Vương Trùng Dương

Bài viết Ý Nghĩa Âm Nhạc Trong Tương Quan Với Cuộc Sống của Phạm Đức Thân vừa được phổ biến, đọc rất thú vị. Trước đây tôi đã viết về Thi Ca & Âm Nhạc. Tôi thích âm nhạc nên cảm thấy những điều ghi nhận của ông cũng giúp cho giới thưởng ngoạn có cái nhìn tổng quát về lãnh vực nầy. Tuy nhiên cò phần phiến diện vì quan niệm về âm nhạc cũng như văn chương trước đây gồm A: âm nhạc bác học (hàn lâm) và B: âm nhạc bình dân, âm nhạc đại chúng.

A; Nhạc cổ điển (Pháp: musique classique, Anh: classical music) nhạc thính phòng (chamber music), như Symphony, Sonata, Concerto, string quartet… Khởi nguồn từ thời Trung Cổ ở thế kỷ thứ 5 đến thời Phục Hưng và thời kỳ Cổ Điển ở thế kỷ 18 tại Tây phương. Các nhà soạn nhạc nổi bật nhất có Joseph Haydn, Wolfgang Amadues Mozart, Ludwig van Beethoven.

Thế kỷ 19 là Opera, loại nhạc kịch nầy gồm nhạc, lời và diễn xuất…

* Concerto là một thể loại với những hình thức lớn của âm nhạc, có khi chỉ một nhạc công độc tấu cùng toàn bộ dàn nhạc. Nhiều tác phẩm concerto của Bach, Mozart, Beethoven, Brahms, Prokofiev, Bartók, Tchaikovsky… nhất là Debussy và Chopin

Violin và piano thường là nhạc cụ độc tấu luôn được sử dụng trong các bản concerto. Tuy nhiên ta cũng có thể nghe các concerto cho cello, cho flute, cho clarinet, và cho các nhạc cụ như đàn harp, horn, kèn trumpet, kèn trombon hay bassoon, kèn saxophone… Sau nầy có thêm bộ gõ, marimba (mộc cầm)

* Sonata là hình thức âm nhạc dành cho nhạc cụ. Khi một bản sonata được viết cho 3 hay 4 người chơi, nó sẽ được gọi là một trio (tam tấu), quartet (tứ tấu), quintet (ngũ tấu) hay sextet (lục tấu), và khi một bản sonata được viết cho cả một dàn nhạc lớn, nó sẽ được gọi là bản giao hưởng (symphony)

* Symphony. Vào giữa thế kỷ 18, giao hưởng chỉ là một tác phẩm ngắn, được viết cho một nhóm nhạc công nhỏ trình diễn trong một khán phòng nơi lâu đài của nhà quý tộc. Vào thời đó, trong một khán phòng nhỏ, chỉ một nhóm với khoảng 18 đến 20 đã được coi là một dàn nhạc thính phòng rất lớn rồi.

Haydn, Mozart được coi là tiên phong trong thể nhạc nầy. Đến thời của Beethoven, trình diễn tại các buổi hòa nhạc lớn, dàn nhạc cũng bắt đầu tăng cả về số lượng người chơi lẫn sự đa dạng về nhạc cụ. Các nhạc cụ mới đã được đưa vào, hình thức âm nhạc giao hưởng bắt đầu đạt tới quyền lực tối cao của nó. 

Bản Giao Hưởng Số 3, Số 5 và Số 9 của Beethoven không chỉ sử dụng các nhạc cụ, mà còn đưa vào đó một giàn hợp xướng… là tác phẩm nổi danh nhất thế giới cho đến bây giờ.

Những bản giao hưởng tuyệt vời của Berlioz, Schuber, Mendelssohn, Tchaikovsky, Dvorak… đã làm thăng hoa thể loại âm nhạc nầy.

Sở dĩ thể loại nầy trước đây được “gán ghép” là nhạc bác học, nhạc hàn lâm, nhạc quý tộc vì thời đó khi trình diễn chỉ hạn chế cho số người quyến quý và giàu có. Ở VN trước đây và trước năm 1975 ở miền Nam VN quan niệm rằng thể loại nầy thuộc âm nhạc bác học (hàn lâm) nhưng thời gian gần đây ở trong nước lại phủ nhận. Nếu tranh cãi thì rất dài dòng văn tự và coi như “nói chuyện với đầu gối” nen miễn bàn!

