Bàn chủ toạ cuộc điều trần của chính phủ Việt Nam trước Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngày 11/3/2019. Ảnh: UN Web TV.

Ngày 28/3, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã công bố bản Nhận xét Kết luận về Việt Nam, trong đó viết rằng, Ủy ban lấy làm tiếc vì mức độ hiểu biết của nhà nước Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) còn khiếm khuyết.

Kết luận này được đưa ra sau hai phiên điều trần của chính phủ Việt Nam trước Uỷ ban Nhân quyền vào ngày 11-12/3/2019 vừa qua tại Geneva (Thuỵ Sĩ).

Đây là bản Nhận xét Kết luận lần thứ ba được Ủy ban Nhân quyền đưa ra nhằm đánh giá việc thực hiện các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam, kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước này năm 1982. Theo quy định của ICCPR về nghĩa vụ đối với quốc gia thành viên, nhà nước Việt Nam đã nộp báo cáo định kỳ lần thứ ba vào năm 2017, tức là trễ hạn 13 năm.

Bản Nhận xét Kết luận này đánh giá toàn bộ việc thực hiện các quyền được quy định trong Công ước, cũng như công bố các phát hiện về tính tiêu cực tại quốc gia thành viên Việt Nam, và từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp quốc gia cải thiện tình hình nhân quyền theo tiêu chuẩn của Công ước.

Bản Nhận xét kết luận lần này dài 11 trang, gồm 59 đoạn, bên cạnh việc ghi nhận lại một số ít khía cạnh tích cực mà nhà nước Việt Nam đạt được như phê chuẩn Công ước Chống tra tấn, Công ước về Quyền của Người khuyết tật, và sửa đổi một số luật nhằm cải thiện nhân quyền, thì phần lớn nội dung còn lại lên tới 52 đoạn, Ủy ban nêu lên các vấn đề quan ngại về việc thực thi nhân quyền của nhà nước Việt Nam.

‘Độ vênh’ giữa luật Việt Nam và Công ước

Ủy ban quan ngại rằng khuôn khổ pháp lý của Việt Nam là không tương thích với Công ước.

Ủy ban đánh giá Hiến pháp Việt Nam đã không tích hợp đầy đủ các quyền được đảm bảo trong Công ước, và pháp luật quốc gia đặt ra những hạn chế quá rộng làm ảnh hưởng lên mức độ thụ hưởng các quyền được nêu trong Công ước, chẳng hạn như hạn chế vì lý do an ninh quốc gia.

“Ủy ban lấy làm tiếc là mức độ hiểu biết về Công ước của nhà nước thành viên còn khiếm khuyết, mặc dù đã có nhiều sáng kiến nâng cao nhận thức”, bản Nhận xét Kết luận về Việt Nam nêu rõ.

Không có phán quyết nào của tòa án Việt Nam viện dẫn Công ước khi áp dụng hay diễn giải luật trong nước.

Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam cần điều chỉnh tình trạng này, đồng thời tăng cường việc đào tạo kiến thức chuyên môn về các quyền trong Công ước dành cho các quan chức chính phủ, cảnh sát, công tố viên, thẩm phán, và nâng cao nhận thức chung cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp trong phiên điều trần của chính phủ Việt Nam trước Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 11/3/2019. Ảnh: UN Web TV.

Tử hình không tuân thủ Công ước

Mặc dù ICPPR không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên, các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế và chỉ được áp dụng hình phạt này với những “tội ác nghiêm trọng nhất” theo Điều 6 của Công ước.

Ủy ban lo ngại rằng án tử hình vẫn còn được thực hiện tại Việt Nam, bao gồm các tội phạm liên quan đến ma túy, kinh tế và các tội phạm khác không tương thích theo định nghĩa về những “tội ác nghiêm trọng nhất”.

Theo đó, trong các phán quyết trước đây của mình, Ủy ban nhận định “tội ác nghiêm trọng nhất” theo quy định tại Điều 6 của Công ước là không bao gồm các tội liên quan đến ma túy, tài sản, kinh tế, hay các tội phạm không dẫn đến chết người v.v. Việc tử hình đối với loại tội phạm này là trái với “quyền sống” được quy định tại Điều 6 của Công ước. Đến lúc này, Ủy ban nhận định chỉ có duy nhất tội phạm “cố ý giết người” là thuộc “tội ác nghiêm trọng nhất”.

