Liệu Việt Nam có chấp nhận thả tù ‘án xâm phạm an ninh quốc gia’?
CIVICUS – liên minh toàn cầu các tổ chức xã hội dân sự có trụ sở tại Nam Phi gồm 9.000 thành viên trên toàn thế giới đã ra tuyên bố yêu cầu Viêt Nam, Ai Cập, Cameroon và một số quốc gia khác phải đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện đang lây lan toàn cầu.
Bài báo trên trang Việt Nam Thời Báo đã cho biết như trên (1). Trang Việt Nam Thời Báo còn có bài viết đưa ra con số cụ thể, “Theo số liệu thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), cho đến ngày 31/3/2020, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự” (2)
“Tù nhân lương tâm” là cụm từ không nằm trong bất kỳ văn bản tố tụng hình sự nào ở Việt Nam. Tương tự, ở Việt Nam không có tội danh về ‘tù chính trị’. Tuy nhiên dùng từ ‘tù chính trị’ (loại trừ về hành vi khủng bố) lại được nhìn nhận là phù hợp với Bộ luật hình sự, Chương 13: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ điều 108 đến điều 122.
Về lập luận tố tụng cho dấu hiệu pháp lý của nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi xâm phạm đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm an ninh đối nội và đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với cách hiểu như trên cho thấy yếu tố chính dẫn đến các hành vi cáo buộc, là đương sự không đồng tình với chế độ chính trị hiện tại. Việc không đồng tình này có thể chỉ dừng ở bước của quyền tự do chính trị cá nhân là ‘nghĩ trong đầu’, vẫn có thể bị cáo buộc rằng đây là hành vi của chuẩn bị phạm tội, tức là giai đoạn người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó (3).
Việc không đồng tình chế độ chính trị hiện hành cũng có thể chuyển sang bước lên tiếng yêu cầu cải tổ đường hướng chính trị, và có thể cả chuyện kiên quyết đòi hỏi phải chấm dứt sự độc quyền toàn trị.
Dù là ở giai đoạn nào đi nữa, thì nếu đã có ý phủ nhận chế độ chính trị hiện hành, cá nhân đó có thể vướng vòng tố tụng hình sự với những cáo buộc nặng nhẹ khác nhau, và tất cả đều có điểm chung là họ không được quyền có sự tham gia của luật sư bảo vệ khi chưa kết thúc điều tra vụ án.
Như vậy, từ cách hiểu quen thuộc ở trên trong nhóm tội danh thuộc Chương 13: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ điều 108 đến điều 122 của Bộ luật hình sự, cho thấy yêu cầu ‘thả tù chính trị’ mà CIVICUS đặt ra với Việt Nam gần như là khó thể được chấp thuận. Và con số “đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự” như tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền đã thống kê cho thấy nếu vì lý do ‘thả tù’ để ngừa lây lan đại dịch Covid-19, có lẽ cần mở rộng hơn nữa đối với những nhóm tội danh khác.
Tuy nhiên nếu xét trên tinh thần của yếu tố nhân đạo trước đại dịch Covid-19, cần thiết có các lệnh đặc xá đối với những ‘tù nhân chính trị’ không liên quan đến hành vi ‘khủng bố’ (4).
Nguyễn Nam
___________________
Chú thích:
(3) Theo điều 14 Bộ luật hình sự đã sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điều 109, điểm a khoản 2 điều 113 hoặc điểm a khoản 2 điều 299 của Bộ luật hình sự.
(4) Bộ luật hình sự: Điều 299 (Tội khủng bố); Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (Tội bắt cóc con tin); Điều 302 (Tội cướp biển); Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia).
VNTB (05.04.2020)
“Tội” dám nói sự thật và phục vụ lẽ công bằng
Phạm Thanh Nghiên
Thầy giáo Đinh Đăng Định (trái) và Đào Quang Thực. Ảnh: internet
Đây là thầy giáo Đinh Đăng Định và thầy giáo Đào Quang Thực. Cả hai thầy đều đã chết sau khi thụ án tù được khoảng 2 năm “can tội” yêu nước.
Thầy Định được kết luận là mắc ung thư giai đoạn cuối nhưng cái chết của thầy vẫn mang nhiều uẩn khúc theo nhận định của nhiều người. Thầy Định bị kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế trong một phiên toà diễn ra chóng vánh vào năm 2012 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN”.
