Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ- Việt 2019: Tiếp tục còn khác biệt!
Ông Scott Busby, Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, hiện là cố vấn cấp cao trong Bộ Ngoại Giao Mỹ. RFA
Đối Thoại Nhân Quyền là cuộc họp thường niên giữa đại diện Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam. Năm nay, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam là ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, hiện là cố vấn cấp cao trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Trở về Washington sau Vòng Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ Việt lần thứ 23 ngày 15 tháng Năm vừa qua, ông Scott Busby đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn sau đây:
Thanh Trúc: thưa ông Scott Busby, ông đánh giá thế nào về cuộc đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam hồi trung tuần tháng Năm này?
Ông Scott Busby: Đây là vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 23 trong một chuỗi những vòng thảo luận hàng năm, được coi là dài nhất so với bất cứ nước nào khác. Đây cũng là dịp trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn về nhiều vấn đề quyền con người của Việt Nam. Có thể nói chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với nhau trên nhiều việc, tiếp tục có sự khác biệt lớn lao trên nhiều vấn đề khác nhau. Phải nói sự khác biết lớn nhất chính là cách cư xử với người bất đồng chính kiến dám phê bình chính phủ, hình phạt và án tù nặng nề mà nhà cầm quyền gán ghép cho những người này. Đó là những vụ việc khiến chúng tôi khó kiếm được đồng thuận với Việt Nam. Tuy nhiên hai phía vẫn có thể đối thoại trong tinh thần xây dựng, tôi nghĩ Việt Nam đã cố gắng thay đổi cũng như có cải thiện một số lãnh vực liên quan đến nhân quyền.
Thanh Trúc: Trước khi bước vào cuộc đối thoại lần này với Việt Nam thì ông có đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt Nam trong một năm qua?
Ông Scott Busby: Chúng tôi đã có nhiều quan ngại trong vòng 2 năm qua về sự gia tăng đàn áp đối với những người muốn bày tỏ chính kiến của mình. Tình hình cho thấy con số những người bị bắt trong trường hợp đó đã tăng cao, tiếp đến là những án tù lâu năm dành cho họ. Tôi xin nhắc lại những điều này là mối quan tâm chính của chúng tôi tính đến lúc này.
Chúng tôi cũng rất quan ngại về Luật An Ninh Mạng mới đây của Việt Nam, về ảnh hưởng của Luật này không chỉ đối với giới doanh nghiệp Mỹ mà còn đối với quyền tự do ngôn luận ở người Việt Nam.
Thanh Trúc: Vậy ông nghĩ Hoa Kỳ có đạt được điều mình mong muốn lần này?
Ông Scott Busby: Tôi nghĩ là có, hai phía đã có thể nêu ra với nhau những vấn đề đáng quan tâm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, Việt Nam có thực sự lắng nghe và muốn thay đổi hay không là công việc và quyết định của họ. Hãy còn một quan ngại nữa là trước khi vòng đối thoại diễn ra thì chúng tôi đã tìm cách liên lạc để gặp một số nhà hoạt động cũng như đại diện các xã hội dân sự lớn nhỏ ở Việt Nam. Tiếc rằng đã có 3 nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh không thể đến gặp chúng tôi vì bị ngăn cản. Điều này chứng minh cho chúng tôi thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã gián tiếp không cho phép chúng tôi được gặp các nhà hoạt động đó.
Thanh Trúc: Nhưng sau cùng ông cũng đã gặp được một vài nhà hoạt động phải không?
Ông Scott Busby: Chúng tôi có gặp một số nhà hoạt động nhưng rất không may là có 3 nhà hoạt động đã bị ngăn cản không được đến cuộc gặp.
Đó là những người bao gồm luật sư Lê Công Định một nhà hoạt động rất nổi tiếng ở Việt Nam, một lãnh đạo tôn giáo thuộc đạo Cao Đài và một người nữa là một blogger và đồng thời là một nhà hoạt động dân sự.
Thanh Trúc: Thưa ông Busby, Amnesty International mới đây có báo cáo cho biết Hà Nội vẫn gia giữ 128 tù nhân lương tâm, vấn đề này đã được thảo luận thế nào trong vòng đối thoại lần thứ 23 này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi đã đề cập đến những quan ngại về tình trạng gia tăng những tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Phản hồi của chính phủ Việt Nam là những người này đã vi phạm luật pháp Việt Nam và họ bị trừng phạt theo luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam không chấp nhận định nghĩa của chúng tôi về tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Họ nói những người này đe dọa an ninh, họ phạm tội đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và vì vậy họ bị trừng phạt theo pháp luật.
