Thấy gì từ cuộc tranh cãi về Hồ Chí Minh?

Phá vỡ ảo tưởng về nhân vật đã nhập cảng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam

Hiếu Chân

Sài Gòn Nhỏ

 

 

Ông Châu Đoàn  và ông Nguyễn Lân Thắng – hai người suýt soát tuổi nhau, cùng ở Hà Nội, nhưng có cách nhìn khác nhau về Hồ Chí Minh. Nhận định của ông Châu Đoàn về ông Hồ sau vụ án Nguyễn Lân Thắng đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Ảnh Facebook.

Mạng xã hội Facebook ở Việt Nam mấy ngày qua sôi sùng sục với vụ tranh cãi về ý kiến của ông Châu Đoàn sau khi ông Nguyễn Lân Thắng – một nhà hoạt động xã hội có tiếng – bị kết án sáu năm tù giam và hai năm quản chế hôm 11 tháng Tư 2023.

Tranh cãi dữ dội về mọi đề tài đã thành chuyện thường ngày của mạng Facebook, song ý kiến của ông Châu Đoàn đụng tới một vấn đề hết sức nhạy cảm”: đánh giá ông Hồ Chí Minh như thế nào. Những ý kiến tranh luận từ nhiều phía có thể cho thấy phần nào những suy nghĩ của người dân sau hơn 70 năm dưới chế độ cộng sản.

Hai nhận định gây bão dư luận

Ngay sau khi bản án ông Nguyễn Lân Thắng được tòa án bù nhìn đưa ra, ông Châu Đoàn đã đăng một bài viết ngắn dưới tiêu đề: “Các vị muốn người dân thành cái gì?”, trong đó ông thẳng thắn bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với bản án nặng nề “cho một người chỉ đơn giản là nói lên tiếng nói bất bình trước một hiện thực xã hội be bét.” “Những bản án này… sẽ biến thế hệ trẻ thành một thế hệ hèn nhát, thấy sai không dám lên án, thấy cái đúng bị ức hiếp không dám bảo vệ? Cái thái độ sống câm lặng đớn hèn ấy mà ăn vào máu thế hệ trẻ thì lấy tinh thần mạnh mẽ ở đâu để chống ngoại xâm khi cần?” ông viết.

Ý kiến thượng dẫn của ông Châu được hầu hết bạn bè ông trên mạng tán thành và được bà Lê Bích Vượng – phu nhân ông Nguyễn Lân Thắng – đăng lại trên trang nhà của bà.

Sóng gió chỉ bắt đầu nổi lên khi ông Châu Đoàn đăng bài thứ hai, dưới tiêu đề “Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng”, trong đó ông cho biết “Từ những năm trước, tôi đã không đồng ý với việc Thắng có thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh.” Ông Châu ca tụng ông Hồ “không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hóa, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp”. Ông cho rằng “Ta là hậu sinh, ta phân biệt đúng sai để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai. Ta không cần đạp đổ ai để nâng mình lên. Làm thế là hạ sách, là sai”. 

Chỉ sau nửa ngày, bài thứ hai của ông Châu liên quan đến nhân vật Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 1,200 bình luận, 167 lượt chia sẻ và hơn 3,600 lượt biểu lộ cảm xúc. Có nhiều người tán thành, thậm chí khen ngợi ý kiến của ông Châu, song phần lớn phản đối quyết liệt nhận định thượng dẫn của ông; có nhiều ý kiến gay gắt, chửi bới thiếu lịch sự, làm ông phải “block [chặn, xóa] mỏi cả tay” như ông bộc bạch. Để bày tỏ quan điểm, nhiều người dùng Facebook đã viết những bài riêng trên trang của họ; dẫn chứng những tài liệu lịch sử được phổ biến rộng rãi để chứng minh Hồ Chí Minh không phải là lãnh tụ, chân dung văn hóa, yêu nước và có tư tưởng dân chủ như ông Châu khẳng định. Ngay một bậc tu hành như Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải từ Vatican cũng dụng công viết một bài dài với lập luận rất thuyết phục: Tản mạn về status của võ sư Đoàn Bảo Châu viết về kỹ sư Nguyễn Lân Thắng” mà SGN đã đăng lại hầu bạn đọc. 

Đi xa hơn, nhiều nghi vấn lịch sử lâu nay vẫn bị coi là cấm kỵ với người trong nước, ai nói đến có thể bị bỏ tù, nhân dịp này được những tiếng nói phản biện nhắc lại, hệ thống hóa lại để một mặt phản bác ông Châu, một mặt phá vỡ những ảo tưởng về nhân vật đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, gây bao tang thương khốn khổ cho dân tộc Việt từ giữa thế kỷ trước đến tận bây giờ. Cuộc tranh luận quanh ý kiến của ông Châu Đoàn về vụ án Nguyễn Lân Thắng nhanh chóng biến thành cuộc cãi vã dữ dội về Hồ Chí Minh, về dân chủ và về quyền luận định các nhân vật của lịch sử của các thế hệ ngày nay. Số bài phản biện như thế rất nhiều, bạn đọc có thể dò tìm trên mạng Facebook.

Kênh YouTube của luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức dành hẳn một chương trình hơn 30 phút để phản biện quan điểm của ông Châu Đoàn về Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình.

Châu Đoàn là một người viết Facebook có số người theo dõi (followers) khá lớn, gần 150,000 người. Ngoài ra, ông (tên thật là Đoàn Bảo Châu) là một võ sư, nhiếp ảnh gia, thông dịch viên, nhà tiểu thuyết, và nhà báo có nhiều năm làm việc cho các hãng truyền thông nước ngoài. Sinh ra, lớn lên và học hành ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng ông Châu là một người có ý chí và nỗ lực vươn lên đáng nể; chỉ riêng việc ông học tiếng Anh thành thạo tới mức thường được thuê làm phiên dịch cabin cho các đoàn ngoại giao nước ngoài đến làm việc ở Hà Nội đã cho thấy ông hòa nhập rất tốt với cái mới. Thông tin mà ông góp vào các bản tin của Reuters, Associated Press, The New York Times… về các cuộc biểu tình ở Hà Nội, về thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung… đã góp phần giúp thế giới bên ngoài hiểu được phần nào thực tế trong nước. Vài năm gần đây, ông thường đăng lên Facebook những ý kiến phản đối nhà cầm quyền cộng sản và được ủng hộ mạnh.

Cho đến hôm 11 tháng Tư 2023 khi ông viết những dòng thượng dẫn tâng bốc ông Hồ Chí Minh. Có người đoán rằng có thể ông bị áp lực nào đó từ nhà cầm quyền, từ cơ quan an ninh buộc ông phải “quay xe”, nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy; những lời ông viết về ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chắc là suy nghĩ thật của chính ông chứ không do áp lực bên ngoài. 

Cộng sản và cuộc tẩy não

Dù chết mà chưa chôn đã hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh vẫn còn là một thứ thần hộ mệnh của chế độ cộng sản Việt Nam; đụng vào ông Hồ là gây nguy hiểm cho sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Hơn 70 năm qua, đảng đã dày công thần thánh hóa ông Hồ thành một thứ “cha già dân tộc”, thậm chí đưa tượng ông vào chùa đặt bên cạnh tượng Phật, Bồ Tát để dân chúng quỳ lạy nhang khói; âm thầm dựng lên một thứ tôn giáo (?) mới gọi là Đạo Hồ Chí Minh để quyến rũ những tầng lớp bình dân ít học và mê tín. Guồng máy tuyên truyền khổng lồ và tinh vi của đảng đã rất thành công khi tẩy não được cả một dân tộc, từ em bé nhi đồng đến các bậc nhân sĩ trí thức đều răm rắp tin câu chuyện của đảng về một “Bác Hồ” nhân ái, tài giỏi xuất chúng, hy sinh hạnh phúc gia đình để lo cho dân cho nước, danh nhân văn hóa thế giới (sic!) trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại. Một nhạc sĩ tài hoa như Văn Cao còn viết ra câu hát “Non sông theo từng bước cha già (HCM)” thì đủ biết công cuộc tẩy não đã sâu rộng đến mức nào.

Cuộc tẩy não (brainwashing) không chỉ liên can tới nhân vật Hồ Chí Minh mà còn bao trùm tất cả những nhân vật, sự kiện văn hóa lịch sử khác, nhằm làm cho dân chúng – cả các thế hệ tương lai – chỉ biết nghe theo và tin vào câu chuyện của đảng, coi đó là chân lý tuyệt đối không cần tìm hiểu hay tranh cãi.

