Đa số dân lao động tại Việt Nam kiếm không đủ sống, theo khảo sát mới được công bố ở Hà Nội hôm Thứ Ba, 8 Tháng Tám. 

Các báo tại Việt Nam đưa tin Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, một bộ phận ngoại vi của đảng CSVN, công bố bản khảo sát về tình hình đời sống của người lao động, nói chỉ có hơn 26% công nhân là có khả năng mua thịt cá ăn hằng ngày.

Nhóm công nhân xây dựng một căn nhà ở thành phố Hà Nội. Đa số người lao động kiếm không đủ sống. (Hình minh họa: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

 

Bản khảo sát vừa kể nói 75.5% dân lao động “thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu,” tức tiền kiếm được không đủ sống. Thậm chí, có đến 45% người lao động chỉ đáp ứng nổi “45% nhu cầu.”

 

Đầu Tháng Bảy vừa qua, Tổng Cục Thống Kê cho hay trung bình dân lao động kiếm được lối 7 triệu đồng ($300) một tháng nhưng nếu phân tích chi tiết hơn thì số người kiếm không đủ sống đông đảo hơn.

Nhưng bản khảo sát kể trên nói rằng trung bình người lao động chỉ kiếm được lối 6 triệu đồng ($250) một tháng. Nếu họ có cơ hội làm thêm giờ phụ trội và được hãng xưởng phụ cấp mới có thêm tiền để tạm sống. Vì vậy, rất nhiều người phải kiếm thêm một công việc gì đó để có thêm tiền trang trải cho các nhu cầu hằng ngày.

 

Vì lương không đủ sống, 17.6% cặp vợ chồng phải gửi con cái cho ông bà nuôi giùm ở dưới quê cho đỡ tốn kém. Có tới 46.5% người lao động chỉ đủ tiền mua các loại thuốc căn bản để chữa bệnh, trong khi 6.3% không có dư tiền để mua thuốc chữa bệnh.

 

Vì tiền kiếm được không đủ trang trải mọi chi phí cho cuộc sống hằng ngày, bản khảo sát kể trên nói 17.3% công nhân “phải vay nợ thường xuyên” dẫn đến tình trạng bị đe dọa, khủng bố, đời sống của họ đầy bất an. Số tiền kiếm được trung bình chưa tới 8 triệu đồng ($337) một tháng trong khi số tiền phải chi ra cho mọi thứ có thể tới gần 12 triệu đồng ($500) cho thấy đời sống giới lao động tại Việt Nam thê thảm như thế nào.

 

Bản công bố về lương bổng và đời sống của giới công nhân tại Việt Nam được đưa ra khi mấy tháng gần đây có tin tình hình sản xuất của các hãng xưởng sử dụng đông đảo nhân công như dệt may, da giày theo nhau sa thải bớt công nhân vì họ thiếu hụt đơn đặt hàng mới. Đời sống của giới công nhân đã thê thảm lại sẽ còn có thể thê thảm hơn nữa.

Người lao động chuyển các bao xi măng xuống một sà lan ở bờ sông Hồng khu vực Hà Nội. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

 

Cuối tháng trước, ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, tuyên truyền tại “Diễn đàn người lao động 2023” rằng sẽ “xem xét điều chỉ mức lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu.” Tuy nhiên, khi nào thì Quốc Hội sẽ họp để thông qua một thứ nghị quyết tăng lương tối thiểu thì không thấy ông ta nói.

 

Trong một cuộc bàn cãi về tăng lương tối thiểu cho công nhân gần đây của Hội Đồng Tiền Lương Quốc Gia, đại diện phía công nhân đề nghị tăng 30% mới đủ sống, trong khi phe chủ nhân chỉ muốn tăng 10%. Nếu lấy trung bình giữa hai phe tức chỉ tăng 15% thôi thì “mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu cuộc sống” của người lao động. 

 

Nguoi-viet.com (08.08.2023)