Tự do báo chí : Việt Nam tụt 4 hạng trong nhóm cuối bảng, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

 

Nhân ngày Tự Do Báo Chí 03/05/2023, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS) công bố bảng xếp hạng hàng năm về điều kiện hành nghề báo của 180 nước trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 178, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo RFS, ở châu Á, hoạt động báo chí bị cản trở nhiều nhất tại các nước độc đảng.  

Bản đồ xếp hạng tự do báo chí tại 180 quốc gia trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới thực hiện © Phóng viên không biên giới (Reporters Sans Frontiers)

 

Theo bảng đánh giá Chỉ số Tự do Báo chí Thế Giới lần thứ 21 công bố ngày hôm nay, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp, xếp các nước Bắc Âu đứng đầu bảng, cụ thể là Na Uy (1), Irland (2), hay Đan Mạch (3). Về phía cuối bảng, bộ tam các nước châu Á là Việt Nam (178) vì đã truy quyét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập, Trung Quốc (179) nơi được coi là nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ nhà báo và cuối bảng là Bắc Triều Tiên (thứ 180).    

Về bảng xếp hạng này, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn ông Daniel Bastard, phụ trách về khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.    

 

RFI xin cảm ơn ông Daniel Bastard đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và tham gia tạp chí xã hội tuần này. Trước tiên, ông đánh giá như thế nào về thứ hạng tự do báo chí của Việt Nam, thứ 178, tức là tụt 4 hạng so với năm 2022 ?    

 

Daniel Bastard  : Chưa bao giờ Việt Nam được đánh giá thấp như vậy, chỉ đứng trước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và đứng ngay sau Iran và Miến Điện. Phải nói rằng tình hình tại Iran vào năm ngoái, với phong trào phản kháng của quần chúng, trên thực tế đã cho phép tạo ra các cuộc tranh luận trong xã hội Iran cũng như thúc đẩy sự loan truyền thông tin. Tương tự tại Miến Điện, mặc dù chính quyền đã có nhiều hành động bạo lực với các nhà báo và phương tiện truyền thông, nhưng xã hội dân sự vẫn khá năng động và vẫn có thể tự do đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Thêm vào đó là cỗ máy đàn áp tại Iran và Miến Điện không hiệu quả như ở Việt Nam    

 

Tại Việt Nam, dù là công an, hay cơ quan tuyên truyền của Đảng, cả hai định chế kiểm duyệt này đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính quyền gia tăng kìm kẹp thông tin. Trong khi đó, ở Miến Điện, có nhiều khu vực đã thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội cầm quyền, nhiều nơi có những tờ báo tự do, hay những tờ rơi truyền tải thông tin. Tất cả mọi người có thể trao đổi thông tin trên mạng xã hội. Đó là lý do tại sao Việt Nam đứng sau những nước, nghịch lý mà nói, có hành động bạo lực hơn với nhà báo, nhưng trên thực tế lại vẫn có những nhà báo tự do hoạt động còn ở Việt Nam thì khá phức tạp. Phải nói rằng, tôi đã khá ngạc nhiên khi Việt Nam đứng sau Miến Điện. Chính quyền Hà Nội đã dập tắt mọi cuộc tranh luận trong xã hội dân sự. Có những người muốn tham gia làm báo, hoặc viết blog, đã được đào tạo trong lĩnh vực đó, nhưng họ bị kìm kẹp và đột nhiên không còn dám bày tỏ ý kiến. Vì vậy, có một nỗi sợ hãi về tự do ngôn luận đã hình thành ở Việt Nam.  

Bảng biểu xếp hạng tình hình tự do báo chí theo khu vực trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố ngày 03/05/2023. © RSF

 

 

Về tình hình ở châu Á Thái Bình Dương, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nêu ra tình hình ở các nước độc đảng, nơi mà các lãnh đạo siết chặt kiểm soát trong các diễn ngôn công cộng. Tình hình này được thể hiện ở Việt Nam ra sao ?  

 

Daniel Bastard  :Theo tôi, tự do báo chí chủ yếu liên quan đến quyền lực của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã tái đắc cử lần thứ 3, tiếp tục giữ vị trí này. Phải nói rằng ông ấy đã “quét dọn” ngay trong nội bộ Đảng, mà trước kia vẫn có những cuộc tranh luận.    

 

Hành động của ông Nguyễn Phú Trọng cũng tương tự như những gì mà ông Tập Cận Bình đã làm. Ông ấy đã loại bỏ tất cả những bên đối lập hoặc tranh luận trong nội bộ Đảng, trong khi trước kia, từ 1975, trong Bộ Chính Trị của chính quyền Bắc Việt, vẫn được phép tranh luận, bày tỏ ý kiến đối lập và những cuộc tranh luận này được thể hiện trong các báo chính thống. Nhưng hiện giờ thì không còn như vậy nữa, báo chính thống hiện giờ tuân theo đường lối, một lãnh đạo, một Đảng một Nhà nước. Trong khi cách nay 5 năm, một số cơ quan báo chí, nhất là về luật pháp, vẫn có những cuộc tranh luận khá thú vị, nêu ra những vấn đề xã hội ở Việt Nam, còn bây giờ thì tất cả đã bị dập tắt. Chúng ta có thể thấy sức mạnh của ông Trọng vào năm ngoái khi nhiều lãnh đạo cấp cao bị thay thế, trong đó có cả chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.  