Thưởng thức nhạc cổ điến Tây phương cũng đòi hỏi thêm phần kiến thức về nhạc sử, tiểu sử nhà soạn nhạc mới cảm nhận được trường hợp và môi trường sáng tác. Bây giờ thì loại “trưởng giả học làm sang” tham dự các cuộc trình diễn âm nhạc cổ điển như “đàn gãy tau trâu” cũng nhan nhản!

B: Âm nhạc dân gian, trong một bài viết ghi nhận: “Đây là một nguồn cảm hứng lớn cho nhiều nhà soạn nhạc khác. Tại nước Anh, Vaughan Williams trộn lẫn những âm thanh của những bài hát truyền thống và âm nhạc nhà thờ của thời kỳ lãng mạn. Nhà soạn nhạc người Hungary Béla Bartók, giống như Stravinsky, đã viết thứ âm nhạc độc đáo dựa trên những nhịp điệu dân ca tiết tấu nhanh của đất nước quê hương. Cả Vaughan Williams và Bartók đều tập hợp những bài ca dân gian, viết chúng ra hoặc ghi âm chúng lại. Một nhà soạn nhạc khác là Messiaen lại sưu tầm những tiếng chim hót mà sau này ông sử dụng trong âm nhạc của mình”.

Ở VN, nhiều nhạc sĩ dựa vào dân ca để sáng tác thể nhạc nầy. Ở Hoa Kỳ trải qua bao thập kỷ Nhạc Đồng Quê  (Country Music) là một thể loại nhạc pha trộn truyền thống được tìm thấy phổ biến ở Mỹ và Canada. Theo Kiwipedia: “Nguồn gốc của nhạc đồng quê hiện nay là nhạc dân ca truyền thống phát triển nhanh từ giai đoạn thập niên 1920. Thể loại nhạc đồng quê trở nên phổ biến từ những năm 1940 khi mà thể loại Hillbilly Music (Hillbilly là tên gọi trước của nhạc đồng quê) trước đó đã bị coi thường. Nhạc đồng quê được chấp nhận rộng rãi vào những năm 1970, trong khi các nước phương Tây đã từ chối sử dụng nó từ thời điểm đó, ngoại trừ ở United Kingdom và Ireland, nơi mà nó vẫn thường được sử dụng.

Tuy nhiên, một sự pha trộn khác của các nhóm dân tộc ở tây nam Hoa Kỳ tạo ra thứ âm nhạc mà trở thành một thể loại nhạc đồng quê. Thể loại nhạc đồng quê được dùng hiện nay mô tả nhiều kiểu và nhiều tiểu thể loại.

Nhạc đồng quê đã sản sinh ra hai trong số các ca sĩ hát thành công nhất mọi thời đại. Elvis Presley, “The Hillbilly Cat” ca sĩ nầy đã tạo ra dòng nhạc rock and roll từ đây. Tiếp theo là nhạc sĩ Garth Brooks…

Hơn nữa, lượng người nghe nhạc đồng quê trên toàn quốc vẫn duy trì ổn định cho gần một thập niên, đạt đến 77.3 triệu người lớn mỗi tuần, theo cơ quan phát thanh – xếp hạng Arbitron, Inc.

Trên thế giới thịnh hành nhất với âm nhạc đại chúng mà trong những thập niên qua với hàng vạn ca khúc nổi tiếng. Nó “bình dân” vì ai nghe nhạc phẩm cũng cảm nhận, rung cảm được từ giai điệu lẫn lời ca, dễ thấm vào lòng người. Vì vậy không nên cho rằng âm nhạc bình dân là hạ cấp mà đó là dòng nhạc phổ thông, đại chúng với tất cả mọi tầng lớp thưởng ngoạn.

Thi hào Nguyễn Du (1765-1820) viết hai câu cuối (3253-3254) trong tác phẩm Truyện Kiều rất khiêm nhượng:

“Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Nhưng “lời quê” đó trở thành áng thơ bất hủ cho dân tộc Việt Nam. Trong bài diễn thuyết về Truyện Kiều của học giả Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924 cho rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” gần một thế kỷ vẫn còn giá trị.

