Amnesty nói VN tăng mạnh việc trấn áp tiếng nói đối lập

Bản quyền hình ảnh AMNESTY INTERNATIONAL

Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng trấn áp các nhà hoạt động ôn hòa đang tăng mạnh tại Việt Nam, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói hôm thứ Hai, 13/5, trong đó có nhiều trường hợp chỉ vì đăng bình luận trên mạng xã hội như Facebook.

Ân xá Quốc tế kêu gọi Hoa Kỳ phải thách thức chính quyền Việt Nam trong cuộc đối thoại nhân quyền sẽ diễn ra trong tuần này.

‘Các vụ bỏ tù tăng vọt’

Ân xá Quốc tế nêu con số các tù nhân lương tâm bị tống giam một cách không thỏa đáng đã tăng vọt lên một phần ba.

Ân xá Quốc tế định nghĩa ‘tù nhân lương tâm’ là những ai không cổ vũ, không dùng bạo lực nhưng bị tù vì quan điểm hay niềm tin.

Theo thống kê của Ân xá Quốc tế, chính phủ hiện đang giam giữ ít nhất 128 người. Con số này hồi năm ngoái là 97 trường hợp.

Ân xá Quốc tế cũng nói rằng những người này bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người vừa được trả tự do hôm 5/5/2019 sau năm năm thụ án, là một trong những người bị tống giam do đăng tải thông tin trên internet

“Có bằng chứng cho thấy các tù nhân bị tra tấn hoặc bị đối xử tồi tệ, thường bị giam cấm cố hoặc bị biệt giam, bị nhốt trong điều kiện dơ dáy, không được chăm sóc y tế, không có nước sạch, không khí sạch,” thông cáo của Amnesty International nói.

Trấn áp các hoạt động trên mạng xã hội

Đáng chú ý, tổ chức này nêu ra con số gần 10% những người bị bỏ tù là do đăng bình luận trên các mạng xã hội như Facebook.

Ân xá Quốc tế quan ngại rằng với việc Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019, giới chức sẽ càng tăng cường các biện pháp theo dõi gắt gao nhằm trấn áp tiếng nói chỉ trích.

“Trong năm ngoái, giới chức Việt Nam rõ ràng đã nỗ lực trấn áp trên mạng xã hội,” Reuters dẫn lời ông Nguyễn Trường Sơn, nhà vận động của Amnesty về Việt Nam, nói.

Việt Nam hồi tháng Giêng đã cáo buộc Facebook là vi phạm quy định pháp luật khi cho phép người dùng đăng các bình luận chống chính quyền.

Tại Việt Nam, Facebook cho đến nay vẫn là nơi trọng yếu được giới bất đồng chính kiến dùng làm nơi bày tỏ quan điểm.

Mới đây nhất, một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm thứ Sáu 10/5 đã kết án tù đối với hai phụ nữ về tội “sử dụng nhiều tài khoản Facebook” để “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo truyền thông nhà nước.

Bản quyền hình ảnh ANTV Image caption Hai bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương bị Tòa án Đồng Nai tuyên tổng cộng 11 năm vì ‘tuyên truyền’ trên mạng xã hội chống luật ba đặc khu và luật an ninh mạng

Kết quả nghiên cứu mà Ân xá Quốc tế vừa công bố cho thấy tại Việt Nam, giới chức đang “siết chặt thòng lọng ở mọi lĩnh vực”, Nicholas Bequelin, Giám đốc vùng Đông và Đông Nam Á của Amnesty International nói.

Không chỉ đàn áp bất kỳ dấu hiệu đối lập chính trị nào, mà giới chức còn trấn áp cả những người dám “thách thức tình trạng tham nhũng, hoặc muốn nâng cao chất lượng cộng đồng thông qua các hoạt động về nhân quyền”, ông Bequelin nói thêm.

Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt

Amnesty thúc giục Hoa Kỳ phải “thách thức Việt Nam trong cuộc đối thoại về nhân quyền” sắp diễn ra.

Được biết phái đoàn Hoa Kỳ sẽ tới thăm Việt Nam và sẽ tham vấn ý kiến giới hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trước khi bước vào cuộc đối thoại đó.

Đây là sự kiện được tổ chức thường xuyên kể từ 2006 tới nay, tuy có một đợt gián đoạn trong hai năm.

Với việc hai bên sắp có cuộc đối thoại định kỳ trong tuần này, Amnesty kêu gọi chính phủ Mỹ phải “lặp lại ở cấp cao nhất rằng nếu không có tiến bộ thực sự về nhân quyền thì sẽ có những hạn chế về mức độ tiến triển trong mối quan hệ Mỹ-Việt”.

