Hàng loạt người thân của các tù nhân lương tâm bị công an mời làm việc

TNLT Bùi Văn Thuận và giấy công an mời vợ ông làm việc về Facebook Facebook/RFA edited

 

Một số thân nhân của tù nhân lương tâm (TNLT) gần đây bị công an địa phương mời lên đồn công an làm việc về các danh khoản mạng xã hội Facebook hoặc về an ninh trật tự tại địa phương, khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc có hay không một chiến dịch sách nhiễu mới của Bộ Công an.

Theo thông tin Đài Á Châu Tự Do (RFA) nắm được, có ít nhất sáu người bị công an địa phương mời lên làm việc trong tuần này. Đó là bà Trịnh Thị Nhung- vợ của ông Bùi Văn Thuận, bà Lê Thị Hà- vợ của ông Đặng Đăng Phước, bà Đỗ Thị Thu- vợ của ông Trịnh Bá Phương,  Nguyễn Thị Tình- vợ của ông Nguyễn Năng Tĩnh, và cô Nguyễn Thị Mai- con gái của bà Nguyễn Thị Tâm.

Năm TNLT nói trên bị kết án từ năm năm đến 10 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và đang thụ án tù ở nhiều trại giam khác nhau.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ của cựu TNLT Phạm Minh Hoàng, cũng bị triệu tập lên làm việc vào sáng 13/3 về an ninh trật tự sau chuyến thăm chồng ở Pháp.

Năm 2017, ông Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam và bị trục xuất sang Pháp sau khi thụ xong án tù 17 tháng về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Miếng, trên Facebook cá nhân cho rằng “Dường như đang có chiến dịch quấy rối vợ của các tù nhân lương tâm.”

Từ Bangkok, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS), chỉ trích Việt Nam trong việc sách nhiễu gia đình TNLT. Ông viết trong tin nhắn gửi RFA ngày 13/3:

Chính phủ Việt Nam phải chấm dứt chiến dịch sách nhiễu đáng xấu hổ và đầy hận thù đối với vợ của các tù nhân chính trị vì những bài đăng trên mạng xã hội của họ.

Gia đình tù nhân không được trở thành mục tiêu chỉ vì họ đi tìm kiếm công lý cho người thân của họ. Thay vào đó, họ cần được thực hiện quyền tự do ngôn luận cơ bản của mình một cách ôn hòa mà không sợ bị trả thù.”

 

Bị tra hỏi về việc ký thỉnh nguyện thư

Trong tháng 2 vừa qua, nhiều tổ chức và cá nhân kêu gọi ký thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh, người bị phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 khi đang phải điều trị bệnh trầm cảm.

Bà bị bắt vào tháng 4/2021với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” nhưng sau một thời gian điều tra, bà bị chuyển đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để điều trị bắt buộc bệnh trầm cảm.

Cựu TNLT Đặng Thị Huệ có lời kêu gọi trên trang Facebook của mình, và thu thập được hơn 200 chữ ký ủng hộ.

Bà Trịnh Thị Nhung bị Công an thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) mời lên làm việc vào sáng ngày 13/3. Phía công an cho rằng bà Trịnh Thị Nhung sử dụng danh khoản Facebook Nhung Trịnh để ký vào đơn kiến nghị trên trang Facebook Huệ Như của Đặng Thị Huệ.

Bà nói với RFA sau khi trở về từ đồn công an phường Mai Lâm:

Nay tôi lên làm việc với công an về nội dung thứ nhất là xác minh Facebook Nhung Trịnh, thứ hai là công an nói về vấn đề cái đơn kiến nghị được tại ngoại để chữa bệnh của cô Nguyễn Thuý Hạnh.

Công an yêu cầu không được comment (bình luận) lên đơn kiến nghị đó.”

Bà Nhung phủ nhận việc sử dụng danh khoản nêu trên, không đồng ý ký vào biên bản làm việc do công an soạn vì cho rằng “không đúng với thực tế nội dung làm việc giữa hai bên.”

Bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương cho biết, Công an quận Hà Đông, Hà Nội mời bà làm việc vào ngày 14/3 về “thông tin đăng tải trên mạng Facebook.”

