“Khi cả nước đang chịu khổ trong cơn dịch COVID-19 thì nhiều nhà hảo tâm đã lập “máy ATM gạo.” Bắt đầu ở Sài Gòn rồi từ từ mở rộng khắp nơi, ra tận Hà Nội.”
Suy nghĩ về ATM Gạo
Cả tuần nay tui suy nghĩ về cái ATM gạo cho người khó khăn trong mùa đại dịch. Đúng là rất hoan nghênh sáng kiến của người sinh ra nó, phải có tấm lòng với người hoạn nạn mới làm được thế. 1 kg5 gạo một ngày cho một gia đình cũng là tạm ổn trong thời kỳ con virus Vũ Hán tác oai tác quái. Người Việt nghèo ăn uống cũng dễ, chỉ cần có chai nước tương, hay chén nước mắm, hoặc hủ chao với mớ rau là cả nhà cũng xong bữa cơm. Lúc nào khá thì có thịt, có cá, chẳng sao cả. Thế nhưng tui vẫn áy náy chuyện không phát gạo cho người đi xe có vẻ đẹp, áo quần tươm tất, có vẻ có tiền, có vẻ sang, có vẻ giàu. Mấy cái có vẻ đó đã hại họ. Và các anh, chị nhà báo nông cạn được dịp dùng những từ rất khó nghe dành cho những người này. Tít báo gọi họ là “vô liêm sỉ”, “không biết nhục”, “cướp cơm của người nghèo”, “Bất lương”…Nghe nặng nề quá! Ngoại trừ những đám lãnh từ thiện có tổ chức, đầy lòng tham muốn vơ vét cho riêng mình, còn ngoài ra khi những người đứng vào xếp hàng để chờ lấy được miếng gạo giữa buổi trưa nắng như đổ lửa, họ cũng đã khổ tâm và đau lòng, mắc cỡ lắm rồi.
Bởi người xưa cũng đã nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu“. Những người ăn mặc tươm tất chưa hẳn là không gặp khó khăn trong cuộc sống. Tui vẫn nghĩ đã phát tâm làm từ thiện thì cũng đừng nên phân biệt người này kẻ nọ. Hoàn cảnh của mỗi người không thể giải bày ra bên ngoài được. Cũng có người tham lắm chứ không phải là không, nhưng mà như trong Đạo Phật dạy, người tham lam là tội của họ, họ sẽ chịu hậu quả.
Năm đầu tui vào Sài Gòn đi học, thời gian đầu đói lắm bởi đi học xa nhà mà chẳng có ai nuôi. Gia đình không phải là không có đến nỗi không gởi cho tui tiền nhưng vì nhiều lý do, tui rời nhà như người đi hoang, như kẻ bỏ nhà đi bụi. Và do xuất thân từ nền nếp của gia đình, được Ba Mạ tui dạy cung cách ăn mặc từ tấm bé, lúc nào tôi cũng chemise KT, quần Tergan hoặc Polyester đàng hoàng. Đi ra khỏi nhà là áo bỏ trong thùng, chân mang giày nghiêm chỉnh, nịt, vớ đầy đủ dù bụng đói meo. Từ nhỏ đã được dạy thế rồi. Thời kỳ đó đói vàng mắt, chỉ mong đến bữa có được chén cơm với muối cũng được, với xì dầu, nước mắm chi cũng được để qua cơn. Nếu lúc đó mà có cái ATM gạo như bây giờ với bộ dạng tui như thế, chắc bấm nút cả buổi gạo cũng không phun một hạt mà còn bị những ánh mắt khinh bỉ của những người chung quanh và sẽ bị báo chí cho là “vô liêm sỉ“.
