Một người phụ nữ đội nón lá đi ngang một băng rôn cổ động Đại hội 13 của ĐCSVN hồi năm 2021 Reuters
“Nếu cho mình lựa chọn thì mình sẽ không bao giờ sang Úc nữa, bởi vì mình đã trót bỏ ra lượng tiền lớn để đi thì mình phải cố làm để trả nợ trả nần rồi mình về thôi.”
Anh Hưng không muốn nếu tên thật vì lý do an toàn, người đang xin visa tị nạn chính trị tại Úc để kéo dài thời gian ở lại, nói với Đài Á Châu Tự Do trong những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024.
Anh Hưng khi ở Hà Nội là lao động tự do với thu nhập khoảng hơn chục triệu đồng một tháng nhưng không thể tiết kiệm được gì cho tương lai.
Tình cờ đọc được thông tin về việc đi du lịch ở Úc sau đó có thể đi làm việc, nên anh đã bỏ ra số tiền 100 triệu đồng cho công ty di trú để có được visa du lịch hết sức dễ dàng.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Úc, số lượng người lao động Việt Nam có thị thực vĩnh viễn trong năm 2021-2022 là khoảng 6.500 người, trong đó bao gồm lao động tay nghề cao được công ty bảo lãnh, chính phủ tiểu bang bảo lãnh… với mức lương tối thiểu áp dụng từ tháng 7/2023 là 70.000 đô la Úc (khoảng 1,1 tỷ đồng) gấp 14 lần so với thu nhập trung bình của người lao động ở Việt Nam.
Khi gần hết hạn visa du lịch, anh Hưng được khuyên nên chuyển diện sang visa tị nạn chính trị thì sẽ được ở lại Úc lâu hơn và có thể đi làm một cách hợp pháp nên anh đã đóng thêm 1.000 đô la Úc để một người giúp làm hồ sơ cho anh.
Rít một hơi thuốc lào, anh Hưng kể: “Thấy mọi người làm thì mình cũng làm thôi, thấy nhiều người bảo xin để ở lại hợp pháp thì mình cũng làm theo.”
Hưng không phải là một cá nhân hiếm hoi, theo thông tin từ Bộ Nội vụ Úc qua từng tháng mà Đài Á Châu Tự Do thống kê lại, chỉ trong năm 2023 số người Việt xin thị thực bảo vệ khi ở Úc (Onshore Protection Subclass 866) dẫn đầu trong số các sắc dân với 2.905 người, chiếm 12%.
Thị thực này dành cho những người đến Úc bằng thị thực hợp lệ và muốn xin tị nạn.
Chỉ trong năm tháng cuối năm, số người Việt liên tục đứng đầu trong số các sắc dân xin tị nạn và ba tháng khác đứng thứ hai.
Hai nước theo sau là Ấn Độ với 2.391 người xin tị nạn và Trung Quốc là 2.134 người.
Làm giả hồ sơ vào Úc
Luật sư Lê Đức Minh, một người Úc gốc Việt hành nghề luật sư di trú có thâm niên bày tỏ ngạc nhiên về con số này mặc dù ông theo dõi rất sát sao tình hình chính trị tại Việt Nam.
“Tôi thấy có sự gia tăng bất thường đặc biệt vào khoảng 6 tháng cuối năm năm 2023, tôi thấy có một làn sóng tăng lên đột ngột hồ sơ của người Việt xin tị nạn chính trị tại Úc.
Tôi cũng khá ngạc nhiên và không hiểu lý do vì sao số lượng xin tị nạn chính trị của người Việt Nam tại Úc tăng đột biến,” luật sư Minh bày tỏ.
Theo ông, số hồ sơ xin tị nạn chính trị nộp tại Tòa Đại sứ Úc ở quốc nội, từ Thái Lan hay ở tại nước Úc tăng lên theo sau những biến động chính trị, như những phong trào biểu tình chống Trung Quốc hay các cuộc đàn áp nhân quyền của chính quyền Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên năm 2023 theo ông là một năm “hết sức ổn định về chính trị.”
Luật sư Lê Đức Minh giải thích câu “hết sức ổn định về chính trị” theo nghĩa không có bất kỳ cuộc biểu tình nào mà chỉ có những vụ bắt giữ những người hoạt động nổi tiếng hay những cá nhân lên tiếng trên mạng xã hội.