 

Một điểm khác nữa trong đường lối của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập vào những năm gần đây. Nhiều blogger đã bị bắt giữ, mặc dù họ là những nhân vật lịch sử, có một vị trí nào đó trong Đảng hoặc trong quân đội, là những người từng rất được tôn trọng trong Đảng. Có những người từng là tướng lĩnh mà trước năm 1975, bị bắt giữ chỉ vì chỉ trích, đặt vấn đề, nghi ngờ đường lối của tổng bí thư, như trường hợp của ông Phạm Chí Thành (được trao Huy Chương kháng chiến hạng Nhì của Hội đồng Bộ trưởng – nay là Chính phủ – nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, năm 1990).  

 

Chúng ta có thể thấy rằng đường lối của ông Trọng đó là loại trừ tất cả những người bị cho là đối lập và cả những người chỉ muốn duy trì các cuộc tranh luận trong Đảng.    

 

Bảng xếp hạng Tự do Báo chí 2023 của 2023.

 

Theo báo cáo của RSF, Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới, ông có thể giải thích rõ hơn ?  

 

Daniel Bastard  :Hiện tại, 43 nhà báo hoặc blogger đang bị giam giữ trong tù tại Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành 1 trong 4 nhà tù giam nhà báo lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tự do báo chí ở Việt Nam lại bị xếp hạng thấp đến vậy. Song song với đó là những án tù rất nặng, tòa cũng rất nghiêm khắc đối với nhà báo. Chúng tôi đã ghi nhận những án tù rất nặng đối với cánh nhà báo và blogger. Cách nay 10 năm, một bloger bị bắt vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, hoặc những tội danh tương tự được ghi trong Luật Hình Sự, thường là mơ hồ, được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận, thường chỉ lãnh án 2 hoặc 3 năm tù giam. Nhưng nay, họ có thể phải lãnh 9 đến 10, thậm chí là 15 năm. 

 

Gần đây nhất, một nhà báo tự do Đường Văn Thái, vốn xin tị nạn ở Thái Lan, đã bị bắt giữ, ông đánh giá thế nào về trường hợp này ?  

 

Daniel Bastard  :Theo tôi, trường hợp của Đường Văn Thái là một hiện tượng cho thấy Việt Nam hoàn toàn coi thường những vấn đề liên quan đến luật pháp và chủ quyền. Bởi vì ông Thái đã xin tị nạn ở Thái Lan nhưng lại bị phía Việt Nam bắt đi. Trước tiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự tiếp tay hay thụ động của một số quan chức Thái Lan. Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà báo Trung Quốc hay Việt Nam bị bắt trên lãnh thổ Thái Lan. Một vấn đề khác trong trường hợp của ông Đường Văn Thái đó là ông “chính thức” bị bắt vì đã đi vào lãnh thổ Việt Nam từ Lào, nhưng điều này là hoàn toàn vô lý. Chúng tôi thấy rằng cơ quan tuyên truyền của Việt Nam không hề có tính sáng tạo, hoặc là quá sáng tạo khi đưa ra thông tin này, có vẻ như Việt Nam muốn che đậy dấu vết của vụ bắt giữ khi đưa ra thông tin không đúng sự thật như vậy. Một điều đáng quan ngại khác đó là ông Đường Văn Thái đã bị câu lưu trong 9 ngày, nhưng cho đến nay chưa có tin tức gì mới. Thông thường, trong Luật Hình Sự Việt Nam, sau 9 ngày giam giữ sẽ hoặc là thả người, hoặc là buộc tội hay truy tố. Nhưng chúng tôi không có bất cứ thông tin gì về ông ấy cả. Công an Việt Nam vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều này thể hiện một chút về sự độc đoán hiện đang ngự trị trong chính quyền Việt Nam.    

 

Trái ngược với Trung Quốc, nơi mà các mạng xã hội của phương Tây như Twitter, Facebook, Instagram bị cấm, hàng triệu người dân Việt Nam vẫn có quyền truy cập vào các ứng dụng này. Tuy nhiên vào năm 2018, Luật An ninh mạng được Quốc Hội Việt Nam thông qua, nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ, như RSF đã mạnh mẽ phản đối. Vậy theo ông, cho đến nay, liệu mạng xã hội có còn là nơi tranh luận, bày tỏ ý kiến tự do của người dân ?    

 

Daniel Bastard  : Tôi nghĩ rằng mạng xã hội, blog, hay hiện giờ là Tiktok, vẫn là nền tảng tranh luận tự do ở Việt Nam. Nhiều người đã thấy rằng các tờ báo chính thống không đáng tin hoặc đưa những tin bị kiểm duyệt và do vậy họ không quan tâm đến các tờ báo này nữa vì họ biết rằng nhiều thông tin được truyền tải bởi các cơ quan báo chí, thường là những lời bịa đặt hoặc những sự thật bị cải biên.     

