„…rất ít người mình biết nguyên tắc tranh luận, cho nên hầu hết các cuộc tranh luận đều biến thành tranh cãi, thành đánh lộn trên diễn đàn ảo,…“
Tuy không có một con số thống kê nào chính xác cho biết từ bao giờ người Việt tị nạn đấu tranh với nhau qua các phương tiện truyền thông như báo giấy, radio, nhưng nếu dựa vào sự ổn định nơi ăn, chỗ ở và việc làm thì khoảng 15 năm sau khi đến nước Mỹ tự do này, nhiều người không còn lo lắng tìm việc làm, tìm nhà ở và bắt đầu cảm thấy thoải mái giờ giấc để tham gia vào việc cộng đồng, thì từ đó, sự tranh chấp lẫn nhau bắt đầu.
Với những người may mắn, thì thời gian 15 năm đủ để họ có sự tự tin vào bản lãnh của mình qua các công việc họ làm, nhất là các việc làm thương mại, nên sự suy nghĩ về bản thân và cộng đồng, và thế giới đã hình thành một cách mạnh mẽ để thấy rằng suy tư của mình, việc làm của mình là Nhất, là Đúng, là hay hơn tất cả các người khác. Khi tham gia vào các tổ chức cộng đồng, ái hữu, đồng hương, rất nhiều người có một ý nghĩ giống nhau: CHỈ CÓ TA LÀ ĐÚNG NHẤT! CHỈ CÓ TA MỚI XỨNG ĐÁNG LÃNH ĐẠO… Và vì ai cũng nghĩ giống như thế nên sinh ra tranh chấp, mới đầu tranh cãi nhỏ, sau thành đấu tranh thực sự đến chỗ muốn tiêu diệt đối phương. Không những cá nhân đối phương mà cả gia đình đối phương luôn. Khi báo giấy bắt đầu thịnh hành, thì người có phương tiện ấy trong tay cũng bắt đầu mở cuộc chiến tranh với tất cả những ai mà mình không ưng ý. Rồi đến Radio, phương tiện cũng dễ kiếm tại những nơi có đông người Việt. Dần dần, qua phương tiện email, và bây giờ là Facebook. (May mắn là rất ít người biết Twitter, Linderkin…) Các cuộc tranh cãi đã nổ ra như lựu đạn khắp bốn phương trên các phương tiện truyền thông.
Dĩ nhiên, tranh luận là việc cần làm trong xứ sở Tự Do, để có thể cảnh giác những ai muốn làm bậy, để cho cộng đồng biết ai xứng đáng được bầu…
Nhưng rất tiếc, rất ít người mình biết nguyên tắc tranh luận, cho nên hầu hết các cuộc tranh luận đều biến thành tranh cãi, thành đánh lộn trên diễn đàn ảo, đôi khi thành mưu sát, vì có sự dọa giết nhau nữa. Đa số thành ẩu đả kiểu chợ Cá Trần Quốc Toản, Cầu Ông Lãnh, Cầu Ba Cẳng… bằng ngôn từ, gọi nhau bằng “thằng chó đẻ, thằng già mất nết, con đĩ rạc…” đôi khi còn lọt vào những danh từ xấu không thể tưởng tượng được, vì chỉ các bộ phận sinh dục đàn ông, đàn bà. Nếu không thì cũng tìm ra nhiều tên bậy bạ để đặt tên cho người mà mình không thích. Điều bại hoại nhất là sửa tên của người ta trên địa chỉ email, làm cho mỗi lần mở email ra là thấy cái tên bậy bạ đó. Một số nhỏ làm thơ tục tĩu, chửi bới nhăng cuội.
Những người này, có thể nói là ấu trĩ, ít học, cho dù biết tiếng Anh, tiếng Mỹ, nhưng chưa từng học qua nguyên tắc tranh luận. Có thể nói, nguyên tắc tranh luận của Mỹ cũng như của quốc tế đều giống nhau:
1/ Tôn trọng đối phương, cho dù căm
ghét đến đâu, cũng vẫn duy trì ngôn ngữ lịch sự. Người nào dùng ngôn ngữ bậy bạ,
tục tĩu thì coi như đương nhiên đã là Kẻ Bại vì người đứng ngoài sẽ chê trách kẻ
ăn nói bậy bạ. Ngoài ra, chỉ những ai đuối lý mới dùng đến sự mạ lị, chửi bới đối
phương. Người nói chuyện lịch sự, điềm đạm nhất định sẽ được lòng cộng đồng và
thắng lợi.
