Facebooker ‘Giáo sư hớt tóc’ bị bắt vì phát livestream ‘gây hoang mang trong nhân dân’

Facebooker Nguyễn Văn Nghiêm Courtesy of Facebook, RFA edit

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, tức Facebooker Nghiêm Nguyễn với biệt danh ‘Giáo sư hớt tóc’, ở tỉnh Hòa Bình bị bắt tạm giam 4 tháng và khởi tố vào ngày 5 tháng 11 với lý do: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.

Bản thân ông Nguyễn Văn Nghiêm được cộng đồng mạng biết đến qua những video phát trực tiếp trên kênh YouTube, với các chủ đề được ghi nhận gần đây là: “Dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục xâm lược bãi Tư Chính của Việt Nam” (phát hôm 4/11/2019), “Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh liệu có vào lò (hôm 4/11/2019), “Bài học sâu sắc là bài học nào?” (hôm 4/11/2019), “Tướng hèn đông như quân Nguyên, 3/11/2019), “Xin đừng gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là ”cóc”, 3/11/2019)…”

Hiện tất cả các clip của ông Nghiêm đã bị xóa khỏi YouTube và tài khoản Facebook, YouTube của ông này được cho là “công an đang kiểm soát”.

Bà Xuân vợ ông Nguyễn Văn Nghiêm cho đài Á châu Tự Do biết:

“Cái việc làm của chồng tôi trên mạng xã hội thì rất nhiều người đồng tình ủng hộ. Từ hôm qua, nghe tin chồng tôi bị bắt thì nhiều người liên tục hỏi thăm anh ấy bị bắt thế nào, quan tâm đến. Trước khi bị bắt đưa đi, chồng tôi nhắn lại rằng em hãy điện cho các anh cùng làm các chương trình như anh đang làm, nhờ các anh dưới Hà Nội giúp đỡ cho.”

Ngoài ra, bà Phạm Thị Xuân xác nhận ông Nguyễn Văn Nghiêm “không thuộc tổ chức, hội nhóm nào” và hiện bà đã nhờ Luật sư Hà Huy Sơn trợ giúp pháp lý.

Hôm 6/11, phóng viên RFA gọi điện nhiều lần đến cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình nhưng không nhận được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam từng bắt giữ, phạt tù nhiều Facebooker có hành vi tương tự ông Nguyễn Văn Nghiêm. Trường hợp gần nhất là hôm 29/10, ông Nguyễn Văn Phước, ngụ tại Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang bị tuyên phạt 5 năm tù với cáo buộc sử dụng mạng xã hội chia sẻ thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, ông Phước đã tự tạo và nhờ người thân tạo các tài khoản trên Facebook. Qua các tài khoản này, ông Phước dùng để theo dõi, gửi lời kết bạn với các tài khoản khác có ảnh đại diện liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa và các đối tượng được cho là phản động lưu vong.

Bên cạnh đó, ông Phước cũng nhiều lần livestream nói chuyện về tình hình chính trị và chia sẻ bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và Đảng CSVN.

Vào ngày 31/10, kiến trúc sư Phạm Xuân Hào, thạc sĩ, giảng viên khoa công nghệ Đại học Cần Thơ bị kết án 1 năm tù vì chia sẻ bài viết được cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng trên Facebook.

Trước đó, Tòa án Cần Thơ cũng đã tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Hồng Nguyên (nick name “Bồ Công Anh”) và Trương Đình Khang (tên tài khoản Hồ Mai Chi) cùng ngụ quận Cái Răng lần lượt 2 năm và 1 năm tù cùng với tội danh như trên.

Theo RFA (06.11.2019)

Tổ chức HRW kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh

Bản quyền hình ảnh VIETNAM NEWS AGENCY/GETTY IMAGES Image caption Phiên sơ thẩm xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh.

Ngày 7/11 tới, tòa phúc thẩm ở TP Hồ Chí Minh sẽ có phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, một người đã lên tiếng phê phán chính quyền trên Facebook.

Ông Ánh là một kỹ sư nuôi tôm, ở thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, năm nay 39 tuổi.

Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng, ông Ánh đã chia sẻ các tin bài “phản động” nhằm “nói xấu” đảng và nhà nước, và kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh.

Các bài viết của ông Ánh được ông đưa lên Facebook tập trung vào các chủ đề như nạn môi trường bị tàn phá do công ty Formosa thải độc gây ra vào tháng 4/2016, tình trạng thiếu tự do lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của tù nhân chính trị…

Các bài viết này luôn thu hút sự quan tâm của công luận.

Cụ thể, báo thanh niên trong bài viết đăng khi ông Ánh bị xét xử lần đầu cho biết rằng, các nội dung này “đã phát tán đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận.”

Ông Ánh bị công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt giữ hồi tháng 8/2018 với cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,” chiếu theo điều 117 của Bộ luật Hình sự nước này.

Tháng 6/2019, sau một phiên xử diễn ra trong vài giờ đồng hồ, một tòa án ở tỉnh Bến Tre kết án ông 6 năm tù giam, cộng với 5 năm quản chế.

Luật sư của ông Ánh, ông Đặng Đình Mạnh cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 6/11 qua điện thoại rằng, cả ông và ông Ánh đều bác bỏ hoàn toàn cáo buộc.

Luật sư Mạnh nói rằng tuy ông Ánh đã thừa nhận hành vi đăng tải những thông tin đó, nhưng điều đó chỉ là thực hiện quyền công dân của mình.

Những cáo buộc đó hoàn toàn không công bằng. Anh Ánh không vi phạm như những gì anh đã bị truy tố. Anh Ánh có những trao đổi thông tin, hay những cuộc nói chuyện hay trao đổi quan điểm của anh về những vấn đề của đất nước như Forrmosa chẳng hạn thì thực ra anh đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình mà thôi.”

”Với quyền tự do ngôn luận của mình, anh có quyền đề cập đến những vấn đề của nhà nước, có thể là khen ngợi hay chỉ trích chính quyền, phê phán những chính sách chính quyền đang thực hiện không đáp ứng nguyện vọng người dân, thì đó là hết điều hết sức bình thường. Việc truy tố những hành vi như vậy thể hiện sự khắt khe với các quyền tự do dân chủ của người dân,” ông Mạnh nói.

Vi phạm quyền tự do ngôn luận

Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), trong thông cáo phát đi hôm 6/11 cũng cho rằng, việc truy tố và giam giữ ông Ánh rõ ràng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông.

Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ bản án và ngay lập tức trả tự do cho ông.

Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á thuộc tổ chức trên, nói rằng:

“Ông Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook.

“Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự,” ông nói.

Ông Sifton, trong thông cáo trên, phân tích rằng, thoạt tiên nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù người dân để ngăn cản họ thực thi quyền tự do ngôn luận. Sau đó, nỗ lực dập tắt tiếng nói của những người trong gia đình họ muốn vận động đòi trả lại tự do cho họ.

Còn luật sư Mạnh thì cho biết, trong phiên phúc thẩm sẽ diễn ra ngày mai, ông sẽ bào chữa theo hướng ông Ánh vô tội. Việc ông Ánh bị truy tố và bỏ tù giam là hoàn toàn bị oan.

Bị đánh trong tù?

Vợ ông Ánh, bà Nguyễn Thị Châu, vào ngày 23/10, đã bị công an thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre triệu tập đến để chất vấn.

Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, bà Châu đã bị truy vấn quan hệ của bà với các gia đình tù nhân chính trị khác, về việc mặc áo phông phản đối Trung cộng tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ trên biển đang tranh chấp, về việc đi đón tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn và về việc bà đã trả lời phỏng vấn Đài Á châu tự do.

Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, việc bỏ tù ông Ánh là một phần của đợt đàn áp đang tiếp diễn, nhắm vào những người phê phán đảng và chính phủ Việt Nam.

