Bộ Ngoại giao Trung cộng lớn tiếng đe dọa Việt Nam về Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng (ảnh tư liệu, tháng 3/2020)
Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 21/4 nói rằng họ vừa “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả điều mà họ gọi là “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam [tức Biển Đông]”, theo tin của Reuters và The Beijing News.
Tin cho hay ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng, nói tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng kể từ cuối tháng 3 vừa qua, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi một số công hàm tới Tổng Thư ký LHQ, “liên tục tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp” tại Biển Đông, cũng như “cố phủ nhận” chủ quyền và các quyền của Trung cộng ở vùng biển này.
“Trung cộng kiên quyết phản đối điều đó và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam”, ông Cảnh Sảng tuyên bố, vẫn theo tin của Reuters và The Beijing News.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng tiếp đến nhấn mạnh rằng bất kỳ nước nào cố phủ nhận chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông dưới bất kỳ hình thức nào đều là “vô hiệu” và “chắc chắn sẽ thất bại”, bản tin của Reuters và The Beijing News cho biết.
“Trung cộng sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông]”, ông Cảnh Sảng nói.
Theo quan sát của VOA, cho đến khi bản tin này được đăng, phía Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức nào về tuyên bố mới nhất của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng.
Các tàu cảnh sát biển VN và TC vờn nhau ở Biển Đông hồi tháng 5/2014
Trước đó, như VOA đã đưa tin, Việt Nam đã phản đối những nỗ lực bành trướng của Trung cộng tại vùng biển tranh chấp, bao gồm cả việc gửi tuyên bố chủ quyền đến LHQ.
Một số nhà phân tích và quan sát nhận định với VOA rằng cụm từ “mọi biện pháp cần thiết” trong tuyên bố hôm 21/4 của phía Trung cộng là rất đáng lưu ý vì nó có hàm ý đe dọa, cũng như không loại trừ việc Trung cộng tiến tới sử dụng biện pháp quân sự.
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 4 ngày, Trung cộng nói bóng gió đến việc sử dụng vũ lực, theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông.
Ông Việt nhắc đến công hàm hôm 17/4 của Trung cộng gửi đến Tổng Thư ký LHQ để phản đối Việt Nam, trong đó có đoạn: “Trung cộng kiên quyết đòi Việt Nam phải rút mọi lực lượng và phương tiện khỏi các đảo và đá mà nước này đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp” ở quần đảo Trường Sa.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định với VOA về những tín hiệu liên tiếp phát đi từ Trung cộng trong ít ngày qua:
“Rất có khả năng là lúc này, Trung cộng có thể sẽ có hành động mạnh tay hơn ở khu vực Biển Đông”.
Đối sách của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, theo ông Hoàng Việt, là “phải giữ vững được thực địa” kết hợp với các biện pháp ngoại giao, hòa bình. Ông nói thêm với VOA:
“Việt Nam đang chiếm giữ, kiểm soát tất cả là 21 cấu trúc ở Trường Sa, cũng như các giàn ĐK, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thì Việt Nam phải kiên quyết giữ vững được. Nếu không giữ vững được thì có thể bị đe dọa rất là lớn. Việt Nam cần tiếp tục gửi công hàm, và Việt Nam phải vận động các quốc gia trực tiếp liên quan như Mã Lai, Phi Luật Tân cũng phải gửi công hàm lên tiếng cho trường hợp này”.
Một điểm trú đóng của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa (ảnh tư liệu, tháng 4/2010)
Trên bình diện rộng hơn, ông Việt, thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển, thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề xuất Việt Nam tận dụng vị thế chủ tịch đương nhiệm của khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) để làm việc cùng các thành viên và đưa ra một tuyên bố chung. Thêm vào đó, Việt Nam cần kêu gọi sự lên tiếng của các nước khác trong cộng đồng quốc tế, vẫn theo lời thạc sĩ Hoàng Việt.
Biện pháp thứ tư trong số các đối sách là Việt Nam khởi kiện Trung cộng ra tòa quốc tế, nếu cần thiết, ông Hoàng Việt nói với VOA.
