Uỷ ban Bảo vệ Ký giả: phóng thích ký giả hiện đang bị giam giữ trên toàn cầu
CPJ ra mắt chiến dịch #FreeThePress
New York: Ngày 30/3/2020, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (The Committee to Protect Journalists- CPJ) đã phát động chiến dịch #FreeThePress ( Tự Do Báo Chí) để kêu gọi phóng thích vô điều kiện tất cả các nhà báo bị bỏ tù để đảm bảo an toàn cho họ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu.
Trong bốn năm qua, cuộc khảo sát hàng năm của CPJ đã cho thấy số lượng nhà báo bị giam giữ cao kỷ lục vì công việc của họ – ít nhất 250 nhà báo trên thế giới đang bị cầm tù. Nhiều người trong số này đang đối mặt với án tử hình. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết các tù nhân đặc biệt dễ bị nhiễm virut, vì không thể tự cách ly, và tù nhân thường xuyên bị từ chối điều trị y tế.
“Từ lâu, CPJ đã giữ quan điểm rằng việc bỏ tù các nhà báo chỉ vì những bài báo của họ là vi phạm luật pháp quốc tế,”theo ông Joel Simon, giám đốc điều hành CPJ. “Tuy nhiên, lời kêu gọi này của chúng tôi có tính chất nhân đạo. COVID-19 đang lan rộng nhanh chóng trong tù. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hành động nhanh chóng và quyết đoán để trả tự do cho tất cả các nhà báo đang bị giam giữ vì đây là vấn đề sống còn.”
CPJ cũng đã công bố một bản kiến nghị và một thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo thế giới yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo đang bị cầm tù. Chiến dịch sẽ có các thông điệp video từ các nhà báo từng bị cầm tù trước đây. Chiến dịch sẽ lên đến đỉnh điểm vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3/5/2020.
Trang phản ứng virus corona của CPJ kèm theo tin tức về các nhà báo bị bắt, bị tấn công hoặc bị kiểm duyệt vì các bài báo về virus, cũng như các cuộc phỏng vấn Hỏi & Trả lời với các phóng viên ở tuyến đầu. Chương trình Khẩn cấp của CPJ thường xuyên cập nhật khuyến cáo về an toàn thể chất, kỹ thuật số và tâm lý xã hội, bằng hơn 15 ngôn ngữ, và các nhà báo và hãng tin tức có thể gửi câu hỏi cho các chuyên gia an toàn của CPJ.
CPJ gợi ý hashtag #FreeThePress trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ
Vũ Quốc Ngữ dịch (01.04.2020)
Nguồn: https://cpj.org/2020/03/all-journalists-jailed-globally-must-be-freed-amid.php
Chính phủ Việt Nam trả lời chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng
Ngày 20/3/2020, chính phủ Việt Nam đã trả lời kháng thư chất vấn về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập của nhóm các chuyên gia nhân quyền LHQ ngày 22/1/2020.
Chính phủ Việt Nam cho biết các quyền tự do báo chí tự do biểu đạt cũng như nhân quyền không bị giới hạn tại Việt Nam.
“Người Việt Nam có thể truy cập các kênh truyền hình nổi tiếng như CNN, BBC, NHK, Mạng EU … Tất cả các hãng thông tấn và báo chí quốc tế lớn như Reuters, AP, AFP, Kyodo … đều có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Nhiều tạp chí và báo nước ngoài được phân phối rộng rãi trong nước và người dân có thể tự do truy cập các tạp chí này trên internet.
Báo chí đã trở thành diễn đàn cho các tổ chức xã hội và nhân dân và là một lộ trình quan trọng để bảo vệ lợi ích hợp pháp và các quyền tự do cơ bản. Báo chí cũng đóng một vai trò tích cực trong việc kiểm tra và giám sát việc thực thi các chính sách và pháp luật của Chính phủ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhân quyền. Nhiều cơ quan báo chí và truyền thông chủ động vạch trần tham nhũng, vi phạm nhân quyền hoặc dân quyền, và hành vi trái pháp luật. Thông qua các phương tiện truyền thông, mọi người có thể kiến nghị, bày tỏ quan điểm chính trị và đóng góp vào diễn ngôn công khai về tất cả các vấn đề văn hóa, kinh tế xã hội và chính trị.“
Chính phủ khẳng định việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng không phải là lạm quyền hay bắt giam vô cớ mà đó là dưa vào kết quả điều tra ban đầu vào tháng 8 năm 2019 của công an. Theo đó phía an ninh cho rằng ông Phạm Chí Dũng đã “đăng 63 bài báo xuyên tạc sự thật, kích động các cá nhân trỗi dậy và lật đổ chính quyền nhân dân, kích động hận thù và cực đoan, đánh lừa mọi người về tình hình kinh tế xã hội nhằm mục đích gây lo lắng công cộng và bất ổn xã hội.”