Theo tìm hiểu của cá nhân, luật sư Minh thấy rằng đây là hậu quả của một phong trào lừa đảo rất quy mô từ trong nước, rất nhiều cá nhân và công ty di trú hoạt động không có bằng cấp và giấy phép của Úc đã đưa thông tin một cách công khai, hoàn toàn sai sự thật về những chương trình đi lao động tự do tại Úc, đặc biệt là các chương trình người ta gọi là “đi lao động nông nghiệp không cần tay nghề chuyên môn và cũng không cần trình độ tiếng Anh.”
Ông cho biết có những công ty làm hồ sơ giả 100% để đưa người Việt qua Úc theo diện du lịch và khi những người này đến Úc thì họ đứng trước một sự thật hết sức phũ phàng là không có một cơ may nào để kiếm việc tại Úc, cũng như không có hi vọng nào để định cư. Luật sư Minh nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại:
“Theo quan điểm của tôi, bởi vì tôi quan sát rất cụ thể về tình hình trong thời gian vừa qua và tôi tiếp xúc rất nhiều thân chủ đặc biệt từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam như Hải Phòng, Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đó là những nơi mà bà con đã bị những công ty di trú lừa đảo đưa vào những thế chẳng đặng đừng và họ không có con đường nào khác ngoài con đường xin tị nạn chính trị để kéo dài thời gian ở Úc. Đó là sự thật.”
Báo Công an TPHCM hồi năm 2020 cho biết, công an thành phố đã triệt phá đường dây đưa người sang Úc bằng giấy tờ giả, bắt giữ Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn du học, du lịch Châu Đại Dương và các đối tượng có liên quan.
Những người này đã làm giả các hồ sơ như: “Hợp đồng lao động”, “Giấy xác nhận việc làm”, “Quyết định bổ nhiệm”, “Bảng lương”,… và lập thành 40 bộ hồ sơ xin thị thực giả của 40 người để nộp, lừa dối Tổng lãnh sự quán Úc tại TPHCM cấp thị thực.
Hầu hết trong số này đều tìm cách xuất cảnh sang Úc sau đó trốn ở lại để lao động phổ thông như làm việc tại các trang trại, quán ăn…
Luật sư di trú Kate Hoàng, cựu Chủ tịch cộng đồng liên bang Úc Châu cho biết:
“Tôi không biết vì sao số lượng tị nạn càng ngày càng tăng tôi chỉ nghĩ rằng đôi khi người Việt mình một gia đình được thì gia đình hàng xóm bạn bè cũng sẽ hỏi ‘làm cách nào vậy?’ thì họ cũng sẽ chỉ cách họ đi .
Ví dụ như đi qua Úc với visa du lịch sau đó chuyển thành visa tị nạn rồi kéo dài ở lại, người này chỉ người kia rồi nói lại… thành ra số lượng nhiều.
Với lại visa tị nạn là visa duy nhất mà người đó có thể tự nộp, còn những visa khác hầu hết là người Việt Nam cần phải có người bảo lãnh hoặc phải có tiếng Anh, hoặc phải có tài chính mạnh thì mới có được visa ở Úc.”
Kate, một luật sư trẻ từng có bảy năm phục vụ cộng đồng Việt Nam ở Úc, cho hay một số người làm di trú lừa đảo hướng dẫn người Việt xin visa tị nạn với số tiền hàng chục ngàn đô la Úc, để sau đó được cấp một loại “thị thực tạm nhưng vĩnh viễn” và được khám chữa bệnh miễn phí.
Lý do họ gọi được như vậy bởi vì thị thực này không có thời hạn nhưng khi có quyết định di trú thì tự động 28 ngày sau visa đó sẽ bị hủy.
“Trường hợp như thế cũng rất nhiều, đó rõ ràng là trò lừa đảo của những người không bằng cấp hoặc có bằng cấp nhưng họ cố tình lừa đảo. Đó là những trường hợp mà Kate thấy rất đau lòng.
Còn một số họ biết mình đang làm gì, họ chỉ muốn kéo dài thời gian ở lại Úc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, và một thời gian nào đó họ sẽ quay về,” luật sư Kate Hoàng khẳng định.
Hưng cũng như vậy, thanh niên này cho biết anh chỉ muốn ở Úc làm việc chừng một đến hai năm để trả nợ rồi cũng về nước vì thật ra “cuộc sống ở bên này cũng chẳng bằng Việt Nam.”