Tuy nhiên, bà không có ý định đi vì đang bận công việc chăm sóc vườn bưởi của gia đình ở tỉnh Hoà Bình. Bà nói với RFA trong chiều 13/3:

Tôi định không đi gặp họ bởi vì họ đã mời tôi rất nhiều lần rồi và mỗi lần họ mời tôi lên làm việc thì đều xoay quanh việc tra hỏi tôi rằng Facebook (Thu Đỗ- PV) này có phải của tôi. Họ bảo tôi không được chia sẻ những bài viết có liên quan đến các tù nhân lương tâm.”

Một nhà hoạt động ở Hà Nội muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho rằng việc sách nhiễu gia đình tù nhân lương tâm nhằm triệt tiêu các mầm mống phản kháng, kể cả những người thân-hậu phương của các nhà hoạt động đang bị cầm tù, như Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị mới bị rò rỉ.

Việc mời/triệu tập thân nhân của tù nhân nằm trong chủ trương chung của họ. Việc này sẽ gieo rắc sự sợ hãi và phiền toái cho các gia đình, làm cho xã hội nhìn vào đó để sợ. Làm phiền chục người, nhưng cả triệu người sợ. Sao họ không làm? Từ xưa đến giờ họ cũng đâu có xấu hổ về việc chà đạp nhân quyền đâu?”

Theo nhà hoạt động này, đây có thể là phản ứng của Hà Nội trước việc  cộng đồng quốc tế chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Cũng có thể đây là phản ứng của Việt Nam khi bị cộng đồng quốc tế phản đối chiến dịch vận động cho nhiệm kỳ tiếp theo của Hà Nội trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Trước giờ, khi bị phản ứng gì, thì Việt Nam thường đem chuyện nhân quyền của dân ra như con tin để mặc cả. Việc bắt ba nhà hoạt động gần đây và việc sách nhiễu gia đình tù nhân lương tâm cũng vậy.”

Theo ông, bằng việc sách nhiễu gia đình tù nhân lương tâm, có thể bên an ninh muốn biết liệu có sự hỗ trợ nào phía sau và chính quyền cũng không muốn các gia đình tù nhân lương tâm xích lại gần và hỗ trợ nhau.

 

Không bằng lòng vì bị sách nhiễu

Bà Lê Thị Hà, vợ của tù nhân lương tâm Đặng Đăng Phước, nhận được giấy mời của Phòng An ninh Nội địa của Công an tỉnh Đắk Lắk lên “làm việc, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sử dụng mạng xã hội Facebook” vào chiều 14/3.

Bà nói với RFA trong chiều ngày 13/3:

Dù không muốn nhưng tôi cũng vẫn đi gặp coi họ muốn gì vì hồi giờ tôi có sử dụng mạng Facebook đâu nên tôi không biết.” 

Cũng như bà Nhung và bà Thu, bà Hà bày tỏ thái độ về sự sách nhiễu của công an địa phương trong khi chồng bà, cựu giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, bị đưa đi thi hành án tù tám năm ở Trại giam Xuân Phước (tỉnh Phú Yên).

Thật sự tôi thấy phiền nhiễu và ảnh hưởng tới công việc của tôi tại vì công việc ở trường tôi làm việc cả ngày và không có thời gian để nghỉ.”

Theo thống kê của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Việt Nam đang giam giữ hơn 160 tù nhân chính trị. Còn theo tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hơn 250 tù nhân lương tâm đang bị cầm tù ở Việt Nam.

Hà Nội luôn khẳng định không giam giữ tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị kết tội hình sự.

 

RFA (13.03.2024)

 

 

 

 

 

 

Việt Nam lại bắt và xử thêm người theo Điều 117 Bộ luật Hình sự

Ông Phan Đình Sang (trái) bị bắt hôm 12/3/2024 và ông Đỗ Minh Hiền ra tòa hôm 11/3/2024. Photo YouTube Bao Ha Tinh và YouTube ANTV.

