Biển Đông : Phi Luật Tân điều tàu đến bãi cạn Sa Bin trước mưu đồ xây đảo nhân tạo của Trung cộng

Chính quyền Phi Luật Tân ngày 11/05/2024 cho biết đã triển khai tàu chiến đến bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Manila cáo buộc Bắc Kinh có ý đồ xây dựng « đảo nhân tạo » tại bãi cạn này, đe dọa an ninh Phi Luật Tân.

Các công trình và tòa nhà của Trung cộng tại đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hình ảnh ngày 20/03/2022. AP – Aaron Favila

Reuters dẫn thông báo từ văn phòng tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển đã cử một tầu đến « giám sát các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung cộng nhằm xây dựng một “đảo nhân tạo” ». Thông cáo văn phòng tổng thống nêu thêm hai tàu khác đang được bố trí luân phiên trong khu vực.

Trong buổi họp báo, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phi Luật Tân, thiếu tướng Jay Tarriela cho biết có dấu hiệu của « việc cải tạo quy mô nhỏ » ở bãi cạn Sa Bin, thuộc cụm đảo Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa, mà Manila gọi là Escoda.

Ông nghi ngờ Trung cộng « rất có thể » là một tác nhân, do sự hiện diện đông đảo « đáng báo động » của hàng chục tầu Trung cộng, bao gồm cả tàu nghiên cứu và tàu hải quân tại đảo san hô Sa Bin, cách tỉnh Palawan của Phi Luật Tân 124 dặm (200km) trùng hợp với việc lực lượng bảo vệ bờ biến phát hiện nhiều rặng san hô chết và bị nghiền nát.

Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân khẳng định sẽ gởi các nhà khoa học hải dương đến khu vực để xác định xem những rặng san hô bị nghiền nát là do tự nhiên hay do sự can thiệp của con người gây ra.

Ông Chester Cabalza, chủ tịch tổ chức tư vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, trụ sở tại Manila, trả lời kênh truyền hình ABS – CBN News, nhận định nỗ lực cải tạo đảo của Trung cộng ở bãi cạn Sa Bin là mối đe dọa cho an ninh. Trung cộng để mắt đến đảo san hô như là một phần mở rộng đảo Vành Khăn mà nước này đã chiếm từ năm 1995.

Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh nỗ lực chiếm hữu bãi cạn Sa Bin do giá trị chiến lược mà nó mang lại với các yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông. Theo Cabalza, việc  san hô bị nghiền nát « có thể là khúc dạo đầu cho sự hình thành đảo nhân tạo ».

Còn theo cựu phó thẩm phán Tòa án Tối cao Phi Luật Tân, Antonio Carpio, công trình cải tạo đảo san hô Sa Bin của Trung cộng có thể dẫn đến việc « dựng một tiền đồn gần bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là có nhiều trữ lượng dầu khí ». Cũng theo ông Carpio, những gì Trung cộng làm là thiết lập « tiền đồn ở bãi Cỏ Rong để ngăn chặn Phi Luật Tân khai thác nhiên liệu ».

RFI (12.05.2024)

 

 

 

Phi Luật Tân : Cố vấn an ninh quốc gia yêu cầu trục xuất các nhà ngoại giao Trung cộng

Ngày 10/05/2024, cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân, Eduardo Ano, đã đề nghị trục xuất ngay lập tức một số nhà ngoại giao Trung cộng, bị cáo buộc đứng sau vụ rò rỉ cuộc điện đàm giữa đô đốc Phi Luật Tân với một trong số các nhà ngoại giao. Nội dung cuộc trao đổi có liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông đang gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

(Ảnh minh họa) – Tàu BRP BAGACAY của lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân bị tàu của Trung cộng phun vòi rồng khi đang đến cần bãi cạn Scarborough, trên Biển Đông, ngày 30/04/2024. © AP/Philippine Coast Guard

Theo AP, tuyên bố mạnh mẽ nói trên của lãnh đạo an ninh hàng đầu Phi Luật Tân được đưa ra sau khi hai tờ báo ở Manila, dẫn nguồn tin từ Tòa đại sứ Trung cộng, cho biết, trong một cuộc trao đổi với một nhà ngoại giao Trung cộng hồi tháng Giêng năm nay, một đô đốc Phi Luật Tân đã đồng ý về một phương thức mới để vận chuyển hàng tiếp tế đến bãi cạn do Phi Luật Tân chiếm giữ trong vùng biển đang có tranh chấp. Thỏa thuận ngầm này yêu cầu Manila phải thông báo cho Bắc Kinh về các nhiệm vụ xa bờ, cũng như phải cam kết không cung cấp vật liệu xây dựng.

Cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của bộ trưởng Quốc Phòng, đề nghị Văn phòng Đối ngoại có những biện pháp nhằm vào « những người tuyên bố đã ghi âm cuộc trao đổi », một hành động mà ông Ano đánh giá là « vi phạm luật pháp Phi Luật Tân và các nghi thức ngoại giao quốc tế ».

Ngoài việc đề nghị trục xuất ngay lập tức các nhà ngoại giao Trung cộng « có trách nhiệm về hành động can thiệp và ảnh hưởng ác ý », lãnh đạo an ninh quốc gia Phi Luật Tân còn lên án những hành vi « lặp đi lặp lại » của Tòa đại sứ Trung cộng trong việc « tham gia và phổ biến thông tin sai lệch, bóp méo thông tin và đưa tin giả » bằng cách « cho phát tán các bản ghi chép hay thu âm giả mạo các cuộc trao đổi có mục đích với các quan chức của nước sở tại » mà không lo sợ bị trừng phạt.

Tuyên bố của ông Ano không nêu rõ liệu chính quyền Phi Luật Tân đã xác minh các nguồn tin báo chí hay chưa và cuộc trao đổi qua điện thoại có thực sự diễn ra hay không. Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân cũng chưa có phản ứng gì về phát biểu trên của cố vấn an ninh quốc gia.

Tòa đại sứ Trung cộng chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin này. Tuy nhiên, tại Bắc Kinh, bộ Ngoại Giao Trung cộng thông qua lời người phát ngôn Lâm Kiện (Lin Jian), cho rằng « thái độ của Phi Luật Tân chỉ chứng tỏ rằng họ thiếu tự tin trước sự thật và bằng chứng đến mức thất vọng », đồng thời yêu cầu Manila bảo đảm rằng các nhà ngoại giao Trung cộng « có thể thực hiện nhiệm vụ của mình, ngăn chặn hành vi xâm phạm và khiêu khích (…) ».

RFI (11.05.2024)

 

 

 

Phi Luật Tân đưa tàu tới đảo san hô nơi Trung cộng đang xây ‘đảo nhân tạo’

TƯ LIỆU – Các thành viên của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân đứng canh trong khi một tàu Hải cảnh Trung cộng chặn đường họ thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông, ngày 5 tháng 3 năm 2024.

Phi Luật Tân ngày thứ Bảy cho biết họ đã điều các tàu đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi họ cáo buộc Trung cộng đang xây “một đảo nhân tạo” trong bối cảnh tranh chấp hàng hải giữa hai nước leo thang.

Lực lượng tuần duyên đã cử một tàu “để theo dõi các hoạt động bị xem là bất hợp pháp của Trung cộng, tạo ra một ‘đảo nhân tạo,’” văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói trong một phát biểu, nói thêm rằng thêm hai tàu khác đang được triển khai trong đợt điều động luân phiên trong khu vực.

Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân, Phó đề đốc Jay Tarriela, nói tại một diễn đàn rằng đã có “việc bồi đắp quy mô nhỏ” ở Bãi cạn Sabina mà Manila gọi là Escoda và rằng “có nhiều phần chắc” Trung cộng là tác nhân.

Tòa đại sứ Trung cộng tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về những phát biểu của Phi Luật Tân mà có thể làm trầm trọng hơn rạn nứt song phương.

Cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân ngày thứ Sáu kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung cộng về chuyện một cuộc điện đàm với một đô đốc Phi Luật Tân về tranh chấp hàng hải bị rò rỉ.

Bắc Kinh và Manila cả năm qua đã đối đầu gay gắt liên quan đến các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh của họ ở Biển Đông, nơi khối lượng thương mại trị giá 3 ngàn tỉ đôla đi ngang qua hàng năm.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ thủy lộ thiết yếu này, bao gồm những phần mà Phi Luật Tân, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Trung cộng đã ồ ạt tiến hành bồi đắp đất trên một số đảo ở Biển Đông, xây dựng không lực và các cơ sở quân sự khác, gây lo ngại ở Washington và các nước quanh vùng.