Theo tổ chức này, trong mười tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết tội ít nhất là 20 người và xử họ với các mức án từ 6 tháng đến 10 năm tù vì phê phán chính quyền, vận động cho tự do tôn giáo cũng như các quyền cơ bản về chính trị và dân sự, hoặc chống tham nhũng.

“Việc chính quyền khắt khe với những hành vi chỉ trích hay nói xấu chính quyền thực ra không mới. Thậm chí sau những sự kiện nóng như Formosa, thì những tiếng nói của như vậy của người dân tăng lên. Tức là những chỉ trích tương ứng với sự kiện diễn ra trong nước,” ông Mạnh nhận xét.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã kêu gọi các công ty internet công khai bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị giam giữ bất công do bày tỏ chính kiến trên mạng.

Đồng thời, kêu gọi các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam công khai phê phán những sự đàn áp này và lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động.

Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi các quy định pháp luật hà khắc về an ninh mạng và ngôn luận trên mạng.

Theo BBC (06.11.2019)

Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của LHQ kêu gọi CSVN trả tự do cho hai nhà báo Nguyễn Văn Hoá và Lê Đình Lượng

Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của LHQ (UNWGAD) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho hai nhà báo Lê Đình Lượng (trái) và Nguyễn Văn Hoá.

Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của LHQ (United Nations Working Group on Arbitrary Detention – UNWGAD) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho hai nhà báo Nguyễn Văn Hoá và Lê Đình Lượng

Ngày 7 Tháng Mười, 2019

Anh Nguyễn Văn Hóa và ông Lê Đình Lượng là hai ký giả dân báo và nhà hoạt động môi trường. Họ đã bị bắt và bị giam giữ khi lên tiếng chỉ trích chính quyền sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra vào năm 2016.

Anh Nguyễn Văn Hoá bị bắt vào tháng Giêng 2017 và bị biệt giam 2 tháng. Anh Hóa bị kết tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” và bị tuyên án 7 năm tù giam, cộng 3 năm quản chế tại gia. Trong suốt tiến trình xử án anh Hoá không được luật sư biện hộ và gia đình không hề được thông báo về phiên xử

Ông Lê Đình Lượng bị bắt vào tháng Bảy 2017 và bị cáo buộc tội “âm mưu lật đổ chế độ”. Ông Lượng bị giam giữ trong tình trạng chờ xét xử hơn 12 tháng trời và trong suốt thời gian đó chỉ được gặp luật sư một lần duy nhất. Vào tháng Tám 2018 ông bị kết án trong một phiên xử chỉ kéo dài 5 tiếng đồng hồ trong cùng ngày, bị tuyên án 20 năm tù giam cộng với 5 năm quản chế tại gia.

MLDI (Media Legal Defence Initiative, Tổ Chức Hỗ Trợ Bảo Vệ Pháp Lý Truyền Thông) đã đệ đơn để thỉnh cầu Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện xét rằng cả hai ký giả bị bắt giữ trái phép, và yêu cầu trả tự do cho họ tức khắc. Qua cuộc điều tra, Ủy Ban Điều Tra nhấn mạnh là cả hai nhà báo bị bắt chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt. Ủy Ban Điều Tra cũng nhận định rằng họ là đích nhắm của nhà cầm quyền trên phương diện phân biệt đối xử, vì vai trò bảo vệ nhân quyền của họ.

Đáng chú ý là Ủy Ban Điều Tra nhận thấy trường hợp của họ giống các “mô hình quen thuộc của việc bắt giữ không tuân theo các chuẩn mực quốc tế, giam giữ chờ xét xử quá lâu mà lại thiếu duyệt xét pháp lý, thiếu luật sư biện hộ, bị biệt giam, bị truy tố vì những tội danh hình sự mơ hồ trong khi họ chỉ thực thi nhân quyền ôn hòa, bị xử kín ngắn ngủi không đúng thủ tục pháp lý, tuyên án thiếu tương xứng, và từ chối không cho tiếp cận với thế giới bên ngoài và chữa trị y tế.”

Giống như những trường hợp các nhà báo bị giam giữ trước đây, Ủy Ban Điều Tra nhận định rằng mô hình này “cho thấy việc giam giữ tùy tiện là vấn đề có tính cách hệ thống tại Việt Nam.”

