2019-11-22
Một văn bản do Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. HCM ký mới đây cho biết những tổ chức, cá nhân “xuyên tạc, vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Văn bản do bà Nguyễn Thị Minh Hồng ký ngày 21/11 được đưa ra sau khi mạng xã hội xôn xao chuyện một số Facebooker tự nhận là sinh viên Đại học Sư Phạm TP.HCM cáo buộc rằng họ bị hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM ra lệnh miệng cấm sinh viên share post về biểu tình ở Hồng Kông, nếu vi phạm thì sẽ bị đuổi học.
Văn bản không xác nhận mà cũng không phủ nhận tin đồn này.
Những cuộc biểu tình đòi dân chủ và phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh của người dân Hong Kong, đặc biệt là của giới trẻ là các sinh viên và học sinh đã diễn ra suốt hơn 5 tháng qua vẫn hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tin tức và hình ảnh về những biểu tình phản đối và đụng độ giữa các sinh viên và cảnh sát Hong Kong tràn ngập mạng xã hội Việt Nam thời gian qua. Thậm chí đã có nhiều người Việt Nam lên tiếng ủng hộ phòng trào này ngay trên Facebook.
Một giảng viên đại học không muốn nêu tên trường vì lý do an toàn nói với Đài Á Châu Tự Do việc “Cấm sinh viên share post về Hồng Kông là làm hại sinh viên”
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học, nói với RFA:
“Theo như tôi biết thì tin ấy là có thật. Là bởi vì tôi có một số bạn trên Facebook làm việc, học ở trường đó thì họ nói là có lệnh đó thật. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên về chuyện đấy. Thế nhưng ở Việt Nam bây giờ thì quyền ngạc nhiên hơi nhiều quá rồi nên ở Việt Nam mọi chuyện đều có thể.”
“Ở nước ngoài theo như tôi biết, người ta muốn cấm một cái gì đó thì phải có bản căn cứ vào luật. Ví dụ ở Việt Nam thì có hai văn bản để căn cứ. Thứ nhất là luật Giáo dục, thứ hai là quy chế quản lý sinh viên của nhà trường. Theo như tôi biết, luật Giáo dục trong cái quyền và nghĩa vụ của sinh viên thì không thấy nói gì về chuyện ấy cả.”
“Quyền của người học là học tập, rèn luyện theo chương trình, tôn trọng nhà giáo, cán bộ… Tôi không thấy trong cái này có bất kỳ cái gì quản lý về ý kiến của cá nhân người học cả.”
Hôm 22/11, RFA gọi điện cho bà Nguyễn Thị Minh Hồng và hiệu phó Huỳnh Văn Sơn nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.
Số điện thoại ban giám hiệu của trường này cũng thường xuyên bận máy.
Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, luật Giáo dục “không cấm phát ngôn trên mạng”.
Bàn thêm về “lệnh miệng” được cho là do hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, ban hành, bà Ánh nói:
“Nếu như đấy là lệnh miệng thì tôi lấy làm ngờ có lẽ quy chế của nhà trường cũng chẳng có đâu. Tôi không tin là việc như vậy thì có thể đuổi học được sinh viên như người ta nói. Vì muốn đuổi học sinh viên thì phải có luật chứ không thể bỗng dưng làm như thế được. Lệnh ấy do ai đưa ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Đó là chuyện đương nhiên.”
Bà Nguyễn Hoàng Ánh nói rằng bà vừa tìm đọc quy chế trường Đại học Sư Phạm TP.HCM và “không hề nhìn thấy bất kỳ quy định nào như là cái điều mà người ta đang nói đến”.
Bàn về việc chia sẻ chủ đề biểu tình ở Hồng Kông trên mạng xã hội ở Việt Nam, bà Ánh nhận định:
“Cá nhân tôi thì không nghĩ rằng đấy là một thông tin nhạy cảm. Bởi vì là không chắc những người share thông tin đấy là người ta đang ủng hộ bên nào. Đó là thông tin mà toàn thế giới đều quan tâm. Nếu như chúng ta mở báo thì hẳn chúng ta đều nhìn thấy rằng trên dòng headline của bất kỳ báo nào trong cả nửa tháng vừa rồi thì luôn có một cột dành cho Hồng Kông.”
