Bị bóc lột: thực tập sinh phải làm việc 66 giờ một tuần

Danny Voigtländer, ban biên tập Kinh doanh và Tư vấn – MDR 16-10-2024
Nguyễn Hàn Giang biên dịch

DĐKP giới thiệu: Vừa qua, đài MDR (Mitteldeuscher Rundfunk – Đài truyền thông Trung Đức) có một tường trình về tình trạng bi thảm của các em thực tập sinh ở Đức bị lừa đảo. Đài MDR thuộc nhà nước và chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt về thông tin trung thực, đáng tin cậy. Các em học việc từ Việt Nam và bậc cha mẹ nên tìm hiểu ngọn ngành trước khi quyết định.

***

Ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam được đào tạo tại Đức. Nhưng mô hình tốt đẹp cũng có nhiều mặt tối của nó. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những học viên này thường bị lợi dụng như thế nào. Ngoài ra, một người trong cuộc đã cung cấp thêm thông tin bên trong.

 

Thực tập sinh ngành nấu ăn làm việc 66 giờ một tuần với mức lương một nửa của hợp đồng

Xuân, 21 tuổi (tên do ban biên tập thay đổi) đến từ Việt Nam, sống ở Berlin từ đầu tháng 8/2024 để được đào tạo thành chuyên viên nấu ăn. Bản thân ông chủ của anh vốn xuất thân là người Việt nhập cư. Dù hợp đồng đào tạo của Xuân quy định thời gian làm việc hàng tuần là 40 giờ nhưng anh bạn trẻ cho biết, anh phải làm việc trung bình 66 giờ mỗi tuần ở nhà hàng. Sau một tháng, anh nhận được 419 euro tiền mặt dưới dạng trợ cấp đào tạo thay vì 1.100 euro như thỏa thuận trong hợp đồng. Anh ta phải trả 350 euro mỗi tháng tiền thuê phòng. Ngoài ra còn có chi phí cho các cuộc gọi điện thoại, giao thông công cộng, phí ngân hàng, thực phẩm và những thứ linh tinh khác.

“Tôi được nghỉ một ngày mỗi tuần nhưng tôi chỉ biết chuyện đó vào ngày hôm trước. Tôi có cảm giác rằng, ông chủ đối xử với tôi, như thể tôi là người sống ở đây trái phép”, Xuân kể với MDR chỉ vài ngày trước. Bây giờ anh ấy đã nhận được giấy báo bị sa thải.

 

Thanh niên 21 tuổi phản đối việc bị bóc lột bằng cuộc biểu tình một người

Việc ông chủ của Xuân vi phạm hợp đồng đào tạo một cách trắng trợn cho thấy, ông ta biết rằng học viên người Việt của mình có rất ít khả năng tự vệ. Với tư cách là một người chủ, rõ ràng ông suy đoán rằng thanh niên Việt Nam không quen với luật pháp Đức, họ muốn tránh mọi rắc rối và chịu áp lực tinh thần là không được thất bại. Xuân nói: “Khi tôi mới vào, các thực tập sinh khác đã kể cho tôi nghe về những trải nghiệm tương tự. Tuy nhiên, họ không đủ can đảm để nói chuyện với người chủ về điều đó mà chỉ cúi đầu chấp nhận”.

Xuân không muốn chấp nhận việc mình bị bóc lột. Anh đã dũng cảm biểu tình bằng một tấm áp phích phản đối tự viết tay, và trước nhà hàng đào tạo của mình cho đến khi công an chú ý đến sự việc. Các sĩ quan sau đó đã thẩm vấn người chủ tiệm ăn. Đến tối, người môi giới chỗ học việc xuất hiện, dọa sẽ đưa học viên ra tòa. Chuyện đó xảy ra hai tuần trước. Xuân không biết, cảnh sát sẽ làm gì tiếp theo. Bây giờ anh ấy cần tìm gấp một công ty đào tạo mới để có thể ở lại Đức.

Chàng trai 21 tuổi biểu tình bằng tấm áp phích phản đối tự viết trước công ty đào tạo của mình.  

Nhà môi giới lừa đảo đã môi giới một hợp đồng đào tạo không hợp lệ

Thực tập sinh ngành ẩm thực, Xuân cũng đã liên hệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Berlin. Từ đó anh nhận được thông báo rằng, hợp đồng đào tạo của mình không hợp lệ. Hợp đồng được ký kết một cách bất hợp pháp với người có tên trong đó là người huấn luyện. Theo thông tin riêng của Xuân, IHK không đưa ra lời giải thích nào thêm cho anh ấy.