Phán quyết của Ủy Ban Điều Tra đã xác nhận rằng việc giam giữ không hợp pháp theo luật pháp quốc tế, tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Hoá và ông Lê Đình Lượng vẫn tiếp tục bị giam giữ trong những điều kiện và hoàn cảnh có tác hại trầm trọng trên sức khỏe của họ. Vào tháng Chín 2019, MLDI đã nộp hai lời kêu gọi khẩn cấp yêu cầu họ ít nhất phải được cung cấp sự săn sóc y tế cần thiết. Nguyễn Văn Hoá đã bị biệt giam từ tháng Năm 2019. Ông đã bị các cai tù hành hung thể xác, bị đe dọa tiếp tục bằng bạo lực và không được chăm sóc sức khỏe. Ông Lê Đình Lượng đã bị đặt vào tình trạng phạt kỷ luật dài hạn vì bị cáo buộc là đã mưu toan xúi giục các tù nhân khác khiếu nại vì bị đối xử tàn tệ trong tù.

Vì vậy, ông Lượng đã không được phép nhận thức ăn hay sách từ gia đình. Ông cũng bị cấm không được làm nghi lễ tôn giáo của mình và không được chăm sóc sức khỏe.

Theo MLDI (05.11.2019)

Phán quyết của Ủy Ban Điều Tra Nguyễn Văn Hóahttps://www.ohchr.org/Documents/Issues/Detention/Opinions/Session85/A_HRC_WGAD_2019_44.pdf

Lê Đình Lượnghttps://www.ohchr.org/Documents/Issues/Detention/Opinions/Session85/A_HRC_WGAD_2019_45.pdf

Xin liên lạc Giám Đốc Pháp Lý của MLDI, Pádraig Hughes, để biết thêm chi tiết –padraig.hughes@mediadefence.org

Nguồn: https://www.mediadefence.org/news/un-working-group-arbitrary-detention-calls-vietnam-release-detained-journalists-nguyen-van-hoa

Đảng Việt Tân phản đối phiên tòa xét xử các nhà hoạt động Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền

Nhà hoạt động Châu Văn Khảm  Courtesy Việt Tân

Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, vào ngày 5 tháng 11 ra thông cáo báo chí lên án phiên tòa sắp diễn ra vào ngày 11 tháng 11 để xét xử các ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền như vừa nêu.

Thông cáo báo chí của Việt Tân cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam lại cho thấy việc áp dụng tùy tiện hệ thống luật pháp nhằm trấn áp việc bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.

Thông cáo báo chí nhắc lại rằng ba nhà hoạt động vừa nêu bị bắt hồi tháng giêng. Thoạt tiên họ bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đồ chính quyền’; sau đó cáo buộc chuyển sang tội danh mơ hồ hơn là ‘hoạt động khủng bố chống lại nhà nước’. Tuy nhiên cơ quan chức năng không thể đưa ra bất kỳ chứng cứ nào cho thấy ba nhà hoạt động vừa nêu dính líu vào hoạt động khủng bố.

Việt Tân cho rằng Cáo trạng dài 21 trang đưa ra những thông tin bị bóp méo và những cáo buộc không liên quan gì đến đảng Việt Tân. Cả ba ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền bị cáo buộc là thành viên và hợp tác với Việt Tân. Thông cáo báo chí cho rằng đó là một kết luận mang tính tùy tiện vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia ký kết.

