CIVICUS yêu cầu Việt Nam thả tù chính trị để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh

Liên minh toàn cầu các tổ chức xã hội dân sự (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi gồm 9.000 thành viên trên toàn thế giới đã ra tuyên bố yêu cầu Việt Nam, Ai Cập, Cameroon và một số quốc gia khác phải đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện đang lây lan toàn cầu.

VNTB – CIVICUS yêu cầu Việt Nam thả tù chính trị để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh

CIVICUS yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ trong các trại giam. Theo CIVICUS điều kiện trong các trại giam: phòng giam chật, kín, điều kiện vệ sinh không đảm bảo cộng với đông người sẽ là môi trường lây lan dịch bệnh nhanh chóng. Vì vậy Việt Nam, Ai Cập và Cameroon nên làm theo Iran khi quốc gia này đã thả ra 85.000 tù nhân kể cả tù chính trị để hạn chế lây lan dịch bệnh trong các trại giam.

CIVICUS nhận thấy nhiều quốc gia nhân danh phòng chống dịch bệnh đã cho hạn chế thông tin và tự do internet khi cho xử lý hình sự những người đưa thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó một số các quốc gia như Myamar, Ethophia, Ấn Độ đã cho chận internet khiến cho dân chúng thiếu thông tin về dịch bệnh và do đó có nguy cơ lây nhiễm cao. Thay vào đó nên minh bạch thông tin mà không kiểm duyệt để đảm bảo hạn chế lây lan dịch bệnh.

Cùng với các quy định phòng chống dịch bệnh được ban bố, nhiều quốc gia đã hạn chế các quyền dân sự của người dân như quấy rối, đe doạ thậm chí bắt bớ những người đưa tin về dịch bệnh ở Trung cộng.

CIVICUS yêu cầu chính phủ:

– Không viện cớ chống dịch để ban hành các biện pháp khẩn cấp để xiết chặt dân quyền

– Trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền và tù nhân lương tâm để tránh lây nhiễm

– Công khai và minh bạch các biện pháp chống dịch

– Không ngăn chận truy cập internet

– Chấm dứt các biện pháp khẩn cấp ngày sau khi đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh

_________________________

Bản tuyên bố tiếng Việt

TUYÊN BỐ

*** Trả tự do ngay lập tức ***

CIVICUS: Các chính phủ nên đặt nhân quyền làm trung tâm phòng chống dịch bệnh COVID-19

Trong đại dịch COVID-19 toàn cầu, các chính phủ không nên coi các biện pháp khẩn cấp là cái cớ để hạn chế quyền công dân

Những người bảo vệ nhân quyền và tù nhân chính trị nên được trả tự do để hạn chế lây nhiễm

Các chính phủ nên minh bạch trong việc đối phó với các mối đe dọa do COVID-19 gây ra

CIVICUS kêu gọi các nước dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp ngay khi mối đe dọa của virus giảm đi

Khi cộng đồng toàn cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và cuối cùng là loại bỏ nó, các chính phủ cần đảm bảo rằng bảo vệ nhân quyền điều tiên quyết.

Vào tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch virus COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Đến lượt WHO yêu cầu tất cả các chính phủ phải có hành động cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.

Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp khác, một số chính phủ đã sử dụng dịch bệnh để hạn chế các quyền tự do dân sự và duy trì các hạn chế – thậm chí là việc biện minh cho các hành động của các chính phủ. Việc phòng chống dịch bệnh của các chính phủ phải đảm bảo rằng các luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế là trọng tâm trong trong chương trình phòng dịch.

Trong khi cộng đồng toàn cầu trong những tháng tới sẽ tập trung vào dịch bệnh, các chính phủ có thể gia tăng tấn công vào xã hội dân sự và áp đặt hạn chế. Các chính phủ nên có biện pháp chủ động để đảm bảo rằng các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm dễ bị tổn thương được bảo vệ đầy đủ. Tại Trung cộng, các nhà hoạt động đã bị quấy rối và đe dọa vì chia sẻ thông tin về dịch bệnh trong khi báo chí lại bị kiểm duyệt. Ở quốc gia châu Á khác, luật pháp đàn áp đang được triển khai để bắt giữ những người được cho là tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh.

Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tăng cao trong những không gian kín như nhà tù, phòng giam của cảnh sát và trung tâm giam giữ. Quá đông người, dinh dưỡng kém và không được giữ vệ sinh đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho tù nhân. Các nước hiện có nghĩa vụ phóng thích những người bảo vệ nhân quyền và tù nhân chính trị để tránh lây lan.

Một số tù nhân trong nhà tù Iran đã nhiễm virus. Trong khi chúng tôi khen ngợi chính quyền Iran đã tạm thời thả 85.000 tù nhân, những người bảo vệ nhân quyền – bảo vệ nữ quyền và quyền trẻ vị thành niên – cũng nên được thả ra. Các quốc gia khác đã và đang giam giữ những người bảo vệ nhân quyền và đối lập chính trị, như Ai Cập, Việt Nam và Cameroon, cũng nên làm theo.

Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp vì lý do sức khỏe và an ninh phải được thực hiện phù hợp với luật pháp: các nước không nên sử dụng biện pháp khẩn cấp để để hạn chế quyền công dân và nhắm vào các nhóm đặc biệt, dân tộc thiểu số và cá nhân cụ thể. Không nên áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và những luật này phải được bãi bỏ ngay lập tức khi dịch bệnh không còn. Hơn nữa, nên tư vấn với các nhóm xã hội dân sự nếu có thể.

Tất cả những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nhóm bị thiệt thòi và các nhóm xã hội dân sự làm việc với họ, đều có quyền truy cập vào thông tin liên quan đến bản chất và mức độ đe doạ do virus gây ra. Họ cũng nên được báo phương thức hạn chế rủi ro kịp thời. Việc giới hạn và cắt Internet ở các quốc gia như Myanmar, Ấn Độ và Ethiopia đang khiến hàng ngàn người gặp rủi ro lây nhiễm.

Vì vậy chúng tôi kêu goi các nước cần phải:

– Phối hợp với truyền thông và xã hội dân sự để minh bạch trong việc đối phó với dịch bệnh do COVID-19 gây ra. Không dùng kiểm duyệt và xử phạt hình sự để xử lý thông tin sai lệch.

– Không viện cớ phòng chống dịch bệnh COVID-19 để hạn chế xã hội dân sự, nhắm vào người bảo vệ nhân quyền và hạn chế quyền tự do internet.

– Trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền và các tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ vì các hoạt động nhân quyền, hoặc bày tỏ quan điểm trái với quan điểm của nhà nước

– Dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp và nới lỏng các biện pháp phòng dịch bệnh ngay khi dịch bệnh giảm bớt.

– Duy trì việc truy cập internet đồng thời chấm dứt mọi can thiệp có chủ ý vào quyền truy cập và chia sẻ thông tin

CIVICUS là một liên minh toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự bao gồm 9000 thành viên trên toàn thế giới. Chúng tôi hoạt động nhằm củng cố xã hội dân sự cho một thế giới công bằng, toàn diện và bền vững hơn. Liên minh CIVICUS đấu tranh vì các quyền tự do công dân cơ bản cho phép chúng ta lên tiếng, tổ chức và hành động.

Liên hệ:

Nina Teggarty, CIVICUS Communications Officer, Campaigns & Advocacy

Email: nina.teggarty@civicus.orgPhone: +27 (0)785013500

CIVICUS media team: media@civicus.org

VNTB (26.03.2020)

LHQ chất vấn chính phủ Việt Nam: “Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA”

Hình minh hoạ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Hình minh hoạ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.  Courtesy of FB Phạm Chí Dũng

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, theo trang web lưu trữ Báo cáo truyền thông của Hội đồng Nhân quyền LHQ cập nhật vào hôm 22/3.

Kháng thư đề ngày 22/1/2020, được đăng tải công khai trên web của cơ quan này sau 60 ngày theo quy định, mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.

Nội dung kháng thư cho biết, từ năm 2014, ông Phạm Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã xuất bản nhiều bài báo nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.

Đáng lưu ý, kháng thư dẫn lại nguồn tin cáo buộc nói rằng, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì đã gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA).

Vào ngày 10/11/2019, hai tuần sau khi Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể. Tuần sau, ông Phạm Chí Dũng đã cho các đồng nghiệp biết, ông đã nghe thông tin từ những người trong Bộ Công an nói rằng ông ấy có nguy cơ bị bắt vì đơn kiến nghị”, kháng thư viết.

Đến ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và bị khởi tố về tội “làmtàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Một bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an khi đó nói rằng “Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự”.

Vụ việc gây quan ngại cho chuyên gia

Qua kháng thư, các chuyên gia nhân quyền LHQ bày tỏ sự quan tâm về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng vì mối liên hệ trực tiếp đến các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của ông, và khi bị giam giữ các quyền của ông đã không được đảm bảo.

Thực tế là ông Dũng bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình. Chúng tôi quan ngại rằng trong khoảng thời gian dài trước khi được phép liên lạc ra bên ngoài khiến ông ta có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo”, các chuyên gia nhân quyền LHQ bày tỏ.

Để làm rõ hơn về mối quan tâm này, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Kháng thư cũng nhắc lại tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam, một số quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước, và làm cho nó phù hợp hơn với luật nhân quyền quốc tế.

Trong khi chờ trả lời, các chuyên gia yêu cầu chính phủ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tạm thời cần thiết để tạm dừng các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn sự tái diễn.

Kháng thư được đệ trình bởi 4 vị chuyên gia nhân quyền của LHQ là David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt; Leigh Toomey, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện; Clement Nyaletsossi Voule, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền.