Sau 1975 cũng thế, trước đó đi làm lương cao chất ngất nhưng không biết để dành, chẳng biết dè sẻn. Thế nên khi bộ đội vô đến Sài Gòn, mấy tháng sau là tui đói rã họng. Thời gian đầu còn sách, còn áo, còn quần để bán. Rồi đến lúc chẳng còn chi để bán ra chợ trời ngoài bộ đồ trên người. Không kiếm được việc làm, không còn tiền để sống nhưng ngày vẫn áo bỏ trong quần, giày vẫn có trong chân, tóc vẫn chải gọn ghẽ. Lúc đấy không ai biết tui đói đến xỉu, đói đến độ chẳng có chi để đi cầu, có chăng chỉ ra nước. Suốt ngày mặc đồ ra đường, đi lang thang kiếm miếng ăn, có lúc miếng khoai, có khi khúc sắn. Nhưng chẳng ai biết tui đang quằn quại vì đói đâu. Nếu như bây giờ với bề ngoài như thế mà đi xin gạo ăn chắc cũng bị lên án ngay.
Bây giờ, làm ăn, cày vỡ mật ngày đêm có được chút tiền, đến tuổi già tui lại ít chú ý đến ăn mặc. Sao cũng được, áo nhăn, quần bẩn tui vẫn thấy bình thường. Chẳng quan tâm đến bộ dạng sang hèn. Vì vậy tui lại nghĩ với cách ăn mặc của tui bây giờ mà xếp hàng bấm nút xin gạo, gạo lại sẽ tuôn ra ngay vì ông lão này nhìn luộm thuộm, nghèo hèn quá he..he. Có một lần ở Mỹ, vợ chồng người bạn chở tui đi chơi. Trong lúc anh bạn tui vào làm thủ tục lấy phòng khách sạn. Tui và vợ anh bạn ngồi trong xe, vợ bạn tui mới nói với tui đại khái là nghe nói tui ở bên Việt Nam làm ăn cũng khá mà sao tui ăn mặc áo quần rẻ tiền vậy? Tui giận trong lòng lắm mà chẳng biết trả lời sao. Chỉ cười cho qua chuyện. Đấy, người Việt ta thường thế đấy, cứ căn cứ cái vẻ bề ngoài mà kết luận sang hèn. Thật ra tui thấy mấy người đang làm từ thiện hiện nay thường ghi là giúp cho người đang gặp khó khăn. Sống trên đời, bình thường có thể gọi là tạm đủ nhưng lúc ngặt nghèo thì cũng là người đang gặp khó chứ.
Trong cuộc sống vẫn có những người “Đói cho sạch, rách cho thơm“, “giấy rách phải giữ lấy lề” dù khó khăn đến đâu vẫn phải giữ thể diện bằng cách lúc nào cũng phải tươm tất để mọi người không khinh, không coi thường. Đôi khi chính cái giữ cho thơm, giữ lấy lề đó lại bị lên án là bất lương, là cướp cơm của người nghèo. Khốn nạn thế! Cứ mãi căn cứ bề ngoài mà đánh giá nhiều khi lầm chết. Bởi thế rất nhiều người bị chúng lừa vì cái mã ngoài sang trọng, vàng giả, hột soàn giả đầy ngực, đầy tay. Cũng có người vì thấy người khác quần ngắn áo thun cứ nghĩ là nghèo mà khinh khi. Lầm chết thật! Và các chú, các cô nhà báo nữa, càng ngày các người càng dùng từ ngữ loạn xạ để đặt tít bài với cái đầu không não và trái tim hoá đá. Người viết báo quan trọng là phải có nhân cách và lương tâm, đừng vì câu độc giả mà biến mình thành những con thú cầm bút.
Sài Gòn mùa dịch vật
DODUYNGOC (18.04.2020)
***
Chuyện lạ ở thủ đô ngàn năm
Nguyễn Gia Việt
Phải nói là Hà Nội luôn muốn làm cái gì dù là đi sau cũng phải hơn Sài Gòn ,thí dụ năm nào Sài Gòn có hầm qua sông Thủ Thiêm thì Hà Nội lật đật trình dự án hầm qua …Hồ Tây.
Nay vụ ATM gạo thì nhìn vui chết bà!
Một trường đại học ở Hà Nội “sáng chế”cách cho gạo dân nghèo thủ đô mà rất “thông minh”.