Theo Xuân, anh cũng chợt nhận ra: người được chỉ định trong hợp đồng là huấn luyện viên, cũng chính là người môi giới cho anh vị trí học việc này. Anh ta thậm chí không phải là nhân viên của nhà hàng và do đó không thể đào tạo ai được. Xuân trả cho anh ta khoản phí môi giới là 6.000 euro. Người môi giới cung cấp dịch vụ của anh ta thông qua Facebook, các trường dạy tiếng Việt, các cơ quan giới thiệu việc làm và các cá nhân, cho biết họ có thể dễ dàng nhận các vị trí đào tạo từ anh ta. “Người môi giới của tôi có mối quan hệ chặt chẽ với một số công ty Việt Nam ở Berlin và đưa các thực tập sinh từ Việt Nam đến các nhà hàng, nơi đang cần lao động giá rẻ”, chàng trai 21 tuổi giải thích. Đối với Xuân, việc các học viên bị bóc lột rõ ràng là một phần của thỏa thuận [giữa người môi giới và các doanh nghiệp đào tạo].

Trong một nhóm Facebook, Xuân cũng biết được 2 thực tập sinh tiềm năng khác ở công ty mình đã nhận được thông báo từ IHK rằng, hợp đồng đào tạo của họ không hợp lệ. Cả hai vẫn đang ở Việt Nam và kế hoạch học việc của họ tạm thời thất bại. Chỉ khi họ có thể tìm được công ty đào tạo khác thì họ mới có thể xin visa mới để vào Đức.

Khi được MDR hỏi, Phòng Công nghiệp và Thương mại Berlin không muốn bình luận về các trường hợp cụ thể và chỉ ra rằng, về nguyên tắc, họ không thể cung cấp thông tin về các vấn đề cụ thể của các công ty hội viên của họ. Stefan Mathews, người đứng đầu bộ phận tư vấn đào tạo tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Berlin, viết cho nhóm biên tập „Kinh tế và Tư vấn“ của MDR: “Một trong những nhiệm vụ thiết yếu của chúng tôi là giám sát việc đào tạo theo các quy định của Đạo luật Đào tạo nghề. Nếu các mối quan hệ đào tạo bị chấm dứt hợp đồng vì một lý do nào đó, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giới thiệu thực tập sinh vào các công ty khác khi cần thiết”.

Vẫn còn phải xem liệu Xuân có tìm được công ty đào tạo mới đủ nhanh hay không. Dù sao, chàng trai trẻ tin rằng người môi giới lừa đảo kia sẽ không tiếp tục giúp anh ta.

 

Nghiên cứu hiện tại tiết lộ những vấn đề mà thực tập sinh Việt Nam ở Đức gặp phải

Khi Bộ trưởng Lao động Liên bang Hubertus Heil ký thỏa thuận hợp tác tuyển dụng lao động có tay nghề Việt Nam tại Hà Nội vào đầu năm nay , ông giải thích rằng đó là nhằm “xóa bỏ các rào cản quan liêu và cũng đảm bảo rằng những người đến với chúng tôi ở Đức đều được đối xử công bằng” .

Nghiên cứu hiện tại của Đại học Tự do Berlin cho thấy điều này thường không xảy ra, trong số những vấn đề khác, trên quan điểm của những người lao động có tay nghề và thực tập sinh nhập cư từ Việt Nam. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu đáng tin cậy từ các cuộc trò chuyện ở Đức và Việt Nam, đồng thời ghi lại diễn biến các trường hợp riêng lẻ.

Các tác giả nghiên cứu đi đến kết luận rằng việc nhập cư từ Việt Nam thường diễn ra trong điều kiện kinh tế cá nhân khó khăn. Theo đó, các thực tập sinh đến từ Việt Nam thường xuyên là nạn nhân của sự bóc lột, có nguy cơ khiến họ không thể hội nhập.

 

Thực tập sinh phải gánh nợ khi học tập ở Đức

Thanh niên Việt Nam xuất thân từ các gia đình kinh tế yếu kém, họ muốn kết hợp việc đào tạo và việc làm ở Đức với triển vọng có cuộc sống tốt hơn. Vô số cơ quan có trụ sở tại Việt Nam có mạng lưới cần thiết ở nước ngoài sẵn sàng hợp tác. Các mạng lưới này hoạt động chủ yếu thông qua sự hợp tác với những người Việt Nam sống ở các quốc gia nhập cư và hiểu rõ nhu cầu của người sử dụng lao động địa phương. Các cơ quan Việt Nam cũng có mục tiêu liên hệ với các cơ quan tuyển dụng Đức.

