„Giữa lúc kinh tế đang suy thoái, thu ngân sách giảm thì dự thảo Luật này được đưa ra, nhiều người có quyền đặt lại cả sự thật, tính chất và động cơ đằng sau của vụ việc bạo lực đã xảy ra ở Tây Nguyên?“

 

Lê Quốc Quân

Ba cán bộ công an bị bắt quả tang bắn chết, ăn trộm 2 con dê của dân ở Mỹ Đức, Hà Nội, 26/6/2023.

 

Hơn 3 năm qua, 48.000 công an chính quy đã được đưa về cấp xã. Họ cơ bản là ngồi đó, chỉ đi “rình phản động” và bắt mấy con bạc và trộm cắp vặt linh tinh.

 

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 vào tháng 6 năm 2020, Bộ công an trình luật “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” với mục đích hợp nhất và chính quy hoá 3 lực lượng bảo vệ an ninh ở cơ sở gồm: dân phố, dân phòng và công an bán chuyên trách.

 

Lúc đó, các đại biểu quốc đã phản ứng dữ dội vì dự luật sẽ làm biên chế phình to quá cỡ. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng “với việc cơ cấu khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này thì như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần số quân đội thường trực và có cần thiết hay không?”.

 

Sau đó có hơn 60% đại biểu quốc hội được lấy ý kiến cho rằng không cần thiết ban hành và đã loại dự thảo luật này khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 

Một tròng nữa sẽ được ngoắc vào cổ dân

Nhưng sau vụ việc Tây Nguyên, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bà thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân còn vin cớ để nói rằng nếu có Luật sớm thì lực lượng an ninh cơ sở thì sẽ là “tai mắt” của dân và những vụ việc như ở Tây Nguyên sẽ được phát hiện sớm.

 

Rồi ngày 20/6 vừa qua, ngài Bộ trưởng từng ăn miếng bò dát vàng tại một nhà hàng sang trọng ở Anh Quốc, lại đứng lên trình ra dự thảo.Sau 3 năm mọi thứ đã quay ngoắt lại. Dự luật lần này với 5 chương 31 điều, được Chủ tịch quốc hội tán thành và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

 

Theo Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, cả nước hiện có 66.723 người trong lực lượng bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng (không kể số dân phòng). Sau khi “kiện toàn thống nhất” lại cả ba lực lượng thì tổng quân số sẽ lên khoảng 300.000 người với mức chi không quá 30 tỷ cho mỗi tỉnh trong một tháng.

 

Cách diễn đạt của bộ trưởng thể hiện sự che dấu tinh vi về một bộ máy rất đồ sộ sẽ mọc ra nhưng không che mắt được Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp). Theo ông Hoà thì tổng lực lượng ít nhất sẽ phải là 517.000 người với mức chi khoảng 1,000 tỷ/tháng trên cả nước.

 

Nhiều đại biểu cũng muốn “ho he” về nguồn kinh phí và tính hiệu quả của dự luật, nhưng khi nghe đến “chỉ đạo của Bộ Chính trị” và vụ bạo lực ở Tây Nguyên, thì không một ai đủ dũng cảm để phát biểu ngăn chặn dự luật này ra đời.

 

Dự luật nguy hiểm này dành cho ai? 

Bản thân ngành công an đã có một bộ “Luật Công an Nhân dân” (Số 37/2018/QH14) với một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương với con số biên chế khổng lồ mà tìm hoài vẫn chưa ra được cách thuyên giảm.

 

Hơn 3 năm qua, 48.000 công an chính quy đã được đưa về cấp xã. Họ cơ bản là ngồi đó, chỉ đi “rình phản động” và bắt mấy con bạc và trộm cắp vặt linh tinh. Một số họ chủ yếu tập trung đánh bạc, thường xuyên xem tiktok hoặc chơi trò chơi trên máy tính. Rảnh rỗi hơn nữa thì còn đi bắn trộm dê của dân. Nhiều hành động của công an cơ sở đang gây tai tiếng kinh hoàng và bốc mùi loạn xạ trên khắp các diễn đàn mạng.

Bản thân việc “đưa công an chính quy về xã” là một giải pháp tình thế để làm “tinh gọn” bộ máy ở cấp trên do tham nhũng tuyển dụng “công an nghĩa vụ” ào ạt từ những năm 2005-2015 gây ra. Những năm đó có hẳn cả một mạng lưới dày đặc cò mồi, mời chào thanh niên nông thôn đi “công an nghĩa vụ” với giá từ 20-40 triệu đồng. Đi nghĩa vụ nhưng cuối cùng là “chạy” luôn vào biên chế.

 

Khi bộ máy ở trên phình to quá nên bộ mới sáng kiến đưa về cấp dưới. Tiếp theo cấp dưới lại cần một “cánh tay nối dài” xuống cơ sở một cách chính quy, có biên chế và dòng ngân sách trả lương riêng. Đúng như một đại biểu đã từng phát biểu việc chính quy hoá lực lượng ở cơ sở là “phình cả tĩnh mạch và động mạch”.