 

Internet nói chung và mạng xã hội thường là những không gian tự do ít khi có được trong các chế độ độc đảng độc tài khác. Tại Việt Nam, các trang blog vẫn khá năng động, là những nơi có các cuộc tranh luận, ngăn cản sự tuyên truyền một chiều từ đảng Cộng Sản, áp đặt tư tưởng và cho phép công dân có thể có những thông tin khác, gần với tiêu chuẩn thông tin báo chí.  

 

RFI (03.05.2023)

 

 

 

 

Nhiều phái đoàn ngoại giao phương Tây tại Hà Nội ra tuyên bố Ngày Tự do Báo chí Thế giới

Tuyên bố về Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 của các phái đoàn ngoại giao phương Tây tại Việt Nam. Photo Facebook Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

 

Các phái đoàn ngoại giao của Mỹ và nhiều nước phương Tây tại Việt Nam ra tuyên bố chung Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi không bắt bớ tùy tiện những người làm báo vì công việc của họ.

 

Tuyên bố của 16 thành viên Liên minh Tự do Báo chí tại Việt Nam, bao gồm đại sứ quán các nước thuộc Liên minh châu Âu, Ukraine, Canada và Mỹ, gửi đi thông điệp nhằm tôn vinh các nhà báo và những người làm công tác báo chí vì những đóng góp của họ đối với xã hội và phẩm giá con người.

 

“Một nền báo chí độc lập và đa dạng, có trên mạng và ngoài đời, thiết yếu với một xã hội cởi mở và bao trùm. Báo chí đóng vai trò quan trọng nêu lên các vấn đề xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình, minh bạch, giúp công dân và chính phủ đưa ra các quyết định với đầy đủ thông tin”, tuyên bố viết hôm 3/5, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới.

 

“Các nhà báo và những người làm công tác báo chí phải được tác nghiệp mà không phải lo sợ bạo lực, bị hăm dọa hoặc bị bắt hay giam giữ tùy tiện chỉ vì họ làm công việc của mình”, tuyên bố viết thêm, nhưng không đề cập đến Việt Nam.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay lời đề nghị bình luận của VOA về tuyên bố này.

 

Năm 1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố ngày 3/5 hàng năm là “Ngày Tự do Báo chí Thế giới” để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

 

“Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân, tự do báo chí”, truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết hôm 3/5, đồng thời lên án các “thế lực cơ hội chính trị cố tình chối bỏ sự thực khách quan”, và nhắc nhở rằng “tự do phải trong khuôn khổ pháp luật”.

 

Theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, Việt Nam – hiện đang giam cầm 42 nhà báo – xếp hạng thứ 178/180 quốc gia trên thế giới về tự do báo chí, hay nói cách khác, Việt Nam đứng thứ ba về tình trạng có ít tự do báo chí.

 

Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt 10 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” và hiện sống lưu vong ở Texas, Mỹ, chia sẻ với VOA về tầm quan trọng của tự do báo chí:

 

“Tự do báo chí rất quan trọng, bởi vì chính tự do báo là một trong những quyền tự do ngôn luận của con người. Và tự do báo chí thúc đẩy sự phát triển của một xã hội dân chủ, thúc đẩy sự minh bạch giám sát vai trò của đảng phái chính trị và những người cầm quyền”.

 

VOA (03.05.2023)

 

 

Liên Hiệp Quốc: nhà hoạt động Đỗ Nam Trung bị bắt giữ tùy tiện

Ông Đỗ Nam Trung Facebook Bong Tuyet

 

Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc (WGAD) nói Nhà nước Việt Nam không đưa ra lý do thuyết phục trong việc bắt giữ và kết án nhà hoạt động Đỗ Nam Trung. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói Hà Nội đang coi thường các nguyên tắc về nhân quyền khi trấn áp giới bất đồng chính kiến.

 

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ (UNOHCHR) vào ngày 9/3 công bố ý kiến kết luận của WGAD về việc bắt giữ và kết án nhà hoạt động Đỗ Nam Trung. Ông Đỗ Nam Trung bị bắt ngày 06/7/2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 và sau đó bị kết án 10 năm tù giam.

 

Theo kết luận đưa ra sau kỳ họp thứ 95 vào giữa tháng 11 năm ngoái, WGAD nói việc bắt giữ và kết án ông Đỗ Nam Trung là tuỳ tiện, vi phạm nhiều quyền cơ bản của con người quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát mà Việt Nam là thành viên.

 

Đồng thời, WGAD cũng yêu cầu Hà Nội thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Trung cho phù hợp với các quy định quốc tế liên quan, bao gồm trả tự do cho ông ngay lập tức và bồi thường thoả đáng cho ông.

