Báo cáo nhân quyền- dân chủ 2022 của EU: Việt Nam tiếp tục giới hạn quyền chính trị, dân sự

Công an dồn người biểu tình phản đối Trung Quốc lên xe buýt trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào tháng 12/2012 (minh hoạ) Reuters

 

Việt Nam tiếp tục giới hạn các quyền dân sự và chính trị, đặc biệt các quyền tự do biểu đạt và hội họp.

Báo cáo thường niên về nhân quyền – dân chủ trên thế giới năm 2022, trong đó có Việt Nam, của Liên minh Châu Âu (EU) công bố ngày 31/7 kết luận như vừa nêu.

Báo cáo nêu tiếp: không gian xã hội dân sự tại Việt Nam tiếp tục bị co hẹp lại. Một số luật, nghị định đưa ra những giới hạn thêm nữa trong các lĩnh vực an ninh mạng, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, và tự do tôn giáo đã được ban hành hay đang trong quá trình soạn thảo.

Các nhà báo, bloggers và những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường tiếp tục bị bắt và truy tố theo những cáo buộc mơ hồ về tội vi phạm an ninh quốc gia hay trốn thuế. Nhiều người trong số đó bị đưa ra xử và nhận án nặng trong những phiên tòa không công khai cho mọi người tham dự.

Báo cáo cho biết tiếp tục có những cáo buộc về những phiên tòa bất công như việc từ chối đại diện pháp lý cho người bị xét xử, những điều kiện khắc nghiệt trong tù như thời gian bị giam không được tiếp xúc với bên ngoài dài trước khi xét xử, bị từ chối hay không được điều trị y tế phù hợp, bị từ chối cho gia đình thăm gặp, bị chuyển đi trại xa như biện pháp trừng phạt, bị biệt giam…

Án tử hình tiếp tục là mối quan ngại lớn tại Việt Nam, và tiếp tục được áp dụng theo cách thiếu minh bạch, cơ quan chức năng không công bố dữ liệu về việc hành quyết tử tù.

Quan ngại về quyền tự do tôn giáo của người thiểu số và quyền đất đai của người dân vẫn còn.

Quyền tự do báo chí vẫn bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Tất cả các hình thức truyền thông gồm báo in, truyền thanh- truyền hình, báo mạng, điện tử đều bị kiểm soát dữ dội. Những trang mạng chính trị độc lập đều bị chặn, các công ty mạng xã hội bị buộc phải đóng những tài khoản hay xóa những nội dung mang tính chỉ trích chính phủ.

Báo cáo của EU nhắc lại xếp hạng chỉ số tự do báo chí năm 2022 do tổ chức Phóng viên Không Biên giới thực hiện; theo đó Việt Nam đứng thứ 174 trên 180 quốc gia.

EU cho biết luôn chính thức đưa vào các cuộc thảo luận song phương với phía Việt Nam ở mọi cấp vấn đề nhân quyền. EU hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và những quốc gia tôn trọng dân chủ- nhân quyền duy trì công tác trao đổi thường xuyên về vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam và luôn lặp lại kêu gọi Hà Nội thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về nhân quyền quốc tế, trả tự do cho tất cả những người bị giam cầm chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt cả trên mạng và trong đời sống thực.

RFA (05.08.2023)

 

 

Việt Nam vẫn còn nợ quyền lập hội

 Hạ tuần tháng 2-2016, theo đề xuất của chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một nhóm luật gia, nhà báo đã cùng chấp bút soạn thảo về dự án luật về quyền lập hội. Nội dung này được đăng tải lấy ý kiến trên trang Việt Nam Thời Báo.

Sau khi người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vướng vòng lao lý của cáo buộc theo điều luật hình sự 117, các tin tức liên quan về dự luật này gần như ít được nhắc đến.

Báo chí nhà nước Việt Nam cũng không có các tuyến bài liên quan về sự cần thiết của luật này trong bối cảnh những thỏa thuận FTA đang buộc Hà Nội phải thực hiện các cam kết về quyền chính trị của quyền lập hội.

Nhân thời sự ở hồ sơ xin thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam, có ý kiến rằng trang Việt Nam Thời Báo nên “trở lại” với tuyến bài quyền chính trị về đa nguyên hội đoàn.

Trước mắt cho thấy với dự luật về quyền lập hội mà nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo từng soạn, và bản dự thảo luật về quyền lập hội của Bộ Nội vụ, ban biên tập trang Việt Nam Thời Báo xin được trở lại với tuyến bài chủ đề này, với bài đầu tiên là về 5 đề xuất cho đa nguyên hội, đoàn dân sự.

 

Thứ nhất: Về quyền lập hội của công dân.

Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo như Dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật về hội là “quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội”.

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh cần mở rộng hơn nữa, bao gồm cả quy định về quyền lập hội của công dân. Cần tiếp cận dưới góc độ quyền lập hội của công dân trước, như là một nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình quản lý nhà nước về hội.

Nếu phạm vi điều chỉnh mở rộng theo hướng này thì dự thảo cần thiết bổ sung một số điều để khẳng định và làm rõ hơn nữa nội dung về quyền lập hội của công dân.

 

Thứ hai: Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội.

Dự thảo Luật về hội quy định 05 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội bao gồm: 1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội; 2) Tự nguyện, tự quản; 3) Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 4) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 5) Không vì mục đích lợi nhuận.