Kháng thư là một hình thức giải quyết khiếu nại vi phạm nhân quyền thuộc Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Các cá nhân hay bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào khi có được thông tin cậy về các hành vi vi phạm nhân quyền của quốc gia có thể gửi đơn khiếu nại đến các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Từ thông tin khiếu nại này, các chuyên gia LHQ có thể can thiệp trực tiếp với chính phủ của quốc gia thông qua kháng thư chất vấn, làm rõ các cáo buộc vi phạm nhằm bảo vệ cho các nạn nhân.

RFA (25.03.2020)

Vụ Phạm Chí Dũng: LHQ chất vấn Việt Nam; Nguyễn Tường Thụy bị triệu tập

Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)

Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền LHQ vào đầu năm nay đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, yêu cầu phản hồi trong 60 ngày. Cũng liên quan đến vụ án này, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội, cho VOA biết ông bị công an triệu tập.

Kháng thư chất vấn của chuyên gia LHQ gửi chính phủ Việt Nam hôm 22/01/2020. Photo spcommreports.ohchr.org

Kháng thư chất vấn của chuyên gia LHQ gửi chính phủ Việt Nam hôm 22/01/2020. Photo spcommreports.ohchr.org


Theo trang lưu trữ Báo cáo truyền thông của Cao ủy Nhân quyền quyền LHQ (OHCHR), cập nhật vào hôm 22/3, bức thư của nhóm các chuyên gia LHQ viết: “Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại của chúng tôi về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Phạm Chí Dũng và thực tế là ông có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình.”

Bốn chuyên gia nhân quyền LHQ – bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền – mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng “như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.”

“Chúng tôi lo ngại rằng việc giam giữ lâu dài nhưng không được tiếp xúc với bên ngoài khiến ông ấy có nhiều nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo,” bức thư viết tiếp.

“Anh chưa được gặp luật sư,” bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, cho VOA biết trong một tin nhắn gần đây.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cộng tác viên của VOA, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, bị bắt vào tháng 11/2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, hôm 25/03 nêu nhận định với VOA rằng sự quan tâm của LHQ đến những người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam là “một điều quý giá.” Ông nói thêm:

“Tôi mong rằng LHQ và các tổ chức quốc tế khác nên làm cho rành rẽ vấn đề này, đặc biệt là đối với các nhà báo tự do… tiếp tục ủng hộ, bênh vực cho những người bị đàn áp ở Việt Nam.”

Cũng liên quán đến vụ án Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thụy hôm 25/03 cho VOA biết ông cũng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập nhưng ông đã từ chối vì lý do sức khỏe và lo ngại dịch bệnh Covid-19.

“Vừa rồi họ có đưa giấy mời cho tôi và tôi trả lời là “không đi.” Hai hôm sau đó, có một đoàn gồm 6 người trong đó có an ninh thành phố, công an quận Thanh Xuân …đến nhà tôi hỏi lý do tôi không đi.

“Tôi nói là hiện đang mùa dịch [Covid-19] và sức khỏe tôi yếu, và tôi nói rằng tôi cũng không cung cấp được gì về trường hợp Phạm Chí Dũng, cũng như không có lời khai nào về Phạm Chí Dũng cả.

“Họ nói rằng sẽ tiếp tục triệu tập và ngỏ ý rằng nếu tôi không đến sẽ dẫn giải.”

Ông Thụy cho biết thêm rằng trong tuần qua chưa thấy chính quyền có động thái nào khác ngoài việc cử an ninh thường xuyên canh gác nhà ông.

Gịấy triệu tập của công an gửi đến ông Nguyễn Tường Thụy. Facebook Nguyễn Tường Thụy.

Trong kháng thư của LHQ, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi trong vòng 60 ngày về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài trường hợp Phạm Chí Dũng, các chuyên gia LHQ cũng chất vấn Chính phủ Việt Nam về vụ nhà hoạt động Đinh Thi Phương Thảo, một cựu cộng tác viên của tổ chức nhân quyền VOICE, bị nhà chức trách Việt Nam câu lưu trong 8 giờ và tịch thu hộ chiếu sau khi bay từ Bangkok về Hà Nội vào tháng 11/2019.

Kháng thư viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại rằng những hành vi [của Việt Nam] dường như có mối quan hệ chặt chẽ với quyền tự do ngôn luận và các hoạt động bảo vệ nhân quyền của bà Thảo, ông Dũng.”

VOA (25.03.2020)

Facebook có còn là chính mình?

LS Ngô Anh Tuấn

Tương tự, từ mấy tuần nay Facebook ngăn chặn trang Bauxite Việt Nam theo cách không cho hiện các bài đăng của Bauxite Việt Nam trên News Feed của người theo dõi. Đợt đầu, sự ngăn chặn này được thông báo là sẽ chấm dứt vào ngày 17/3 (Hình 1). Nhưng đến ngày 17/3 thì lại thông báo “gia hạn” tiếp đến ngày 24/3 (Hình 2).