BBC (13.05.2019)

Công an Việt Nam chặn một số nhà hoạt động, chức sắc gặp Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Một số các nhà bất đồng chính kiến tại Sài Gòn đến được nơi gặp Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ theo lời mời gặp vào sáng ngày 13/5/2019, để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019. Courtesy BS Nguyễn Đan Quế

Một số các nhà bất đồng chính kiến tại Sài Gòn và các tỉnh bị công an, an ninh ngăn chặn, cấm cản, không thể đến gặp Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ theo lời mời gặp vào sáng ngày 13/5/2019, để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019.

Một trong những người bị ngăn cản là Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, ông Hứa Phi, và cũng là đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cũng bị Công an Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng ngăn chặn. Ông cho Đài Á Châu Tự Do biết sự việt như sau:

“Trong chương trình người ta biết ngày 13/5 xuống Sài Gòn gặp Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Hội đông Liên tôn Việt Nam. Bốn ngày nay, tôi bị Công an cộng sản Việt Nam ở Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng canh tôi liên tục và liên tục cho nên tôi không thể xuống Sài Gòn gặp Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng như Cục Dân chủ Nhân quyền mời. Công an chặn quanh nhà tôi, tôi ra đi thì công an đem những vật cản đến chặn cửa nhà tôi như giường bố, bàn ghế… Tuy tôi không đi được nhưng tôi cũng đã ủy quyền cho một số vị trong đạo Cao đài xuống dự.”

Một cựu tù nhân lương tâm tại Sài Gòn, là Luật sư Lê Công Định, cũng viết trên trang cá nhân về tình trạng bị công an, an ninh ngăn cản cấm ra khỏi nhà từ trước cuộc gặp 2 ngày.

Lý do mà an ninh của Sở Công an TPHCM cấm Luật sư Lê Công Định đi ra khỏi nhà, được cho biết là các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép nhà nước Việt Nam trước khi gặp ông.

Luật sư Lê Công Định viết rằng, ông đã thẳng thắn nói với công an việc ngăn chặn đến dự buổi họp mặt sẽ gửi một thông điệp tệ hại về tình trạng nhân quyền hiện nay của Việt Nam.

Theo Luật sư Lê Công Định, việc cấm ông ra khỏi nhà đã trái với Điều 23 của Hiến pháp năm 2013, trong đó nêu rõ: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Ngoài Luật sư Lê Công Định và Chánh trị sự đạo Cao Đài Hứa Phi còn một số nhà hoạt động khác được mời đến gặp Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019, như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Phạm Bá Hải.v.v… Tuy nhiên, Đài Á Châu Tự Do tạm thời chưa thể liên lạc được với các nhà hoạt động này.

Lâu nay, mỗi khi những phái đoàn Phương Tây như Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu- EU có những cuộc gặp với các thành phần hoạt động, đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam thì hầu như những thành phần được mời bị an ninh Hà Nội ngăn chặn. Nhiều người phải tìm cách trốn trước ra khỏi nhà mới có thể được chỗ gặp.

RFA (13.05.2019)

Ân xá Quốc tế hối thúc VN tôn trọng nhân quyền trưóc đối thoại Việt-Mỹ

Tư liệu: Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State

Ngày càng có nhiều người bị bỏ tù tại Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm bất đồng trên các trang mạng xã hội như Facebook từ khi luật an ninh mạng có hiệu lực hồi đầu năm nay. Tổ chức Ân xá Quốc tế hối thúc Hoa Kỳ hãy chất vấn Hà nội về những vụ bắt bớ ngày càng tăng trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam trong tuần này.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói con số tù nhân lương tâm đã tăng vọt ở Việt Nam trong năm vừa rồi tính cho tới tháng Ba, 2019, lên tới 128 người, so với chỉ có 97 người trong năm trước đó.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đặt trụ sở ở London hôm 13/5 nói rằng dựa trên các số liệu mà họ thu thập, hiện có ít nhất 128 tù nhân lương tâm bị giam giữ ở Việt Nam, tính cho tới cuối tháng Ba năm 2019. Trong danh sách 128 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, có nhiều luật gia, blogger, và những nhà đấu tranh cho môi trường, hoặc đấu tranh vì dân chủ.

Giám đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Hội Ân xá Quốc tế, ông Nicholas Bequelin, nói: “Việt Nam không chỉ đàn áp những tiếng nói đối lập về chính trị mà còn mở rộng các chiến dịch đàn áp đến những ai lên án các vụ tham nhũng hay môi trường, vi đấu tranh vì cộng đồng”.