“Cho nên, tôi nghĩ là một người sẽ là trí thức trong tương lai, thì việc chúng ta dạy sinh viên quan tâm đến tình hình thời sự chính trị-kinh tế của thế giới, [để họ] sau này trở thành người am hiểu và có thể trở thành người sống có ích cho xã hội, đó là điều cần thiết. Việc hạn chế sinh viên tìm hiểu về bất kỳ lĩnh vực nào trong những chuyện mà thế giới xung quanh đều biết thì đều là làm hại sinh viên cả!’
Chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt việc người dân bày tỏ ý kiến trên mạng, đặc biệt là những vấn đề có tính nhạy cảm như dân chủ, chính trị. Quyền biểu tình của người dân dù được hiến pháp công nhận nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thông qua luật này. Trong những cuộc biểu tình rầm rộ hồi năm 2016 phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng, nhiều người dân đã bị bắt vì tham gia biểu tình. Một số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam ra thông báo chính thức bằng văn bản trên trang web yêu cầu sinh viên không tham gia biểu tình.
RFA
“Mạnh là được” – Triết lý côn đồ của Tàu cộng
2019-11-22
Sau 113 ngày hung hãn xéo nát Bãi Tư Chính, Bắc Kinh đạt được điều họ cho là thắng lợi, đó là rót vào tai giới chóp bu Ba Đình: “Luật pháp là tao!” Nhưng dân Hong Kong đang chứng minh điều ngược lại: “Chân lý không thuộc về kẻ mạnh!” Tuổi trẻ Hong Kong khát khao với nhân quyền – tự do, một mất một còn vì tương lai dân tộc. Trong khi đó, đa phần tuổi trẻ Việt Nam (và đáng xấu hổ, cả người lớn nữa) những ngày này “đang lên cơn động kinh” vì bóng đá.
________________
Xin lỗi ngoại lệ! Đồng thời vô cùng biết ơn các trang mạng xã hội đã cho biết địa chỉ của những trường hợp ngoại lệ ấy! Không phải tất cả người dân Việt Nam đều vô minh như thế. Đặc biệt, có những bạn trẻ, không hề vô minh, vô cảm và vô ơn như đại bộ phận các bậc cha chú của họ hiện nay. (Hãy đọc bài: “Hàng chục ngàn người Việt ủng hộ cuộc tranh đấu của sinh viên Hong Kong” trên VOA ngày 18/11/2019).
Trong khi đó thì hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM Nguyễn Thị Minh Hồng, vì có “tình cảm đặc biệt” với Trung Quốc, những ngày này, đã cấm sinh viên share tin tức về Hong Kong. Bất chấp lệnh cấm ấy, sinh viên trường này vẫn có nhiều bạn chia sẻ lên mạng xã hội, ủng hộ tuổi trẻ Hong Kong, không quản ngại bị trường goi lên “làm việc”. Họp hội đồng nhà trường, bà Hồng đã ra lệnh cấm sinh viên chia sẻ thông tin liên quan đến Hong Kong. Ai vi phạm, sau lần thứ ba sẽ bị đuổi học.
Hẳn bà hiệu trưởng quên rằng, vào cuối những năm 70, sau thời kỳ chiến tranh tàn khốc và cấm vận ngặt nghèo, mảnh đất Hong Kong là một điểm hẹn lý tưởng cho hàng triệu “boat people”, không quản cái chết đủ loại, quyết tâm thực hiện bằng mọi giá “cuộc bỏ phiếu bằng thuyền”. Và hàng triệu thuyền nhân Việt đã được người dân và chính quyền Hong Kong cũng như các nước phương Tây hồi bấy giờ cưu mang và che chở.
Thế mà giờ đây hậu duệ của các thuyền nhân ấy lại ngoảnh mặt làm ngơ trước vấn nạn của người dân Hong Kong bằng phép thắng lợi tinh thần đang thời thượng. Đó là lập luận theo kiểu “quan tâm đến chính trị làm gì, đâu cũng thối nát và mất dân chủ như nhau”, hoặc “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo…” Chủ nghĩa AQ này có thể đúng với bầy đàn ở Việt Nam, một đám đông nhung nhúc như bầy cừu tội nghiệp, sống chen lấn, sống huỷ diệt cả tương lai của con cháu.