Hiện tượng ông Châu Đoàn tâng bốc các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, chê bai ông Nguyễn Lân Thắng “chế giễu hình ảnh Hồ Chí Minh” không phải là chuyện riêng biệt của một cá nhân; nó phản ánh quan điểm của một khối dân chúng đông đảo, dù bất mãn với nhiều mặt cuộc sống nhưng vẫn tin tưởng và tôn sùng chế độ cộng sản và tư tưởng của nó, đôi lúc tự mâu thuẫn với chính mình. Đây là hậu quả của một chính sách tẩy não tinh vi vốn là đặc điểm của các thể chế độc tài toàn trị từ thời Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành… thế kỷ trước cho đến Vladimir Putin, Tập Cận Bình hiện nay. [Để hiểu thêm về chính sách tẩy não của các chế độ độc tài, nên đọc bài phân tích sâu sắc của nhà thơ, nhà chính luận Trần Trung Đạo ở Boston trên Facebook của ông]

Thấy gì từ cuộc tranh luận?

Điều không may cho đảng CSVN là mạng internet toàn cầu trong vài chục năm gần đây đã mở mắt cho một bộ phận dân Việt trong nước, cho họ tiếp cận những thông tin và kiến thức đa dạng, đa chiều nằm ngoài sự kiểm soát của guồng máy tuyên giáo của đảng. Nhờ thông tin đa chiều, người ta biết được sự thật về ông Hồ Chí Minh không phải như đảng tô vẽ, biết được tội ác khủng khiếp của chủ nghĩa cộng sản cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam không giống như đảng tuyên truyền. Nhưng sự tồn tại đông đảo những người bị tẩy não trong nước cho thấy tác động thức tỉnh của dòng chảy thông tin tự do vẫn chỉ mới bắt đầu. Một người có học thức và có điều kiện tiếp nhận thông tin đa chiều như ông Châu Đoàn mà vẫn nuôi ảo tưởng Hồ Chí Minh là “chân dung văn hóa” thì đại khối dân chúng trong nước còn bị mê muội đến mức nào.

Qua vụ tranh cãi hiện nay, có thể nói sự nghiệp “khai dân trí” theo lời cụ Phan Châu Trinh để dân chủ hóa đất nước còn rất gian nan. Dù sao vụ tranh cãi chung quanh ý kiến của ông Châu Đoàn có khi lại là một dịp tốt để công chúng hiểu những biến cố và nhân vật lịch sử gần với sự thật hơn thay vì chỉ được nhồi nhét vào đầu câu chuyện tuyên truyền một chiều của đảng. Với ông Châu Đoàn, đây cũng là cơ hội để ông thức tỉnh và bổ sung kiến thức về lịch sử, về dân chủ mà xem ra hiểu biết của ông còn khá hời hợt.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Bàn về tẩy não

 

Trần Trung Đạo

15-4-2023

Giới thiệu: Hôm qua, một người bạn facebook làm một tổng kết những bài viết mà anh đọc được về sự kiện nhà nước CS kết án Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù cộng 2 năm quản chế. Tổng kết của người bạn nhắc đến khá nhiều tác giả, phần đông tôi không quen biết. Trong danh sách có võ sư Châu Đoàn. Ông cũng không đồng ý với việc tòa án CS kết án Nguyễn Lân Thắng, nhưng không có nghĩa ủng hộ quan điểm Nguyễn Lân Thắng đối với chế độ. Ông nhắc lại việc ông đã từng không đồng ý với Thắng vì Thắng đã “có thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh”.

Quan điểm của vị võ sư này không phải là mới mà đại diện cho một tầng lớp không nhỏ những người lớn lên và được uốn nắn dưới chế độ CS. Họ là những người có lòng, mong muốn có một xã hội CS tốt hơn xã hội CS mà họ đang sống và được lãnh đạo bởi một giới lãnh đạo lương thiện hơn giới lãnh đạo đang cầm quyền.

Vị võ sư này cũng cho thấy một căn bịnh phổ biến mang tính đảng khác là bịnh sùng bái cá nhân. Tôi nhắc đến bịnh này trong rất nhiều bài. Hôm qua, trong bài viết về Nguyễn Lân Thắng, tôi cũng có viết: “Hình ảnh một cha già dân tộc Hồ Chí Minh một thời rất lâu đóng một lớp băng dày trong nhận thức của nhiều người. Không một dẫn chứng nào, tài liệu khoa học nào có thể làm tan chảy niềm tin mù quáng trong lòng những người Việt cuồng tín.”

Bài viết của võ sư Châu Đoàn mang tôi về một bài khác: “BÀN VỀ TẨY NÃO”. Nhân dịp này, mời anh chị em và các cháu đọc lại.

***

Tẩy não hay kiểm soát tinh thần là một tiến trình làm thay đổi nhận thức và niềm tin trong con người, qua đó một người hay một nhóm người sử dụng các phương pháp phi đạo đức để khuất phục kẻ khác làm theo các quyết định của một người hay của một nhóm người đó.

Khái niệm tẩy não được biết đến từ lâu qua các tà đạo, chiến tranh, tình báo, tuy nhiên chỉ dưới các chế độ Cộng Sản kỹ thuật này mới được nâng lên thành quốc sách và được thực hiện một cách triệt để, có hệ thống, bao trùm mọi lãnh vực xã hội và trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tẩy não một người

Chính sách tẩy não nhắm vào từng cá nhân được phát hiện lần đầu tiên qua hành vi của các tù binh Mỹ bị Trung Cộng bắt trong chiến tranh Triều Tiên. Một số binh sĩ Mỹ sau khi được trao trả đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, thái độ và cả hành động. Tác giả Edward Hunter phỏng vấn nhiều tù binh bị bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tẩy não và ghi lại trong tác phẩm gây tiếng vang lớn Tẩy não tại Trung Cộng (Brainwashing in Red China) xuất bản 1951. Nhà báo Edward Hunter trong tác phẩm Tẩy não, câu chuyện của những người đã thách thức nó (Brainwashing, The Story of Men Who Defied It) xuất bản 1956 cũng mô tả nhiều trường hợp những lính Mỹ bị bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tẩy não.

Một vài trường hợp điển hình như Đại Tá Frank H. Schwable sau khi bị tẩy não đã lên đài phát thanh Trung Cộng tố cáo chính phủ Mỹ phát động chiến tranh vi trùng hoàn toàn tưởng tượng chống lại nhân dân Triều Tiên hay trường hợp Trung Sĩ Claude Batchelor từ chối trở lại Mỹ. Nhiều cựu tù binh, ngoại trừ giọng nói là của họ, từ câu văn đến dấu phẩy, dấu chấm, cách lên giọng, xuống giọng đều giống như vẹt đã được huấn luyện thuần thục.

Năm 1957, nhà xã hội học Albert D. Biderman trong bản tin của Viện Hàn Lâm Y Khoa New York đã liệt kê 8 biện pháp mà các quốc gia Cộng Sản dùng để tẩy não một người gồm:

(1) Cô lập, tước đoạt mọi nguồn ủng hộ, làm cho nạn nhân tùy thuộc vào kẻ tẩy não.

(2) Độc quyền hóa khả năng nhận thức, tập trung sự chú ý vào một mối quan hệ giữa kẻ tẩy não và nạn nhân.

(3) Làm suy yếu khả năng đối kháng về mặt tinh thần cũng như làm kiệt quệ về thể lực.

(4) Đe dọa, trồng cấy sự lo lắng, bất an và tuyệt vọng vào ý thức của nạn nhân.

(5) Ban đặc ân để khuyến dụ sự tuân hành.

(6) Làm cho thấy việc chống lại chỉ là hành động vô ích mà thôi.

(7) Phát triển một thói quen tuân phục.

(8 ) Chứng tỏ việc phản kháng chỉ làm thiệt hại cho lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện.

Các phương pháp tẩy não của Trung Cộng đã làm quốc hội Mỹ phẫn nộ. Edward Hunter và nhiều tác giả khác đã được mời ra điều trần trước quốc hội Mỹ. Dù sao, nhờ cuộc chiến Triều Tiên mà nhân loại mới biết nhiều hơn về tẩy não, được gọi một cách văn hoa là “cải tạo tư tưởng” tại Trung Cộng và các nước CS, trong đó có Việt Nam.

Tẩy não một dân tộc

Những năm sau 1990, nhiều nhà sử học, nhiều nhà phân tích đổ xô đi tìm lý do tại sao phong trào CS thế giới sụp đổ, nhưng cũng có nhiều nhà phân tích, nhà sử học khác cho rằng việc truy tìm hiểu lý do là thiếu khoa học, chủ nghĩa CS sụp đổ là chuyện đương nhiên, câu hỏi đúng nên đặt ra là yếu tố gì đã giúp CS tồn tại đến hơn 70 năm tại Liên Xô và các nước Đông Âu.