Tuy nhiên nếu theo dõi những bài viết của ông Dũng sẽ nhận thấy đó là những bài phản biện ôn hoà về các vấn đề chính trị, xã hội và không kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong thư cũng nêu rõ các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã thi hành các lệnh khám xét và bắt giữ ông Phạm Chí Dũng vào ngày 20 tháng 11 năm 2019 sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn lệnh khám xét và bắt giữ.
Bức thư khẳng định “việc bắt giữ và giam giữ và khám xét nhà của riêng ông Phạm Chi Dũng theo dõi quá trình tố tụng hình sự được quy định trong luật pháp của Việt Nam; biên bản tố tụng được tất cả các bên liên quan như cảnh sát, nhân chứng và chính ông Phạm Chí Dũng ký.”
Tuy vậy theo các biên bản khám xét và giao nhận được lập vào ngày 21/11/2019 mà chúng tôi được biết, ông Phạm Chí Dũng không ký vào văn bản nào theo như cáo buộc của chính phủ Việt Nam.
Bản phúc đáp cho biết lý do luật sư không được tiếp cận ông Dũng là “để đảm bảo tính bảo mật cần thiết cho việc điều tra một vụ án đang diễn ra.”
Bên cạnh đó còn có thông tin chỉ được phía chính quyền đưa ra mà không có sự xác nhận của ông Dũng về việc “ ông Phạm Chí Dũng bày tỏ nguyện vọng tự bào chữa mà không cần luật sư.”
Thư phúc đáp xác nhận việc không Dũng không được phép gặp mặt gia đình “vì vụ án đang trong giai đoạn điều, luật chỉ cho phép gia đình gửi đồ tiếp tế và quà tặng cho bị cáo; yêu cầu gặp mặt gia đình trong giai đoạn này không thể được đáp ứng để đảm bảo tính bảo mật của các cuộc điều tra đang diễn ra.”
Chính phủ Việt Nam xác nhận rằng ông Phạm Chí Dũng không bị giam giữ tùy tiện, tra tấn, đánh đập hay đối xử tàn bạo vì vì” việc thẩm vấn tại các cơ sở giam giữ hoặc các cơ quan điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình.”
Thư cho biết tình trạng sức khoẻ ông Phạm Chí Dũng hiện trong tình trạng bình thường mà không đề cập đến việc ông bị mất ngủ và phải yêu cầu gia đình gởi thuốc an thần vào theo toa bác sỹ trại giam.
Trong khi đó các tổ chức nhân quyền thế giới liên tục lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam xoá bỏ các điều 117 Bộ Luật Hình sự, Chính phủ Việt Nam khẳng định điều 117 Bộ Luật hình sự tương thích với tương thích với Điều 19 của ICCPR trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận.
Vào ngày 18 tháng 11 năm 2019, cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố hình sự, ban hành lệnh tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Phạm Chí Dũng về việc tạo, lưu trữ, phân phối hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu và tài liệu chống lại Nhà nước Việt. Nam theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Một nhóm các chuyên gia nhân quyền LHQ ngày 22 tháng 1 năm 2020 đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập.
Các chuyên gia nhân quyền của LHQ bày tỏ sự quan ngại về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Phạm Chí Dũng và thực tế là ông có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư.
Bốn chuyên gia nhân quyền LHQ cáo buộc việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng “ là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.”
Các luật sư bày tỏ sự lo ngại rằng việc giam giữ lâu dài nhưng không được tiếp xúc với bên ngoài khiến ông Phạm Chí Dũng có nhiều nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo.”
Các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi trong vòng 60 ngày về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Chính phủ Việt nam cũng được yêu cầu phải cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.