Trước khi nhận gạo, người nghèo sẽ đứng trước camera và khai thông tin cá nhân, sau đó đến nhận gạo.Máy tính chụp hình lưu lại và đẩy thông tin cá nhân lên hệ thống.
Đó là “công nghệ nhận diện khuôn mặt” để quản lý người đến nhận gạo.
Tức là nguyên tắc mỗi người chỉ đến nhận gạo một lần/tuần, nếu đến lần thứ hai, hệ thống sẽ cảnh báo.
Ai bị cảnh báo sẽ ….quê xệ,thành người kỳ cục vì ham hố quá.
Lêu lêu mắc cỡ !
Mà cho có nhiều gì cho cam,mỗi người dân được nhận 3 kg/lần/tuần.
Trời ơi! sao đến nông nổi vậy? Lấy 3 kg gạo sao giống vô bộ công an làm hồ sơ đi Mỹ vậy?
Rồi khi bị cảnh báo có kể tới cảm giác bị mắc cỡ,bị nhìn ,bị dè bỉu không?
Tội hôn!
Quả thiệt có lẽ ban tổ chức ở đó hiểu lòng dạ dân ở đó chăng? không hạn chế thì không có của mà phát chăng? Dân rất mưu mẹo chăng?
Nhớ Bắc Hà có câu :”Bạc như dân, bất nhân như lính” kia mà. Lòng dạ Bắc Hà nhỏ hẹp và cạn hều đến độ thiên hạ thấy rõ ràng luôn.
Cái kiểu này chắc chắn không có người Nam nào dám nghĩ ra và áp dụng nó vì sợ làm tổn thương người nghèo nhận gạo.
Nhưng cũng có câu :”Miếng ăn là tiếng tồi tàn” thiệt .
Có ba ký gạo /tuần,vị chi ngày mấy chục hột ,làm khổ nhau chi vậy quới vụy “thủ đô ngàn năm văn hiến“?
Cũng là người cùng xứ mà ăn khó vậy,có sao tới dân trong Nam hỉ?
Biết thân phận rồi đó đa.
Nguyễn Gia Việt
***
Thông minh hay bất nhẫn
DODUYNGOC
Hôm nay đọc tin trên báo, thấy Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội đã chế tạo ra cái máy phát gạo cho người gặp khó khăn trong mùa đại dịch. Điều mà những người làm ra chiếc máy này tự hào là sẽ không người nào có thể gian lận để lãnh lần thứ hai. Để làm được điều đó, người xin gạo phải gỡ khẩu trang cho máy ghi hình nhận diện, khai rõ họ tên khi đứng trước hệ thống máy quét, đồng thời cung cấp địa chỉ, hệ thống sẽ ghi lại gương mặt, giọng nói. Đây cũng là phần mềm do cán bộ công nghệ thông tin của trường tự thiết kế, đảm bảo nguyên tắc trong 1 tuần, 1 người chỉ được nhận 1 lần.