Ông Bequelin báo động rằng “quyền của người dân Việt Nam được nói lên những điều mình nghĩ” ngày càng bị đe dọa.

Theo lời Giám Đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Ân xá Quốc tế thì “chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhạy cảm, và người dân của họ đang phải trả một cái giá ‘khủng khiếp’, đơn giản chỉ vì những gì mà họ đã nói, hoặc những ai họ đã gặp.”

Đưa tin này, hãng tin Bloomberg cũng nhắc tới luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, buộc các công ty internet quốc tế như Alphabet Inc của Google và Facebook, phải mở văn phòng ở Việt Nam và lưu trữ dữ kiện về những người sử dụng, nhưng Việt Nam chưa loan báo chi tiết luật an ninh mạng sẽ được thực thi như thế nào. Bloomberg nói Bộ Ngoại giao Việt Nam cho tới giờ này, chưa đáp ứng yêu cầu bình luận của họ.

Reuters trích dẫn Ân xá Quốc tế định nghĩa tù nhân lương tâm là “những người không sử dụng hoặc cổ vũ bạo động, nhưng bị bỏ tù chỉ vì lý lịch, hoặc vì những gì mà họ tin tưởng.”

Reuters dẫn lời ông Nguyễn Trường Sơn, một nhà hoạt động cho Ân xá Quốc tế, nói:

“Trong năm qua, chính quyền Việt Nam rõ rệt đã có nỗ lực đàn áp truyền thông xã hội. Họ nhận thức rằng Facebook là một trong những diễn đàn an toàn cuối cùng, nơi mà mọi người có thể bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, trao đổi thông tin, và tranh luận với nhau. Đó chính là những điều mà họ sợ nhất.”

Ân xá Quốc tế nói các tù nhân lương tâm thường bị biệt giam trong các điều kiện tệ hại, không có nước sạch để uống, không được hít thở không khí trong lành. Nhiều người bị khước từ, không cho điều trị y tế.

Phúc trình của Ân xá Quốc tế được công bố giữa lúc Hà nội đang tăng cường các quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói Hoa Kỳ phải tái khẳng định với Hà nội rằng việc thắt chặt các quan hệ song phương sẽ tùy thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền.

Các giới chức Mỹ đang chuẩn bị tới Việt Nam trong tuần này để tham gia cuộc “đối thoại nhân quyền” với Việt Nam, vốn được tổ chức mỗi hai năm một lần.

Trong một diễn biến liên quan, Luật sư Lê Công Định cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng ông đang bị canh giữ và “cấm ra khỏi nhà. Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019”.

3 tù nhân lương tâm được Tổ chức Ân xá Quốc tế nêu tên

  1. Phan Kim Khánh, sinh viên và nhà báo độc lập, bị bắt vào tháng 3 năm 2017, bị tuyên án 6 năm tù, 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” dựa trên điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999. Ngoài việc điều hành 2 trang blog chống tham nhũng, một trong những tội được nêu lên là liên lạc với các cựu tù nhân lương tâm, như Điếu Cày.
  2. Trần Thị Nga, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền, bị bắt vào tháng 1 năm 2017, vì “tải clip video và tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước trên internet.” Bà bị tuyên án tù 9 năm, quản chế 5 năm theo điều 88, luật hình sự Việt Nam.Trần thị Nga là một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và môi trường ở Việt Nam. Trước khi bị bắt, bà phản đối Formosa-Hà Tĩnh về thảm họa môi trường biển miền Trung, và giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai.
  3. Trần Hoàng Phúc, sinh viên luật tranh đấu vì dân chủ và môi trường, thành viên của phong trào Chấn Hưng Nước Việt, bị bắt vào tháng 6 năm 2017 về tội tuyên truyền chống nhà nước, theo điều 88 Luật Hình sự 1999. Trần Hoàng Phúc là một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), từng bị chặn, không cho gặp Tổng thống Barack Obama khi ông tới thăm Việt Nam.

VOA (13.05.2019)

Ân Xá Quốc tế công bố danh sách 128 tù nhân lương tâm, thúc giục Mỹ áp lực Việt Nam về nhân quyền

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ở Hà Tĩnh hôm 27/11/2017 AFP

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm 13/5/2019 công bố một bản danh sách gồm 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam hiện vẫn đang bị giam giữ, đây là những người bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động.

Trong bản danh sách này có anh Nguyễn Văn Hóa, là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, người bị bắt giữ hồi tháng 1/2017 khi đang ghi nhận những hình ảnh người dân miền Trung biểu tình liên quan đến thảm họa môi trường do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra và bị kết án 7 năm tù giam.