Phần lớn đồng ý là chính sách tuyên truyền tẩy não là cây cột chống đỡ chế độ CS. Có người còn cho rằng tẩy não đồng nghĩa với CS, đơn giản vì không có tẩy não, chế độ CS đã sụp đổ từ lâu lắm chứ không đợi đến thập niên 1990.

Hai cơ quan cầm đầu chính sách tẩy não tại các quốc gia CS là Ban Tư Tưởng Trung Ương Đảng (Việt Nam gọi là Ban Tuyên Giáo Trung ương) và Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng. Ban Tư Tưởng Trung Ương Đảng CS kiểm soát toàn bộ đời sống tinh thần của đất nước bằng một chính sách tuyên truyền tinh vi và có hệ thống khống chế tuyệt đối mọi lãnh vực từ truyền thanh, truyền hình, báo chí đến phim ảnh, bích chương, hội họp, nghệ thuật, nhà hát, sách vở v.v…

Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng là cơ quan bảo vệ sự sống còn của đảng CS như một tổ chức chính trị và đóng vai trò “tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ của hệ thống chính trị; đồng thời là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của Trung ương”. Tại các quốc gia CS, không một sinh hoạt xã hội nào thoát khỏi sự kiểm soát của hai cơ quan nêu trên.

Để tẩy não một dân tộc đảng CS thay đổi mọi giá trị và nền tảng văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc, nói chung phải xây dựng những con người tuân phục và đất nước tuân phục.

Bộ máy tuyên truyền CS nặn ra nhiều khái niệm chưa từng có trước đó “con người mới”, “xã hội mới”, “văn hóa mới”, “anh hùng lao động”, “lãnh tụ kính yêu”. Cái gì cũng mới nhưng thực chất đều là giả tạo. Tại các quốc gia Đông Âu ngày nay, các “anh hùng” do các đảng CS dựng lên bị khám phá là sản phẩm tuyên truyền và bị xóa bỏ. Đảng không chỉ có khả năng thay đổi hiện tại, vẽ ra một tương lai nhưng còn có khả năng thay đổi cả quá khứ của cả dân tộc.

Lịch sử một dân tộc được viết bằng sử quan của đảng CS và được giải thích phù hợp với đường lối, chính sách của đảng CS trong từng thời kỳ chứ không phải là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ thăng trầm, vinh quang và thống khổ của dân tộc.

Bộ máy tuyên truyền CS chi phối không chỉ trong các sinh hoạt nhân văn, xã hội mà cả khoa học tự nhiên như trường hợp lý thuyết kế thừa giống lúa của Trofim Lysenko trong sản xuất lúa tại Liên Xô những năm 1930, tuy không làm sản lượng lúa tăng được bao nhiêu nhưng đảng đánh bóng y thành một thiên tài.

Có người cho rằng chế độ CS thực chất là chế độ phong kiến hiện đại nhưng so sánh đó không hoàn toàn đúng, ít ra về mặt danh xưng.

Khác với các triều đại phong kiến, các vị trí xã hội dưới chế độ CS thường được đặt ngược. Những kẻ ăn trên ngồi tróc, thực sự làm chủ đất nước, nắm trong tay quyền sinh sát cả dân tộc lại được gọi là “đầy tớ nhân dân” trong lúc những tầng lớp cùng đinh trong xã hội, sống không một túp lều tranh để ở và chết không một chiếc chiếu để bó xác lại bị gán cho một danh xưng rất đẹp “chủ nhân của đất nước”.

Đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia cũng làm cho chính sách tẩy não thực hiện tại châu Âu và châu Á khác nhau chút ít.

Châu Âu như Liên Xô và các nước CS Đông Âu đặt nặng yếu tố vật chất, thể xác trong lúc Trung Cộng, Việt Nam yếu tố tư tưởng, tinh thần được chú trọng nhiều hơn. Một đối tượng tẩy não bị bắt tại Liên Xô sẽ bị hành hạ thể xác cho đến khi thú nhận những tội ác dù không làm, thừa nhận là sự thật dù biết đó là giả dối trong lúc tại Trung Cộng và CSVN đối tượng đó sẽ bị “cải tạo tư tưởng” cho đến khi gục quỵ xuống mới thôi.

Tẩy não một quốc gia thù địch

Kiểm soát tạm thời hành vi và ý chí của một cá nhân có thể chỉ cần một thời gian ngắn như trường hợp các tù binh Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên nhưng kế hoạch của Liên Xô nhằm tẩy não nước Mỹ cần nhiều chục năm. Tại sao phải cần đến vài chục năm, theo Yuri Bezmenov cựu nhân viên KGB đào thoát và được định cư tại Canada năm 1970, giải thích đó là thời gian cần có để xây dựng một thế hệ con người trung thành với lý tưởng CS ngay tại Mỹ.

Yuri Alexandrovich Bezmenov là một cựu nhân viên KGB hoạt động tại Ấn Độ trong thập niên 1960. Cha của ông là một lãnh đạo cao cấp của tổ chức KGB. Năm 17 tuổi ông theo học ngành ngôn ngữ học tại đại học Moscow State University do KGB trực tiếp kiểm soát. Nhiệm sở đầu tiên sau khi tốt nghiệp của Yuri Bezmenov là Ấn Độ với trách nhiệm thực thi các chính sách nhằm lật đổ chế độ dân chủ Ấn. Tuy nhiên, sự thán phục của ông dành cho nền văn hóa Ấn và sự bất mãn chế độ Cộng Sản mỗi ngày một gia tăng đã thúc đẩy Yuri Bezmenov đào thoát khỏi ý thức hệ CS.

Năm 1985, trong một buổi phỏng vấn đặc biệt với chủ đề “Làm thế nào để tẩy não một quốc gia”, Yuri Alexandrovich Bezmenov giải thích chiến lược của Liên Xô để thay đổi tư duy của một quốc gia đối nghịch, trường hợp này là Mỹ.

Không giống như các phim ảnh do Hollywood dàn dựng với những màn gián điệp gay cấn, hấp dẫn kiểu James Bond, tẩy não nước Mỹ là một tiến trình được thực hiện từng bước, rất nhẹ nhàng, diễn ra trước mắt và trải qua bốn giai đoạn gồm (1) lũng đoạn nền tảng đạo đức, (2) tạo sự bất ổn, (3) gây khủng hoảng và (4) bình thường hóa. Trong bốn giai đoạn, hủy hoại nền tảng đạo đức của một quốc gia là giai đoạn quan trọng nhất.

Mặc dù mục đích của buổi phỏng vấn nhằm giải thích cuộc chiến tranh văn hóa tư tưởng mà Liên Xô dùng để đánh gục nước Mỹ, tẩy não cũng là chính sách chung mà lãnh đạo các đảng CS trên toàn thế giới áp dụng.

Mỹ chẳng những không bị đánh gục mà trái lại đã góp phần quan trọng trong việc hạ gục toàn bộ hệ thống Liên Xô. Tuy nhiên, phía thế giới tự do, trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng tổn thất khá nặng với Cuba (1959), Congo (1970), Ethiopia (1974), Cambodia (1975), Việt Nam Cộng Hòa (1975), Lào (1975), Angola (1975), Mozambique, (1979), Nicaragua (1979) bị rơi vào quỹ đạo CS.

Tạm gác qua bên cuộc chiến bằng súng đạn, trong bốn giai đoạn mà Yuri Alexandrovich Bezmenov phân tích, giai đoạn thứ nhất, đầu độc một quốc gia, đáng được phân tích để thấy cuộc chiến tranh văn hóa tư tưởng do CSVN phát động đã ảnh hưởng thế nào đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Trong buổi phỏng vấn Yuri Alexandrovich Bezmenov cũng nhắc đến Việt Nam và tiết lộ các chính sách do CSVN thực hiện chẳng phải là sản phẩm riêng gì của đảng CSVN nhưng hoàn toàn rập theo khuôn mẫu của Liên Xô. Do đó, phần còn lại của bài sẽ thay VNCH vào chỗ Mỹ.

Để hủy diệt nền tảng đạo đức văn hóa của VNCH, trước hết phải đầu độc thành phần trí thức. Giới lãnh đạo CSVN đã tiến hành một chính sách quy mô nhằm mua chuộc, lũng đoạn, phân hóa hàng ngũ trí thức miền Nam Việt Nam.

Nhiều người hiểu lầm rằng đối tượng của chính sách tuyên truyền CS áp dụng vào các thành phần ít học, dễ tin, đói khát, cùng khổ, hay “không có gì để mất” nói theo quan điểm Marx. Không phải.