“Tội” của thầy là đã sớm nhìn ra và lên tiếng chỉ trích chính phủ, cảnh báo trước công luận hậu quả về kinh tế và môi trường do việc khai thác bô-xít mang lại. Thực tế đã diễn ra như những gì thầy Định và nhiều người Việt Nam đã cảnh báo từ mấy năm về trước.
Nhưng thầy Định đã được nhà nước trả công bằng 6 năm tù đày và bằng chính mạng sống của thầy.
Dưới sức ép của công luận, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho thầy sau khoảng hai năm thụ án. Nhưng chưa đầy một tháng sau khi ra tù, người thầy giáo yêu nước qua đời trong sự tiếc thương của gia đình, bè bạn và những người Việt còn trăn trở với vận mệnh đất nước.
Hai hôm trước, 2/4 /2020 là tròn 6 năm ngày giỗ của thầy Đinh Đăng Định.
Thầy giáo Đào Quang Thực bị bắt và bị kết án đến 13 năm tù giam,5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”- theo điều 79 BLHS năm 1999 ( chứ không theo bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 đâu nhé).
Theo người thân, thầy Thực là người mạnh khoẻ, không có bệnh tật gì nhưng chỉ sau 2 năm thụ án, thầy đã phải bỏ mạng trong tù vì bệnh … xuất huyết não.
Dù đã làm đơn, nhưng nhà tù đã khước từ nguyện vọng của gia đình là đưa xác thầy về nhà an táng. Cai tù nói rằng phải 3 năm sau họ mới “cho phép” quật mả của người chết lên để trả tro cốt thầy về cho gia đình lo liệu.
Cái chết của thầy Thực khiến công luận vô cùng ngỡ ngàng và đau xót dù mấy tháng đã trôi qua. Người ta đặt câu hỏi “nhà tù đã làm gì thầy trong 2 năm khủng khiếp ấy?”
Giống như thầy Định, “tội” của thầy Thực là đã không chịu chấp nhận làm con lừa cho đảng dắt mũi và sai khiến. “Tội” dám nói sự thật và phục vụ lẽ công bằng.
Có lẽ, nhiều năm nữa khi một chế độ dân chủ thật sự được thiết lập trên đất nước này, cái chết của thầy Thực, thầy Định và những ngườ tù yêu nước khác (may ra) mới được bạch hoá.
Bản thân bị đánh đập, bị tù đày, bị bách hại, thậm chí phải chết; gia đình, người thân bị liên luỵ là cái giá phải trả và là điều cần xác định một cách dứt khoát cho những ai muốn, hoặc sẽ dấn thân, đóng góp công sức nhỏ bé cho sự thăng tiến của đất nước.
Phạm Thanh Nghiên (05.04.2020)
Chính quyền Việt Nam bị cáo buộc giải trình sai sự thật cho Liên Hiệp Quốc
Hình minh hoạ. Nhà hoạt động Đinh Thảo. FB Đinh Thảo
Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thảo vừa cáo buộc chính quyền Việt Nam đưa ra những thông tin sai sự thật khi trả lời bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về việc tịch thu hộ chiếu của mình.
Ngày 22/1/2020, bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc gởi thư chất vấn chính quyền Việt Nam về hai trường hợp, bao gồm việc tịch thu hộ chiếu của nhà hoạt động Đinh Thảo khi cô vừa về nước sau khoảng bốn năm làm việc ở nước ngoài và vụ bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.
Sau đó, phía Việt Nam đã gởi thư trả lời cho các Báo cáo viên đặc biệt. Cả hai lá thư đều được đăng công khai trên trang web của Liên Hiệp Quốc.
Giải trình sai sự thật
Tuy nhiên, bà Đinh Thảo nói với RFA rằng những phản hồi từ phía Việt Nam là “sai với thực tế và dễ gây hiểu lầm”. Bà cho rằng Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại bản giải trình đó, bởi vì việc cung cấp thông tin sai sự thật cho các Tổ chức Quốc tế là một điều không hay và làm mất uy tín. Theo bà, nếu Chính phủ có tinh thần cầu thị thì nên cung cấp thông tin đúng sự thật.