 

Bình luận về kết luận của WGAD về trường hợp nhà hoạt động Đỗ Nam Trung, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email ngày 03/5:

 

“Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã làm một công việc xuất sắc khi bác bỏ những lý do yếu ớt của Chính phủ Việt Nam trong việc giam giữ ông Đỗ Nam Trung, và đưa ra lý do rõ ràng về lý do tại sao Hà Nội nên trả tự do ngay lập tức cho ông.

Một lần nữa, khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của điều ước quốc tế về nhân quyền và luật của Việt Nam được phơi bày đầy đủ.”

 

Vị chuyên gia quốc tế về tình trạng nhân quyền Việt Nam cho rằng Hà Nội “hiện đang thực thi một cuộc đàn áp rộng rãi đối với các nhà hoạt động chính trị và hoàn toàn coi thường mọi nguyên tắc nhân quyền.”

Đỗ Nam Trung là nạn nhân của chiến dịch triệt hạ phong trào bất đồng chính kiến này, ông nói.

 

Gần một năm sau khi ông Đỗ Nam Trung bị bắt và nửa năm sau khi ông bị kết án, vào giữa tháng 6 năm 2022, WGAD gửi văn bản chất vấn nhà nước Việt Nam về trường hợp của ông. Mãi đến tận đầu tháng 10/2022, Chính phủ Việt Nam mới giải trình với cơ quan này về việc bắt giữ và kết án ông.

 

Trong văn bản kết luận về trường hợp ông Đỗ Nam Trung, WGAD cho rằng phía Việt Nam không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào để biện minh cho việc bắt giữ  và kết án Đỗ Nam Trung, ông bị bắt chỉ vì thực hiện các quyền tự do ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, ông không xét xử công bằng theo quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong các văn kiện quốc tế có liên quan, và ông bị bỏ tù chỉ vì quan điểm chính trị.

 

Cũng trong văn bản này, WGAD nói trường hợp của Đỗ Nam Trung là một trong rất nhiều vụ ở Việt Nam mà cơ quan này đưa ra trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt tùy tiện quyền tự do của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền.

 

Nhiều trường hợp trong số này tuân theo mô hình trấn áp quen thuộc: bắt giữ không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ kéo dài mà không có trợ giúp pháp lý, truy tố theo các tội hình sự mơ hồ chỉ vì thực hiện nhân quyền một cách ôn hòa, từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài và điều trị y tế, WGAD nói.

 

WGAD lo ngại rằng việc giam giữ tuỳ tiện này mang tính hệ thống ở Việt Nam, và nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

 

Cơ chế nhân quyền LHQ này nhắc lại rằng họ mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề giam giữ tùy tiện và sớm nối lại việc cử chuyên gia tới Việt Nam.

 

Lần cuối cùng chuyên gia của WGAD tới Việt Nam là vào tháng 10/1994. Năm 2018, WGAD đưa ra đề nghị nhưng Hà Nội không đáp ứng.

 

Ông Đỗ Nam Trung, sinh năm 1981, được biết đến với vai trò là một nhà hoạt động xã hội, ông đã từng tham gia nhiều phong trào hoạt động, trong đó có “đánh BOT” phản đối những trạm thu phí đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá hạn, và phanh phui các vụ tham nhũng thông qua mạng xã hội.

 

Là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, ông tham gia vào việc đưa tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở nhiều địa phương phía nam năm 2014. Ông bị bắt và kết án 14 tháng tù giam về tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999.

 

RFA (03.05.2023)

 

 

 

 

RSF lại chỉ trích tự do báo chí ở Việt Nam, xếp hạng 178/180

NGUỒN HÌNH ẢNH,VNEXPRESS Chụp lại hình ảnh, Phạm Đoan Trang trong phiên tòa ngày 14/12/2021 với mức án tù 9 năm về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

 

Năm 2023, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam đã tụt hạng gần “đội sổ” tự do báo chí khi xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới.

 

RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, với Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên đứng cuối bảng.

Việt Nam ở vị trí thứ 178, mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố bảng xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay.

Theo số liệu thống kê từ RSF, trong năm 2022, tại Việt Nam, có 35 nhà báo bị giam giữ.

Mới đây, dư luận quan tâm việc nhà hoạt động Đường Văn Thái sau tin đồn ông này “đã bị bắt cóc đưa về Việt Nam”.

RSF được thành lập vào năm 1985 và đã công bố chỉ số tự do báo chí hàng năm kể từ năm 2002 và đã trở thành cái gai đối với các chế độ toàn trị trên khắp thế giới.

Một trong các vụ xử tù nhà báo được thế giới chú ý nhất trong thời gian qua tại Việt Nam là trường hợp nhà báo Phạm Thị Đoan Trang, chịu án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước” cuối năm 2021.

Bà Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông vào tháng 2/2022 và từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Cộng hòa Czech.

Trước đó, năm 2019, bà nhận giải thưởng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.