Một tàu Phi Luật Tân đã neo đậu tại Bãi cạn Sabina để “đánh bắt và ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát,” ông Tarriela nói, dẫn ra sự hiện diện “đáng báo động” của hàng chục tàu Trung cộng, bao gồm tàu nghiên cứu và tàu hải quân.

Ông Tarriela nói sự hiện diện của các tàu Trung cộng tại đảo san hô này cách tỉnh Palawan của Phi Luật Tân 200 km trùng hợp với việc lực lượng tuần duyên phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát.

Lực lượng tuần duyên sẽ đưa các nhà khoa học biển đến khu vực để xác định xem các đống san hô là hiện tượng tự nhiên hay do con người can thiệp, ông cho biết.

Ông nói thêm rằng lực lượng tuần duyên dự định duy trì sự “hiện diện kéo dài” tại Bãi cạn Sabina, điểm tập kết của các tàu Phi Luật Tân thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Phi Luật Tân đóng trên một chiếc tàu chiến tại Bãi cạn Second Thomas, nơi Manila và Trung cộng thường xuyên đối đầu trên biển.

VOA (11.05.2024)

 

 

 

Trung cộng nói đã ‘đuổi’ tàu khu trục Mỹ áp sát Hoàng Sa

NGUỒN HÌNH ẢNH,HẢI QUÂN MỸ Chụp lại hình ảnh,Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Halsey (DDG 97) đang ‘thực thi các hoạt động thường lệ’ trên Biển Đông hôm 10/5

Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung cộng tuyên bố đã “giám sát chặt chẽ và xua đuổi” tàu khu trục Mỹ USS Halsey khi chiến hạm này đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa hôm 10/5.

Trung cộng nói động thái của Mỹ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng”, Reuters đưa tin.

“Đây là bằng chứng thép cho thấy tham vọng của Mỹ nhằm độc chiếm quyền đi lại và quân sự hóa Biển Đông”, phía Trung cộng khẳng định, đồng thời cho biết thêm quân đội nước này sẽ luôn cảnh giác cao độ và bảo vệ an ninh quốc gia.

Hải quân Mỹ ra thông cáo rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Halsey đã “thực thi quyền tự do đi lại phù hợp với luật pháp quốc tế” ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa.

Thông cáo cho biết tàu USS Halsey đã rời khỏi khu vực sau hoạt động trên và tiếp tục đi vào Biển Đông.

“Toàn bộ hoạt động của chúng tôi đều diễn ra an toàn, chuyên nghiệp và tuân thủ quy định quốc tế. Những chiến dịch này nhằm thể hiện lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bất kể những nơi có yêu sách hàng hải quá mức và bất kể các sự kiện hiện tại,” hải quân Mỹ tuyên bố.

Mỹ lên án yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông

Tranh chấp mới nhất giữa Trung cộng và Mỹ xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, khi đồng minh của Mỹ là Phi Luật Tân bị lôi kéo vào một tranh chấp ngoại giao gay gắt với Bắc Kinh về chủ quyền trên vùng biển.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền những vùng rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm các vùng mà Phi Luật Tân, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 ra phán quyết rằng yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Mỹ thường xuyên triển khai chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung cộng.

Hải quân Mỹ tuyên bố thách thức các yêu sách hàng hải quá mức trên khắp thế giới bất kể danh tính của bên yêu sách.

“Trung cộng, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Cả ba bên đều vi phạm luật pháp quốc tế khi ra yêu sách các tàu quân sự hoặc tàu chiến đều phải xin phép hoặc thông báo trước khi ‘đi qua vô hại’ trên vùng lãnh hải,” thông cáo của Hải Quân Mỹ viết.

Mỹ cũng thách thức tuyên bố năm 1996 của Trung cộng về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới sự quản lý của Trung cộng, bên đã dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Bắc Kinh đã thành lập “thành phố Tam Sa“, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, từ tháng 7/2012.

“Dù bên nào tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này thì việc vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp,” thông cáo của Hải quân Mỹ nêu.

Chụp lại video,50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột

Căng thẳng Trung cộng – Phi Luật Tân

Cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân hôm 10/5 kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung cộng, sau khi cuộc gọi được cho là giữa một đô đốc Phi Luật Tân và quan chức Trung cộng bị rò rỉ trên mạng.

