Nga không giành lại được ghế trong Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Geneva.

 

Nga ngày 10/10 thất bại trong nỗ lực giành lại ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sau khi bị Đại hội đồng đình chỉ vào tháng 4 năm ngoái sau cuộc xâm lược Ukraine.

 

Ông Louis Charbonneau, Giám đốc LHQ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW nói, “Các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới giới lãnh đạo Nga rằng một chính phủ chịu trách nhiệm về vô số tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại không thuộc về Hội đồng Nhân quyền”.

 

Trong một cuộc bỏ phiếu kín, Albania, Bulgaria và Nga đã tranh hai ghế dành cho nhóm khu vực Đông Âu. Cần có đa số 97 phiếu, Moscow đạt được 83, trong khi Bulgaria nhận được 160 và Albania 123.

 

Trước cuộc bỏ phiếu, những người ủng hộ nhân quyền đã cảnh báo rằng ngoài những hành động tàn bạo xảy ra ở Ukraine, Điện Kremlin đã thắt chặt các hạn chế đối với các quyền và tự do trong nước kể từ cuộc xâm lược và không đáng được quay trở lại Hội đồng Nhân quyền.

 

Đại hội đồng có tổng cộng 15 ghế để bầu vào nhiệm kỳ ba năm của cơ quan nhân quyền gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva.

Trung cộng, hiện là thành viên, đã giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai.

 

Trong nhóm khu vực châu Á, Trung cộng, Nhật Bản, Kuwait và Indonesia đã tìm cách lấp đầy bốn ghế còn trống. Việc thiếu sự cạnh tranh thực sự đã làm tăng đáng kể khả năng Trung cộng đạt được đa số phiếu bầu cần thiết. Tuy nhiên, Trung cộng đứng cuối cùng trong khu vực này với 154 phiếu bầu. Indonesia đạt 186, Kuwait 183 và Nhật Bản 175.

 

Trung cộng đứng ở vị trí cuối cùng trong nhóm châu Á. Điều đó cho thấy rằng nếu có sự cạnh tranh ở khu vực châu Á thì Trung cộng sẽ thua”, ông Charbonneau nói. “Và đó là điều đáng lẽ phải xảy ra. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của các nhóm cạnh tranh trong các cuộc bầu cử ở Liên hiệp quốc.”

 

Các quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc được kỳ vọng sẽ “duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền” cả trong và ngoài nước. Những người ủng hộ nhân quyền cảnh báo rằng các quốc gia có thành tích nhân quyền kém sẽ sử dụng vị trí của họ trong Hội đồng để che đậy cho hành vi vi phạm của mình.

 

Những vi phạm nhân quyền của Trung cộng đã được nhiều người biết đến. Ở trong nước, Bắc Kinh đã tùy tiện bắt và giam giữ những người chỉ trích chính phủ và những người bảo vệ nhân quyền, đồng thời đã giam giữ tới một triệu người Hồi giáo Uyghur trong các “trại cải tạo” ở tỉnh Tân Cương. Nước này cũng đã đàn áp các quyền tự do ở Hong Kong và Tây Tạng.

 

Ở nhóm Mỹ Latin và Caribê thì Brazil, Cuba, Cộng hòa Dominic và Peru cạnh tranh ba ghế còn trống. Nước vi phạm nhân quyền Cuba đã giành được đa số phiếu lớn nhất, với 146 phiếu. Brazil nhận được 144 và Cộng hòa Dominic nhận được 137. Peru đã thất bại trong nỗ lực của mình, đạt được đa số thấp nhất, 108.

 

Ở nhóm châu Phi có bốn ứng cử viên cho bốn ghế, trong đó Burundi, Ghana, Bờ Biển Ngà và Malawi đều ‘đắc cử’. Pháp và Hà Lan cũng đạt được số phiếu cần thiết để lấp đầy hai ghế còn trống ở nhóm Tây Âu và các nước khác.

 

Ông Charbonneau của HRW cho biết do thiếu sự cạnh tranh ở một số nước nên Trung cộng, Burundi và Cuba giờ đây sẽ có mặt trong Hội đồng.

Ông nói: “Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ lẽ ra đã khiến họ bị loại.” “Các thành viên khác của Hội đồng Nhân quyền nên nỗ lực chống lại chương trình nghị sự chống lại nhân quyền của bộ ba vi phạm này và các đồng minh của họ như các quốc gia thành viên đã thực hiện thành công trong quá khứ.”

