„Các nhà lý luận quân sự Trung cộng hiện thường xuyên gọi kho vũ khí hạt nhân hiện đại hóa của nước này là “con át chủ bài” có thể cản trở sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề khu vực…
Để làm giảm đà của Trung cộng và giành lại thế chủ động, Mỹ cần một chiến lược đối trọng có thể chứng minh uy tín với các đối tác trong khu vực và thay đổi tính toán của Bắc Kinh.“
Kyle Balzer and Dan Blumenthal ( Foreign Affairs, 21/11/2024)
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Kho vũ khí ngày càng phình to của Bắc Kinh có mục đích làm tan rã hệ thống liên minh của Mỹ tại châu Á.
Kể từ năm 2018, các nhà phân tích quốc phòng Mỹ đã nhiều lần xác định Trung cộng là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ. Họ đã mô tả Bắc Kinh bằng nhiều cách khác nhau như là một “thách thức mang tính hệ thống” (systemic challenge), một “mối đe dọa lâu dài” (pacing threat) và thậm chí là một “đối thủ ngang hàng” (peer adversary), do sự gia tăng quân sự ồ ạt của Trung cộng, hành vi hiếu chiến của nước này ở Châu Á – Thái Bình Dương và một chiến dịch cưỡng ép kinh tế toàn cầu. Những cụm từ mơ hồ, gây chú ý này chỉ ra một sự đồng thuận ngày càng tăng: tham vọng của Trung cộng gây nguy hiểm lớn cho lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, không có sự đồng thuận nào liên quan tới ý định đằng sau các động thái chiến lược của Trung cộng, chủ yếu trong số đó là việc nước này nhanh chóng tăng cường xây dựng vũ khí hạt nhân.
Cộng đồng quốc phòng Mỹ phần lớn đã đánh giá quá trình này thông qua một khuôn khổ lý thuyết quân sự mang tính hạn chế, đề cập đến khả năng của vũ khí và cán cân chạy đua vũ trang. Một bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affairs của nhà nghiên cứu Tống Triệu (Tong Zhao) đã mở rộng phân tích bằng cách mô tả kho vũ khí hạt nhân của Trung cộng không phải với tư cách là một công cụ cưỡng chế để đạt được các mục tiêu quân sự được xác định rõ ràng mà là một biểu tượng của sức mạnh quốc gia mà thông qua đó Bắc Kinh có thể giành được sự tôn trọng của Washington với tư cách là một nhân tố chính trong các vấn đề thế giới. Nhưng bất kỳ những hiểu biết nào có liên quan tới quá trình mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh cũng phải tính đến các ý định mang tính chất xét lại của nước này.
Trung cộng có tham vọng lớn lao là định hình lại thế giới theo viễn tượng của mình. Trung cộng dự định làm như vậy bằng cách đầu tiên là thống trị khu vực Tây Thái Bình Dương và sau đó kéo phần lớn lục địa Á-Âu — một khu vực trải dài từ vùng lân cận của Trung cộng đi qua Trung Á và Đông Nam Âu — cũng như châu Phi vào kế hoạch của mình. Nhưng Bắc Kinh có một tình thế địa lý mà họ nhận thức rất rõ: Một số quốc gia ngoài khơi cách xa Trung cộng đã tham gia vào các liên minh do Mỹ dẫn đầu, vốn cam kết duy trì hiện trạng khu vực và đang được thúc đẩy bởi chính các hành động của Trung cộng. Nếu Trung cộng leo thang bằng cách phát động một cuộc tấn công quy mô lớn dọc theo vùng ngoại vi biển của mình, nước này có nguy cơ phải đối mặt với một phản ứng mang tính phối hợp và tàn khốc, gây nguy hiểm cho các viễn kiến toàn cầu của mình.