Trong cuộc gọi này, lãnh đạo mặt trận phía tây của quân đội Phi Luật Tân, ông Alberto Carlos, được cho là đã đồng ý đề xuất của Bắc Kinh về “mô hình mới” trong quản trị nguy cơ xung đột trên Biển Đông.

Theo đó, Manila sẽ cử ít tàu hơn cho các nhiệm vụ tiếp tế binh lính trên Bãi Cỏ Mây và báo trước cho phía Trung cộng thời gian tiến hành các nhiệm vụ này.

“Tòa đại sứ Trung cộng tại Manila đã liên tục thực hiện những hành vi phát tán thông tin giả, thông tin gây hiểu nhầm hoặc thông tin không đầy đủ ngữ cảnh,” cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân Eduardo Ano chỉ trích hôm 10/5.

Nhưng cho đến nay, Manila vẫn chưa xác nhận liệu ông Carlos có đúng là người xuất hiện trong cuộc gọi vừa bị rò rỉ hay không, cũng như phủ nhận các thông tin về “mô hình mới”.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung cộng cáo buộc Phi Luật Tân “phủ nhận sự thật”.

Trong nhiều tháng qua, Phi Luật Tân và Trung cộng liên tục đụng độ nhau quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trong đó Bãi Cỏ Mây là một trong những tâm điểm xung đột.

Bãi Cỏ Mây (Phi Luật Tân gọi là bãi cạn Ayungin) nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, cách đảo Palawan của Phi Luật Tân khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung cộng hơn 1.000km.

Theo phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, Bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Phi Luật Tân.

Liên quan hoạt động của các bên ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán rằng mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói hồi tháng 3/2024.

BBC (11.05.2024)

 

 

 

Cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung cộng

Hình chụp hôm 5/3/2024 cho thấy tàu hải cảnh Trung cộng phun vòi rồng vào tàu của Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ Mây AFP

 

Cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân hôm 10/5 kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung cộng vì cáo buộc rò rỉ cuộc trò chuyện qua điện thoại với một đô đốc Phi Luật Tân trong sự leo thang đáng kể các cuộc tranh chấp gay gắt trên Biển Đông.

Ông Eduardo Ano cho biết trong một tuyên bố: Tòa đại sứ Trung cộng tại Manila đã dàn dựng “nhiều hành động lôi kéo và phổ biến thông tin giả, sai lệch và xuyên tạc” với mục tiêu gieo rắc sự bất hòa, chia rẽ và mất đoàn kết.

Ông nói “không thể không trừng phạt những hành động đó bằng biện pháp mạnh tay”.

Tòa đại sứ Trung cộng tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao. Văn phòng Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr và Bộ Ngoại giao chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng trong cùng ngày cho biết Trung cộng yêu cầu Phi Luật Tân ngừng khiêu khích và cho phép các nhà ngoại giao Trung cộng thực hiện nhiệm vụ một cách bình thường.

Ông Ano đang đề cập đến một bản tin trong tuần này về cáo buộc rò rỉ cuộc gọi giữa một nhà ngoại giao Trung cộng và một đô đốc Phi Luật Tân thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có một bản ghi cho thấy đô đốc này đồng ý nhượng bộ với Trung cộng.

Theo bản ghi được tờ Manila Times công bố, vị đô đốc đã đồng ý với đề xuất của Trung cộng về một “mô hình mới”, trong đó Phi Luật Tân sẽ sử dụng ít tàu hơn trong các nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội tại Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây) đang tranh chấp và thông báo trước cho Bắc Kinh về các nhiệm vụ.

Reuters chưa nghe được cuộc trò chuyện này và không thể xác minh nội dung của đoạn ghi âm được công bố. Báo cáo cho biết cuộc trò chuyện diễn ra vào tháng 1 và bản ghi âm được cung cấp bởi một “quan chức cấp cao của Trung cộng” nhưng không nêu tên.

Hai nước đã bị lôi kéo vào một loạt các cuộc đối đầu nảy lửa trong năm qua tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông khi Phi Luật Tân, được khuyến khích bởi sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đồng minh khác, tăng cường các hoạt động trong vùng biển bị hải cảnh Trung cộng chiếm đóng.

