Hai cựu viên chức cao cấp Phi Luật Tân kiện Tập Cận Bình ra trước tòa án quốc tế

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario họp báo ngày 26/03/2015.Reuters

Theo nhật báo Phi Luật Tân Daily Inquirer ngày 21/03/2019, hai cựu viên chức cao cấp của chính phủ Phi Luật Tân vừa đệ đơn kiện chủ tịch Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đề nghị tòa truy tố lãnh đạo Trung cộng về tội ác chống nhân loại do những hành động « tàn bạo » của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong lãnh hải Phi Luật Tân.

Ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng và bà Conchita Carpio Morales, nguyên là lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Phi Luật Tân, đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Phi Luật Tân và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Phi Luật Tân « bị bách hại » do việc Trung cộng xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông).

Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales viết : « Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung cộng đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước. »

Đơn kiện của hai cựu quan chức Phi Luật Tân nêu rõ chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung cộng đã phạm các tội ác chống nhân loại như thế nào, trong đó có lời khai của các ngư dân Phi Luật Tân, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung cộng trên Biển Đông.

Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Phi Luật Tân gởi cho Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 15/03, tức là trước khi Manila chính thức rút khỏi hiệp ước thành lập tòa án ICC 17/03/2019. Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút Phi Luật Tân khỏi hiệp ước thành lập ICC sau khi tòa án này vào tháng 02/2018 tiến hành « xem xét sơ bộ » về tội ác chống nhân loại mà tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Phi Luật Tân trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động.

RFI (22.03.2019)

Trung cộng bành trướng trên Biển Đông, châu Âu lo ngại

Chiêu bài “đa phương”, “đôi bên cùng có lợi” của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có còn khuyến dụ được châu Âu ? REUTERS/Yves Herman

Ủy Ban Châu Âu trong tài liệu quan trọng công bố hôm 12/3, đã gọi thẳng Trung cộng là « địch thủ cạnh tranh chiến lược », đề ra 10 kế hoạch hành động.

Châu Âu trước mối nguy Trung cộng và Brexit là hai chủ đề được đề cập nhiều nhất trên các báo Pháp ra ngày hôm nay 21/03/2019.

Trong bài « Liên Hiệp Châu Âu rắn giọng hơn trước Trung cộng », Le Mondnói, trong tài liệu nêu trên của Ủy Ban Châu Âu, ngay cả sự bành trướng trên Biển Đông và việc Bắc Kinh từ chối nhìn nhận phán quyết về đường lưỡi bò của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016, cũng đã được nêu ra.

Bởi vì cách hành xử này « ảnh hưởng đến trật tự tư pháp quốc tế », và « làm phức tạp thêm việc giải quyết căng thẳng trên tuyến đường hàng hải thiết yếu cho lợi ích châu Âu ». 

Tương tự, việc Trung cộng tăng cường nhanh chóng năng lực quân sự và công nghệ « là nguy cơ trước mắt và trung hạn về an ninh cho Liên Hiệp Châu Âu ».

Trước mối nguy này, riêng Pháp đã tổ chức tập trận chung với Hải quân Nhật, bán tàu ngầm cho Úc và phi cơ tiêm kích cho Ấn Độ. La Croix cho biết, khi đến Canberra tháng 5/2018, tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi Úc và Ấn Độ cùng hợp tác để đối phó với Trung cộng để bảo đảm tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tránh « bá quyền nước lớn ».

RFI (21.03.2019)

Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân ra lệnh không bắt giam ngư dân Việt Nam đánh cá bất hợp pháp

Tin Pampanga, Phi Luật Tân – Tuyên bố tại cuộc họp báo ở Clark, Pampanga, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói rằng giới chức thẩm quyền nước này không nên bắt nhốt ngư dân Việt Nam đánh cá bất hợp pháp tại vùng lãnh hải của Phi Luật Tân, mà hãy gởi trả họ về nước.