Trong bối cảnh tình hình mỗi lúc một căng thẳng thêm, nhà nghiên cứu này cảnh báo rằng Việt Nam cần giữ bình tĩnh trước các hành vi khiêu khích, hay còn gọi là “dưới ngưỡng chiến tranh”, của Trung cộng:
“Có những phân tích cho rằng Trung cộng sẽ bao vây, chặn các đường tiếp tế của phía Việt Nam đến các đảo ở khu vực Trường Sa hoặc các dàn ĐK. Đấy là những việc Việt Nam phải tính đến, làm sao vừa bảo vệ được mình mà không mắc bẫy của Trung cộng vào chuyện nổ súng trước hoặc khiêu khích Trung cộng, để Trung cộng tạo cớ”.
Về nguyên nhân Trung cộng trở nên hung hăng hơn trong giai đoạn hiện nay, ông Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển, thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhận định với VOA rằng nhà lãnh đạo tối cao của Trung cộng, ông Tập Cận Bình, có thể đã và đang gặp những thách thức chính trị nội bộ trong bối cảnh kinh tế năm qua sụt giảm vì thương chiến với Mỹ, nên ông Tập muốn hướng sự chú ý ra bên ngoài, đặc biệt nhắm đến Biển Đông.
Bên cạnh đó, vẫn theo thạc sĩ Hoàng Việt, tình hình quốc tế hiện cũng đang có thuận lợi cho Trung cộng theo đuổi các mục đích của họ ở Biển Đông, khi các nước bận rộn đối phó với dịch Covid-19, trong đó, Hải quân Mỹ đang tạm thời suy giảm sức mạnh vì hai tàu sân bay có nhiều thủy thủ bị nhiễm bệnh, phải dừng hoạt động.
VOA (21.04.2020)
Trung cộng tự ý đặt tên cho 80 đảo và thực thể ở Biển Đông
Chính quyền Trung cộng ngày 19/4 đã công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’ và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông. Trong số này có những điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung cộng dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp thành đảo nhân tạo. (Ảnh qua tuoitre)
Theo Thời báo Hoàn Cầu (một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của Trung cộng) thì vào ngày 19/4, Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung cộng đã tự đặt tên cho ‘25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông’.
Ngoài việc ngang nhiên đặt tên cho các thực thể này, phía Trung cộng còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng.
Điều đáng nói là từ các tọa độ do phía Trung cộng công bố có thể thấy phần lớn các đảo, bãi đá ngầm này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Có cả những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Trong số đó có thể kể đến một thực thể nằm ở phía Bắc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đặt tên để phản ánh chủ quyền của Trung cộng
Không dừng lại ở đó, Thời báo Hoàn Cầu còn dẫn lời Qian Feng, một chuyên gia thuộc Trường đại học Thanh Hoa (Trung cộng), cho rằng việc đặt tên phản ánh cái gọi là chủ quyền của Trung cộng đối với những thực thể trên.
Động thái này của Trung cộng diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập 2 huyện hành chính quản lý Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) vào ngày 18/4.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lập tức lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung cộng hủy bỏ quyết định sai trái này.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định điều này.
Yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam…. Việt Nam yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung cộng chiếm đóng trái phép. (Ảnh qua nld)
Trước đó vào ngày 17/4, trong một tài liệu đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, chính quyền Trung cộng cũng đã cáo buộc Việt Nam ‘đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung cộng hòng tạo ra tranh chấp’.
Trung cộng hiện đang là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14/3/1988, Trung cộng đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giết hại 64 cán bộ Việt Nam…
Vũ Tuấn (t/h)21.04.2020
Theo Tinhhoa.net
Hoa Kỳ xác nhận có 2 tàu chiến đang hoạt động trên Biển Đông
Phát ngôn viên Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ xác nhận tàu đổ bộ USS America và tuần dương hạm USS Bunker Hill đang hoạt động trên Biển Đông.