*

Ý Nghĩa Âm Nhạc Trong Tương Quan Với Cuộc Sống

Âm nhạc là một nghệ thuật. Nghệ thuật là một hình thái đặc thù của ý thức xã hội, nhận thức hiện thực và thay đổi hiện thực bằng tư duy hình tượng, bằng ngôn ngữ riêng. Theo Belinski: “Nghệ thuật không dung nạp những tư tưởng triết lý trừu tượng, nhất là những tư tưởng duy lý; nó chỉ dung nạp những tư tưởng giầu chất thơ, mà những tư tưởng này thì không phải là tam đoạn luận, là giáo điều, là qui tắc, mà là dục vọng sống, là cảm hứng và nhiệt tình sôi nổi.”

Ngôn ngữ âm nhạc là âm thanh, ít có khả năng gợi lên những hình ảnh thị giác, vì âm nhạc là nghệ thuật của thính giác. Cho nên âm hình không phải là tiêu chuẩn duy nhất để biểu lộ đặc trưng cơ bản, giá trị của âm nhạc. Có lẽ ta phải xét rộng hơn đến ý nghĩa của âm nhạc, như M.S. Kagan đã định nghĩa: “Giá trị là ý nghĩa của khách thể đối với chủ thể…. Ý nghĩa này khoa học không xác định được, bởi ví nó có tính chủ quan… Nó được xác lập bởi ý thức hệ, thế giới quan, và cảm nghiệm trực tiếp.”

Ý nghĩa ở đây bao hàm cái lý tưởng, cái luận đề, cái lý thuyết, cái ý kiến, cái đạo đức, tóm lại là điều khẳng định mà người ta cho rằng tác phẩm biểu thị. Mặc dù không phải lúc nào cũng đúng, nhưng thường nó cũng còn bao hàm thái độ, ý định, mục đích của tác giả.

Chúng ta có thể phân biệt nhiều mức độ ý nghĩa trong âm nhạc. Dễ nhận biết nhất là ý nghĩa tường thuật, miêu tả, minh họa, bắt chước âm thanh thực sự hoặc diễn tả tượng trưng cảnh tượng. Loại này nhiều tính cụ thể, cho nên có khả năng giầu âm hình thị giác. Vd. Lê Thương sử dụng nhạc giật giọng, đều đều ngay đầu bài Hòn Vọng Phu để mô tả hình ảnh đoàn quân nhịp bước lên đường. Loại này cũng có thể dùng âm hình thính giác. Vd. tả cơn bão, có âm thanh gào rít lên.

Tiếp theo là ý nghĩa tác dụng tình cảm: âm nhạc khêu gợi nơi thính giả cảm nhận vui, buồn, ước muốn, hối tiếc, hăng hái… Cao hơn hết là ý nghĩa thuần túy âm nhạc, chú ý đến kết hợp âm thanh có giá trị thẩm mỹ về phương diện âm nhạc, mặc dù cũng có thể đượm chút tình cảm nhưng nhấn mạnh đến tác động giữa các âm thanh hơn. Loại này thường dành cho khí nhạc, gọi là nhạc tuyệt đối (absolute music).

Hai loại sau nhiều tính cách trừu tượng hơn, cho nên đặc trưng cơ bản của âm nhạc loại này nhiều phần phải tìm trong cái năng lực gợi cảm bén nhậy, khả năng tác động vào tâm hồn người nghe. Nhân tố tạo nên sức truyền cảm đó là âm thanh phải được kết hợp tài tình sao cho tác phẩm được tạo nên không còn chỉ là những âm thanh, mà là sự sống mãnh liệt, là tiếng nói của con tim (Beethoven), làm rung động mọi người. Nhiều tác phẩm lớn nằm trong hai loại này.