Kháng thư viết rằng các chuyên viên nhân quyền quan ngại rằng những hành vi của chính phủ Việt Nam dường như có mối quan hệ chặt chẽ với quyền tự do ngôn luận và các hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông Dũng.
VNTB (01.04.2020)
____________
Tham Khảo:
(1)Thư phúc đáp: https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadFile?gId=35202
(2) Kháng thư: https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=24990
CPJ kêu gọi phóng thích các tù nhân, nhà báo trong đại dịch COVID-19
Hình minh họa. Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 9/3/2020 AFP
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 30/3 đã phát động chiến dịch #FreeThePress để kêu gọi phóng thích vô điều kiện tất cả các nhà báo bị bỏ tù để đảm bảo an toàn cho họ trong đại dịch COVID-19.
CPJ là một tổ chức phi lợi nhuận, trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên cổ súy, thúc đẩy tự do báo chí trên toàn thế giới.
Trong bốn năm qua, cuộc điều tra dân số hàng năm của CPJ đã nhận thấy ít nhất 250 nhà báo đang bị cầm tù chỉ vì thực hiện công việc của họ. CPJ cho rằng đây là con số cao kỷ lục.
Vẫn theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả, những nhà báo đó hiện đang có tiềm năng đối mặt với cái chết vì Tổ chức Y tế Thế giới cho biết các tù nhân đặc biệt dễ bị nhiễm virus do không thể tự cô lập trong tù. Thêm vào đó, các tù nhân thường xuyên bị từ chối điều trị y tế.
Giám đốc điều hành Ủy ban Bảo vệ Ký giả, ông Joel Simon, cho rằng dịch bệnh do Covid-19 gây ra đang lan rộng nhanh chóng qua các nhà tù. Vì vậy, CPJ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hành động nhanh chóng và quyết đoán để giải phóng tất cả các nhà báo đằng sau song sắt, như một vấn đề của sự sống và cái chết.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ký giả Trương Minh Đức hiện đang bị giam giữ tại Trại 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bày tỏ vui mừng trước kêu gọi vừa nêu của CPJ.
“Cũng mong kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các mạng lưới nhân quyền, hoặc các báo, đài, anh chị em ngoài nước làm sao để chồng tôi được phóng thích, được ra khỏi trại giam, tự do như những người bình thường. Đấy là mơ ước từ xưa đến nay. Nói chung chồng tôi bị tù tội rất oan ức vì vô tội mà bị án oan hết đợt tù trước đến đợt tù này. Nếu được chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích cho chồng tôi cũng như các anh em tù nhân lương tâm. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất.”
Ông Trương Minh Đức sinh năm 1960, từng là một ký giả độc lập, một nhà hoạt động công đoàn độc lập và là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Theo lời bà Kim Thanh, trước tình hình bệnh dịch Covid-19 lây lan như hiện nay, bà rất lo cho sức khỏe chồng bà:
“Vì nạn dịch này mà bây giờ như trường hợp của chồng tôi đang ở trong chỗ trại tù khắc nghiệt như vậy mà trong mấy tháng nay mình không được đi thăm, gặp chồng nên thấy nóng ruột, không biết tình hình sức khỏe chồng mình trong đó làm sao. Cảm thấy rất lo lắng, bất an. Nạn dịch xảy ra khiến kinh tế, tất cả các thứ khó khăn. Tất cả các gia đình chúng tôi rất khổ bởi vì công việc không có, không làm ra (tiền), khó khăn chăm loa cho gia đình, rồi còn gửi tiền, tiếp tế đồ ăn gửi bưu điện vào cho chồng.”
Đồng cảm với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chị Nguyễn Thị Huệ, chị ruột tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, phóng viên Đài RFA cũng chia sẻ những khó khăn trong việc thăm gặp em trai đang bị giam giữ tại trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam trong mùa dịch Covid-19 này:
“Người thân của những người trong tù rất lo lắng, muốn vào trại giam thăm nguời thân mình xem có ổn hay không, nói chung rất nhiều sự lo lắng luôn ám ảnh trong đầu. Hiện tại gia đình có muốn thăm gặp thì trại giam cũng không cho vì họ có thông báo trước. Trong điều kiện thăm gặp được thì việc tiếp tế đồ ăn cho người thân cũng rất quan trọng. Nhưng thời điểm này tiếp tế đồ ăn cũng rất khó khăn, trại giam hạn chế thực phẩm đợt dịch này. Nói chung từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 3 gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thăm gặp.”