Lý do được đưa ra là “hoạt động của trang không phù hợp với chính sách của Facebook”.

Chính sách của Facebook hay chính sách của đảng cộng sản VN?

https://lh4.googleusercontent.com/WHs0UeFr294A5CZpjNHBDrWZVBwaCziZxEkYdhfLY0E0wYiawvdOCMr5jeuZ26wXrzxfGVm97cH24cr8QS_dPH5T8ELJ_2SLMKwvkW6cEj_uQIGF8i8DOeEWXM3HjxNJB6BUFDvA6rp8fqH1gQ

Thông báo ngăn chặn đến ngày 17/3/2020.

https://lh4.googleusercontent.com/Uk1b9_VMJCC0FVTgoKcXY3Za68N_vXACzoSDhyRc6B_v48UMulGfEZZrCHdEia-YqKCow6SV8H-0sszLYCpnTeqC6mgfq2ydrHiUM2BG-CK1_iji9stk9D0JEasa0y7sdum_MB3H5VFkDwzLQw

Vào ngày 17/3/2020, lại có thông báo gia hạn sự ngăn chặn đến ngày 23/3/2020.

Bauxite Việt Nam

Tôi lập tài khoản Facebook tới nay chắc cả chục năm nay, tôi phản biện khá nhiều vấn đề trên quan điểm khá trung dung, có nghiêng về phía số đông dân chúng nhưng không bao giờ cực đoan. Cũng trong khoảng 10 năm đó, chưa bao giờ tài khoản tôi bị khoá hay bị nhắc nhở vì vi phạm bất kỳ quy định nào mà Facebook đặt ra.

Tuy nhiên, hôm qua, khi tôi chia sẻ một bài viết nêu quan điểm, dẫn lời của chính phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về một người bị xử lý trách nhiệm hình sự về một tội danh mơ hồ và người đó lại chính là thân chủ của tôi (ông Trương Duy Nhất) thì Facebook lại gỡ bài viết này vì “Bài viết này vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi về spam”.

https://lh6.googleusercontent.com/lCWRBxlrFke2LL147MiRwEBEpu0er9D-l0pS9znnUbh32hf1p56k-1cIg8lU0wQ7wY4RU0WFPK0MKRlGbUIjkicJdFZbUvBoSxUijwDFRvbwIl4hk08z3TpATBEzJipw1-4Kua7gnPQ91S8JWQ

Tôi thực sự không hiểu tiêu chuẩn đó là tiêu chuẩn gì và tôi đã vi phạm điều gì?

Tôi hoàn toàn không thêm bớt từ nào, mà dẫn nguyên văn bài báo bằng đường link hẳn hoi chứ đâu phải tự tôi “khịa” ra? Hay tồn tại lâu trên đất nước [VN] này nên Facebook cũng xem Bộ Ngoại giao nước mình [Hoa Kỳ] là “thế lực thù địch” và những quan điểm không thuận tai với tuyên giáo cũng là những quan điểm thù địch luôn?

Mang tiếng là doanh nhân của một quốc gia tự do nhưng giới chủ của Facebook giờ hèn mọn lắm rồi. Họ sẵn sàng quỳ gối và đánh đổi phẩm giá của quốc gia để được sống yên thân và đánh đổi mọi thứ miễn sao đạt được mục đích kinh doanh của mình. Facebook hoàn toàn hiểu được rằng, những người dùng Việt Nam đã nuôi dưỡng, vỗ béo cho họ (dù họ trực tiếp trả tiền vào tài khoản của họ hay chỉ cập nhật thông tin) nhưng họ đã đối xử với những người dùng đó ra sao? Họ quay lại dẫm đạp lên quyền lợi về mặt tinh thần của người đã góp phần nuôi sống mình và thậm chí họ dẫm đạp lên cả những giá trị về tự do, dân chủ của chính quốc gia mà mình sống, hoạt động, kinh doanh. Vì lợi ích kinh doanh mà họ đã từ bỏ phẩm giá quốc gia, đó là sự hèn hạ và là điều không thể chấp nhận được!

Tôi sẽ trực tiếp gửi thông điệp thể hiện sự phản đối này tới tận tay tuỳ viên chính trị và ông Đại sứ Daniel J. Kritenbrink của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để họ có ý kiến về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp Hoa Kỳ ở ngoài lãnh thổ quốc gia. Tôi tin ông đại sứ sẽ trả lời tôi về việc này.

Nếu vì bài viết và phản ánh này, lần đầu tiên tôi bị khoá tài khoản thì tôi cũng cân nhắc nghiêm túc về việc sẽ xoá bỏ luôn tài khoản, không dùng Facebook nữa mà chuyển sang một mạng xã hội khác (có thể là Twitter) dù tôi không phủ nhận rằng nó đã và đang mang lại nhiều thứ có ích cho tôi.