Chủ tịch Đảng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm, được dẫn lời trong thông cáo báo chí rằng đảng này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những nhà bảo vệ nhân quyền trên thực địa. Ông Châu Văn Khảm vào Việt Nam để thu thập những hiểu biết tại chỗ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền là những nhà hoạt động ôn hòa. Ông Đỗ Hoàng Điềm nói rằng đảng Việt Tân thách thức chính phủ Việt Nam có thể cung cấp bất cứ hình thức bằng chứng nào liên quan ba người vừa nêu với ‘khủng bố’. Đảng Việt Tân sẵn sàng đưa chính phủ Việt Nam ra diễn đàn quốc tế để trình bày sự thật.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người bào chữa cho ông Châu Văn Khảm, thành viên tổ chức Việt Tân, trong phiên tòa sẽ diễn ra ngày 11/11, nói với RFA hôm 5/11:

“Xem xét nội dung cáo trạng và hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy hành vi của ông Châu Văn Khảm không có gì đáng nói lắm, trừ hành vi ông ấy nhập cảnh vào Việt Nam không phải con đường chính tắc, không phải bằng hộ chiếu mà là bằng chứng minh nhân dân mang tên người khác và đi qua đường cửa khẩu Campuchia-Việt Nam.”

“Còn việc ông ấy có hành vi bị quy kết tại Việt Nam thì ông ấy chỉ tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền gọi là trao đổi, thuyết phục những người này tham gia vào Việt Tân, giúp những người này mấy trăm đô la mà thôi. Nhưng mà họ quy kết hành vi này là ‘tham gia vào tổ chức khủng bố và tài trợ hoạt động khủng bố’, nên phạm vào điều luật nặng nề, điểm A khoản 2 Điều 113 với khung hình phạt lên đến 15 năm tù”.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói thêm rằng các luật sư trong vụ này “băn khoăn vì đây là tham gia vào tổ chức Việt Tân bên Mỹ, mà ông Khảm ở tại Úc thì có đủ yếu tố để cấu thành tội “khủng bố hay không”.

Luật sư nói thêm:

Theo tìm hiểu thì hiện đảng Việt Tân đã có cương lĩnh hoạt động ôn hòa, không bạo động. Nhưng do bị xếp vào chỗ tổ chức khủng bố nên ai là thành viên mặc nhiên bị gán ghép là khủng bố dù họ chưa có hoạt động gì mang tính bạo lực hay chống phá, xâm phạm tính mạng ai cả. Chúng tôi cho rằng việc quy kết đó có cái gì đó khiên cưỡng, gượng ép và nó mang yếu tố áp đặt với người chưa có hoạt động gì thể hiện chống phá, hay bạo lực, vũ trang gì cả. Chúng tôi sẽ không đồng tình với tội danh này. Tuy nhiên, việc mình lên tiếng bào chữa, chỉ là phía luật sư chứ còn việc kết án thì có thể người ta đã định hướng rồi. Đã là vụ án có màu sắc chính trị thì thường có sự áp đặt, chuẩn bị sẵn, khó mà thay đổi tội danh.”

Tuy nhiên, Luật sư Phúc cũng đưa nhận định rằng trong thực tế, ông Khảm có thể được xử thấp hơn khung hình phạt “do vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, hạ khung” và “căn cứ vào quan hệ ngoại giao giữa chính phủ Việt Nam và Úc là quan hệ tốt, với sự tác động, vận động nào đó, bị cáo là công dân Úc thì được xem xét, giảm nhẹ tương tự vụ án Will Nguyễn ở Mỹ bị truy tố khung hình phạt 2-7 năm nhưng được phóng thích về Mỹ.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Viễn, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, nói với RFA:

“Khi đọc qua cáo trạng bị cho là hành vi phạm tội của các ông Khảm, Viễn và Quyền, hầu như chúng ta sẽ ngạc nhiên vì không có hành vi nào được mô tả là khủng bố cả. Thường thì khủng bố là hành vi bạo lực, phá hoại, dùng để đe dọa, reo rắc sợ hãi cho công chúng. Nhưng trong vụ án này thì không có ai bị mô tả có hành vi tương tự. Trong cáo trạng, cơ quan truy tố nhằm chứng minh những người này có quan hệ với tổ chức Việt Tân.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thêm rằng trước khi phiên tòa diễn ra, các luật sư “đã xác định với nhau rằng không đủ cơ sở để xác định rằng những người này là những người khủng bố, phạm tội theo điều mà họ bị truy tố là “khủng bố nhằm chống chính quyền”.