Do đó, chị Nguyễn Thị Huệ cảm thấy rất vui khi các tổ chức nhân quyền vẫn lên tiếng giúp đỡ cho các anh em tù nhân lương tâm nói chung và trường hợp Nguyễn Văn Hóa nói riêng. Tuy nhiên:
“Rất vui mừng nhưng điều đó có xảy ra hay không mới quan trọng. Theo nhận định theo phía người thân của gia đình thì không thể hy vọng cao vấn đề đó. Hy vọng trong thời gian này chính phủ quan tâm đến công dân Việt Nam, trước hết là tính mạng con người và sự an toàn cho tất cả mọi người. Đặc biệt rất mong chính phủ Việt Nam quan tâm đến vấn đề đó.”
Trong thông cáo đưa ra vào ngày 30/3, CPJ cũng đã công bố một bản kiến nghị và một bức thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo thế giới yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo bị cầm tù. Chiến dịch sẽ có các video từ các nhà báo bị cầm tù trước đây. Chiến dịch sẽ lên đến đỉnh điểm vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3 tháng 5 tới đây.
Dưới góc nhìn của một người cầm viết, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng bày tỏ sự ủng hộ:
“Việc mà Ủy ban Nhà báo quốc tế kêu gọi tôi nghĩ rất là cần thiết và nên làm. Tôi chưa hiểu chính phủ Việt Nam sẽ có phản ứng thế nào vì đến bây giờ vẫn chưa nghe tin tức gì nên vẫn phải trông chờ từ phía chính phủ. Tôi tin rằng xác suất rất ít, chỉ không trắng trợn và tàn bạo như ở Trung Quốc vì chính phủ Việt Nam không có quyền lực, sức mạnh và tài chính như ở Trung Quốc nhưng chúng ta đều thấy Việt Nam là bản sao của Trung Quốc.”
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội, không chỉ riêng tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm mà còn cả những tù nhân khác cũng cần được quan tâm:
“Tôi nghĩ thật sự cần kêu gọi thả tất cả tù chính trị ra, thậm chí cả các tù nhân sắp đến hạn ra. Vì thật sự trong tình cảnh bệnh dịch như thế này thì các nhà tù là những nơi dễ lây lan bệnh dịch nhất và rất nguy hiểm. Đấy là việc đòi, còn ở Việt Nam có đáp ứng hay không thì tôi nghĩ xác suất là rất nhỏ bởi vì với các nhà báo, tù chính trị có khi họ coi còn nguy hiểm hơn Covid-19. Bởi vì nó làm lây lan những thứ làm lung lay vị thế của họ, chỗ ngồi của họ. Nên tôi khó tin là họ sẽ đáp ứng lời kêu gọi ấy.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 11/3 công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2019, lên án tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt các lĩnh vực.
Cụ thể, Hoa Kỳ xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị.
Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Ký giả công bố hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 12 nhà báo trong năm 2019 và là một trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về các biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.
RFA (30.03.2020)
Trong thời dịch bệnh, Facebook siết chặt ngôn luận ở Việt Nam như công an
Hình minh hoạ. AFP
Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3/2020, Facebook nhiều lần được nhắc tên trên báo chí về những việc ngăn cản ngôn luận đầy khó hiểu, đặc biệt liên quan đến vấn đề dịch bệnh Coronavirus.
Tờ The Verge, giữa tháng 3, có nhắc đến chuyện này. Tờ báo nói Facebook liên tục đánh dấu một số bài đăng, dẫn đường liên kết (link) đến thông tin và bài viết về coronavirus và COVID-19 là thư rác, hoặc coi là tin giả hoặc vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, theo quan sát của một phóng viên Verge và nhiều người dùng trên Twitter.
Tuy nhiên, khi chuyện lớn lên, thì ông Guy Rosen, Phó chủ tịch liêm chính của Facebook (Facebook’s vice president of integrity) nói là vấn đề này là do lỗi của công cụ lọc trong hệ thống chống thư rác. Ông Rosen cũng cho biết công ty bắt đầu tiến hành khắc phục ngay khi phát hiện ra vấn đề.