Theo báo mạng gmanetwork.com thì đây là lần đầu tiên một viên chức quốc phòng cao cấp của Phi Luật Tân kêu gọi chính phủ ông hãy áp dụng chính sách mềm dịu đối với ngư dân Việt Nam, vì có thể họ không nhận ra rằng họ đã vượt qua ranh giới lãnh hải Việt Nam và Phi Luật Tân. Ông cũng thêm rằng ngư phủ Phi Luật Tân cũng muốn được đối xử tương tự như thế vì tàu đánh cá không được trang bị máy định vị GPS.

Đất Việt (19.03.2019)

Hội Nghề cá VN: Đòi Trung cộng bồi thường nhiều lần nhưng ‘chưa lần nào được đáp ứng’

Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm vào ngày 29/5/3014. Hội Nghề cá Việt Nam cho biết số lượng các vụ tương tự đang tăng lên gần đây.

Hội Nghề cá Việt Nam cho biết đã gửi văn bản yêu cầu Trung cộng bồi thường thiệt hại cho các ngư dân bị tàu Trung cộng gây chìm vào ngày 6/3, nhưng thừa nhận rằng yêu cầu này “chưa lần nào được đáp ứng” trong các vụ tương tự xảy ra trước đây.

Trong văn bản gửi cho các cơ quan chức năng hôm 18/3, Hội Nghề cá Việt Nam dẫn thông tin từ Hội Nghề cá Quảng Ngãi và Nghiệp đoàn Nghề cá vào Chi hội Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết tàu của 5 ngư dân Việt Nam khi đang khai thác tại khu vực gần đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã bị tàu Trung cộng mang số hiệu 44101 “truy đuổi, phun vòi rồng, ép tàu bỏ chạy”, khiến cho tàu này bị va vào đá ngầm và bị chìm. Sau nhiều giờ bám vào phần nổi của mũi tàu, 5 ngư dân Việt Nam sau đó đã được một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi đến cứu.

Ước tính thiệt hại của vụ chìm tàu là khoảng 3 tỷ đồng, theo văn bản của Hội Nghề cá.

Trả lời phỏng vấn của VOA ngày 20/3, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Thắng, lên án hành động “vô nhân đạo” của tàu Trung cộng, và cho rằng nếu không được cứu vớt kịp thời, thiệt hại của vụ chìm tàu sẽ rất lớn, kể cả thiệt hại về nhân mạng.

“Thiệt hại về tài sản, đe dọa đến tính mạng, mà rất may là tàu của Quảng Ngãi đến cứu kịp, chứ nếu không sẽ gây rất nhiều thiệt hại về người”, TS. Nguyễn Việt Thắng nói với VOA.

Tuy nhiên, người đứng đầu Hội Nghề cá Việt Nam cũng thừa nhận thực tế là các yêu cầu bồi thường từ phía Việt Nam trong nhiều năm qua không mang lại hiệu quả.

““Đã nhiều lần đòi bồi thường như thế rồi, nhưng chưa lần nào được đáp ứng cả, nhưng bắt buộc vẫn phải lên tiếng yêu cầu vì đó là một hành động vô nhân đạo”.

Về phương án khởi kiện, Chủ tịch của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt Nam nói rằng đây là một quá trình “rất khó khăn”.

“Nó đòi hỏi các bước có thể nói là rất khó khăn trong việc kiện cáo để đòi trực tiếp với các cơ quan chấp pháp, với người đã gây ra thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, bởi vì không bắt được ai, chẳng truy ra được người nào, chỉ biết chắc chắn đó là tàu của Trung cộng”.

 Theo thông tin mà Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cung cấp cho VOA, số lượng các vụ tàu Trung cộng đâm, va, gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Việt Nam gần đây đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt kể từ tháng 5/2018 đến nay.

Vụ chìm tàu hôm 6/3 được cho là sự kiện làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế.

Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo trên tờ Nikkei về lực lượng “dân quân” với hàng trăm tàu cá của Trung cộng, nói rằng “Sớm hay muộn sẽ có một sự cố bạo lực, nhiều khả năng liên quan đến những dân quân đó với tàu của Phi Luật Tân hoặc của Việt Nam”. Và sự cố bạo lực như vậy, theo ông, sẽ leo thang và dẫn tới sự can dự của các lực lượng hải quân trước khi bất kỳ ai có thể ngăn chặn nó lại.

Một tuần sau khi xảy ra vụ chìm tàu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trong bài phát biểu hôm 14/3 liên quan đến vấn đề Biển Đông, đã lên án Trung cộng “ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế”.

Đáp lại, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung cộng cho rằng bài phát biểu của ông Pompeo là “vô trách nhiệm”, và nói thêm rằng “các quốc gia bên ngoài khu vực nên kiềm chế không gây rối và phá vỡ tình trạng hòa hợp” của khu vực.

VOA (20.03.2019)

Châu Âu tăng cường hoạt động quân sự ngăn Trung cộng

Các nước châu Âu sẽ tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để ngăn sức ảnh hưởng của Trung cộng trong khu vực.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 19/5/2017 của Hải quân Mỹ: tàu chiến của Hải quân Mỹ ở Biển Đông AFP

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các nhà phân tích và một nguồn tin ngoại giao cho biết như trên.

Cụ thể Liên Minh Châu Âu đã khởi sự dấu ấn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây là phát biểu của bà Liselotte Odgaard, một chuyên gia tại Viện Hudson ở Washington, đưa ra hôm 18 tháng 3.

Theo bà Liselotte Odgaard, Liên Minh Châu Âu đã có một đường lối chính sách chung như đối trọng lại sự quyết đoán của Trung cộng tại Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải; tuy thế vẫn chưa thể đi sâu vào  những sáng kiến chính sách cụ thể. Do đó những nhóm quốc gia trong liên minh sẽ thực hiện và đó là điều mà giới chuyên gia nhận thấy đang gia tăng.

Hôm 18-3, đề cập tới vai trò của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, một thành viên Viện Hudson (Mỹ)- bà Liselotte Odgaard nói rằng EU đã bắt đầu tạo được dấu ấn của mình trong khu vực. Ngoài ra, EU sẽ có đường lối chính sách chung ủng hộ tự do hàng hải bên cạnh việc phản đối các hành động khiêu khích của Trung cộng ở biển Đông.

“Một số quốc gia đã gửi nhân viên tham gia cùng với các tàu của Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi tuân thủ quy tắc quốc tế về tự do hàng hải (ở biển Đông) của EU” – bà Odgaard nói.

Bà Odgaard gợi ý một số quốc gia EU nên tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản. Ngoài ra, các thành viên EU có thể đẩy mạnh hoạt động của hải quân ở biển Đông.

Trong năm nay, Đan Mạch dự kiến điều một tàu khu trục, trong khi Pháp triển khai một nhóm hàng không mẫu hạm tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Anh đang lên kế hoạch điều một trong những hàng không mẫu hạm của nước này tới Thái Bình Dương, đồng thời xem xét thành lập một loạt căn cứ mới tại khu vực. London cũng đang cân nhắc chính thức hóa chính sách chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Về phía Pháp, nước này đã thảo luận về khả năng tổ chức tập trận với quân đội Nhật Bản.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hà Lan thông báo sẽ gửi một tàu chiến tham gia cùng hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh trong đợt triển khai đầu tiên ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương vào năm 2021.

Người đứng đầu các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Viện Hudson, Patrick Cronin, kêu gọi châu Âu tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để buộc Trung cộng tuân thủ quy tắc quốc tế về tự do hàng hải.

Theo SCMP, đã xuất hiện những lo ngại ngày càng tăng ở châu Âu về những thách thức mà Bắc Kinh – vốn bị cáo buộc không chơi theo luật quốc tế – gây ra đối với các lĩnh vực kinh tế và an ninh của EU.

