Ông Đặng Đình Bách trước khi bị bắt. FB Đặng Đình Bách
Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD), một cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, cho rằng nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách bị bắt giữ một cách tùy tiện và xét xử một cách không công bằng.
Cơ quan này cũng kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông, bồi thường cho một cách thoả đáng và cho phép Nhóm làm việc được phép thăm Việt Nam kể từ lần sau cùng là 29 năm trước (1994).
Cơ chế nhân quyền trên của LHQ đưa ra ý kiến trên trong văn bản trả lời gửi Chính phủ Việt Nam vào ngày 11/5 vừa qua và mới được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố tuần trước sau khi Hà Nội không trả lời cơ quan này trong hạn chót vào tháng hai năm nay.
Ông Đặng Đình Bách, người từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bị bắt ngày 24/6/2021 về cáo buộc “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự vì bị cho là không đóng các khoản thuế cho các khoản tài trợ nước ngoài dành cho trung tâm.
Sau đó, ông Bách bị kết tội với mức án tù năm năm trong một phiên toà mà theo WGAD là không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về một phiên toà công bằng và vi phạm nhiều quyền cơ bản trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát.
“Nhóm công tác cho rằng, xét đến tất cả các tình tiết của vụ việc, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Bách ngay lập tức và trao cho ông quyền được bồi thường, phù hợp với luật pháp quốc tế,” WGAD nói trong văn thư gửi Chính phủ Việt Nam.
Cơ quan này cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam mở một cuộc điều tra độc lập và nghiêm túc liên quan đến việc tước quyền tự do của ông Bách, và có biện pháp thích hợp đối với những người chịu trách nhiệm về các vi phạm trên.
Vụ việc của ông Bách sẽ được chuyển cho hai Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do quan điểm và biểu đạt, và về môi trường bền vững, để có hành động phù hợp, WGAD nói.
WGAD cũng cho biết trường hợp bắt giam và bỏ tù ông Bách là một trong nhiều trường hợp người hoạt động Việt Nam bị tước đoạt tự do một cách tùy tiện, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền, ở Việt Nam.
Nhiều trường hợp trong số này tuân theo một mô hình bắt giữ quen thuộc mà không tuân thủ các thông lệ quốc tế, giam giữ lâu dài chờ xét xử mà không được trợ giúp pháp lý, từ chối tiếp cận luật sư, biệt giam, truy tố theo các cáo buộc hình sự mơ hồ chỉ vì hò thực hành nhân quyền một cách ôn hòa, xét xử kín trong thời gian ngắn mà không theo đúng thủ tục tố tụng quan sát, kết án không tương xứng, và từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Việc giam giữ tuỳ tiện ở Việt Nam mang tính hệ thống và nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, WGAD nói.
Ba tù nhân chính trị tại Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An tuyệt thực hồi tháng 6/2019
Kiên định tranh đấu đòi công lý
Bà Trần Phương Thảo, một nhà hoạt động nhân quyền và là vợ của ông Bách, cho biết ý kiến của WGAD phản ánh đúng thực tế xảy ra với chồng mình, và cơ chế nhân quyền này được cung cấp nhiều thông tin xác thực từ nhiều tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 22/5, bà cho biết ông Bách vẫn đang đấu tranh đòi công lý trong trại giam. Ông đã giảm ăn từ ba bữa xuống còn một bữa/ngày từ ngày 17/3 đến ngày 24/6 ông sẽ dừng ăn hoàn toàn.
Mặc dù ông Bách kêu oan và gửi đơn yêu cầu giám đốc thẩm, nhà chức trách Hà Nội, cụ thể là Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, đang gây sức ép buộc gia đình bà phải nộp số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, mà theo toà án là số tiền ông Bách đã trốn thuế.
Bên cạnh việc phong toả bốn tài khoản ngân hàng của ông Bách, họ còn đòi kê biên ngôi nh. nơi ở duy nhất của bà và đứa con chỉ hơn hai tuổi.
“Hiện tại tôi bị rất nhiều áp lực từ cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu truy thu khoản cáo buộc trốn thuế. Anh ấy kiên quyết giữ lập trường không bao giờ nhận tội và nhắn nhủ với gia đình là không nộp tiền khắc phục bởi vì anh không có tội, và không thoả hiệp với cái sai, cái xấu.”
Bà cho biết trong lần thăm gặp vào ngày 14/5, ông Bách đã nhờ bà gửi thông điệp ra bên ngoài:
“Tôi đã đồng hành trên hành trình tìm kiếm công lý cùng những cộng đồng bị xâm hại trên khắp đất nước Việt Nam. Những câu chuyện đau buồn bởi đói nghèo, cơ cực và những căn bệnh quái ác đè nặng lên những người dân khốn khổ.Họ bị cấm cản, bức hiếp, bưng bít thông tin, không có cơ hội lên tiếng kêu đòi công bằng và quyền được làm người trước hiện trạng ô nhiễm môi trường, bị tước đoạt đất đai, sinh kế ở khắp mọi miền mà đỉnh điểm là hàng loạt dự án nhiệt điện than đang vận hành, quy hoạch và mở rộng.Nhằm ngăn chặn, che giấu sự thật và uy hiếp tiếng nói của người dân, họ đã bắt bớ, kết án và giam cầm vô cớ các nhà hoạt động môi trường và nhân quyền bất chấp pháp luật quốc gia và quốc tế.”
Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi tuyệt thực ủng hộ
Ngày 19/5, Liên minh quốc tế của các tổ chức nhân quyền và Công lý khí hậu đã phát động chiến dịch tuyệt thực đoàn kết và tiếp sức trong thời gian 24/5-24/6 nhằm mục đích đòi tự do cho nhà hoạt động Đặng Đình Bách.
Theo đó, các tổ chức có thể đăng ký tuyệt thực một ngày để đồng hành cùng ông Bách, người tuyên bố sẽ tuyệt thực đến chết trong Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An).
Nhiều tổ chức từ Hoa Kỳ, Brazil, Thái Lan, Tây Ban Nha, Palestine, Nam Phi… đã đăng ký tham gia. Nhiều nhà hoạt động thành viên của Mạng lưới Luật sư Phong trào Toàn cầu mà tổ chức của ông Bách cũng là thành viên, đã cam kết hưởng ứng cuộc vận động tuyệt thực một ngày.
Họ hy vọng phong trào sẽ buộc Hà Nội phải xem xét lại trường hợp của ông, và ông không phải bắt đầu tuyệt thực đúng dịp kỷ niệm hai năm ngày ông bị bắt.
Meena Jagannath, Điều phối viên của Mạng lưới Luật sư Phong trào Toàn cầu cho rằng: “Chúng ta không thể đạt được một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng khi các nhà lãnh đạo khí hậu như Bách đang ngồi tù. Các nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường cần đồng hành cùng đồng đội ở Việt Nam. Sự đoàn kết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của khu vực và hành tinh.”
Ông Bách là một trong bốn nhà hoạt động môi trường bị kết án cùng vì tội “trốn thuế” trong năm 2022. Ba người kia là bà Nguỵ Thị Khanh, Mai Phan Lợi, và Bạch Hùnh Dương, với mức án từ 21 tháng đến 45 tháng.
Giữa tháng này, bà Nguỵ Thị Khanh, khôi nguyên của Giải thưởng quốc tế danh giá về môi trường Goldman, đã được trả tự do năm tháng sớm hơn so với mức án tù 21 tháng.
RFA (22.05.2023)