Về trường hợp của mình, bà Thảo nêu rõ bốn điểm không đúng trong lá thư trả lời của Việt Nam, cụ thể như sau:
“Thứ nhất là tôi từng tham gia gây rối trật tự công cộng và có biên bản xử phạt hành chính. Điều này là hoàn toàn sai với thực tế. Là một người hoạt động, từ năm 2015 đến giờ, tôi cũng đã nhiều lần phải làm việc với an ninh. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi nhận được bất kỳ một biên bản nào, cũng như chưa bao giờ từng bị buộc tội liên quan đến gây rối trật tự công cộng cả.”
Điểm thứ hai, họ nói rằng họ nghi ngờ tôi có tham gia các khóa học của Việt Tân, cũng như có các hoạt động liên quan đến Việt Tân. Điều này tôi cũng thấy rằng nó không đúng sự thật. Tại vì ấn tượng trong toàn bộ quá trình làm việc gần nhưng không hề nhắc gì đến Việt Tân. Trong thư các Báo cáo viên đặc biệt gửi cho Chính phủ Việt Nam cũng có tóm tắt rằng tôi có một quá trình làm việc tại VOICE. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại làm sao mà Chính phủ Việt Nam hoàn toàn lờ đi chi tiết này, mà chỉ nhấn mạnh đến Việt Tân thôi để gây hiểu lầm, thì đây là một điều không thể chấp nhận được.
Điểm thứ ba là về việc Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Tôi không muốn đi sâu nói thêm về chi tiết này, bởi vì tôi không đủ thông tin để biết. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở Việt Nam cho thấy cách Chính phủ Việt Nam đàn áp đối với những người hoạt động, những người bất đồng chính kiến, thuộc hội nhóm nào đi chăng nữa thì bất cứ khi nào Chính phủ muốn bịt miệng họ đều lồng vào rằng là liên quan đến Việt Tân, và điều này là hoàn toàn sai sự thật.
Nhà hoạt động Đinh Thảo Courtesy of blogger Tuấn Khanh
Điểm thứ tư mà họ nêu ra là hoàn toàn sai sự thật và rất là dễ dàng để chứng minh lại điều đó. Họ nói rằng họ không giữ hộ chiếu của tôi. Tôi không bị tịch thu hộ chiếu, cá nhân cũng như gia đình của tôi không bị đàn áp. Sự thật là họ đã tịch thu vào ngày hôm đó. Mặc dù lí do họ đưa ra có thể là liên quan đến An ninh quốc gia, thì cái việc họ đang giữ hộ chiếu của tôi là một điều không thể chối cãi được.
Còn đối với cá nhân tôi thì ngay sau khi về nước, đã có hàng ngàn bài viết tấn công tôi. Họ cũng đã cố tình thêu dệt nên những chuyện liên quan đến Đồng Tâm hoặc là những chuyện khác để mà bêu xấu tôi trên các trang của Dư Luận Viên.”
Về trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, trong thư phản hồi, Chính phủ Việt Nam nói rằng rằng hiện nay đang là giai đoạn điều tra vụ án nên gia đình chỉ được gởi đồ tiếp tế. Yêu cầu được thăm gặp gia đình trong lúc này không thể được đáp ứng để đảm bảo tính bảo mật của vụ án.
Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Dũng cũng mong muốn được tự bào chữa thay vì nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng FB Phạm Chí Dũng
Đài Á châu Tự do liên hệ với luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã làm thủ tục để bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng vào tháng 12/2019, ông Mạnh cho biết mình không được thông báo gì về mong muốn này của ông Dũng:
“Ngay thời điểm tôi nộp văn bản thì họ có trả lời là vụ án này thuộc nhóm an ninh quốc gia, mà nhóm an ninh quốc gia thì họ được từ chối luật sư trong giai đoạn này để giữ bí mật điều tra. Sau văn bản đó cho đến nay thì thì tôi không hề nhận bất kỳ thông tin gì liên quan đến anh Dũng nữa.”
Luôn bao biện cho hành vi trấn áp đối lập
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói rằng thư trả lời của Chính phủ Việt Nam cho bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng họ không nghiêm túc trong việc thực thi nghĩa vụ giải trình của họ đối với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
“Từ trước đến nay lập trường của Chính phủ Việt Nam đó là họ luôn luôn phủ nhận việc đàn áp những người hoạt động Nhân Quyền. Đây là việc không mới. Họ vẫn luôn luôn chối bỏ trách nhiệm của mình đối với những cáo buộc từ những cá nhân, nạn nhân, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức nhân quyền mỗi khi có một vụ việc vi phạm nhân quyền xảy ra.