Trong hệ thống nguyên tắc trên cần bổ sung thêm nguyên tắc: đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích của hội, hội viên, cộng đồng. Đây là một tư tưởng quan trọng để gắn kết các hội viên với nhau, các hội viên với hội và với cộng đồng.

Thực tế, nhiều hội đang hoạt động hợp pháp chưa thực hiện được nguyên tắc này nên các tôn chỉ mục đích của hội không được thực hiện đúng, xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo, không tôn trọng những công bố của hội…

Bổ sung thêm nguyên tắc trên cũng phù hợp về phương diện lý luận, bởi Dự thảo của Bộ Nội vụ định nghĩa về hội như sau: “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Thứ ba: Về thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội.

Nội dung của phần này chủ yếu phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước tương ứng với phạm vi hoạt động của hội.

Để tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 về các cấp hành chính và đơn vị hành chính cần chuẩn hóa lại trong Dự thảo, đặc biệt cần bổ sung thêm thẩm quyền của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong những lĩnh vực trên, hiện nay Dự thảo chưa đề cập tới.

Bổ sung tương tự với những quy định liên quan (như trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội) đến cấp hành chính và đơn vị hành chính cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

 

Thứ tư: Về các hành vi bị nghiêm cấm.

Cần bổ sung thêm hành vi gây khó khăn cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội để quyền lập hội của công dân được thông thoáng hơn, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân.

 

Thứ năm: Về điều kiện thành lập hội.

Dự thảo quy định có 6 điều kiện thành lập hội: 1) Tên; 2) Tôn chỉ mục đích; 3) Lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lặp với lĩnh vực chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động; 4) Có điều lệ; 5) Có trụ sở; 6) Có đủ số người đăng ký tham gia.

Trong 6 điều kiện trên thì điều kiện thứ 3 cần xem xét thận trọng, vì quy định như trên thuận lợi cho nhà nước trong công tác quản lý hội theo lĩnh vực và tôn chỉ, mục đích; nhưng đây là quy định “đóng” đối với quyền tự do lập hội của công dân, thậm chí đi ngược lại với quyền này, trái với quy định về đảm bảo quyền lập hội.

Nếu công dân muốn thành lập hội trong lĩnh vực đó với những phương thức hoạt động khác, tôn chỉ mục đích khác, thành viên mới… thì không có quyền thành lập hội mới. Đó thực chất là hạn chế quyền lập hội của công dân, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước trong việc quản lý hội.

Nếu công dân không được thành lập hội mới vì lý do quy định ở điều kiện thứ 3 thì sẽ xảy ra tình trạng công dân chỉ có cách lựa chọn hội đã thành lập rồi hoặc không gia nhập hội đó. Như vậy, với điều kiện này sẽ hạn chế quyền tự do lập hội và tự do hội họp của công dân.

Nhìn tổng thể, việc thiết kế Dự luật về hội nên bao hàm ba cách tiếp cận mà Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đặt ra, đó là: quyền thành lập hội; quyền gia nhập hội; quyền hoạt động và điều hành hội và quản lý nước về hội với những cho phép hoặc hạn chế nhất định mà nhà nước thấy cần thiết.

Nguyễn Nam – Minh Hà

VNTB (05.08.2023)

 

 

Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng được thông báo nhận xác con nhưng không có giấy báo thi hành án

Ông Nguyễn Trường Chinh – bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con. Hình do ông Chinh cung cấp

 

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị buộc làm thủ tục nhận xác, tro cốt… dù không nhận được giấy báo thi hành án.

“Hôm nay họ mời tôi ra Ủy ban Nhân dân xã nơi tôi cư trú ở Hải Dương, để thông báo là gia đình làm thủ tục nhận tro cốt hay là nhận thi hài của Nguyễn Văn Chưởng, thì phải làm đơn trong vòng ba ngày nộp cho Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng để họ sắp xếp. Tôi có nói và ghi vào biên bản là con tôi không có tội mà có cố tình thi hành án tử hình… thì tôi sẽ nhận xác và đem xác đấy lên cơ quan Trung ương đảng, nhà nước Việt Nam để kêu oan cho con.”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, với RFA vào tối 4/8/2023. Ông Chinh nói tiếp:

“Tôi cũng hỏi họ là có quyết định thi hành án không, mà có thông báo nhận tro cốt hay xác… thì họ nói có quyết định thi hành án rồi. Nhưng tại sao họ lại không cho tôi biết là thi hành án ngày nào và tôi không nhận được quyết định thi hành án. Họ nói rằng chỉ việc nhận thông báo về tro cốt, nếu không nhận cũng không sao, nhưng thân nhân có quyền yêu cầu nhận tro cốt, xác… Họ chỉ thông báo như vậy, còn họ không nói ngày nào thi hành án, nhưng họ chắc chắn là có quyết định thi hành án rồi.”

Tôi cũng hỏi họ là có quyết định thi hành án không, mà có thông báo nhận tro cốt hay xác… thì họ nói có quyết định thi hành án rồi. Nhưng tại sao họ lại không cho tôi biết là thi hành án ngày nào và tôi không nhận được quyết định thi hành án.
-Nguyễn Trường Chinh

Thông báo vừa nêu được Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng gởi cho Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng hôm 4/8/2023, trong đó yêu cầu trong 3 ngày phải làm thủ tục nhận xác, tro cốt gởi đến cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng… mặc dù ông Nguyễn Trường Chinh cho biết không hề nhận được giấy báo thi hành án, hiện gia đình ông cũng không rõ chính quyền đã thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng hay chưa?