Mục tiêu hàng đầu của đảng CS là thu hút thành phần có lý tưởng, có học thức như nhà báo, nhà xuất bản sách, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, nói chung là những thành phần có khả năng hướng dẫn dư luận. Hàng khối trí thức miền Nam đã bị CS tuyên truyền, đầu độc và trở thành những công cụ của CS trong thời chiến, khi VNCH gục xuống trong máu và nước mắt, và mãi cho đến ngày nay.

Những thành phần thân Cộng này không nhất thiết phải được kết nạp vào đảng nhưng là những người biện hộ cho quan điểm của đảng CS bởi vì tiếng nói của họ được xem “khách quan”, “độc lập”. Những trí thức và chính khách này tự nhận là “thành phần thứ ba” như được gọi trong sinh hoạt chính trị tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Thực tế chính trị đã chứng minh, không có quan điểm nào gọi là “độc lập” hay “khách quan” và tại miền nam Việt Nam trước đây cũng không có thành phần nào đúng nghĩa là thành phần chính trị thứ ba, ngoài hai lập trường chính trị quốc gia và cộng sản.

Cuộc chiến VN sau hiệp định Geneve là cuộc chiến giữa tự do và độc tài, giữa quốc gia và CS. “Ba thành phần” là cách viết cho hợp tình để rút lui của Mỹ trong hiệp định Paris. Những người trong “Thành phần thứ ba” đều nằm trong sự kiểm soát của đảng CS và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đảng chứ chẳng “độc lập”, “khách quan” gì cả, như đã chứng minh sau 1975 khi họ hợp tác một cách tích cực và nhận các chức vụ dù hữu danh vô thực của chế độ.

Một số hiện nay tuy bất mãn nhưng vẫn hãnh diện với chức vụ bắt đầu với chữ “cựu” và “nguyên” đó. Trước 1975, có nhiều lãnh tụ đảng phái quốc gia đối lập (Đại Việt, VNQDĐ …) và nhiều chính khách đối lập (Gs Trần Văn Tuyên, Gs Nguyễn Ngọc Huy …) nhưng họ vẫn là chính khách quốc gia và nhiều trong số họ đã chết trong tù. Chống chính quyền, chống tham nhũng tại miền Nam trước 1975 khác với hoạt động cho CS.

Trong bài “Những người đi tìm tổ quốc” trên talawas trước đây tôi có viết về sự khác nhau này: “Các anh có quyền biểu tình, có quyền chống độc tài, chống tham nhũng, chống độc diễn nhưng khi bỏ đi sang hàng ngũ của những người ném lựu đạn vào quán ăn, pháo kích vào trường học, đặt mìn trên quốc lộ, các anh đã phản bội quyền sống trong hoà bình của nhân dân miền Nam. Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và còn một bầy em nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình.”

Alexandrovich Bezmenov cũng giải thích xa hơn, thành phần thân Cộng chỉ cần thiết trong giai đoạn làm sụp đổ quốc gia thù địch nhưng khi mục đích của đảng CS đã đạt, thành phần này chẳng những không còn cần thiết mà có thể trở thành một chướng ngại. Nhiều trong số họ phải bị giết, bị tù và bị thanh trừng qua nhiều hình thức.

Lý do? Những kẻ thân Cộng trong chiến tranh rất dễ bị bất mãn khi thấy đảng CS nắm hết quyền hành và do đó sẽ trở thành thù địch về mặt quyền lực với chế độ và chống đối về mặt tư tưởng với chủ nghĩa Marx Lenin. Họ bị thanh trừng, ngoài ra, còn vì cái tội biết CS quá nhiều. Yuri Alexandrovich Bezmenov nêu lên trường hợp Nicaragua nơi một phe thân CS trước đó đã hoạt động chống lại tổ chức CS Sandinistas do José Daniel Ortega lãnh đạo.

Tại Afghanistan nơi lãnh tụ CS Taraki bị Amin giết, rồi Amin bị Kamal giết, và tại Bangladesh nơi Mujibur Rahman bị chính những người cùng chiến tuyến với y giết.

Để chiến thắng trong trận chiến quân sự và văn hóa, ngoài khối thân CS nêu trên, đảng CS cần một mạng lưới nằm vùng trung thành, dã man, cuồng tín và hữu hiệu. Thành phần này cần thiết để trực tiếp thi hành các chính sách của đảng CS tại các địa phương.

Yuri Alexandrovich Bezmenov nhấn mạnh đến thành phần nằm vùng bởi vì không có mạng lưới nội ứng tại địa phương các lực lượng CS bên ngoài không thể xâm nhập được.

Trong buổi phỏng vấn, cựu nhân viên KGB này có nhắc đến trường hợp một thành phố ở Việt Nam, được viết trong văn bản là Hua, có thể ông muốn nói Huế, để nhấn mạnh đến vai trò của mạng lưới CS nằm vùng: “Tương tự, trong một quận của Huế tại Nam Việt Nam, nhiều ngàn người bị xử tử trong một đêm khi thành phố bị CS chiếm chỉ trong hai ngày; CIA không thể nào trả lời được câu hỏi, làm thế nào CS có khả năng biết từng cá nhân người bị xử tử, ông ta sống ở đâu, đến nơi nào để bắt ông và để bắt trước bình minh, bỏ ông ta lên xe, lái ra khỏi thành phố và bắn ông ta. Câu trả lời rất đơn giản. Thật lâu trước khi chiếm thành phố đã có một mạng lưới của những CS nằm vùng; họ là dân địa phương và là những người biết một cách tuyệt đối những ai trong thành phố có ảnh hưởng với quần chúng, kể cả những anh thợ hớt tóc và tài xế taxi. Những ai có cảm tình với Mỹ đều bị xử bắn.”

Thước đo của mức độ bị tẩy não

Mức độ bị tẩy não cũng có mức trầm trọng khác nhau. Một người bị tẩy não hoàn toàn sẽ không còn khả năng để đánh giá sự thật. Sự kiện và bằng chứng không có nghĩa gì với họ. Yuri Alexandrovich Bezmenov phát biểu từ kinh nghiệm ở Liên Xô “Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin… cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người”.

Nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn chịu đựng mức độ tẩy não trầm trọng như vậy.

Tuy nhiên, cũng có những người bị tẩy não ở mức độ thấp hơn. Họ thấy được những hiện tượng sai trái, những bất công, tiêu cực của chế độ nhưng vẫn “chấp nhận đặc ân để sau đó tuân hành”, vẫn cho rằng “chống lại chỉ là hành động vô ích”, vẫn “trải qua nhiều chục năm tuân phục thành một thói quen”, và vẫn nghĩ rằng “phản kháng chỉ làm thiệt hại cho lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện” đúng như các điểm mà nhà xã hội học Albert D. Biderman liệt kê.

Điều đó cho thấy, trên thế giới, chủ nghĩa CS chỉ là một bóng ma hãi hùng của quá khứ, các dân tộc từng bị CS cai trị từ Âu sang Á đã thức tỉnh sau bảy mươi năm chịu đựng chủ nghĩa tàn bạo nhất lịch sử loài người nhưng tại Việt Nam vẫn còn nhiều người bị tẩy não. Giống như đảng CS không bao giờ thừa nhận đã và đang tẩy não cả dân tộc, không ai muốn thừa nhận mình bị CS tẩy não.

Thước đo mức độ tẩy não không phải là quá khó để xác định mà nằm ngay trong câu trả lời cho câu hỏi rất đơn giản “Anh (chị) thật sự muốn gì cho đất nước?”

Con đường duy nhất hiện nay là tập trung sức mạnh dân tộc, gạt bỏ mọi bất đồng, vận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam đến thành công, xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị CS, thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị, hiện đại hóa đất nước toàn diện làm nền tảng cho việc phục hồi chủ quyền đất nước, mở đường cho một Việt Nam thăng tiến lâu dài.

Không có con đường nào khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một câu trả lời dứt khoát và giống nhau như thế.

Ngay cả trong tầng lớp có học thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo không ít người vẫn còn nghĩ rằng nói gì thì nói đảng CS trong suốt dòng lịch sử của đảng đã đồng hành với dân tộc, nói gì thì nói chỉ có đảng CS mới có khả năng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nói gì thì nói đảng CS là đảng nắm trong tay ngọn cờ chính nghĩa, nói gì thì nói Việt Nam vẫn cần ổn định để phát triển và mọi thay đổi đột biến sẽ dẫn đến hỗn loạn, nói gì thì nói các lãnh tụ CS vẫn là những người yêu nước, những anh hùng dân tộc và xứng đáng được kính trọng khi họ sống và tôn thờ, tiếc thương, than khóc khi họ chết.