 

Những nước chiến thắng sẽ bắt đầu nhiệm kỳ ba năm vào tháng 1 năm 2024.

 

***

 

Hơn 80 nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hợp Quốc, thà để một ghế trống còn hơn bầu cho Trung cộng

 

 

 

Hôm qua Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ quyết định bầu ra 15 thành viên Hội đồng mới dự kiến phục vụ trong thời hạn 3 năm bắt đầu từ tháng 1/2024, trong đó có 4 ghế dành cho các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Trung cộng là một ứng cử viên cho vị trí này cùng với Kuwait, Indonesia và Nhật Bản.

 

Dường như không có một áp lực nào khi 4 quốc gia cùng tranh nhau 4 ghế. Tuy nhiên Trung cộng đã vấp phải sự phản đối từ hơn 80 nhóm nhân quyền trên thế giới. Số lượng nhóm nhân quyền kỷ lục này đã gửi đơn kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp QUốc từ chối cho Trung cộng một ghế trong Cơ quan nhân quyền hàng đầu của thế giới.

 

Nội dung lời kêu gọi có đoạn:

 

“Chúng tôi, các tổ chức nhân quyền ký tên dưới đây, cùng viết thư để kiên quyết phản đối việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi các Quốc gia Thành viên tại Đại hội đồng không bỏ phiếu cho Trung cộng và để trống một ghế.

 

Trung cộng rõ ràng không thích hợp để giữ một ghế trong cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc, cơ quan (vốn dĩ) chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người trên toàn cầu”.

 

Thư kêu gọi trích dẫn Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc các Quốc gia Thành viên khi tham gia bỏ phiếu cho các ứng cử viên Hội đồng Nhân quyền được khuyến khích “tính đến sự đóng góp của các ứng cử viên vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”.

 

Các nhóm nhân quyền đồng loạt khẳng định, Trung cộng đã hoàn toàn không đáp ứng được những kỳ vọng này đối với các ứng cử viên và ngược lại họ đã tích cực tìm cách làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn thế giới.

 

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã công nhận Trung cộng đang tham gia vào “các hình thức đe dọa và trả thù” chống lại những người bảo vệ nhân quyền và vẫn là một trong những thủ phạm trả thù hàng đầu trên toàn cầu.

 

Hơn 40 chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi “các biện pháp kiên quyết để bảo vệ các quyền tự do cơ bản” ở Trung cộng và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền “hành động với tinh thần cấp bách” để giải quyết các vi phạm nhân quyền. Các chuyên gia cũng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền thành lập một phiên họp đặc biệt hoặc thành lập “một cơ chế độc lập và công bằng của Liên hợp quốc” để theo dõi, phân tích và báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền ở Trung cộng.

 

Chính phủ Trung cộng đang được biết là quốc gia đã đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và luật sư nhân quyền với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

 

Rất nhiều các cộng động người ở Trung cộng đã bị bỏ tù, tra tấn thậm chí bị cướp tạng một cách phi pháp. Có thể kể đến hàng đầu như những học viên Pháp Luân Công, có cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và nhiều cộng đồng người khác.

 

Các chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan hiệp ước đã nhiều lần nêu lên những quan ngại sâu sắc về việc đàn áp những người bảo vệ nhân quyền.

 

Các nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về việc giam giữ tùy tiện lưu ý rằng họ đã đưa ra hơn 100 phát hiện về việc giam giữ tùy tiện ở Trung cộng và kết luận rằng hành vi vi phạm luật pháp quốc tế có hệ thống như vậy có thể cấu thành tội ác chống lại loài người.

 

Văn bản kiến nghị của các tổ chức Nhân quyền cũng cho rằng, mặc dù không quốc gia nào có thành tích nhân quyền hoàn hảo. Tuy nhiên, chính phủ Trung cộng Cộng sản liên tục thể hiện sự không sẵn lòng tham gia một cách thiện chí vào hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc và họ thậm chí tích cực làm suy yếu các chuẩn mực nhân quyền được quốc tế công nhận.

 

Các tổ chức Nhân quyền liệt kê tình trạng Hồng Kông, Tây Tạng, và nhiều vấn đề khác tại Trung cộng, đồng thời viện dẫn kết quả bầu hội đồng nhân quyền vào năm 2020, khi Trung cộng là quốc gia nhận được sự tín nhiệm ít nhất.

 

Từ đó đưa ra lời kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tại Đại hội đồng không bỏ phiếu cho Trung cộng và sẵn sàng để lại một ghế trống.

 

VOA (11.10.2023)