P/s: Các bạn chia sẻ hoặc copy đăng lại phòng khi FB tiếp tục xoá bài, thậm chí là khoá tài khoản của tôi nhé!

T.N.

Nguồn: FB Tuan Ngo

Theo Boxitvn (25.03.2020)

Làm thế nào để người hoạt động đối phó với sự ép buộc phải thú tội trên truyền hình

Vũ Quốc Ngữ

VNTB – Làm thế nào để người hoạt động đối phó với sự ép buộc phải thú tội trên truyền hình

Để bảo vệ sự cai trị chuyên chế của chế độ độc tài, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách tiêu diệt các đảng phái và trấn áp giới bất đồng chính kiến kể từ năm cướp được chính quyền bằng việc tạo ra những vụ án hoặc cáo buộc nguỵ tạo, điển hình là vụ án phố Ôn Như Hầu (tháng 7 năm 1946 nhằm có cớ đàn áp Việt Nam Quốc dân Đảng).

Để trấn áp giới bất đồng chính kiến, lực lượng an ninh cộng sản sử dụng rất nhiều biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp nhằm đẩy người bất đồng chính kiến vào tù hoặc vô hiệu hoá họ. Trong vài thập kỷ gần đây, chúng sử dụng biện pháp cưỡng ép thú tội đối với người bị bắt, quay phim rồi đưa lên truyền hình với mục tiêu chính là tạo dư luận xã hội, phục vụ mục đích tuyên truyền, phản bác chỉ trích vi phạm nhân quyền từ cộng đồng quốc tế, và bôi nhọ người hoạt động.

Theo phúc trình của tổ chức Safeguard Defenders công bố ngày 11/3/2020 mang tựa đề “Cưỡng bức trước camera: Thú tội trên truyền hình ở Việt Nam,” thì lực lượng an ninh Việt Nam sử dụng chiêu trò này ít nhất từ năm 2007 với trường hợp của hai luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cho dù chúng không thu được kết quả như dự tính khi hai nhà hoạt động này không chịu “nhận tội” mà thay vào đó lại kể những hoạt động nhân quyền của mình, căn cứ vào những video clip được phát tán trên truyền hình và Internet.

Phúc trình của Safeguard Defenders có nêu 16 trường hợp bị ép buộc thú tội trên truyền hình từ năm 2007 tới nay và nạn nhân bao gồm hai trường hợp kể trên, luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), nhà báo tự do Nguyễn Văn Hoá, công dân Hoa Kỳ William Nguyễn… và bốn nạn nhân mới nhất là 4 công dân ở xã Đồng Tâm trong số 22 người bị bắt vào sáng sớm ngày 09/1/2020 và bị cáo buộc giết người trong vụ công an Việt Nam tấn công vào làng Hoành và gây ra cái chết của cụ Lê Đình Kình và 3 sỹ quan công an (theo Bộ Công an cho dù thông tin về cái chết của 3 sỹ quan công an này không được minh bạch).

Việc công an ép buộc người bị bắt phải nhận tội là chuyện phổ biến ở Việt Nam cho dù nạn nhân không phạm tội vì công an Việt Nam sử dụng nhiều chiêu trò bất hợp pháp, trong đó có tra tấn dã man, và nạn nhân phải chọn giải pháp “nhận tội” để có cơ hội sống sót để ra toà và có cơ hội phản cung. Chính vì các “biện pháp nghiệp vụ” của công an mà tỷ lệ án oan cao ở Việt Nam, điển hình là các trường hợp của các ông Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) hay Nguyễn Văn Dũng (Tây Ninh)…

Ép người bị bắt nhận tội, quay video rồi đưa lên truyền hình là vi phạm luật pháp của Việt Nam và vi phạm nhiều công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết. Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự đều coi việc phát sóng lời khai cưỡng bức của người bị giam là tội hình sự. 

Ví dụ Điều 10 của Bộ luật Tố tụng Hình sự viết “Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 6 tháng cho đến 36 tháng.” Án phạt có thể lên tới 7 năm trong một số trường hợp bao gồm phạm tội hai lần trở lên, sử dụng tra tấn, nhục hình, hoặc sử dụng “thủ đoạn tinh vi xảo quyệt” để lấy lời khai; và phạt tù trên 20 năm nếu dẫn tới “làm oan người vô tội.”

Thú tội trên truyền hình vi phạm những điều khoản bảo vệ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, cụ thể là vi phạm vào Điều 13 liên quan tới nguyên tắc suy đoán vô tội.

Hành động phát sóng lời khai trước khi người bị cáo buộc hình sự được đưa ra tòa xét xử là việc làm vi phạm quyền được xét xử công bằng  được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát mà Điều 11 nêu rõ rằng “mọi người, nếu bị cáo buộc hình sự đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi mà người đó được đảm bảo những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình.” Quyền được xét xử công bằng là một phần của luật tập quán quốc tế và có tính ràng buộc pháp lý đối với Việt Nam.