Mỹ nên xem việc Trung cộng tăng cường năng lực hạt nhân như một công cụ có thể giúp Bắc Kinh giải quyết tình trạng cô lập lục địa của mình. Trung cộng đã khởi xướng một chiến dịch cưỡng chế dưới ngưỡng chiến tranh để phá giải hệ thống liên minh của Mỹ ở Thái Bình Dương, và kho vũ khí hạt nhân ngày càng tinh vi mang lại cho Bắc Kinh nhiều đòn bẩy hơn để đạt được mục tiêu này mà không châm ngòi cho một cuộc chiến tranh cường quốc thảm khốc. Nếu Washington không giải quyết được khía cạnh này trong sự bứt phá hạt nhân của Trung cộng, vị trí tiền phương của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, thứ giúp Mỹ bảo vệ một môi trường tự do, cởi mở và thịnh vượng có lợi cho lợi ích của Mỹ, có thể gặp nhiều rủi ro.
Washington nên cảnh giác với mối nguy hiểm này. Họ phải nhận ra các thiết kế địa chính trị mà Trung cộng dành cho kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng của mình và hành động để bảo vệ sự cân bằng khu vực. Khi chiến dịch cưỡng chế của Bắc Kinh đe dọa các đồng minh của Mỹ, Washington phải thực hiện một chiến lược đối trọng vốn có thể tận dụng các lợi thế cạnh tranh của Mỹ nhằm chống lại những điểm yếu đặc trưng của Trung cộng. Trung cộng có thể đã bắt đầu sử dụng sức mạnh hạt nhân của mình như một bước đột phá ban đầu trong dự án kiến tạo thế giới lớn hơn của mình, nhưng Mỹ vẫn có cơ hội ngăn chặn những tham vọng toàn cầu này ngay từ trong trứng nước.
Tạo sóng
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tin rằng ông đang dẫn dắt đất nước của mình bước vào một kỷ nguyên địa chính trị mới do Trung cộng thống trị. Ông tin rằng cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội Trung cộng và chủ nghĩa tư bản dân chủ phương Tây đang diễn ra và coi sự thịnh vượng và ảnh hưởng ngày càng tăng của đất nước mình là bằng chứng cho thấy Trung cộng đã sẵn sàng thay thế Mỹ và định hình lại thế giới. Một trật tự quốc tế như vậy sẽ có những đặc trưng tương tự như hệ thống chính trị và xã hội nội bộ của Trung cộng hơn là các giá trị tự do đã định hình phần lớn thế giới trong nhiều thập kỷ. Tập đặc biệt tin tưởng rằng các xu hướng cấu trúc—được minh chứng bằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự trỗi dậy của các phong trào dân túy ở phương Tây—ủng hộ sự trỗi dậy của Trung cộng.
Nhưng vị trí địa lý của Trung cộng làm cho tầm nhìn của Tập thêm phức tạp. Giống như nước Pháp thời Napoléon vào thế kỷ 19 và Đức, Nhật Bản và Liên Xô vào thế kỷ 20, Bắc Kinh coi mình bị bao vây bởi các quốc gia ven biển thù địch được hỗ trợ bởi một cường quốc hải quân toàn cầu. Cũng giống như các tiền lệ của nó, vị trí lục địa của Trung cộng—nằm vắt ngang một loại ranh giới đất liền-biển mà nhà chiến lược người Mỹ gốc Hà Lan thế kỷ 20 Nicholas Spykman mệnh danh là “vành đai” Á-Âu—làm dấy lên khả năng một chiến lược của Trung cộng được thực hiện kém có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thảm khốc với Mỹ và các đồng minh châu Á của họ.
Đối với các nhà chiến lược Trung cộng, những ví dụ trong quá khứ đem lại một số bài học. Tất cả những quốc gia theo chủ nghĩa xét lại hiện đại đều thất bại trong việc giải quyết các mối đe dọa từ phía biển và phải gánh chịu hậu quả. Cả Pháp và Đức đều không có xu hướng hướng biển tự nhiên và bị hủy hoại dưới bàn tay của các liên minh vành đai do các cường quốc hải quân toàn cầu lãnh đạo. Đế quốc Nhật Bản đã khiêu khích một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận, chiến đấu với quân đội Trung cộng trên đất liền châu Á và các lực lượng viễn chinh Mỹ trên biển, và điều này tỏ ra quá sức chịu đựng. Và Liên Xô cuối cùng đã không thể vượt qua đối thủ Chiến tranh Lạnh ở vùng rìa của mình, bao gồm các quốc gia ven biển và được dẫn đầu bởi không quân và hải quân Mỹ. Do đó, Bắc Kinh đã xác định rằng trước khi có thể kéo một dải rộng lớn của lục địa Á-Âu vào quỹ đạo của mình, họ trước hết phải đạt được ưu thế trên vùng biển ngoại vi bị đe dọa của mình.