So với bản danh sách cũng của tổ chức này công bố hồi tháng 4/2018 thì con số tù nhân lương tâm đã gia tăng 1/3, lên đến con số 31 người. 
Giải thích về sự gia tăng đột biến này, ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách tổ chức chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở 2 nước ở Việt Nam và Campuchia cho rằng, xu hướng này xảy ra sau các cuộc biểu tình chống  dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6/2018.

Thì theo nghiên cứu của chúng tôi, trong nửa cuối năm 2018, tức là chúng ta tính từ tháng 6 trở về sau và đến đầu năm 2019 chúng tôi nhận thấy là các cấp chính quyền VN đã gia tăng bắt bớ, xử tù những người hoạt động xã hội, cũng như những người bảo vệ nhân quyền, cả những nhà báo ở VN nữa.

Chỉ tính đến những người bị bắt liên quan đến việc dự luật Đặc khu và An nin mạng, chúng ta nhận thấy trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước VN vào tháng 6/2018. Sau cuộc biểu tình đó kéo theo làn sóng bắt bớ rất là rầm rộ ở các địa phương ở VN mà tập trung chủ yếu là ở phía Nam.

Ân xá Quốc tế có nhận thấy rằng hầu hết các địa phương như Bến Tre, An Giang, TPHCM là những địa phương có rất nhiều người bị bắt sau cuộc biểu tình vào tháng 6/2018.

Thêm một điều nữa là có nhiều người bị bắt chỉ vì bày tỏ chính kiến của họ về luật Đặc khu và An ninh mạng trên mạng xã hội và đặc biệt là Facebook.

Chính vì làn sóng bắt bớ diễn ra rất rầm rộ diễn ra ở các tỉnh thành khác nhau dẫn đến việc con số TNLT gia tăng 1 cách đáng kể,” ông Nguyễn Trường Sơn nói qua điện thoại với RFA.

Thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Ân xá Quốc tế cũng nhắc đến cuộc đối thoại nhân quyền Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong tuần này, đồng thời thúc giục Mỹ gây sức ép với Việt  Nam về vấn đề này. 


Trong cuộc đối thoại sắp tới, chính phủ Hoa Kỳ nên nhắc lại ở mức cao nhất rằng nếu không có tiến bộ thực sự về quyền con người thì sẽ có giới hạn cho mối quan hệ Mỹ-Việt. Sự tiến bộ đó nên được đo lường bằng các hành động cụ thể, bao gồm cả việc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm”, thông cáo nêu rõ.

Theo tìm hiểu của Đài Á Châu Tự Do, từ đầu năm 2019 đến nay Việt Nam đã kết án ít nhất 10 nhà hoạt động với tổng cộng 108 năm tù giam. 12 người khác cũng được ghi nhận là bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến An ninh Quốc gia, trong đó có ông Trương Duy Nhất, blogger của RFA bị cho là an ninh Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan dẫn giải về Việt Nam.

RFA (13.05.2019)

Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam sẽ được ký trong tuần tới

Hình minh họa. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (phải) bắt tay với ông Frank Jessen, trưởng đoàn EU tại Việt Nam hôm 4/8/2015  AFP

Trang mạng của Bộ Công Thương hôm 10/5 cho biết Việt Nam và EU sẽ ký hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) vào tuần tới.

Thông tin này được Bộ Ngoại giao đưa ra trong Phiên họp lần thứ Nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Liên minh Châu Âu về triển khai hiệp định khung Đối tác và Hợp tác doàn diện Việt Nam – EU (PCA) diễn ra tại Hà Nội hôm 10/5.

Bộ Công thương cho biết, tại phiên họp, hai bên khẳng định phối hợp thúc đẩy EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), sẽ được ký kết vào tuần tới.

Hai bên cũng trao đổi việc tiến hành các bước cần thiết hướng tới việc phê chuẩn và thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về người lao động.

Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán EVFTA từ năm 2015 với mong muốn sớm ký kết hiệp định này nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Một trong những nguyên nhân được nói đến nhiều là vấn đề nhân quyền trong đó có quyền của người của người lao động được đưa ra trong Hiệp định.

Hồi đầu năm nay, hai dân biểu Nghị viện Liên minh Châu Âu là bà Jude Kirton-Darling và ông Ramon Tremosa cho biết trên một video được đăng trên twitter rằng việc phê chuẩn EVFTA tại châu Âu đã bị hoãn lại vì lý do kỹ thuật. Hai dân biểu cũng nói đến những quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam.