Trung cộng cáo buộc Phi Luật Tân xâm phạm và phản bội, trong khi Manila chỉ trích Bắc Kinh vì điều mà họ gọi là chính sách xâm lược và hành động nguy hiểm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Việc trục xuất các nhà ngoại giao có thể làm gia tăng căng thẳng vốn cho đến nay đã chứng kiến các cuộc đấu khẩu nảy lửa, các cuộc phản đối ngoại giao cũng như việc tàu Phi Luật Tân bị đâm và phun vòi rồng tại hai bãi cạn tranh chấp, bãi cạn gần nhất cách Trung cộng đại lục hơn 850 km.

RFA (10.05.2024)

 

 

 

Biển Đông: Tại sao căng thẳng Trung cộng-Phi Luật Tân nóng lên?

Tàu tuần duyên Trung cộng sử dụng vòi rồng để ngăn chặn tàu tuần tra và tiếp tế của Phi Luật Tân tại bãi cạn Scarborough ngày 30/4/2024.

 

Căng thẳng ngoại giao leo thang và những xung đột hàng hải gần đây giữa Trung cộng và Phi Luật Tân đã khiến Biển Đông mang tính chiến lược cao trở thành điểm nóng.

Những điểm nóng

Trọng tâm của những căng thẳng gần đây giữa Phi Luật Tân và Trung cộng là hai thực thể đang tranh chấp gay gắt nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila nhưng Bắc Kinh tuyên bố là của riêng mình.

Trung cộng sử dụng cái gọi là đường chín đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với Bãi cạn Scarborough, một rạn san hô ngập nước có nguồn cá dồi dào, và Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), nơi có một nhóm nhỏ thủy thủ Phi Luật Tân sống trên một tàu chiến rỉ sét mà Manila cố tình cho neo đậu vào năm 1999 để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình.

Tại sao mọi thứ lại nóng lên?

Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh thông qua đường chín đoạn là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, mang lại cho Phi Luật Tân một chiến thắng mang tính bước ngoặt. Nhưng điều đó không ngăn cản Trung cộng trở nên quyết đoán hơn, nước đã bác bỏ phán quyết vừa kể.

Bắc Kinh đã triển khai hàng trăm tàu tuần duyên để tuần tra các khu vực đó, gây báo động cho Phi Luật Tân, các bên tranh chấp khác và các quốc gia khác đang hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả Hoa Kỳ, vốn đang cảnh giác trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng và tham vọng lãnh thổ của Trung cộng.

Đối đầu gây những hậu quả gì?

Các cuộc chạm trán giữa Phi Luật Tân và Trung cộng tại vùng biển tranh chấp nóng nhất châu Á ngày càng căng thẳng và thường xuyên hơn trong năm qua khi Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách của mình và Manila từ chối ngừng các hoạt động đánh bắt cá và tiếp tế cho người Phi Luật Tân tại hai bãi cạn này. Trung cộng coi đó là sự xâm nhập bất hợp pháp và đã cố gắng đẩy lùi các tàu Phi Luật Tân.

Lực lượng tuần duyên Trung cộng đã tăng cường các hoạt động được gọi là “vùng xám” như sử dụng vòi rồng, chiến thuật va chạm và đâm húc, và theo Manila, sử dụng tia laser cấp quân sự để cố gắng ngăn chặn các nhiệm vụ tuần tra và tiếp tế của Phi Luật Tân. Nước này cũng đã triển khai một đội tàu đánh cá mà Phi Luật Tân và các đồng minh coi là lực lượng dân quân.

Trong các nhiệm vụ tiếp tế gần đây tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), các tàu thuyền của Phi Luật Tân đã bị hư hại và một số thủy thủ đoàn bị thương sau khi Trung cộng dùng vòi rồng. Trung cộng đã thúc giục Phi Luật Tân kéo tàu chiến đi, nói rằng Manila đã hứa sẽ làm điều đó, nhưng Manila khẳng định chưa có thỏa thuận nào như vậy.

Phản ứng toàn cầu

Hành động của Trung cộng đã thu hút sự lên án và quan ngại quốc tế từ các cường quốc bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Pháp và Anh.