Tuy nhiên đây không phải là chuyện nhầm lẫn mang tính đơn lẻ. Dường như Facebook đang nhân cơ hội đợt dịch bệnh trên toàn cầu và áp dụng các biện pháp lọc, duyệt tin tức dựa trên các công cụ AI – trí thông minh nhân tạo – để có thể phác thảo ra các không gian ngôn ngữ, vùng địa phương – mà các thuật toán của Facebook có thể kiếm soát được khuynh hướng các nguồn tin mà minh muốn.
Nói một cách nào khác, thì Facebook đang tạo dựng ra một ban tuyên giáo của mình, hoạt động theo thời sự và kiểm soát theo ý mình, hoặc hợp tác kiểm soát theo ý một nhà nước, nhóm người nào đó.
Thời cơ là vấn đề quan trọng. Và biết tận dụng thời cơ, thì mọi thứ đều có hình ảnh tốt đẹp của nó. Giống như kiểu Bắc Kinh đẩy mạnh các công cụ nhận dạng công dân để kiểm soát bằng hệ thống camera AI trong thời dịch bệnh. Khi Bắc Kinh rằng đây là cách để tracking – theo dấu các người nhiễm bệnh thì không ai có thể bắt bẻ gì. Nhưng cũng chính hệ thống này ở ngày thường, đã bị vô số lòi chỉ trích về vấn đề nhân quyền.
Các tờ như Business Insider hay Guardian cũng có đưa các tin tức về việc công ty Facebook “rà soát” chặt chẽ các nguồn tin về dịch bệnh để chống tin giả, nhưng hầu hết các tờ báo lớn và uy tín trên thế giới cũng bị đưa vào diện spam và người đăng lại bài cũng có thể bị khóa trang của mình một thời gian.
Ông Rosen cho biết Facebook đã giải quyết vấn đề và khôi phục các bài đăng bị ảnh hưởng. “Chúng tôi đã khôi phục tất cả các bài đăng bị xóa không chính xác, bao gồm các bài đăng về tất cả các chủ đề – không chỉ những bài liên quan đến COVID-19”, Rosen giải thích. Theo Facebook, vấn đề là do một công cụ kiểm duyệt tự động và không liên quan đến bất kỳ quan điểm riêng hay chủ trương nào từ phía người điều hành.
Nhưng ở Việt Nam thì không phải vậy. Không phải người nào bị Facebook khóa hay xóa bài vô lý cũng được phục hồi một cách công bằng. Hơn như vậy, những người bị xóa bài và khóa bài… trở thành một danh sách dài của các người dùng mạng xã hội bị công an Việt Nam tìm tới sách nhiễu, hăm dọa, và cả phạt tiền.
Những điều đó khiến giới quan sát hoạt động của Facebook tại Việt Nam trở nên tò mò hơn. Ngoài những danh sách bị Facebook trừng phạt ở màn một, sau đó họ còn bị công an Việt Nam đến nhà, gửi giấy triệu tập là màn hai của vở kịch mờ ảo này.
Nhiều cây bút trên Facebook do thận trọng hơn,lách né tốt hơn trong từng câu chữ và sự kiện nên không thể bắt bẻ, cũng lên tiếng nói rằng dường như họ bị một thuật toán nào đó của Facebook nên bài viết của họ giống như bị che đi (hide) trên dòng timeline, ít người nhìn thấy hay đọc được. Thậm chí có những người luôn có những lượng view và like ổn định từ 500 đến 1000 ở mỗi bài, đã nhận ra sự khác thường khi liên tục giảm số người biết và đọc bài của họ trong một thời gian.
Cuối tháng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao thuộc Bộ Công an Việt Nam báo công cho biết họ đã có hồ sơ đầy đủ những người trên mạng Facebook bị gọi là đưa tin ngoài luồng, khác với tin tức của Bộ Y tế và Ban tuyên giáo Việt Nam muốn. Cục này nói đã có hơn 300 trên gần 700 trường hợp bị cho đưa tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội trong 2 tháng qua đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Đại diện Cục An ninh mạng cho biết như trên vào ngày 26/3 và được truyền thông trong nước loan tin cùng ngày. Theo thống kê của Cục An ninh mạng thì từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900 ngàn thông tin liên quan đến dịch bệnh được đăng tải. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong một phát biểu hồi đầu tháng 2/2020 cũng đã ca ngợi Facebook và Google luôn hợp tác chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các đối tượng xấu, theo quan điểm nhà nước.
