„chỗ đứng của những người lưu vong không phải ở đất nước cũ và cũng không ở đất nước mới mà là ở trên cái dấu gạch nối giữa hai nước (ví dụ: Việt – Úc, Việt – Mỹ, Việt – Pháp, Việt – Đức…). Cái gạch nối ấy vừa tách vừa nối, vừa xoá nhoà vừa khu biệt hai thực thể trước và sau nó.“
TS. Nguyễn Hưng Quốc
Giới nghiên cứu Việt Nam hay nói đến văn hoá; nói đến văn hoá, họ hay nói đến bản sắc; nói đến bản sắc, họ hay nói đến truyền thống; và nói đến truyền thống, họ hay hình dung ra những gì thật vững chắc, dường như bất biến, cứ tồn tại từ thời đại này qua thời đại khác. Sự thật, truyền thống chỉ là một phần của bản sắc; và không có bản sắc nào thực sự cố định. Từ góc độ cá nhân hay cộng đồng, bản sắc không phải là một sự vật mà là một diễn trình (process): Nó luôn luôn được viết lại, được sáng tạo lại. Nó được tạo thành bởi cả ký ức lẫn tưởng tượng. Nó vừa là sự kết tinh từ quá khứ lại vừa là một chiến lược để đối phó với hiện tại và là một dự phóng để hướng tới tương lai. Bởi vậy, ý niệm về bản sắc không ngừng thay đổi theo thời gian và theo những tương quan với thế giới bên ngoài, bao gồm cả các vấn đề chính trị ở quê gốc cũng như ở quê mới. Nói cách khác, trong cái gọi là bản sắc, bao giờ cũng có tính chính trị: Nó được kiến tạo bởi mạng lưới quyền lực và phản ứng trước quyền lực.
Xin nêu một ví dụ: Ở Úc, tôi là người Úc gốc Việt, nghĩa là một loại người Úc khác. Về Việt Nam, tôi là Việt kiều, nghĩa là một loại người Việt khác. Ở đâu tôi cũng là một cái khác. Nhiều người cho tôi vừa là người Úc vừa là người Việt. Thật ra, không phải. Cách nhìn ấy lạc quan quá. Sự thực, tôi vừa không phải Úc vừa không phải Việt Nam. Với cả hai, tôi vừa ở trong vừa ở ngoài. Tôi vừa được chấp nhận vừa bị từ chối. Điều oái oăm là cái phần Việt của tôi bị từ chối ở Việt Nam và cái phần Úc bị từ chối ở Úc. Chỉ là một sự từ chối có mức độ và khá tinh tế. Nhưng dù sao cũng vẫn là từ chối. Hậu quả là tôi có đến hai nước nhưng lại không thuộc hẳn về đâu cả; cái nơi tôi luôn luôn nghĩ tới, tôi lại không thể hoặc không muốn trở về; cái nơi tôi ở, có khi ở vĩnh viễn, tôi lại không thấy gắn bó thật sâu sắc.
Nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera cho chỗ đứng thực sự của một nhà văn Pháp gốc Tiệp khác, Vera Linhartova, – và, có lẽ của chính ông nữa – không thuộc về Tiệp cũng không thuộc về Pháp mà ở “đâu đó” (elsewhere). Giới nghiên cứu Lưu vong học thì quan niệm chỗ đứng của những người lưu vong không phải ở đất nước cũ và cũng không ở đất nước mới mà là ở trên cái dấu gạch nối giữa hai nước (ví dụ: Việt – Úc, Việt – Mỹ, Việt – Pháp, Việt – Đức…). Cái gạch nối ấy vừa tách vừa nối, vừa xoá nhoà vừa khu biệt hai thực thể trước và sau nó. Nhỏ xíu và lúc nào cũng giao động, trên thực tế, nó lại là một khoảng không gian rất mênh mông, nơi các giá trị văn hoá và ý thức hệ không ngừng đối thoại, tương tác, thậm chí, giao tranh và giằng xé lẫn nhau. Lúc thì người ta nghiêng về phía bên trái, quê gốc, quay về quá khứ, để chìm đắm trong hoài niệm; lúc thì người ta nghiêng về phía bên phải, quê mới, hướng đến tương lai, để cố gắng hội nhập. Con mắt nhìn về đâu, tâm trạng thay đổi đến đấy. Nhưng đó không phải là một lựa chọn nhất thành bất biến. Quá trình tương tác, giao tranh hay thương thảo không ngừng tiếp diễn. Có thể nói, cái dấu gạch nối ấy là cái ở giữa (in-betweenness), là không gian xuyên quốc gia (transnation), xuyên văn hoá (transculture) và xuyên ngôn ngữ (translanguage). Trong không gian ở giữa ấy, tôi, cũng như tất cả những người Việt lưu vong khác, và rộng hơn, tất cả những người lưu vong trên thế giới, một khi đã rời khỏi quê hương, trở thành những kẻ vượt biên liên tục.
Sống trên cái gạch nối giữa Việt và Úc, tôi không phải là kẻ rời bỏ quê hương: Tôi chỉ rời bỏ một mảnh đất và mang cả quê hương theo với mình: Cái quê hương ấy, với tôi, như vậy, là một quê hương bị giải lãnh thổ hoá (deterritorialised): Nó không có tính địa lý. Nó chỉ còn là một ký ức, nhưng, nghịch lý thay, đó lại là một thứ ký ức có tính địa lý, có thể được gọi là địa dư ký ức (geography of memory). Khi được hình dung như một thứ địa dư, ký ức bỗng có kích thước thật và mênh mông hơn hẳn: Nó trở thành một thứ quê hương khác của tôi. Hệ quả là: Không phải tôi sống với ký ức. Mà là sống trong ký ức. Ký ức không ở trong tôi. Ký ức bao trùm lấy tôi. Ký ức rộng hơn bản thân tôi. Ký ức, với người khác, có tính trừu tượng, với tôi, có tính vật thể; với người khác, là quá khứ, với tôi, vẫn là hiện tại: Tôi sống trong tình trạng xuyên thời gian (transtemporarity) và xuyên lịch sử (transhistory) liên tục.
Viết, với một thứ bản sắc lai ghép và trong không gian của một cái gạch nối nhỏ-xíu-mênh-mông-không-ngừng-giao-động như thế, tôi không thể giống hẳn những người Úc thực sự, ngay cả những người Úc đồng nghiệp ngồi làm việc và viết lách sát bên tôi. Tôi có những thao thức khác: thao thức về Việt Nam, trong đó, có cả tiếng Việt, thứ tiếng nói có khả năng va chạm vào từng sợi dây thần kinh nhục cảm của tôi: Chỉ với nó, tôi mới thấy thật “đã” khi cầm bút. Tôi cũng không thể giống hẳn những người Việt Nam cầm bút ở Việt Nam. Tôi có những bận tâm khác: bận tâm về ký ức, về tương lai, về môi trường đa văn hoá, về ý niệm sở thuộc (belonging) và biên giới, về màu da, về kinh nghiệm vượt biên và bị kỳ thị, về một thứ bản sắc kép (double identity), và đặc biệt, về ám ảnh của cái khác, không phải chỉ những cái khác ở ngoài mà còn những cái khác của chính tôi.
Nguyễn Hưng Quốc
DienDanTheKy (01.09.2024)