Các nhà báo nước ngoài đã tham gia một số phái đoàn tiếp tế của Phi Luật Tân và ghi lại các sự kiện theo lời mời của Phi Luật Tân, mà một quan chức an ninh cho biết là nhằm mục đích “làm sáng tỏ chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung cộng.” Trung cộng cáo buộc Phi Luật Tân gây rắc rối và truyền bá thông tin sai lệch.

Ngày 9/4, một đô đốc cấp cao của Mỹ cho biết các hành động của Trung cộng là “nguy hiểm, bất hợp pháp và đang gây bất ổn cho khu vực”.

Phi Luật Tân phản ứng như thế nào?

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã áp dụng đường lối cứng rắn chống lại điều mà ông coi là sự thù địch của Trung cộng và bác bỏ áp lực của nước này, gần đây thề sẽ thực hiện các biện pháp đối phó chống lại “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hãn và nguy hiểm” của lực lượng tuần duyên Trung cộng.

Phi Luật Tân cho biết các biện pháp đối phó sẽ mang tính “đa chiều” và liên quan đến các lựa chọn ngoại giao. Ông Marcos cũng kêu gọi phối hợp mạnh mẽ hơn về an ninh hàng hải để đương đầu với “một loạt thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo Phi Luật Tân, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tháng 4 và nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế, điều mà ông Marcos cho rằng sẽ “thay đổi động lực” xung quanh Biển Đông.

Hoa Kỳ có thể tham gia không?

Tranh chấp giữa Phi Luật Tân với Trung cộng trùng hợp với việc Phi Luật Tân gia tăng cam kết an ninh với Mỹ dưới thời ông Marcos, bao gồm cả việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ tới các căn cứ của Phi Luật Tân. Manila cũng đang tìm kiếm mối quan hệ an ninh chặt chẽ với các đồng minh khác như Nhật Bản và Úc. Các cam kết bao gồm các cuộc tuần tra chung, điều này đã khiến Trung cộng nổi giận.

Hoa Kỳ có Hiệp ước phòng thủ chung với Phi Luật Tân và đã nhiều lần nói rõ rằng họ sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu lực lượng tuần duyên hoặc lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân bị tấn công ở bất kỳ đâu trên Biển Đông, gọi thỏa thuận này là “sắt thép”.

Hiệp ước làm tăng nguy cơ đáng kể trong tranh chấp Phi Luật Tân-Trung cộng trong trường hợp xảy ra tính toán sai lầm trên biển. Tuy nhiên, nó cũng có thể hạn chế việc Trung cộng sẵn sàng đi bao xa để giữ Phi Luật Tân trong tầm kiểm soát, cảnh giác trước nguy cơ xung đột và áp lực phải phản ứng kiên quyết nếu có sự tham gia quân sự trực tiếp của Mỹ.

Các quan chức Phi Luật Tân, bao gồm cả ông Marcos, bác chuyện nói về việc viện dẫn hiệp ước trong tình hình hiện tại, nhấn mạnh rằng điều đó sẽ là biện pháp cuối cùng.

VOA (11.05.2024)

 

 

 

Quân đội Trung cộng nói ‘đã xua’ một khu trục hạm của Mỹ áp sát Hoàng Sa

Tàu USS Halsey trong một lễ kỷ niệm 75 năm trận Trân Châu Cảng ở Hawaii hôm 7/12/2016 (minh hoạ) REUTERS/Hugh Gentry

Trung cộng nói đã đuổi tàu chiến Mỹ đang áp sát quần đảo Hoàng Sa, trong khi phía Mỹ nói chỉ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng cho biết, hôm 10/5, họ đã theo dõi chặt và đuổi tàu USS Halsey khi nó đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung cộng nhưng Bắc Kinh đang kiểm soát toàn bộ quần đảo này.

Theo hãng tin Reuters, Trung cộng khẳng định động thái của Mỹ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng”.

“Đây là một bằng chứng sắt đá khác về quyền bá chủ hàng hải và quân sự hóa Biển Đông của nước này,” phía Trung cộng nói và cho biết thêm quân đội Trung cộng sẽ luôn cảnh giác cao độ và bảo vệ an ninh quốc gia.

Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng tàu khu trục khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa “phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tuyên bố cho biết tàu USS Halsey đã rời khỏi khu vực sau hoạt động trên và tiếp tục đi vào Biển Đông.

RFA (10.05.2024)