Bắc Kinh cho rằng sườn phía biển của họ bị bao quanh bởi hai chuỗi đảo hình lưỡi liềm đồng tâm bị thống trị bởi các đồng minh và căn cứ quân sự của Mỹ. Chuỗi đảo đầu tiên, gần Trung cộng hơn, chạy xuôi về phía nam từ quần đảo Aleutian của Alaska qua Nhật Bản và Đài Loan rồi xuống phía nam Phi Luật Tân. Chuỗi thứ hai, ở xa hơn về phía đông, chạy từ Nhật Bản qua trung tâm quân sự Mỹ trên đảo Guam và đến phía bắc của Úc. Mỹ được liên kết bởi các hiệp ước quốc phòng với Úc, Nhật Bản và Phi Luật Tân, cũng như với Hàn Quốc, quốc gia nằm trong vành đai này.
Vùng vành đai biển do Mỹ hậu thuẫn này đã khiến Trung cộng cảm thấy khó chịu kể từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, khi mạng lưới liên minh song phương mang tính “trục và nan hoa” (hub and spoke) giữa Mỹ và một số quốc gia Tây Thái Bình Dương đã cản trở tham vọng khu vực của Bắc Kinh. Vào những năm 1950, Mỹ, để bảo vệ các đồng minh của mình, thậm chí còn đe dọa Trung cộng bằng một cuộc tấn công hạt nhân. Năm 1996, trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba, Washington đã làm nhục Bắc Kinh khi điều động hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm để hỗ trợ Đài Bắc. Ngày nay, Mỹ đang thúc đẩy hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường khả năng phòng thủ khu vực chống lại tên lửa đạn đạo. Khi Tập chứng kiến điều này, những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Và giờ đây, Trung cộng đã có thứ mà trước đây họ còn thiếu: sức mạnh tấn công, cả hạt nhân và thông thường, thuộc loại có thể chia rẽ Washington với các đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương của họ.
Chấn động
Cuộc tranh luận ở Mỹ về ý nghĩa của việc Trung cộng tăng cường khả năng hạt nhân từ lâu đã diễn ra thông qua các thuật ngữ quân sự hạn hẹp, tách rời khỏi địa chính trị. Các nhà phân tích Mỹ chủ yếu tập trung vào việc liệu Bắc Kinh có đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hay không, liệu họ có đang chống lại những gì họ coi là mối đe dọa hạt nhân gia tăng của Mỹ hay không, hay liệu chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” đã được Trung cộng tuyên bố có phải là thật hay không. Nhưng sự bứt phá của Trung cộng chỉ có thể được đánh giá đầy đủ trong bối cảnh tham vọng địa chính trị của họ. Việc tập trung vào cách thức làm thế nào mà sự mở rộng này là phương tiện để Trung cộng đạt được các mục tiêu chính trị to lớn hơn nhấn mạnh lý do tại sao nước này ít quan tâm đến cách hiểu của Mỹ về “ổn định chiến lược”, hay ý tưởng rằng các đối thủ sẽ không cố gắng khai thác các phát triển quân sự để tạo lợi thế cho mình. Nói một cách đơn giản, địa chính trị hạt nhân của Trung cộng là nhằm phá vỡ rào cản hàng hải hiện đang được thiết lập để chống lại họ.