Theo Hiệp định, Việt Nam cũng phải phê chuẩn ba công ước khác về quyền của người lao động của ILO là công ước 87, 98 và 105. Theo dự kiến, Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp tới vào cuối tháng này sẽ phê chuẩn công ước 98.

Theo Bộ Công thương, EU hiện là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Việt Nam, đồng thời là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA, là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

RFA (13.05.2019)

Ân Xá Quốc Tế báo động số tù nhân chính kiến tại Việt Nam tăng mạnh

Theo Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam tăng cường trấn áp, số tù nhân lương tâm tăng nhanh trong năm 2018Capture d’image:www.amnesty.org

Trong bản báo cáo “Tù nhân lương tâm tại Việt Nam” được công bố hôm nay, 13/05/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết, hiện tại có 128 tù nhân chính kiến đang bị bắt giữ tại Việt Nam, thay vì 97 người như trong bản nghiên cứu một năm trước đây.

Theo Amnesty International, luật an ninh mạng là nguyên nhân khiến số tù nhân bị bắt vì bày tỏ chính kiến trên các mạng xã hội tại Việt Nam tăng nhanh trong một năm qua.

Cụ thể là trong số 128 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam trong các nhà tù tại Việt Nam, 10 % bị cáo buộc vi phạm pháp luật chỉ vì có “những lời bình luận trên các mạng xã hội, như Facebook”.Các tù nhân chính kiến tại Việt Nam bị “giam giữ trong những điều kiện tồi tệ và có nhiều yếu tố chứng minh rằng họ bị tra tấn, bị ngược đãi, bị giam giữ tại những nơi bí mật (…) không được cung cấp thuốc men, nước sạch (…)”.

Giám đốc Ân Xá Quốc Tế đặc trách khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Nicholas Bequelin, báo động : Việt Nam không chỉ đàn áp những tiếng nói đối lập về mặt chính trị, mà còn mở rộng các chiến dịch đàn áp này đến những ai lên án các hành vi tham nhũng, hay mọi hành vì đấu tranh vì cộng đồng.”Trong danh sách 128 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, có nhiều luật gia, người viết blog, hay những nhà đấu tranh vì môi trường, vì dân chủ (…)”. Ông Becquelin kết luận : “Quyền bày tỏ lập trường tại Việt Nam đang bị đe dọa”.

Báo cáo của Amnesty International được công bố đúng vào lúc một phái đoàn Mỹ chuẩn bị đến Hà Nội tham dự “đối thoại nhân quyền” vào cuối tháng 5/2019. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Washington gây sức ép với phía Hà Nội, đòi Việt Nam trả “tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính kiến”.

RFI (13.05.2019)

Nhiều nhà hoạt động bị quản thúc trong dịp đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ


Chánh Trị Sự Hứa Phi

Vào ngày 13/5/19,  nhiều nhà hoạt động ở Việt Nam đã bị quản thúc trong dịp Đối thoại Nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ.

Ở Sài Gòn, cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định cho biết ông bị đưa vào diện bị quản chế từ hôm nay 13/5 khi thấy nhiều mật vụ lảng vảng quanh nhà. Một sỹ quan an ninh đến nói chuyện với ông và cho biết ông sẽ không được đi ra ngoài để gặp phái đoàn Hoa Kỳ.

Viên an ninh nói với luật sư Định rằng ông không được gặp người Mỹ. Vì phía Hoa Kỳ không đưa ông vào danh sách đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam mà phái đoàn của Vụ Dân chủ, Lao động và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tham vấn  trước khi bước vào cuộc đối thoại với chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Định cho biết viên sỹ quan này nói dối. Vì ông là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng mà người Mỹ thường tham vấn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Ông Định cho biết việc công an chặn ông không ảnh hưởng đến việc trao đổi tình hình về nhân quyền với người Mỹ, vì họ biết chuyện và đã liên lạc với ông qua điện thoại.

Ở cao nguyên Trung phần, mật vụ cũng vây quanh nhà riêng của Chính trị sự Hứa Phi thuộc đạo Cao Đài độc lập từ nhiều ngày qua nhằm không cho ông đi Sài Gòn gặp với phía Hoa Kỳ. Trong nhiều lần trước đây, ông thường rời nhà sớm hơn vài ngày. Nhưng sau cuộc gặp thường ông và gia đình bị sách nhiễu, như bị đánh hay bị đốt nhà.

Ngoài hai trường hợp tiêu biểu trên, nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn cũng bị an ninh bám sát trong một số ngày qua.

SBTN (13.2019)