Thanh Trúc: Thượng nghị sĩ Tim Kaine sau chuyến thăm Hà Nội hồi tháng trước về có nói rằng đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có một danh sách gồm 7 tù nhân chính trị mà phía Washington luôn muốn nêu ra với Hà Nội. Xin ông cho biết cụ thể về những yêu cầu của Washington đối với các tù nhân chính trị này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi yêu cầu Hà Nội trả tự do cho toàn bộ các tù nhân lương tâm nhưng chúng tôi cũng có danh sách ưu tiên để đưa cho chính phủ Hà Nội và chúng tôi đề nghị họ xem xét và trả tự do cho họ càng sớm tốt.
Thanh Trúc : Ông đã có dịp gặp người tù llương tâm nào ở Việt Nam hay không?
Ông Scott Busby: Có, chúng tôi rất mừng là chính phủ Hà Nội cho phép chúng tôi được gặp bà Trần Thị Nga, người đang bị giam giữ trong tù ở gần Pleiku. Chúng tôi có 1 giờ gặp. Sức khỏe của bà ấy có vẻ bình thường. Tuy nhiên bà ấy có nêu quan ngại về việc bà ấy bị đối xử tệ trong tù. Chúng tôi nói với bà ấy rằng chúng tôi luôn lưu tâm đến trường hợp của bà ấy và chúng tôi sẽ tiếp tục đưa trường hợp của bà ấy với chính phủ Việt Nam và gây sức ép đòi trả tự do cho bà.
Thanh Trúc: Xin được trở lại chuyện là trước vòng đối thoại thì một số nhà hoạt động bị ngăn cản không cho gặp mặt phái đoàn Hoa Kỳ. Đây không phải lần đầu tiên an ninh Việt Nam thực hiện việc này. Ông nghĩ như thế nào về chuyện đó?
Ông Scott Busby: Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề các nhà hoạt động bị ngăn cản, chúng tôi đã sắp xếp cuộc gặp với các nhà hoạt động này từ trước đó rất lâu. Đại sứ Mỹ, các nhân viên Đại sứ quán đã gặp gỡ các nhà hoạt động này từ trước đó. Cho nên chúng tôi rất lo ngại là họ đã không đến được cuộc gặp. Chúng tôi biết là nhà họ bị công an bao vây trước khi cuộc gặp diễn ra và kết quả là họ không đến được. Tôi đã nêu quan ngại này với chính phủ Hà Nội và họ đã biết.
Thanh Trúc: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những vòng đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt nhiều năm quá?
Ông Scott Busby: Tôi cho rằng cuộc đối thoại cũng tương tự như năm trước. Đối thoại là những trao đổi đầy đủ, thẳng thắn về một loạt các vấn đề. Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc đối xử với cộng đồng người LGBT, và họ cũng có một số tiến bộ nhất định trong vấn đề tự do tôn giáo, ít nhất là đối với những nhóm tôn giáo đã được đăng ký theo luật Việt Nam. Những nhóm tôn giáo không được đăng ký vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Việt Nam đã có một số tiến bộ trong những năm qua khi hai bên có những đối thoại. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi có những quan ngại về tình trạng gia tăng tù nhân lương tâm và những bản án tù nặng nề mà một số người phải chịu.
Thanh Trúc: Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá rằng chính phủ Mỹ hiện nay không chú trọng nhiều đến nhân quyền ở các nước bao gồm Việt Nam và đó là lý do khiến tình hình nhân quyền ở Việt Nam trở nên tồi tệ trong khoảng 2 năm qua, ông nghĩ sao về nhận xét này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi xem đây là cơ hội tốt để chúng tôi bày tỏ những lo ngại với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy một số chuyển động tích cực trong các năm qua khi hai nước đã có những đối thoại về nhân quyền bao gồm thực tế là đã có một số tù nhân lương tâm được trả tự do nhờ kết quả của những đối thoại này.
Thực tế mà chúng tôi có thể có đối thoại và tôi có thể đến Việt Nam và chúng tôi đã đưa ra các hồ sơ của tù nhân lương tâm cho thấy là chính phủ Mỹ hiện tại có quan tâm đến tình hình nhân quyền.
Thanh Trúc: Sau cùng, thưa ông Scott Busby, ông sẽ có đề nghị gì với Bộ Ngoại Giao trong việc góp phần cải thiện tình hình nhân quyền cho Việt Nam?
Ông Scott Busby: Tôi không thể nói về những khuyến nghị trong nội bộ nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã nói rõ với chính phủ Việt Nam rằng khi quan hệ hai nước đang được tăng tiến trong nhiều mặt nhưng nó sẽ không thể đạt hết được tiềm năng chừng nào Việt Nam nhìn nhận đầy đủ vấn đề nhân quyền của mình. Chúng tôi đã nói điều này trong quá khứ và đó sẽ vẫn tiếp tục là quan điểm của chúng tôi.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
RFA (29.05.2019)
Một tu sĩ Phật giáo bị câu lưu vì biểu tình trước Tòa TLS Hoa Kỳ ở Sài Gòn.
