Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus

Quyết định của Mỹ tạm dừng cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nhận được sự ủng hộ mạnh từ công luận Việt Nam. Liệu sự ủng hộ của người Việt có xuất phát từ tâm lý “bài Hoa” hay không, nhất là khi Hoa Kỳ và một số quốc gia EU cáo buộc WHO không làm tròn trách nhiệm và hậu thuẫn cho những thông tin sai lệch ban đầu của Trung cộng, gây ra hậu quả đại dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới?

“Quyết định sáng suốt”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một điển hình của loại ‘ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản’, nên Hoa Kỳ cắt bỏ trợ cấp là rất đúng. Hoan hô quyết định sáng suốt của Tổng thống D. Trump!”, Luật sư Lê Công Định công khai bày tỏ sự ủng hộ trên trang Facebook cá nhân đối với quyết định của người đứng đầu nước Mỹ.

Các nhà báo, những người quan sát tình hình thời sự tại Việt Nam đa số đều đưa ra những nhận định tương tự, phê phán WHO và người đứng đầu tổ chức này sau khi ông Trump tuyên bố dừng cấp ngân sách cho WHO trong lúc tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng kéo dài từ 60 – 90 ngày.

Là người đứng ra quyên góp cứu trợ cho những người nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA rằng bà “căm phẫn” những kẻ đã để cho dịch bệnh lan tràn và gây ra những hậu quả khôn lường trên sinh mạng và đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên toàn thế giới.

“Tôi căm phẫn nên tôi tán thành việc điều tra và nếu thật sự ông này (TGĐ Teros của WHO) phải từ chức thì là việc phải làm để làm trong sạch lại bộ máy, bảo đảm không có sự lobby, kiểm soát, hỗ trợ cho Trung cộng”, bà Lê Hoài Anh nói.

Tương tự, blogger Nguyễn Đình Ngọc cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump là “hoàn toàn thỏa đáng” khi WHO đã “không làm tròn trách nhiệm” rất quan trọng của mình trong thời gian qua.

“Tình hình dịch chung trên toàn cầu đã thể hiện trên thực tế hôm nay là vai trò của tổ chức WHO là hoàn toàn chểnh mảng, vô trách nhiệm, để cho virus này từ một địa phương là Vũ Hán của Trung cộng lan rộng ra toàn thế giới”, ông Nguyễn Đình Ngọc nói với VOA.

Tâm lý ‘bài Hoa’?

Theo quan sát của VOA, tất cả những bài viết trên mạng xã hội tán thành quyết định của Tổng thống Trump đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công luận Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng người Việt thường dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho những quyết định, sự kiện gây bất lợi cho và có liên quan đến Trung cộng.

Doanh nhân Lê Hoài Anh thừa nhận tâm lý bài Hoa có thể là một phần, nhưng không hoàn toàn là nguyên nhân khiến người Việt Nam ủng hộ quyết định của tổng thống Mỹ.

Bà nói: “Không ưa Trung cộng thì lúc trước đã là không ưa rồi vì vấn đề biển đảo và những điều Trung cộng làm ra đối với Việt Nam sau này như ô nhiễm môi trường chẳng hạn. Nhưng thực ra đại dịch này đã ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam nên càng làm cho họ ghét vì nguồn gốc bệnh là một, thứ hai nữa là chính vì cái không minh bạch thông tin (của Trung cộng) làm cho dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống xã hội”.

Blogger Nguyễn Đình Ngọc thì cho rằng tình trạng “chống Trung cộng” đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới trong thời gian đại dịch này, và sự ủng hộ của người Việt trong quyết định của Mỹ đối với WHO “hoàn toàn không mang tính chất thành kiến”.

Thế khó của WHO

Hoa Kỳ hiện là quốc gia tài trợ lớn nhất cho WHO, với hơn 400 triệu đô la trong năm ngoái, chiếm khoảng 15% ngân quỹ của tổ chức quốc tế này.

Dưới góc độ của một cựu chuyên gia làm việc nhiều năm cho Liên Hiệp Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng việc cắt ngân sách của Mỹ đối với WHO vào thời điểm này sẽ gây tác động “nghiêm trọng” trong hoạt động của WHO, đặc biệt là công tác phòng chống dịch tại những quốc gia nghèo như ở châu Phi.

TS. Vũ Quang Việt nói trong một tổ chức quốc tế như WHO, với các thành viên từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước như Hoa Kỳ, Trung cộng với tiếng nói có trọng lượng và tầm ảnh hưởng nhất định, thì việc đưa ra những quyết định quan trọng không hoàn toàn nằm ở WHO.

Ông đưa ra ví dụ điển hình về trường hợp của Đài Loan, khi hiện nay đang có không ít ý kiến chỉ trích WHO vì đã xử lý các vấn đề của đảo quốc này theo quan điểm đây là một phần của Trung cộng. Từ đó, dẫn đến những quy định, khuyến nghị và chính sách đối với Đài Loan tương tự như đối với Trung cộng.

“Trung cộng họ áp lực. Họ là một thành viên và còn là thành viên quan trọng của các tổ chức quốc tế nữa, nên họ sử dụng ảnh hưởng của mình để gạt Đài Loan ra khỏi WHO”, TS. Vũ Quang Việt cho biết, đồng thời chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân.

Trước kia tôi làm ở LHQ và phụ trách về vấn đề thống kê cũng vậy. Dĩ nhiên, tôi luôn luôn liên hệ với Đài Loan, dù là không chính thức, để lấy thông tin từ Đài Loan cho cái nhìn chung về thống kê của thế giới. Thế nhưng Trung cộng luôn luôn áp lực để mình không được nhận một cách chính thức và không đưa số liệu ra một cách chính thức được. Ngay cả quốc tế và Mỹ cũng công nhận Đài Loan là một tỉnh của Trung cộng, do đó nó có những biện pháp để ngăn cản các tổ chức quốc tế làm việc và có quan hệ với Đài Loan”.