Đề cập về trường hợp ông Nguyễn Văn Viễn, Luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải:

Ông Viễn cũng thừa nhận mình là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ. Nhưng không phải thành viên nào của Hội này cũng đều bị bắt, truy tố cả. Tôi biết một số thành viên thì họ vẫn sinh hoạt bình thường, ngoài những người chủ chốt như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị xét xử. Tôi nghĩ ông Viễn không phải vì là thành viên Hội này mà bị truy tố, mà chính là vì ông có liên quan đến Việt Tân, như đã tham gia buổi nói chuyện của Việt Tân ở Campuchia, hoặc giúp đỡ thành viên Việt Tân là ông Châu Văn Khảm trong việc di chuyển, hoặc có trao đổi quan điểm… Chính sự liên quan, liên hệ đến Việt Tân mới là cơ sở để chính quyền Việt Nam xem xét truy tố ông Viễn.”

Theo RFA (05.11.2019)

17 tổ chức xã hội dân sự đề nghị Nghị Viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA

7 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và 10 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã gửi một thư ngỏ chung cho Chủ tịch Quốc hội châu Âu và các cơ quan trực thuộc để đề nghị Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn Hiệp dịnh Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp dịnh Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền.

Trong thư ngỏ chung, các tổ chức xã hội dân sự nêu bật việc chế độ cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp người bảo vệ nhân quyền, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập, nhiều tổ chức tôn giáo và những cá nhân bày tỏ quan điểm chỉ trích chế độ. Quyền tự do ngôn luận, quan điểm, hội họp và tụ tập vẫn bị hạn chế nghiêm trọng trong khi hệ thống tư pháp cũng như truyền thông, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo độc lập bị nhà nước kiểm soát chặt. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, môi trường, lao động, luật sư, nhân sĩ tôn giáo, blogger đã bị kết án hoặc bị bắt giam chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, trong khi nhiều người khác bị đánh đập bởi côn đồ được nhà nước bảo trợ.

Các tổ chức, dẫn đầu là Human Rights Watch, nói rằng với việc Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách hệ thống và trầm trọng như vậy, thì EU nên thể hiện sức mạnh mềm của mình bằng cách không phê chuẩn hai hiệp định đã ký với Việt Nam.

Các tổ chức đề nghị EU nên kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền bằng cách trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, dừng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến, chấp nhận báo chí tư nhân và bỏ kiểm duyệt, công nhận nghiệp đoàn lao động độc lập, bãi bỏ án tử hình…

Nghị viện châu Âu dự kiến họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 để xem xét việc bỏ phiếu có phê chuẩn hay không đối với EVFTA và IPA.

Theo SBTN (05.11.2019)

Các nhà hoạt động: Ông Tô Lâm nói về mạng xã hội cho thấy VN ‘sợ minh bạch’

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại quốc hội Việt Nam, 4/11/2019

Mạng xã hội đang bị nhiều thế lực và tội phạm lợi dụng để chống phá Việt Nam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói hôm 4/11, được nhiều báo trong nước trích dẫn.

Nhà hoạt động Lê Văn Dũng bình luận rằng phát biểu của vị đại tướng công an cho thấy nhà chức trách Việt Nam “sợ minh bạch, sợ sự thật”.

Trong một báo cáo trước quốc hội về phòng, chống tội phạm, Đại tướng-Bộ trưởng Tô Lâm nói: “Các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, trong đó có cả hoạt động khủng bố manh động”.

Ông Tô Lâm nói thêm rằng “không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá”.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay bộ của ông trong năm 2019 đã “bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại”.

Ông cũng nói thêm là công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm khác “đạt nhiều kết quả tích cực”.

Theo quan sát của VOA, phát biểu kể trên của vị bộ trưởng công an không được nhiều người sử dụng mạng xã hội đón nhận một cách tích cực.

Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Lê Văn Dũng, sống ở Hà Nội, gọi những ý kiến của ông Tô Lâm là “vơ đũa cả nắm”.