 

BBC (03.05.2023)

 

 

Tự do báo chí toàn cầu: Việt Nam tụt bốn bậc xuống nhóm ba quốc gia cuối bảng

Việt Nam nằm trong khu vực đỏ (không có tự do báo chí) trong bản đồ của RSF 2023 Ảnh chụp màn hình báo cáo của RSF

 

Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam vào nhóm ba quốc gia đứng cuối  bảng. Hai nước còn lại là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trong báo cáo được RSF công bố nhân ngày Báo chí Toàn cầu 03/5, Việt Nam tụt bốn hạng kể từ năm ngoái và hiện đứng thứ 178 trên tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ trên Trung Quốc (179) và Bắc Triều Tiên (180).

Trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí bị suy giảm so với năm 2022. Cụ thể, chỉ số chính trị giảm từ hạng 173 xuống 179, chỉ số kinh tế giảm từ 176 xuống 180, và chỉ số lập pháp từ 172 xuống 177.

Tuy nhiên, Việt Nam có hai tiêu chí chỉ số xã hội và chỉ số an ninh tăng trong năm 2023: đều từ vị trí 170 của năm 2022 lên vị trí 163 năm 2023.

Thứ hạng 178 năm nay là vị trí thấp nhất của Việt Nam kể từ khi RSF đưa ra bảng xếp hạng hồi năm 2002. Năm 2020 Việt Nam có thứ hạng 172, năm 2021- 175, và 174 trong năm 2022. Điều này cho thấy tự do báo chí của Việt Nam ngày càng suy giảm.

Báo chí truyền thống của Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ bởi một đảng. Các nhà báo tự do và blogger thường xuyên bị cầm tù, biến Việt Nam thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với nhà báo,” RSF nói về Việt Nam trong báo cáo năm 2023, kèm theo con số 42 nhà báo hiện đang bị bỏ tù ở quốc gia độc đảng này.

Trong số các nhà báo đang bị giam cầm có bốn blogger và cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA), đó là các ông Nguyễn Tường Thuỵ, Trương Duy Nhất, Nguyễn Lân Thắng, và Nguyễn Văn Hoá.

Bình luận về tự do báo chí ở Việt Nam, một nhà báo đề nghị giấu danh tính vì lý do an ninh, nói với RFA trong ngày thứ tư 03/5 rằng ông đồng tình với báo cáo của RSF:

Có thể nói, chưa bao giờ giới bất đồng chính kiến, mà đại diện là các nhà báo độc lập ở Việt Nam rơi vào cảnh bị đàn áp khốc liệt như bây giờ.”

Người này cho rằng đàn áp tự do báo chí trở nên khốc liệt hơn từ khi Luật An ninh Mạng ra đời (2019), cùng với việc nhà cầm quyền sử dụng các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình sự 2015 trong việc kết án người đấu tranh. Thậm chí, Điều khoản 331 còn được sử dụng để giải quyết những tranh chấp dân sự.

Dường như nhà cầm quyền Việt Nam bất chấp các chỉ trích quốc tế về vi phạm nhân quyền. Các cường quốc cần áp dụng các chế tài cụ thể về kinh tế, chính trị và văn hoá để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, trong đó có quyền tự do báo chí và thông tin,” người này nói.

Bức tranh về truyền thông

Theo RSF, ở Việt Nam, các blogger và nhà báo độc lập là những nguồn tin tức và thông tin được đưa tin tự do duy nhất ở một đất nước mà tất cả các phương tiện truyền thông đều tuân theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản vốn toàn quyền cai trị quốc gia từ năm 1975.

Với 64 triệu người dùng – con số cao thứ bảy trên thế giới – Facebook là mạng xã hội lớn nhất, nền tảng trực tuyến phổ biến và phục vụ như một công cụ chính để lưu hành tin tức và thông tin ở Việt Nam. Ứng dụng nhắn tin Zalo của Việt Nam cũng được sử dụng rộng rãi để chia sẻ thông tin.

Bối cảnh chính trị

Nhà nước độc đảng đặt mục tiêu kiểm soát mọi thứ và để đạt được mục tiêu này, quân đội đã phát triển Lực lượng 47, một đơn vị với 10.000 binh sĩ mạng có nhiệm vụ bảo vệ đường lối của đảng và tấn công tất cả những người bất đồng chính kiến trên mạng.

Luật An ninh Mạng 2019 yêu cầu các nền tảng lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam và chuyển giao cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Khuôn khổ pháp lý

Quyền tự do báo chí được ghi trong Điều 19 của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ pháp lý để bỏ tù bất kỳ người nào đưa tin tức và thông tin gây hại cho chế độ.

Đó là các Điều 109 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước,” và Điều 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” với mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam.

Bối cảnh văn hóa xã hội

Nhiều chủ đề bị kiểm duyệt bao gồm các nhà bất đồng chính kiến, các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao, tính hợp pháp của Đảng, quan hệ với Trung Quốc và, tất nhiên, các vấn đề nhân quyền.

Các chủ đề được coi là ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như các vấn đề môi trường hoặc quyền của người đồng tính và người chuyển giới (LGBT), đang được xã hội quan tâm.