Bà Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 21/4 cho biết tàu đổ bộ USS America và tuần dương hạm USS Bunker Hill, đang thuộc biên chế của Hạm đội 7, đã được triển khai đến Biển Đông.
“Thông qua hiện diện hoạt động tiếp nối trên Biển Đông, chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, các tiêu chí quốc tế nền tảng cho an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương“, bà Schwegan trả lời với hãng tin Reuters.
“Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác tự định đoạt quyền lợi kinh tế của riêng mình”, bà nhấn mạnh.
Thông điệp được Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương công bố sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/4 đăng tải các hình ảnh tàu đổ bộ USS America diễn tập trên Biển Đông.
Trang tin của Học viện Hải quân Mỹ, USNI News, ngày 20/4 cũng cho biết tàu USS America đang hướng đến vùng biển có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8) và nhóm tàu hộ tống Trung cộng ngoài khơi Mã lai.
Tàu đổ bộ USS America hoạt động trên Biển Đông ngày 19/4. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm tác chiến Viễn chinh USS America (với tàu đổ bộ cùng tên đóng vai trò soái hạm), xác nhận lực lượng của ông đã có giao thiệp với các lực lượng hải quân Trung cộng trên Biển Đông vào tuần này.
“Mọi tương tác từ chúng tôi đến phía họ tiếp tục diễn ra một cách an toàn và chuyên nghiệp”, ông Kacher trả lời Reuters từ trên tàu USS America.
Bà Schwegman không nêu cụ thể vị trí của hai tàu chiến Mỹ đang hoạt động. Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin quốc phòng cho rằng USS America và USS Bunker Hill đang ở gần HD-8 của Trung cộng và tàu West Capella do công ty năng lượng Petronas của Mã lai điều hành.
Bộ Ngoại giao Trung cộng phủ nhận xảy ra “đối đầu” với tàu Mã lai trên vùng biển phía nam Biển Đông. Họ khẳng định tàu HD-8 chỉ tiến hành các hoạt động bình thường.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/4 lên tiếng bày tỏ quan ngại trước thông tin về “những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung cộng nhắm đến hoạt động phát triển dầu và khí đốt xa bờ”.
Phía Mỹ lên án các hành động của Trung cộng đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời yêu cầu Trung cộng “chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt” với các bên còn lại trong vấn đề Biển Đông.
Trả lời câu hỏi về thông tin nhóm tàu HD-8 đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EZZ) của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sáng 15/4 cho biết “các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông”.
VietBF (21.04.2020)
Thiết lập “quận Tây Sa và Nam Sa” tại Biển Đông: Trung cộng thực hiện lộ trình đã vạch từ trước
© Flickr / stratman
Âm mưu trước mắt của Trung cộng khi lập ra các đơn vị hành chính “quận Tây Sa và Nam Sa” là để có cớ “dân sự hóa” những vị trí mà trước đó Trung cộng đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực quân sự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Ngày 18/4, Trung cộng đã thông báo việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Việt Nam phản đối mạnh mẽ động thái trên của Trung cộng, khẳng định chủ quyền của mình tại lãnh thổ nói trên, yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về mục đích của Trung cộng và những hành động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông tiếp theo của Việt Nam, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia, nhà phân tích những vấn đề thời sự quốc tế Nguyễn Minh Hoàng.
Âm mưu trước mắt và sâu xa của Trung cộng khi thiết lập hai đơn vị hành chính Tây Sa và Nam Sa tại Biển Đông
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Hoàng, theo ông, việc lập “quận Tây Sa và Nam Sa” của Trung cộng ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nói lên điều gì?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Có thể khẳng định ngay một điều rằng việc Trung cộng lập các đơn vị quản lý hành chính cấp quận (huyện) đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam (Trung cộng gọi là Tây Sa và Nam Sa) là hoàn toàn phi pháp. Hành động pháp lý của Trung cộng lại chính là hành động vô pháp vô thiên. Bởi nó không chỉ xâm phạm về pháp lý đối với các thực thể địa lý mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trước đó rất lâu bằng việc thành lập huyện Hoàng Sa từ ngày 19-12-1982 thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ (nay thuộc thành phố Đà Nẵng) và thành lập huyện Trường Sa ngày 8-12-1982 thuộc tỉnh Đồng Nai cũ (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa).