Luật sư Lê Văn Hòa, người tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh – bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với RFA hôm 4/8/2023 từ Hà Nội:

“Căn cứ vào thông báo này tôi cũng chưa hiểu là họ đã thi hành án hay chưa? Nhưng tôi nghĩ nhiều khả năng có thể là người ta đã thi hành án rồi, chủ quan của tôi nghĩ như thế. Tôi cho rằng nếu như người ta không có giấy thi hành án báo cho gia đình biết, thì không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay. Tức là trước khi thi hành án đối với bất cứ một tử tù nào, thì Chánh án Tòa án địa phương đó phải có thông báo để cho gia đình biết, và thông báo đến các cơ quan chức năng của thành phố. Nếu không có cái đó, chỉ thông báo nhận tro cốt hay thi hài là sai hoàn toàn.”

Thông báo của Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng gởi cho Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng hôm 4/8/2023. Hình do ông Chinh cung cấp.

 

Vụ án thiếu tá Nguyễn Văn Sinh- Công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra đã xảy ra hơn 16 năm, Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người (trong đó, Chưởng bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân). Tử tù Nguyễn Văn Chưởng (nay 40 tuổi) và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết nhận định của ông về vụ án này:

“Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, từ năm 2013, lúc tôi còn công tác ở Ban Nội chính Trung ương, tôi được Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh lúc đó phân tôi làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra án oan, để kiểm tra một số vụ án có đơn kêu oan, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Sau khi tổ của tôi làm việc với các cơ quan chức năng từ Tòa án Nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng của thành phố Hải Phòng… chúng tôi đã có báo cáo khẳng định việc cấp sơ thẩm và phúc thẩm, lúc đó chưa có giám đốc thẩm, đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng là oan.”

Trước khi thi hành án đối với bất cứ một tử tù nào, thì Chánh án Tòa án địa phương đó phải có thông báo để cho gia đình biết, và thông báo đến các cơ quan chức năng của thành phố. Nếu không có cái đó, chỉ thông báo nhận tro cốt hay thi hài là sai hoàn toàn.
-Luật sư Lê Văn Hòa

Theo Luật sư Lê Văn Hòa, oan bởi vì căn cứ vào quá trình điều tra, đặc biệt trong thu thập hiện trường, cơ quan cảnh sát điều tra của công an Hải Phòng đã vi phạm rất nhiều tố tụng như: ‘khám nghiệm hiện trường còn để sót các chứng cứ dấu hiệu không được làm rõ’. Ông Hòa nói tiếp:

“Ngay viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cuộc họp liên ngành của các cơ quan tố tụng trung ương với các cơ quan tố tụng của thành phố Hải Phòng, thì bản thân người đại diện của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã băn khoăn rằng cần phải làm rõ các vi phạm tố tụng. Những nội dung không rõ tôi khẳng định là rất nhiều, sau năm 2016 nghỉ hưu tôi cũng đã tiếp tục có nhiều văn bản gửi lãnh đạo đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng kiến nghị hãy thành lập đoàn kiểm tra làm rõ bởi vì có dấu hiệu oan sai, tủ hình đối với Nguyễn Văn Chưởng là chưa đủ cơ sở. Vấn đề này đứng trước sinh mệnh của một con người và đã có đơn kêu oan liên tục hơn 10 năm nay, mà bây giờ họ lại có văn bản để nhận xác thì tôi thấy rất đột ngột.”

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết ông cũng vừa có kiến nghị gửi lãnh đạo đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng… cần phải có ý kiến chỉ đạo đối với chánh án Tòa án thành phố Hải Phòng, nếu chưa thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thì cần kiểm tra làm rõ.

Trong kiến nghị Luật sư Hòa yêu cầu “Hãy dừng thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng!!!” Với tư cách là luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng và với tư cách là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Luật sư Lê Văn Hòa kêu gọi các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… hãy chỉ đạo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng dừng việc thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra làm rõ các kiến nghị của ông trong 10 năm qua.

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết, ông khẳng định Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình oan, vì rất nhiều vi phạm tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa được làm rõ!!!

RFA (04.08.2023)

 

 An Giang bắt giữ tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam, cáo buộc “dùng mạng chống Nhà nước”

Tín đồ PGHH Nguyễn Hoàng Nam trong một hình ảnh chụp năm 2017 FB Nguyễn Hoàng Nam

 

Chỉ sau hai năm ra tù vì những hoạt động tôn giáo của mình, một tín đồ Phật giáo hòa hảo độc lập tiếp tục bị bắt ở An Giang vì các bài đăng trên mạng xã hội.

Báo mạng Vietnam Plus hôm 4/8 dẫn thông tin từ cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cùng với các phòng nghiệp vụ đã thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1982, trú tại xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc).

Ông Nam bị điều tra về hành vi bị cho là “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.

Tờ báo này cho biết thêm, ngày 24/7, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Nam. 