2/ Chỉ tấn công lý luận, quan điểm, việc
làm của đối phương nhưng không tấn công vào cá nhân người đó, như “tuổi
tác, học lực, gia cảnh, vợ con, nơi cư trú.” Không biết tấn công vào lý luận đối
phương mà chỉ nhằm vào tuổi tác, gia cảnh người ta mà đánh đấm thì chỉ chứng tỏ
cho thiên hạ biết mình là Dốt, thất học.
3/ Không dùng ngôn từ kêu gọi xúc cảm của
người đọc, như chụp mũ cho người không đồng ý với mình là tiếp tay với Cộng
Sản, là kẻ bán nước, phản bội… Không nói: “Những người yêu nước không thể bỏ
phiếu cho tên X kia vì nó không yêu nước.”
4/ Không tố cáo những gì mà mình không
chứng minh được. Thí dụ như tố cáo người đó tham nhũng, hối mại quyền thế
thì phải chứng minh việc đó được làm ở đâu, khi nào và với ai.
5/ Không lấy lời phê phán của người khác
làm chứng minh cho điều mình muốn nói. Thí dụ như lấy lời của một kẻ thứ 3
cũng là đối nghịch của kẻ mình ghét, rồi nói: “Đó, bà đó, ông ấy nói thế đó!”
Vì có thể bà đó, ông đó cũng tranh chấp với người mình ghét. Không thể coi người
có chung kẻ thù với mình là đồng minh vì chỉ chứng tỏ là chính mình yếu thế,
kém cỏi, thiếu tự tin.
6/ Không dùng kiểu gán ghép, so sánh trên trời với dưới đất. Như khi nói: “Ba nghị viên kia độc tài. Họ đã chính thức biến thành phố này thành HCM City.”
7/ Không dùng ngôn ngữ du đãng như “Thằng già kia! Im cái mồm đi! Già thì biết đ.. gì!” “Đồ rắm rít! Old farted man!”
Nói chung, nếu muốn quan niệm của mình, việc làm của mình là đúng, còn đối phương là sai, thì phải chứng mình mình đúng ở chỗ nào, và kẻ kia sai ở chỗ nào, chứ không thể dùng phương pháp chửi lộn, mạ lị để hạ giá đối phương. Những người dân cử lại càng không thể áp dụng phương pháp chửi đối phương để mong dành ghế, vì đó là phương pháp Đại Bại. Đồng hương sẽ đánh giá kẻ này vô học hay vô lễ thì sẽ không thể bầu cho kỳ tới được.
Nên nhớ đồng hương Thầm Lặng nhiều không đếm được, trong khi chỉ có vài người muốn đánh lộn với đồng hương trên phương tiện truyền thông mà thôi. Đồng Hương Thầm Lặng sẽ không nói ra mà chỉ lẳng lặng làm việc. Điển hình là trước đây có một người trẻ đắc cử Thị Trưởng, rồi sau khi ngồi chễm chệ vào ghế mình rồi, thì ra vẻ coi thường đồng hương, không thèm trả lời mọi ý kiến của đồng hương cho nên anh ta chỉ đắc cử có một lần rồi chấm dứt sự nghiệp chính trị.
Lại có người dân cử đổ lỗi cho nhóm ủng hộ mình làm bậy, còn mình thì không. Điều này lại chứng tỏ là vị dân cử kia không có khả năng kiểm soát tay chân, bộ hạ của mình. Nếu không có khả năng với một nhóm nhỏ ấy thì làm sao mà làm chính trị được?
Người Việt đang sống tại Mỹ, đa số là tị nạn chính trị, còn thiểu số là sang Mỹ theo diện đoàn tụ, di cư kiếm sống. Những người tị nạn chính trị thì luôn tha thiết mong có sự đoàn kết, vì chỉ có đoàn kết mới mong có ngày khôi phục quê hương, mà có đoàn kết, cũng chưa chắc có kết quả tốt, còn nếu chia rẽ, đánh nhau loạn xạ thì nhất định, giấc mơ của người tị nạn vẫn muôn đời là giấc mơ không thực.
CTT (17.07.2019)
Theo VietBF