Về ý nghĩa của âm nhạc, các nhạc sĩ có ý kiến khác nhau. Có thể tạm chia thành hai phe. Phe thuần túy cho rằng âm nhạc không có ý nghĩa, hoặc nếu cho là có, thì ý nghĩa này hoàn toàn có tính cách âm nhạc, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường. Phe dung hòa cho rằng âm nhạc có ý nghĩa, một loại ý nghĩa giống như cuộc sống ngoài đời.

Theo phe thuần túy, mô tả âm nhạc bằng những từ như “gợi cảm”, “giầu cảm xúc”… hoàn toàn thiếu sót, giống như giải thích khuôn mặt, hình dáng một người bằng quần áo đang mặc. Ngay các từ như “vui, buồn, hăng hái…” cũng không thích hợp cho việc thưởng ngoạn tác phẩm. Cái huyền diệu thiết yếu thật ra vẫn nằm thật xa sau những từ này.

Người ta vẫn cho rằng âm nhạc là ngôn ngữ của tình cảm, là tiếng nói con tim, nghĩa là của những cảm xúc tương tự trong cuộc sống thực, rằng nhiệm vụ chính của âm nhạc bao gồm việc khêu gợi lên những tình cảm này, và mặt biểu hiện đó đã xác lập khả năng lớn lao của âm nhạc Nhưng người ta không tự hỏi và giải đáp tại sao cái đẹp của giai điệu này lại được coi như hơn cái đẹp của giai điệu kia. Thành thử biểu tả những tình cảm ngoại âm nhạc không phải là nhiệm vụ của âm nhạc. Lý do dẫn chứng có thể kể:

Đối với hầu hết các tác phẩm hay, người ta không xác định được những yếu tố diễn tả nào đã khiến tác phẩm giá trị. Cho dù nếu có thì cũng rất mơ hồ. Và ngay trong những tác phẩm không hay, không tác dụng gì trên thính giả, cũng thấy xuất hiện các đặc trưng của yếu tố này.

Một bản nhạc cả hai người đều ưa thích, nhưng mỗi người diễn tả, giải thích rất khác nhau. Có khi người này thấy buồn mà người kia không cảm thấy gì.

Khả năng khêu gợi tình cảm có thể như nhau, nhưng mỗi bản nhạc là một cá thể độc đáo với vẻ đẹp đặc biệt riêng. Đối với người yêu nó, mỗi bài còn là nguồn khám phá vô vàn những thích thú mới lạ.

Không trả lời được những câu hỏi như: Tại sao biểu tả của âm nhạc lại dễ khơi động tình cảm hơn là một người thực ngoài đời? Buồn vui âm nhạc khác buồn vui ngoài đời ở chỗ nào?

Thực tế cho thấy càng làm quen với âm nhạc thì càng ít dùng những từ như “vui, buồn, tình cảm…” đễ diễn tả, giải thích âm nhạc. Giá trị tác phẩm âm nhạc không tùy thuộc vào việc diễn đạt hay khêu gợi tình cảm của cuộc sống, mà vào “tính chất âm nhạc đặc biệt” chỉ trực giác được qua người có năng khiếu và được huấn luyện về âm nhạc. Khả năng nhận thức đó đem lại những đặc tính và hiệu quả phải được thừa nhận như sự kiện độc nhất, tối hậu. Những đánh giá của nó là tuyệt đối, không tranh cãi, không thắc mắc, có tính chung thẩm.

Ngược lại, theo phe dung hòa, âm nhạc bằng cách này hay cách khác liên quan đến cuộc sống. Âm nhạc không ở trong một thế giới biệt lập, mặc dù tính chất và mức độ liên quan khó chỉ ra chính xác. Trong kinh nghiệm âm nhạc của chúng ta, chúng ta quả có cảm thấy đang tiếp xúc một tư tưởng, một trí tuệ, chứ không phải chỉ với một tài năng thiên bẩm.

Câu nhạc giống như những câu thơ là độc đáo, nhưng không vì thế mà tách biệt. Kinh nghiệm âm nhạc không tạo nên một thế giới khép kín của riêng chúng. Nhiệm vụ cao nhất của âm nhạc là diễn đạt được cảm nghiệm của nhạc sĩ, qua sắp xếp, tổ chức các âm thanh. Cả con người tổng thể hợp tác để tạo nên tác phẩm.