“Vấn đề là khi mình ở lại thì mình muốn đi lại tự do, ở lại hợp pháp, rồi thấy họ nói rằng phải chuyển đổi (sang visa tị nạn-PV) như thế thì mình chuyển đổi thôi. Mình chả biết phương thức họ làm như thế nào,” Hưng nói tiếp.
Một nhóm người Việt đang ở trại tạm giam của Belarus, họ bị bắt khi đang vượt biên trái phép từ Belarus qua Lithuania năm 2016. Ảnh minh họa Reuters
Cũng có người Việt tị nạn thực sự
Trong các hồ sơ xin tị nạn của người Việt được Bộ Nội vụ Úc xử lý trong năm 2023, có 53 hồ sơ được chấp thuận, 942 không chấp thuận, tỷ lệ 5,6%.
Luật sư Kate Hoàng cho biết, có một số thực sự là những người đấu tranh, có những lý do xin tị nạn xác đáng. Có nhiều người bị đàn áp ở Việt Nam vì lên tiếng trước những bất công xã hội, nhưng may mắn thế nào họ có một cơ hội để đến được Úc và xin tị nạn.
“Số lượng đó cũng có, không phải ai nộp visa tị nạn cũng là những người muốn ở lại kéo dài thời gian,” cô Kate khẳng định.
“Họ đã có những hoạt động ở trong nước rồi nhưng các hoạt động đó chưa bùng nổ hay chưa bị phát hiện, cho nên khi họ đi qua Hải quan thì họ vẫn có thể đi được, tuy nhiên ở nơi địa phận (địa phương-PV) của họ, nơi nhà của họ bên Việt Nam thì họ cũng đã bị cảnh sát kêu lên kêu xuống rất nhiều lần.
Họ cũng tổ chức biểu tình, họ cũng có những cái lên tiếng, những đấu tranh trên mạng xã hội chẳng hạn và họ cũng đã từng bị kêu lên đồn vài lần rồi,” theo cô Kate những người này khi đến Úc tiếp tục tham gia vào các hoạt động đấu tranh, biểu tình chống cộng và người nhà của họ ở Việt Nam cũng bị công an gây khó dễ.
Luật sư Lê Đức Minh cho hay, văn phòng của ông lúc nào cũng có những người đến xin tị nạn thực sự và ông đã làm thành công rất nhiều trường hợp.
Ông cho biết, chỉ cần nghe câu chuyện của họ ông có thể đánh giá được đó có phải là người đấu tranh thực thụ hay không, hay chỉ muốn chuyển đổi hồ sơ để kéo dài thời gian xin ở lại Úc để làm việc.
“Bởi vì tôi đã làm cái này rất lâu năm rồi vì thế tôi nghe là biết ngay những trường hợp nào mà tôi biết là họ có khả năng rất cao (xin tị nạn-PV).
Còn có những người họ chỉ nói rằng, ‘bây giờ luật sư làm cách nào để tôi có thể ở lại Úc lâu hơn để làm kiếm tiền trả nợ, chứ còn đi như thế này là vay một số tiền hàng trăm triệu tại Việt Nam qua đây rồi. Chẳng lẽ bây giờ về không?'”
Kẽ hở của chính sách tị nạn ở Úc
Theo trang web của Bộ Nội vụ Úc, nếu một người đang ở Úc hợp pháp chứng minh được mình là người tị nạn theo các công ước quốc tế hoặc đáp ứng các tiêu chí bảo vệ bổ sung do luật nhập cư Úc đặt ra, sẽ được cấp visa dạng này.
Những người sở hữu thị thực bảo vệ có thể sống, làm việc và học tập lâu dài tại Úc, cũng như tài trợ cho các thành viên gia đình đủ điều kiện được thường trú thông qua Chương trình Nhân đạo ở nước ngoài.
Luật sư di trú Lê Đức Minh giải thích, việc làm hồ sơ tị nạn chính trị tại Úc rất đơn giản: nộp lệ phí 45 đô la Úc (xấp xỉ hơn 700 ngàn đồng), không đòi hỏi bất kỳ chứng từ hay giấy tờ nào mà chỉ yêu cầu nộp một lá đơn xin tị nạn chính trị, trong đó nêu lý do vì sao muốn tị nạn và hứa sẽ cung cấp giấy tờ chứng minh lời khai sau này.
