„Cũng như tất cả những người Cộng sản khác, Bùi Tín đã không biết tự kiểm điểm mình, ông chỉ thấy mình “có công” trong bốn cuộc chiến tranh. Ông không thấy mình có tội trong các cuộc cải cách, cải tạo và cách mạng Cộng sản đẫm máu tàn bạo làm suy vong Đất nước, hủy hoại Dân tộc.“

Chu Sơn

BBT: Đây là những đoạn được  trích ra từ bài viết nguyên thủy gồm 2 phần của tác giả Chu Sơn với tựa đề „Trần Phương – Bùi Tín tự sự“  đã đăng trên Báo Tiếng Dân. Chúng tôi chỉ mạn phép trích ra những đoạn suy nghĩ và nhận định của tác giả Chu Sơn về Bùi Tín; Quý độc giả có thể vào đọc toàn bài theo nối kết phía cuối trang)

***

Được tin ông Bùi Tín qua đời, Trần Phương viết bài tưởng nhớ. Có thể xem đây là một tự sự bàng bạc tính chất văn chương, triết lý và chính trị.

Tự sự mô tả mối quan hệ tâm hồn giữa hai người bạn vong niên: Một Trần Phương trẻ tuổi, khiêm tốn, và một Bùi tín “dày dạn, sâu sắc, nổi tiếng tầm cỡ quốc tế” (nguyên văn). Cả hai đã từ miền Bắc, đã vì chế độ Cộng sản toàn trị mà “tìm nơi lánh nạn”. Trước khi Bùi Tín qua đời một năm, họ “gặp nhau lần cuối vào mùa hè 2017 tại California”“Trong một không gian yên tĩnh, dưới những hàng cây phượng tím với nắng chiều Cali thật dịu dàng”, rất thích hợp cho những tình tự hoài hương, ôn lại quá khứ và ngậm ngùi thân phận tị nạn lưu vong.

Thật tình, tôi (Chu Sơn) đã xao xuyến khi lướt qua những dòng tự sự của Trần Phương. …

Ông Trần Phương viết: “Tôi hỏi ông (Bùi Tín – C. S.) về câu chuyện 30.4.1975, khi ông còn ở Việt Nam, sử sách viết rõ: Ông là sĩ quan cao cấp nhất có mặt vào thời điểm đó. Ông đại diện cho Quân đội Nhân dân bước vào dinh Độc Lập nhận bàn giao từ Tổng thống Dương Văn Minh. Từ khi ông bỏ Đảng, trở thành nhà bất đồng chính kiến, tên ông bị đục bỏ khỏi khoảnh khắc bi thương và oan nghiệt nhất của lịch sử Việt Nam”.

Theo tôi, Bùi Tín đã không “quá lời” lúc đó, mà Trần Phương đã “quá lời” lúc này, khi tô đậm chân dung của Bùi Tín nào là “Một nhà bất đồng chính kiến kiên cường”, nào là “Một kiếp lưu vong bất khuất”.

Lương tâm dân tộc ghi nhận rằng, những nhà bất đồng chính kiến đương đầu trước bất cứ biện pháp bạo lực, tàn ác, đê tiện nào của guồng máy toàn trị Cộng sản: Chịu đựng tra tấn, chết chóc, tù đày, chấp nhận chế độ lao tù khắc nghiệt, chịu đựng cuộc sống kèm kẹp cực kỳ khó khăn, đói khổ, không đầu hàng, không bỏ cuộc.

Lương tâm dân tộc nhận ra rằng, còn có những nhà bất đồng chính kiến (vì một lý do nào đó phải ở nước ngoài) đương đầu trước những khó khăn của đời sống, ngày đêm lao nhọc thiết lập tiếng nói chung với đồng bào trong nước, nhằm chuyển hóa chế độ độc tài toàn trị thành chế độ dân chủ tam quyền phân lập, đa nguyên, đa đảng và xã hội dân sự.

Lương tâm dân tộc vinh danh những Trần Huỳnh Duy Thức, những Hà Sĩ Phu, những Nguyễn Thanh Giang và hàng trăm người khác là những nhà bất đồng chính kiến kiên cường, bất khuất.

Không có Bùi Tín trong số này vì ông đã tự tách mình ra khỏi nhân dân, thậm chí ông đã “lưu vong trong chính gia đình mình”. Với tâm lý một cán binh hồi chánh, ông đã chống Cộng trong những điều kiện và khung cảnh truyền thông phương Tây. Cũng như tất cả những người Cộng sản khác, Bùi Tín đã không biết tự kiểm điểm mình, ông chỉ thấy mình “có công” trong bốn cuộc chiến tranh. Ông không thấy mình có tội trong các cuộc cải cách, cải tạo và cách mạng Cộng sản đẫm máu tàn bạo làm suy vong Đất nước, hủy hoại Dân tộc. Trong cuộc lưu vong, thỉnh thoảng thiên hạ vẫn thấy ông còn kể công và gian dối. Phải chăng cái chất cộng sản vẫn tiềm ẩn trong những góc khuất tâm hồn sau gần nửa thế kỷ ông là đảng viên tay cầm súng, tay cầm viết?

