„Nhà nước Việt Nam không cần phải để ý cải thiện nhân quyền mà chỉ cần thỏa hiệp với các quốc gia thân thiện với Việt Nam trong khu vực để họ bầu cho mình là đủ.“

Cao Nguyên

 

Hai lần Việt Nam đắc cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ không phải do thành tích nhân quyền cải thiện, mà bởi nước này đã tận dụng triệt để “kẽ hở” của cơ chế ứng cử và bầu cử để giành được một ghế trong hội đồng này.

Quang cảnh bên trong một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tháng 2 năm 2024. REUTERS

Việt Nam tái ứng cử Hội đồng nhân quyền LHQ

Ngày 12/12/2024, phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc đã công bố quyết định tái ứng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2026-2028. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia ứng cử, sau hai nhiệm kỳ đã đắc cử, bao gồm các năm 2014-2016 và 2023-2025.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết Hà Nội tái ứng cử với mục đích chứng tỏ với người dân trong nước rằng Việt Nam có uy tín trên trường quốc tế:

“Thứ hai là họ có một cái diễn đàn thường trực tại Hội đồng nhân quyền LHQ để phản biện lại những lời chỉ trích, lên án của các chính quyền, của các định chế nhân quyền LHQ cũng như của những người đấu tranh cho nhân quyền.”

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung cho rằng nhân quyền xưa nay vẫn luôn là trở ngại của Việt Nam khi muốn thúc đẩy mối quan hệ song phương Mỹ hay các nước dân chủ khác. Nếu một lần nữa giành được một chiếc ghế trong cơ quan nhân quyền cao nhất LHQ, Việt Nam có thể xóa bỏ rào cản về nhân quyền để tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia khác.

Việc có mặt trong Hội đồng nhân quyền, theo ông Thắng, không hẳn hoàn toàn có lợi cho nhà nước Việt Nam. Bởi, khi ngồi vào ghế trong hội đồng, Việt Nam buộc phải lắng nghe và giải trình toàn bộ những báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền do các báo viên đặc biệt thực hiện. Ngoài ra, những người hoạt động nhân quyền có thể vận động quốc tế tạo áp lực để Việt Nam buộc phải tuân thủ những điều mà mình đã cam kết về nhân quyền khi họ tự ứng cử.

 

Trách nhiệm của thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ

Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam phải tuân thủ các trách nhiệm được quy định trong Nghị quyết 60/251

Nghị quyết này yêu cầu các thành viên duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cả trong nước lẫn quốc tế. Trong quá trình ứng cử và suốt nhiệm kỳ, các thành viên phải đưa ra và thực hiện các cam kết cải thiện tình hình nhân quyền tại quốc gia mình. 

Đồng thời, các thành viên có trách nhiệm hợp tác đầy đủ với Hội đồng Nhân quyền, bao gồm việc phối hợp với các thủ tục đặc biệt, trả lời các yêu cầu điều tra, và cung cấp thông tin cần thiết. 

Ngoài ra, họ phải tham gia Chu kỳ Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) với tư cách là đối tượng được đánh giá và cam kết thực hiện đầy đủ các khuyến nghị từ cơ chế này.

 

Hồ sơ nhân quyền “tệ hại”

Tuy nhiên, Việt Nam đã không làm trong bổn phận bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của mình trong tư cách là thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ. 

Vào tháng 9/2024, trong bài phát biểu của tại Phiên thông qua kết quả Đợt Kiểm định Phổ quát của Hội đồng nhân quyền, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch đã chỉ trích các cam kết cải thiện nhân quyền của Việt Nam vẫn là lời hứa suông.

Tổ chức này bày tỏ sự thất vọng khi Việt Nam bác bỏ 49 khuyến nghị của các nước sau Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 4. Trong đó có các khuyến nghị kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ; bảo vệ quyền tự do ngôn luận và chấm dứt việc kiểm duyệt bằng Luật An ninh mạng; Dừng đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập không được nhà nước công nhận; Nới lỏng kiểm soát đối với các tổ chức xã hội dân sự độc lập; điều tra các cáo buộc tra tấn, đối xử vô nhân đạo đối với người bị giam giữ…

Nhìn lại tình hình nhân quyền từ đầu năm 2023 – khi vừa trúng cử vào hội đồng nhân quyền cho đến nay, Việt Nam luôn bị xếp cuối các bảng xếp hạng về nhân quyền của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Ví dụ, Freedom House liên tục xếp Việt Nam trong nhóm “Không có tự do” với chỉ số tự do Internet chỉ đạt 22/100 điểm trong 5 năm gần đây. Theo tổ chức CIVICUS, Việt Nam thuộc nhóm có “không gian dân sự đóng” khi nhiều nhà hoạt động xã hội và các quan chức cải cách bị đàn áp. Về tự do tôn giáo, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách Theo Dõi Đặc Biệt (SWL) của Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

Vì sao vẫn đắc cử?