Tôi không muốn đi sâu vào việc phân tích sự vi phạm luật pháp Việt Nam và luật quốc tế của lực lượng công an Việt Nam trong vấn đề cưỡng ép người hoạt động phải nhận tội rồi đưa lên truyền hình vì quý vị có thể đọc chi tiết trong phúc trình của Safeguard Defenders. 

Điều tôi muốn chia sẻ với những “tù nhân dự khuyết”- những người hoạt động ở Việt Nam có nguy cơ bị bắt cao, là làm thế nào để đối phó với chiêu trò bẩn thỉu này của công an Việt Nam: Quý vị nên chuẩn bị trước cho việc mình có thể bị bắt, và có thể bị ép thú tội rồi đưa lên TV, vì một lý do gì đó, quý vị bị buộc phải làm điều đó.

Muốn vô hiệu hoá chiêu trò bẩn thỉu này của công an Việt Nam, quý vị nên làm một videoclip ngắn nói về thông tin các nhân và hoạt động nhân quyền và dân chủ của mình, trong đó khẳng định mình không vi phạm luật pháp, không lừa đảo tiền bạc, không thực hiện các hoạt động kinh tế bất hợp pháp… tuỳ vào trường hợp cụ thể của mình.

Quý vị có thể tự quay hoặc nhờ người khác quay video clip trong đó quý vị nói một cách rõ ràng những nội dung nêu trên, và khẳng định nếu sau này có videoclip nào đó nói quý vị vi phạm điều này điều nọ thì đó là sản phẩm nguỵ tạo được làm ra không phải từ ý chí hoặc tự nguyện của quý vị. Sau đó, quý vị đưa videoclip này cho một người tin tưởng lưu giữ.

Nếu sau này quý vị có bị bắt, rồi công an tung videoclip trong đó quý vị bị buộc phải nói theo những điều công an yêu cầu, thì người mà quý vị tin tưởng sẽ công bố video mà quý vị làm khi trước. Video này sẽ là bằng chứng cho người Việt Nam và thế giới thấy rằng quý vị đã bị công an Việt Nam buộc thú tội theo kịch bản của chúng.

Nếu quý vị chuẩn bị kỹ cho mình thì việc bắt giữ và chiêu trò bẩn thỉu của công an Việt Nam sẽ không còn tác dụng, và chúng sẽ cân nhắc liệu có thực hiện chiêu trò này nữa không.

Đây là một kinh nghiệm tôi được truyền lại từ nhà hoạt động Peter Dahlin, hiện là giám đốc của Safeguard Defenders. Năm 2017, khi tôi có nguy cơ bị bắt, anh đã hướng dẫn cho tôi làm video clip và chính anh là người lưu trữ tài liệu này của tôi. Thật may là tôi vẫn còn an toàn và chưa phải nhờ anh công bố video clip mà mình đã làm.

Peter Dahlin là một nhà hoạt động nhân quyền có kinh nghiệm sâu sắc ở Trung Cộng và Đông Nam Á. Năm 2016, khi đang là giám đốc tổ chức Chinese Urgent Action Working Group có trụ sở ở Bắc Kinh, Peter Dahlin đã bị an ninh Trung Cộng bắt với cáo buộc hoạt động gián điệp và từng bị ép buộc thú tội trên truyền hình CCTV trước khi được phóng thích. Sau khi được tự do, anh đã cùng nhóm của mình viết báo cáo về việc ép cung rồi quay video và phát lên truyền hình ở Trung Cộng (quý vị có thể đọc báo cáo này tại đây: https://safeguarddefenders.com/sites/default/files/wp-rsdl/uploads/2018/04/SCRIPTED-AND-STAGED-Behind-the-scenes-of-Chinas-forced-televised-confessions.pdf).

*Vũ Quốc Ngữ hiện là giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD). Ông cộng tác với Safeguard Defenders trong một số dự án, như dự án “Cưỡng bức trước camera: Thú tội trên truyền hình ở Việt Nam,” và dự án Cẩm nang bảo mật kỹ thuật số– cung cấp kỹ năng bảo mật trong liên lạc giữa các nhà hoạt động trong môi trường thù địch như ở Việt Nam và Trung Cộng.

Theo VNTB (25.03.2020)

Việt Nam bác bỏ chỉ trích của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền kém

Hình minh hoạ. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ở Hà Nội hôm 3/8/2017  AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại  giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 23 tháng 3 đã lặp lại quan điểm “Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Theo lời bà Hằng thì đây là chủ trương nhất quán của Hà Nội.

Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng được truyền thông trong nước dẫn lại  khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo nhân quyền thường niên năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Báo cáo được công bố hôm 11  tháng 3 vừa qua.

Nguyên văn lời bà Lê Thị Thu Hằng được mạng báo Thế Giới & Việt Nam dẫn lại như sau:

Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó Báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam…

Vào ngày 11/3 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2019. Trong phần Việt Nam, Washington chỉ trích thực trạng nhân quyền của Hà Nội  trong năm 2019 trên một loạt các lĩnh vực.

