vatican và Uỷ ban Tự do Tôn Giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Ngoài ra cũng sẽ vận động thêm 27 Giáo phận tại Việt Nam.
“Đó là ba nơi mà sẽ gởi đi để mà vận động vì giai đoạn vận động quốc tế rất quan trọng,” Ông Nam nói. “Bên Âu Châu sẽ gởi một phái đoàn đi Vatican để mà vận động tại địa phương. Bên Việt Nam là những anh chị em trong nước sẽ lo. Và vận động về Tôn giáo quốc tế sẽ là các Châu mà có người Việt Nam ở. Mỹ Châu có Liên hội Người Việt Canada và Cộng đồng Liên bang Hoa Kỳ. Ở tại Âu Châu có Cộng đồng Người Việt Tị nạn Cộng sản Âu Châu. Ở bên Úc Châu có Cộng đồng Liên bang Úc Châu. Đó là bốn nơi cộng đồng chúng ta ở và dùng tiếng nói của người Việt chúng ta để vận động quốc tế.”
Ông Lê Quang Thành, một người Việt hiện đang sống và sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Munich, Đức, và cộng đồng người Việt tị nạn chính trị tại Âu Châu, trao đổi với đài VOA hôm 27/3 rằng khi bắt đầu làm thỉnh nguyện thư, mọi người đã suy nghĩ rất kỹ càng vì đây là một đề tài về Công giáo nên rất là “nhạy cảm”.
“Họ có trình bày là chúng tôi ở trong nước không có làm được việc gì nữa rồi, chúng tôi bị đàn áp, bị làm khó dễ, bị trói tay, trói chân, bó buộc không làm được việc gì hết,” Ông Thành nói. “Mà bây giờ chỉ còn nhờ các anh em, các cộng đồng người Việt hải ngoại hay lên tiếng giùm cho chúng tôi. Chính vì vậy cho nên là các anh em ở ngoài này khi chúng tôi họp liên hội, các hội đoàn đoàn người Việt, không riêng gì ở Âu Châu mà kể cả ở bên Hoa Kỳ, Canada, hay Úc, chúng tôi đồng ý là chúng ta cần phải lên tiếng.”
Ông Thành cho biết thêm: “Cần phải có một cái lá thư. Thứ nhất là tố giác tất cả các sự việc xảy ra. Cái thứ hai là để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam họ đã can thiệp một cách trắng trợn và thô bạo vào trong cái công việc mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, cũng như là các tôn giáo ở bên Việt Nam nói chung mà trong quá khứ đã xảy ra từ hồi nào đến giờ.”
Hồi năm 2016, những người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa đã không còn đất sống khi mà môi trường biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, và còn bị chính quyền địa phương cướp trắng trợn và bị đàn áp các cuộc biểu tình để che dấu sự thật. Trước sự việc đó, Linh mục Đặng Hữu Nam đã lên tiếng cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Formosa.
Giám mục Nguyễn Hữu Long, sau khi được lên chức Giám mục tại Giáo phận Vinh, được cho là “đã huyền chức và triệt hạ” Linh mục Nam. Ngoài ra, Giám mục Long còn được cho là “cấu kết với đảng chính quyền Việt Nam để treo chén và cô lập” Linh mục Nam. Treo chén được hiểu là tước bỏ một phần hay toàn bộ các hoạt động như một thành viên hàng giáo sĩ, và giới hạn năng quyền của linh mục đó.
“Điều này cho thấy rõ GM Nguyễn Hữu Long treo chén LM Đặng Hữu Nam là do áp lực từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam”, thỉnh nguyện thư viết.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Luân thuộc Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Quận Cam, bang California, Mỹ, nói với đài VOA hôm 25/3 rằng việc huyền chức một linh mục phải do Toà thánh Vatican quyết định sau khi đã điều tra và được Đức Giáo hoàng quyết định, chứ không phải là Giám mục hay đương sự quyết định, và rằng việc huyền chức một linh mục cũng phải dựa trên nhiều yếu tố.
“Chẳng hạn như là vị linh mục đó làm sai giáo luật, mang tiếng cho Hội, hoặc có thể là vị linh mục giả nữa,” Linh mục Luân nói. “Nhưng cái đó cũng phải điều tra thì mới có thể đưa đến kết luận được chứ không phải là một yếu tố mà nhiều yếu tố khác nhau. Cái nào đã làm cho Giáo hội bị mất đi phẩm giá thì đương sự sẽ bị huyền chức.”
Trong thời gian được cho là bị giam giữ, Linh mục Nam không được cho dâng lễ như trước đây cũng như không được chu cấp các chi phí ăn uống, và khi bị bệnh từ đầu tháng 3/2022 đến cuối tháng 5/2022, Linh mục Nam không được Giám mục Long cho đi bệnh viện cấp cứu mặc dù đã xin những đều bị từ chối vì nghi ngờ Linh mục Nam giả vờ bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Nam nói hiện tại tình hình Linh mục Đặng Hữu Nam “rất tội nghiệp” khi cha đang ở trong viện dưỡng lão dành cho các đức cha. Ông cho biết thêm rằng LM Nam cũng không được quyền thực hành quyền của một linh mục và bị theo dõi ở tại viện dưỡng lão.