Việc Trung cộng mở rộng khả năng hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến cách thức các đồng minh của Mỹ nhìn nhận cán cân quân sự trong khu vực. Khi đưa ra đánh giá của mình, họ đang tính đến bản chất đáng kinh ngạc, cả về số lượng và chất lượng, của sự bứt phá hạt nhân của Trung cộng. Mỹ có một kho vũ khí hạt nhân đang hoạt động khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân, mặc dù chưa đến một nửa trong số này đang được triển khai. Bắc Kinh đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, đã tăng kho dự trữ đầu đạn từ khoảng 200 lên 500 trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023. Ngũ Giác Đài dự báo rằng Trung cộng sẽ sở hữ hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030 và lên tới hơn 1.500 vào năm 2035. Và Trung cộng đã có một khả năng đáng gờm để sử dụng các loại vũ khí đó trong các cuộc tấn công có độ chính xác cao: họ có nhiều bệ phóng tên lửa liên lục địa và tầm trung trên đất liền hơn Mỹ. Hơn nữa, Washington đã loại bỏ lựa chọn hạt nhân khu vực duy nhất của mình—một tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm—vào năm 2013, nghĩa là trong một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn, Mỹ sẽ không có khả năng hạt nhân nào được bố trí tại khu vực để trấn an các đồng minh về khả năng đảm bảo an ninh của mình.
Việc các đối tác của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương cảm thấy lo lắng là điều dễ hiểu. Theo một nghiên cứu gần đây của Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia, lợi thế về số lượng của Trung cộng đã làm dấy lên lo ngại liên quan tới chuỗi đảo thứ nhất, đặc biệt là ở Nhật Bản. Tokyo lo ngại rằng Washington sẽ ngày càng ngại chấp nhận rủi ro dọc theo khu vực vành đai khi khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác của Trung cộng nhằm vào lục địa Mỹ tiếp tục tăng lên, cho phép Bắc Kinh tăng áp lực mà không vấp phải phản ứng của Mỹ.
Giới quốc phòng Trung cộng cũng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với các chiến lược hạt nhân cưỡng chế. Các nhà lý luận quân sự Trung cộng hiện thường xuyên gọi kho vũ khí hạt nhân hiện đại hóa của nước này là “con át chủ bài” có thể cản trở sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề khu vực. Và nhiều nhà phân tích quốc phòng Trung cộng đã kết luận rằng hành vi cưỡng chế hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đã ngăn chặn NATO can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột đó, cho thấy rằng Bắc Kinh có thể sử dụng kho vũ khí của mình để đạt được mục đích tương tự.
Quan niệm của Trung cộng về răn đe bao gồm khái niệm của phương Tây về việc ngăn chặn đối thủ thực hiện một hành động cụ thể, nhưng nó cũng bao gồm một mục tiêu rộng lớn hơn: buộc đối thủ phải thay đổi hành vi của họ. Các tài liệu hướng dẫn đào tạo dành cho đơn vị quân đội Trung cộng kiểm soát các tên lửa trên đất liền của nước này từ lâu đã khuyên rằng chỉ cần đặt vũ khí hạt nhân ở mức độ sẵn sàng cao hơn sẽ “tạo ra cú sốc lớn trong tâm lý kẻ thù” và định hình hành động của kẻ thù. Và giờ đây, khi Trung cộng có một lực lượng tên lửa mạnh mẽ để tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân cưỡng chế, các chiến thuật như vậy sẽ có sức thuyết phục hơn trong mắt các đối tác khu vực của Mỹ. Do đó, khả năng tấn công được cải thiện của Bắc Kinh có thể khuyến khích họ công khai từ bỏ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước để gây chia rẽ giữa Washington và các đồng minh của họ.
Khi các đối tác Thái Bình Dương của Mỹ ngày càng cảm nhận hoặc trải nghiệm những hành vi cưỡng chế được hỗ trợ bởi hạt nhân của Trung cộng, quan điểm của họ về cán cân khu vực có thể sẽ thay đổi. Và việc cảm thấy rằng Washington không hành động hoặc hành động không đủ trước sự đe dọa này sẽ mang lại cho họ lý do chính đáng để cảm thấy lo lắng hơn nữa. Xây dựng một phản ứng hiệu quả đối với sức mạnh cưỡng chế tổng thể của Trung cộng và với chính việc tăng cường năng lực hạt nhân sẽ là chìa khóa để duy trì uy tín của Mỹ trong khu vực.