Báo cáo mới của Hoa Kỳ xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ.

RFA (24.03.2020)

Chính quyền giằng dai không để Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường bao quảng trường Thánh Tâm

Cả trăm công an vào hôm Chủ nhật 22/3 đến ngăn cản Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ.  Courtesy FB Nguyễn Thị Hương

Sáng Chúa Nhật ngày 22 tháng 3 năm 2020 Linh mục quản xứ và nhiều bà con giáo xứ Mỹ Lộc tiến hành đổ móng xây tường rào làm đẹp khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ. Lực lượng chức năng gồm nhiều công an và dân quân đến quấy phá hù dọa giáo dân và đòi mọi người phải ngưng thi công.

Trả lời RFA hôm 23/3, Bà Nguyễn Thị Long, một giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc có mặt tại hiện trường, nói:

“Hôm qua chúng tôi cử giáo dân nói chờ 9 năm rồi nên chúng tôi làm, giáo dân mỗi người mỗi viên đá, viên gạch, bao xi… điều động toàn bộ giáo dân ra xây, bỏ móng… thì nhà cầm quyền đưa công an, cơ động… rất là đông, không tưởng tượng được, rồi dùi cui điện, xiềng số 8… đầy đủ lắm, họ đưa loa đe dọa đàn áp chúng tôi toàn là phụ nữ, và tuổi trung niên, vì thanh niên đi làn cả… Chúng tôi nói chúng tôi không làm gì sai cả, nếu sai cứ bắt chúng tôi… Ở bên kia tượng Chúa Kito Vua là nhà hội quán, thì bọn tôi xây để ngăn chặn bên này họp hành, bên kia tượng Chúa Kito Vua thôi, cho cách biệt chứ không chúng tôi không muốn chung một khuôn viên, mà họ đem công an ngăn cản đông như bươm bướm.”

Bà Nguyễn Thị Long cho biết, đất xây tường rào sân bóng đá có tượng Chúa Kito Vua, đó là mảnh đất mười mấy hộ, dâng cúng cho giáo xứ làm sân bóng đá, vì ba vùng theo Công giáo ở khu vực đó không có sân bóng đá nào cả. Nếu muốn đá bóng, chỉ có thể đá trên một sân mini nhưng phải mất tiền. Vì vậy Giáo xứ làm sân bóng để cho con em giải trí, cho thanh niên cuối năm về chơi bóng thể thao. Phía chính quyền xã Bình Lộc nhiều năm nay không cho giáo xứ tiến hành; mặc dù triệu tập người dân lên làm việc nhiều lần để rồi hẹn mà không giải quyết.

Anh Tuấn, một giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc, khi trả lời RFA hôm 23/3, cho biết thêm:

“Đất lò than, là đất của một số giáo dân cúng cho xứ, nhưng bây giờ quy hoạch làm sân vui chơi cho thôn. Trước đây thì chính quyền với xứ thống nhất xây bờ bao hàng rào, nhưng có một hàng rào không được xây. Vì vậy xứ quyết định xây, nhưng chính quyền nói không được xây. Sau đó Cha với chính quyền đi đến thống nhất vào bàn bạc, lúc đó Cha mới cho giáo dân nghỉ, để lúc đó chính quyền trả lời, thì lúc đó tính sau, chứ hôm qua không xung đột gì cả.”

Giáo xứ Mỹ Lộc thuộc hạt Văn Hạnh, giáo phận Hà Tĩnh, trước đây là giáo phận Vinh. Giáo xứ gồm 2 giáo họ: giáo họ Mỹ Lộc thuộc xã Bình Lộc và giáo họ Đồng Kỳ thu gọn trong xóm 3 xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 3 năm 2020 đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với linh mục Phêrô Trần Phúc Chính quản xứ Mỹ Lộc, để tìm hiểu thêm về vụ việc, tuy nhiên Linh mục không nhấc máy.

Cả trăm công an vào hôm Chủ nhật 22/3 đến ngăn cản Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ.

Cả trăm công an vào hôm Chủ nhật 22/3 đến ngăn cản Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ. Courtesy FB Nguyễn Thị Hương

Giáo xứ Mỹ Lộc cũng chính là quê hương của Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, Quản xứ Thọ Vực, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Trả lời RFA hôm 23/3, Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, khu đất Quảng trường Thánh Tâm này nhà nước đã chia cho dân, trong đó có 16 hộ là giáo dân xứ Mỹ Lộc được sở hữu 3.309,5 m2. Số đất này sau đó được 16 hộ giáo dân đã dâng cúng cho nhà thờ năm 2011. Linh mục quản xứ hồi đó là Cha Giuse Nguyễn Văn Chính, khi đã nhận đầy đủ giấy tờ giáo dân dâng cúng, Ngài cùng với giáo dân giáo xứ dựng tượng đài Trái Tim Chúa Giêsu như chúng ta đang thấy ngày nay. Nhưng chính quyền các cấp đã cương quyết cưỡng chiếm đất đai của người dân.