Ngoài ra, nó cho thấy Chính phủ Việt Nam rõ ràng sợ bị quy kết trách nhiệm cho nên họ phải bằng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm đó. Khi mà Chính quyền không chịu nhìn nhận sự sai trái mà họ đã làm thì họ sẽ tiếp tục gây ra những vụ vi phạm nhân quyền như đối với nhà hoạt động Đinh Thảo vừa rồi.”
Về trường hợp của hoạt động Phạm Chí Dũng, ông Sơn đánh giá câu trả lời của Chính quyền Việt Nam cho thấy họ ngang nhiên và trắng trợn trong việc bao biện cho hành vi bắt người độc đoán và vi phạm nhân quyền của họ:
“Chúng ta thấy rằng họ thừa nhận họ bắt ông Phạm Chí Dũng dựa trên tên những nội dung mà ông Phạm Chí Dũng đăng tải lên mạng xã hội. Và khi mà bên phía Chính quyền thừa nhận như vậy, nghĩa là họ đã vô hình chung thừa nhận họ đang vi phạm quyền tự do biểu đạt của công dân, điều được hiến pháp và luật pháp Việt Nam bảo hộ.”
Ngoài ra, ông Sơn còn chỉ ra rằng việc quy kết tuỳ tiện những nhà hoạt động nhân quyền, bất đồng chính kiến là thành viên của tổ chức Việt Tân, là có liên quan hoặc bị sử dụng bởi đảng Việt Tân cho thấy đây chỉ là lí do để họ trấn áp các nhà hoạt động mà thôi:
“Bản thân những người đó sau khi ra tù hoặc trải qua những lần trấn áp thì đã khẳng định họ không hề có liên hệ gì đến tổ chức Việt Tân cả, thì chúng ta thấy rằng đây là một hành vi để che
đậy cho mục đích thực chất của Chính quyền Việt Nam, đó là họ muốn đàn áp những người hoạt động và những người bất đồng chính kiến.”
Cuối cùng, bà Đinh Thảo khẳng định vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào quyền tự do đi lại và các quyền tự do cơ bản khác, không chỉ của riêng mình mà còn cho người khác, cho đến khi nào đạt được mục đích.
Cao Nguyên
RFA (04.04.2020)
Người viết báo tự do ở Việt Nam bị hạn chế quyền chính trị
Nội dung “Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng” trên trang Việt Nam Thời Báo (1), cho thấy đang có cách hiểu khác nhau về quyền tự do chính trị trong báo chí giữa Việt Nam với các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc.
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, một đảng viên đảng cộng sản, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói với BBC (British Broadcasting Corporation) hôm 9/4/2019 rằng trong nền chính trị một đảng, dư luận xã hội là một công cụ sắc bén của quyền lực, và do đó cũng không lạ khi lâu nay ai cũng biết đó là nền báo chí công cụ của Đảng (2).
BBC được thành lập năm 1922 theo Hiến chương Hoàng gia Anh, và hoạt động dưới sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Phương tiện và Thể thao Anh. Đài BBC thu lợi nhuận chủ yếu bằng một khoản lệ phí truyền hình được thu từ tất cả các hộ gia đình, các công ty và tổ chức sử dụng bất kỳ loại thiết bị nào để thu lại, hoặc thu trực tiếp tín hiệu từ đài. Khoản phí này được đặt ra bởi Chính phủ Anh, được chấp thuận bởi Nghị viện Anh, và được sử dụng để gây quỹ cho các dịch vụ radio, TV và các dịch vụ trực tuyến khác của BBC bao trùm toàn bộ nước Anh.
Từ 1/4/2014, khoản phí này cũng gây quỹ cho hệ thống tin tin tức thế giới (BBC World Service), thành lập năm 1932, cung cấp các hệ thống TV, radio và các dịch vụ trực tuyến khác bằng tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư cùng hơn 28 ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Việt.
Khoảng một phần tư lợi nhuận của BBC đến từ lệ phí thương mại của BBC Worldwide Ltd., từ khoản tiền có được từ việc bán các chương trình truyền hình và các dịch vụ khác ra các nước khác, và từ hệ thống tin tức quốc tế 24/7 bằng tiếng Anh BBC World News và BBC.com, được cung cấp bởi BBC Global News Ltd.