 

Hôm 12/3, công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giam ông Phan Đình Sang, cáo buộc ông sử dụng 5 tài khoản trên Facebook để nói xấu chế độ, đồng thời cho rằng ông có liên hệ với nhà báo Đường Văn Thái, người đang bị điều tra theo Điều 117 trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

Báo Hà Tĩnh dẫn lời cơ quan chức năng tường thuật rằng ông Phan Đình Sang, 57 tuổi, sử dụng 5 tài khoản Facebook để đăng tải, tán phát, chia sẻ “nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử, phỉ báng chính quyền, lãnh tụ Hồ Chí Minh… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân”. Ngoài ra, nhà chức trách cho rằng ông còn tham gia các hội, nhóm “phản động chống đối trên không gian mạng” trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2023.

Ông Sang bị cơ quan an ninh điều tra cho là có “quan hệ” và “móc nối” với “đối tượng” Đường Văn Thái, vẫn Báo Hà Tĩnh. Trang này cho biết thêm rằng ông Đường Văn Thái bị công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ ngày 14/4/2023 khi “xâm nhập trái phép” qua địa bàn biên giới của tỉnh này.

Hồi tháng 7/2023, chính quyền Việt Nam buộc tội ông Đường Văn Thái “tuyên truyền chống nhà nước”, căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ngay sau đó, một số tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm cả Phóng viên Không biên giới (RSF), lên tiếng cho rằng điều đó là “vô lý” và kêu gọi phóng thích ông Thái ngay lập tức.

Theo một thông cáo của RSF, ông Đường Văn Thái bị bắt cóc hôm 13/4/2023 tại miền trung Thái Lan, nơi ông đã sống tị nạn từ năm 2019.

Truyền thông Hà Tĩnh đăng đoạn video ông Sang ký tên là “người phạm tội đầu thú”, nói rằng ông đã “thừa nhận mọi hành vi vi phạm”, đồng thời cho biết thêm rằng các quyết định và lệnh bắt ông Sang theo Điều 117 đã được Viện Kiểm sát tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn.

Như VOA đã đưa tin, hôm 29/2, công an thành phố Hà Nội bắt giam hai nhà hoạt động, nhà báo độc lập Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình với cùng cáo buộc theo Điều 117. Mãi đến này 7/3, truyền thông nhà nước mới đưa tin về hai vụ bắt này.

Cũng với cáo buộc theo Điều 117, hôm 11/3, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt ông Đỗ Minh Hiền, 67 tuổi, 6 năm tù giam, về việc ông phát tán các tài liệu bị cho là có nội dung “chống chế độ”, “nói xấu lãnh đạo Đảng cộng sản” qua thư điện tử cá nhân từ năm 2013 đến 2023.

Theo An ninh TV của Bộ Công an, tính đến lúc bị bắt vào tháng 7/2023, ông Hiền bị cho là đã tán phát thông qua thư điện tử tổng cộng 72 bài viết, đến hơn 10.000 lượt địa chỉ thư điện tử, trong đó có chứa nội dụng “chiến tranh tâm lý”.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Hiền nói trước tòa rằng ông tự viết, phát tán các tài liệu trên với mục đích “muốn mọi người biết đến quan điểm chính trị, triết học của mình và không có tổ chức, cá nhân nào tài trợ, xúi giục hoặc hỗ trợ, giúp sức”.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau nói rằng họ tôn trọng các quyền căn bản của người dân, khăng khăng rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Trong báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/2023, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ Điều 117 BLHS, cùng với các điều khoản khác, trước khi diễn ra đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. HRW cho rằng các điều luật hà khắc này được chính quyền sử dụng rộng rãi để trấn áp những tiếng nói bất đồng, những người chỉ trích chính phủ hoặc ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền.

 

VOA (13.03.2024)

 

 

 

 

Facebooker Phan Đình Sang bị Công an Hà Tĩnh khởi tố theo Điều 117

Facebooker Phan Đình Sang VTC News

 

Ông Phan Đình Sang-57 tuổi, ngụ xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vào ngày 12/3 bị khởi tố, bị bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh trong ngày 12/3 tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Đình Sang về tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN)”.

Cơ quan ANĐT thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng từ năm 2016 đến năm 2023, ông Phan Đình Sang lập, quản lý và dùng 5 tài khoản mạng xã hội Facebook để tham gia các hội, nhóm bị cho là “phản động, chống đối Nhà nước CHXHCNVN”.