Theo Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, sự kiện ngày 16/1/2011 không ai mà không nhớ, khi chính quyền xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà lợi dụng lúc Cha quản xứ đi vắng đã huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ 13 xã trong huyện đến xâm lấn đất giáo xứ, bao vây, đánh đập giáo dân nhằm đàn áp cũng như bách hại tôn giáo một cách trái pháp luật. Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, nói tiếp:

“Nó diễn ra từ năm 2011, đất sân bóng do 16 hộ giáo dân hiến cho giáo xứ, có giấy tờ chữ ký mỗi hộ.Cha giữ giấy tờ đó chứng minh là đất giáo xứ. Nhưng đất đai ở Việt Nam thì họ muốn cưỡng chiếm cách này hay cách khác. Họ đã từng xuống đánh đập giáo dân, có 7 người bị thương nặng. Trong một tháng sau đó, họ thuê người ném đá liên tục vào nhà công giáo. Sau một thời gian dài, Cha Chính già đang quản nhiệm ở đó, ngài có đối thoại, họ không lấy nhà thờ nữa mà cho đất sân bóng góp vô thôn, việc này để hai bên có lối thoát. Rồi các ông làm nhà văn hóa ở đó để cho người lương sau này có chỗ sinh hoạt, giáo dân cũng muốn có sân bóng.”

Bà Nguyễn Thị Long nhớ lại:

“Hồi năm 2011 họ có cho người vô phá nhà thờ chúng tôi, náo động, đập bọn tôi, nó vào nó cầm dây chuông nó đập tôi… nó vật lộn với tôi, mà nhờ ơn Chúa, khi đó tôi chỉ 37kg, nhỏ con chứ không to. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ người ta thấy chạy đến thì nó mới chạy ra ruộng. Sau bọn dân quân ập đến đánh tụi tui từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, tôi ngất thẳng cẳng không biết gì cả, kể cả chiến tranh lần chừ và mấy lần sau, họ cứ nhe vào tôi. Mà tôi nói thật, tôi chỉ là người công dân, một giáo dân, một người bảo vệ nhà chúa, nhưng tôi không sợ gì cả vì tôi không làm sai.”

RFA hôm 23/3 cũng đã nhiều lần liên lạc chính quyền xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà để tìm hiểu thêm, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.

Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, đúng ra sau vụ năm 2011 giấy tờ thỏa thuận với chính quyền đã được Cha Giuse Nguyễn Văn Chính làm xong, nhưng do nhân sự chính quyền Việt Nam hay thay đổi, người trước thế này, nhưng người sau lại thay đổi, họ không đồng bộ và rõ ràng. Ông giải thích thêm:

“Người dân làm sân bóng thì Cha đặt ra điều kiện phải có tường bao, để trâu bò không vô ăn cỏ làm xấu sân bóng, thứ hai là có tường bao là về vấn đề tôn giáo, tâm thức người công giáo không thể để Chúa chung với nhà văn hóa của xã được, sợ xúc phạm. Nhưng mục đích của họ muốn bao sân bóng và nhà văn hóa của xã luôn để sau này dễ lấy đất, với lý do là nơi văn hóa vui chơi.”

Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết giáo xứ đã nhiều lần gửi bản báo cáo lên tỉnh, bản kiến nghị lên huyện Lộc Hà và xã Bình Lộc. Tuy nhiên, huyện Lộc Hà trả lời không cụ thể, chung chung, có tính lập lờ. Giáo dân đã 5 lần đối thoại để làm rõ thì chính quyền chỉ trả lời bằng miệng.

Vì đối thoại với xã không có kết quả nên Giáo xứ Mỹ Lộc hôm 22/3/2020 đã đơn phương xây tường với kết cấu thông thoáng, ngăn cách khu vực quãng trường của tượng đài và hội quán thôn 6 để bảo vệ tính tôn nghiêm như mong muốn của giáo dân. Tuy nhiên chính quyền lại một lần nữa ngăn cản. Cha Hùng nói:

“Họ lấy lý do trong lúc đại dịch corana nên phải dừng công trình lại đã, họ hứa là ít ngày nữa họ đến làm việc rõ ràng. Trong video dân quay lại, ông đại diện tỉnh hứa là họ sẽ tự làm tường bao, không bắt giáo dân làm. Nhưng vậy cũng vui mừng, còn cái họ can thiệp giáo dân, người dân ở đó họ hợp tác mà. Nhưng họ muốn giữ cái uy của họ nên họ gay go từ tám chín năm nay, từ 2011 đến 2020.”

Ông cho biết, người dân rất phấn khởi vỗ tay mãn nguyện và kiên tâm chờ đợi chính quyền thực hiện như lời hứa. Nhưng nếu chính quyền tiếp tục thất hứa thì giáo dân lại phải xây tiếp.

RFA (23.03.2020)