Hành động này còn vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982) khi Trung cộng đang cố tình biến vùng không có tránh chấp thành vùng tranh chấp và rồi từ đó biến vùng tranh chấp thành vùng chủ quyền một cách bất hợp pháp. Hành động đó cũng thể hiện việc Trung cộng cố tình phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế PCA, trong đó, phủ nhận hoàn toàn những lập luận của Trung cộng về cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay có thể gọi nôm na là “đường lưỡi bò”.
Âm mưu trước mắt của Trung cộng khi lập ra các đơn vị hành chính này là để có cớ “dân sự hóa” những vị trí mà trước đó Trung cộng đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực quân sự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Còn âm mưu sâu xa của Trung cộng là tạo nên “một sự đã rồi” nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán với Việt Nam và các nước ASEASN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và thậm chí là chèn ép, buộc các nước ASEAN phải thông qua một thỏa thuận có lợi cho Trung cộng; nếu không, Trung cộng sẵn sàng phá hoại các cuộc đàm phán này, nếu nó không đem lại một thỏa thuận có lợi cho Trung cộng.
Trung cộng thực hiện lộ trình đã vạch từ trước
Sputnik: Có phải Trung cộng cố tình lập quận vào thời gian này, khi cả thế giới đang chú tâm vào việc chống đại dịch COVID-19 hay đây là bước đi có kế hoạch từ trước?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Âm mưu thành lập các đơn vị hành chính trái phép của Trung cộng ở Hoàng Sa và Trường Sa không phải đến bây giờ mới có mà nó nằm trong một lộ trình đã được Trung cộng vạch ra từ trước, khi họ khăng khăng níu giữ quan điểm sai – cái gọi là “vùng nước lịch sử” (tức đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Giờ đây, lợi dụng tình hình thế giới đang bận đối phó với đại dịch COVID-19, Trung cộng mới hiện thực hóa âm mưu đó.
Những hành động bảo vệ chủ quyền tiếp theo của Việt Nam
Sputnik: Để tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình, những hành động tiếp theo của Việt Nam sẽ là gì ?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Vì hành động của Trung cộng (lập ra các đơn vị hành chính “quận Tây Sa và Nam Sa” ) là hành động có tính phi quân sự nên Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phi quân sự để đối phó lại với Trung cộng, bao gồm cả đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý cũng như việc sử dụng các lực lượng phòng vệ dân sự để bảo vệ chủ quyền của mình trên các thực thể địa lý mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả hai huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Việt Nam cũng sẽ tận dụng mọi diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, các Hội nghị an ninh thế giới và khu vực để phản bác những hành động sai trái của phía Trung cộng, đồng thời không loại trừ việc sử dụng các biện pháp pháp lý thông qua tòa án quốc tế để buộc Trung cộng phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặt khác, Việt Nam cũng hết sức cảnh giác, đề phòng các thế lực phản động thù địch lợi dụng hành động phi pháp của phía Trung cộng để kích động bạo loạn, làm xấu đi tình hình quan hệ đối ngoại và đối nội của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng đối thoại với Trung cộng để giải quyết mâu thuẫn, không để vấn đề chủ quyền đối với hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ kinh tế và dân sự khác giữa hai nước, đặc biệt là trong thời điểm thế giới đang bận đối phó với đại dịch COVID-19 và chuẩn bị phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Sputnik: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Sputnik (20.04.2020)
Biển Đông : Chiến lược giữ chủ quyền bằng tầu hải cảnh của Việt Nam và các nước láng giềng
Một tầu hải cảnh Trung cộng bắn vòi rồng vào tầu tuần tra Việt Nam ở Biển Đông, ngày 02/05/2019. REUTERS/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters
Cơn khát tài nguyên biển đã khiến Trung cộng ngày càng hung hăng hơn. Trung cộng liên tiếp gây sức ép với các nước láng giềng cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và hăm dọa đối thủ bằng đội tầu chấp pháp (tầu « vỏ trắng »), lực lượng dân quân biển và ngư dân, được quân đội đào tạo bài bản.
