Nam Dương đánh chìm 51 tàu cá ‘phi pháp’, gồm 26 chiếc từ Việt Nam

Bản quyền hình ảnh LOUIS ANDERSON Image caption Một trong các tàu đánh cá Việt Nam bị Nam Dương đánh chìm tại đảo Datuk, ở Tây Kalimantan vào ngày 4/5

Nhà chức trách Nam Dương một lần nữa đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài ‘phi pháp’, trong đó 26 chiếc từ Việt Nam.

Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Nam Dương Susi Pudjiastuti chỉ đạo dẫn vụ đánh chìm tàu ​​cá nước ngoài diễn ra ở vùng biển Pulau Datuk, Tây Kalimantan, hôm 4/5.

Bà Pudjiastuti cho biết vụ đánh chìm tàu cá ​​là cách giải quyết vấn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không được kiểm soát và tiêu thụ tài nguyên thủy sản của Nam Dương.

Trong bài phát biểu, bà Pudjiastuti nói rằng những chiếc tàu cá bất hợp pháp “là mối đe dọa cho ngành công nghiệp đánh cá địa phương”.

“Những người chủ tàu cá đó thường là thủ phạm của chế độ nô lệ thời hiện đại. Tội phạm đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của chúng tôi bị mất trí rồi. Chúng tôi không thể khoan dung được nữa,” bà nói.

Tuy nhiên, lần này các tàu cá bất hợp pháp không bị cho nổ tung trước khi bị nhấn chìm như những lần trước.

Image caption Vụ đánh chìm tàu ​​cá nước ngoài diễn ra ở vùng biển Pulau Datuk, Tây Kalimantan, hôm 4/5

Trong khi đó, việc đánh chìm tàu cá được cho là sau này có thể trở thành nơi trú ẩn của các loài cá và trở thành điểm lặn mới.

Bà Pudjiastuti cũng đảm bảo rằng xăng dầu trên các tàu cá đã bị loại bỏ trước khi bị đánh chìm.

Bản quyền hình ảnh ROSLAN RAHMAN/AFP/GETTY IMAGE Image caption Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Nam Dương Susi Pudjiastuti

Trước đó, ngày 29/4, chính quyền Nam Dương tuyên bố một tàu tuần tra của nước này bị hai tàu kiểm ngư Việt Nam đâm vào, trong khi Nam Dương bắt giữ một tàu cá mà Nam Dương cáo buộc đánh bắt cá phi pháp.

Một chỉ huy hải quân Nam Dương, Đề đốc Yudo Margono, nói trong vụ va chạm ngày 27/4, một tàu cá Việt Nam bị chìm, còn 12 ngư dân Việt bị Nam Dương tạm giữ. Hai người khác thì được tàu kiểm ngư Việt Nam cứu.

Thông cáo của Đề đốc Yudo Margono ra hôm thứ Hai nói tàu cá Việt Nam bị giữ ngoài khơi quần đảo Natuna.

Đây không phải lần đầu tiên Nam Dương cáo buộc Việt Nam.

Trước đó theo báo Jakarta Post hôm 27/2, Bộ trưởng Susi Pudjiastuti chỉ trích Cục Kiểm ngư Việt Nam, với cáo buộc đã ngăn cản chấp pháp Nam Dương khi đang bắt bốn tàu Việt Nam.

Nam Dương cáo buộc bốn tàu này khi đó xâm phạm lãnh hải.

Việt Nam từng nhiều lần kêu gọi Nam Dương không sử dụng vũ lực đối với tàu cá và ngư dân Việt, nhấn mạnh các hành động này của phía Nam Dương vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trái với pháp luật quốc tế, không phù hợp với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam – Nam Dương và đoàn kết Asean.

BBC (05.05.2019)

Nam Dương đánh đắm tàu cá Việt Nam một tuần sau vụ đụng độ trên biển

Nam Dương chuẩn bị đánh chìm một số tàu cá Việt Nam ở đảo Datuk hôm 4/5/2019  AFP

Hôm thứ bảy 4/5/2019, các cơ quan chức năng Nam Dương bắt đầu đánh chìm hàng chục tàu nước ngoài bị tạm giữ, được cho là để ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của họ, một tuần sau khi một tàu hải quân Nam Dương đụng độ với một tàu kiểm ngư Việt Nam tại vùng nước mà hai nước còn đang đàm phán.