Tu sĩ Thích Đồng Long (phải) vấn an Đức Tăng thống Thích Quảng Độ hôm 25/5/2019. Photo Faceboook Phạm Trinh.
Một tu sĩ Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa bị chính quyền thành phố Sài Gòn câu lưu và thẩm vấn hơn 24 tiếng đồng hồ do biểu tình trước tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ.
Tu sĩ Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức không được chính quyền công nhận, cho VOA biết ông bị công an phường Bến Nghé ở quận 1 bắt giữ hôm 22/5 và giải về công an huyện Củ Chi để thẩm vấn trong nhiều giờ trước khi được trả tự do hôm 24/5.
“Lý do bắt giữ mà họ đưa ra là kiểm tra giấy chứng minh nhân dân, và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc tôi đi biểu tình trước tòa Tổng lãnh sự. Chúng tôi biểu tình để phản đối chính quyền cộng sản đàn áp các tổ chức tôn giáo độc lập và vi phạm nhân quyền.”
Thích Đồng Quang, một tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến việc thầy Thích Đồng Long lên tiếng biểu tình và bị câu lưu.
“Đây là một việc bắt giữ người vô căn cứ. Mục đích chính của họ là muốn hủy diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong thời gian qua, họ cố tình gỡ bản chùa của thầy Thích Đồng Long và không cho bất kỳ Phật tử nào bước vào chùa sinh hoạt, kể cả ngày Lễ Phật đản vừa qua. Chính vì vậy thầy Thích Đồng Long mới đến tòa Tổng lãnh sự để biểu tình và họ đã bắt nhốt thầy một cách vô căn cứ như vậy.”
Tu sĩ Thích Đồng Long cho biết lực lượng an ninh xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi đã sách nhiễu, tháo bảng Chùa Liên Trì 2 nơi ông cải gia vi tự.
Trước đó, vào năm 2016, chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, nơi ông từng tu tập cùng Hòa thượng Thích Không Tánh, cũng bị chính quyền quận 2 cưỡng chế, san bằng.
Hôm 28/5, VOA đã liên lạc với công an phường Bến Nghé ở Quận 1 và công an huyện Củ Chi để tìm hiểu thêm sự việc nhưng công an ở đây trả lời rằng họ không phản hồi với cơ quan truyền thông qua điện thoại, mà yêu cầu phải “đến gặp trực tiếp.”
Tu sĩ Thích Đồng Long chia sẻ thêm rằng có thể việc ông gặp gỡ giới chức ngoại giao Mỹ trước phiên Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ thường niên ở Hà Nội vào giữa tháng này là một trong các nguyên nhân khiến chính quyền gia tăng sách nhiễu ông.
“Chính quyền Việt Nam không muốn và không thích việc tôi và các tổ chức tôn giáo độc lập gặp gỡ viên chức của Tổng Lãnh sự hoặc viên chức của nước ngoài, cụ thể là của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tất nhiên, họ có thái độ khó chịu và những hành động sách nhiễu, ví dụ như họ gửi thư mời đến tôi và mẹ tôi với một lý do rất là vô lý.”
Trước đó, hôm 13 và 14/5, các nhà ngoại gia Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo, trong đó có Tăng thống Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Không Tánh, và Tu sĩ Thích Đồng Long tại thành phố Hồ Chí Minh.
VOA (28.05.2019)
Nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt ở Nghệ An
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh Courtesy of FB Hồ Huy Khoái
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, một giáo dân công giáo, giảng dạy thanh nhạc tại trường Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ An, vừa bị công an tỉnh Nghệ An bắt vào sáng ngày 29 tháng 5. Chị Nguyễn Thị Tình, vợ ông Nguyễn Năng Tĩnh cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy qua điện thoại vào tối ngày 29/5. Chị Tình cho biết ông Tĩnh bị bắt khi đang cùng con trai cả 7 tuổi đi ăn sáng.
“Lúc khoảng 10 giờ thì chị có tin là anh bị bắt rồi. Chị liên lạc với anh không được và liên lạc với bạn bè cũng không được. Sau đó thì ông nội gọi điện về và cho biết là Công an tỉnh gọi điện và bảo ra ủy ban xã để đón cháu. Nó bắt con và cho lên xe đưa về mà lúc đó hai cha con chuẩn bị đi ăn sáng. Đứa con trai lớn mô tả là ba cho con đi ăn sáng mà mấy chú đến rất nhiều. Mấy chú không cho con ăn và mấy chú bắt ba và tống lên xe. Con khóc thì mấy chú nói là ba mày phạm tội”
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh được giới hoạt động trong nước cho biết là người năng nổ trong công tác xã hội, văn hóa tại Giáo Phận Vinh.