Đây là nhận định của ông Martin A. Sebastian, giám đốc Trung tâm vì An ninh và Ngoại giao Hàng hải, thuộc Viện Hàng hải Mã Lai, trong bài tham luận đăng trong Nghiên cứu số 73 « Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á » (Etude n°73 : La Diplomatie des gardes-côtes en Asie du Sud-Est), do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) phát hành tháng 03/2020.
Tầu hải cảnh, cùng với lực lượng dân quân biển và ngư dân đóng vai trò gì, có công dụng như thế nào trong chiến lược bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam, cũng như của các nước khác trong khu vực ? Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, một trong hai giám đốc phụ trách tập Nghiên cứu số 73, lần lượt giải thích một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.
*****
RFI : Thưa ông Benoît de Tréglodé, Nghiên cứu số 73 – « Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á » – của Viện IRSEM nhấn mạnh đến sự hiện diện ngày càng thường xuyên của các đội tầu hải cảnh, còn được gọi là tầu « vỏ trắng » ở các vùng biển Đông Nam Á. Xu hướng này được giải thích như thế nào ?
Benoît de Tréglodé : Chị có lý khi nhấn mạnh đến « tầu vỏ trắng ». Về mặt ngữ nghĩa, người ta xếp tầu « vỏ trắng », có nghĩa là tầu tuần duyên, bên cạnh tầu « vỏ xám », tức là tầu của các lực lượng hải quân các nước trong vùng.
Đúng là từ ba thập niên nay, Biển Đông là một khu vực có nhiều nhập nhằng chiến lược sâu sắc khiến các nước láng giềng phải tính đến những phương tiện khác để xây dựng khả năng phản ứng ngoài khơi của họ và thoát khỏi những phương pháp truyền thống, mà vào lúc đó họ không có biện pháp nào hơn, như kiểu tầu hải quân có nguy cơ dẫn đến xung đột liên quốc gia. Vì thế, cần phải xây dựng những phương tiện khác để có thể khẳng định chủ quyền trong một vùng đặc trưng bởi tính mập mờ chiến lược, bởi những vùng xám và thiếu rõ ràng về chủ quyền.
Vì vậy, phải tìm ra được một công cụ mới, một nhân tố mới để có thể hành động trên thực địa. Và tầu hải cảnh được sử dụng vào mục đích đó. Nhưng cũng cần phải đặt lại hiện tượng này vào bối cảnh lịch sử : Quyết định dùng tầu hải cảnh được Trung cộng đưa ra vào nửa sau thập niên 1990. Sau đó, toàn bộ các nước trong vùng có tranh chấp theo đuổi ý tưởng này. Việt Nam cũng làm tương tự, tương đối muộn, bằng cách thông qua luật về lực lượng Cảnh sát biển vào cuối những năm 2000.
RFI : Trung cộng có chiến lược gì khi sử dụng tầu hải cảnh trong vùng ? Đâu là khả năng của Việt Nam, cũng như các nước trong vùng, hiện có tranh chấp với Trung cộng ?
Benoît de Tréglodé : Phải trở lại sự khác biệt về các loại tầu. Ban đầu, các tầu hải cảnh làm đúng nhiệm vụ cảnh sát biển. Chúng xuất hiện ở đó để buộc tuân thủ trật tự, quy định trong vùng biển của một nước, cũng như làm nhiều nhiệm vụ khác như bảo vệ môi trường, cứu hộ ngoài khơi… Còn các tầu « vỏ xám » của lực lượng hải quân là một công cụ cho chính sách đối ngoại, làm nhiệm vụ hoàn toàn khác.