 

Giữa lúc kinh tế đang suy thoái, thu ngân sách giảm thì dự thảo Luật này được đưa ra, nhiều người có quyền đặt lại cả sự thật, tính chất và động cơ đằng sau của vụ việc bạo lực đã xảy ra ở Tây Nguyên?

 

Hệ quả và lợi ích của ai sau vụ Tây Nguyên? 

Trước mắt, ta thấy việc thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ có lợi cho ngành công an. Ngược lại người dân sẽ bị áp bức hơn.

 

Từ lâu nay Việt Nam vẫn bị coi là nhà nước “công an trị” và bây giờ tiếp tục lại có một lực lượng chính quy khác tiếp tục đè đầu cưỡi cổ. Dự luật vừa thêm gánh nặng cho những người dân vừa gây bất bình và ganh tị giữa các lực lượng cùng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở bởi vì mức lương của công an thường cao hơn cả cán bộ chủ tịch, bí thư trong xã.

 

Sau vụ việc ngày 11/6 ở Tây Nguyên, đài báo Nhà nước cho rằng “cuộc sống đã trở lại bình thường” nhưng các nguồn tin riêng tại Tây Nguyên cho biết là cảnh sát giao thông và công an mật được tăng cường gấp 3-4 lần mức bình thường. Hầu như các trục đường chính nào cũng có các lực lượng chuyên ngành án ngữ và bất cứ khi nào cũng có thể yêu cầu người đi đường xuống để kiểm tra giấy tờ.

 

Bầu không khi u uất, nặng tính đàn áp vẫn bao trùm nặng nề lên khắp các buôn làng của người đồng bào. Chỉ cần bạn “da ngăm đen” hoặc mặc đồ “rằn ri” là có thể bị chặn lại và tấn công bất cứ lúc nào.

Thử tưởng tượng sau khi các lực lượng “an ninh cơ sở” được gom lại và chính quy hoá, một màng lưới dày đặc thuộc đủ mọi tầng lớp lại được căng ra trên đầu những người dân.

 

Trong khi đó hàng ngàn quan tham vẫn đang ngày đêm lũng đoạn đất nước; trộm cướp, đâm chém, giết người vẫn liên tục xảy ra ở khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược và nhiều hung thủ vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội; Hàng chục vụ án oan ức với hàng trăm nạn nhân đang phải ngồi sau song sắt chỉ vì khát khao hành động cho một Việt nam tốt đẹp hơn. Hoạt động tư pháp càng ngày càng độc đoán và công lý vắng bóng ở các phiên toà. Nhiều luật sư phải ngồi tù hoặc trốn ra nước ngoài mà mới đây nhất là vụ 3 luật sư phải đào thoát sang Mỹ.

 

Không chỉ ở trong nước mà việc tăng biên chế cho những việc vô bổ cũng phình to ở nước ngoài. Tôi nhận thấy rằng các tay “điệp viên” của Việt Nam rất giỏi tưởng tượng rồi dựng nên những con “ngáo ộp” có khả năng lật đổ để hù doạ đảng cộng sản và lấy tiền của nhân dân Việt Nam chi cho việc riêng.

 

An ninh trong tự do và tình yêu

Một xã hội dân sự phát triển là sự đảm bảo của an ninh. Xã hội dân sự sẽ là bộ đệm để giảm áp lực tiêu cực của chính quyền lên công dân của mình đồng thời là kênh đạo đạt tiếng nói của người dân lên Nhà nước. Chỉ có “dân sự”, chứ không phải “cảnh sát hay quân sự” mới thực sự khởi tạo và nới rộng được không gian sống cho chính người dân một cách an bình và tự do.

 

Xã hội dân sự có nghĩa là để cho chính những người dân tại cơ sở xây dựng lực lượng đảm bảo an ninh cho riêng mình dựa trên nhu cầu thực tế của người dân tại cơ sở. Số lượng, biên chế và nguồn lực cho an ninh phải do chính Hội đồng nhân dân và UBND cấp cơ sở quyết định.

 

An ninh không thể được đảm bảo khi cứ thêm người và súng đạn mà chỉ đảm bảo khi lòng người được yên bình qua sự minh bạch và tình yêu thương. Những hành động tử tế có gía trị và sức thuyết phục hơn hàng ngàn cái vụt của dùi cui. Như tôi đã từng viết nhiều lần: bạo lực chỉ làm phát sinh thêm bạo lực.

 

Tôi nhận thấy rằng dự luật mới sẽ giết chết từ trong trứng nước mầm mống của “Cuộc cách mạng của sự tử tế” trên quê hương Việt Nam.

Hỡi những đại biểu quốc hội còn lương tri, xin hãy mạnh dạn đứng lên ngăn chặn dự luật nguy hiểm này như các vị đã làm hơn 3 năm trước.

 

Lê Quốc Quân

VOA (02.07.2023)