Thanh niên Việt Nam sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các cơ quan môi giới việc làm để được đào tạo, hoặc tìm việc làm tại các viện dưỡng lão, bệnh viện hoặc nhà hàng ở Đức. Trong số những thứ khác, dịch vụ này bao gồm việc tổ chức các khóa học ngoại ngữ, trợ giúp về việc xin thị thực, nộp đơn và hỗ trợ thêm ở quốc gia nhập cư. Tuy nhiên, những dịch vụ này tốn rất nhiều tiền. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Tự do Berlin, trường ngoại ngữ và giới thiệu chỗ đào tạo có giá từ 12.000 đến 20.000 euro – một gia tài không hề nhỏ đối với người Việt với mức lương trung bình tương đương 230 euro mỗi tháng. Nhiều học viên và gia đình họ phải gánh nợ nần chồng chất mới có thể trang trải học phí. Như vậy khi đến Đức, những người mới đến phải chịu áp lực rất lớn.

 

Nếu việc huấn luyện thất bại, lựa chọn duy nhất thường là làm việc bất hợp pháp

Theo cổng thống kê Statista, trợ cấp đào tạo trung bình hàng tháng ở Đức cho tất cả các lĩnh vực đào tạo là 1.066 euro vào năm 2023. Ngoài việc trang trải chi phí sinh hoạt, việc phải trả một núi nợ lớn là gánh nặng đối với thực tập sinh Việt Nam.

Birgitt Röttger-Rössler, giáo sư cấp cao tại trường, giải thích: “Mức lương của thực tập sinh không đủ để giảm nợ, đó là lý do tại sao hầu hết họ phải làm thêm giờ, từ đó dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến khả năng học tập của họ”. Bà là giáo sư thuộc Viện Nhân chủng học Văn hóa và Xã hội của Đại học Tự do Berlin, cũng là một trong những người chủ trì dự án nghiên cứu “Người nhập cư mới từ Việt Nam”. Rất ít người có đủ sức lực và thời gian để tham gia các khóa học tiếng Đức bổ sung vào buổi tối. Kết quả là, nhiều người rơi vào vòng xoáy quá tải tai hại, không thể theo học các trường dạy nghề do thiếu kỹ năng ngôn ngữ và sau đó sẽ bỏ dở việc đào tạo.

Nếu không có hợp đồng đào tạo trong tay, giấy phép cư trú của họ cũng sẽ hết hiệu lực. Với khoản nợ và mất thể diện, việc trở về Việt Nam không phải là một lựa chọn đối với hầu hết mọi người. Birgitt Röttger-Rössler cho biết: “Đối với nhiều người, lựa chọn duy nhất là làm việc bất hợp pháp trong các mối quan hệ bóc lột lao động – ví dụ như trong các tiệm làm móng tay, trong ngành mua bán tình dục hoặc làm công nhân xây dựng”. Phụ nữ thường cố gắng để có được giấy phép cư trú hợp pháp cho một đứa trẻ sơ sinh thông qua cái gọi là quan hệ cha con giả – tuy nhiên, đó là một thực tế có nhiều rủi ro và cũng tốn kém.

Điều quan trọng đối với nhà khoa học là phải nhấn mạnh rằng, phần lớn các thực tập sinh trẻ đến Đức một cách hợp pháp và muốn có một cuộc sống hợp pháp. Thật không may, điều này thường thất bại do các yếu tố được đề cập ở trên.

Birgitt Röttger-Rössler là một trong những người đứng đầu dự án nghiên cứu “Người nhập cư mới từ Việt Nam” của Đại học Tự do Berlin. (Bản quyền ảnh: Miriam Klingl)

Giám sát tại chỗ các cơ quan lừa dối học viên

Nếu thực tập sinh Việt Nam ở Đức cần hỗ trợ, nhân viên của cơ quan giới thiệu việc làm nên giúp đỡ tại chỗ – ví dụ như các vấn đề hành chính hoặc tìm chỗ ở. Nghiên cứu “Người nhập cư mới từ Việt Nam ” của Đại học Tự do Berlin cho thấy những người chăm sóc này, dù có hay không có sự hiểu biết của cơ quan, thường chỉ làm giàu cho mình từ khách hàng và trong trường hợp xấu nhất, thậm chí còn lừa dối họ.