Sự năng động của cộng đồng người Việt hải ngoại đóng vai trò cơ bản trong việc trợ giúp và chuyển tiếp tiếng nói độc lập của đất nước, RSF nói trong báo cáo.

Sự an toàn của nhà báo

Theo RSF, Nhà nước Việt Nam gia tăng trấn áp đối với các nhà báo độc lập từ khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng áp đặt một đường lối bảo thủ hơn vào năm 2016. Bộ máy này đàn áp tất cả các sáng kiến báo chí xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Bà Phạm Đoan Trang, người được trao Giải thưởng Tự do Báo chí của RSF năm 2019, đã bị kết án chín năm tù, RSF nhấn mạnh.

Phóng viên RFA gọi điện và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của RSF nhưng không nhận được phản hồi.

RSF thường xuyên lên tiếng khi Việt Nam đàn áp báo chí tự do. Gần đây nhất là lời kêu gọi Hà Nội công khai tình trạng của blogger Đường Văn Thái và phóng thích ông trở lại Thái Lan, nơi ông tị nạn chính trị từ đầu năm 2019.

Blogger này mất tích ở Thái Lan vào ngày 13/4 vừa qua, ba ngày sau, báo chí Nhà nước loan tin ông bị bắt khi “nhập cảnh bất hợp pháp” từ Lào vào Việt Nam ngày 14/4.

Từ đó đến nay, công an và truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng, không công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến nhà báo tự do chuyên đưa tin “nội bộ” về tham nhũng và tranh giành quyền lực của quan chức chế độ.

Tháng trước, sau khi toà án Hà Nội kết án nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, blogger của RFA, với bản án sáu năm tù giam và hai năm quản chế, RSF cũng chỉ trích Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Trên bình diện quốc tế, RSF nhận định tự do báo chí rơi vào tình trạng “rất nghiêm trọng” tại 31 quốc gia, “khó khăn” tại 42 quốc gia khác, “có vấn đề” tại 55 nước, và “tốt” hoặc “đạt yêu cầu” tại 52 quốc gia còn lại.

 

RFA (03.05.2023)

 

 

 

 

Mỹ muốn đưa VN vào nhóm ‘đáng quan ngại’ về tự do tôn giáo vì khởi tố một mục sư

NGUỒN HÌNH ẢNH,A GA Chụp lại hình ảnh, Mục sư A Ga (giữa, áo thổ cẩm) cùng thành viên các tổ chức nhân quyền quốc tế

 

Mục sư A Ga, 46 tuổi, người dân tộc Hà Lăng, đã tỵ nạn tại Mỹ năm năm, mới đây vừa bị chính quyền tỉnh Đắk Lắk khởi tố vắng mặt với tội danh ‘phá hoại chính sách đoàn kết’ theo điều 116 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Theo Bộ Công an, việc khởi tố mục sư A Ga diễn ra cùng lúc với việc khởi tố ông Y Krếc Byă tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cũng với tội danh này.

Bộ Công an nói ông Aga và Y Krếc Byă cấu kết cùng các đối tượng khác “tổ chức hàng trăm buổi họp tập huấn trực tuyến để chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ giữa dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa những người dân theo các tôn giáo khác nhau…”

Nói với BBC News Tiếng Việt từ North Carolina – nơi ông cùng vợ và con trai đang tỵ nạn từ khi chạy khỏi Việt Nam, mục sư A Ga cho hay:

“Tôi biết mục đích của chính quyền là muốn đe dọa những ai còn ở trong Hội thánh Tin lành Đấng Christ, buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình – như chính quyền đã làm đối với tôi. Những ai không chịu từ bỏ thì trong tương lai sẽ bị truy tố như tôi.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,A GA Mục sư A Ga là người Thành lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên – nơi ông Y Krếc Byă đang hoạt động như một nhà truyền đạo.

 

‘Khởi tố xuyên quốc gia’

Sự việc mục sư A Ga bị khởi tố ‘xuyên quốc gia’ là một trong những chi tiết chính được hơn 70 nhóm tôn giáo quốc tế đề cập trong thư gửi chính quyền Biden hồi tháng Tư, phản ánh việc bức hại tôn giáo tại Việt Nam.

Các nhóm tôn giáo quốc tế cho đây là hành động hết sức nguy hiểm, cần phải có biện pháp ngăn chặn.

Trao đổi với BBC, ông Sean Nelson, Cố vấn Pháp lý của ADF Quốc tế về Tự do Tôn giáo Toàn cầu, cho rằng đây là diễn biến đáng lo ngại khi chính phủ Việt Nam trả đũa các cá nhân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số và các nhóm tôn giáo không chịu nằm trong sự kiểm soát của chính phủ.

“Chúng tôi cũng đã chứng kiến những trường hợp chính phủ Việt Nam quấy nhiễu các thành viên gia đình của những người thiểu số tôn giáo đã rời khỏi Việt Nam.

“Chúng tôi khuyến khích chính phủ Hoa Kỳ thông qua và thực thi luật để tăng cường khả năng chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các cộng đồng thiểu số tôn giáo.