Chị Nguyễn Thị Tình cho biết gia đình đã không nhận được bất cứ lệnh bắt nào của công an đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh. Gia đình ông Tĩnh hiện cũng chưa được vào thăm gặp ông Tĩnh.
“Hiện tại người nhà, có một đứa em con cậu hỏi và muốn vào gặp mà họ đóng cửa họ không tiếp. Họ không có bất cứ giấy tờ gì”.
Thông tin từ các nhà hoạt động xã hội trong nước và các trang facebook được cho là thân chính phủ cho biết Công an đã đến phòng trọ của ông Tĩnh ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh để khám xét, tịch thu giấy tờ, tài liệu và niêm phong phòng trọ này.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976, quê quán xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Vợ thầy giáo Tĩnh nói rằng chồng bà là người hay giúp đỡ người khác đồng thời phản bác các thông tin trên các trang xã hội thân chính phủ cho rằng ông Tĩnh là thành viên đảng Việt Tân.
“Anh là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Còn đảng Việt Tân thì em là vợ của anh, em xác định 100% là anh không bao giờ có trong danh sách. Anh thì ai cần việc mà anh cảm thấy việc đó là tốt là anh làm đúng lương tâm. Bây giờ nói đảng Việt Tân thì chứng cứ đâu ra? Mà đảng Việt Tân có gì xấu em cũng không biết… Anh đâu có làm gì phạm tội đâu”.
Việt Nam xếp đảng Việt Tân, một đảng có trụ sở và hoạt động hợp pháp tại Mỹ, vào danh sách khủng bố.
Hôm 16/8 năm ngoái, tòa án Tỉnh Nghệ An đã kết án 20 năm tù một giáo dân khác thuộc Giáo Phận Vinh là ông Lê Đình Lượng – một nhà hoạt động môi trường. Truyền thông trong nước viết rằng ông Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức Việt Tân. Ông bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tổ chức Amnesty International mới đây công bố báo cáo, cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm.
RFA (29.05.2019)
Tuyên bố chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại
• Xét rằng “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
• Xét rằng quyền con người, trong đó có quyền tự do đi lại của công dân là bất
khả xâm phạm. Quyền này đã được minh định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm
1945, Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc,
các Công ước Quốc Tế và Hiến pháp Việt Nam về quyền con người.
• Xét rằng Việt Nam đã gia nhập, ký kết và cam kết thực thi các điều ước quốc tế
quan trọng về quyền con người. Luật Hiến pháp Việt Nam khẳng định quyền tự do
đi lại của công dân là bất khả xâm phạm, đấu tranh bảo vệ quyền con người là
quyền và trách nhiệm của Nhà nước và công dân.
I. THỰC TRẠNG:
Chúng tôi, những công dân Việt Nam thường xuyên bị những người lạ mặt vô cớ
ngang nhiên xâm phạm, ngăn cản thô bạo quyền tự do đi lại của chúng tôi. Hành
vi này đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do của công dân đã được minh định trong
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945; Tuyên ngôn
Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc; các Công ước Quốc
Tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết và cam kết thực hiện. Nhà
nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do
cơ bản của con người là nguyên tắc của mọi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội
của đất nước.
Tuy nhiên, quyền con người, quyền tự do đi lại của công dân đã và đang bị xâm
phạm nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Có rất nhiều công dân bị những người lạ
mặt vô cớ ngang nhiên tới ngồi trước cửa nhà ngăn cản thô bạo không cho ra khỏi
nhà, chỉ riêng tại Tp.HCM đã có khoảng 600 người. Những người lạ mặt này không
xuất trình được lệnh điều động tới canh giữ chúng tôi. Trong nhiều trường hợp họ
dùng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa xúc phạm danh dự và nhân phẩm chúng tôi.
Thậm chí nhiều khi họ còn dùng vũ lực ngăn cản, xâm phạm về thân thể gây tổn hại
sức khỏe, đe dọa đến tính mạng chúng tôi. Những hành vi này vi phạm nghiêm trọng
pháp luật Việt Nam cần phải xử lý theo quy định pháp luật.
II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ:
1. Hiến pháp Việt Nam quy định:
Điều 14 “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Điều 16: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Điều 23: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
2. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Khoản 1 Điều 33: “Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể”.
Khoản 1 Điều 34: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
3. Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội làm nhục
người khác”:
Làm nhục người khác được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh
dự của người khác. Người phạm tội có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc
phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa, cạo
đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay hình ảnh. Người phạm tội có thể có những hành
vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, đấm đá, đe dọa, ép buộc
người bị hại phải làm theo ý muốn của mình.
4. Ngoài ra, quyền con người và quyền tự do đi lại còn được minh định trong
Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, các
Công ước Quốc Tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và cam kết thực hiện.