Kết luận của cơ quan ANĐT nêu rằng suốt thời gian qua, ông Phan Đình Sang chủ yếu sinh sống tại Lào và có quan hệ với ông Đường Văn Thái. Ông này hiện đang bị giam tại Trại Tạm giam B14 của Bộ Công an Việt Nam sau khi bị mất tích gần thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi ngày 13/4/2023.

Cơ quan ANĐT thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết ông Phan Đình Sang từng bị Tòa tỉnh Gia Lai tuyên án 4 năm tù hồi năm 1995 theo cáo buộc “tham ô tài sản” ở Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai.

Theo thống kê của RFA, ông Phan Đình Sang là người thứ sáu bị bắt theo Điều 117 từ đầu năm 2024 đến nay.

 

RFA (12.03.2024)

 

 

 

 

Việt Nam phê duyệt công ước về công đoàn độc lập vào tháng 10 để tránh rắc rối với EU?

Một cuộc đình công ở Việt Nam (ảnh tư liệu).

 

Quốc hội Việt Nam nhiều khả năng sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 10 năm nay, DW ở Đức và Taiwan News ở Đài Loan đưa tin hôm 12/3. Mondaq, dịch vụ thông tin có trụ sở ở Anh, đăng bài cùng ngày nói rằng việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 “dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10”.

Tin của DW và Taiwan News viết rằng các quan chức châu Âu tin là Việt nam sẽ phê chuẩn Công ước 87 trước cuối năm nay, theo đó, cho phép công nhân tự do lập công đoàn để làm hài lòng những người lớn tiếng chỉ trích trong khối Liên hiệp châu Âu (EU) và tránh nguy cơ bị các đối tác phương Tây trừng phạt vì Việt Nam chậm chạp về cải cách lĩnh vực lao động.

Trang web của Mondaq nhận xét rằng nếu Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 như được trông đợi, điều đó báo hiệu nước này cam kết sẽ bảo vệ các quyền lao động cơ bản và tuân theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Theo tìm hiểu của VOA, Công ước 87 xác định các quyền cơ bản gồm mọi người lao động được tự do thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức công đoàn trong việc quyết định những vấn đề nội bộ như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức công đoàn trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Vẫn theo công ước, các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức công đoàn cấp cơ sở. Bên cạnh đó, các tổ chức kể trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan chức năng của chính phủ.

DW và Taiwan News nói rằng EU và Canada đã phối hợp gây áp lực lên Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về việc thực hiện lời hứa sẽ cải cách lĩnh vực lao động khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 thành viên và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam đã thực thi từ năm 2020.

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu, mới tới Hà Nội hồi tháng 1, nói trong bản tin đăng trên DW và Taiwan News rằng các văn bản cần thiết để phê chuẩn Công ước 87 của ILO thuộc Liên Hiệp Quốc sẽ được nộp cho Quốc hội Việt Nam vào tháng 10. Ông cho biết thêm rằng các đối tác của ông bên phía Việt Nam đã bảo đảm với ông rằng họ sẽ làm đúng cam kết về cải cách.

“Bước đi này cho thấy cam kết của Việt Nam về tăng cường các quyền lao động, một động thái mà tôi tin là không chỉ có lợi cho lực lượng lao động của Việt Nam mà cũng đóng vai trò then chốt trong việc củng cố quan hệ thương mại của chúng ta”, ông Lange nói với DW.

Tuy nhiên, một số người lên tiếng cảnh báo rằng ngay cả khi Việt Nam phê chuẩn công ước, nước này sẽ tiếp tục tìm cách trì hoãn việc thực thi các quy định, theo tin trên DW và Taiwan News.

“Phê chuẩn mới chỉ là bước đầu của thực thi”, bà Judith Kirton-Darling nói. Bà là Tổng Thư ký của industriAll, một công đoàn ở châu Âu, và từng là nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu theo dõi thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam.

Bà lưu ý rằng Hà Nội phê chuẩn Công ước 98 của LHQ về quyền tổ chức và thương lượng tập thể nhưng việc thực thi “đã diễn ra cực kỳ chậm chạp và liên tục bị đình hoãn”.