Quả thật để cảm nhận một tác phẩm trong bất cứ môi trường nào, cần phải có nhậy cảm đặc biệt, và các cảm tính đó có thể đạt được thoải mái, gần như hoàn toàn độc lập, không bị cái gì khác chi phối. Nhưng âm nhạc không cần phải nhất thiết không có ý nghĩa. Mọi âm nhạc lớn, và ngay cả âm nhạc bình thường, cũng đều có khơi gợi một bối cảnh tinh thần. Không những khơi gợi, mà chính những trạng huống này là điều kiện hiện hữu của âm nhạc.

Theo phe thuần túy, chỉ có thể bảo tác phẩm đã tạo dược thích thú ( mà mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau và không thể truyền đạt) ở một mức độ nhiều hay ít. Thế nhưng, người ta vẫn không thể tránh được những đánh giá: tác phẩm này sâu sắc hơn; giai điệu kia cao nhã hay tình cảm hơn…

Quả thật có những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ ở bề mặt, ở hình thức. Nhưng thế không có nghĩa là hầu hết âm nhạc không cần đến cái chiều thứ ba, tức chiều giá trị cuộc sống. Tác phẩm mang dấu ấn tác giả (kinh nghiệm cuộc sống, chiều sâu tâm hồn) khơi gợi được cảm xúc, mong ước.. bên cạnh đáp ứng khách quan của chúng ta đối với âm nhạc thuần túy.

Âm nhạc không biệt lập, mà độc đáo. Ý nghĩa của nó không thể giải thích bằng lời, hay bất cứ môi trường nào khác hơn là chính âm nhạc. Nghệ thuật tồn tại để truyền đạt cái không thể diễn đạt bằng cách khác. Nghệ thuật không thay thế cho nhau. Tuy nhiên giữa những cái độc đáo cũng có sự giống nhau. Nhưng lời nói không thể diễn đạt ý nghĩa âm nhạc; đó là do ngôn ngữ nghèo nàn chứ ý nghĩa của âm nhạc không phải là không liên quan đến cuộc sống, tách biệt khỏi cuộc sống.

Trước hai ý kiến trái ngược, chúng ta có nhận xét như sau:

Ngôn từ cuộc sống không thích ứng cho âm nhạc, cũng như rất nhiều tình cảm có thực của con người mà không có từ để diễn tả. Nhưng thế không có nghĩa là âm nhạc không truyền đạt giá trị cuộc sống. Chống lại những ngôn từ đó không có nghĩa là chống lại những tình cảm ngôn từ đó diễn đạt (tất nhiên là diễn đạt một cách sai lạc).

Hình thức chiếm vai trò quan trọng trong đối tượng thẩm mỹ chính là vì tự nó, khi thưởng ngoạn, nó là nguồn suối cho những cảm xúc thẩm mỹ mà không cái gì khác có thể đem lại cụ thể.

Nhưng khác biệt giữa hai phe không chỉ là do ngôn ngữ nghèo nàn. Phe thuần túy cho rằng không nên có tình cảm cuộc sống xen vào việc thưởng ngoạn âm nhạc, ngôn từ không chỉ bất lực diễn tả mà còn không thích hợp.

Có lẽ phải hiểu thế này. Phe thuần túy bảo “âm nhạc không có ý nghĩa” không có nghĩa là âm nhạc không khơi gợi tác dụng, hiệu quả nào nơi thính giả (nếu thế thì nó tồn tại làm gì?); nhưng ngụ ý rằng những tác dụng này phải có tính âm nhạc triệt để. Kinh nghiệm nó gợi lên không có gì giống kinh nghiệm hoàn cảnh cuộc sống thực gợi nên.

Hai phe cũng khác nhau ở điểm những tác dụng này gồm những gì.

Cả hai phe công nhận tính độc đáo của âm nhạc, nhưng không nhất trí điểm tách biệt âm nhạc khỏi cuộc sống. Đây là vấn đề thuộc tính khí, không thể luận chứng, nhưng có thể đào sâu đề hai thái cực xích lại gần nhau hơn.