Qua khám xét nơi ở, cơ quan chức năng đã thu giữ bảy điện thoại di động, hai USB, một laptop, 307 trang tài liệu và 10 video bị cho là có “nội dung tuyên truyền chống Đảng, nhà nước” và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Chánh thư ký Ban trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy cho hay, ông nhận được tin ông Nam bị công an An Giang bắt giữ hôm 2/8 tuy nhiên đến hôm nay báo chí mới loan tin.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông Tân bày tỏ “bàng hoàng” khi biết tin và cho biết thông tin thêm về ông Nam:

“Nguyễn Hoàng Nam là một đồng đạo, từng là một cựu tù nhân tôn giáo, mới ra tù năm 2021 cùng với vụ ông Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm.

Hoàng Nam là một nhà hoạt động tôn giáo, sau khi ra tù Nam tích cực hoạt động từ thiện tôn giáo, xã hội.”

Bình luận về vụ bắt giữ mới nhất của cơ quan công an tỉnh An Giang đối với nhà hoạt động tôn giáo, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Hoàng Nam, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền bày tỏ qua thư điện tử như sau:

“Cuộc tấn công như con dao hai lưỡi của chính phủ Việt Nam đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vi phạm quyền tự do ngôn luận, cũng như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của họ, và bằng cách bắt giữ Nguyễn Hoàng Nam, chính phủ cho thấy họ đang tăng gấp đôi chiến dịch của mình để bịt miệng những người thẳng thắn ủng hộ tự do tôn giáo như thế nào.

Những lời buộc tội và truy tố Nguyễn Hoàng Nam trước đây là không có thật, và vụ bắt giữ mới nhất này cũng giống như vậy. Ông ấy có những bất bình chính đáng đối với sự giám sát, quấy rối và vi phạm quyền của chính phủ, và ông ấy nên được phép nói về những lạm dụng đó mà không phải đối mặt với một vòng hình sự hóa và bỏ tù khác.”

Đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Bangkok khẳng định, vụ việc mới nhất xảy ra đối với ông Nam và các tín đồ Hòa Hảo thuần túy cho thấy Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ Ngoại giao Mỹ đã “sai lầm như thế nào khi loại Việt Nam ra khỏi danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.”

Theo ông Phil Robertson, chỉ có sự chỉ trích công khai đi kèm với việc chỉ định CPC đầy đủ mới có thể ngăn chặn chiến dịch đàn áp nhân quyền đang diễn ra của chính phủ Việt Nam đối với các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo.

Báo chí Nhà nước dẫn thông tin từ cơ quan điều tra nói rằng, sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương trong năm 2021, ông Nam không chịu cải tạo, mà tiếp tục lợi dụng không gian mạng, tạo nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng tải, phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh, video, thậm chí phát trực tiếp để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. 

Hành vi của ông bị cho là nhằm mục đích gây chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết tôn giáo, dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Nói về những cáo buộc này của công an, ông Nguyễn Ngọc Tân cho hay:



“Tôi không thấy những video đó (chống phá chính quyền-PV) mà chỉ thấy những video Hoàng Nam làm công tác từ thiện xã hội thôi. Đó là tài khoản Facebook mà tôi có kết bạn với Nam.

Trong lúc dịch (COVID-19), lúc người ta ngăn đường, cấm ngỏ gây sự bất bình cho xã hội và nhân dân, tôi có thấy một vài video Nam cự cãi với cơ quan chức năng do họ cấm đoán đi lại.”

Ông Võ Văn Bửu, một tín đồ PGHH độc lập khác xác nhận, ông Nam và gia đình thường nấu ăn miễn phí phát cho người dân nghèo trong những ngày rằm và ngày 30 hàng tháng. 

Ông cũng cho biết, trên Facebook Hoàng Nam thỉnh thoảng có chia sẻ những bài viết của một số người chỉ trích, phê bình các chính sách của Nhà nước Việt Nam.

Ông Bửu cũng cho hay, trong ngày 4/8 công an cũng đưa vợ con ông Nam lên trụ sở để làm việc.

Ông Nguyễn Hoàng Nam hồi tháng 2/2018 bị tuyên án bốn năm tù giam cùng với năm đồng đạo Phật giáo Hòa hảo độc lập khác, với cáo buộc “gây rối trật tự” và “chống người thi hành công vụ”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước phiên tòa kêu gọi giới chức hoãn xử sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và đề nghị cần điều tra xem liệu vụ việc có phải do “nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo không”.

RFA (04.08.2023)

 

 

 

Thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng: Nhà nước vấy máu dân oan

Sau 15 năm kêu oan cho con, cha mẹ Nguyễn Văn Chưởng từ một thầy lang khá giả phải bán nhà cửa, tài sản trở thành người vô gia cư, ăn ngủ vật vạ gầm cầu, lề đường. Ngày 4-8 gia đình “tử tù” được Tòa án thông báo lựa chọn hình thức nhận thi hài con. Thủ tục thi hành án đã khởi động. Điều đáng nói bản án này, không chỉ  bị án, gia đình, luật sư kêu oan mà chính Viện Kiểm Sát Tối Cao, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội cũng thấy oan nhưng nó vẫn được thi hành. Nhân danh nhà nước giết oan người vô tội, nền tư pháp và cả bộ máy nhà nước đang vấy máu dân oan

Đêm 4-8, dư luận mạng xã hội bùng vở sự căm phẫn với thông tin sét đánh từ nhà báo Nguyễn Đức “Tử tù” Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án”. Kèm theo đó là hình ảnh văn bản lạnh lùng “Thông báo về việc làm đơn xin nhận thi hài tro cốt của người đã bị thi hành án tử hình”

Nhà báo nhắn tin cho Chủ Tịch Nước!