Các trường hợp bị kết án tử hình như Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh đã được nêu ra để dẫn chứng cho lo ngại của Ủy ban về một số vụ án được xét xử không công bằng dẫn đến một số lượng lớn bản án tử hình được tuyên. Đồng thời Ủy ban cũng quan ngại trước việc nhà nước Việt Nam không công khai số lượng người bị kết án tử hình và bị xử tử.

Qua đó, Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam cần sửa đổi Bộ luật Hình sự liên quan đến án tử hình cho phù hợp với Công ước, và nhanh chóng phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư bổ sung thứ hai của ICCPR nhằm xóa bỏ hình phạt tử hình.

Bốn tử tù Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Đặng Văn Hiến. Ảnh: Luật Khoa tổng hợp.

Đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và tác nhân xã hội dân sự

Trong Nhận xét Kết luận, Ủy ban dành phần lớn nội dung nêu lên sự gia tăng đàn áp nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân xã hội dân sự như đe dọa và tấn công bạo lực, cho đến việc bắt bớ, giam cầm nhằm ngăn cản họ thực hiện các hoạt động hợp pháp của mình.

Việc cấm xuất cảnh, tịch thu hay từ chối cấp hộ chiếu, hoặc buộc những nhà hoạt động phải sống lưu vong là các biện pháp vi phạm quyền tự do đi lại, tự do xuất cảnh và quyền được quay trở về quốc gia của công dân.

Ủy ban cũng nêu ra một quy trình giam giữ không được đảm bảo tính pháp lý, chẳng hạn như hạn chế quyền nhanh chóng được đưa ra điều trần trước một thẩm phán sau khi bị bắt giữ, và quyền tiếp cận luật sư và thông báo cho gia đình, mà thông thường phải được thực hiện trong vòng 48 giờ.

Các vụ việc vi phạm tiêu biểu được nêu ra là trường hợp của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, luật sư Nguyễn Văn Đài.

Ủy ban cũng bày tỏ quan ngại trước các cáo buộc các quan chức thực thi pháp luật sử dụng vũ lực quá mức và bắt giữ tùy tiện đối với người biểu tình để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa liên quan đến việc thu hồi đất đai và thảm họa sinh thái nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.

Qua đó, Ủy ban đề nghị nhà nước Việt Nam cần chấm dứt tình trạng này, tôn trọng và mở rộng không gian cho những người bảo vệ nhân quyền và tác nhân xã hội dân sự được tự do hoạt động.

Đại diện Bộ Công an (đeo kính) đang trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 11/3/2019. Ảnh: UN Web TV.

Tra tấn và ngược đãi trong các trại giam

Bản Nhận xét Kết luận lo ngại việc Bộ luật Hình sự Việt Nam không hình sự hóa một cách rõ ràng đối với hành vi tra tấn. Điều này đã khiến Uỷ ban hết sức quan tâm về các báo cáo tra tấn và ngược đãi phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là tra tấn dẫn đến tử vong trong quá trình tạm giam.

Ủy ban quan tâm đến các báo cáo về các điều kiện giam giữ tồi tệ như giam giữ kéo dài trước khi xét xử, sử dụng cùm xích, cố ý lây nhiễm HIV cho tù nhân, từ chối chăm sóc y tế, và giam giữ tù nhân cách xa nơi ở của gia đình họ.

Thông tư 37 của Bộ Công an (năm 2011) quy định về việc “giam riêng” được nhắc đến như là một quy định “biệt giam” trong việc phân biệt đối xử với tù nhân, và đặc biệt nghiêm trọng khi có thể được gia hạn đến vô thời hạn.

Sự thiếu vắng của một cơ chế độc lập để giám sát và kiểm tra các trại giam giữ là vấn đề Ủy ban lấy làm tiếc khi đánh giá về cơ chế ngăn chặn việc tra tấn và ngược đãi tại các nơi giam giữ.

