„Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) ước tính, hiện Hà Nội đang giam giữ ít nhất khoảng 150 tù chính trị… 

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật.“

Tình hình nhân quyền Việt Nam trong ba năm trở lại đây bị các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá là đang xấu đi nghiêm trọng với việc hàng loạt các nhà hoạt động xã hội, Facebookers bị bắt giam. Đài Á Châu Tự Do tổng hợp những dữ liệu về những tù nhân lương tâm tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2020 đến cuối năm 2022.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) ước tính, hiện Hà Nội đang giam giữ ít nhất khoảng 150 tù chính trị. Ước tính về số tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam khác nhau tùy theo nguồn số liệu. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật.

 

Quyền đất đai bị tước đoạt

Năm 2020 là năm có nhiều người bị bắt nhất so với hai năm 2021 và 2022 với tổng số người bị bắt là 76 người. Con số này trong các năm 2021 và 2022 là 45 và 32 người. Khoảng một nửa số người bị bắt trong năm 2020 liên quan đến vấn đề đất đai.

 

Năm 2020 là năm xảy ra vụ cưỡng chế đất gây chết người ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Khoảng 3.000 công an được điều động đến địa phương để cưỡng chế một khu đất nông nghiệp đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền vào ngày 9/1/2020.

Hậu quả của vụ cưỡng chế đã khiến bốn người chết bao gồm ba công an và một người dân là cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, người được cho là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất này. Vụ việc đã dẫn đến việc bắt giữ 29 người dân Đồng Tâm với những cáo buộc tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Hai người trong số này bị kết án tử hình về tội “giết người”. Toà phúc thẩm vào ngày 9/3/2021 đã tuyên y án “tử hình” đối với hai người dân Đồng Tâm.

 

Vụ Đồng Tâm đã khiến dư luận quốc tế quan tâm, yêu cầu chính quyền phải có điều tra minh bạch và khách quan. Những người hoạt động về quyền đất đai góp phần đưa sự việc ra ánh sáng đã lần lượt bị bắt trong cùng năm bao gồm cả ba người trong một gia đình là bà Cấn Thị Thêu và hai con là Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương. Một nhà hoạt động về quyền đất đai khác thường xuyên đưa tin về vụ việc cũng bị bắt cùng năm là bà Nguyễn Thị Tâm.

 

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người tham gia viết Báo cáo Đồng Tâm, đưa sự việc ra quốc tế, cũng bị chính quyền bắt giam cùng năm.

 

 

Đàn áp nhà báo

Trong giai đoạn ba năm qua, một loạt các nhà báo cũng là các đối tượng bị chính quyền đàn áp mạnh tay.

 

Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hồi cuối năm 2022 cho thấy Việt Nam vẫn đang giam giữ ít nhất 39 nhà báo, và là một trong năm quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất thế giới.

Thống kê của RFA trong giai đoạn 2020 – 2022 cho thấy, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 16 nhà báo. Mười bốn người trong số này bị cáo buộc vi phạm các Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý, trong ba năm này, chính quyền Việt Nam đã bắt và kết án một blogger của Đài Á Châu Tự Do là Nguyễn Tường Thụy với án tù 11 năm theo Điều 331. Một blogger khác của RFA là Nguyễn Lân Thắng bị chính quyền bắt giữ hôm 5/7/2022 với cáo buộc vi phạm Điều 117.

Hiện, chính quyền Việt Nam đang giam giữ bốn blogger/cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do bao gồm: blogger Nguyễn Tường Thụy, blogger Nguyễn Lân Thắng, blogger Trương Duy Nhất, cộng tác viên Nguyễn Văn Hóa.

Các nhà hoạt động môi trường thành đối tượng đàn áp

Một loạt các nhà hoạt động môi trường cũng trở thành đối tượng bị chính quyền bắt giam dồn dập trong ba năm qua với cáo buộc tội “Trốn thuế”.

Những nhà hoạt động môi trường này là những người tích cực tham gia vào các hoạt động kêu gọi Việt Nam chuyển đổi việc sử dụng than sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đây cũng là giai đoạn mà Chính phủ Việt Nam đang thảo luận với các quốc gia công nghiệp phát triển về một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la giúp Việt Nam chuyển đổi. Điều này đã khiến quốc tế đặt câu hỏi về cam kết thực lòng của Việt Nam với quốc tế.

Điều 117 và Điều 331

Trong giai đoạn 2020 – 2022, các tòa án ở Việt Nam đã kết án hơn 130 người là những nhà báo, Facebookers, và các nhà hoạt động xã hội.

Các Điều luật được sử dụng nhiều nhất là Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự. Đây là các điều luật đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.

 

Theo thống kê của RFA, trong giai đoạn này, có ít nhất 34 người bị kết án theo Điều 331, 34 người bị kết án theo Điều 117, với các án tù từ dưới năm năm đến trên 10 năm tù.

 

Tù nhân lương tâm bị đối xử tàn tệ

Các tù nhân lương tâm và người thân họ thường xuyên phản ánh tình trạng tù chính trị bị đối xử tàn tệ bao gồm: không được chăm sóc y tế kịp thời, bị chuyển đi xa gia đình, bị đánh đập và biệt giam, điều kiện giam giữ tồi tệ.

 

Trong giai đoạn này, RFA ghi nhận ít nhất ba trường hợp tù nhân lương tâm chết trong tù do bệnh tật hiểm nghèo và không được chăm sóc y tế kịp thời.

 

RFA (10.05.2023)