Hơn một tuần sau vụ can thiệp của an ninh Việt Nam tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngày 09/01/2020, công luận vẫn chưa thôi bàng hoàng về một biến cố chưa từng có tại Việt Nam. Sau vụ bố ráp tại Đồng Tâm khiến cho ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng – thiệt mạng cùng với 3 công an hôm 9 tháng Giêng, nhiều tổ chức xã hội và một số nghị viên châu Âu kêu gọi EP nên xem xét lại việc thông qua hiệp định này.
Một số nghị viên châu Âu cho rằng sự kiện xảy ra ở Đồng Tâm gần đây đang chứng tỏ “tính thiếu khả tín của Việt Nam” trong việc tuân thủ và thực hiện các cam kết, nhất là về vấn đề dân chủ, nhân quyền.
48 tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế trong thời gian qua liên tục gửi kiến nghị, kêu gọi EP hoãn thông qua hai hiệp định với Việt Nam, cáo buộc “Nhà nước Việt Nam dùng bộ luật hình sự khắc nghiệt để hình sự hóa việc chỉ trích chính quyền”.
Các tổ chức quốc tế cho rằng hai hiệp định giữa EU và Việt Nam hoàn toàn “không đưa ra cam kết cụ thể nào về nhân quyền từ phía Việt Nam ngoài những điều sơ sài trong chương trình phát triển bền vững của EVFTA” và cũng “không đưa ra thời khóa biểu ràng buộc hay hình phạt nào nếu không tuân thủ” các cam kết.
Các tổ chức này kêu gọi EP phải đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi bộ Luật Hình sự và thể hiện thiện chí cải thiện nhân quyền bằng cách thả hết các tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Việt Nam, chấm dứt sách nhiễu những người bất đồng chính kiến hay thực thi quyền tự do tôn giáo, công nhận các nghiệp đoàn lao động độc lập, thông báo công khai thời gian điều chỉnh Luật An ninh mạng theo tiêu chuẩn quốc tế và một số yêu cầu khác.
Về phía Việt Nam cũng có những nỗ lực dàn xếp nhằm “trấn an” các nghị viên châu Âu của giới hữu trách Việt Nam trước những làn sóng chống lại việc thông qua hiệp định này vì những lo ngại về nhân quyền, quyền của người lao động tại Việt Nam.
“Tôi khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thứ gửi cho Chủ tịch Bernd Lange của Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viên châu Âu (EP) ngày 6 tháng Giêng mà VOA đọc được.
Một tuần sau, ngày 13 tháng Giêng, Đại sứ Việt Nam tại Brussels – ông Vũ Anh Quang – lại có thư gửi ông Bernd Lange, tiếp tục khẳng định về chính sách “bảo vệ và cổ xúy cho tất cả các quyền tự do căn bản và nhân quyền” tại Việt Nam.
Cùng thời điểm, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng có chuyến đến Âu châu từ ngày 13-16 tháng Giêng để gặp những nhân vật quan trọng của EP, Chủ tịch Bernd Lange của INTA, hai phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu Heidi Hautala và Dimitrious Papadimoulis và 12 nghị sĩ thuộc các đảng chính trị chủ chốt trong EP.
Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh đến “ý nghĩa và tầm quan trọng của hai Hiệp định EVFTA-EVIPA trong thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế – thương mại giữa Việt Nam – EU” và đề nghị INTA và các nghị sĩ Nghị viện Châu Âu tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hiệp định. Ngoài ra phía Việt Nam cũng hứa sẽ “thực thi đầy đủ” các cam kết của các hiệp định, theo tường thuật của VTV.
Phiên họp tại INTA
Ngày 21.01.2020 sắp tới, ủy ban đàm phán EP vừa có cuộc họp cuối cùng về EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa châu Âu và Việt Nam). Mục tiêu của cuộc họp là để thảo luận những lá thư trao đổi giữa Ủy ban của EP với giới hữu trách Việt Nam vừa qua.
Theo lịch trình, phiên họp tại INTA để bỏ phiếu cho các khuyến nghị về EVFTA sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng 21 tháng Giêng. Sau đó, nếu các khuyến nghị này tiếp tục được thông qua trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tháng Hai, thì EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực một tháng sau đó. Trong trường hợp khuyến nghị bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, Nghị viện Châu Âu sẽ không thể bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA tại phiên họp toàn thể.
Hiện trên mạng xã hội đã có các tổ chức, hội đoàn người Việt hải ngoại như Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Chính Trị tại Âu châu, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Vương Quốc Bỉ kêu gọi biểu tình trước Nghị viện châu Âu tại Bỉ vào ngày 21 tháng Giêng, đúng lúc diễn ra phiên họp mang tính chất quyết định tại INTA, để chống lại việc thông qua hiệp định này.
Được biết, EVFTA là hiệp định mang tầm quan trọng nhất giữa châu Âu và Việt Nam. Nếu các thủ tục hoàn tất và chính thức có hiệu lực, hiệp định ước tính sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Trong khi đó, GDP của EU sẽ hưởng lợi thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Saskia Bricmont,thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA).
“Làm sao vào tháng Hai tới, Nghị viện châu Âu có thể phê chuẩn một thỏa thuận thương mại tự do với một quốc gia khủng bố và đàn áp người dân kiểu như vậy,” nữ nghị sĩ Saskia Bricmont viết trên twitter hôm 18/1/2020.
Trên tweet, bà Saskia Bricmont cũng dẫn đường link một bài báo viết bằng tiếng Anh đăng trên trang web thevietnamese.org, trong đó có tường thuật về vụ đụng độ tại Đồng Tâm.
Hồi tháng 11/2019, nghị sĩ Saskia Bricmont cũng từng có thư gửi Nghị viện Châu Âu, chủ tịch các ủy ban của Nghị viện này và các nghị sĩ EU, kêu gọi EU tạo áp lực lên Chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập), cũng như tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện.
Trước đó, bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ đối ngoại và Chính sách an ninh, có cho biết là ngày 9/1, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Hà Nội, Việt Nam, “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh”.
Bà Battu-Henriksson cũng viết rằng, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã “đề nghị” có “cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an”; đồng thời sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến tại Đồng Tâm”.
(20.01.2020)