Lịch sử thế giới chỉ riêng từ thế chiến thứ hai cho đến nay có nhiều anh hùng đã đóng góp trí tuệ hay máu xương vào công cuộc bảo vệ tự do cho đất nước họ hay giải phóng dân tộc họ khỏi ách thực dân. Vài trường hợp điển hình như Mahatma Gandhi (Ấn Độ), Winston Churchill (Anh), Charles de Gaulle (Pháp), Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc), Franklin D. Roosevelt (Mỹ). Nhưng khi họ chết, ngoài tang quyến, không có cảnh “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” như khi Hồ Chí Minh chết và “ôm thật chặt cột nhà khóc cho thỏa nỗi xót thương” như khi Võ Nguyên Giáp vừa chết ở Việt Nam.

Bởi vì những lãnh đạo thế giới nêu trên là những anh hùng thật, con người thật, có thành công và thất bại, có điểm tốt và điểm xấu và cuộc đời họ được phô bày trước dư luận chứ không phải là sản phẩm do nhà máy tuyên truyền sản xuất trong một xã hội bị bưng bít thông tin. Tuy mức độ có khác nhau, “khóc lãnh tụ” là đặc điểm của văn hóa CS và chỉ tồn tại tại các nước CS.

Trở lại với thành phần “nói gì thì nói”. Giới hạn trong hoạt động tri thức của thành phần “nói gì thì nói” mỗi thời kỳ có thể được nới rộng hơn chút ít nhưng đó không phải là sự mở rộng thuận theo đà phát triển của văn minh nhân loại mà từ sự thỏa hiệp với đảng CS.

Như kẻ viết bài này có lần đã viết, xã hội Việt Nam là một xã hội được khoanh vùng có biên giới rõ rệt giữa các thành phần và các thành phần này cùng tồn tại bằng cách thỏa hiệp với nhau. Không được vượt đèn đỏ, không được lấn lề, vi phạm sẽ bị phạt.

Đảng Cộng sản thỏa hiệp với các thành phần trí thức vì mục đích duy trì quyền cai trị đất nước. Giới trí thức thỏa hiệp với đảng để được ban phát bổng lộc, lợi danh. Giới văn nghệ sĩ thỏa hiệp với đảng để các điều kiện sáng tác, in ấn, phát hành được nới rộng hơn, được đi Tây, đi Mỹ dễ dàng. Các bè phái tham ô thỏa hiệp với lãnh đạo đảng để được tiếp tục tham nhũng cho đến khi bị lộ. Chỉ có những người cùng khổ, thấp cổ bé miệng nhưng chiếm đa số trong xã hội, là không ai cần thỏa hiệp mà họ cũng chẳng biết thỏa hiệp với ai ngoài số phận hẩm hiu đầy bất hạnh của mình.

Không có gì đáng hãnh diện. Hồ nước rộng mà thành phần “nói gì thì nói” đang bơi trong đó hôm nay hai chục năm trước là một chiếc ao nhỏ và bốn mươi năm trước là một lỗ chân trâu nhưng dù là lỗ chân trâu, ao hay hồ cũng chỉ là nơi tích tụ của những giọt nước tuyên truyền cùng một nguồn nhỏ xuống suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Dù thừa nhận hay không, tầng lớp của những người “nói gì thì nói” chính là những người bị CS tẩy não, và Việt Nam hôm nay vẫn còn chịu đựng dưới chế độ độc tài trong khi đại đa số nhân loại sống trong tự do dân chủ không phải vì tài năng của giới lãnh đạo CS nhưng chỉ vì số người bị tẩy não còn quá đông.

Trần Trung Đạo

__________

Tham khảo:

– Albert D. Biderman, Herbert Zimmer, Manipulation of Human Behavior (The), Delhaye, 1961

– Kathleen Taylor, Brainwashing THE SCIENCE OF THOUGHT CONTROL, Oxford University Press 2004

– Transcript of G. Edward Griffin interviews Ex-KGB Soviet Defector Yuri Bezmenov, Wed Jun 3 1985

– EDWARD HUNTER, Brainwashing, The Story of Men Who Defied It, New York, 1956

– Louis R. Stockstill, The Forgotten Americans of the Vietnam War, Prisoners of War—A Special Report, US Air force

– Biderman’s Chart of Coercion

 http://vi.wikipedia.org về Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Ban Tổ chức Trung Ương đảng CSVN

– Former KGB Agent Yuri Bezmenov Explains How to brainwash a nation

– Archie Brown, The Rise and Fall of Communism, HarperCollins, New York, NY 2011

Nói lại về “danh nhân văn hóa thế giới”

 

Lý Trần

16-4-2023

Những đồn đoán vừa qua xung quanh việc anh Nguyễn Lân Thắng bị xử kín và bỏ tù, mặc dù khá lâu anh đã im tiếng, cho rằng anh đã xúc phạm lãnh tụ CS Hồ Chí Minh.

Chuyện công – tội của ông Hồ đã được bàn nhiều rồi. Cá nhân tôi tôn trọng ông Hồ Chí Minh là một người cao tuổi vì đó là văn hóa Việt, coi trọng các bậc cao niên. Có một giai thoại kể rằng ông Hồ đã nhắc nhở cấp dưới của mình không được gọi người già là “thằng” khi ông nhắc đến ông Ngô Đình Diệm. “Các chú không nên gọi người ta là thằng, ông ấy cũng là người già”.

Nhưng văn hóa xưng hô của người CS coi tất cả những ai họ không ưa đều là ‘thằng/ con’ đã trở nên phổ biến. Những ai phải tham dự các buổi học tập chính trị hàng năm đều chứng kiến diễn giả là cán bộ Tuyên giáo gọi các nguyên thủ Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, … là thằng, là nó, hắn. Như thế mới thể hiện mình ‘có lập trường’ tiến bộ!

Ngày nay, ở những nơi riêng tư, dân Việt trong nước cũng gọi ông Trọng, ông Phúc, … là ‘thằng’ – đúng là ‘gậy ông đập lưng ông’.

Trong xã hội CS hiện nay, ông Hồ đã bị biến thành cái bung xung cho bộ máy cai trị kiếm chác cả quyền lực lẫn tiền của. Đâu đâu cũng xây đắp cổng chào, tượng bác, đền thờ bác … là một vài ví dụ. Những kẻ rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh lại chính là những kẻ tham nhũng nhất, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, … là ví dụ sử dụng cái bung xung ấy để che đậy cho những hành vi trộm cắp, chứ không hề quý trọng gì ông Hồ.

Khi bộ mặt thật vô đạo đức, thối nát và tham nhũng đến vô độ ngày càng làm cho đảng CSVN trở thành lực lượng phản dân hại nước, họ cần một cái hình nhân thế mạng.

Không thể cứ mang dùi cui và nhà tù ra mãi với dân, không còn chỗ dựa đạo đức để thuyết phục xã hội, hệ thống Tuyên giáo của đảng CSVN ra sức tô vẽ cho ông Hồ Chí Minh. Nhiều người Việt trong nước vẫn tin rằng ông Hồ là “Danh nhân văn hóa thế giới”, mà không biết rằng đó là tin nhảm.

Tôi bỏ chút thời gian tìm lại một số tài liệu nói về sự việc này. Khởi đầu là bức thư của ông Võ Đông Giang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ghi ngày 14-4-1987, gửi tổng giám đốc UNESCO, đề nghị ghi tên ông Hồ vào danh sách danh nhân thế giới vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Ảnh chụp bức thư tiếng Việt và tiếng Pháp của ông Võ Đông Giang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, gửi tổng giám đốc UNESCO, đề nghị vinh danh ông Hồ Chí Minh. Nguồn: RFA

Tháng 10-1987, UNESCO có ra Nghị quyết phiên họp 24 tại Paris năm 1987, nhưng trong danh sách vinh danh các danh nhân thế giới sau đó, hoàn toàn không có tên ông Hồ. Cho nên, không hề có chuyện UNESCO “công nhận Danh hiệu” ông Hồ là danh nhân văn hóa thế giới như tin vịt đã loan.

Ngày 2-10-2010, bà Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova có bài diễn văn khai trương triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Ảnh chụp phần mở đầu bài phát biểu ngày 2-10-2010 của bà Irina Bokova tại Hà Nội.

Thế nhưng, Tuyên giáo CSVN bám lấy diễn văn này rồi gán cho nó là UNESCO “công nhận Danh hiệu” ông Hồ là danh nhân văn hóa thế giới. Người dân bình thường làm sao biết thực hư cái “sự công nhận” đó? Hy vọng, những dẫn chứng sau đây sẽ làm nhiệm vụ fact-check – kiểm chứng sự thật.

