Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Hà Nội.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc và giới ngoại giao nói rằng Việt Nam do đảng cộng sản cai trị dự kiến sẽ phê chuẩn công ước của LHQ về tự do thành lập công đoàn trong năm nay, trong một động thái nhằm giảm thiểu rủi ro gặp phải các rắc rối thương mại nhưng có thể khiến một số công ty nước ngoài cảm thấy khó chịu, theo Reuters.
Văn bản luật này bị trì hoãn bấy lâu nay sẽ là một bước đi chính thức quan trọng ở một quốc gia độc đảng bị kiểm soát chặt chẽ, nơi công đoàn quốc gia duy nhất hiện đang chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mặc dù vẫn chưa rõ công ước này sẽ được áp dụng trong thực tế khi nào và ra sao, một khi được phê chuẩn.
Việt Nam, được xem là trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, nơi đặt nhà máy của các công ty quốc tế bao gồm Samsung Electronics, Intel, Foxconn và Canon, phụ thuộc rất nhiều vào thương mại. Kim ngạch thương mại của Việt Nam năm ngoái vượt hơn 160% giá trị của nền kinh tế trị giá 415 tỷ USD này.
Các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đô la của Việt Nam với Liên hiệp Châu Âu (EU) và các vùng Thái Bình Dương có quy định phải áp dụng các tiêu chuẩn của LHQ về quyền của người lao động để tránh tranh chấp về “phá giá bằng yếu tố xã hội”, ám chỉ việc các quốc gia cạnh tranh không công bằng với các quốc gia khác về chi phí lao động.
Bà Ingrid Christensen, người đứng đầu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cơ quan thuộc LHQ chịu trách nhiệm về quyền lao động, nói với Reuters: “Chúng tôi tin tưởng Việt Nam cam kết phê chuẩn Công ước 87 sớm nhất có thể được”.
Công ước 87 về “quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức” được thông qua năm 1948 và là một trong những công ước cơ bản bảo vệ quyền lao động trên toàn thế giới.
Theo một nhà ngoại giao ở Hà Nội, trong cuộc gặp với các chuyên gia nước ngoài vào tháng 12/2023, các quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho hay việc phê chuẩn công ước này dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024. Các nhà ngoại giao khác cũng xác nhận kế hoạch phê chuẩn trong năm nay.
Văn phòng Thủ tướng Việt Nam, Bộ Lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn quốc gia duy nhất của đất nước, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Sau một thập kỷ đàm phán, Quốc hội Việt Nam được trông đợi là sẽ phê chuẩn công ước này vào năm ngoái, ngay trước thời hạn chót đặt ra là tháng 1 năm nay và đã được thỏa thuận với Canada. Với việc không đáp ứng được thời hạn trên, về mặt lý thuyết, Ottawa có thêm lý lẽ để tìm kiếm các biện pháp trừng phạt theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Người phát ngôn của chính phủ Canada nói rằng quốc gia này, có thương mại với Việt Nam trị giá hơn 10 tỷ USD, đang xem xét đơn khiếu nại về việc liệu luật lao động của Việt Nam có tuân thủ các nghĩa vụ của CPTPP về quyền của người lao động hay không.
Ông Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam, lưu ý rằng EU, có kim ngạch thương mại song phương với Hà Nội lên tới gần 65 tỷ USD vào năm 2022, coi việc phê chuẩn Công ước 87 và sửa đổi các luật liên quan là “điều rất quan trọng” để tuân thủ các hiệp định hiện có.
Một số doanh nghiệp không hài lòng?
Tuy nhiên, “nếu việc phê chuẩn mang lại nhiều quyền lực thực sự hơn cho công đoàn, một số công ty có thể không hài lòng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cảnh báo rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, bao gồm cả từ Samsung, nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam.
Theo những ghi chép về bài phát biểu hồi năm 2016 của cựu phó giám đốc Samsung tại Việt Nam, Bang Hyun Woo, mà Reuters được xem, ông này cho rằng quyền tự do thành lập công đoàn sẽ “dẫn đến việc các công đoàn mọc lên như nấm một cách vô trật tự” và làm suy giảm các mối quan hệ lao động. Những ghi chép này viết rằng quan điểm của ông Bang không phản ánh quan điểm của Samsung.
Samsung nói trong một tuyên bố rằng họ cam kết tuân thủ các công ước cơ bản của ILO và coi việc bảo vệ quyền lao động và nhân quyền của nhân viên là giá trị dẫn đường của hãng.
Việt Nam sẽ tăng 6% mức lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp vào tháng 7 tới, tiếp nối các đợt tăng khác trước đây. Kể từ năm nay, nước này cũng sẽ tăng thuế đối với các công ty đa quốc gia lớn theo một thỏa thuận thuế toàn cầu mới.
Bà Vivie Wei, người đứng đầu công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates tại Việt Nam, nói bà nhận thấy không có tác động đáng kể nào đến lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài từ việc tăng cường quyền công đoàn hay tăng lương.
Bà nói rằng Việt Nam “không tự định vị họ là sự lựa chọn rẻ nhất” nhưng vẫn có thể thu hút đầu tư ngay cả sau khi mức lương tăng gần đây.
VOA (28.02.2024)