„Đại biểu quốc hội là đảng viên. Quốc hội là đảng hội. Đảng làm không được thì đảng chịu trách nhiệm. Đổ thừa cho quốc hội “nghẽn chỗ này, nghẽn chỗ kia” là đảng chạy trốn trách nhiệm.“

 

Trương Nhân Tuấn

 

Ông Tô Lâm phát biểu trong phiên họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV có đoạn nói về “điểm nghẽn” và “thể chế”. Nguyên văn:

“Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”…

 

Tôi thấy nhiều người hiểu sai nội hàm của từ “thể chế”. Vì vậy có những suy diễn khá xa so với những gì ông Tô Lâm muốn nói. Thể chế ở đây là “institution”, hoàn toàn khác biệt với “chế độ”.

 

Theo tôi, trong trường hợp này ông Tô Lâm nên nói là “định chế”, thay vì “thể chế”. Quốc hội là “cơ quan lập pháp”, (tức là nơi làm ra các bộ luật), là một “định chế pháp lý nắm giữ quyền lực tối cao trong quốc gia”. Xài chữ “thể chế” dễ lẫn lộn với “chế độ”, không làm rõ rệt vai trò của quốc hội.

 

Ông Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội, về vai trò (yếu kém) của Quốc hội, bao gồm định chế, nhân lực và hạ tầng, trong công tác “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Những điểm yếu kém của Quốc hội được ông Tô Lâm “kê” ra như sau:

 

“…Một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân. Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt.

 

Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

 

Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ…”

 

Theo tôi, sự yếu kém của Quốc hội thể hiện qua sự bất cập trong nội dung các điều luật (hay bộ luật) hiển nhiên đến trực tiếp từ yếu tố nhân sự. Toàn bộ nhân sự (đại biểu Quốc hội) đều là đảng viên. Quốc hội hiện thời là “đảng hội”, tức là “hội” của đảng chớ không phải của dân. Những người trí thức, người có thực học, có hiểu biết… không ai gia nhập đảng cộng sản hết cả.

 

Cả một trường đại học quốc gia về luật mà đi bảo kê bằng tiến sĩ cho một ông thầy chùa bá vơ thì trình độ hiểu biết về “luật” của đảng viên nhiều lắm cũng bằng ông thầy chùa đó mà thôi!

 

Công tác “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thực tế là chuyện bắt chước mô hình “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa” của Trung cộng. Cá nhân tôi đã bàn về việc này từ những năm 90 thế kỷ trước.

 

Đầu thập niên 90, do áp lực của việc hội nhập, đảng cộng sản Trung Hoa bắt buộc phải thay đổi định chế pháp lý, thay đổi nội hàm pháp chế xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với pháp chế tư bản chủ nghĩa. Để làm gì ? Để bảo đảm với những nhà đầu tư nước ngoài rằng vốn liếng đầu tư của họ được quốc gia Trung cộng bảo đảm “cả vốn lẫn lời”. Trung cộng cam đoan không sử dụng “luật rừng” xã hội chủ nghĩa để quốc hữu hóa của cải của tư bản nước ngoài. Nhờ vậy Trung cộng mới được gia nhập WTO năm 2000.

 

Việt Nam bắt chước Trung cộng xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Loay hoay đến nay là 35 năm, mèo lại hoàn mèo. “Theo Wiki: Mèo lại hoàn mèo là tên một câu chuyện ngụ ngôn nhằm khuyên răn mọi người cần nhìn nhận đúng và lượng sức mình để có một thái độ khiêm tốn, không nên huênh hoang, phô trương quá sức mình.”

 

Đến nay chưa thấy ai định nghĩa được chữ “quyền” trong “pháp quyền” có nghĩa là gì ? Là quyền trong quyền lực (power) ? Là quyền trong quyền lợi (right) ? Là quyền trong pháp quyền (jurisdiction) ? Hay là quyền biến, hiểu sao cũng được ?

 

Theo tôi, chuyện “đại bàng không làm ổ trên ngọn tre” hoàn toàn không do luật lệ. Đâu phải rủ được ông giám đốc Jensen Hoang của NVidia qua Hà nội ăn phở Bắc thì đại bàng làm ổ ở Việt Nam đâu ? Microsoft hay Google cũng vậy. Trường hợp Mã Lai, đại bàng rục rịch vỗ cánh bỏ đi vì lý do thủ tướng Ibrahim thỏa thuận với Hoa Vi để đặt mạng 5G cho Mã Lai. Đại bàng họ sợ Trung cộng ăn cắp bí quyết chớ không phải vì luật lệ nọ kia. Chủ Viettel là mấy ông súng dài. Không ai nói chuyện tay đôi với súng ống hết cả.

 

Còn chuyện muốn móc túi dân vì “vàng trong dân còn nhiều lắm” là không dễ. Cán bộ cộng sản còn không tin được cộng sản. Cán bộ có tiền hầu hết tuồn ra nước ngoài (Mỹ, Úc, Anh, Pháp…) mua nhà, mở tiệm phở, tiệm ăn…  Trong làm ăn thì nền tảng là sự tin tưởng. Quốc hội “vô can” trong chuyện thiết lập lòng tin giữa dân và lớp lãnh đạo.

Chính ông Trọng đã nói “tham nhũng là giặc nội xâm“. Ông Tô Lâm mới đây có nói “lãng phí là giặc nội xâm“. Có người dân nào tin tưởng ở “giặc” ?

 

Còn về bộ máy hành chính “không hiệu quả”. Nguyên nhân là do hệ thống quyền lực “song trùng” bên đảng, bên nhà nước. Hôm qua tôi có nói rồi. Đã có tổng bí thư rồi thì cần gì chủ tịch nước ? Đã có Ban chấp hành Trung ương rồi, chuyện quốc gia đại sự nào cũng do nơi đây quyết định hết rồi, thì cần gì đến Quốc hội ? Hoặc đã có Bộ Chính trị rồi, nơi đây điều hành mọi chuyện hết rồi, thì cần gì đến nội các chính phủ ?

 

Hai nhánh quyền lực song hành, bên chỉ huy ngồi phòng trà ra lịnh cho bên kia thi hành. Không hiệu quả là do đảng ra lịnh tầm bậy hay do nhà nước làm tầm bậy ? Và vì vậy mới có sự “lãng phí”. Sự hiện hữu của đảng là một lãng phí. Ba người dân phải nuôi một ông cán bộ. Dân nào chịu nổi ? 

 

Theo tôi, sẽ không bao giờ có “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Chữ “pháp quyền” không ai biết nội hàm nó là gì ? Còn xã hội chủ nghĩa không biết 100 năm nữa có nó hay chưa !

 

Đại biểu quốc hội là đảng viên. Quốc hội là đảng hội. Đảng làm không được thì đảng chịu trách nhiệm. Đổ thừa cho quốc hội “nghẽn chỗ này, nghẽn chỗ kia” là đảng chạy trốn trách nhiệm.

 

TRƯƠNG NHÂN TUẤN (22.10.2024)