Có một điều thú vị cần nhắc đến, nếu chú ý đến sự thay đổi hoạt động trong khu vực này từ cuối những năm 2010, đó là, từ giờ, chính đội tầu hải cảnh lại đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tối cao, có nghĩa là bảo vệ chủ quyền. Nhiệm vụ này không hề được dự kiến ban đầu. Như vậy, có một sự thay đổi hợp lý, như trông đợi, nhưng quan trọng để hiểu được hành động của tầu hải cảnh trong khu vực. Lực lượng này đang từng bước trở thành công cụ bảo vệ quốc gia và điều này hoàn toàn thay đổi so với nhiệm vụ ban đầu.
Tiếc là có khá ít nghiên cứu về lực lượng hải cảnh ở Biển Đông. Nhưng đội ngũ này lại trở thành lực lượng trung tâm trong việc tái triển khai các hoạt động ở Biển Đông từ 30 năm nay, dù lực lượng này được phát hiện hơi muộn.
Tôi xin nhắc lại một trong những hành động mang tính biểu tượng, đó là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, được ký năm 2000, nhấn mạnh đến hợp tác song phương về an ninh giữa hai nước. Đó chính là một thỏa thuận về cảnh sát biển.
Điều thú vị hiện nay, dường như cả một bộ máy hành chính được triển khai ở Việt Nam, cũng như ở Phi Luật tân, Mã Lai và dĩ nhiên là cả Trung cộng, để triển khai và hiện đại hóa lực lượng ngư dân để có thể năng động hơn trên thực địa nhằm giúp Nhà nước truyền thông điệp mà không cần gây xung đột vũ trang, quá trực diện và quá nghiêm trọng. Đây là lực lượng ở cấp thấp hơn nhưng phục vụ cùng mục đích.
Rõ ràng vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 là một bằng chứng cho việc sử dụng những tác nhân mới nhằm phát đi tín hiệu chính trị đối với một Nhà nước. Và hình thức này sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai. Tại vì, cứ thử hình dung rằng nếu xảy ra một sự cố giữa tầu tuần tra thì sẽ gây ra những hậu quả chính trị nặng nề. Còn nếu xảy ra với đội dân quân biển, thì thiệt hại ít hơn, ít tốn kém hơn, trong khi cả hai kiểu đều cùng hướng đến một mục tiêu.
RFI : Tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động ở Biển Đông và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 04/2020. Đi kèm con tầu này là đội tầu hải cảnh và dân quân biển. Lực lượng này có nhiệm vụ gì ?
Benoît de Tréglodé : Một lần nữa, phải nhắc lại là tham vọng hành động của các nước quanh Biển Đông là sử dụng mọi mặt, từ lực lượng hải quân, để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ. Đây là hành động mà tất cả các nước trong vùng đang tiến hành. Đúng là hiện nay, tầu « vỏ xám » được sử dụng ít hơn, trong khi tầu « vỏ trắng » lại hoạt động thường xuyên hơn từ khoảng 20 năm.
Giờ xuất hiện thêm nhiều yếu tố khác, như lực lượng dân quân biển và lực lượng ngư dân. Toàn bộ các lực lượng trên biển chủ chốt này đều được các nước sử dụng để khẳng định sự hiện diện trên thực địa.
Trong một vùng có tranh chấp giữa hai nước, lấy ví dụ Trung cộng và Việt Nam, song song với những tranh chấp, hai nước lại có chính sách hợp tác kinh tế quan trọng và mạnh mẽ, nên khó sử dụng được những nhân tố công kích như Hải quân Quốc gia. Vì thế họ sử dụng những phương tiện « trung lập » hơn, như lực lượng hải cảnh. Nhưng hiện tại, lực lượng này không đủ, nên họ sử dụng cả những lực lượng còn « trung lập » hơn nữa, đó là đội dân quân biển và ngư dân. Có nghĩa là sử dụng cả ba cấp độ khác nhau để khẳng định chung một điều : Hiện diện trên thực địa đang có tranh chấp.
RFI : Liệu Trung cộng có tranh thủ thời cơ đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để tăng cường hoạt động ở Biển Đông không ?
Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ rằng sự kiện hôm 02/04/2020 một tầu cá Việt Nam bị tầu Trung cộng đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa không được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược hàng hải Trung cộng trong giai đoạn dịch Covid-19.
Các tầu của lực lượng dân quân biển hoặc ngư dân Việt Nam và Trung cộng trong vùng biển tranh chấp luôn chơi trò « mèo đuổi chuột ». Đây là điều thường xuyên xảy ra, mà sự kiện gần nhất là vào đầu tháng 04/2020. Tiếp theo là việc tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi không biết là có nên xem đó là chính sách tổng thể của Bắc Kinh hay không, trong một năm được cho là rất quan trọng đối với các lợi ích của Trung cộng ở Biển Đông.
Tôi xin nhắc lại là Trung cộng muốn các cuộc đàm phán gay go về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông mang lại kết quả. Vì thế, phải hỏi ngược lại : Bắc Kinh có lợi gì khi đổ thêm dầu vào lửa trong khu vực này vào năm 2020 và tranh thủ sự lơ là của nhiều nước đang phải chật vật xử lý khủng hoảng Covid-19 ? Thực sự, tôi không tin đây là món quà trời ban cho chính sách ngoại giao hàng hải của Trung cộng trong năm nay.
RFI : Đầu năm 2020, Trung cộng tập trận chống tầu ngầm ở phía bắc Biển Đông. Tầu sân bay Liêu Ninh cũng có kế hoạch tập trận trong khu vực. Phải hiểu những sự kiện này như thế nào ?
Benoît de Tréglodé : Từ đầu năm đến tháng Tư này, hải quân Trung cộng có hai sự kiện khá quan trọng. Đầu tiên là cuộc tập trận chống tầu ngầm diễn ra ở phía bắc Biển Đông. Thứ hai là các bài tập cất cánh và hạ cánh trên tầu sân bay Liêu Ninh, ở cùng khu vực. Hai sự kiện này cho thấy điều gì ? Chúng chứng minh rằng Bắc Kinh muốn cải thiện khả năng hoạt động của lực lượng hải quân trong khu vực. Điều này không cho thấy có một bước ngoặt hoặc ý định khẩn trương chiếm thêm đảo mà chỉ chứng minh Trung cộng muốn khẳng định chính sách hàng hải xứng tầm một cường quốc.
Việt Nam cũng đang chứng minh tương tự, khi muốn trở thành cường quốc hàng hải từ nay đến năm 2030. Luật Cảnh sát biển, tăng cường trang thiết bị hàng hải, rồi tầu cá của ngư dân, hiện đại hóa chương trình tầu « vỏ xám » của Hải Quân Việt Nam đều nằm trong chiến lược này. Và đây cũng là chiến lược chung của rất nhiều nước trong khu vực.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
RFI (20.04.2020)
Cựu Ngoại trưởng Phi Luật tân, chuyên gia Úc phản kháng Trung cộng vụ thành lập “thành phố Tam Sa”
Cựu Ngoại trưởng Phi Luật tân kêu gọi phản đối việc Trung cộng thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm khẳng định yêu sách phi lý trên Biển Đông, phơi bày bộ mặt xấu xa của Bắc Kinh trong lúc các nước đang đối phó với dịch Covid-19.
Cựu Ngoại trưởng Phi Luật tân Albert del Rosario. (Ảnh: ABS)
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ phản đối hành động gần đây của Trung cộng, tương tự cách làm đúng đắn của chúng ta hôm 8/4 về vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm”, Cựu Ngoại trưởng Phi Luật tân Del Rosario cho biết trong thông báo phát đi ngày 19/4.
Trung cộng ngày 18/4 đã thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.
Cựu Ngoại trưởng Phi Luật tân cáo buộc Trung cộng lợi dịch đại dịch Covid-19 để thúc đẩy các yêu sách “phi pháp” tại Biển Đông.