III. TỪ NHỮNG THỰC TRẠNG VÀ CĂN CỨ PHÁP
LÝ TRÊN, CHÚNG TÔI TUYÊN BỐ:
1. Chúng tôi là những công dân có đầy đủ quyền con người, quyền công dân theo
luật định; chúng tôi không bị hạn chế quyền công dân theo pháp luật Việt Nam.
2. Mọi hành vi xâm phạm quyền tự do đi lại; xâm phạm thân thể, danh dự và nhân
phẩm của chúng tôi đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
3. Để chấm dứt tình trạng ngang nhiên phạm pháp kéo dài rất lâu này, chúng tôi
yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi đúng trách nhiệm, hãy chỉ đạo các cơ
quan chức năng gấp rút có biện pháp ngăn chặn, xử lý những người vô cớ xâm phạm
quyền tự do đi lại của chúng tôi theo quy định pháp luật.
4. Nếu những người nói trên vẫn tiếp tục vô cớ xâm phạm quyền tự do đi lại của
chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện “Quyền phòng vệ chính đáng” theo quy định tại
Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015. Mọi hậu quả gây ra do xô xát, hay gây ra án mạng
thì nhà cầm quyền Việt Nam và các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.
IV. KẾT LUẬN:
Chúng tôi cho rằng trong thể chế “nhất thể hóa”, dưới sự lãnh đạo toàn diện
của đảng cộng sản Việt Nam thì Luật hiến pháp được vận dụng tùy tiện theo ý chí
của đảng. Hôm nay chúng tôi bị xâm phạm, ngày mai sẽ là người thân bạn bè của
chúng tôi, và cuối cùng là toàn dân Việt Nam phải sống trong một nền pháp luật
tùy tiện.
Bằng TUYÊN BỐ CHUNG này, chúng tôi xin thông báo với đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các tổ chức Nhân quyền Quốc tế và Chính phủ các quốc gia yêu chuộng công lý về thực trạng vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam.
Chúng tôi tha thiết kêu gọi các quốc gia, các tổ chức chức quốc tế xem quyền con người là một trong những tiêu chí không thể thiếu khi quan hệ bang giao với Việt Nam, cần có biện pháp chế tài mạnh nếu Việt Nam vi phạm các cam kết.
Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt ngay vi phạm quyền tự do của công dân để pháp luật được nghiêm minh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Làm tại Việt Nam ngày 24 tháng 5 năm 2019
KÝ TÊN
(Với danh sách ký tên cập nhật đến
11g30 đêm ngày 25.05.2019. Hướng dẫn ghi danh: Xin vui lòng cho biết họ tên đầy
đủ, nghề nghiệp, nơi cư trú, khoảng thời gian bị canh, và gởi về địa chỉ Email:
tudodilai2019@gmail.com)
01.
Lm Nguyễn Hữu Giải, Nhà Hưu dưỡng Tổng Giáo Huế.
02. Lm Nguyễn Văn Lý, Nhà Hưu dưỡng Tổng Giáo Huế.
03. Lê Bảo Nhi, nhà báo tự do, Sài Gòn.
04. Trần Bang, kỹ sư, Sài Gòn.
05. Lê Công Định, luật sư, Sài Gòn.
06. Nguyễn Hồng Quang, mục sư, Sài Gòn.
07. Nguyễn Mạnh Hùng, mục sư, Sài Gòn.
08. Phạm Ngọc Thạch, mục sư Sài Gòn.
09. Ngô Thị Thứ, giáo viên, Sài Gòn.
10. Võ Văn Tạo, nhà báo tự do, Nha Trang.
11. Đinh Đức Long, bác sĩ, Sài Gòn.
12. Nguyễn Chí Trung, buôn bán, Sài Gòn.
13. Trương Văn Kim, cựu TNLT, Lâm Đồng.
14. Ngô Kim Hoa, Nhà báo tự do, Sài Gòn.
15. Nguyễn Thị Thái Lai, TNV chương trình tri ân TPB VNCH, Nha Trang.
16. Lê Thị Ngọc Đa, dân oan,
Long An.
17. Mai Thị Nguyệt, dân oan, Long An.
18. Trương Minh Tâm, dân oan, Long An.
19. Lê Xuân Lộc, linh mục, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn.
20. Nguyễn Thanh Loan, nghề nghiệp tự do, Sài Gòn.
21. Trịnh Toàn, nghề nghiệp tự do, Sài Gòn.
22. Nguyễn Ngọc Tân, nghề nghiệp tự do, Vĩnh Long.
23. Chu Vĩnh Hải, nhà báo độc lập, Bà Rịa – Vũng Tàu.
24. Đinh Quang Tuyến, nghề nghiệp tự do, Sài Gòn.
25. Phạm Ngọc Hoa, dân oan, Sài Gòn,
26. Đỗ Thị Hồng Nhung, dân oan, Sài Gòn.