Trong một tài liệu của EU được công bố vào tuần trước, lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) xác định Trung cộng là đối thủ cạnh tranh kinh tế. Tài liệu trình bày 10 đề xuất nhằm thiết lập mối quan hệ công bằng với Trung cộng cũng như củng cố sự thống nhất của EU để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Không chỉ chống lại ảnh hưởng của Trung cộng, châu Âu còn đẩy mạnh việc hạn chế Bắc Kinh tiếp cận các dự án công cộng lớn, từ đường sắt đến viễn thông.

Nhiều nước EU ngày càng thất vọng bởi các doanh nghiệp của họ bị loại khỏi các dự án của Trung cộng như mạng lưới đường sắt cao tốc 10.000 km và các cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic năm 2008, trong khi EU mở cửa thị trường nội địa cho các nhà thầu Trung cộng đấu thầu.

Tháng 12 năm ngoái, một nhóm bộ trưởng từ 18 quốc gia EU – bao gồm 4 ông lớn của khu vực đồng euro là Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha – tuyên bố họ sẽ thảo luận về đề xuất có đi có lại nhằm bảo vệ quyền tự trị chiến lược của EU.

Theo SCMP (19.03.2019)

Ngoại trưởng Trung cộng : Tình hình Biển Đông ổn định nhờ nỗ lực của Trung cộng và Phi Luật Tân

© Sputnik / Grigory Sysoev

Tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định nhờ những nỗ lực chung của Trung cộng và Phi Luật Tân. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị hôm thứ Tư.

“Nhờ những nỗ lực chung của Trung cộng, Phi Luật Tân và các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông vẫn ổn định. Hợp tác chiếm ưu thế, ngày càng có nhiều những yếu tố tích cực”, — nhà ngoại giao nói.

“Tháng tới, Trung cộng và Phi Luật Tân sẽ tổ chức cuộc họp thứ tư theo cơ chế tham vấn song phương. Cả hai bên sẽ nỗ lực đạt được tiến bộ trong cuộc đối thoại về hợp tác tại Biển Đông. Trung cộng và các quốc gia trong khu vực cần nỗ lực chung để đạt được hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, — ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Trung cộng cũng nói thêm rằng Trung cộng, Phi Luật Tân và các quốc gia khác “không được để xảy ra tình trạng gây bất ổn tình hình trong khu vực từ bên ngoài”.

Sputnik News (19.03.2019)

Trung cộng nêu kế hoạch phát triển căn cứ hậu cần- dịch vụ tại Hoàng Sa

Hình chụp vệ tinh đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa hôm 25/1/2018

 Courtesy of AMTI (CSIS)

Kế hoạch xây dựng cái được mệnh danh là ‘thành phố đảo’ trên Phú Lâm và hai đảo nhỏ Cây và Duy Mộng thuộc Hoàng Sa sẽ được phía Trung cộng đẩy nhanh trong thời gian tới.

Bí thư thành phố Tam Sa chủ trì một cuộc họp diễn ra hôm thứ Sáu tuần rồi và nêu rõ kế hoạch trên trang chủ của thành phố này.

Tam Sa, một phần của tỉnh Hải Nam, được Trung cộng thành lập vào năm 2012.

Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu vào ngày 18 tháng 3 dẫn phát biểu của bí thư Thành phố Tam Sa rằng cần lập kế hoạch phát triển toàn diện một cách cẩn thận đối với các đảo và bãi đá tại Hoàng Sa. Kế hoạch này dựa trên những chức năng khác nhau, xét đến mối quan hệ bổ sung giữa chúng.

Bí thư Thành phố Tam Sa cho biết thêm là kế hoạch phát triển được thực hiện theo tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái và một chỉ thị của chính phủ trung ương đưa ra nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Hải Nam vào tháng tư năm 2018.

Tuy bí thư Tam Sa không cho biết rõ chi tiết kế hoạch phát triển đề ra; ông này cho rằng Tam Sa phải có những bước tích cực và thể hiện những sáng kiến của thành phố nhằm có thể đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo đảng.