Ông Dũng, một Facebooker có nhiều ảnh hưởng và được biết đến qua tên trên mạng là Le Dung Vova, so sánh rằng ở Mỹ hay nhiều nước dân chủ khác, người dân có thể phê bình, chỉ trích thoái mái nguyên thủ của họ và các chính sách của nhà nước trên mạng xã hội mà không bị trả đũa, trong khi đó, nếu làm như vậy ở Việt Nam sẽ bị Bộ Công an, Bộ Thông tin-Truyền thông, v.v… quy chụp là “chống phá”.

Facebooker 49 tuổi này lưu ý rằng trong khoảng 10 năm nay, kể từ khi mạng xã hội trở nên ngày càng phổ biến, các quan chức và cơ quan chính quyền ở Việt Nam luôn đưa ra cái nhìn và phát ngôn tiêu cực về mạng xã hội.

Về lý do vì sao phía chính quyền Việt Nam có cách nhìn như vậy, ông Lê Văn Dũng nêu ra quan điểm của cá nhân ông với VOA:

“Họ rất là thù địch với mạng xã hội, thậm chí là sợ mạng xã hội, chứng tỏ là họ sợ sự minh bạch. Mạng xã hội cho thấy sự minh bạch. Có mạng xã hội thì mọi việc nó thể hiện ra. Có những thông tin là sự thật. Có những cơ quan và cá nhân [quan chức] mà nếu đưa sự thật ra thì họ rất bị ảnh hưởng vì họ sợ sự thật. Họ tỏ thái độ rất chống lại việc mạng xã hội làm cho thông tin minh bạch”.

Bây giờ rất nhiều hạ tầng mạng xã hội phát triển, người dùng xác lập được thông tin nhanh và họ tìm ra sự thật của tin tức … Nhà nước độc tài muốn độc quyền thông tin. Họ sợ mạng xã hội lấn át các tờ báo, các tòa báo của nhà nước

Hiện cũng là người điều hành kênh truyền hinh độc lập CHTV trên mạng xã hội để đưa ra tiếng nói phản biện và giúp đỡ những người yếu thế, Facebooker Le Dung Vova nhận định với VOA rằng chính quyền còn có một lý do khác để không thân thiện với mạng xã hội, đó là khả năng tuyên truyền của báo chí nhà nước bị suy giảm khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn.

Ông Dũng nói:
“Ở Việt Nam, hệ thống báo chí chỉ làm vai trò tuyên truyền, nói phải thành trái, trái thành phải. Tuyên truyền làm mất sự thật đi. Bây giờ rất nhiều hạ tầng mạng xã hội phát triển, người dùng xác lập được thông tin nhanh và họ tìm ra sự thật của tin tức. người ta kiểm chứng dễ hơn, thì điều đó làm lấn át vai trò của các tờ báo, các tòa báo của nhà nước. Nhà nước độc tài muốn độc quyền thông tin. Họ sợ mạng xã hội lấn át các tờ báo, các tòa báo của nhà nước”.

Dữ liệu thống kê do các tổ chức Việt Nam và nước ngoài cho hay đến nay có 64 triệu người dùng internet trong tổng dân số là 97 triệu người ở Việt Nam. Trong số đó, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên các thiết bị di động.

Các số liệu cũng cho thấy đến tháng 5/2019, Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, và con số người dùng mạng xã hội này ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Ít ngày trước khi có phát biểu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, một tướng quân đội, ông Sùng Thìn Cò, phát biểu trước quốc hội rằng “hoạt động tuyên truyền bậy bạ, đưa thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội đang ngày càng nhiều” nhưng các động thái xử lý, kiểm soát từ phía nhà nước “còn hạn chế, không đáng kể”.

Vị thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang “đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo để xử lý quyết liệt hơn tình trạng vi phạm này”.

Ông Sùng Thìn Cò cảnh bảo rằng nếu không ngăn chặn đươc, các thông tin mà ông gọi là “xấu độc” trên mạng sẽ khiến người đọc không biết tin nào thật, tin nào giả, “ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của người dân với đảng, nhà nước”.

Theo VOA (04.11.2019)