Một nhà sáu miệng ăn
26-7-2023
“Chính sách một cửa” để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân trong quan hệ hành chính của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tự nó biến hóa thành 6 cửa trong vụ Chuyến bay giải cứu. Cụ thể, số cửa và đối tượng tham nhũng bị đưa ra tòa: 1) Văn phòng chính phủ (4 người), 2) Bộ Y tế (2 người), 3) Bộ Ngoại giao (5 người), 4) Bộ GTVT (2 người), 5) Bộ Công an (4 người). Riêng Bộ Quốc phòng được tách hồ sơ để xử lý riêng.
Nguyên nhân sâu xa của vụ án là sự “kiến tạo” 5, 6 cái cửa thành 5, 6 cái miệng đớp và táp.
Bài trước tôi nói, rằng đã có “ngũ quyền phân lập” (5 cửa đang đặt trước vành móng ngựa) mà còn không kiểm soát được tham nhũng, huống hồ là “tam quyền phân lập”. Là tếu táo cho vui để làm dịu cơn phẫn nộ của đồng bào, chứ kiểm soát tham nhũng cái gì?
Sự thật, 5, 6 cửa ấy không phải kiểm soát tham nhũng mà chỉ để kiểm soát doanh nghiệp và ăn chặn công dân đang mắc kẹt trong các vùng tâm dịch. Sáu cửa này cứ như nhà đông con với 6 miệng ăn. Số cán bộ cao cấp ấy khi bị kêu án đã lộ ra, ông bà nào cũng đang sở hữu hàng trăm tỉ (bằng chứng là khắc phục hậu quả rất nhanh để giảm án, lại còn xin giữ lại hàng chục tỉ cho con cháu), tức không đói, nhưng vẫn đớp và táp trên nỗi đau và sợ hãi của đồng bào.
Tôi cứ nghĩ, việc giải cứu nạn nhân là cấp bách mà các thủ tục hành chính cho chuyến bay phải qua 5, 6 cửa thì, hoặc là doanh nghiệp phải chạy mướt mồ hôi, nhiều nạn nhân chờ qua hết 6 cửa đã chết không nhắm mắt.
5, 6 cửa ấy, mỗi cửa hạch sách một ít, doanh nghiệp buộc phải nôn ra một số tiền cực lớn, tất yếu giá thành cho một chuyến bay phải tăng vọt gấp nhiều lần chuyến bay bình thường.
Theo dõi phiên tòa, tôi tin những lời khai của doanh nghiệp là chân thật. Cũng nhờ đó, cơ quan điều tra mới tóm được đám cẩu quan nhân cơ hội đớp và táp xương máu đồng bào.
Được biết, Tòa tạo điều kiện cho các ‘cẩu quan’ “ngã giá” nộp tiền “khắc phục hậu quả” và Viện Kiểm sát đề nghị giảm án xuống mức thấp nhiều lần so với công dân đói bắt trộm gà, tôi cứ hỏi: “Tòa xử vụ này cho ai? Cho quyền lợi của công dân hay cho đám ‘cẩu quan’ trong hệ thống quan quyền của họ?” Đau lắm!
Trong khi lẽ ra, với 5, 6 cửa bắt chẹt doanh nghiệp, đẩy đồng bào trong cơn hoạn nạn phải chồng thêm hoạn nạn, với chi phí cực lớn cho một chuyến bay, Tòa phải giảm án tội đưa hối lộ cho doanh nghiệp mới phải đạo. Trong tình thế bắt chẹt như vậy, dễ hình dung, doanh nghiệp không bị đi tù vì tội đưa hối lộ thì cũng bị phá sản và tàn gia bại sản! Xót không?