“Cha Nam bây giờ vẫn tiếp tục kêu oan và đang bị đau rất nặng vì hai bệnh ung thư,” Ông Nam chia sẻ. “Bệnh ung thư não và ung thư máu. Mà ông còn bị trù dập đến độ họ đã cắt hết tất cả các chu cấp, bỏ kinh phí ăn uống từ tháng 10/2021 cho đến bây giờ, trong khi ông đang đau ốm. Mỗi ngày tốn 5-7 triệu tiền thuốc cho nên hiện nay cha đang rất khó khăn và đau rất nặng.”
Cha Đặng Hữu Nam đã từ chối trả lời phỏng vấn của đài VOA vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến Cha và cho rằng sẽ không khách quan. “Người trong cuộc mà nói ra sẽ không khách quan ở chuyện này,” Cha Nam nói. “Về vấn đề này, cho tôi xin thong thả một chút một thời gian thì tôi sẽ trả lời vì lúc này chưa có tiện cho tôi.”
Vụ việc thứ hai trong thỉnh nguyện thư liên quan đến việc ông Hồ Hữu Hoà trở thành linh mục vào năm 2022. Hồ Hữu Hoà, 39 tuổi, hành nghề thầy “phong thuỷ” đã từng bị kết án hai năm tám tháng tù với tội danh “Môi giới hối lộ” trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), cựu thượng tá tình báo công an đang thụ án tù chung thân với các cáo buộc liên quan đến làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Ông Hồ Hữu Hoà có bằng Tốt nghiệp khóa Thần học 4 năm từ năm 2018-2022, nhưng lại bị ngồi tù từ 2019-2021. Điều đó đã làm dấy lên sự nghi ngờ giữa các giáo dân, theo các nhà quan sát.
Theo một thông báo bằng văn thư chính thức của giáo phận Maasin, Philipines, do Giám mục Preciono D. Cantillas ký ngày 17/2/2023, xác nhận ông Hồ Hữu Hoà đã lãnh nhận phó tế ngày 8/9/2022 và thụ chức linh mục ngày 7/12/2022.
Văn bản trên cũng xác nhận ông Hồ Hữu Hoà được tiến cử vào các tác vụ Thánh Phó tế và Linh mục bởi Giám mục Nguyễn Hữu Long. Theo giới quan sát, thông thường thời gian cho các thủ tục văn thư gởi đi và xác nhận ít nhất là một năm từ hai tòa Giám mục Vinh và Maasin và thời gian để lãnh nhận giữa hai tác vụ thánh này cách nhau là một năm để ứng viên có thời gian thi hành tác vụ phó tế. Nhưng chỉ vỏn vẹn có ba tháng là Hồ Hữu Hoà đã trở thành một vị Linh mục tại Giáo phận Vinh.
Ông Nam nói rằng một người “mê bói toán” như ông Hồ Hữu Hoà với những “khách hàng” là những đại gia và những cán bộ cao cấp của nhà nước thì ông ta mặc nhiên là “con cưng” của chính quyền.
“Ông ta mạnh đến nỗi mà nghe nói ổng chỉ cần cầm điện thoại gọi lên thì Bộ trưởng bộ Y Tế phải trả lời,” Ông Nam nói.
Ông Thành nói rằng vụ ông Hồ Hữu Hoà trở thành linh mục là không có đúng với những quy tắc và giáo luật, cùng với đó là quá khứ của ông Hoà và thời gian học ra làm linh mục không có diễn ra theo đúng thực tế nên mọi người không đồng ý.
“Nếu bây giờ chúng ta coi nó như một giọt nước tràn ly tại vì từ hồi nào đến giờ thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ đã can thiệp rất nhiều vào trong những công việc phục vụ Thánh lễ của các tôn giáo, không riêng gì Công giáo”, ông Thành nói. “Mà riêng Công giáo là một tôn giáo có tổ chức có hệ thống quy củ rõ ràng, có những quy định chặt chẽ từ trên Vatican xuống đến các quốc gia, các giáo phận. Mà nếu sự việc này chúng ta không lên tiếng thì trong tương lai có thể xảy ra những việc khác nữa”.
Trong một email gởi đến đài VOA, ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Tự do tại Pháp và là một trong những người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho biết ông là một người Công giáo với hy vọng nói lên tiếng nói cho giáo dân Việt Nam về nhiệm vụ của một Linh mục trong chế độ Cộng sản vô thần mà ở đó họ đang tìm mọi cách xâm nhập vào Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện tại, trên trang Vietlist, một trang đấu tranh cho tự do, dân chủ của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại, bức thỉnh nguyện thư đạt được hơn 110 chữ ký và con số vẫn đang được tiếp tục cập nhật.
“Qua hai vụ việc trên, chúng tôi nhìn thấy được sự xâm nhập ngõ hầu kiểm soát và phá hoại quyền tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đối với Giáo Hội Công Giáo (GHCG) nói riêng và các Tôn giáo tại Việt Nam nói chung”, thỉnh nguyện thư viết.