Điểm dậy sóng
Trung cộng đang nhắm đến việc sử dụng sự bứt phá hạt nhân của mình để xuyên thủng rào cản vùng rìa mà không châm ngòi cho một cuộc chiến tranh cường quốc. Khả năng thống trị toàn bộ phổ xung đột của ông Tập – từ áp lực chính trị cường độ thấp đến chiến tranh hạt nhân tiềm tàng – có thể đã khuyến khích ông ta tăng cường áp lực trong khu vực này trong những tháng gần đây.
Nhưng Trung cộng đã mài giũa khả năng theo đuổi chiến dịch cưỡng chế trong hơn một thập niên. Vào năm 2012, Bắc Kinh đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, một ngư trường quan trọng ở Biển Đông, từ Phi Luật Tân, bằng cách sử dụng cả lực lượng quân sự cường độ thấp và áp lực kinh tế, bao gồm cả việc tẩy chay một số mặt hàng xuất khẩu của Phi Luật Tân. Mỹ đã phản đối việc Trung cộng sáp nhập bãi cạn trên thực tế, nhưng sự leo thang của Bắc Kinh chống lại Phi Luật Tân đã buộc Washington phải lùi bước. Mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh một lần nữa khởi xướng các cuộc đụng độ ở Biển Đông khi các tàu hàng hải Trung cộng đâm vào tàu Phi Luật Tân trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Trung cộng đã không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào.
Nhật Bản cũng phải chịu đựng sự cưỡng chế của Trung cộng kể từ buổi bình minh của thế kỷ 21 – và áp lực đang gia tăng cùng với sự gia tăng năng lực hạt nhân của Trung cộng. Ngày nay, Trung cộng đang tham gia vào một nỗ lực dai dẳng nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng của quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (được gọi là quần đảo Điếu Ngư ở Trung cộng) ngay phía bắc Đài Loan; gần như hàng ngày, hải quân Trung cộng hoạt động gần đó để thực thi “luật hàng hải trong nước” của Trung cộng. Các lực lượng quân sự Trung cộng cũng thường xuyên xâm nhập hoặc bao vây lãnh thổ Nhật Bản. Ví dụ, vào tháng 8, hải quân và không quân Trung cộng đã vi phạm vùng biển và vùng trời của Nhật Bản – một sự leo thang đã bị lu mờ chỉ vài tuần sau đó, khi Trung cộng lần đầu tiên cho một hàng không mẫu hạm đi qua vùng biển Nhật Bản. Áp lực dai dẳng này được thiết kế để làm Tokyo suy yếu, làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật và bình thường hóa hành vi của Trung cộng để tạo ra một tiêu chuẩn mới để đo lường sự gây hấn trong tương lai.
Đài Loan vẫn là mục tiêu chính trong chiến dịch cưỡng chế dưới ngưỡng chiến tranh của Trung cộng. Ngoài việc đe dọa quân sự và chính trị đối với hòn đảo này, Bắc Kinh còn cố gắng gạt Đài Loan ra khỏi vị thế trên trường thế giới và làm xói mòn phạm vi của hòn đảo này trong các cấu trúc pháp lý quốc tế. Nhưng mối đe dọa leo thang là chìa khóa để khuất phục Đài Loan mà không cần chiến tranh quy mô lớn. Ví dụ, Bắc Kinh có thể khai thác khả năng xảy ra một cuộc xâm lược đổ bộ để buộc một số bộ phận trong giai cấp chính trị và người dân Đài Loan phải nhượng bộ sự kiểm soát của Trung cộng đối với hòn đảo này. Nếu Bắc Kinh quyết định thực hiện phương án hành động cực đoan hơn này, họ có thể sẽ sử dụng mối đe dọa leo thang hạt nhân hạn chế để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản.
