Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn trong một lần giới thiệu sách trước đây. Courtesy FB Trần Đức Anh Sơn

Hôm 7 Tháng Ba, tin của AFP cho hay, Trần Đức Anh Sơn, một nhà nghiên cứu Biển Đông bất ngờ bị Ban Thường Vụ Thành Ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi đảng vì “viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trên Facebook”.

Ông Trần Đức Anh Sơn, viện phó Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế-Xã Hội Đà Nẵng, được nhiều người biết đến với những công trình nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực đang tranh chấp với Trung cộng. Mạng xã hội cũng biết ông thường hay ký biệt danh “Người nước Huệ” dưới các post bày tỏ quan điểm cá nhân về các chủ đề lịch sử và thời sự.

Ông cũng bị buộc tội “phỉ báng uy tín của … tổ chức đảng và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng nơi ông làm việc từ năm 2009 đến nay”.

Tuy nhiên tin không nêu rõ về nội dung những cáo buộc sai trái của Ông Trần Đức Anh Sơn, mặc dù trước đó, ông đã chỉ trích chính phủ Việt Nam đã không đứng lên công khai chống Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp  kéo dài về chủ quyền trên biển.

Ông đã thu thập các tài liệu chứng minh chủ quyền của Hà Nội trong tuyến đường thủy có từ thế kỷ 19, cụ thể là trên các đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các bài đăng trên Facebook của con trai ông đã ủng hộ những tuyên bố đó và chống lại cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 của Trung cộng, khi đó đã gây ra một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu.

Một trong những post mới nhất trên trang cá nhân của ông Sơn viết: “Vụ tàu Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ diễn ra từ trước Tết Kỷ Hợi. Nhưng tin này đưa là Trung Quốc đã chiếm đảo Thị Tứ thì chưa kiểm chứng được. Đang tìm nguồn để làm việc này. Nếu tin sai thì tôi sẽ gỡ bài này xuống. Nhưng cảnh giác với Tàu không bao giờ thừa.”

Vào năm 2017, tờ NewYork Times từng có bài viết về ông Sơn với tiêu đề “Người săn bản đồ ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông”.

New York Times cũng viết thêm rằng ông Sơn “đã tìm thấy bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời nhà Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.“