Các nhà khoa học đã ghi lại trường hợp của một y tá 20 tuổi trong ngành chăm sóc người già. Cô tràn đầy hy vọng, đã trả cho cơ quan môi giới đó 12.000 euro phí: Sau khi đến Berlin, cô phải ở chung một căn phòng rộng 15 mét vuông không có đồ đạc với một người khác với giá thuê hàng tháng là 400 euro. Một thời gian ngắn sau, cô bị chủ nhà đuổi ra khỏi căn hộ vì người chăm sóc cô không trả trước tiền thuê nhà. Người phụ nữ trẻ bất ngờ thấy mình bị đẩy ra đường phố. Việc tìm kiếm một nơi ở mới trong thị trường nhà ở cạnh tranh ở Berlin rất khó khăn và kéo dài. Vì thực tập sinh không thể mở tài khoản nếu không có giấy chứng nhận đăng ký lưu trú, nên cô không nhận được bất kỳ khoản lương thực tập sinh nào. Nhân viên cơ quan chịu trách nhiệm về cô ấy đã biến mất, không bao giờ xuất hiện nữa.

Những tình huống cuộc sống bấp bênh như thế này thường khiến việc học tập luyện bị bỏ dở. Trưởng dự án nghiên cứu Birgitt Röttger-Rössler nói: “Các cá nhân khi đó có thể dễ dàng rơi vào tình trạng bất hợp pháp vì giấy phép cư trú của họ ở Đức phụ thuộc vào việc đào tạo. Việc trở về nhà với các khoản nợ là điều không thể đối với họ. Thay vì hòa nhập thành công, họ sống dưới cái bóng của xã hội Đức”.

Theo nghiên cứu, các cơ quan thường chọn những người làm giám sát viên mà trước đây họ đã bố trí vào các mối quan hệ việc làm và đào tạo. Bởi vì những người này đã mắc một khoản nợ đáng kể khi đến Đức, họ buộc phải dùng mọi cách có thể để kiếm tiền trả bớt khoản nợ này. Điều này cũng bao gồm phương pháp tính phí bổ sung cho các dịch vụ của họ.

 

Các cơ quan môi giới bất chính thu hút doanh nghiệp tuyển dụng bằng mức giá thấp

Đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài có thể là một công việc kinh doanh sinh lợi. Trong cuộc cạnh tranh giữa các đại lý, nhiều nhà cung cấp cố gắng thu hút nhà tuyển dụng với mức phí đặc biệt thấp. Birgitt Röttger-Rössler, nhà nhân chủng học văn hóa và xã hội chuyên về Đông Nam Á, cho biết: “Các cơ quan giới thiệu việc làm được hưởng lợi rất nhiều từ điều này và đó là một trong những ‘thủ thuật kinh doanh’ để có thể cung cấp cho các công ty Đức nhân viên hoặc thực tập sinh một cách ‘không tốn kém’”.

Jens Günther là giám đốc điều hành của một công ty Dresden đang tìm kiếm công nhân lành nghề Việt Nam cho các công ty Đức và cũng làm việc với các công ty khác ở Việt Nam. Đối với gói dịch vụ mà ông ấy cung cấp, người chủ doanh nghiệp phải trả 9.000 euro nếu ông ta có thể bố trí một chuyên gia đã qua đào tạo hoặc 3.500 – 4.500 euro nếu họ bố trí một học viên. Các doanh nghiệp này có thể khẳng định rằng, có những cơ quan giới thiệu việc làm ở Việt Nam hoặc Đức thực hiện các đề nghị bán phá giá với chi phí của công nhân lành nghề và thực tập sinh từ Việt Nam: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi biết rằng một số cơ quan bán thực tập sinh hoặc công nhân lành nghề cho người Đức chỉ với giá 2.000 – 3.000 euro Đổi lại, các thực tập sinh tương lai và gia đình của họ bị lừa với phí môi giới việc làm cao và được khuyến khích vay các khoản vay lớn để những người trung gian có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ họ“.

Günther nói: Một số người có thể thấy hợp lý khi gia đình của các chuyên gia có tay nghề hoặc thực tập sinh từ Việt Nam, đôi khi bị tính phí giới thiệu việc làm cao để có thể cung cấp cho các nhà tuyển dụng ở Đức với mức phí rẻ, nhưng chúng tôi coi đây là hành vi buôn người, không hơn không kém. Các doanh nghiệp Đức không nên làm ngơ trước tình trạng này. Công ty môi giới có thể tính phí tuyển dụng cao hơn cho doanh nghiệp, nhưng do đó họ phải bảo đảm rằng không ai làm giàu cho bản thân một cách bất chính từ các học viên.