Thế nào là một “kiếp lưu vong bất khuất”? Nhận định này của Trần Phương khiến người đọc trong nước hiểu rằng Bùi Tín bị đàn áp, bị truy bức kèm kẹp trong thế giới phương Tây? Chắc chắn không phải như vậy, vì sau đó mấy dòng Trần Phương viết tiếp: “Nhưng rồi, chính Pháp và Mỹ đã giang rộng vòng tay cưu mang ông những năm tháng lưu vong bất tuyệt. Cũng chính Pháp và Mỹ đã cho ông nếm hương vị của bầu khí quyển tự do vô tận”.

Sẽ dài dòng nếu tôi “thắc mắc” các nhóm từ “lưu vong bất tuyệt”, và “bầu khí quyển tự do vô tận” mà ông Trần Phương sử dụng trong văn cảnh này.

Để kết thúc bài đọc báo, tôi đề nghị ông Trần Phương: Chúng ta cùng nhìn lại sự kiện 30.4.1975. Một sự kiện lịch sử mà nơi này (trong bài báo 2 trang A4) ông viết là Bùi Tín “nhận bàn giao”, nơi kia ông viết (Bùi Tín) “tiếp nhận đầu hàng” từ tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh.

Viết như thế vì ông Trần Phương không biết hết sự chênh lệch giá trị của hai nhóm từ trên. Ông Trần Phương không biết vì ông không phải là đảng viên Cộng sản, và ông cũng không phải là nạn nhân của sự lừa bịp của đảng Cộng sản trong chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại xuân 1975.

Hơn bất cứ ai, Lê Duẩn và đảng Cộng sản biết rằng, nếu để Dương Văn Minh “bàn giao” thì thành quả chiến thắng của “chiến dịch tổng tấn công tổng nổi dậy” mang tên Hồ Chí Minh không to lớn bằng bắt Dương Văn Minh “đầu hàng”. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng thì công cuộc “giải phóng miền Nam” với quyết tâm của đảng cộng sản “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” mới vĩ đại và hoàn mỹ.

Quan trọng hơn, nếu “bàn giao” thì tất yếu phải “hòa giải hòa hợp dân tộc”, mà nếu khẩu hiệu “hòa hợp hòa giải dân tộc” được thực hiện, tất yếu chính phủ Dương Văn Minh và nhân dân miền Nam phải có tiếng nói, có vai trò trong hòa bình thống nhất và xây dựng đất nước. Đảng Cộng sản muốn một mình thống soái, một mình toàn trị nên cần phải triệt tiêu cái mầm mống, cái vai trò nhân dân ấy qua việc “bắt Dương văn Minh đầu hàng”. Bởi vì vào thời điểm đó, Dương Văn Minh không chỉ đại diện cho thiểu số “ngụy quân”, “ngụy quyền”, và “ngụy dân”; Dương Văn Minh còn đại diện cho đa số nhân dân miền Nam thuộc thành phần chính trị thứ ba. Hơn thế nữa, trong lòng và bên cạnh chính phủ Dương Văn Minh còn có những cán bộ đảng viên nằm vùng.

Bài học cách mạng từ hai đảng Cộng sản đàn anh Liên Xô, Trung Quốc mà đảng Cộng sản Việt Nam thuộc nằm lòng: “Những cán bộ đảng viên hoạt động trong lòng địch là một nửa địch”, quen đấu tranh dân chủ nên chắc chắn họ sẽ trở thành “bọn phản động mới” còn nguy hiểm hơn bọn phản động cũ Mỹ – Ngụy.

Như thế là không Hòa giải Hòa hợp Dân tộc gì hết. Bởi vì Hòa giải Hòa hợp Dân tộc thì nhân dân đặt lại vấn đề ý thức hệ (có nên tiếp tục áp đặt chủ nghĩa Cộng sản không), và vấn đề vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các lực lượng chính trị trong tương quan bình đẳng bình quyền (Cộng sản chỉ là một nguyên trong đa nguyên). Tuyệt đối không có chuyện này được. Bởi vì đảng Cộng sản độc quyền sở hữu chân lý (Chủ nghĩa Mác – Lê Nin) và độc quyền toàn trị. Súng đạn và nhà tù bảo đảm cho hai thứ độc quyền này.

Lê Duẩn và đảng Cộng sản không quên đã chỉ thị cho báo đài và các cán bộ nội thành tuyên truyền đường lối chính sách Hòa giải Hòa hợp Dân tộc. Nhưng họ không cần phải giữ lời hứa vì đó là thủ đoạn nhất thời trong chiến tranh cách mạng. Đạo đức Cộng sản cho phép bất cứ một hành động lừa bịp gian ác nào, vì: “Thành quả biện minh cho phương tiện”.

Chu Sơn (baotiengdan.com)

17.09.2019

***

Trần Phương – Bùi Tín tự sự (Phần 1)

Trần Phương – Bùi Tín tự sự (Phần 2)

Giỗ đầu Bùi Tín – Và chưa chi chiều đã tắt – Trần Phương