Chỉ một thời gian ngắn sau, theo luật sư Minh, người nộp đơn đó sẽ được cấp một visa tạm trú và được cấp thẻ medicare chăm sóc sức khỏe miễn phí.
“Mặc dù về mặt hình thức chính phủ không cho họ bất kỳ trợ cấp nào về mặt tiền bạc, mà chính phủ Úc cũng không cho phép họ đi làm nhưng không ai có thể kiểm soát số người này về việc họ đi làm lấy tiền mặt.
Vì thế cho nên họ sẽ được ở một cách hết sức tự do thoải mái và được chính phủ chăm sóc miễn phí và thời gian chờ đợi để được Bộ Di trú phỏng vấn là có thể từ một đến hai năm.”
Trường hợp Bộ Di trú từ chối hồ sơ, người bị từ chối có thể đưa sang toà án di trú để xin kháng cáo và phải đợi thêm từ ba đến bốn năm nữa mới được giải quyết, như vậy một hồ sơ xin tị nạn không thành công có năm năm để làm việc chui và được khám chữa bệnh miễn phí trong thời gian đó.
Trang web của đài ABC hồi tháng 10 năm ngoái có bài viết phản ánh về hệ thống thị thực xin tị nạn “đổ vỡ” của Úc, dẫn thông tin từ chính phủ liên bang cho biết sẽ đại tu hệ thống này sau khi nhận ra những kẻ xấu và những kẻ buôn người đã gây tắc nghẽn hệ thống bằng các đơn xin tị nạn “giả” hoặc “gây nhầm lẫn”.
Chính phủ cho biết một số người nộp hồ sơ xin tị nạn “giả” đã có thể ở lại Úc tới 11 năm trước khi hồ sơ của họ được hoàn tất, một kịch bản mà chính phủ muốn khắc phục.
Bộ Nội vụ Úc trong email phản hồi Đài Á Châu Tự Do hôm 20/2/2024 khẳng định, Chính phủ Úc cam kết đảm bảo hệ thống Visa Bảo vệ phục vụ mục đích đã định, đó là cung cấp sự bảo vệ cho những người thực sự có nhu cầu.
Để đối phó với tình trạng có những người nộp đơn chỉ để kéo dài thời gian cư trú gây ảnh hưởng đến các đương đơn thực sự, chính phủ nước này đã cam kết chi 54 triệu đô la Úc trong ba năm từ 2023-24 để tăng nguồn lực xử lý thị thực trong Bộ Nội vụ nhằm giảm đáng kể thời gian xử lý thị thực Bảo vệ vĩnh viễn (loại 866 – thị thực Bảo vệ).
Chính phủ cũng sẽ chi gần 10 triệu đô la trong vòng ba năm cho Tòa Phúc thẩm Hành chính (AAT) và hơn 48 triệu đô la cho Tòa án Gia đình và Liên bang Úc trong bốn năm để xét xử thêm các đơn xin thị thực Bảo vệ theo thẩm quyền và xét xử của tòa án.
“Các biện pháp này nhằm mục đích giảm thời gian xử lý và xem xét thị thực Bảo vệ để mang lại cho những đương đơn chân chính sự chắc chắn về tương lai của họ nhanh hơn và loại bỏ các ưu đãi đối với các đương đơn không thành thật nộp đơn xin bảo vệ,” Phát ngôn nhân Bộ Nội vụ Úc khẳng định trong email.
Luật sư Kate Hoàng cho biết thêm, theo luật, người nào bị từ chối visa tị nạn phải rời khỏi nước Úc, nhưng trên thực tế hầu hết những người hết hạn visa không bị Bộ Di trú xuống gõ cửa để bắt vào trại di trú, cho nên họ vẫn sống lậu ở tại nước Úc và chỉ khi nào gặp vấn đề với cảnh sát như gây tai nạn xe hoặc đi vào những khu vực có hỏi thẻ căn cước thì lúc đó tình trạng di trú của họ mới bị phát hiện.
“Có người sẽ bị bỏ thẳng vào trại di trú, có người thì cảnh sát sẽ gọi điện thoại cho trại di trú để nói chuyện rồi cho họ về, để cho họ nộp một visa tạm để chờ đi về (nước-PV) chứ không bị nhốt vào trại di trú.