Bên cạnh đó, trong báo cáo năm 2023 công bố đầu tháng Năm, Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF)đã khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách ‘các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại’.

Việc một nước bị đưa vào danh sách này, như được nêu trong Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998, khiến chính phủ Mỹ phải nỗ lực thực hiện các lựa chọn chính sách phi kinh tế để chấm dứt vi phạm tự do tôn giáo tại nước đó, và áp dụng các hình phạt kinh tế sau đó nếu các nỗ lực phi kinh tế thất bại.

USCIRF báo cáo rằng chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, đặc biệt là những nhóm hoạt động độc lập, không đăng ký với chính quyền. Các hình thức bức hại bao gồm quấy rối, đe dọa bỏ tù, phạt tiền và ép buộc phải từ bỏ hoặc rời bỏ các giáo phái tôn giáo của họ.

 

Hành trình tỵ nạn của một mục sư

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, mục sư A Ga cho hay khi còn ở Việt Nam, ông thường xuyên bị chính quyền quấy nhiễu, bị mời lên công an làm việc ít nhất 40 lần. Hiện ông vẫn còn giữ những giấy triệu tập này.

Ba lần ông đã bị công an biên phòng bắt nhốt, một lần bị đánh, khi ông đi làm công tác truyền giảng lời Chúa cho bà con cũng vùng gần biên giới khu vực Kon Tum.

Công an nhiều lần bắt ông ký vào các giấy tờ khai tên tuổi của những người tham gia Hội thánh Tin lành Đấng Christ, nhưng ông không đồng ý.

Công an tỉnh Kon Tum và bộ đội biên phòng từng tới nhà ông yêu cầu ông hợp tác làm gián điệp, đưa các thông tin nội bộ về hội thánh cho chính quyền, nhưng ông từ chối, theo lời kể của mục sư A Ga.

Đỉnh điểm là khi công an tỉnh Kon Tum tới nhà ông quay phim, chụp ảnh, bắt ông từ bỏ đức tin và nói rằng do ông cấu kết với một số phần tử phản động nước ngoài tại Mỹ nên tổ chức của ông là phản động, lưu vong.

Sau đó, chính quyền cho người xuống bao vây nhà mục sư A Ga để bắt giữ ông, nhưng hôm đó mục sư không có nhà do ông đang đi truyền giảng.

Nhận được tin báo từ gia đình, ông đã bỏ trốn lên tỉnh Kon Tum, sau đó vào Sài Gòn, sang Campuchia và cuối cùng chạy sang lánh nạn tại Thái Lan.

 

Bị ‘bắt cóc’ ở Thái Lan

NGUỒN HÌNH ẢNH,A GA Chụp lại hình ảnh, Mục sư A Ga trong một dịp diện kiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng bầu dục để trình bày về tình hình nhân quyền VN

 

Các vụ việc người bất đồng chính kiến như Thái Văn Đường, Trương Duy Nhất nghi bị công an Việt Nam bắt cóc đem về Việt Nam truy tố và bỏ tù không phải xa lạ với mục sư A Ga vì ông từng là nạn nhân, chỉ có điều ông không bị đưa về Việt Nam mà vào nhà tù IDC tại Bangkok.

Năm 2017, khi đang ở Thái Lan, ông nhận được tin chính quyền Kon Tum phát lệnh truy nã. Ảnh và thông tin của ông được dán trên khắp các đường phố ở quê nhà.

Trong lúc đang lo lắng cho sự an nguy của mình, một ngày mục sư A Ga nhận được điện thoại của một người tự xưng là người Việt tỵ nạn, muốn được nghe giảng lời Chúa. Họ ngỏ ý muốn tới nhà nhưng mục sư A Ga chỉ đồng ý gặp tại quán cà phê cách nhà khoảng 200 m.

Tới ngày hẹn, vợ và con mục sư A Ga tới quán cà phê trước để dò la thì chỉ thấy có hai ông bà người Việt đang ngồi đợi.

Một lúc sau mục sư A Ga mới tới nơi thì ngay lập tức, mật vụ và công an Thái Lan nấp trong quán rất đông, cùng hai xe ô tô ập tới, vây bắt ông.

Khi đưa ông về IDC, họ hỏi: ‘Ông có biết vì sao chúng tôi lại bắt ông không? Đó là do công an Việt Nam đề nghị chúng tôi vì ông đang bị truy nã.”

Mục sư A Ga đã trải qua ba tháng tại IDC, trong một không gian chật hẹp 120 người một phòng mà ông mô tả là không khác gì ‘trại heo’.

Cũng có lần người của Bộ Ngoại giao Việt Nam tới thuyết phục ông ký vào một số giấy tờ để trở về Việt Nam, nhưng ông nói: “Nếu về Việt Nam được sống tự do, gặp bố mẹ, vợ con thì tôi về. Nhưng tôi chắc chắn không có chuyện đó mà tôi sẽ vào tù. Nên tôi thà chết ở đây còn hơn.”