Nhưng thuật nguỵ biện của những kẻ cơ hội không hiệu nghiệm đối với giới trẻ và người dân Hong Kong. Bất khuất, không cô độc… Những sinh viên tuổi đời phơi phới ấy thay nhau kiên cường bảo vệ tuyến đầu chống lại các “hắc cảnh” bằng những sáng kiến gần như tuyệt vọng. Các bạn trẻ nhảy qua rào tránh cảnh sát đã có ngay hàng đoàn xe đón lõng ở dưới. Tầm cao về trình độ tổ chức, ý chí quyết tâm, bản lĩnh kỷ luật và tinh thần đồng đội… Tất cả khiến bộ máy đàn áp từ một lục địa có truyền thống giết người tàn bạo từ thời Thiên An Môn phải gồng sức để đối phó.
Những nữ sinh mảnh mai giúp các nam sinh khuân vác và dựng lên các chướng ngại vật để chặn cảnh sát vũ trang đến tận răng khiến cả thế giới ngưỡng mộ trước những hành động dũng cảm của lớp trẻ. Hình ảnh này cùng những bức thư được xem như các di chúc của nhiều bạn trẻ đã khiến thế giới càng nể phục.
Mô tả theo Blogger Nguyễn Tiến Tường: Một vẻ đẹp đầy bi kịch. Từng đôi thiên nga thời đại Hong Kong trao nhau những nụ hôn giữa bịt bùng khói lửa. Các chàng trai tuấn tú, những cô gái xuân thì với những ánh mắt kiêu hãnh ngước lên trời xanh, dù trên vai họ là gông cùm, súng đạn, hơi cay và gậy gộc… Những lớp trẻ đổ ra đường với khao khát tự do và sẵn sàng chết vì điều đó.
Chỉ có chất men của lý tưởng mới có thể khiến người ta nằm xuống để để đổi lấy một thông điệp. Chỉ có sự kiêu hãnh của tuổi trẻ mới giúp họ sống không cần biết đến ngày mai. Tuổi trẻ là như vậy, khát khao, dấn thân và thậm chí có những khoảnh khắc điên rồ. Nhưng thật tuyệt vời khi tất cả năng lượng đó được giải phóng trên giá đỡ của nhận thức và hiểu biết. Hiểu biết cho hôm nay và hiểu biết cho mai sau. Chính vì thế, 2 triệu người biểu tình ở thời điểm cao trào, đa phần là lớp trẻ.
Các nhóm tình nguyện viên làm cho Hồng thập tự được cảnh sát cho phép vào khuôn viên Đại học Bách Khoa sau khi có tin số người bị thương tăng lên. Nhưng rồi chính các tình nguyện viên cũng bị “giật cánh khuỷ” và trói tập thể đã làm cả thế giới chấn động. Thật khó tin khi lực lượng cảnh sát chống biểu tình của một vùng đất như Hong Kong lại thẳng tay đàn áp chính những người thi hành sứ mệnh nhân đạo.
Người dân Hồng Kông sẽ đi bầu cử địa phương vào ngày 24/11 tới đây, đó là điều mà Bắc Kinh và chính quyền đặc khu mong muốn, nếu không có những diễn biến mới mới gây trở ngại cho cuộc bầu cử. Điều lý thú là cả những người ủng hộ chính quyền lẫn những người đấu tranh cho dân chủ đều không muốn cuộc bỏ phiếu bị dời lại.
Tuy chỉ là bầu cử hội đồng quận, nhưng đây là dịp hiếm hoi người Hong Kong có thể bày tỏ quan điểm không phải bằng việc xuống đường trong không khí bạo lực đang lan tràn. Các cuộc bầu cử cấp quận này trong các năm trước thường không không mấy ai quan tâm. Những năm nay, đây là lại sự kiện đặc biệt. Các cuộc bầu cử năm nay sẽ thể hiện rõ nhất quan điểm của người dân Hong Kong đối với cả Bắc Kinh lẫn dân chủ.
Trong 5 tháng qua, người dân Hong Kong hiểu ra rằng, sẽ không bao giờ có “hai chế độ” dưới bàn tay sắt của Tập Cận Bình. Họ đang cố gắng đưa sức ép quốc tế đến cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã ngay lập tức cảnh báo sẽ trả đũa nếu Tổng thống Trump ký ban hành “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong”. Ban lãnh đạo ở Ba Đình đang lo lắng, không chỉ sợ ảnh hưởng của “mùa Hè Hong Kong” đối với dân Việt, mà con lo Tập sẽ “giận cá chém thớt”, trút cơn điên lên biển đảo Việt Nam.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do