Kinh nghiệm cuộc sống đặc biệt và độc đáo, ngôn từ không diễn đạt được. Kinh nghiệm âm nhạc cũng không đủ từ diễn đạt. Nhưng cảm xúc tác phẩm gợi ra khác cảm xúc ngoài đời. Buồn của bài Tiễn Em (Phạm Duy – Cung Trầm Tưởng) gợi ra khác hẳn cái buồn thực của đôi lứa tiễn biệt. Sự kiện chính âm nhạc cho ta cái cảm giác này cho thấy có khác biệt: kinh nghiệm âm nhạc phong phú, độc đáo hơn.

Tuy nhiên quả có sự tương đồng kỳ diệu giữa kinh nghiệm sống và kinh nghiệm âm nhạc, cho nên chúng ta vẫn dùng ngôn ngữ cuộc sống để nói lên kinh nghiệm âm nhạc, dù rằng như thế là không thích hợp. Và phải luôn nhớ rằng cảm xúc âm nhạc gợi lên không giống cảm xúc cuộc sống gợi lên.

Truyền đạt tâm trạng là một trong những thuộc tính kỳ diệu của âm nhạc.và người ta có thói quen nghĩ nhạc sĩ đang truyền đạt một cái gì đó. Trong khi thực ra nhạc sĩ có thể không có mục đích như vậy. Tác phẩm chỉ đơn giản có tính thẩm mỹ và hiện hữu vì vẻ đẹp tự thân.

Nhạc sĩ cũng có thể sáng tác chỉ để thỏa mãn một nhu cầu bên trong, một tự thuật, một thanh tẩy, một giải thoát khỏi âu lo, một cố gắng để quên, bằng cách khách quan hoá nó thành một đối tượng; nghĩa là sáng tác hoàn toàn có tính cách cá nhân riêng tư.

Để kết luận, về thực tiễn cụ thể vấn đề ý nghĩa của âm nhạc, thiết tưởng nhận xét của I. Stravinsky (phe thuần túy) khá chính xác: “Người ta đa số thích âm nhạc là vì nó mang lại cho họ những xúc cảm như vui mừng, tiếc nuối, đau buồn, một hình ảnh thiên nhiên, một chủ thể mơ mộng, hay hơn thế nữa, một quên lãng cuộc sống thướng nhật. Họ cần một liều thuốc, một thứ ma túy. Âm nhạc sẽ không có giá trị lớn nếu bị giản lược vào mục đích như thế. Khi người ta biết yêu âm nhạc vì chính nó, khi người ta nghe nó với cái tai khác, việc thưởng ngoạn sẽ trở nên một kiểu bậc cao và hiệu quả hơn nhiều. Họ có thể đánh giá âm nhạc trên một bình diện cao hơn và nhận thức được giá trị nội tại của âm nhạc.”

Phạm Đức Thân

*

Trong bài viết của Phạm Văn Tuấn cho rằng:

“Âm nhạc là các âm thanh được xếp đặt theo các mẫu (patterns) êm tai và hấp dẫn. Mọi người dùng âm nhạc để diễn tả các cảm xúc và tư tưởng. Âm nhạc cũng được dùng để giải trí và thư dãn tâm hồn, vì vậy âm nhạc là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày, trong nhiều hoạt động xã hội và văn hóa.

Âm nhạc là một nghệ thuật trình diễn. Khác với vài bộ môn nghệ thuật như thơ, phú và hội họa trong đó người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm rồi phổ biến hay trưng bày cho mọi người nghe hoặc thưởng lãm; trong bộ môn âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác cần tới nhiều ca sĩ trình diễn để diễn tả các bài ca, các nhạc phẩm, giống như nhà soạn kịch cần tới các diễn viên trên sân khấu. Như vậy công việc trình tấu âm nhạc là sự phối hợp giữa các nghệ sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu diễn.

Âm nhạc là một trong các nghệ thuật lâu đời nhất và có lẽ con người bắt đầu biết ca hát khi ngôn ngữ mới phát triển. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các khúc xương rỗng được dùng làm cây sáo (flute) vào khoảng 10,000 năm trước Tây Lịch (TL) và bản nhạc đầu tiên được viết ra có lẽ từ 2,500 năm trước TL. Các dân tộc với nền văn minh cổ như các người Ai Cập, Trung Hoa và Babylonians đã biết dùng âm nhạc trong các lễ nghi cung đình và tôn giáo.