27. Lê Thanh Dương, TPB/VNCH, Sài Gòn.
28. Nguyễn Thị Thanh, hưu trí, Sài Gòn.
29. Phạm Bang, nhà giáo hưu trí, Thanh Hóa.
30. Đoàn Thị Nữ, dân oan Tiền Giang.
31. Trương Thanh Quang, dân oan Tiền Giang.
32. Trần Thị Thảo, giáo viên hưu trí, Hà Nội.
33. Bùi Nghệ, hưu trí, Sài Gòn.
34. Vũ Mạnh Hùng, nhà giáo, Hội Giáo Chức Chu Văn An, Hà Nội.
35. Trương Văn Dũng, nghề nghiệp tự do, Hà Nội.
36. Nguyễn Thị Kim Thủy, dân oan Tiền Giang.
37. Lê Thị Ánh Nga, dân oan Tiền Giang.
38. Phạm Thị Quẩn, dân oan, Long An.
39. Nguyễn Thị Tâm, dân oan, Long An.
40. Trần Thị Hồng, dân oan, Bến Tre.
41. Mai Bá Quang, dân oan, Bến Tre.
42. Nguyễn Thuý Hạnh, nghề nghiệp P.R., Hà Nội.
43. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, Hà Nội.
44. Đặng Bích Phượng, nghỉ hưu, Hà Nội.
45. Ngô Duy Quyền, nghề nghiệp tự do, Hà Nội.
46. Lê Thị Công Nhân, nghề nghiệp tự do, Hà Nội.
47. Nguyễn Thị Tâm, dân oan Dương Nội, Hà Nội.
48. Trương Minh Hưởng, dân oan, Hà Nam.
49. Phan Trọng Khang, thương binh, Hà Nội.
50. Nguyễn Vũ Bình, nhà báo, Hà Nội.
51. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội.
52. Khổng Hy Thiêm, kỹ sư, Khánh Hòa.
53. Phạm Thành (Bà Đầm Xoè), nhà văn, Hà Nội.
54. Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn, Hải Phòng.
55. Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, Hà Nội.
56. Huỳnh Hoàng Nhật, nghề nghiệp tự do, Sài Gòn.
57. Trần Thị Hoàng, dân oan, Tiền Giang.
58. Nguyễn Thị Ngọc Thu, dân oan, Long An.
59. Đàm Ngọc Tuyên, nhà báo độc lập, Quảng Ngãi.
60. Trần Đức Thạch, nhà thơ, cựu TNLT, Nghệ An.
61. Phạm Đình Trọng, nhà văn, Sài Gòn.
62. Lê Phú Khải, nhà báo, Sài Gòn.
63. Nguyễn Đình Ấm, nhà báo, Hà Nội.
64. Nguyễn Văn Lịch, nghỉ hưu, Hà Nội.
65. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, Sài Gòn.
66. Nguyễn Quang A, Hà Nội. Trong 3 năm bị cản trở hơn 26 lần (23 lần câu lưu).
Nguồn: FB Tuấn Khanh
Lên tiếng vì quyền tự do đi lại bị xâm phạm
An ninh mặc thường phục đẩy người biểu tình lên xe buýt tại Hà Nội năm 2011.AFP
Hôm 24/5/2019, Bản tuyên bố chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị cầm giữ tại nhà trái pháp luật được công khai trên mạng xã hội.
Ngăn cản đi lại trong nước
Bản tuyên bố đưa ra thực trạng hiện nay đối chiếu với Hiến pháp Việt Nam hiện hành để yêu cầu chính phủ Hà Nội chấm dứt việc xâm phạm quyền tự do của công dân để pháp luật được nghiêm minh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 23 Hiến pháp Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy Hiến pháp quy định rõ như thế nhưng việc công an mặc sắc phục lẫn thường phục, dân phòng và các lực lượng an ninh khác lởn vởn trước nhà của những người bất đồng chính kiến và ngăn cản việc đi lại của họ diễn ra đã từ nhiều năm nay. Thực tế này được ghi nhận bắt đầu từ năm 2011 khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Kỹ sư Trần Bang ở Sài Gòn, một trong những người thường xuyên bị canh chặn không cho ra khỏi nhà nhận định:
“Tôi cho rằng họ sợ biểu tình. Họ sợ những người có uy tín ở đám đông nên họ ngăn chặn không cho mình có cơ hội lên tiếng cho công lý và sự thật hay các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Tôi thường bị chặn vào những dịp chẳng hạn như tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa 19/1; chiến tranh biên giới 17/2; tưởng niệm Gạc ma 14/3… Họ có thể chặn từ những ngày trước đó kéo dài đến sau ngày tưởng niệm. Nếu chúng tôi muốn đi thì vẫn có cách mà chúng tôi gọi là ‘dạt vòm’ để thực việc nghĩa của mình.”