Nói “quan chức nhận hối lộ là do lỗi (đưa hối lộ) của doanh nghiệp” là lối nói hồ đồ của đứa vô học. Người dân quê ít học nhất cũng không nói chó ăn c*t là lỗi tại người ỉa. Không nói ra ai cũng biết, doanh nghiệp ở đất nước này làm ăn chân chính (không hối lộ, bôi trơn qua các cửa) đều có thể chết bất đắc kì tử. Đó cũng là nguyên nhân chính làm cho mọi sản phẩm xuất nhập đều phải đội giá trên trời và thị trường trở nên bất ổn.
Nếu Marx còn sống, chắc chắn ông phải chỉnh sửa công thức định giá hàng hóa bằng vốn đầu tư nguyên liệu + sức lao động + vận chuyển + tiền hối lộ + lợi nhuận, trong đó tiền hối lộ tính bằng phần trăm tổng giá thành và quyết định sự sống chết của doanh nghiệp. Một thị trường với định hướng như vậy thì lợi cho ai?
Lẽ ra trong điều kiện phòng chống dịch, chỉ cần mỗi Bộ Y tế kiểm soát dịch bệnh là đủ. Mọi rào cản phải được dỡ bỏ. Các bộ ngành khác chỉ thực hiện công vụ hàng ngày, trong khi người đứng đầu lại “kiến tạo” 5, 6 cửa thi hành công vụ đặc biệt, chẳng phải phân phát quyền bắt chẹt, quyền ăn chặn cho đám cẩu quan tay chân của mình hay sao?
Theo tôi, buộc người đứng đầu chịu trách nhiệm bằng cách từ chức chưa phải là xử lý nghiêm túc. Với trách nhiệm người đứng đầu, bắt họ phải cùng “khắc phục hậu quả” và chịu án phạt nào đó mới công bằng và nghiêm minh.
Ở nước văn minh, ví dụ bạn đi tàu chui, khi bị phát hiện, có thể bị phạt gấp một trăm lần so với giá vé. Ở ta, người đứng đầu chỉ từ chức, quan phạm tội chỉ “khắc phục hậu quả” chưa bằng số tiền đã đớp và táp thì người ta dại gì không tham, không đớp và táp cho sướng cái mồm?
Cẩu quan ranh ma lắm, họ biết ở tù vài ba năm mà gia sản sau nộp “khắc phục hậu quả” vẫn còn hàng chục tỉ thì chúng sẵn sàng đi tù. Có nghề buôn nào lãi bằng nghề… đi tù? Không chừng trong và sau khi ra tù, chúng nói theo giọng Chí Phèo: “Ở tù sướng quá!”
Tôi làm công dân bất lực thì tôi có quyền nguyền rủa. Án tù tất nhiên đã là quả báo nhãn tiền. Có giảm án ở mức thấp hơn nhiều so với người dân cố cùng bắt trộm con gà hay ăn cắp cái bánh mì thì còn một tòa nữa: tòa án lương tâm. Cẩu quan có thơn thớt về lòng thương người, ân tình, nhân phẩm, thậm chí có lai láng hồn thơ giữa công đường, tức thứ lương tâm của chó nói tiếng người, thì một tòa án khác cũng đang chờ đấy.
Đó là nỗi nhục muôn đời không rửa sạch. Rồi các người cũng sẽ tàn gia bại sản, lê lết tật nguyền, và 40.000 oan hồn chết cô đơn nơi hải ngoại và các khu, trại cách ly sẽ báo oán từ kiếp này đến kiếp khác. Báo oán đến cả những kẻ đang còn “vận đỏ” khi cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để tóm và ném ra trước vành móng ngựa.
Các quan tòa và các phạm nhân nên nhớ điều này: tuyên án càng nặng, tội nhân càng được chuộc tội và được tha thứ; tuyên án càng nhẹ, tội nhân càng bị ô nhục và bị nguyền rủa muôn đời. Người đời nguyền rủa cả phạm nhân, con cháu phạm nhân lẫn quan tòa đấy. Tin tôi đi!
Xem thêm:
Cơ chế “xin – cho”
Vụ án chuyến bay giải cứu