Cuộc họp về kế hoạch phát triển ‘thành phố đảo’ như vừa nêu được tiến hành vào khi những hoạt động của Trung cộng tại khu vực Biển Đông tiếp tục bị cộng đồng quốc tế để mắt đến. Phía Hoa Kỳ đã cho tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược B-52 đi qua vùng này để đối trọng lại hoạt động bị cho là ‘quyết đoán’ của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng này.

Vị bí thư Tam Sa nói rõ mục tiêu xây dựng thành phố đảo là biến Phú Lâm, mà Trung cộng gọi là Vĩnh Hưng, và hai đảo Cây và Duy Mộng thành một căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược chính của đất nước.

Jeffrey Engstrom, một nhà phân tích chính sách cao cấp của tổ chức nghiên cứu Rand Corp ở Hoa Kỳ, nói với Newsweek: “Dường như cơ sở hạ tầng được đề xuất trên và gần đảo Phú Lâm vẫn đang trong giai đoạn đầu của kế hoạch.“

Tuy nhiên, nếu được xây dựng, những căn cứ hạ tầng và cơ sở chiến lược bổ sung cho phép Hải quân, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng (PLA), lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân hàng hải tiếp tục mở rộng sự hiện diện và cấp độ hoạt động ở Biển Đông”.

“Điều này có khả năng làm gia tăng căng thẳng bằng cách gây áp lực thậm chí nhiều hơn những gì chúng ta đã chứng kiến ​​cho đến nay đối với các bên yêu sách khác ở Biển Đông và hoạt động quân sự thường lệ của Hoa Kỳ trong khu vực”.

RFA (19.03.2019)

Tàu Trung cộng xịt vòi rồng, ép tàu ngư dân Việt đụng đá ngầm chìm

Tàu Trung cộng xịt vòi rồng, ép tàu ngư dân Việt đụng đá ngầm chìm

Sau 12 ngày các ngư dân Việt Nam bị tàu Trung cộng truy đuổi va vào đá ngầm và chìm ở vùng biển Hoàng Sa, 5 ngư dân trên tàu cá bị nạn đã về đến cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi.

Truyền thông trong nước loan tin ngày 17 tháng 3 . Theo đó ngay khi về đến đất liền, các ngư dân gặp nạn đã cho báo chí trong nước biết, bị tàu Trung cộng tấn công, phun vòi rồng, ép tàu Việt Nam va vào đá ngầm và chìm.

Cụ thể ông Nguyễn Minh Hùng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu cá QNg 90819 bị nạn, khi trình báo với lực lượng biên phòng cho biết: Khoảng 10 giờ sáng ngày 6/3, khi đang neo cách đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 5 hải lý về hướng Tây Bắc, tàu của ông bị tàu sắt Trung cộng số hiệu 44101 truy đuổi, phun vòi rồng. Trong lúc cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của tàu sắt, tàu cá QNg 90819 bị va vào đá ngầm và chìm tại vùng biển Hoàng Sa.

Ông Hùng cho biết thêm đã dùng bộ đàm kêu cứu, anh Lựu là ngư dân đánh bắt gần đó đã bắt được tín hiệu và báo về Trung tâm Cứu nạn. Sau 4 giờ đồng hồ đu bám trên mũi tàu chìm, các ngư dân đã được tàu QNg 90620 đến tiếp cứu và tiếp tục hành nghề cho đến nay.

Tuy nhiên vào ngày 7/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng lại tuyên bố là, khi tàu Trung cộng đến cứu hộ thì thấy tàu cá Việt Nam bị đâm chìm chưa rõ nguyên nhân, và các nhân viên cứu nạn Trung cộng đã cứu sống những người trên tàu.

Còn Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 9/3 chỉ cho biết, đã có thông tin về việc này. Và lập lại câu thường nói là các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực xác minh, nhằm triển khai các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân…

RFA (19.03.2019)