Trong chuyện làm từ thiện, việc có nhiều người có lòng tham cũng có, họ sẽ tìm cách lấy cho mình đôi ba phần, điều đó là chuyện không tránh khỏi, nhưng đó không phải là chuyện phải băn khoăn. Tuy nhiên phải hiểu rằng có trường hợp những người vì tuổi già, sức yếu, những người bị bệnh tật phải nằm một chỗ, họ cũng đang thiếu ăn, họ cũng đang ngặt nghèo hơn cả những người đi đến chỗ phát gạo để lãnh một suất từ thiện. Họ phải nhờ hàng xóm, người thân xin giúp một phần để qua cơn đói, nhưng như thế này thì họ đành thua. Hơn nữa, chỉ để lãnh được 3kg gạo mỗi tuần, thật sự trị giá cũng không bao nhiêu mà họ phải bị chụp hình, phải khai tên họ, địa chỉ nhà cửa, phải bị ghi hình, tiếng nói thì nghĩ có vẽ nhẫn tâm quá. Dùng chữ “máy thông minh” nghe cũng khiên cưỡng vì với các thiết bị máy móc thông thường hiện nay, việc ghi hình và giọng nói là chuyện quá tầm thường, có gì mà phải gọi là thông minh để xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Người càng nghèo càng nhiều tự ái, bởi họ mang mặc cảm trong người. Cho tiền một người hành khất mà hỏi tên họ, địa chỉ nhà cửa là sẽ bị khó chịu ngay. Nếu đưa máy lên chụp hình nữa thì chắc là bị chửi thầm hay bị phản ứng công khai ra mặt giúp một người nào đó mà đào sâu nhân thân của họ cũng sẽ nhận lấy thái độ thiếu thiện cảm vì họ cho là bị xúc phạm. Người nghèo thường dấu thân phận của mình, bây giờ lãnh mấy ký lô gạo lại bị lột trần dưới mắt mọi người, họ đau chứ, họ cảm thấy nhục chứ. Thế là từ việc có lòng tốt giúp người trở thành kẻ bất nhẫn và lố bịch. Đã làm từ thiện thì phải chấp nhận những trường hợp người tham, người gian, nhưng cũng nên hỷ xả thì việc làm tốt của mình sẽ càng tốt đẹp hơn. Kỹ lưỡng, ky bo, nguyên tắc quá sẽ chẳng hay chút nào.
Trong các bệnh viện, ở các quán cơm từ thiện phát cơm hay bán cơm giá rẻ hàng ngày ở Sài Gòn, không bao giờ có chuyện hỏi tên tuổi, hoàn cảnh hay bị chụp hình lưu trữ. Ai cảm thấy thiếu thì lấy, ai cảm thấy đói thì ăn. Họ vui vẻ và cám ơn người tặng, kẻ cho chứ không cảm thấy nhục, thấy bị xúc phạm như kiểu lãnh gạo phải khai báo như thế này.
Những người chế ra cách kiểm soát này có lòng tốt giúp người gặp hoạn bạn đấy nhưng đó chỉ là thái độ ban phát, thiếu sự đồng cảm, vẫn là tư thế của kẻ giàu ban ân huệ cho người nghèo. Nói chính xác hơn họ thiếu cái tâm thiện cho nên cái máy được gọi là thông minh biến thành cái máy điều tra bất nhẫn, mất tình người. Người xưa thường bảo “Của cho không bằng cách cho“. Kiểu cho như thế này không thể gọi là làm từ thiện. Ngay thời nạn đói năm 1945, những cuộc phát chẩn gạo cháo cũng không có hành vi bất nhẫn và xúc phạm phẩm giá như thế này. Người nghèo nhận được mấy ký gạo nhưng họ sẽ thêm tủi thân, buồn phận.
Mùa đại dịch
DODUYNGOC (18.04.2020)
***
Sài Gòn không vội, Hà Nội không chờ – câu chuyện máy ATM gạo
Ku Búa
Chắc không có một dân tộc nào trải qua nhiều đau thương dưới một cơ chế toàn trị như dân tộc Việt Nam. Tuy đã thống nhất, nhưng nhiều di sản thời tàn khốc trước đây vẫn còn được trông thấy rõ rệt. Nếu muốn thấy dấu vết của kinh tế thị trường, thì hãy vào Sài Gòn. Còn nếu muốn thấy sự huỷ diệt của chế độ độc tài, thì hãy ra Hà Nội. Tuy bây giờ khoảng cách đã được thu hẹp nhưng vẫn còn nhiều sự khác biệt.
Mấy ngày nay khi cả nước đang chịu khổ trong cơn dịch COVID-19 thì nhiều nhà hảo tâm đã lập “máy ATM gạo.” Bắt đầu ở Sài Gòn rồi từ từ mở rộng ra Hà Nội. Đây là hai khu vực cần được hỗ trợ nhất vì đa số người là dân lao động phổ thông. Vì chính phủ ra lệnh cách ly toàn quốc nên các hàng quán không mở cửa. Kéo theo đó là hàng triệu người bỗng nhiên không có việc làm và thu nhập. Họ đành phải sống qua ngày dựa trên số tiền dư và lòng hảo tâm của người khác.