Cải cách lao động là một trong những điều kiện chính mà EU ràng buộc khi đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Hai bên thậm chí đã tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia độc lập người Việt có cơ hội đánh giá sự tiến bộ của Hà Nội trong nỗ lực cải cách. Thế nhưng một vài người trong số các chuyên gia đó đã bị bắt và bị bỏ tù, những diễn biến này bị các tổ chức nhân quyền xem là có động cơ chính trị.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, chỉ ra rằng ngay cả khi Đảng Cộng sản cho phép một số dạng hội nhóm độc lập đại diện cho người lao động, gần đây, đảng này đã thông qua một “chiến lược” để tăng cường ngăn chặn các nhóm như vậy tạo dựng được chỗ đứng trong xã hội.

Đó là Chỉ thị 24, được Bộ Chính trị của đảng duyệt hồi năm ngoái, DW dẫn lại lời của ông Robertson cho biết.

Như VOA đã đưa tin, nội dung chỉ thị bị lộ ra ngoài cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang chuẩn bị để bóp nghẹt các tổ chức lao động độc lập mà Việt Nam đã hứa sẽ cho phép hoạt động như được nêu trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.

 

VOA (13.03.2024)

 

 

 

 

TNLT Nguyễn Đức Hùng được gặp gia đình nhưng vẫn bị biệt giam đã 18 tháng

Ông Nguyễn Đức Hùng tại phiên tòa tháng 7/2022 Công an Hà Tĩnh

 

Trại giam Nam Hà vẫn đang biệt giam tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Đức Hùng qua 18 tháng, dù thời hạn kỷ luật đối với tù nhân vi phạm nội quy trại theo luật chỉ là 10 ngày.

Ông Hùng, sinh năm 1991, là một người hoạt động tích cực trong phong trào biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường hồi năm 2016. Ông bị bắt đầu năm 2022 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” và bị kết án năm năm sáu tháng tù giam (5 năm 6 tháng) trong phiên toà không luật sư vào tháng 7 cùng năm.

Ông Hùng sau đó bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam và chỉ được thăm gặp thân nhân với số lần hạn chế. Lần thứ nhất vào tháng 02/2023, gia đình có gửi quà và tiền lưu ký.

Vào tháng 8, ông Nguyễn Sen – bố của Hùng quay lại trại giam để thăm gặp nhưng bị từ chối, cán bộ quản giáo nói con trai ông không được gặp gia đình vì đang bị kỷ luật.

Một bạn tù của ông Hùng cho biết, lý do kỷ luật do ông đã nhận thức ăn từ TNLT Lê Đình Lượng, người đang thụ án tù 20 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cùng phân trại.

Sau bài báo của RFA vào ngày 22/12 phản ánh về vụ việc, một tuần sau đó ông Sen được thăm gặp con trai.

Vào ngày 28/2/2024 vừa qua, ông Sen quay trở lại trại giam và biết con mình vẫn còn bị biệt giam. Ông nói với RFA trong ngày 11/3:

Giờ (con trai- PV) nằm trong biệt giam, tới đến bữa người ta hé cửa đưa thức ăn cho. Nằm biệt giam từ khi chuyển ra đó đến giờ. Mười tám tháng rồi mà không có gì thay đổi cả.”

Trong buổi thăm gặp, gia đình được gửi thức ăn chế biến sẵn, một ít đồ dùng mua từ căng-tin của trại giam và tiền lưu ký.

Ông cho biết con trai ông gầy yếu và xanh xao do bị giam lâu ngày trong phòng. Bên cạnh đó, ông Hùng còn bị bệnh đường ruột và đau đầu do tai nạn từ nhỏ.

Ông Hùng bị cận thị nhưng trại giam không cho sử dụng kính gọng kim loại, mặc dù gia đình có gửi gọng kính nhựa nhưng trại giam nói không nhận được từ bưu điện, do vậy đến nay Hùng vẫn chưa có kính để đeo, gây bất tiện trong sinh hoạt. 

Con trai nói với bố gia đình chỉ có thể thăm hai tháng một lần theo quy định dành cho người tù bị kỷ luật. Ông Sen có đăng ký số điện thoại của mình với trại giam nhưng chưa bao giờ nhận được cuộc gọi cùa con trai cho dù theo tiêu chuẩn, mỗi tù nhân được gọi điện 10 phút về cho gia đình trong một tháng.