Theo đó, Ủy ban đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần trừng phạt nghiêm khắc đối với các quan chức phạm tội tra tấn và ngược đãi, đồng thời đề nghị Việt Nam cải thiện điều kiện tại các trại giam giữ bằng cách áp dụng Các Quy tắc Tiêu chuẩn Tối thiểu về Đối xử với Tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và sử dụng các biện pháp theo Các Quy tắc Tiêu chuẩn Tối thiểu cho Các biện pháp Không giam giữ (Quy tắc Tokyo).

Một thành viên Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc chất vấn chính phủ Việt Nam, ngày 11/3/2019. Ảnh: UN Web TV.

Luật An ninh mạng, Tôn giáo, và Lập hội

Trong Nhận xét Kết luận này, Ủy ban cũng đi đến nhận định Luật An ninh mạng năm 2018 đã hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do quan điểm và biểu đạt trên không gian mạng, thông qua việc cấm cung cấp và sử dụng các dịch vụ Internet để truyền bá thông tin phản đối hoặc chỉ trích nhà nước.

Góp phần vào việc trấn áp tự do ngôn luận trên không gian mạng, “Lực lượng 47” được Ủy ban nêu tên như là một tổ chức được thành lập để kiểm soát Internet trên thực tế.

Ủy ban lo ngại rằng Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016 đã hạn chế quá mức tự do tôn giáo và tín ngưỡng, chẳng hạn như thông qua việc bắt buộc đăng ký và công nhận quá trình hoạt động các tổ chức tôn giáo.

Các nhóm tôn giáo không đăng ký hoặc không được công nhận phải đối mặt nhiều hình thức giám sát, quấy rối, đe dọa, tịch thu hoặc phá hủy tài sản, tấn công bạo lực, mà đôi khi dẫn đến tử vong.

“Hội Cờ Đỏ” được Ủy ban nêu tên là tổ chức tiêu biểu có các hành vi tấn công cộng đồng Công giáo, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền và kích động phân biệt tôn giáo, bạo lực và phát ngôn gây hận thù.

Đối với Luật về Hội, Ủy ban vẫn quan tâm về những hạn chế không đáng có đối với việc thành lập, quản lý và hoạt động của các hiệp hội dân sự, bao gồm quyền thành lập công đoàn độc lập. Đặc biệt, các quy định hạn chế về tài trợ nước ngoài, có thể được sử dụng để thắt chặt kiểm soát các hiệp hội và hạn chế khả năng tiếp nhận các khoản tài trợ đó.

Việc thành lập đảng phái chính trị, Ủy ban quan ngại các đảng phái chính trị nằm ngoài đảng Cộng sản Việt Nam là không được phép, dẫn đến các nguyên tắc và thủ tục bầu cử không đảm bảo quyền của công dân tham gia vào các vấn đề công cộng. Ủy ban đánh giá rằng quy trình bầu cử tại Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc bầu cử tự do và đa nguyên chính trị khi các ứng cử viên độc lập phải trải qua nhiều vòng hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để được chọn là ứng viên chính thức, trong khi tổ chức này lại do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Công an bắt người biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, tháng 6/2018. Ảnh: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.

Tiếp tục giám sát và báo cáo tiếp theo

Cuối cùng, Ủy ban đề nghị nhà nước Việt Nam đảm bảo thực thi Công ước và bản Nhận xét Kết luận này cần được dịch sang tiếng Việt để phổ biến đến các cơ quan tư pháp, lập pháp, hành pháp và công chúng Việt Nam.

Ủy ban yêu cầu nhà nước tiếp tục cung cấp thông tin bổ sung để trả lời những gì mà Ủy ban đã nêu ra trong bản kết luận này về vấn đề án tử hình, tự do ngôn luận, và người bảo vệ nhân quyền trước ngày 29/3/2021.

Đối với báo cáo định kỳ kế tiếp, lần thứ tư, Ủy ban yêu cầu nhà nước nộp trước ngày 29/3/2023.

Trong khoảng thời gian này, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ được khuyến khích giám sát quá trình nhà nước thực thi bản Nhận xét Kết luận của Ủy ban, cũng như có thể thực hiện các chương trình hành động qua các sáng kiến thực thi khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.

Toàn bộ Nhận xét Kết luận của Ủy ban Nhân quyền LHQ được đăng tải trên trang website Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ. Bạn đọc quan tâm có thể xem đầy đủ tại đây.

Tạp chí Luật Khoa (luatkhoa.org)