Không chỉ thông tin đơn thuần, phần cuối stt, Nguyễn Đức đã kiến nghị “Tôi kiến nghị Chủ tịch nước cần xem xét hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét lại vụ án này. Mong các đại biểu quốc hội quan tâm vụ án Nguyễn Văn Chưởng có kiến nghị khẩn cấp tạm hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng.” (1)

Năm tiếng đồng hồ sau, khoảng 10 giờ đêm Nguyễn Đức đã đăng thêm một stt mới với nội dung nóng hổi làm lòng người phấn chấn, hy vọng “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa nhắn tin trả lời tôi về thông tin tôi nhắn Chủ tịch nước chuyện tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án.

“Tôi đã nhận được tin nhắn của Anh!” (Chủ tịch nước trả lời lúc 21g9p tối 4/8/2023). Thật cảm kích, dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch nước vẫn dành chút thời gian xem tin nhắn về số phận ngàn cân treo sợi tóc của Nguyễn Văn Chưởng”.

Nguyễn Đức cũng đăng kèm nội dung tin nhắn gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lúc 17g15 ngày 4/8/2023.

Kính gửi Chủ tịch nước, tôi là Nhà báo Nguyễn Đức- Biên tập viên Báo Pháp Luật TP.HCM.

Hôm nay tôi nhận thông tin TAND TP Hải Phòng gửi thông báo cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng là sắp thi hành án tử đối với Chưởng. Đây là vụ án báo chí viết nhiều, đại biểu quốc hội lên tiếng nhiều. VKS tối cao từng kháng nghị giám đốc thẩm hủy án vì nhiều tình tiết cần làm rõ. Mong Chủ tịch nước xem xét cho tạm hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng và yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vụ án còn nhiều oan khuất này. Kính chúc Chủ tịch nước và gia đình mạnh khỏe.”

Không chỉ vậy, Nguyễn Đức còn cho biết “Trong ngày hôm nay tôi đã nhắn tin cho các đại biểu quốc hội thực hiện chức trách của đại biểu về trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng”.

Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ vào khoảng o giờ ngày 5-8, stt này đã có 1300 lượt bày tỏ cảm xúc, 119 bình luận và 322 lượt chia sẻ. (2)

Trong nhà nước tập quyền cộng sản, mọi cán bộ viên chức đều được ràng trong nội quy là không được viết, bày tỏ những ý kiến phản biện trên mạng xã hội thì việc làm của Nguyễn Đức quả là dũng cảm. Càng dũng cảm hơn nữa vì Nguyễn Đức từng lên bờ xuống ruộng, từng cận kề với cái vòng thòng lọng điều 331 qua những bài viết những clip thông tin, kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải.

Việc một nhà báo địa phương nhắn tin kiến nghị với chủ tịch nước và các đại biểu Quốc Hội cũng là điều chưa từng có tiền lệ ở xứ sở có quá nhiều quyền dân chủ để người ta lợi dụng mà thành tội phạm.

Cảm động và khâm phục nhà báo Nguyễn Đức nhưng cũng không thể không ghi nhận thái độ cầu thị hạ cố quan tâm của Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng đã nhắn tin trả lời. Dù nội dung tin nhắn của ông rất trung tính đến vô cảm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng gieo hy vọng cho nhiều người.

Ít nhất tin nhắn ấy cũng thể hiện trách nhiệm của ông Chủ Tịch Nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư Pháp về một sự kiện quan trọng có ảnh hưởng đến nền tư pháp và cả uy tín danh dự, nhân phẩm của ông.

Vấn đề là tại sao Nguyễn Đức nhiệt huyết kiến nghị đến lãnh đạo quốc gia và đại biểu Quốc Hội can thiệp việc thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã mang án tử từ 15 năm qua.

 

Bị bức cung, xóa hồ sơ, nhân chứng bị trấn áp

Đây là vụ án oan mà không chỉ Nguyễn Văn Chưởng phải tẩn mỉ rút từng sợi chỉ áo để viết thành thơ kêu oan, cha anh hai lần cắn tay lấy máu viết thơ kêu oan, luật sư kêu oan mà cả Viện Kiểm Sát Nhân dân tối Cao, Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội, trưởng đoàn giám sát cũng công nhận là oan.

Năm 2014, báo Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo từng đăng ý kiến Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ “EC” (tức bị ép cung).

Hồ Sơ vụ án có một số tài liệu bị mất, biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng khi Chưởng về trại tạm giam Trần Phú do giám thị trại giam lập, có y sĩ trại giam chứng kiến nhưng không có trong hồ sơ.

Khi bị bắt, Chưởng bị tịch thu điện thoại. Bị cáo và luật sư đề nghị cơ quan điều tra khôi phục cuộc gọi và xác định xem Chưởng có mặt tại Hải Phòng vào tối 14-7 hay không nhưng yêu cầu này cũng không được thực hiện.