Máy ATM thật sáng tạo. Bạn chỉ cần đến đó, bấm nút thì gạo bên trong sẽ được chạy ra. Nó tiết kiệm chi phí nhân công rất nhiều. Thay vì phải có vài người canh thì ai cần thì tới lấy. Khi triển khai ở Sài Gòn thì được đón nhận, đa số đều xếp hàng để chờ đến lượt mình trong sự trật tự.
Nhưng khi ra Hà Nội thì thay vì có sự yên bình, chúng ta có sự hỗn loạn. Ở một vài địa điểm, người dân khi đến lấy gạo thì lại chen lấn nhau, khiến tình hình trở nên mất kiểm soát. Để giải quyết vấn đề thì các tổ chức thiện nguyện đành cử người đứng canh để mọi người yên tâm. Chỉ khi làm vậy thì mới làm chủ được tình hình.
Sự khác biệt trong cách ứng xử này nói lên ít nhiều về di sản hai cơ chế trước đây. Chỉ là chúng ta không chịu suy ngẫm.
Người Sài Gòn may mắn được sống qua một thời dưới nền kinh tế thị trường và tự do. Vì thế nên lương thực đầy đủ, nhà nhà ấm no. Thiếu đồ ăn là một điều gì đó rất hiếm và xa vời. Đa số chưa bao giờ trải qua cảm giác đó cho đến cái ngày gọi là thống nhất. Cộng với sự cởi mở của một chính quyền dân chủ không hoàn hảo, con người trở nên tử tế. Tới bây giờ bạn vẫn còn thấy điều đó. Khi đến nhận gạo, họ không chen lấn mà chờ. Vì họ biết rằng mình sẽ có phần và có niềm tin.
Người Hà Nội thì ngược lại, không có sự may mắn đó. Khi chính quyền độc tài kia kiểm soát thành phố và phân nửa đất nước từ vĩ tuyến mười bảy trở lên, người dân phải trải qua sự đói khổ quanh năm suốt tháng. Dưới chính sách kinh tế tập trung, lương thực trở nên khan hiếm. Dưới sự toàn trị, người dân trở nên dối trá vì phải coi nhau là địch thủ để tồn tại. Muốn gì thì cũng phải có tem phiếu, khi đến cửa hàng mậu dịch nhà nước thì chưa chắc có thể mua được. Đói khát trở thành lẽ thường và hỗn loạn trở thành quy luật.
Chỉ cần thả lỏng một chút thôi thì con người sẽ biến thành những vật thể rừng rú. Họ sẽ tranh giành nhau miếng ăn với tinh thần một mất một còn. Vì số lượng đồ ăn có giới hạn nên chẳng ai có niềm tin về tương lai nữa. Ngày qua ngày, năm qua năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ sống với tư duy chen lấn để bản thân không phải chịu thiệt.
Đó là vì sao khi đứng chờ phát gạo, họ mất đi sự kiên nhẫn vì thói sống thời bao cấp vẫn còn in sâu trong máu của nhiều người. Các bạn trẻ thì ít nhưng những người lớn tuổi thì vẫn bị ảnh hưởng phần nào bởi thời đói khổ đó. Cho nên các nhóm phải cử người ra canh để giữ gìn nề nếp.
Có một chút buồn và mắc cười. Nhưng sau những giây phút mệt mỏi thì tất cả đều đi vào trật tự. Hình ảnh những người cần sự giúp đỡ mỉm cười vì được cứu đói cho chúng ta hy vọng về tương lai. Trong khủng hoảng chỉ có con người và con người với nhau.
Nhìn về tương lai, nhưng đừng quên lịch sử. Chúng ta thấy di sản của sự khác biệt giữa cơ chế. Một dân tộc, hai con người. Sài Gòn không vội, Hà Nội không chờ. Hãy mỉm cười và cùng vượt qua.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa (15.04.2020)
***