„Việc viết sử ở Việt Nam do “trên” chỉ định và có cơ quan thực hiện. Những trang lịch sử ấy cứng nhắc vì người viết ra nó không có quyền suy nghĩ khác đi, còn người học sử trên ghế nhà trường cũng không được khuyến khích phản biện lại những kiến thức ấy.“

 

ÁI THƯ

Cuốn sách “Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past” (tạm dịch: “Việt Nam hậu thuộc địa: Những lịch sử mới của quá khứ quốc gia”) xuất bản năm 2002 [1] là một công trình nghiên cứu xuất sắc của Phó Giáo sư Patricia Pelley về chuyện viết sử ở Việt Nam. 

Đây cũng là một trong những cuốn sách hiếm hoi mô tả quá trình viết, dựng sử ở Việt Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể quyết định và giám sát.

 

 

Lịch sử phải đậm chất Mác

 

Việt Minh luôn cho rằng việc ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (năm 1945) đã đánh dấu cột mốc chấm dứt thời thuộc địa của Việt Nam. Họ gọi giai đoạn 1946 – 1954 đơn thuần là kháng chiến chống Pháp như thể chỉ có hai phe Việt Nam và Pháp. Do đó, những người Việt không đi theo Việt Minh bị gọi là phản bội hay phản động.

Tuy nhiên, theo Patricia Pelley, khó mà xác định rõ cột mốc nào mới là thời điểm chấm dứt quá khứ thuộc địa ở Việt Nam, vì bản thân người Việt lúc bấy giờ không đồng nhất mục tiêu về vận mệnh đất nước. Có rất nhiều người Việt không đấu tranh chống Pháp nhưng cũng chẳng đi theo Việt Minh.

 

Chưa kể thời bấy giờ, dù người Việt ở mọi đảng phái đều đồng ý với ông Hồ Chí Minh rằng người Pháp không nên có mặt ở Việt Nam nữa, thế nhưng, không phải ai cũng cho rằng lực lượng thay thế Pháp nên là Việt Minh.

 

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, vĩ tuyến 17 (cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị), như thỏa thuận, đã tạm thời chia Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc. Cuối cùng, vĩ tuyến này trở thành đường biên giới giữa hai quốc gia với hai thủ đô khác nhau: Hà Nội của miền Bắc và Sài Gòn của miền Nam.

 

Thế nhưng, trong các diễn ngôn lịch sử mà miền Bắc viết nên, Việt Nam chỉ tồn tại một quốc gia duy nhất và có thủ đô đặt tại Hà Nội. Nói cách khác, những người viết sử miền Bắc luôn phủ định hoàn toàn sự tồn tại của chính quyền miền Nam.

 

Tư duy nhị nguyên này được áp dụng mạnh mẽ vào trong quá trình viết sử. Lịch sử phải mang tính Mác và quá trình viết sử do ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp giám sát. Sử gia thời này phải viết làm sao đó để hài lòng người khác. Ví dụ, nếu sử gia nhấn mạnh tính Việt Nam mà làm lu mờ tính Trung cộng thì sẽ mất lòng giới trí thức gắn bó với Hán học; nếu viết quá sâu về tôn ti trật tự trong xã hội thì sẽ đi ngược với chủ nghĩa Mác.

 

Nói tóm lại, người viết sử thay vì được viết một cách khách quan, trung thực, thì vào thời kỳ này ở miền Bắc, họ phải viết dựa theo một phiên bản cố định.

 

 

Vinh danh hay phê phán ai là do đảng quyết định

 

Năm 1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học. [2] Phần đông những người viết sử của ban này đã từng chiến đấu trong chiến khu Việt Bắc. Trưởng ban là ông Trần Huy Liệu.

 

Mặc dù ngoài ban này thì còn có nhiều nhóm học giả khác ở các trường đại học và đảng thì lúc nào cũng hô hào không hề độc quyền chuyện viết sử, tuy nhiên chỉ các công trình do đảng giao viết mới được xem là cốt yếu. Những ấn phẩm của Ban dày đặc các văn bản của đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa.

 

Các cán bộ sử học “vừa hồng vừa chuyên” phải làm nổi bật “tinh thần chiến đấu” của người cộng sản. Ở đó nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa là một chính thể tích cực, được người dân tin tưởng và kính trọng.

 

Ngoài ban bệ này, đảng còn huy động địa phương viết lịch sử, khuyến khích các quân nhân viết hồi ký. Tất cả nhằm “đóng góp giáo dục xã hội chủ nghĩa”.