Mục sư A Ga kể rằng tình cảnh lúc đó rất đáng lo ngại. Nhiều người trong trại đã bị trục xuất về nước. Ông không còn biết làm gì khác ngoài cầu nguyện.

Toàn bộ câu chuyện ‘bắt cóc’ này đã được mục sư A Ga lập hồ sơ gửi lên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và BBC đang có trong tay tài liệu này.

Ba tháng trong IDC cũng là lúc ông có thời gian đọc toàn bộ Kinh Thánh.

“Chúa đã bảo vệ tôi,” mục sư A Ga kể lại.

Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế, IMO, đại sứ quán Mỹ, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,.. cuối cùng mục sư A Ga đã được tại ngoại, lên đường sang ‘tạm lánh’ ở Philippine và cuối cùng là tỵ nạn tại Mỹ cùng vợ và con.

 

‘Cộng đồng bị bách hại phải tự biết bảo vệ mình’

NGUỒN HÌNH ẢNH,A GA Chụp lại hình ảnh, Mục sư A Ga (trái) cùng TS Nguyễn Đình Thắng – Giám đốc Boat People SOS

 

Từ Mỹ, TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc kiêm Chủ tịch Boat People SOS – tổ chức chuyên giúp đỡ các thuyền nhân và người tỵ nạn Việt Nam nói với BBC rằng “Chủ thể của sự thay đổi phải chính là người dân, đặc biệt là các cộng đồng đang bị bách hại.”

“Họ phải tăng nội lực, phải tăng sự liên kết với nhau và với quốc tế để tự bảo vệ. Quốc tế có thể phụ giúp thêm bằng cách tạo không gian đủ an toàn cho các cộng đồng ấy thực hiện những gì cần để tự bảo vệ quyền và lợi ích,” ông Thắng nói.

Để thực hiện điều này, Boat People SOS đã có khóa đào tạo 12 tháng cho mục sư A Ga về cách thức thu thập chứng cứ và viết báo cáo các vụ việc bị đàn áp để gửi lên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Sau đó, mục sư A Ga tập huấn trực tuyến lại cho bà con giáo dân ở quê nhà.

“Nhờ có thời gian một năm đó mà tôi biết làm thế nào thực hiện được các báo cáo về nhân quyền, về sự đàn áp của chính quyền theo đúng chuẩn của UN,” mục sư A Ga nói với BBC.

“Anh em ở nhà cũng biết cách thu thập thông tin, bằng chứng và gửi cho tôi để viết báo cáo.”

Theo TS Thắng, văn phòng của Boat People SOS ở Thái Lan hiện đang hỗ trợ khoảng 1000 đồng bào người Thượng và người Hmong theo đạo Tin Lành – những người phải đi lánh nạn vì bị đàn áp tôn giáo.

Ttrong số đó khoảng 30 người giống trường hợp mục sư A Ga, mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các tín hữu kẹt lại trong nước.

Bên cạnh đó còn có các người Việt theo Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hoà Hảo cũng như hàng trăm người Khmer Krom theo Phật giáo tiểu thừa.

Cũng theo TS Thắng, chỉ có một số ít hội thánh được nhà nước Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân và cho phép hoạt động như Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, Hội thánh Tin lành Cơ đốc Phục lâm, Hội thánh Tin lành Trưởng Lão, Hội Thánh Truyền giáo Cơ đốc và Hội thánh Tin lành Liên Hữu Cơ Đốc.

Tất cả các hội thánh giữ tính độc lập với nhà nước và các hội thánh tư gia đều bị cấm đoán.

 

Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam

Về tình hình tôn giáo hiện nay tại Tây Nguyên có cải thiện gì so với trước khi ông ra đi hay không, mục sư A Ga nói có và không.

“Có cải thiện là ở chỗ, do bây giờ có internet, bất cứ sự việc gì xảy ra người ta cũng có thể đăng lên ngay để người khác biết. Bên cạnh đó, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cùng một số tổ chức khác đã làm việc với Hà Nội và đã tới thăm các hội thánh tại Tây Nguyên, nên chính quyền đã bớt đánh đạp bà con công giáo. Trước đây đã có trường hợp một mục sư bị đánh đến chết.

“Tuy nhiên việc quẫy nhiễu, theo dõi, hăm dọa, bắt từ bỏ đức tin thì vẫn diễn ra thường xuyên, 24/24. Nhưng nhiều người không dám lên tiếng.”

Khi được hỏi vì sao ông không chịu tham gia vào các tổ chức tôn giáo do chính quyền kiểm soát để được ‘yên thân’ thờ phượng Chúa, mục sư A Ga nói:

“Tôi chỉ muốn được thực hành quyền công dân của mình như hiến pháp Việt Nam quy định và công ước quốc tế về tôn giáo cùa Liên Hiệp Quốc quy định.”

“Ai cũng có quyền được chọn con đường đức tin của mình. Nếu tôi không muốn gia nhập thì tại sao lại bức hại tôi?”

Và ông dẫn câu Kinh Thánh ưa thích nhất của mình:

“Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Mathieu 6:33)

 

BBC (03.05.2023)