Là một hoạt động bình thường, UNESCO lên danh sách ngày sinh/ ngày mất lần thứ trăm chẵn (100, 200 …) của những nhân vật nổi tiếng để tưởng nhớ họ, ví dụ người đứng đầu quốc gia, nghệ sĩ, kiến trúc sư…

Mục này ở trang 134/225 của Nghị quyết phiên họp 24 tại Paris năm 1987 và trong các văn bản của UNESCO, không có chỗ nào cho thấy có Danh hiệu “Danh nhân văn hóa thế giới”. Xét về ngôn ngữ, đã là danh hiệu (title), danh từ đó trở thành danh từ riêng và thường phải viết hoa. Ví dụ, “Goodwill Ambassador” dành cho Ivonne A-Baki, “Artist for Peace” dành cho Paul Ahyi (1930-2010) … Nhưng tất cả từ ngữ liên quan trong văn bản dẫn ở trên đều là danh từ chung. Lục tìm danh sách các danh hiệu của UNESCO không thấy những danh hiệu “danh nhân văn hóa thế giới”. Không có thì làm thế nào để trao? Theo tinh thần UNESCO, mọi nền văn hóa đều là cường quốc văn hóa.

Cũng trên cơ sở văn bản này, so với Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Hồ Chí Minh phải “gọi ông Nehru bằng cụ” về phương diện văn hóa, có tầm ảnh hưởng trên thế giới …. Nehru có những “bài viết mang tính học thuật là bộ phận khăng khít của di sản văn hóa thế giới” (scholarly writings that constitute an integral part of the cultural heritage of the world) , “chiến sĩ vĩ đại của phong trào giải phóng và đoàn kết quốc tế, và một lãnh đạo của thế giới” (great champion of liberation movement and international solidarity, a world leader), “được thừa nhận rộng rãi là nhân vật của văn hóa phổ quát” (widely acclaimed as a man of universal culture) (*).

Hồ Chí Minh không có mức độ công nhận đó, trong khi chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nước mình như một “anh hùng giải phóng dân tộc và nhân vật văn hóa Việt Nam” (Vietnamese national hero of national liberation and great man of culture); “một biểu tượng nổi bật của tinh thần dân tộc, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam” (an outstanding symbol of  national affirmation, devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people …). Mời xem thêm thông tin từ UNESCO qua các bản chụp màn hình dưới đây:

     

Ảnh chụp mục lục biên bản/nghị quyết phiên họp:

Cùng năm đó, UNESCO đề nghị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của học giả người Thái Phys Anunman Rajadhon, 500 năm ngày sinh nhà cách mạng Tư sản Đức Thomas Muntzer, nhà giáo dục người Nga Makarenko, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam, lãnh tụ Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, và kỉ niệm 400 năm ngày mất của kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ Sinan …

Một vài dẫn chứng ở trên và ý kiến cá nhân để “giải ảo” cho những ai vẫn còn quanh quẩn với các lời tuyên truyền của Tuyên giáo CSVN về huyền thoại “danh nhân văn hóa thế giới” của họ cố gán cho ông Hồ. Ông là một nhân vật nổi tiếng, nhưng không phải là “danh nhân văn hóa thế giới” – đơn giản vì UNESCO KHÔNG có danh hiệu đó.

Về UNESCO, có khá nhiều ý kiến khắp trên thế giới một cách hài hước mô tả nó như “một câu lạc bộ của mấy anh/ chị thiên tả dùng để du lịch miễn phí đến các quốc gia … có các heritage”, được chủ nhà đãi “cơm gà cá gỏi”?

Không biết đến bao giờ lăng ông Hồ Chí Minh sẽ được UNESCO xếp hạng “di sản văn hóa” (cultural heritage) đây?!

______

(*) Ghi chú: Những chỗ tô đậm là của người viết bài này, để nhấn mạnh.

Lại chuyện tôn sùng lãnh tụ – Bên lề bản án của Nguyễn Lân Thắng

Lâm Bình Duy Nhiên

15-4-2023

Câu chuyện om sòm bên lề bản án nặng nề dành cho ông Nguyễn Lân Thắng khi ông võ sư/nhà văn Đoàn Bảo Châu mang nhân vật Hồ Chí Minh vào bài viết của ông. Một tiếng nói phản đối chính quyền vừa bị cầm tù nhưng vẫn không thoát ra khỏi cái bóng dáng khổng lồ của vị lãnh tụ đang bao trùm trong mọi ngóc ngách của xã hội.

Ai ca tụng hay tôn sùng và tôn thờ một lãnh tụ như ông Hồ Chí Minh thì cứ việc. Suy cho cùng, đó là quyền của cá nhân họ.

Tuy nhiên, những người này cũng nên chấp nhận một điều rằng có không ít người không tôn trọng hay khâm phục vị lãnh tụ cộng sản trên. Họ có lý do của họ và đó mới chính là khái niệm dân chủ ngay cả trong nhận thức về những sự kiện hay nhân vật lịch sử.

Trên phương diện cá nhân, tôi không bắt những người khác phải có cùng suy nghĩ như tôi về con người và vai trò của ông Hồ trong một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc. Tuy nhiên, thời buổi toàn cầu và thông tin đa chiều, sự thật là điều không mấy khó khăn để tìm hiểu. Chính vì vậy, tôi chỉ cảm thấy tiếc cho không ít người, dẫu có khả năng hiểu biết và thừa kiến thức nhưng vẫn không ngớt lời tụng ca ông Hồ. Mọi việc ông làm, mặc định đều đúng và không thể nào phản biện hay chỉ trích. Họ trung thành tuyệt đối với ông. Học trò của ông có thể sai, chứ ông không thể nào bị “xét lại” hay đánh giá lại. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn bất diệt…

Cái hay của người cộng sản là đã thành công trong việc tẩy não để “lập trình” một cách tinh vi những tuyên truyền và chủ nghĩa suy tôn lãnh tụ trong đầu óc không ít đồng bào. Đâu đó trong tiềm thức của người dân, ông Hồ gắn liền với mọi sự cao quí, hy sinh cao cả và nhất là sứ mệnh vĩ đại của dân tộc này!

Ông Hồ là một nhân vật lịch sử và chỉ có một Việt Nam thực sự dân chủ thì mới có thể đánh giá một cách trung thực và khách quan vai trò của ông đối với lịch sử dân tộc.

Ảnh ông Hồ đăng trên trang web chính quyền tỉnh Khánh Hòa

Trong lịch sử nhân loại tiến bộ, chỉ có các quốc gia độc tài mới cố tình áp đặt sự tôn thờ, suy tôn và thần thánh hoá lãnh tụ. Đó là sức cản quan trọng cản trở sự phản biện, chất vấn lịch sử cần thiết của một công dân trong một quốc gia dân chủ.

Đã qua rồi cái thời kỳ mà nhà nhà, người người phải câm miệng, không dám đá động gì đến các vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam.

Từ chối sự tuyên truyền, suy tôn và tôn thờ ông Hồ một cách máy móc, suy cho cùng, đó cũng chính là quyền công dân cơ bản nhất cần phải được tôn trọng.

Và càng không thể hăm doạ, khủng bố, đàn áp hay bỏ tù những ai không cùng suy nghĩ, chê bai hay thậm chí chế giễu những “thần tượng” của một thể chế chính trị.

Tự do Ngôn luận và Nô lệ Tự nguyện

Lê Học Lãnh Vân

Văn Việt

Anh Đoàn Bảo Châu, một bạn Phây (Fb Chau Doan), ngày 14/2, 2023, viết tút liên quan tới anh Nguyễn Lân Thắng có tựa là “Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng”.

Đọc tút đó, tôi thấy hai ý chính:

1) Quan điểm của anh Châu về chủ tịch Hồ Chí Minh

2) “Thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh” của anh Thắng

Bài viết này trình bày suy nghĩ về hai đề tài trên trong mối liên quan với sự Nô lệ Tự nguyện, trong tinh thần trao đổi ý kiến giữa bạn phây!

Nếu tôi hiểu không lầm, anh Đoàn Bảo Châu kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh viết “Ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hoá, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp”. Tôi tôn trọng quan điểm này của anh Châu!

Xin mở một chút ngoặc nơi đây. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng ba mươi lăm năm, ông Hoàng Xuân Hãn cho biết ông kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách diễn đạt sự kính trọng đó tạo ấn tượng trong tôi. Ông Hoàng Xuân Hãn là người tôi kính trọng về đạo đức sống nói chung, về lòng trung thực và về sự hiểu biết. Tại sao ông Hoàng Xuân Hãn kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi dự định sẽ viết về tâm sự đó của ông Hãn trong một bài riêng! Tâm sự đó có nhiều nỗi, không giản dị như nhiều người hiện nay suy nghĩ, đáng để thế hệ sau suy ngẫm!

