Jackhammer Nguyễn

12-12-2019

Sau trận thắng chung kết của đội bóng đá Việt Nam tại cuộc tranh tài Đông Nam Á vận hội Sea Games 30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng tuyên bố, rằng đây là một thắng lợi quan trọng có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Tôi đồng ý với ngài Thủ tướng rằng, đã có những tiền lệ, khi sự thành công của thể thao dẫn đến sự cất cánh về kinh tế. Đó là trường hợp nước Nhật vào năm 1964, tổ chức Đại hội Olympics Tokyo, và từ đó trở đi, nước Nhật mãi là một cường quốc.

Nhưng siêu cường Liên Xô, tổ chức Olympics Moscow 1980, cũng “thành công rực rỡ”, để rồi 10 năm sau đó biến mất trên bản đồ thế giới.

Chuyện “tổ chức thành công” các kỳ thi đấu thể thao như Nhật Bản và Liên Xô kể trên, thì Việt Nam cũng đã làm rồi với các Đông Nam Á vận hội, dù rằng vùng Đông Nam Á này hay được nói là “vùng trũng của thể thao thế giới”, cách nói cho hay của báo chí nhà nước Việt Nam vì không muốn nói rằng thể thao ở đây là tệ nhất thế giới, trong đó bao gồm cả bóng đá.

Tuy nhiên, nhìn vào dòng thanh thiếu niên đi … bão trên đường phố Sài Gòn Hà Nội trong đêm 10/12/2019, tôi tin điều ông Phúc nói một nửa. Vì rằng nước Việt Nam đang có một nguồn năng lượng lớn kinh khủng khi nhìn vào đám đông trẻ tuổi đó. Nguồn năng lượng này sẽ đẩy nước Việt Nam bật lên rất cao nếu được khơi chảy vào đúng chỗ phải chảy.

Thanh niên VN đi bão sau khi đội tuyển bóng đá VN vô địch Sea Games 30. Ảnh: Kênh 14

Tôi không nghĩ rằng nó đang chảy đúng hướng!

Hình ảnh đêm “Bão chiến thắng bóng đá” cho tôi những cảm giác kỳ cục. Thật khó tưởng tượng trong âm thanh bài hát ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh, là hai cô gái trần truồng đang uốn éo giữa đường phố. Người ta cũng thấy các thanh niên thổi còi không theo một điệu nhạc gì cả, đinh tai nhức óc, bên cạnh các bức ảnh của ông Hồ mang ra diễu trên đường phố hàng trăm ngàn chiếc xe gắn máy.

Một không khí hoang dã như đồng bóng, nhuộm sắc đỏ cộng sản vô ý thức.

Không rõ ở nước Tàu cộng sản, người ta có còn rước ảnh ông Mao chạy tung tăng khắp phố như người Việt hay không, nhưng rõ ràng công cuộc tẩy não của cơ quan tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem lai kết quả như họ mong muốn. Tôi không chắc là có bao nhiêu phần trăm số người trong đêm Bão hiểu được lá cờ mà cô gái dùng thay váy đó ra đời từ lúc nào, ông Hồ là ai họ chưa chắc đã biết, chỉ biết đó là những hành động được phép và được khuyến khích.

Nhiều người so sánh hàng triệu người Việt trẻ tuổi đó với những người đồng trang lứa của họ ở Hong Kong. Một bên đòi những quyền lợi chính trị, còn một bên đổ ra đường vì chẳng biết làm gì.

Nghĩ cho cùng, cái chuyện Bão đó là chuyện duy nhất họ được làm với tư cách một tập thể, một cộng đồng, mà không có sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Vì cái tập thể đấy, cái cộng đồng ấy chỉ là một đám đông ô hợp, hoang dã như cái tên Bão mà họ dùng để nói tới, không có tổ chức, không có mục đích. Đó là điều mà Đảng muốn. Đảng không thích bất cứ tổ chức nào khác trong xã hội ngoài những tổ chức của Đảng.

Tôi không nghĩ rằng cái phân nửa mà tôi đồng ý với ông Phúc, có thể cân bằng với cái phân nửa kỳ cục mà tôi sợ hãi.

Đại đa số dân chúng Việt Nam sinh ra sau “ngày giải phóng”, không dính líu gì đến các chế độ bị cáo buộc là thực dân, đế quốc. Họ là sản phẩm hoàn toàn mang nhãn cộng sản. Họ đang có một nguồn năng lượng trẻ tuổi vô tận, nhưng chỉ là một đám năng lượng cơ bắp, uốn éo, la hét trong một thứ lên đồng tập thể.

Tôi không nghĩ rằng cơn đồng bóng này sẽ dẫn tới một sự cất cánh kinh tế như ông Nguyễn Xuân Phúc trông mong. Nó chỉ dẫn đến tệ nạn, đến vượt biên bất hợp pháp, hiền lành hơn là mang sức lực, cơ bắp ra làm thuê nơi xứ người. Dù sao tôi cũng mong là tôi sai, và chúc ông Phúc thành công.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Tiếng Dân