Theo hãng tin AFP, các quan chức Nam Dương cho biết số lượng tàu bị đánh đắm lên đến 51 tàu bao gồm tàu cá từ Việt Nam, Mã Lai và Trung cộng. Các tàu này sẽ lần lượt bị đánh đắm tại một số địa điểm khác nhau trong hai tuần tới.

“Nếu chúng ta không hành động kiên quyết, họ sẽ còn táo bạo hơn nữa. Tôi tin rằng những va chạm này sẽ trở nên tồi tệ hơn vào một ngày nào đó, điều này sẽ leo thang”, Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Nam Dương Susi Pudjiastuti nói.

Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức vào năm 2014, hàng trăm tàu cá nước ngoài bị bắt đã bị đánh chìm. Theo Bộ Ngư Nghiệp Nam Dương, nước này đã đánh đắm tổng cộng 488 tàu cá nước ngoài, trong đó có 276 tàu cá Việt Nam.

Việc phá hủy, đánh đắm các tàu cá nước ngoài đã bị đình chỉ trong vài tháng, nhưng bắt đầu lại khi một tàu Kiểm ngư Việt Nam đâm vào tàu hải quân Nam Dương để giải cứu các ngư dân bị bắt.

Theo báo chí trong nước, hôm 27/4, 14 ngư dân cùng 2 tàu cá bị phía hải quân Nam Dương bắt giữ vì bị cho rằng đánh cá trái phép trong vùng biển Bắc Natuna.

Phía Việt Nam nói đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tàu Kiểm ngư số hiệu 213 đuổi theo, đâm va vào tàu hải quân Nam Dương, 2 ngư dân nhảy xuống biển được cứu thoát, tuy nhiên 1 tàu cá bị chìm và tàu cá còn lại cùng 12 ngư dân bị bắt về phía Indo.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tuần trước đã gửi công hàm phản đối hành động của tàu Hải quân Nam Dương và yêu cầu Nam Dương thả ngư dân,i bồi thường cho ngư dân Việt Nam.

Việt Nam và Nam Dương hiện còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa đàm phán xong ở gần đảo Natuna của Nam Dương. 2 năm trước, Nam Dương đã đổi tên vùng biển gần Natuna thành biển Bắc Natuna để khẳng định chủ quyền.

RFA (04.05.2019)

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng ở Biển Đông

Tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông giới hạn bởi đường màu đỏ

Việt Nam phản đối và bác bỏ lệnh đánh bắt cá mà Trung cộng ban hành ở Biển Đông, nói rằng quyết định này xâm phạm chủ quyền đối và các lợi ích pháp lí khác của Việt Nam trong vùng biển mà hai nước có tranh chấp.

Bộ Nông nghiệp Trung cộng loan báo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc trở lên, truyền thông Trung cộng đưa tin. Theo lệnh cấm này, các tàu đánh cá trong và ngoài nước sẽ bị lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng giám sát 24/24 về mọi hành vi vi phạm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày thứ Bảy tái khẳng định Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lí và bằng chứng lịch sử” cho các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, nơi mà Trung cộng hiện đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

“Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo đăng trên website của bộ.

“Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung cộng (DOC) và trái với thỏa thuận chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, theo lời bà.

Người phát ngôn nói thêm các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành “phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.”

Hàng năm từ năm 1999 đến nay Trung cộng đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Trong khi đó Trung cộng cũng đang tăng cường các hoạt động bồi đắp và cải tạo các đảo mà họ chiếm đóng cũng như xây cất các cơ sở quân sự, khơi lên lo ngại của các nước láng giềng trong khu vực.

VOA (05.05.2019)

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đồng ý hợp tác đối phó với Trung cộng ở Biển Đông

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam   Courtesy of dangcongsan.vn

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam và Nhật Bản hôm thứ Năm, 2/5 đã đồng ý sẽ hợp tác đối phó một cách hoà bình với Trung cộng ở Biển Đông. Trang tin Japan Times loan tin này hôm 4/5.