Ðôi dép, khẩu trang màu xanh và thanh đoản kiếm thu giữ tại hiện trường thì cơ quan điều tra không làm rõ của ai. Quần dài và áo lót của nạn nhân là tang vật thu giữ, sau đó bị hủy mà không hiểu vì lý do gì.

Quá trình tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, các luật sư bị Công an TP Hải Phòng gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, không cho tiếp xúc với bị can. Họ phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công an, Viện KSND tối cao và phó thủ tướng Chính phủ.

Luật sư cũng nêu ra các bằng chứng ngoại phạm là vụ án xảy ra ở Hải Phòng đên 14-7 nhưng nhiều nhân chứng đã xác nhận Chưởng có mặt ở Hải Dương vào thời điểm đó. Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra, họ bị đánh đập nên mới phải khai không nhớ rõ ngày. Sau đó về suy nghĩ lại thấy áy náy, họ làm đơn khẳng định tối 14-7 có gặp Chưởng tại Hải Dương. (3)

 

Viện Kiểm Sát Tối Cao, Ủy Ban Tư Pháp cũng thấy oan

Viện KSND TC từng kháng nghị Giám Đốc Thẩm bản án vì chưa đủ căn cứ vững chắc buộc tội nhưng Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đã giám đốc thẩm và y án tử hình. Năm 2014, vụ án được đưa và diện giám sát trong chương trình giám sát án oan sai của UBTVQH.

Trình bày trước Đoàn giám sát, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong một lần nữa bảo lưu quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao.

“Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người” 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết (gây ra vết thương trên trán của nạn nhân – NV).

Hồ sơ không chứng minh được Chưởng chủ mưu bàn bạc đi giết người thì không thể kết tội giết người và tuyên án tử hình Chưởng được.

Theo ông Hiện, vụ Nguyễn Văn Chưởng đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng” – ông Nguyễn Văn Hiện nói. (4)

 

“Pháp luật” không qua “thế lực”

Có lẽ từ những bế tắc pháp lý mà ông Hiện nêu, Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi năm 2015 đã đưa ra điều luật mới. “Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

  1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
  2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.” (5)

Như vậy đến thời điểm hiện nay thì bản án Nguyễn Văn Chưởng không còn bị vướng vào ngõ cụt là hết luật, hết cấp xử lại như thời điểm năm 2014.

Vấn đề là nền tư pháp, thể chế chính trị, đảng có thiện chí để khai thông cái bế tắc ấy, bảo đảm tòa án xét xử công minh giải oan cho người vô tội hay không? Vướng mắc thật sự không phải là “pháp luật” mà là “thế lực”. Điều 404 đặt ra để làm sang cho nên tư pháp nhưng chưa hề được thi hành.

Tương tự như trường hợp Nguyễn Văn Chưởng, vị án Hồ Duy Hải cũng được VKSNDTC kháng nghị Giám Đốc Thẩm và bị hội đồng dao thớt y án. Sau giám đốc thẩm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã họp với đa số ý kiến thành viên đồng tình kiến nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm “Đa số ý kiến phát biểu đều đề nghị xem xét lại “tính đúng đắn” của quyết định giám đốc thẩm.” (6)

Nhưng đến nay vụ án vẫn chìm trong im lặng. Điều 404 vẫn không được thực thi. Biết đâu, sau Nguyễn Văn Chưởng, lại đến lượt gia đình Hồ Duy Hải nhận thông báo!

Tại sao “pháp luật” chịu thua “thế lực”. Pháp luật thực hiện qua tổ chức, con người mà trong thể chế cộng sản hiện nay, các ông bà Viện Trưởng VKSNDTC, Chủ Nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc Hội đều chỉ là Ủy Viên Trung Ương Đảng, trong khi Chánh Án Nguyễn Hòa Bình là thành viên Ban Bí Tư hai khóa, hiện lại leo thêm nấc mới là Ủy Viên Bộ Chính Trị. Chức vụ đảng, quyền lực chính trị của Nguyễn Hòa Bình cao hơn Lê Minh Trí, Lê thị Nga đến hai bậc, áo mặc sao qua khỏi đầu.

 Nếu thừa nhận hai bản án của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải sai, hóa ra những tuyên bố của chánh án Nguyễn Hòa Bình trước nay là láo khoét sao?

Đây là thách thức với những nhà lãnh đạo tối cao, với ông Thưởng cũng như các vị đại biểu Quốc Hội. Những tin nhắn của nhà báo Nguyễn Đức là sợi dây xích trách nhiệm mà các ông không thể né tránh. Hoặc ngăn chặn tội ác để tay không vấy máu hoặc im lặng thỏa hiệp giết người vô tội. Để tội ác nhân danh công lý diễn ra công khai trước dư luận không chỉ cá nhân ông Thưởng mà cả thể chế này đang vấy máu dân oan. 