VOA đã gởi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam để hỏi ý kiến về thỉnh nguyện thư này nhưng không có phản hồi.
VOA không thể liên lạc được với Giám mục Nguyễn Hữu Long và ông Hồ Hữu Hoà để xin ý kiến bình luận.
“Với bức thư này mình phải gửi, phổ biến cho tất cả người Việt hải ngoại bất kể người đó có đạo Công Giáo hay bên đạo khác hay không có đạo để tất cả mọi người cùng biết rõ. Và cái thứ hai là gửi đến các vị giới hữu trách ở tại bên Vatican để họ cùng biết và mong rằng họ sẽ nhìn thấy sự việc và sẽ tìm hiểu kỹ hơn với cái điều kiện mà họ sẵn có để điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và can thiệp theo đúng luật. Đó là điều tôi mong muốn.” Ông Thành chia sẻ.
VOA (28.03.2023)
HRW – Việt Nam: Hãy hủy mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền
Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trương Văn Dũng và hủy bỏ mọi cáo buộc nhằm vào ông. Công an bắt giữ Trương Văn Dũng ở Hà Nội vào tháng Năm năm 2022 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử vụ án của ông vào ngày 28 tháng Ba năm 2023. Nếu bị kết luận có tội, ông Dũng phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Tính từ năm 2018, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án ít nhất 163 người vì họ đã thực hành các quyền tự do biểu đạt hay lập hội của mình, căn cứ trên các điều luật mơ hồ hoặc quá lỏng lẻo để hình sự hóa các hành vi phản đối hoặc lên tiếng phê phán chính phủ. Ít nhất 18 người khác cũng bị truy tố và đang chờ xét xử. Nhiều vụ án trong số này đã bị chính quyền tố tụng với tội danh tuyên truyền, được hình sự hóa theo điều 88 và điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam.
“Trương Văn Dũng là trường hợp mới nhất trong một chuỗi dài danh sách các nhà bảo vệ nhân quyền bị chính quyền Việt Nam dập tắt tiếng nói vì họ đã phản đối các vi phạm nhân quyền và vận động cho cải cách,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền các quốc gia dân chủ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam cần lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để ủng hộ ông, và kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, đồng thời có các bước tiến thực sự hướng tới cải cách.”
Trương Văn Dũng, 65 tuổi, bắt đầu trở thành nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai từ thập niên 2000, khi ông vận động nhằm phản đối quyết định trưng thu chính căn nhà của mình. Đầu thập niên 2010, ông tham gia cùng với các nhà hoạt động khác và bắt đầu vận động cho các quyền con người cơ bản, như quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp. Từ giữa năm 2011 đến năm 2018, ông cũng tham dự nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường. Ông tham gia một cuộc biểu tình phản đối bộ luật nhiều vấn đề về an ninh mạng năm 2018 và công khai tẩy chay các cuộc “bầu cử” cấp quốc gia, một quy trình do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát và hoàn toàn không có tự do cũng như công bằng.
Ông cũng công khai lên tiếng ủng hộ nhiều tù nhân và nghi can chính trị đang bị giam giữ, như Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Đỗ Nam Trung và các thành viên của Hội Anh em Dân chủ.
Tháng Mười hai năm 2013, Trương Văn Dũng và một số nhà hoạt động khác thành lập một nhóm nhân đạo, Hội Bầu bí Tương Thân, để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các tù nhân chính trị, những người khiến kiện đất đai và gia đình họ.
Trương Văn Dũng từng trải qua nhiều năm bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa, kể cả bị công an thẩm vấn, bị câu lưu tại gia, bị cấm xuất cảnh, bị an ninh mặc thường phục nhiều lần hành hung thân thể. Tháng Ba năm 2014, sau khi bị những người mặc thường phục tấn công và gây thương tích, ông nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do: “Tôi không khuất phục, và họ càng hành xử như thế này thì tinh thần tôi càng ngày càng tăng lên thôi, không bao giờ giảm sút tí nào… Tôi thấy rất vinh dự về bản thân, không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm.”
Sau khi bị bắt giữ từ tháng Năm năm 2022, ông Trương Văn Dũng bị cắt liên lạc hơn chín tháng. Mãi tới tháng Ba năm nay ông mới được gặp luật sư bào chữa lần đầu tiên. Gia đình ông vẫn chưa được thăm gặp ông. Các tòa án Việt Nam, do đảng cầm quyền – Đảng Cộng sản Việt Nam, kiểm soát, không phải là tòa án độc lập và các phiên xét xử không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Làm sao mà Trương Văn Dũng có được một phiên tòa công bằng trong khi hệ thống tư pháp Việt Nam không hề độc lập và bộ luật được dùng để truy tố ông không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về nhân quyền – và các hành vi của ông thậm chí không thể bị coi là tội hình sự.” ông Robertson nói.
Nguồn: HRW – https://www.hrw.org/vi/news/2023/03/27/vietnam-drop-charges-against-human-rights-activist
VNTB (28.03.2023)