Ông Hùng nhắn nhủ với gia đình giúp thuê cho mình hai luật sư, tuy nhiên lại không nói rõ để làm gì, chỉ nói sẽ trình bày với họ khi gặp ở trại giam. Không rõ ông Hùng có được gặp luật sư không vì theo quy định chỉ có thân nhân đăng ký với trại giam thì mới được gặp tù nhân.

Phóng viên gọi điện thoại nhiều lần cho Trại giam Nam Hà theo số điện thoại trên mạng Internet nhưng không có ai nghe máy.

Theo Điều 43 của Luật thi hành án hình sự (2015), tù nhân bị vi phạm nội quy cơ sở giam giữ thì có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, tù nhân không được gặp thân nhân.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều hành vi vi phạm nhân quyền, trong đó có cố gắng kiểm duyệt, và khi thất bại, chế độ cầm tù bất cứ ai dám chỉ trích chính phủ, và ông Hùng là một trường hợp như vậy.

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 12/3, ông viết:

Thật tàn nhẫn một cách bất thường khi họ biệt giam ông gần như vô thời hạn, và chính quyền cần hình phạt vi phạm nhân quyền này để tước bỏ mọi hình thức tiếp xúc với con người khi ở trong tù.

Ông kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Hùng: 

Tốt hơn hết, Chính phủ Việt Nam nên thừa nhận rằng ngay từ đầu Nguyễn Đức Hùng không làm gì sai vì việc thực hiện quyền tự do ngôn luận không nên bị coi là tội, và họ nên trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.”

Ông Nguyễn Viết Dũng, người từng bị biệt giam hơn hai năm ở Trại giam Nam Hà, cho biết mỗi một án kỷ luật giam riêng có thời hạn ba tháng, tuy nhiên, trại giam có thể áp dụng liên tiếp án kỷ luật lên một người tù.

Theo Thông báo tình hình chấp hành án phạt tù của Trại giam Nam Hà gửi cho gia đình đề ngày 06/12/2023 thì ông Hùng bị xếp loại chấp hành án phạt tù kém.

Ông Hùng là một nhà hoạt động tham gia nhiều sự kiện ở khu vực miền Trung và miền Bắc, đặc biệt là các hoạt động nhằm tố cáo Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung năm 2016.

Facebook của ông Hùng có hơn chín ngàn người theo dõi với những bài viết có nội dung lên tiếng phản đối bất công xã hội, bảo vệ nhân quyền, và tự do tôn giáo, trong đó có vụ các tu sĩ tại Đan viện Thiên An đòi lại đất đai từ chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

RFA (12.03.2024)

 

 

 

 

 

 

Dân biểu Young Kim: Việt Nam cần cải thiện nhân quyền nếu muốn được công nhận là kinh tế thị trường

Dân biểu Young Kim làm việc với Bộ Công Thương trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1/2024. Courtesy of Quochoi.vn

 

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Young Kim cho rằng nếu Việt Nam muốn Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường thì trước hết Hà Nội cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền.

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Young Kim dẫn đầu một đoàn nghị sỹ đến thăm Việt Nam hồi cuối tháng Một vừa qua nhằm thảo luận, thúc đẩy mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.

Dân biểu Young Kim đã dành cho RFA một buổi phỏng vấn xung quanh chuyến đi vừa qua của bà:

 

Cao Nguyên: Xin chào bà Young Kim, sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1/2024, bà có nói rằng đã gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam, những người bất đồng chính kiến, và thân nhân của các tù nhân lương tâm Việt Nam, vậy bà vui lòng chia sẻ về các cuộc gặp đó như thế nào?

 

Tôi có thể nói ấn tượng của mình về chuyến đi của tôi. Trước hết, đây là một phần chuyến đi Đông Nam Á của phái đoàn lưỡng đảng Quốc hội do tôi dẫn đầu. Nó tập trung vào việc tăng cường các mối quan hệ thương mại của chúng ta và chống lại sự xâm lược trên Biển Đông từ Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến thứ ba.