 1-https://www.facebook.com/nguyenducplo99/posts/pfbid0vEEqSWDCdmb5rdiWU7znE6LuVu2hd6dNdAoUw4L1qTc5CYBecnrKyiwxebWzpuuhl

2-https://www.facebook.com/nguyenducplo99/posts/pfbid06RWBQyFCFvr8MELCiJepGotvQLuz6aGLdbFWXX5oipUc7vBKfAtKF4C5fJxRe33xl?comment_id=1041214770575881¬if_id=1691167650887560¬if_t=feed_comment_reply&ref=notif

3-“https://tuoitre.vn/them-mot-tu-tu-keu-oan-689115.htm?fbclid=IwAR0VUDVi1W…

4-https://tuoitre.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-da-het-duong-khang-nghi-723209.htm?fbclid=IwAR1a8DfGkCJLN1D5pSRtqqzEsPc9ijfClgDO39SG_4JWmfqqy5afLd3lqxk

5-https://hethongphapluat.com/bo-luat-to-tung-hinh-su-2015/dieu-404#:~:text=%C4%90i%E1%BB%81u%20404%20B%E1%BB%99%20lu%E1%BA%ADt%20t%E1%BB%91%20t%E1%BB%A5ng%20h%C3%ACnh%20s%E1%BB%B1,Th%E1%BA%A9m%20ph%C3%A1n%20T%C3%B2a%20%C3%A1n%20nh%C3%A2n%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%91i%20cao

6-https://vnexpress.net/thanh-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xet-lai-vu-an-ho…

Gió Bấc

RFA Blog (04.08.2023)

 

 

 

Dân Thủ Thiêm về dựng nhà tạm, lãnh đạo hứa không giật sập nhưng nuốt lời

Người dân đến UBND phường An Khánh đòi lại đồ bị chính quyền lấy sau khi giật sập nhà dân Citizen Facebook

Nhà tạm bị giật sập

“Bà con ở đó nói lại là họ xuống cũng đông người lắm, có cả công an, dân quân… giật chòi tôi sập rồi lấy hết nồi cơm, bếp ga, bàn ghế của tôi và của các bà con dân oan Thủ Thiêm rồi chở đồ của chúng tôi đi hết. Lúc đó là 1 giờ 30”

Đó là lời của ông Thịnh, một người dân oan Thủ Thiêm có nhà nằm trong khu vực “5 khu phố 3 phường” kể lại với RFA về vụ việc chính quyền thành phố Thủ Đức giật sập các căn chòi tạm do bà con Thủ Thiêm cất lại trên đất của mình.

Như RFA đã đưa tin, hồi đầu tháng Bảy, sau nhiều lần lãnh đạo TPHCM không giữ lời hứa giải quyết khiếu nại của dân, gần một trăm người Thủ Thiêm đã quyết định quay trở về dựng nhà tạm trên khu đất cũ của mình, nằm ở khu vực phía Bắc thuộc phạm vi “5 khu phố 3 phường”. Người dân khẳng định khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền cưỡng chế thu hồi.

Ông Thịnh cho biết, ông về dựng lại chòi để buôn bán kiếm sống qua ngày. Từ đó, ông ngủ luôn tại chòi để giữ đồ, đề phòng trộm cắp. Đến tối ngày thứ bảy, 29/7, ông Thịnh về nhà ngủ thì chính quyền thành phố Thủ Đức cho người xuống giật sập căn chòi này của ông:

“Cái chòi của tôi giữ được là do tôi ngủ lại cũng được mười mấy ngày. Còn mấy người kia cứ dựng lên đó rồi không có người ngủ lại là họ đi giật sập vào ban đêm, buổi khuya lúc 1 – 2 giờ, rồi nó chở đồ đi. Họ đã giật hết ba căn.”

Bốn giờ sáng Chủ nhật, khi quay trở lại khu đất của mình thì căn nhà tạm của ông Thịnh đã bị tháo dỡ, đồ đạc bị mang đi hết. Các lực lượng chức năng có cả trăm người đứng bao quanh, ngăn cản người dân Thủ Thiêm vào khu vực này:

“Lúc sáng tôi xuống tới thì tôi thấy nguyên một bãi tha ma luôn. Họ đã lấy đi hết đồ của tôi không còn cái gì hết trơn. Rồi hàng trăm người xuống, đứng với nhau như một hàng rào khống chế không cho chúng tôi vô.”

Ông Thịnh bức xúc cho biết, sau khi về dựng lại chòi, chính các lãnh đạo phường An Khánh, bao gồm cả chủ tịch và bí thư phương có ký biên bản cho ông, hứa rằng sẽ không tháo dỡ, mà bây giờ họ lại “nuốt lời”:

“Họ bao vây tụi tôi không cho ai vô hết trơn. Băng rôn, biểu ngữ họ lấy đi hết.

Họ nói là nó không có tháo dỡ. Tôi mới hỏi lại ai vô đây mà tháo dỡ. Tại sao mấy anh không tháo dỡ mà năm sáng mấy anh lại xuống đây, mà ngày đó lại là ngày nghỉ của bên văn phòng, sao lại kéo xuống đây bao vây tôi?”

Sau đó, hơn chục người dân Thủ Thiêm kéo lên UBND phường An Khánh đề đòi tài sản thì được hứa là sẽ trả lại sau năm ngày.

Một người dân oan Thủ Thiêm, về dựng lại nhà tạm và cũng đã bị giật sập, nói với RFA trong điều kiện giấu danh tính cho biết:

“Nhà tôi đã bị cưỡng chế lâu rồi. Bây giờ muốn lên đó để che cái chòi lại giữ đất nhưng mà phường xuống cưỡng chế một lần nữa thì tụi tui xúm nhau lên để đòi đồ lại, đòi lại tài sản.”

Hiện nay, chính quyền thành phố Thủ Đức tiếp tục cho người canh gác, ngăn cản bà con về dựng lại nhà lần nữa.