Cho nên thật sự mà nói số lượng người bị bắt, để nhốt vào trại di trú hầu hết đều có tiền án, tiền sự chứ còn những người ở hết visa, ở lậu rất ít khi nào Bộ Di trú xuống bắt, trừ khi có người thưa họ, chỉ đích danh, đích chỗ những người đó thì Bộ Di trú mới xuống bắt,” cô Kate Hoàng nói thêm.
Kể cả khi bị bắt đưa vào trại di trú, người ở lậu cũng phải trải qua các thủ tục di trú khác và chờ để sắp xếp chuyến bay về nước, ngay cả không có tiền, Bộ Di trú cũng sẽ mua vé máy bay cho họ về.
“Còn chuyện cưỡng chế tức là trói tay trói chân lại để bỏ lên máy bay là cái chuyện rất ít xảy ra hầu hết là họ phải tự nguyện ký giấy để họ đi về,” luật sư Kate khẳng định.
Hậu quả
Bộ Giáo dục bang Nam Úc hồi đầu tháng 2 ra thông báo: tạm thời không chấp nhận đơn xin học của học sinh đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cho đến khi có thông báo mới.
Học sinh từ tỉnh Quảng Bình cũng bị dừng nhận đơn xin học, nhưng quy định này có thể sẽ được xem xét lại vào tháng 3/2024.
Một số du học sinh đến từ các tỉnh thành khác theo Chương trình Giáo dục Quốc tế cũng cần phải giải trình rõ ràng về mục đích xin học, đưa ra các kế hoạch du học cụ thể.
“Đó là những cái vùng hầu hết 90% cho đến 100% khi qua Úc là không có ai về hết cả, có người ở lậu, có người nộp tị nạn có những người ở luôn trong trại tị nạn mà họ không được thả ra đến giờ vẫn còn.
Những cái vùng đó Bộ Di trú cho là những vùng nguy hiểm cho nên họ rất là khó để cấp bất kỳ loại visa nào,” luật sư Kate giải thích.
Theo kinh nghiệm của luật sư Kate, Chính phủ Úc vẫn nhận ra những kẽ hở của visa tị nạn nhưng trên trách nhiệm bảo vệ nhân quyền và bảo vệ người tị nạn mang tính quốc tế, cho nên những thị thực về tị nạn “sẽ không kết thúc trong thời gian sắp tới.”
Tuy vậy, theo luật sư này, cách Chính phủ duyệt hồ sơ tị nạn sẽ phải có những thay đổi để hạn chế những người kiếm cớ ở lại nước Úc lâu hơn, cùng với đó là việc xin visa bay đến Úc sẽ khó khăn hơn.
Luật sư Lê Đức Minh thì bi quan hơn, ông cho rằng không sớm thì muộn Chính phủ Úc cũng sẽ xiết vấn đề xin tị nạn chính trị đặc biệt của người dân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam; và trong tương lai ông cũng đoán rằng, Úc cũng sẽ không chấp nhận việc một người bay đến Úc để xin thị thực tị nạn chính trị.
“Tôi nghĩ rằng những người Việt Nam lợi dụng hồ sơ xin visa tị nạn tại Úc sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người Việt Nam cần xin tị nạn chính trị tại Úc về sau,” luật sư Minh nhận xét.
Ông khuyên những người có ý định xin tị nạn nên tham khảo với những luật sư di trú có bằng cấp của Úc để xem bản thân có phải thực sự là một người tị nạn hay không.
Nếu không đủ tiêu chuẩn mà vẫn làm thì khi bị từ chối có thể không còn xin các loại thị thực khác để vào Úc được nữa.
Tuy vậy, Bộ Nội vụ Úc cho biết nước này sẽ tiếp tục duy trì cam kết lâu dài về một chương trình nhân đạo cao thượng, linh hoạt và các chương trình tái định cư, đồng thời tính đến những thách thức liên quan đến việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu.
Anh Hưng, người đang có cuộc sống hết sức bấp bênh ở Úc nói:
“Nếu như mọi người vẫn muốn tiếp tục sang đây thì nên đi theo con đường hợp pháp, đi theo diện du học hoặc đi theo dạng tay nghề thì OK hơn còn nếu đi theo diện du lịch (để xin visa tị nạn ở lại-PV) thì mọi người nên cân nhắc.”
RFA (21.02.2024)