Lúc đó đã cuối đợt thuyền nhân đầu tiên, ông Hoàng Xuân Hãn biết có nhiều người không phục, thậm chí căm ghét ông Hồ Chí Minh. Ông khuyên tôi không nên viết về ông Hồ Chí Minh, “nếu cháu muốn rảnh rang đầu óc theo đuổi công việc của mình”. Ông nói thêm, “Chúng ta biết rất ít về ông Hồ Chí Minh”!

Nghe theo lời dặn khôn ngoan đó, tôi chưa từng nói lên nhận xét của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những dòng này của bài viết chỉ để nói, xin lặp lại, rằng tôi tôn trọng quan điểm của anh Đoàn Bảo Châu!

Cũng theo tút của anh Châu, anh Nguyễn Lân Thắng không giữ “cái lễ với một lãnh tụ, một bậc tiền nhân”. Tôi có không ít người quen xuất thân từ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, họ gọi ông Hồ Chí Minh là “thằng” cùng với những tính từ khó nghe. Tất nhiên tôi hoàn toàn không đồng ý cách thể hiện đó, nhưng tôn trọng quan điểm của họ, cũng như tôn trọng quan điểm của anh Châu. Tôn trọng quan điểm không đồng nghĩa với có cùng quan điểm. Mỗi cá nhân có quyền có quan điểm, nhận xét của mình, mỗi quan điểm như vậy có giá trị ngang nhau trong trưng cầu dân ý hay thăm dò ý dân!

Tôi chưa có dịp biết cách thể hiện của anh Nguyễn Lân Thắng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu cách thể hiện gây “sốc”, đó là một thể hiện văn hóa và người cảm thấy sốc có thể phản ứng bằng phê bình công khai. Nếu trong cách thể hiện có biểu hiện như vu khống… thì người có thẩm quyền (con, cháu, em… có thể chọn cách kiện ra tòa).

Tuy nhiên, nếu không vi phạm pháp luật như vu khống, chỉ trình bày quan điểm của mình về một nhà chính trị, dù đó là nhà chính trị kiệt xuất tới đâu đi nữa, mà phải vào tù thì sự bỏ tù đó đã vi phạm các nguyên tắc căn bản của tự do ngôn luận, quyền tham gia các hoạt động chính trị, nói chung là xâm phạm các nguyên tắc căn bản của nền dân chủ!

Từ tác phẩm Discours de la servitude volontaire của Étienne de La Boétie, dịch giả Hiếu Tân đã dịch sang tiếng Việt thành Luận văn về Nô lệ Tự nguyện. Luận văn này, được viết gần năm trăm năm trước, gợi cảm hứng cho nhiều triết gia, nhà khoa học chính trị của Thời đại Ánh Sáng mà tư tưởng của họ dẫn tới thiết lập nền dân chủ trên thế giới hiện nay.

Luận văn đó khuyên rằng không bao giờ nên trao quyền quá mức cho một cá nhân, không bao giờ nên thần tượng, tôn sùng cá nhân. Cho dù khi xã hội, quốc gia, gặp khó khăn và được một cá nhân xuất sắc đưa ra giải pháp hữu hiệu thoát khỏi khó khăn, thì cũng không nên biến lòng mến mộ và biết ơn cá nhân ấy thành tôn sùng cá nhân. Bởi vì điều này sẽ dẫn tới tình trạng một cá nhân hay một nhóm người có quyền hành tuyệt đối, cai trị lâu dài và song song đó là sự Nô lệ Tự nguyện của quần chúng được thiết lập. Sự Nô lệ Tự nguyện không chỉ do cá nhân hay nhóm người có quyền hành tuyệt đối thao túng xã hội để trở thành nhà độc tài tuyệt đối, mà còn do chính tâm lý quần chúng. Sau một thời gian lâu để cho giới cai trị lo mọi chuyện, quần chúng dần mất ý thức về tự do, mất ý thức về sự cần thiết của tự do, lần lần mất cả lòng yêu mến tự do để rồi trở thành kẻ nô lệ tự nguyện!

Thí dụ được nêu lên là trường hợp bạo chúa Denis. Dân chúng, để đối phó với nguy hiểm của chiến tranh trước mắt, đã giao quyền lực cho Denis “mà không nhận ra rằng họ đang giao cho hắn quyền lực đến khi chiến thắng trở về con người xứng đáng này hành xử như thể hắn không chiến thắng quân thù mà chiến thắng chính đồng bào của hắn”.

Xin trở lại với việc anh Nguyễn Lân Thắng không giữ “cái lễ với một lãnh tụ, một bậc tiền nhân”, theo tút của anh Châu. Lễ là điều nên giữ, chỉ xin nhớ rằng Lễ cũng cần thay đổi tiệm tiến theo thời gian. Giới ăn trên ngồi trước luôn muốn giữ chữ Lễ không-diễn-biến, còn dân chúng cần biết cách thoát khỏi, nếu không e rằng mãi bị cầm tù trong chữ Lễ đó và tự tước đi quyền tự do ngôn luận của mình.

Tôi chú ý đoạn văn này của anh Đoàn Bảo Châu, “nếu không giữ lễ, thì thế hệ mới sẽ có một kiểu hành động “cứt lộn lên đầu” như kiểu người cộng sản làm trong Phong trào Cải cách Ruộng Đất khi con chỉ mặt gọi cha là mày, cha vâng dạ xưng con với con của mình khi bị đấu tố”, vì thấy có sự lầm lẫn trong đó.

Trong Cải Cách Ruộng Đất, việc “cứt lộn lên đầu” xảy ra được không phải do tự do ngôn luận quá trớn, mà do bạo lực cách mạng được dùng quá trớn. Bạo lực cách mạng đàn áp tự do ngôn luận khiến chỉ còn một chiều ngôn luận là chiều địa chủ ác ghê! Bạo lực cách mạng ủng hộ các phiên tòa trong đó người tố cáo, người điều tra, người xử án, người thi hành án tất cả đều cùng một phe, không hề có sự phân quyền, chỉ có bị cáo một mình run rẩy trước đám đông bị kích động cuồng nộ! Cần phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đó mới chính là bài học cần được rút ra từ Cải Cách Ruộng Đất chứ không phải điều ngược lại!

Thiếu tự do ngôn luận, tiến trình đi tới Nô lệ Tự nguyện của đám đông được thúc đẩy nhanh hơn vì không còn lực cản. Một quốc gia mà đám đông rơi vào tình trạng Nô lệ Tự nguyện, quốc gia đó sẽ chìm đắm lâu dài trong sự thiếu độc lập, tự chủ, nhất là khi quốc gia ấy đang chịu một lời nguyền địa lý. Quốc gia có hoài bão thoát khỏi lời nguyền đó không?

Ngày 14 tháng 4 năm 2023

Mấy ý kiến với anh Đoàn Bảo Châu

 

Dương Quốc Chính

14-4-2023

Anh Châu vừa có một status gây nhiều tranh cãi về anh Lân Thắng và ông Hồ Chí Minh. Nhiều người khen anh là khách quan và nhiều người chê anh thiếu hiểu biết về lịch sử.

Có mấy người nhắn tin hỏi mình về status này. Mình có bấm nút like, ban đầu chỉ định thế, nhưng sau thấy status có nhiều tranh cãi quá, nên mình thấy cần viết cụ thể ra để mọi người hiểu rõ quan điểm của mình, vì mình cũng nghiên cứu tương đối sâu về ông HCM và lịch sử hiện đại Việt Nam. Dưới đây là comment của mình bên nhà anh Châu:

Có mấy chỗ phải xem lại anh ạ. Em đồng ý là không nên xúc phạm các nhân vật lịch sử, nên có thái độ trung tính, nhưng không nhất thiết phải tỏ ra kính trọng lãnh tụ của người khác. Với người có tư tưởng tự do thì không nên coi ai là lãnh tụ. Lãnh tụ là khái niệm chỉ có ở các chế độ độc tài thôi.

Về tư tưởng HCM, đã là người CS thì không có khái niệm dân chủ, theo đúng nghĩa phổ quát bây giờ, mà chỉ là dân chủ tập trung (dân chủ kiểu CS, gấp vạn lần Mỹ!).

Về khái niệm nhà văn hóa, thì cũng còn gây tranh cãi. Vì khả năng văn chương thơ phú của ông Hồ không có giá trị nghệ thuật cao, thiên về tuyên truyền, văn thơ cổ động là chính. Cái này là quan điểm cá nhân em.