Kể từ khi Bắc Kinh khởi xướng chiến dịch cưỡng chế rộng khắp của mình, rất ít quốc gia mà họ nhắm mục tiêu đã tăng cường năng lực quân sự của mình. Mặt khác, quân đội Trung cộng đã chuyển mình thành lực lượng quân sự lớn nhất châu Á, cả về khả năng thông thường và hạt nhân. Tuy nhiên, đối với ông Tập, thành công không phải là giành chiến thắng trong một cuộc đụng độ quân sự trực diện vốn có thể khiêu khích sự can thiệp của Mỹ. Thay vào đó, thành công được định nghĩa là tách rời hoàn toàn Mỹ khỏi khu vực bằng cách làm suy yếu uy tín của Washington ở đó và buộc các đồng minh của Mỹ phải tránh đối đầu. Như hành vi gần đây của Trung cộng cho thấy, việc Trung cộng tăng cường hạt nhân đã khuyến khích ông Tập chấp nhận rủi ro lớn hơn để đạt được những mục tiêu này.
Vén bức màn đối phó
Chiến dịch cưỡng chế dưới ngưỡng chiến tranh của Bắc Kinh đã đẩy Washington vào thế phòng thủ và phản ứng, khiến các đối tác trong khu vực lo lắng. Các quan chức Mỹ vẫn chưa giải quyết được các tác động chiến lược trong khu vực của sự bứt phá hạt nhân của Trung cộng. Nếu những xu hướng này tiếp tục, Trung cộng có thể thấy mình ở vị thế thuận lợi để phá vỡ các mối ràng buộc gắn kết Mỹ với các đồng minh Châu Á – Thái Bình Dương.
Để làm giảm đà của Trung cộng và giành lại thế chủ động, Mỹ cần một chiến lược đối trọng có thể chứng minh uy tín với các đối tác trong khu vực và thay đổi tính toán của Bắc Kinh. Trung cộng đồng thời tập trung vào an ninh nội bộ, tham vọng khu vực và các thiết kế toàn cầu lớn hơn mà các hành động khu vực của họ có thể hỗ trợ. Bất kỳ chiến lược nào của Mỹ cũng nên buộc ông Tập phải đưa ra những đánh đổi khắc nghiệt giữa các mục tiêu của mình để ông ta không thể nuôi ảo tưởng về việc có thể đạt ưu thế trên một mặt trận mà không gây nguy hiểm cho các mặt trận khác.
Trung cộng có những điểm yếu riêng biệt. Giống như tất cả các quốc gia, họ có nguồn lực hữu hạn và không thể chỉ đơn giản là chi tiêu để thoát khỏi gánh nặng lựa chọn. Điều này đặc biệt đúng đối với một cường quốc lục địa mới nổi, tương đối biệt lập với tham vọng lớn lao, nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và sự bất an của một chế độ Mác-Lênin – cụ thể là sự mất lòng tin sâu sắc, gần như ám ảnh đối với chính công dân của mình. Ngược lại, Mỹ là một cường quốc toàn cầu đã được thiết lập với một hệ thống dân chủ phù hợp với các liên minh xa xôi và năng lượng sáng tạo của các xã hội tự do. Do đó, nhiệm vụ của Washington là khai thác các lợi thế quân sự, kinh tế và chính trị thuận lợi của mình để làm trầm trọng thêm tình trạng cô lập lục địa của Bắc Kinh.
Mặt trận quân sự của một chiến lược đối trọng nên nhấn mạnh các lợi thế hiện có của Mỹ trong quan hệ đối tác liên minh, phòng thủ tên lửa và chiến tranh dưới mặt biển. Ví dụ, bằng cách đưa Nhật Bản và Hàn Quốc vào một hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực và liên kết nó với hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa được cải thiện của Mỹ, Washington có thể xoa dịu nỗi sợ hãi của các đồng minh và tăng rủi ro cho Trung cộng mỗi khi Bắc Kinh cố tình gia tăng áp lực lên bất kỳ quốc gia nào trong số họ. Việc Washington triển khai lại tên lửa hành trình mang vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm, vốn sẽ mang lại cho họ một lựa chọn phản ứng nhanh chóng, dựa trên khu vực, sẽ tiếp tục củng cố niềm tin của các đồng minh và chuyển hướng nhiều nguồn lực hơn của Trung cộng sang phòng thủ tên lửa và chiến tranh dưới biển.