 

Năm 1959 – 1960, Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập cũng có tôn chỉ: “Căn cứ vào đường lối của đảng và chính phủ, nghiên cứu lịch sử theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội thế giới”. [3] 

 

Theo tác giả Patricia Pelley, việc tôn vinh hay phê phán một ai đó ở thời kỳ này phải được “trên” (tức lãnh đạo Đảng Cộng sản) quyết định. Các cán bộ sử học có nhiệm vụ chủ yếu là phê bình và khen ngợi (blaming and praising), đặt ra chuẩn mực ai là người hùng, ai là ác quỷ, ai là đấng trung quân, ai là kẻ phản bội.

 

Có thể thấy rõ sau năm 1975, tư duy nhị nguyên trong viết sử đã đàn áp các tiếng nói ở miền Nam như thế nào. Ví dụ, trong khi miền Nam tôn vinh Trần Trọng Kim là nhà sử học hiện đại đầu tiên thì chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho rằng Trần Trọng Kim thông đồng với Pháp và Nhật. Trong khi sử gia miền Nam mô tả sự đa dạng của đất nước Việt Nam, còn sử gia miền Bắc cho rằng bản sắc địa phương đã bị thực dân và đế quốc can thiệp quá nhiều.

 

Patricia Pelley cũng dành nhiều trang để phân tích rằng với chính quyền Hà Nội, tất cả nhóm dân tộc khác người Kinh sẽ là dân tộc thiểu số. Người nào không thuộc dân tộc Kinh lại còn theo Pháp thì sẽ không bao giờ được nhắc đến.

 

Một mặt, chính quyền miền Bắc lúc nào cũng tỏ ra rằng họ công nhận sự đa dạng sắc tộc. Nhưng mặt khác, họ ấn định dân tộc Kinh là anh, các sắc tộc khác là em. Người Kinh có trình độ và địa vị cao hơn nên sẽ khai hóa văn minh và định ra quy chuẩn về lối sống cho các sắc tộc khác.

 

Patricia Pelley chỉ ra rằng lịch sử Việt Nam chỉ còn có thể dẫn về những cuộc xung đột giữa người Việt và ngoại xâm, chứ không được đề cập về những cuộc đàn áp, bạo lực bên trong quốc gia. Thực chất, nhà nước đã độc quyền viết sử và cho rằng sử mà họ công bố mới là lịch sử chính thống.

 

Trong khi đó, những cán bộ viết sử phải làm theo chỉ thị chứ không phải bằng niềm đam mê tri thức và sự nghiên cứu độc lập. Lịch sử đa dạng và phong phú đã bị những mục đích chính trị tước đoạt.

 

Patricia Pelley cũng khéo léo giải thích trong cuốn sách của mình vì sao Stalin được nhấn mạnh trong lịch sử Việt Nam hậu thuộc địa, hay vì sao chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam xưa kia lại vô cùng nhạy cảm.

 

Ở phần cuối của quyển sách, Patricia Pelley nói về đặc trưng của ngôn ngữ tưởng niệm ở Việt Nam.

 

Nói tóm lại, nếu đọc hết quyển sách này, chúng ta sẽ biết không phải ngẫu nhiên mà một số tên tuổi bị lãng quên, thậm chí là bị trù dập trong sách sử tại Việt Nam, vì các thông tin này đều hầu hết do đảng viên viết.

 

Chúng ta cũng sẽ biết nghi ngờ tại sao mình phải ghi nhớ thời gian một số sự kiện hay ngày tháng năm sinh của một nhân vật nào đó, từ khi chúng ta còn ngồi học cho tới khi trở thành người lao động và được nghỉ nhân các dịp lễ kỷ niệm.

 

Việc viết sử ở Việt Nam do “trên” chỉ định và có cơ quan thực hiện. Những trang lịch sử ấy cứng nhắc vì người viết ra nó không có quyền suy nghĩ khác đi, còn người học sử trên ghế nhà trường cũng không được khuyến khích phản biện lại những kiến thức ấy.

 

ÁI THƯ

Luat Khoa Tap chi (09.04.2024)


Chú thích

[1] Patricia M. Pelley, Postcolonial Việtnam: New Histories of the National Past, Duke University Press (26 Nov. 2002)

 

[2] Ban này đặt dưới sự quản lý của Ban Tuyên huấn Trung ương trực thuộc Trung ương Đảng. Từ năm 1957, chuyển sang chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục. Năm 1959, bị giải thể để thành lập các tổ chức khác.

 

[3] Xem thêm tại đây