Âm nhạc giữ các vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa. Nhiều người dùng âm nhạc trong các buổi lễ hội, trong công việc làm hay trong các sinh hoạt cá nhân và tập thể. Ngày nay, âm nhạc có nhiều hình thức. Loại âm nhạc của châu Âu và châu Mỹ được gọi chung là Âm Nhạc Tây Phương (Western music) trong khi châu Phi và châu Á cũng có loại âm nhạc riêng. Trong nền âm nhạc Tây Phương, có hai loại chính là “cổ điển” (classical) và “phổ thông” (popular).

Nhạc Cổ Điển gồm các bản giao hưởng (symphonies), nhạc kịch (operas) và nhạc vũ ba lê (ballets). Nhạc Phổ Thông có các loại chính như nhạc đồng quê (country music), nhạc nhân gian (folk music), nhạc jazz và nhạc rock…

Trong bộ môn nhạc cổ điển cũng có nhiều hình thức. Nhiều bản nhạc cổ điển rất dài với nhạc phong và nhịp độ biến đổi. Cũng có các bản nhạc ngắn với cùng nhịp độ và nhạc phong được giữ nguyên trong suốt thời gian trình tấu. Vài bản nhạc cổ điển mang chủ đích trình bày một đề tài, diễn tả một ý tưởng, mô tả một cảm xúc hay kể ra một câu chuyện.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng chia nhạc cổ điển ra làm hai loại: nhạc dùng đàn (instrumental music) và thanh nhạc (vocal music). Nhạc dùng đàn thường được trình tấu bằng một nhạc cụ, một nhóm nhỏ nhạc cụ hay một dàn nhạc (orchestra), còn thanh nhạc được viết cho một ca sĩ hát, hay một nhóm ca sĩ, hoặc một ban hợp ca đông người. Ngày nay các nhạc cụ được chia làm 5 loại chính: (1) nhạc cụ dây (stringed), (2) nhạc cụ gió (wind), (3) nhạc cụ gõ (percussion), (4) nhạc cụ phím (keyboard) và (5) nhạc cụ điện tử (electronic instruments)…

… Các bản concerto được viết ra cho một thứ đàn riêng biệt, chẳng hạn như đàn vĩ cầm hoặc đàn dương cầm. Nhà soạn nhạc danh tiếng người Ý Antonio Vivaldi đã viết ra nhiều concerto xuất sắc, chủ yếu dùng cho các loại đàn dây.

Từ thế kỷ 18, các tổ khúc (suites) là loại nhạc dành cho vũ điệu (dances), chẳng hạn như hai tổ khúc danh tiếng “Peer Gynt Suite” (1876) của nhà soạn nhạc Edvard Grieg người Na Uy, và “Nutcracker Suite” (1892) của nhà soạn nhạc Peter Ilich Tchaikovsky người Nga.

Âm nhạc là một loại ngôn ngữ quốc tế có sức mạnh truyền thông lớn nhất, đã dùng tới các giai điệu trầm bổng để gợi lên trong tâm hồn người nghe nhiều cảm xúc nội tâm đa dạng. Âm nhạc trực tiếp ảnh hưởng tới các giác quan của thính giả và các nhạc sĩ sáng tác là những nghệ sĩ dùng âm thanh để mô tả những gì không thể nói ra bằng lời, vui cũng như buồn, say mê cũng như hùng tráng…

… Trường phái Cổ Điển được định nghĩa trong từ điển là trình độ cao nhất về Văn Chương và Nghệ Thuật, đặc biệt là phụ thuộc vào nền Văn Hóa Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã. Danh từ Cổ Điển mang hàm ý rằng trong quá khứ, con người đã đạt tới trình độ tuyệt vời về nghệ thuật và ngày nay những công trình văn học, nghệ thuật liên quan tới truyền thống cũ đều được coi là cổ điển.