Phóng viên RFA gọi điện tới UBND phường An Khánh nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi tiếp tục gọi đến công an phường này thì được yêu cầu đến trực tiếp trụ sở để làm việc.

 

Mất bản đồ gốc, chính quyền dựa vào đâu đập nhà dân?

Dân Thủ Thiêm về dựng lại nhà tạm nhưng bị chính quyền giật sập. Ảnh: Citizen Facebook

 

Vướng mắc hiện nay trong vụ khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm thuộc “5 khu phố 3 phường” là nằm ở “ranh quy hoạch”. Trong khi người dân ở đây khẳng định khu đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chính quyền lại xác định khu đất này trong ranh, do đó, việc thu hồi đất là đúng pháp luật.

Người dân yêu cầu chính quyền TPHCM trưng bằng chứng chứng minh khu đất này trong ranh quy hoạch thì lãnh đạo thành phố viện lý do là “mất bản đồ quy hoạch gốc”. Ông Thịnh bức xúc phản bác:

“Chính quyền nói là tìm không thấy bản đồ gốc bị thất lạc, mà nếu tìm không thấy thì tại sao lấy đất của người dân. 

Trong khi đó, bản quy hoạch gửi đi 13 nơi mà tất cả các nơi đều mất hết thì là điều vô lý, và lấy đất của tôi là không công bố được bản đồ quy hoạch và không có giấy thu hồi đất.”

Người dân Thủ Thiêm giấu tên cũng cùng quan điểm:

“Tôi họđã nhiều lần chính quyền. Chính quyền nói là mất bản đồ, vậy thì tại sao lại đập nhà của tôi, thì từ chỗ đó người dân mới bức xúc. Tôi khẳng định “5 khu phố 3 phường” là nằm ngoài ranh quy hoạch, mà  họ đập tan nát hết từ năm 2011 cho tới giờ.”

Để giải quyết dứt điểm vụ kiện kéo dài này, ông Thịnh cho biết người dân rất chia sẻ với chính quyền. Trước tiên, chính quyền cần xác định chính thức “5 khu phố 3 phường” nằm ngoài hay trong ranh quy hoạch với các bằng chứng rõ ràng. Sau đó, yêu cầu doanh nghiệp vào trực tiếp thương lượng với người dân:

“Trước tiên phải làm rõ là đất trong ranh hay ngoài ranh. Thanh tra chính phủ đã đối thoại với chúng tôi năm lần mà cũng không trả lời được thì coi như đất chúng tôi nằm ở ngoài ranh quy hoạch. Chúng tôi chia sẻ với thành phố, chỉ yêu cầu thành phố cho chủ đầu tư vào thương lượng với chúng tôi mà thôi, thuận mua vừa bán mà thôi.” 

Dân quá ngán với những lời “hứa lèo”

Sáng ngày 1/8, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã báo cáo Thủ tướng là cuối tháng Bảy sẽ ban hành đề án xử lý khiếu nại một số vụ việc nổi cộm, trong đó có vụ việc ở Thủ Thiêm. Đến quý ba sẽ cơ bản phải dứt điểm các vụ khiếu nại, khiếu kiện, cần tập trung các trường hợp khiếu kiện đông người, dai dẳng, phức tạp.

Người dân Thủ Thiêm giấu tên cho biết, chỉ tính riêng ông Mãi, đây là lần thứ ba ông này hứa mà không thực hiện được:

“Ông Mãi đã hứa hai lần mà không giải quyết thì người dân mới làm ồn ào lên, thì ổng mới giải quyết thêm cho những người đã lãnh tiền rồi, còn như tụi tui thì họ không giải quyết. Bởi vậy cho nên người dân mới đứng lên, dựa theo lời hứa của ổng, người dân phải đòi lại nhà. 

Rồi ông Mãi mới hứa thêm lần này nữa là lần thứ ba, là trong trong quý ba này sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng mà không biết có giải quyết hay không, cũng không tin tưởng lắm.”

Ông Thịnh cũng “ngán ngẩm” với lời hứa của chính quyền TPHCM qua các thời kỳ:

“Bây giờ tôi không có tin lãnh đạo TPHCM, bởi vì ông Mãi đã nói giải quyết dứt điểm vào tháng Sáu.

Hồi đó là ông Phong cũng xin lỗi người dân rồi cũng không giải quyết; rồi tới ông Nhân về cũng khóc lóc, mà toàn “nước mắt cá sấu” không à. Ông Nhân nói này nói kia là sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm, sẽ đeo đuổi cho tới cùng; rồi bà Tâm cũng vậy…

Những người đó bây giờ làm mất lòng tin của nhân dân hết trơn rồi. Bây giờ, chừng nào giải quyết được rồi thì bà con mới hay thôi chứ bây giờ ông Mãi nói cũng không ai tin nữa.”

Ông Nguyễn Thành Phong là Chủ tịch UBND TPHCM từ năm 2015 đến 2021. Ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư TPHCM từ năm 2017 đến 2020. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM từ năm 2011 đến 2018.

Hồi giữa tháng Bảy, bà Lê Thị The, một người dân Thủ Thiêm đấu tranh đòi đất suốt gần 20 năm, đã qua đời khi tâm nguyện đòi lại đất vẫn chưa được toại nguyện.

RFA (03.08.2023)