Nói với người đồng nhiệm trong cuộc gặp ở Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya giải thích hướng dẫn quốc phòng quốc gia mới của Nhật Bản đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái đã xác định các hoạt động quân sự của Trung cộng ở Biển Đông và các vùng nước xung quanh là một mối quan ngại an ninh nghiêm trọng trong khu vực bao gồm cả Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hoá của Trung cộng ở khu vực Biển Đông, nơi nước này đang có tranh chấp với một số nước láng giềng trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc gặp lần này, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã trao đổi một bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.

Theo bản ghi nhớ này, các hợp tác giữa hai bên sẽ bao gồm an ninh biển, trợ giúp nhân đạo, an ninh mạng. Japan Times trích các nguồn tin giấu tên cho biết.

Nhật Bản là nước trong các năm qua đã hỗ trợ Việt Nam các tàu tuần duyên nhằm tăng cường khả năng tuần tra biển cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.

Nhật Bản cũng là nước đang có tranh chấp với Trung cộng ở khu vực Đông Hải nơi có quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung cộng gọi là Điếu Ngư.

RFA (04.05.2019)

Ngũ Giác Đài dự kiến Trung cộng sẽ tăng số lượng căn cứ quân sự ở nước ngoài

Washington, Ngũ Giác Đài dự kiến Trung cộng sẽ tăng số lượng căn cứ quân sự ở nước ngoài liên quan đến các dự án như “Một vành đai – Một con đường”.

Ngũ Giác Đài đã công bố báo cáo hàng năm về sự phát triển quân sự của Trung cộng. Tài liệu 136 trang mô tả cách Trung cộng “mở rộng ảnh hưởng của đất nước” trên trường thế giới.

“Các nhà lãnh đạo Trung cộng đang sử dụng sức nặng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng để thiết lập uy quyền khu vực và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của đất nước”, – báo cáo cho biết.

“Việc xúc tiến các dự án Trung cộng như “Một vành đai – Một con đường” có thể sẽ dẫn đến việc triển khai căn cứ quân sự ở nước ngoài do nhu cầu đảm bảo an toàn cho các dự án này”, – tác giả báo cáo viết.

Cơ quan quân đội Mỹ cũng nói rằng “Trung cộng sẽ tìm cách tạo thêm các căn cứ quân sự ở các quốc gia như Pakistan. Với các nước mà Trung cộng đã thiết lập quan hệ hữu nghị lâu dài và có lợi ích chiến lược tương tự”.

Sputnik News (03.05.2019)

Mỹ cảnh báo khả năng Trung cộng lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài

Khu trục hạm Quý Dương của Trung cộng tại lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập Hải Quân Trung cộng, ngoài khơi Thanh Đảo, ngày 23/04/2019.REUTERS/Jason Lee

Ngũ Giác Đài  ngày hôm 02/05/2019 đã công bố báo cáo thường niên về năng lực quân sự của Trung cộng. Bản báo cáo dài 136 trang ghi nhận là quân đội Trung cộng ngày càng tăng cường sức mạnh nhằm « thách thức ưu thế quân sự của Mỹ ». Một trong những nhận định đáng chú ý là việc Bắc Kinh « rất có thể » sẽ xây thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Bản phúc trình gởi Quốc Hội Mỹ nêu rõ : « Giới lãnh đạo Trung cộng đang sử dụng sức nặng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của nước họ để thiết lập quyền thống trị của họ trong khu vực (châu Á) và mở rộng ảnh hưởng của Trung cộng ra thế giới ».

Do đó, theo Ngũ Giác Đài, các dự án của Trung cộng ở nước ngoài như Con Đường Tơ Lụa Mới « có thể sẽ dẫn đến việc thiết lập các căn cứ quân sự tại nước ngoài để đáp ứng nhu cầu bảo vệ các dự án đó ».

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Trung cộng hiện chỉ có một căn cứ quân sự nước ngoài đặt tại Djibouti, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ tìm cách mở thêm nhiều căn cứ khác ở những nước thân cận, chẳng hạn như ở Pakistan, hay tại những quốc gia « có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đồn trú ».

Theo Ngũ Giác Đài, các địa điểm tiềm năng trong kế hoạch đặt căn cứ quân sự của Trung cộng ở nước ngoài có thể bao gồm khu vực Trung Đông, Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương.