Birgitt Röttger-Rössler, chuyên gia văn hóa và xã hội, giải thích: “Các thỏa thuận song phương hoặc tuyên bố về ý định, được xây dựng sau nhiều dự án mẫu khác nhau giữa Đức và Việt Nam để tuyển dụng lao động có tay nghề, quy định rằng các công nhân hoặc thực tập sinh có tay nghề tiềm năng không phải trả bất kỳ khoản phí nào”. Nhà nhân chủng học tại Đại học Tự do Berlin phát biểu. Tuy nhiên, Đức không thể giám sát các cơ quan ở Việt Nam hoặc xử phạt họ. Chỉ có một số cơ quan ở Việt Nam thực sự được nhà nước kiểm soát. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng các cơ quan tuyển dụng của Đức không phải lúc nào cũng làm việc hoàn toàn nghiêm túc.

 

Chuyên gia kêu gọi sự nhạy cảm từ các công ty đào tạo

Các công ty đào tạo ở Đức tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam thường không biết gì về hành vi đáng ngờ của các cơ quan môi giới hay gánh nặng nợ nần mà thanh niên Việt Nam bắt đầu khởi nghiệp ở Đức. Bản thân các thực tập sinh cũng không nói gì vì cảm thấy phụ thuộc vào công ty và sợ quyền lực của họ.

Birgitt Röttger-Rössler nhìn thấy cách duy nhất để thoát khỏi cảnh khốn cùng bằng cách kiềm chế các cơ quan đáng ngờ và nhà nước kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, cần có thêm thông tin về các lựa chọn thay thế cho các cơ quan tốn kém và không công bằng ở Việt Nam hoặc mạng xã hội tiếng Việt. Những người bị ảnh hưởng cần phải trao đổi kinh nghiệm về những trải nghiệm tiêu cực của họ. “Tuy nhiên,” Birgitt Röttger-Rössler chỉ ra, “chúng tôi có ấn tượng rằng nhiều người thậm chí không biết rằng họ thực sự đang bị lợi dụng.”

 

Số lượng thực tập sinh Việt Nam tại miền Trung nước Đức ngày càng tăng

Số lượng thực tập sinh có quốc tịch Việt Nam làm công việc thuộc diện có đóng bảo hiểm xã hội tại Đức ngày càng tăng qua nhiều năm. Theo cơ quan thống kê việc làm, có khoảng 1.300 người trên khắp nước Đức vào năm 2015, nhưng vào cuối năm 2023 đã lên đến hơn 12.000 người. Năm 2023, khoảng 1.350 học viên từ Việt Nam đã được đào tạo tại Saxony, gấp 5 lần so với năm 2015. Trong cùng thời gian đó, số lượng học viên của họ đã tăng từ 46 lên 625 ở Saxony-Anhalt và từ 130 lên 969 ở Thuringia.

Birgitt Röttger-Rössler, giám đốc dự án nghiên cứu “Người nhập cư mới từ Việt Nam“, cho rằng những vấn đề được mô tả trong nghiên cứu của bà cũng có liên quan đến miền Trung nước Đức. Bà nói: “Các công ty Việt Nam bố trí thực tập sinh ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những thành phố nhỏ hơn, vì cơ chế hoạt động ở đâu cũng giống nhau. Ngay cả khi việc đó có thể dễ dàng hơn đối với họ ở những khu vực nhỏ hơn với giá thuê rẻ hơn”.

Danny Voigtländer, ban biên tập Kinh doanh và Tư vấn – MDR 16-10-2024
Nguyễn Hàn Giang biên dịch

Nguồn https://www.mdr.de/nachrichten/deutschland/wirtschaft/vietnam-auszubildende-deutsche-unternehmen-110.html

Lưu ý người dịch: Những tệ nạn nói trên thường dễ dàng xảy ra khi tay ba (người môi giới, doanh nghiệp đào tạo và thực tập sinh) cùng thuộc một cộng đồng sắc tộc. Cho nên, việc kiếm những ngành nghề mà chủ doanh nghiệp thường là người bản địa khác sắc tộc, cũng có thể hạn chế phần nào những tại nạn nêu trên, vì người môi giới khó làm những chuyện bất chính.

 

Nguồn: Diendankhaiphong