„đủ loại kỷ lục vớ vẩn, phi thực tế cứ được “vinh danh” để thỏa mãn tính hiếu danh của cá nhân, tổ chức lắm tiền, ngày càng bào mòn giá trị của hai chữ “kỷ lục”.“

Chiếc áo dài “Dấu ấn thời gian” vừa được xác lập kỷ lục áo dài dài nhất, nặng nhất – Ảnh: BTC

 

Khi chiếc áo dài mang tên “Dấu ấn thời gian”, có chiều dài 189 mét, nặng 200 kg, đính đá và in nổi 468 hoa văn họa tiết cổ vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (TCLVN) công nhận kỷ lục thì dư luận chịu không nổi với trò xác lập “kỷ lục” của tổ chức này.

 

Trong trang web kyluc.vn có cả ngàn cái gọi là “kỷ lục” được cấp bằng vô tội vạ. Tính háo danh của nhiều cá nhân, các công ty tư nhân, cả cơ quan nhà nước, đã giúp tổ chức này kiếm tiền thật dễ.

 

TCKLVN là một tổ chức tư nhân nhưng lại được độc quyền “tìm kiếm, ghi nhận và xác lập các kỷ lục Việt Nam cho người Việt trong nước” để vinh danh những “giá trị đỉnh cao” này ra thế giới.

Tô hủ tiếu Sa Đéc lớn nhất có thể phục vụ miễn phí cho khoảng 1.000 người ăn, nhưng không ai ăn được vì do trưng bày kéo dài nhiều giờ, sợi hủ tiếu trong tô đã… nở trương ra, nước thì ngội ngắt, chẳng ngon lành gì để ăn. Sau khi nhận bằng “kỷ lục Việt Nam”, vào đóng hơn 50 triệu đồng chi phí, nhà hàng Sa Đéc đành đổ bỏ – Ảnh: NLD

 

Thành phần Ban lãnh đạo Cấp cao của TCKLVN gồm năm ông “tai to mặt lớn” trong đó có ông tướng Phạm Tuân, người đã đạt “kỷ lục” Việt Nam là “người đầu tiên mang bèo hoa dâu lên vũ trụ”. Sau này ông Phạm Tuân còn nổi tiếng hơn nữa qua câu nói “máy bay B.52 dài 600 mét” tại chùa Ba Vàng vào năm 2020, trước hàng trăm Phật tử há hốc miệng hóng chuyện.

 

TCKLVN được thành lập vào năm 2004, và tính đến nay, sau 19 năm hoạt động, tổ chức này đã cấp gần 3,000 bằng chứng nhận kỷ lục Việt Nam.

 

Như thế, nếu Ban Lãnh đạo cao cấp, sáu Phó Chủ tịch, và 120 người trong Hội đồng xác lập, Hội đồng Phát triển của TCKLVN làm việc không nghỉ cuối tuần, không nghỉ lễ trong suốt 19 năm, thì cứ mỗi hơn hai ngày, họ kiểm tra, và xác nhận một kỷ lục mới! Kỳ tích này đã biến Việt Nam thành đất nước của những kỷ lục, và tổ chức này cũng đạt được kỷ lục là tổ chức xác nhận kỷ lục nhanh vô cùng kỷ lục!

Còn nếu các vị ấy có nghỉ hai ngày cuối tuần, nghỉ lễ như mọi người, thì chỉ hơn một ngày thôi, một kỷ lục mới được xác nhận trong sự hân hoan khó tả.

 

Kèm với sự hân hoan khó tả đó, người ghi danh lập “kỷ lục” phải đóng chi phí cho TCKLVN cũng cao một cách… khó tả lắm.

Có tiền là có “kỷ lục” – Bảng tính chi phí xác lập kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam

 

Trong bản “Quy định thu phí và tài trợ phí xác lập, phí truyền thông trên hệ sinh thái kỷ lục Việt Nam” của TCKLVN ghi rõ: Chi phí xác lập và truyền thông trên Hệ thống Kỷ lục Việt Nam cho cá nhân là 10 triệu đến 40 triệu; cho tổ chức nhà nước, đoàn thể từ 30 triệu cho đến 70 triệu; và chi phí cho doanh nghiệp kinh tế từ 50 triệu đến 80 triệu đồng.