Theo TS. Vũ Quang Việt, đối với những vấn đề về mang tính chính trị thì các tổ chức quốc tế như WHO khó lòng tránh khỏi ảnh hưởng của Trung cộng.

“Bất cứ ai ngồi ở WHO, làm Tổng giám đốc của WHO cũng rất khó trong vấn đề quyết định này”, TS. Vũ Quang Việt nói. Thậm chí theo ông, WHO còn không có quyền quyết định nữa.

Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng có các chuyên gia trong Tổ chức Y tế Thế giới. Vì vận, vấn đề không nhận thức đủ và sớm tầm nguy hiểm của chủng virus mới không hoàn toàn là lỗi của riêng WHO, chưa kể đến yếu tố hạn chế về tầm hiểu biết của con người nói chung đối với loại virus mới này.

Tính đến tối 16/4, virus corona đã lây nhiễm cho hơn 2,1 triệu người và giết chết hơn 141.000 người trên toàn thế giới.

Một kiến nghị kêu gọi Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO từ chức cũng đã nhận được hơn 966.000 chữ ký trong số một triệu chữ ký theo yêu cầu.

3 doanh nghiệp Little Saigon đòi Trung cộng đền 8 ngàn tỷ USD vì dịch Vũ Hán

Ba doanh nghiệp vùng Little Saigon vừa nộp đơn kiện Trung cộng hôm 8 Tháng Tư, đòi quốc gia này bồi thường 8,000 tỷ USD vì để đại dịch Vũ Hán lây lan ảnh hưởng thương vụ.

Đơn kiện được nộp tại tòa án liên bang ở Santa Ana, California.

Ba doanh nghiệp này là First Premier X LLC, Fountain Valley; The Little Saigon Chamber of Commerce (LSGCOC), Fountain Valley; và tổ chức Vietnamese American Culture and Education Foundation (VACEF), là một nhóm bao gồm một số luật sư di trú, theo trang Facebook của họ cho biết.

Luật Sư Từ Huy Hoàng, đại diện cho bên nguyên đơn, nói rằng: “Chúng tôi đệ đơn kiện giới chức y tế nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thiếu trách nhiệm, để một đại dịch bùng phát ở khắp nơi trên toàn thế giới, dẫn đến thảm họa kinh tế lớn nhất từ xưa đến nay”,


Theo trang web của LSGCOC, Luật Sư Hoàng cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức này.

Về thân chủ của mình, Luật Sư Hoàng cho biết: “Chúng tôi thay mặt cho các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ, nói chung, và California, nói riêng, tính sơ cũng phải vài chục ngàn doanh nghiệp là ít.”

Người Mỹ gốc Việt tham gia kiện Trung cộng về đại dịch Vũ Hán

Người Mỹ gốc Việt đang cùng “hàng nghìn nguyên đơn” tham gia kiện chính phủ Trung cộng vì để virus Corona lây lan và “đòi bồi thường hàng tỷ đôla” cho các thiệt hại về thể xác cũng như tài chính.

Theo hồ sơ do Công ty Luật Berman đệ trình lên tòa án ở tiểu bang Florida, vụ kiện đầu tiên nhắm vào Trung cộng và nhiều cơ quan chính quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới này vì “vai trò trong thất bại ngăn chặn COVID-19”.

Đơn kiện này cho rằng “thay vì cung cấp thông tin chính xác cho các nước khác trên thế giới, Trung cộng tích cực che giấu mối nguy hiểm, bóp méo thông tin quan trọng và bịt miệng các y bác sĩ lên tiếng về sự nghiêm trọng của virus này” và “vì thế, virus đã gây ra sự tàn phá ở phần còn lại của thế giới”.

Công ty Luật Berman còn nộp đơn kiện thứ hai “thay mặt cho tất cả các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu chống đại dịch COVID-19”.

Ông Vinh Vương, phát ngôn viên về hai vụ kiện của Công ty Luật Berman, “xác nhận” với VOA Việt Ngữ rằng cũng có người Mỹ gốc Việt tham gia vào bước đi pháp lý chống Trung cộng này, nói thêm rằng “vụ kiện đầu tiên đã có hơn 5 nghìn nguyên đơn, trong khi vụ thứ hai đã có hàng trăm y tá và bác sĩ tham gia”.

Phóng viên VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập con số “hơn 5 nghìn nguyên đơn” mà ông Vinh nêu lên.

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, tới ngày 16/4, Trung cộng chưa có bất kỳ phản ứng nào đối với hai vụ kiện được Công ty Luật Berman công bố lần lượt vào ngày 12/3 và 8/4.

Ông Vinh nói rằng hai vụ kiện trên nhắm mục tiêu buộc chính quyền cộng sản Trung cộng phải “công bố hơn 20 tài liệu và dữ liệu quan trọng họ đang giữ lại, mà chính phủ các nước và lãnh đạo y tế đang cần để hiểu rõ hơn về virus Corona” cũng như phải “bồi thường cho các hành động sai trái của họ cho các nạn nhân ở Mỹ”.

Theo hồ sơ vụ kiện, Công ty Luật Berman sử dụng Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài (FSIA), vốn cho phép các tòa án Hoa Kỳ thụ lý và xét xử ở Mỹ các vụ kiện chính phủ nước ngoài, làm căn cứ pháp lý để đâm đơn kiện chính quyền Trung cộng.

 VOA (16.04.2020)

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1565799&stc=1&d=1587054271