Bất chấp thành tích nhân quyền tồi tệ, hồi tháng 10/2022, Việt Nam vẫn trúng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ với 145 trong số 189 phiếu, bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 1/1/2023.

Không chỉ có Việt Nam, mà còn nhiều quốc gia đàn áp nhân quyền trầm trọng khác cũng được bầu vào Hội đồng nhân quyền. Trung cộng, Cuba đang là thành viên của hội đồng này và sẽ cùng hết nhiệm kỳ vào năm 2026. Nga cũng từng là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhưng đã bị đình chỉ tư cách thành viên vào tháng 4/2022 vì tấn công xâm lược Ukraine. Nga, sau đó cũng tự rút tên ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao một quốc gia có thành tích nhân quyền gây tranh cãi như Việt Nam vẫn có thể đắc cử vào Hội đồng nhân quyền.

Theo những chuyên gia nhân quyền mà RFA phỏng vấn, vấn đề nằm ở cơ chế bầu cử vào hội đồng này. Thành tích nhân quyền không phải là một điều kiện bắt buộc khi các quốc gia tự ứng cử.

Thứ nhất, cơ chế bầu cử dựa trên phân bổ theo địa lý. Có 47 ghế trong hội đồng sẽ được chia cho 5 khu vực, bao gồm: châu Phi: 13 ghế, Mỹ Latinh và Caribe: 8 ghế; Tây Âu: 7 ghế, Đông Âu: 6 ghế, khu vực châu Á – Thái Bình Dương: 13 ghế.

Việc phân chia ghế theo nhóm theo địa lý được giải thích là nhằm mục đích ngăn chặn sự tập trung không cân xứng vào một số ít khu vực và quốc gia, đồng thời đảm bảo rằng mọi quốc gia đều có cơ hội được xem xét công bằng. Tuy nhiên, đây cũng được coi là kẽ hở để các quốc gia có thành tích nhân quyền yếu kém tận dụng để được trúng cử vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Ông Nguyễn Đình Thắng chỉ ra rằng nếu trong một khu vực có rất ít ứng viên, cơ hội đắc cử của các quốc gia này gần như được đảm bảo. 

Ví dụ, khi Hội đồng nhân quyền LHQ bầu lại 14 ghế vào tháng 11/2022 thì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 4 ghế trống với 6 ứng viên. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á chỉ có một mình Việt Nam tự ứng cử. Do đó, tỷ lệ cạnh tranh là không quá cao.

Thứ hai, hình thức bỏ phiếu kín giúp các quốc gia độc tài dễ dàng ủng hộ lẫn nhau mà không sợ áp lực từ các tổ chức nhân quyền hoặc cộng đồng quốc tế. Nguyễn Tiến Trung nhận định:

“Các nước châu Á thì là đa số các nước vẫn là độc tài. Những chế độ độc tài thì họ hay bầu cho nhau. Cho nên đó lý do mà tại sao là dù có thành tích nhân quyền kém cỏi, có thể nói là đứng hạng chót trên thế giới ở hầu hết các lĩnh vực về nhân quyền nhưng mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn thắng cử trong hội đồng nhân quyền.”

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng Việt Nam đã và sẽ tận dụng triệt để các cơ chế bầu cử này cho lần ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028. Nhà nước Việt Nam không cần phải để ý cải thiện nhân quyền mà chỉ cần thỏa hiệp với các quốc gia thân thiện với Việt Nam trong khu vực để họ bầu cho mình là đủ:

“Nếu muốn đắc cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ tới thì Việt Nam chẳng cần phải làm gì nhiều. Họ chỉ cần phải đi điều đình với các quốc gia khác, kêu gọi họ bỏ phiếu cho Việt Nam.”

RFA (24.12.2024)