 

Chi phí đó chưa kể công “tư vấn về ý tưởng, tư vấn thiết lập hồ sơ, và xây dựng tiêu chí Kỷ lục” dao động từ 10 triệu cho đến 20 triệu đồng/hồ sơ.

 

Tính trung bình, giá xác lập một “kỷ lục Việt Nam” khoảng 50 triệu đồng/kỷ lục; tròm trèm 150 tỷ đồng cho gần 3.000 kỷ lục. Mỗi năm, các thành viên tổ chức này chia nhau gần 8 tỷ đồng, chưa kể “tiền tươi, thóc thật” mà các cá nhân, đơn vị muốn xác lập kỷ lục phải bỏ ra đãi họ ăn nhậu, lo ăn ở (chơi bời) trong thời gian phái đoàn tới địa phương lập hồ sơ. Nhiêu khê lắm.

Ai cũng choáng váng trước chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn ở Sài Gòn được đưa vào “kỷ lục Việt Nam” năm 2016 – Ảnh: Dân Việt

 

Thế chúng ta thấy gì trong gần 3.000 kỷ lục đó?

 

Không cần đọc hết 3.000 kỷ lục, mà chỉ cần đọc vài kỷ lục được thiết lập trong thời gian gần đây (trong Kỷ lục Việt Nam), người ta đã phải thốt lên rằng “đó là một đống hổ lốn, mà những người háo danh bỏ tiền ra mua để lừa chính họ, và lừa cả xã hội”.

 

Trên mạng xã hội, người ta cũng bàn nhiều về các loại kỷ lục này, và vô cùng ngán ngẩm với đủ loại kỷ lục vớ vẩn như bánh chưng to nhất, chiếc ram cuốn dài nhất, tô hủ tiếu lớn nhất, vườn hoa cây nhài hai lá và ba lá trồng trong chậu có số lượng cây nhiều nhất,…

Những kỷ lục phi thực tế cứ được “vinh danh” để thỏa mãn tính hiếu danh của cá nhân, tổ chức lắm tiền, ngày càng bào mòn giá trị của hai chữ “kỷ lục”.

 

Dân Facebook đề nghị TCKLVN nên ghi nhận một số “kỷ lục”, không chỉ xứng đáng là “Kỷ lục Việt Nam” mà cả thế giới cũng không nơi nào có, đó là “kỷ lục buôn chổi đót, bán rau xây biệt phủ”, “kỷ lục chính quyền cướp đất Thủ Thiêm lâu nhất”, “kỷ lục báo lỗ của EVN”, hay “kỷ lục ‘bám ghế’ lâu nhất của một đảng viên” chẳng hạn…

Những đề nghị đó hiện chưa được TCKLVN trả lời.

 

SGN (29.06.2023)

***

 

 

Các “kỷ lục” này có giúp cho Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu ?

 

 Nguyễn Ngọc Chu

Thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới, nhiều phát minh sáng chế nhất thế giới, nhiều giải Nobel nhất thế giới – là những cái nhất thế giới mà bất cứ quốc gia dân tộc nào cũng mong muốn.

 

Nhưng “bánh chưng lớn nhất thế giớ”, “bánh tét nặng nhất thế giới”, “tô phở bò ăn liền lớn nhất thế giới”, “ram cuốn dài nhất thế giới” – là những cái “nhất thế giới” không mang lại danh giá và lợi ích cho bất cứ quốc gia dân tộc nào.

 

Những điều “nhất thế giới” kiểu này chẳng những không mang lại vinh hạnh mà còn gây ra sự nhạo cười.

 

Thống kê những điều “nhất thế giới” của Việt Nam, thì nhận thấy Việt Nam không đua tranh “nhất thế giới” về kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ, mà chú trọng ganh đua “nhất thế giới” ở lĩnh vực ăn uống và mua vui. Thật tai hại và xấu hổ nếu để cho các thế hệ trẻ Việt Nam hiểu nhầm rằng chính quyền đang cổ súy cho những cái “nhất thế giới” như vậy để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các tỉnh thành và bộ ngành nên có biện pháp chấm dứt các “kỷ lục” nhảm nhí, tốn kém đang xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn ở Việt Nam.

 

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng không thể không để ý đến khuynh hướng tư tưởng thi đua sai lệch có hại này.

 

NGUYỄN NGỌC CHU (25.06.2023)