Về lòng yêu nước thì cũng còn gây tranh cãi, tùy quan điểm, góc nhìn. Ông HCM đúng là có tư tưởng chống thực dân, muốn giải phóng dân tộc, đó là sự thật. Có thể coi là yêu nước. Nhưng mặt khác, giải phóng dân tộc khỏi thực dân nhưng lại trao đất nước vào chế độ CS, cũng là lệ thuộc về tư tưởng, khiến đất nước chậm tiến, nhân dân cực khổ 1 thời gian quá dài, nhất là khiến nhiều người chết oan vì CCRĐ và chiến tranh. Thế lại bị coi là không yêu nước.

Lưu ý là với tư tưởng CS thuần nhất thì tính giai cấp phải đặt lên trên tính dân tộc. Tức là phải hi sinh dân tộc vì đấu tranh giai cấp, đó là lý do có CCRĐ.

Hệ thống XHCN cũng có thể coi là 1 dạng thuộc địa kiểu mới của LX và TQ, không ai giúp không ai cả đâu. Đông Âu là rõ rệt nhất chuyện đó. Nước CS đàn anh sẽ có những áp đặt với đàn em. Như việc LX can thiệp quân sự vào Hung, Tiệp, đưa cả tướng sang lãnh đạo Ba Lan. Tất nhiên cũng có nước CS đàn em ngang ngạnh bất tuân như Tito ở Nam Tư.

Việt Nam tuy không bị can thiệp quá sâu nhưng có. Như hiệp định Geneva bản chất là do Chu Ân Lai quyết định chủ yếu về nội dung, được Molotov (LX) thông qua, Phạm Văn Đồng thực hiện. Việc này Việt Nam biết nên có rút kinh nghiệm ở HĐ Paris, đã độc lập hơn.

Việc thực hiện CCRĐ ở Việt Nam là do cố vấn TQ chỉ đạo, do lúc đó Việt Nam DC CH còn non trẻ, bị phụ thuộc Tàu. Mà Tàu rất cực đoan, áp đặt, nên nhiều địa chủ chết oan vì CCRĐ. Chuyện này chính đảng CS Việt Nam đã nhận sai. Nhưng cần hiểu bản chất cái sai này là do phụ thuộc TQ. Công hàm PVĐ cũng là 1 hệ quả của việc phụ thuộc vào TQ nên lỡ lời, bây giờ trở thành khó xử với TQ.

Việc ký hiệp ước tương trợ kinh tế với LX và đẩy Việt Nam vào xung đột với TQ, là 1 lý do dẫn tới chiến tranh với TQ, thì cũng là hệ quả của việc phụ thuộc LX trong giai đoạn 78-90 của Việt Nam.

Tóm lại, thoát khỏi thuộc địa kiểu cũ thì lại rơi vào sự phụ thuộc về tư tưởng, rất khó thoát ra được. Tất cả sự phụ thuộc này đều có gốc gác từ ông HCM.

Nói chung HCM là nhân vật phức tạp không dễ để đánh giá cho đúng và khách quan.

Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng

Đoàn Bảo Châu

14-4-2023

Mặc dù tôi không đồng ý với bản án đối với Nguyễn Lân Thắng nhưng tôi cần phải nói hết suy nghĩ của mình. Việc lên tiếng trên mạng xã hội một cách thẳng thắn, công tâm, thấu tình đạt lý luôn là tiêu chí của tôi. Tôi biết nhiều người có tư tưởng cực đoan sẽ không thích stt này nhưng tôi viết chỉ để theo một mệnh lệnh duy nhất là theo lương tâm, nhận thức của tôi.

Tôi viết điều này cũng hy vọng có ích với những người được gọi là đấu tranh cho công bằng xã hội khác. Chúng ta không thể kiến tạo được một xã hội bình yên, một đất nước văn minh tiến bộ nếu không đấu tranh với phương pháp đúng đắn.

Từ những năm trước, tôi đã không đồng ý với việc Thắng có thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hoá, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp.

Nếu ai đấy muốn có được tiếng nói có uy tín trong xã hội, muốn thực sự mình có đóng góp tích cực với xã hội thì không nên phủ nhận sạch trơn những gì thế hệ trước đã làm. Tôi chỉ hỏi đơn giản một điều rằng, nếu bạn được sinh ra vào thời những bậc tiền bối cộng sản thời kỳ như ông Hồ, ông Giáp thì các bạn sẽ làm được điều gì?

Con người không phải thánh thần, đặc tính con người là có thể mắc sai lầm. Có những sai lầm khủng khiếp phải trả bằng mạng người nhưng giả sử bạn là lãnh đạo trong những lúc nước sôi lửa bỏng thì bạn có dám chắc rằng bạn không mắc sai lầm không?

Tôi không có ý bào chữa cho một sai lầm lịch sử nào. Tôi luôn lên án sự sai lầm của Phong trào Cải cách Ruộng đất cũng như tất cả những sai trái khác trong lịch sử cũng như hiện tại. Nhưng hiểu về lịch sử để học bài học lịch sử chứ không phải đay nghiến lịch sử, lên án hay hạ bệ ai đấy. Mỗi nhân vật lịch sử đều có vai trò của họ. Ta là hậu sinh, ta phân biệt đúng sai để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai. Ta không cần đạp đổ ai để nâng mình lên. Làm thế là hạ sách, là sai.

Trong võ học, điều đầu tiên võ sinh phải học là tôn trọng người khác, tôn trọng chính kẻ thù của mình. Điều này quá xa lạ với người Việt nam, nhưng trong võ đạo của người Nhật thì điều ấy được dạy vài thế kỉ rồi.

Các bạn đã đọc về câu chuyện 47 Ronin chưa. Khi 47 Samurai mất chủ tấn công, bắt được người đã hại chủ mình, họ kính cẩn chào, đề nghị kẻ thù thực hiện nghi thức tự sát trong danh dự được gọi là Seppuku, chỉ khi kẻ kia quá hèn nhát, không dám làm, họ mới phải chủ động ra tay bằng kiếm.

Đấy là lễ trong võ đạo. Tôi biết Nguyễn Lân Thắng không tự cho mình là một người đấu tranh chính trị, mà chỉ là một người phản biện xã hội, bênh vực cái đúng, phản đối cái sai nhưng cái lễ với một lãnh tụ, một bậc tiền nhân thì phải giữ. Nếu không giữ lễ, thì thế hệ mới sẽ có một kiểu hành động “cứt lộn lên đầu” như kiểu người cộng sản làm trong Phong trào Cải cách Ruộng Đất khi con chỉ mặt gọi cha là mày, cha vâng dạ xưng con với con của mình khi bị đấu tố.

Nếu chúng ta không tôn trọng những giá trị đã có, phủ nhận sạch trơn thì đất nước có nguy cơ quay về thời kỳ man rợ và mất phương hướng.

Tôi viết những dòng từ con tim, khối óc của mình, tôi là một con người độc lập tuyệt đối trong tư tưởng, không nghe theo bất cứ một cá nhân, một đảng phái nào. Tôi chỉ ủng hộ những gì đẹp đẽ đúng đắn nhất và không bao giờ uốn cong ngòi bút của mình vì mấy đồng tiền bẩn, vì một mối quan hệ nào đấy.

Tôi nghĩ rằng, nếu chính quyền bỏ tù Nguyễn Lân Thắng vì tội xúc phạm lãnh tụ thì điều ấy cũng nên làm rõ trước công luận, bởi sự mập mờ sẽ khiến công luận hiểu lầm, phẫn uất và lòng dân không yên.

Tất nhiên, tôi chỉ có thể đoán mà không dám khẳng định điều gì. Một phiên toà kín thì ai là người biết điều gì thực sự xảy ra? Điều này những người quản lý đất nước cũng nên thay đổi.

Muốn người dân hiểu về pháp luật thì phải cởi mở trong cách thi hành pháp luật. Chẳng phải những phiên toà chính là cơ hội để người dân học về pháp luật sao?

Điều cần nói nữa để đóng góp cho tư duy rạch ròi là khi các bạn viết về những vấn đề chung của xã hội, mấy cái kiểu “nhìn vào mắt trẻ thơ”, hay “gia tộc” “làm từ thiện” nọ kia chẳng có giá trị gì đâu. Hãy nhìn cái gì là trọng tâm và viết cho rõ ý và sâu sắc. Mấy lý luận mập mờ, uỷ mị, ru tình chẳng giúp ích được gì cho nhận thức của người dân.

Ném đá là quyền của các bạn, nhặt đá xây nhà là quyền của tôi. Hãy ném bằng cái đầu sáng suốt, chứ block mãi tôi cũng mỏi tay. Côn đồ, lưu manh, cán bộ đểu tôi còn không sợ, tôi sợ gì mấy hòn đá của các bạn?