Ở Việt Nam, một trong những trọng tâm chính của tôi là nhân quyền. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này trong hơn hai thập kỷ. Trước đây với tư cách là một nhân viên và bây giờ là chủ tịch của tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nó làm tôi nhớ đến chuyến đi Việt Nam lần đầu tiên với sếp cũ của tôi, Nghị sĩ Ambroise. Vào thời điểm đó, tôi đã được gặp các tù nhân chính trị và các nhà lãnh đạo tôn giáo đang bị quản thúc tại gia. Và khi tôi gặp lại họ, khoảng 20 năm sau, tôi nhận thấy rằng áp lực mà các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo phải chịu có lẽ không có gì thay đổi nhiều. 

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về trải nghiệm của tôi với gia đình của các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam.

Tôi nghe được nhiều điều từ những người bạn của tôi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những nhà hoạt động nhân quyền. Họ đã giúp tôi sắp xếp một số cuộc gặp gỡ với người thân của các tù nhân lương tâm, những người cố gắng đến gặp tôi chỉ để tiếng nói của họ được lắng nghe. Một vài người phải di chuyển hàng giờ đồng hồ vào giữa đêm để tránh sự giám sát của công an vì họ liên tục bị theo dõi bởi các cơ quan thực thi pháp luật bởi vì gia đình của tù nhân chính trị cũng là đối tượng bị cho là mối đe dọa cho xã hội.

Vì thế họ phải luôn cảnh giác chuyện đi đâu, nói gì, gặp ai, nhưng họ đã mạo hiểm đến nói chuyện với tôi, cho chúng tôi biết thực sự chuyện gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Người thân của họ đang ở trong tù và không được phép gặp gia đình trong nhiều tháng liền.  Điều kiện sống trong tù thì rất tồi tàn. Có sự tham nhũng trong hệ thống nhà tù. Ngay cả khi các nhà hoạt động đã được ra khỏi nhà tù, họ vẫn bị chính quyền Việt Nam giám sát.

Gia đình các tù nhân chỉ cố gắng sống một cuộc sống bình thường. Nhưng trong một xã hội rất hạn chế, không có tự do, không có quyền tự do hội họp, không có tự do tôn giáo, người ta bị bỏ tù chỉ vì theo đạo Công giáo hoặc bày tỏ tiếng nói bất đồng chống lại chính quyền Việt Nam, và rõ ràng là họ đang bị vi phạm nhân quyền.

Tôi đã nhận bảo trợ cho một số tù nhân lương tâm và thường xuyên vận động cho họ. Một số trong số này hiện đang phải ngồi tù vì những tội danh bịa đặt là trốn thuế.

Hãy nhìn xem, Việt Nam là một nước đang phát triển và nền kinh tế chưa mạnh lắm. Mọi người không kiếm được đủ tiền nên việc áp cho họ tội danh trốn thuế đúng là buồn cười. Đó là những gì tôi có thể kể cho bạn nghe những gì tôi đã thấy.

 

Cao Nguyên: Bà có gặp trở ngại từ phía chính phủ Việt Nam khi đến gặp gỡ gia đình các tù nhân chính trị hay không?

Không. Như tôi đã nói, tôi được sự giúp đỡ từ cộng đồng của mình trước khi đi. Rõ ràng nếu tôi đến Việt Nam rồi mới cố gắng tìm kiếm những người này, tôi sẽ không thể làm được.

Chúng tôi đã sắp xếp trước các cuộc gặp. Vì vậy, khi tôi đến, những người này ở đó. Và đó là lý do tại sao tôi đã nói rằng việc này có rủi ro rất lớn cho những gia đình tù chính trị. Họ phải di chuyển nhiều giờ bằng nhiều phương tiện khác nhau để tránh sự giám sát. Họ đến gặp tôi chỉ để kể lại câu chuyện của họ.

 

Cao Nguyên: Bà có nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam hay không? Phản ứng của họ như thế nào?

Khi tôi nêu vấn đề này với chính phủ Hoa Kỳ, cụ thể là đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội hoặc với các cơ quan lãnh sự quán, họ đều nói rằng họ không thể can thiệp cho đến khi những nạn nhân này được thả ra khỏi nhà tù. Vâng, đó cũng là những điều hạn chế của chính phủ Hoa Kỳ.