Khía cạnh kinh tế nên tận dụng lợi ích của các đồng minh ở thị trường Mỹ. Bằng cách tăng cường quan hệ thương mại ở Tây Thái Bình Dương, Washington sẽ truyền tải đến các đối tác của mình và Bắc Kinh rằng an ninh kinh tế của Mỹ không thể tách rời khỏi hiện trạng khu vực. Các hiệp định thương mại song phương được cập nhật tập trung vào các lĩnh vực mà Trung cộng thống trị – chẳng hạn như chuỗi cung ứng dược phẩm và khoáng sản quan trọng – cũng sẽ giúp Washington và các đối tác của họ tách ra khỏi thị trường Trung cộng và củng cố họ trước sự cưỡng ép của Bắc Kinh. Mặc dù chính trị nội bộ của Mỹ đã khiến việc thiết lập các hiệp định thương mại trở nên khó khăn, nhưng ở Washington vẫn có nhu cầu về các thỏa thuận chống lại chiến lược tạo ra sự phụ thuộc kinh tế của Trung cộng.
Mặt trận cuối cùng trong chiến lược của Mỹ nên tập trung vào chính trị. Bắc Kinh đã và đang tiến hành một cuộc đấu tranh triết học một chiều chống lại Mỹ bằng cách tràn ngập các kênh trực tuyến với thông tin sai lệch nhằm cố gắng khai thác những rạn nứt hiện có trong xã hội Mỹ. Washington đã do dự trong việc đáp ứng thách thức ý thức hệ này. Nhưng khi làm như vậy, họ đã từ bỏ cơ hội khai thác điểm yếu lớn nhất của Trung cộng: hệ thống chính trị của họ. Bắc Kinh dành rất nhiều nguồn lực để kiểm soát 1,4 tỷ công dân của mình. Mỹ có thể sử dụng sự ám ảnh này để áp đặt chi phí nặng nề cho Trung cộng, chẳng hạn như bằng cách tìm cách phá vỡ kiểm duyệt trực tuyến và phổ biến các bài viết của những người bất đồng chính kiến Trung cộng về tham nhũng và thất bại kinh tế của chính phủ. Bắc Kinh đã phải vất vả để bịt miệng những người bất đồng chính kiến và dập tắt các cuộc biểu tình nhỏ, cho thấy họ sẽ không tiếc chi phí để chống lại một chiến dịch lớn hơn. Cách tốt nhất để thiết lập một chính sách hạ nhiệt với Trung cộng là hướng sự chú ý của ông Tập ra khỏi các thiết kế khu vực và toàn cầu của ông ta. Ông ta càng tập trung vào trong nước, Bắc Kinh sẽ càng ít nỗ lực và ít nguồn lực hơn dành cho việc triển khai sức mạnh ra bên ngoài.
Nếu không có một chiến lược đối trọng khai thác các lợi thế cạnh tranh của mình, Mỹ sẽ gặp rủi ro về vị thế tiền phương của mình ở Tây Thái Bình Dương, vị thế của Mỹ sẽ bị xói mòn hơn nữa bởi quan điểm quân sự hạn hẹp về sự bứt phá hạt nhân của Trung cộng. Washington nên khai thác các điểm mạnh bất đối xứng của mình và tập trung vào việc khôi phục uy tín của mình giữa các đồng minh, làm trầm trọng thêm các điểm yếu riêng biệt của Bắc Kinh và cuối cùng là thay đổi cán cân chi phí – lợi ích từ các chiến dịch cưỡng chế được hỗ trợ bởi năng lực hạt nhân của Trung cộng. Một khi đánh giá được vai trò của hoạt động phát triển hạt nhân của Trung cộng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự địa chính trị của Bắc Kinh, Mỹ có thể thay đổi chính sách của mình để duy trì nguyên trạng.
Kyle Balzer và Dan Blumenthal
Nguồn: “The True Aims of China’s Nuclear Buildup”, Foreign Affairs, 21/11/2024
KYLE BALZER là Nghiên cứu sinh Jeane Kirkpatrick tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. DAN BLUMENTHAL là Nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách “Ác Mộng Trung cộng: Tham vọng Vĩ đại của một Quốc gia Suy tàn”.
Nghiên Cứu Quốc Tế (27.12.2024)