Cũng giống như Trung Quốc đang gia tăng kiếm soát công dân bằng kỹ thuật số, người ta đang tự hỏi Facebook đang làm gì, đóng vai trò nào trong việc xiết chặt ngôn luận tự do ở Việt Nam của Nhà nước Việt Nam.
Tuấn Khanh
RFA (28.03.2020)
COVID-19: Các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại lạm dụng “tình trạng khẩn cấp” để đàn áp nhân quyền
Hình minh hoạ. Công an đứng canh tại một điểm kiểm soát ngoiaf xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 13/2/2020 AFP
Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, với 9.000 thành viên trên toàn thế giới nói rằng: “Trong đại dịch COVID-19, các chính phủ không nên coi các biện pháp khẩn cấp là cái cớ để hạn chế quyền công dân”.
Tuyên bố được đưa ra vào hôm 24/3, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng lạm dụng các biện pháp khẩn cấp được gia tăng ở một số quốc gia độc tài toàn trị trong quá trình phong tỏa và cưỡng bức cách ly nhằm phòng chống sự lây lan của virus Corona.
“Ban bố về tình trạng khẩn cấp vì lý do sức khỏe và an ninh phải được thực hiện phù hợp với luật pháp: các quốc gia không nên áp dụng luật khẩn cấp như một cái cớ để hạn chế quyền công dân và nhắm vào các nhóm, dân tộc thiểu số và cá nhân cụ thể. Không nên áp dụng luật khẩn cấp để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền”, CIVICUS khuyến cáo.
Theo tổ chức này cho biết, tại Trung Quốc, các nhà hoạt động đã bị quấy rối và đe dọa vì chia sẻ thông tin về dịch bệnh trong khi báo chí lại bị kiểm duyệt. Ở các quốc gia châu Á khác, luật pháp đàn áp đang được triển khai để bắt giữ những người được cho là tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh.
Tuyên bố đã nhắc đến Việt Nam như là một quốc gia “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19” và yêu cầu “phóng thích các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nhà tù.
“Một số tù nhân trong nhà tù Iran đã nhiễm virus. Trong khi chúng tôi khen ngợi chính quyền Iran đã tạm thời thả 85.000 tù nhân, những người bảo vệ nhân quyền – bảo vệ nữ quyền và quyền trẻ vị thành niên – cũng nên được thả ra. Các quốc gia khác đã và đang giam giữ những người bảo vệ nhân quyền và đối lập chính trị, như Ai Cập, Việt Nam và Cameroon, cũng nên làm theo”, CIVICUS kêu gọi.
Liên Hợp Quốc nêu quan ngại tương tự
Hôm 25/3, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng ra lời kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ những người đang bị giam giữ trước sự lây nhiễm bệnh dịch đang lan tràn trong các nhà tù.
Cao Ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cho biết, COVID-19 đã bắt đầu tấn công các nhà tù bởi các cơ sở giam giữ quá đông đúc, điều kiện mất vệ sinh và các dịch vụ y tế không đầy đủ hoặc thậm chí không được cung cấp.
“Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, các chính phủ nên thả những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, bao gồm các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm phê phán hoặc bất đồng”, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ nhấn mạnh.
Trước đó vào hôm 16/3, hơn 20 chuyên gia nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo các quốc gia tránh lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền và dập tắt bất đồng chính kiến.
Theo các chuyên gia, mặc dù nhận thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch, và thừa nhận việc các quốc gia được phép sử dụng quyền hạn khẩn cấp theo luật pháp quốc tế, nhưng mọi ứng phó khẩn cấp trong dịch bệnh cần phải tương xứng, cần thiết và không phân biệt đối xử.
“Các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của quốc gia không nên sử dụng như một vỏ bọc cho hành động đàn áp dưới chiêu bài bảo vệ sức khỏe và dùng để để bịt miệng công việc của những người bảo vệ nhân quyền”, các chuyên gia nhân quyền LHQ nói.
Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng quyền hạn khẩn cấp của quốc gia cần được tuyên bố công khai và phải thông báo cho các Ủy ban Công ước LHQ biết để giám sát thực thi, khi các quyền cơ bản như quyền tự do đi lại, đời sống gia đình và tự do hội họp bị hạn chế đáng kể.
minh-luat’s blog (RFA 27.03.2020)