Như vậy, có thể thấy rất rõ ràng rằng BBC được vận hành không chịu sự gò bó trong hạn chế về quyền tự do chính trị, và sản phẩm tin tức của họ được kinh doanh trên toàn cầu, mà không vấp phải một định hướng yêu cầu tuyên truyền nào từ Hoàng gia Anh.
Tương tự, với VOA, viết tắt từ Voice of America; còn được gọi là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, là dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. VOA được thành lập năm 1942, và hiến chương VOA (Luật công chúng 94-350 và 103-415) đã được Tổng thống Gerald Ford ký thành luật năm 1976. Hiến chương này có sứ mệnh “truyền phát tin tức và thông tin chính xác, cân bằng và toàn diện tới khán giả quốc tế” và nó xác định các tiêu chuẩn bắt buộc về mặt pháp lý trong cách thức làm báo chí của VOA (3).
Nhà báo Phạm Chí Dũng, nhân vật chính của “Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng” (4), là cộng tác viên thường xuyên của VOA. Ông cũng là khách mời tham gia các hội thoại trực tuyến hàng tuần của BBC.
Nhà báo Phạm Chí Dũng còn cộng tác với báo Người Việt. Theo thông tin từ tòa soạn báo, đây là nhật báo tiếng Việt đầu tiên phát hành ngoài Việt Nam, và là tờ báo tiếng Việt duy nhất phát hành 7 ngày trong tuần tại Hoa Kỳ. Năm 2004, nhật báo Người Việt trở thành tờ báo tiếng Việt đầu tiên có đăng ký kiểm toán phát hành tại Hoa Kỳ, tức là được kiểm toán số lượng phát hành bởi những công ty độc lập.
Cả ba tờ báo kể trên đều được nhà nước Việt Nam công nhận và có các trao đổi quan hệ đối ngoại về báo chí.
Từ nội dung của “Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng”, tuy không đề cập đến các cơ quan truyền thông nước ngoài, song có thể thấy rằng ở Việt Nam có đời sống báo chí hạn chế về quyền chính trị đúng như nhận xét của cựu tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị với BBC (2); và hạn chế về quyền này còn có thể được yêu cầu cả với người Việt Nam khi cộng tác với báo chí nước ngoài – trường hợp nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đang vấp cáo buộc hình sự theo điều 117, Bộ luật hình sự là một dẫn chứng.
Nguyễn Nam
______________
Chú thích:
(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-phuc-dap-khang-thu-cua-lien-hiep-quoc-ve-nha-bao-pham-chi-dung/
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47849572
(3) https://docs.voanews.eu/en-US-INSIDE/2016/12/05/5d1e6a53-3ed2-4c3e-b043-ecae12d9eed8.pdf
VNTB (04.04.2020)
Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế kêu gọi thả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển
Ông Nguyễn Bắc Truyển (giữa) tại tòa án nhân dân thành phố Sài Gòn, ngày 10 tháng 5 năm 2007. AFP
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vào ngày 3/4 nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một trong những tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt Nam.
USCIRF nói rõ Ông Nguyễn Bắc Truyển là một người ủng hộ tự do tôn giáo Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo không theo phái quốc doanh. Vào ngày 5 tháng 4 năm 2018, ông bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Ủy viên Anurima Bhargava của USCIRF, phụ trách trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển trong Dự án Tù nhân Tôn giáo USCIRF, cho rằng phiên tòa xét xử ông Nguyễn Bắc Truyển là một trò hề của công lý. Vị ủy viên này cho rằng ông Nguyễn Bắc Truyển cần được trở về với gia đình, đặc biệt là khi đại dịch coronavirus đang gây hại cho sức khỏe cộng đồng, vô cùng nguy hiểm cho các tù nhân. Thêm vào đó, các vấn đề sức khỏe của ông Truyển đang ngày trầm trọng hơn kể từ khi ông bị giam giữ.
Hai Dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda và Zoe Lofgren cũng lên tiếng ủng hộ ông Nguyễn Bắc Truyển trong Dự án Bảo vệ Quyền Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.
Trong Báo cáo thường niên năm 2019, USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt chiếu theo Đạo luật Tự Do Tôn giáo Quốc tế.
Trong Bản cập nhật quốc gia gần đây, USCIRF cho biết đã nhận được báo cáo thường xuyên về việc chính quyền Việt Nam quấy rối Phật tử không theo phái nhà nước, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin lành, Cao Đài, người H’mong và người Thượng Tây Nguyên, cùng các nhóm tôn giáo khác.
RFA (03.04.2020)