Khi tiếp xúc với chính phủ Việt Nam, tôi đã nêu ra vấn đề này, nhưng họ không thẳng thắn cho lắm về cách họ xử lý vấn đề nhân quyền. Về cơ bản, họ nói rằng họ có áp dụng một cơ chế nào đó để xử lý; Nhưng khi tôi nhấn mạnh xem cơ chế đó là gì thì họ không cung cấp thêm bất kỳ thông tin gì về cách họ đã sử dụng cơ chế đó. Đây là lời chính phủ Việt Nam đã nói.

Một trong những vị lãnh đạo tôn giáo vừa mới được trả tự do đã mạo hiểm đến nói chuyện với tôi và kể về việc ông ấy bị tra tấn như thế nào. Họ treo ngược ông ấy lên, lột trần và cột bộ phận nhạy cảm của ông ấy lại. Vâng, đây có thể là cách tra tấn, là hệ thống mà chính phủ đã sử dụng.

Tôi đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các thành phố lớn, Phó Giám đốc Cục Hàng không…

Trong tất cả các cuộc gặp của chúng tôi, tất cả lãnh đạo phía Việt Nam đều cùng nêu lên một vấn đề, đó là việc nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Họ cho rằng bước tự nhiên tiếp theo là trao cho họ quy chế “kinh tế thị trường”. Họ cứ đòi Hoa Kỳ bãi bỏ tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Tôi đã nói với những người mà tôi gặp rằng điều đó không phụ thuộc vào chúng tôi. Hiện nó đang được Bộ Thương mại xem xét. Tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng nếu bạn muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường, bạn cần phải xứng đáng với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa mới được nâng cấp, bao gồm cả việc cải thiện nhân quyền. Hãy trả tự do cho những tù nhân đó. 

 

Cao Nguyên: Lý do vì sao bà lên tiếng cho nhân quyền ở Việt Nam?

Như tôi đã nói, đây là việc mà tôi đã làm trong nhiều thập kỷ. Những thành viên trong gia đình tôi đã chạy trốn khỏi Cộng sản Triều Tiên. Tôi sinh ra và lớn lên sau Chiến tranh Triều Tiên. Vậy là tôi đã biết mối đe dọa khi sống trong chế độ cộng sản, nó gây tổn hại và ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào.

Và tôi có một cộng đồng cử tri người Mỹ gốc Việt rất sôi động, rất tích cực và rất lớn ở Quận Cam. Quận Cam được biết đến là cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại và tôi vinh dự được đại diện cho họ. 

Người Mỹ gốc Việt ỏ đây quan tâm sâu sắc đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ là những người đã trốn chạy khỏi Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Họ có những người bạn và gia đình đang bị chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu .

Và vì vậy, cũng với tư cách là chủ tịch Tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tôi đảm bảo rằng sẽ tiếp tục là tiếng nói mạnh mẽ cho cử tri của mình.

Vì thế tôi đến Việt Nam với mục đích nêu ra những vấn đề này. Điều đó quan trọng đối với các cử tri của tôi, nhưng cũng quan trọng đối với công việc của tôi trong Ủy ban Đối ngoại khi tôi làm chủ tịch tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Liệu Việt Nam có muốn ngang hàng với đối tác toàn diện Hoa Kỳ hay không? Có những tiêu chí mà Việt Nam cần phải đạt được. Và điều quan trọng đối với tôi là có đáp ứng được những gì chúng tôi yêu cầu trong lĩnh vực nhân quyền hay không.

 

Cao Nguyên: Với những gì đã tận mắt chứng kiến, bà nghĩ gì về nhân quyền Việt Nam trong tương lai?

Việt Nam sẽ phải bắt đầu nỗ lực cải thiện nhân quyền nhiều hơn nữa. Ví dụ, có rất nhiều mối lo ngại liên quan đến vấn đề lao động, điều kiện làm việc và cách đối xử với người lao động. Tôi cũng đã nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam. Tôi hy vọng rằng họ sẽ nỗ lực đáp ứng các tiêu chí để Hoa Kỳ chuyển đổi công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.

 

Cao Nguyên:  Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho RFA.

 

RFA (12.03.2024)