AFP cho biết là vào năm 2018, một quan chức bộ Quốc Phòng Afghanistan đã tiết lộ việc Bắc Kinh đàm phán với Kabul về khả năng cho Trung cộng lập một căn cứ quân sự tại vùng đồi núi Wakhan miền tây bắc Afghanistan.

Một điểm đáng lưu ý khác trong báo cáo của Ngũ Giác Đài là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng Hải Quân Trung cộng, đang có « tầm hoạt động càng lúc càng xa », với tàu sân bay thứ hai tự đóng sẽ đi vào hoạt động ngay từ cuối năm 2019 này.

Một điểm mới khác, theo Reuters, là báo cáo của Ngũ Giác Đài năm nay đã nêu bật sự hiện diện của quân đội Trung cộng tại Bắc Cực, trong đó có việc Trung cộng « triển khai tàu ngầm tới khu vực để răn đe các cuộc tấn công hạt nhân ».

Bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Quân Đội Trung cộng đã đặt việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm lên thành ưu tiên. Hải Quân Trung cộng hiện có 4 tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng tên lửa hành trình, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, và 50 tàu ngầm quy ước.

Còn theo CNN, báo cáo của Ngũ Giác Đài cũng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Trung cộng, nhằm đánh cắp công nghệ tiên tiến dùng vào mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.

RFI (03.05.2019) 

Hoa Kỳ: Trung cộng vẫn dùng gián điệp đánh cắp công nghệ quân sự

Trong bản báo cáo thường niên mới nhất về sức mạnh quân sự Trung cộng của Ngũ Giác Đài đệ trình lên Quốc hội Mỹ cho thấy, Bắc Kinh vẫn dựa vào thủ đoạn gián điệp đối với các nước khác để đánh cắp công nghệ quân sự mới nhất.

Tên lửa DF-5B của quân đội Trung cộng trong một cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn năm 2015 (Ảnh: Getty Images)

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, chiếu theo quy định, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo thường niên năm 2019 liên quan đến sức mạnh quân sự Trung cộng hôm hôm 2/5. Trong báo cáo có viết, chính phủ Trung cộng lợi dụng các thủ đoạn để có được công nghệ quân sự mới nhất từ nước ngoài, như trực tiếp đầu tư ra nước ngoài, đánh cắp qua mạng internet, lợi dụng công dân Trung cộng có thể lấy được những công nghệ liên quan, xâm nhập vào máy tính, và các thủ đoạn khác.

Ngày 3/5, tại Ngũ Giác Đài, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Randall Schriver đã cho với các phóng viên biết rằng, Bắc Kinh thường xuyên sử dụng chiến thuật sát biên khi chưa đến mức độ xung đột vũ trang để thực hiện mục tiêu “trở thành quân đội đẳng cấp thế giới trước năm 2049”, từ việc ép buộc và đe dọa giới truyền thông và học thuật, cho đến việc can nhiễu tín hiệu tàu thuyền trong khu vực hải phận quốc tế ở Biển Đông, tất cả các chiến thuật họ đều có sử dụng. Bắc Kinh lợi dụng những thủ đoạn này, để lấy được từ Mỹ những công nghệ cấp quân sự, từ tàu chống ngầm đến thiết bị hàng không.

Cũng theo VOA, báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng liệt kê ra thời gian biểu về các hoạt động tương tác giữa quân đội Mỹ và Trung cộng trong một năm qua, trong đó có sự kiện như quân đội Mỹ thu hồi lời mời quân đội Trung cộng tham gia diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC), sự kiện Trung cộng triệu hồi Tư lệnh viên Hải quân đang tham gia Hội nghị Hải quân quốc tế tại Mỹ.

Christopher Wray , giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ – FBI cũng lên tiếng cảnh báo “Hơn khi nào hết, các đối thủ đang nhắm vào tài sản, thông tin và ý tưởng cho sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển, công nghệ của chúng ta. Không có quốc gia nào đặt ra mối đe dọa về thu thập thông tin tình báo nghiêm trọng hơn, rộng lớn hơn như Trung cộng”. 

Theo trithucvn.net (05.05.2019)