Một biểu ngữ chống Luật An Ninh Mạng trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6. (Hình: Trần Bang)

VALENCIA, Spain (NV) – Luật An Ninh Mạng ở Việt Nam không còn là một vấn đề của riêng người dùng mạng xã hội trong nước mà nó đã trở thành sự việc đáng lưu ý cho người quan tâm đến tự do internet trên toàn thế giới tại Vietnam Cybersecurity Dialogue 2019 (VCD 2019.)

Đó không ai khác, chính là những người làm trong ngành kỹ thuật công nghệ; phát triển trang web (web developing, web coding); an ninh mạng…tham dự Vietnam Cybersecurity Dialogue (Hội thảo An Ninh Mạng Việt Nam) lần thứ 3 ở Valencia, Tây Ban Nha vào ngày 31 Tháng Ba, 2019.

Cũng như những năm trước, VCD 2019 là một chuyên đề nằm trong chuỗi sự kiện của Internet Freedom Festival (IFF) lần thứ 5 từ ngày 1 đến ngày 5 Tháng Tư, 2019. Sự bảo mật và an toàn cho người tham dự VCD và cả IFF được đảm bảo tuyệt đối. Do đó, trong suốt thời gian hội thảo, việc ghi hình, quay phim hoàn toàn không được thực hiện.

Người dân Sài Gòn biểu tình chống Luật An Ninh Mạng ngày 10/6/2018. (Hình: Facebook Trần Bang.)

Diễn ra chỉ trong một ngày, VCD 2019 có số lượng khách tham dự rất chọn lọc nhưng vẫn nêu lên được tất cả những vấn đề cần trao đổi liên quan đến Luật An Ninh Mạng ở Việt Nam.

Trong buổi hội thảo, các vấn đề như tài khoản Facebook bị khoá, nội dung đăng tải trên Facebook bị xoá nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, họ đặt ra những câu hỏi đề cập thẳng đến luật pháp, tìm hiểu về chính quyền CSVN và cả việc làm thế nào để có thể phản đối Luật An Ninh Mạng có hiệu quả.

Rất thú vị khi trong thời gian hội luận, những danh từ quen thuộc với tình hình ở Việt Nam như Viettel, xoá bài, khoá Facebook…được nhắc đến rất nhiều lần, bởi chính những người quan tâm từ các nước khác. Thậm chí, có cả ý kiến nói rằng Luật An Ninh Mạng ở Việt Nam là một bản sao của Luật An Ninh Mạng Trung Quốc.

VCD 2019 đưa ra những chuyên đề nhỏ cùng thảo luận như: Xã hội dân sự (Civil Society); Tự do báo chí (Press Freedom); Môi trường luật pháp ở Việt Nam (Legal Operating Environment); An ninh mạng (Cybersecuirty Law); Phần mềm nguồn mở (Open Sources).


Mỗi chuyên đề sẽ được giải thích cho khách tham dự qua một diễn giả chính như người làm trong truyền thông; Cựu tù nhân lương tâm; một Facbooker từng bị “hack” tài khoản Facebook hay một người đang hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng.

Trả lời Nhật Báo Người Việt vì sao Luật An Ninh Mạng ở Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia phần mềm cũng như những người trong công nghệ bảo mật, ông Alp Toker, Phó Giám Đốc của NetBlocks Group, một tập đoàn xã hội dân sự hoạt động về quyền kỹ thuật số, an ninh mạng và quản trị mạng cho biết:

Được biết các thông tin là điều rất quan trọng, với nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi rất lo ngại và quan tâm đến những chính kiến không được bày tỏ ở Việt Nam, một quốc gia do Đảng Cộng Sản cai trị.

NetBlocks sẽ cố gắng giúp cho các cơ quan truyền thông hải ngoại hạn chế việc bị khoá trang web ở Việt Nam. Chúng tôi không muốn mọi người bị mất đi cơ hội được lên tiếng và được quyền biết thông tin.

Ông Alp Toker cho biết thêm, trong công việc tìm hiểu về những trang mạng bị khoá, bị đánh sập, ông đã nhận thấy Viettel, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam chính là cái tên đứng sau rất nhiều những tài khoản Facebook bị khoá cũng như những trang mạng bị “block” ở Việt Nam. Điều này cũng tương tự như cách Viettel áp dụng ở một số nước Châu Á khác và Châu Phi.

Arturo Filasto, kiến trúc sư trưởng của công ty phần mềm OONI, một phần mềm miễn phí cho phép mọi người trên toàn thế giới kiểm tra trang mạng của họ và thu thập dữ liệu của các hình thức kiểm duyệt internet khác nhau cho Nhật Báo Người Việt biết về sự quan tâm ông dành cho VCD, đặc biệt là Luật An Ninh Mạng ở Việt Nam:

Một sự kiện như VCD đã cho chúng tôi học hỏi thêm rất nhiều về những gì đang diễn ra trong thế giới mạng internet ở các quốc gia như Việt Nam. Từ đó chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải nghiên cứu và phát triển thêm các kỹ thuật mới để mang đến một thế giới mở, thế giới tự cho internet cho mọi người.”

Ngày 1 Tháng Một, 2019, Luật An Ninh Mạng chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Từ đó cho đến nay, luật này đã nhận được nhiều sự chỉ trích từ Hoa Kỳ, EU cùng các nhóm ủng hộ tự do internet….vì qui định yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ internet xóa “nội dung độc hại” và bàn giao dữ liệu người dùng khi được chính quyền yêu cầu.

Luật An Ninh Mạng cũng quy định các công ty cung cấp internet nước ngoài như Facebook, Google, YouTube phải lưu trữ máy chủ ở Việt Nam. Điều này được cho là vi phạm quyền riêng tư và các mối đe dọa an ninh mạng.

Cát Linh/Người Việt

(02.04.2019)