Các nghệ sĩ cổ điển trong thế kỷ 18 tại châu Âu đã không quan tâm tới cá tính hay các kinh nghiệm cá nhân như là sơ liệu nghệ thuật của họ. Một công trình nghệ thuật tự bản thân nó đã có sẵn vẻ đẹp, điều hay mà không cần tới sự diễn tả của bản ngã người nghệ sĩ trong khi các nghệ sĩ thuộc trường phái lãng mạn (romantic) lại coi Nghệ Thuật là một phương tiện để tự thể hiện và nét chính của nghệ thuật lãng mạn là sự nhấn mạnh vào cách biểu lộ cảm xúc. Trường phái cổ điển hướng về sự trong sáng của tư tưởng và vẻ đẹp của hình thể, coi trọng sự kiểm soát và kỷ luật nơi nghệ thuật, quan tâm tới tiềm năng trong cách diễn tả thuần lý, trong công phu gọt dũa tỉ mỉ và tầm nhận thức về vẻ đẹp lý tưởng. Tất cả căn bản của phong cách cổ điển đã khuyến khích người nghệ sĩ chú tâm vào các phẩm chất của trật tự, của sự thăng bằng và sự hòa hợp.

… Thời kỳ Cổ Điển của bộ môn Âm Nhạc có thể được coi là từ năm 1750 tới năm 1825 với các tác phẩm của bốn bậc Thầy tiêu biểu, thuộc trường phái Vienna là Haydn, Mozart, Beethoven và Schubert. Trong thời kỳ này, nghệ thuật Âm Nhạc đã kết nụ, nở hoa vì những thí nghiệm và khám phá, và các nhạc sĩ đã phải đứng trước ba thử thách, thứ nhất là thám hiểm vào phạm vi rộng lớn của hệ thống âm giai trưởng-thứ, thứ hai là làm hoàn chỉnh ngành âm nhạc tuyệt đối (the absolute instrumental music) và thứ ba là tận dụng các thể loại âm nhạc mới với các sonata đơn và kép, các trio, quartet, concerto, thể loại giao hưởng (symphony) và các loại nhạc thính phòng.

Nếu nói rằng các nhạc sĩ bậc thầy như Haydn, như Beethoven, thuộc trường phái cổ điển thì cũng chưa hẳn chính xác. Các nhạc sĩ thuộc trường phái Vienna đã thí nghiệm một cách táo bạo và không ngừng dùng các vật liệu âm nhạc trong tầm tay. Lúc đầu họ phải quy phục các nguyên tắc của các thể loại đã có từ trước, rồi về sau đã diễn tả tình cảm nội tâm qua các tác phẩm. Cũng vì thế các bản nhạc của Haydn hay của Beethoven vào thời kỳ đầu đã mang nhiều sắc thái cổ điển hơn, trong khi Schubert ở cuối giai đoạn lại mang màu sắc trữ tình. Cho nên danh từ Cổ Điển có thể bao hàm ý nghĩa của sự toàn hảo, sự huy hoàng của Âm Nhạc vì các bậc thầy của thời đó đã trình bày, đã sáng tác ra các bản giao hưởng, concerto, sonata, trio, quartet mà sau này được coi là những mẫu mực không vượt qua được…

… Trong các bộ môn nghệ thuật, Âm Nhạc là thứ dễ diễn tả, dễ bộc lộ nhất. Nhờ âm thanh và nhịp điệu, âm nhạc đã mô tả các cảm xúc, ấn tượng, làm lộ ra những xúc động nội tâm. Âm Nhạc đã dùng thứ ngôn ngữ riêng để nói lên thứ hình ảnh hiện thân của thế giới cũng như các cảm xúc trong cuộc đời của mọi người. Âm nhạc được định nghĩa là một loại ngôn ngữ không phải là lời nói thông thường. Các nhạc cụ vì vậy đã trở nên một phương tiện, một thứ xe chuyên chở tư tưởng và tình cảm…”

Qua hai bài viết được trích dẫn cùng với sự chia sẻ ở trên cho thấy âm nhạc không có biên giới, vượt thời gian. Không nên vì “lý do chính trị” để bóp méo vừa thiển cận, ấu trĩ… và, tự nó làm tiêu hủy giá trị của âm nhạc. Phản tác dụng.

Little Saigon, May 2019

Vương Trùng Dương