Những trường hợp bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà bằng nhiều cách được các nhà bất đồng chính kiến hay các nhà đấu tranh chia sẻ trên facebook rất nhiều, như đi theo rồi ép xe vô lề, yêu cầu về phường làm việc hoặc khóa luôn cửa ra vào từ bên ngoài.
Một trong những vụ gần đây được Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông xảy ra ngay trước ngày ông được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019. Lực lượng an ninh đông đảo chặn ông ngay khi ông ra khỏi nhà và cấm ông ra khỏi nhà trong hai ngày liên tiếp. Lý do được một an ninh của Sở Công an TPHCM giải thích rằng các nhà ngoại giao Mỹ đã không xin phép nhà nước Việt Nam trước khi gặp ông.
Ông Scott Busby, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ về Việt Nam cho vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt lần thứ 23 tại Hà Nội ngày 15/5/2019 nói với RFA sau chuyến đi:
“Điều đáng quan tâm là trước khi có vòng đối thoại thì chúng tôi đã tìm cách gặp gỡ với một số nhà hoạt động được coi là đại diện những tổ chức xã hội dân sự ở thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng có 3 nhà hoạt động đã bị ngăn chận và cấm đoán không được đến gặp chúng tôi. Chúng tôi e ngại là cầm quyền Việt Nam đã không muốn cho chúng tôi gặp những người ấy.
Và chúng tôi cũng được biết trước giờ hẹn với những nhà hoạt động mà chúng tôi muốn gặp thì tư gia của họ đã bị cảnh sát bao vây, hậu quả là họ không được tự do đến gặp chúng tôi. Tôi đã nêu vấn đề này với chính quyền Hà Nội, họ đã nghe chúng tôi nói rõ về việc này.”
Ngăn chặn ra nước ngoài
Không chỉ ngăn chặn những người bất đồng chính kiến đi lại trong nước. Một số người còn bị thu hộ chiếu, tức tước quyền đi ra nước ngoài.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho RFA biết trường hợp của mình:
“Giữa tháng 5/2015 tôi có chuyến đi Singapore. Lúc đi thì bình thường nhưng lúc về thì họ giữ tôi lại Tân Sơn Nhất từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng ngày hôm sau nhưng họ vẫn trả hộ chiếu cho tôi về.
Ba tháng sau tôi qua Phnom Penh thăm đứa cháu thì an ninh sân bay chặn tôi lại không cho tôi đi và lấy luôn hộ chiếu của tôi với lý do ‘an ninh quốc gia’. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa trả.”
Ông Võ Văn Tạo cho biết lần gần đây nhất là hôm 4/5/2019, trước ngày anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh được thả, ông có dịp ra Hà Nội và ghé thăm vợ con anh Vinh. Lúc ra về ông bị theo dõi, bị bắt vô phường, bị thu giữ chứng minh nhân dân và điện thoại sau khi thả ông về.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm trường hợp người dân bị chính quyền xâm phạm quyền tự do đi lại.
Chỉ sau 5 ngày, bản tuyên bố đã có 100 người ký tên. Họ là những người từng bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị cầm giữ tại nhà.
Ông Trần Bang cho biết bản tuyên bố chung là một cách để họ lên tiếng, rằng họ không bị tòa án kết tội nhưng họ lại bị biến thành tù nhân. Ông nói thêm:
“Bản tuyên bố chung này tố cáo việc vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị; vi phạm tuyên ngôn nhân quyền 1948; vi phạm các điều luật hình sự, tố tụng hình sự, vi phạm hiến pháp…”
Với nhà báo Võ Văn Tạo thì việc ký vào bản tuyên bố chung chứng tỏ những người tranh đấu đều bất bình với việc bị ngăn chặn đi lại. Họ ký để lên tiếng với công luận trong và ngoài nước, cũng như cho các nước có quan hệ với Việt Nam biết được và đưa vào hồ sơ nhân quyền Việt Nam.
Dự thảo cải cách thủ tục xuất nhập cảnh
Chiều 28/5/2019, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam từ Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ông Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh một số điểm mới của Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trong đó nêu rõ ‘ Dự án Luật đã cụ thể hoá, thể hiện một bước tiến rất dài trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp; trừ một số trường hợp, còn lại đại đa số người dân đều được cấp hộ chiếu, đều có quyền xuất cảnh, nhập cảnh.’
RFA (29.05.2019)
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa bị giam riêng. Gia đình tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình kêu cứu dư luận
Gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) Hoàng Đức Bình (SN 10/2/1983. Nơi ở: Hưng Nguyên, Nghệ An) do không thể lặng im ngồi nhìn TNLT này bị đày đọa, có thể bị chết trong trại tù An Điềm (Quảng Nam) do tuyệt thực nhiều ngày nên đã viết thư ngỏ nhờ dư luận trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ…
Thư ngỏ do bà Phạm Thị Vạn đứng tên được viết tại Nghệ An vào ngày 24/5/2019, tức là sau một ngày gia đình có chuyến đi từ Nghệ An vào trại giam An Điềm (Quảng Nam) để thăm nuôi TNLT Hoàng Đức Bình đang thọ án 14 năm tù giam với hai cáo buộc: “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” theo Điều 257 và Điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam 1999. Bức thư ngỏ gửi đến Chính phủ các nước dân chủ trên thế giới; Liên minh Châu âu; Các Tổ chức Nhân quyền quốc tế và các tổ chức tranh đấu vì môi trường, môi sinh, dân chủ của người Việt trong nước và hải ngoại.
Thư có nội dung trình bày khi thảm cảnh môi trường Miền Trung Việt Nam xảy ra do công ty Formosa xả chất thải xuống biển, ông Bình đã đến với người dân, hướng dẫn mọi người tranh đấu để bảo vệ môi trường, đòi trả lại cuộc sống an toàn cho người dân. Ngoài ra, ông Bình cũng đến với những người công nhân giúp đỡ họ bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Thư ngỏ nói những việc làm của ông Bình là hành động yêu nước, thương dân, được hàng triệu người thương mến, ủng hộ đáng lẽ phải được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nhưng thay vào đó đã bị nhà cầm quyền CS Việt Nam thù ghét. Bằng chứng là ông Bình đã nhiều lần bị công an đánh đập tàn bạo.
Vào ngày 15/5/2017, ông Bình đã bị công an mật bắt và bị Tòa sơ thẩm ở Nghệ An tuyên án 14 năm dành cho ông Bình 14 năm tù với hai cáo buộc nêu trên. Tiếp đến là ngày 24/4/2018 Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.
Hiện tại ông Bình đang thi hành án tại trại giam An Điềm.
Phần cuối thư ngỏ, bà Vạn nói:
“Tôi xin thỉnh cầu đến quý vị: Dù là Tổng thống, Thủ tướng hay ở bất cứ cương vị nào, quý vị cũng đồng thời là người làm mẹ làm cha. Kính mong quý vị, hỗ trợ gia đình tôi, tranh đấu vì công lý cho các con tôi.”
“Mạng sống của Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển và các tù nhân lương tâm khác tại nhà tù Quảng Nam đang bị đe dọa.”
“Kính mong sự quan tâm của quý vị. Xin hãy lên tiếng buộc nhà cầm quyền CS Việt Nam phải trả tự do cho con tôi và các tù nhân lương tâm khác.”
Chia sẻ với VNTB, bà Vạn cho biết tính đến thời điểm bà và gia đình vào trại giam An Điềm thăm nuôi ông Bình vào ngày 23/5 thì ông Bình cùng các TNLT khác đã tuyệt thực được 11 ngày. Tình trạng sức khỏe ông Bình cho thấy khá yếu.
“ Sức khỏe yếu vì tại tuyệt thực 11 ngày coi như bữa rày giờ yếu lắm.”
Đây là lần thứ 02 ông Bình tuyệt thực, lần thứ Nhất là vào thời điểm ông Bình bị tạm giam ở trại Nghi Kim (Nghệ An).
Gần đây, một TNLT khác là anh Nguyễn Văn Hóa, cũng là một người đã tích cực tranh đấu bảo vệ môi trường do công ty Formosa gây ra đã bị quản lý trại giam An Điềm đánh đập tàn nhẫn.
Đã hơn hai tuần, anh Hóa bị đưa đi biệt tích, không biết tình trạng sức khỏe và tính mạng ra sao.Trước tình hình đó ông Bình, TNLT Nguyễn Bắc Truyển cùng một số TNLT khác đồng tuyệt thực từ ngày 12/5/2019 để phản đối sự đối xử dã man của nhà tù.
Ngoài ra, một số trang Facebook bạn bè loan tin, ngày 28/5/2019, bà Huệ là chị ruột của TNLT Nguyễn Văn Hóa Hoá đã vào trại giam An Điềm để thăm gặp anh Hóa. Lúc về cho biết sức khỏe của anh Hóa đã tạm ổn, bị đánh và bị “cùm chân” 10 ngày và đã được thả nhưng vẫn phải bị giam riêng ở trại K1-An Điềm. Ngoài ra, anh Hóa còn tiếp tục bị cách ly 6 tháng tiếp theo.
Hiện tại nhiều trang Facebook cá nhân của những nhà hoạt động trong nước đồng loạt lên tiếng “Phản đối biệt giam và ngược đãi Nguyễn Văn Hóa cùng các TNLT khác”.
VNTB (29.05.2019)