“Những động thái này cho thấy Trung cộng vẫn không ngừng lợi dụng đại dịch Covid-19 trong khi nước này tiếp tục theo đuổi các yêu sách phi pháp và bành trướng trên Biển Đông, gây tổn hại cho Phi Luật tân, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế”, ông Del Rosario nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Phi Luật tân ngày 8/4 ra thông cáo, bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về vụ việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm ở Biển Đông vào ngày 3/4/2020. Thông cáo cho biết Phi Luật tân “coi trọng việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời lưu ý rằng những vụ việc như vậy làm suy yếu tiềm năng xây dựng mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung cộng”.
Hành động bất hợp pháp
Trong những năm gần đây, Trung cộng đã tăng cường sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông, ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự, đường băng và triển khai trái phép tên lửa đất đối không.
Chuyên gia Carl Thayer, một nhà phân tích về Biển Đông, gọi những hành động mới nhất của Trung cộng là “khiêu khích”, “bất hợp pháp” và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
“Luật quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua hành động xâm chiếm”, ông Thayer nói.
Hành động của Trung cộng cũng vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được Trung cộng và các nước ASEAN thông qua hồi năm 2002.
Ông Thayer đề cập đến Điều 5 của DOC, trong đó nêu rõ: “Các bên cam kết tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định tại Biển Đông”.
“Hành động đơn phương của Trung cộng làm phức tạp nghiêm trọng tranh chấp trong khu vực và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở biển Đông”, ông Thayer nhận định, đồng thời cho biết chính quyền Trung cộng sẽ đưa ra các “quy định và chỉ thị” ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam.
VietBF (20.04.2020)
“Thừa nước đục thả câu”, Bắc Kinh sẽ toại nguyện?
TS Satoru Nagao
Bắc Kinh vừa tự thành lập 2 chính quyền quận là Tây Sa và Nam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Bắc Kinh chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép. Chụp màn hình SCMP
Hai quận này nằm dưới cái gọi là “TP.Tam Sa” do Bắc Kinh tự đặt ra nhằm kiểm soát khu vực đường 9 đoạn – vốn đã bị thế giới bác bỏ – trên Biển Đông. Trước hết, Bắc Kinh muốn hợp pháp hóa yêu sách phi pháp.
Thời gian qua, từ tháng 3 đến nay, Bắc Kinh liên tục có nhiều hành động gây rối ở các vùng biển kéo dài từ biển Hoa Đông đến Biển Đông, với một loạt động thái quân sự. Việc thành lập 2 huyện trên là động thái mới nhất trong chuỗi hành động “thừa nước đục thả câu” khi thế giới đang ứng phó dịch bệnh Vũ Hán.
Bắc Kinh nghĩ rằng có thể lợi dụng tình hình như thế, nhưng chưa hẳn đây đã thực sự là cơ hội cho nước này, vì các lý do sau.
Thứ nhất, chiêu trò “thừa nước đục thả câu” như thế chỉ khiến cộng đồng quốc tế ác cảm.
Thứ hai, ngay cả khi gặp khó khăn ở Thái Bình Dương do dịch Vũ Hán lan rộng trên HKMH USS Theodore Roosevelt, thì hải quân Mỹ vẫn có thể vận hành nhiều tàu chiến, bao gồm cả tàu ngầm nguyên tử và các tàu khu trục để kiềm chế Bắc Kinh.
Thứ ba, dư luận thế giới đang yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm về dịch bệnh Vũ Hán bởi Bắc Kinh bị cáo buộc thiếu minh bạch về virus gây bệnh, khiến cho dịch Vũ Hán lan rộng.
Chính vì thế, cách lợi dụng tình hình như thế chưa hẳn sẽ đem đến cho Bắc Kinh kết quả như mong muốn.
TS Satoru Nagao (19.04.2020)
(Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Việt Nam phản đối Trung cộng lập hai quận tại Hoàng Sa và Trường Sa
Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung cộng quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Reuters
Vào lúc cả thế giới đang lao vào công cuộc chống dịch Covid-19, Trung cộng tiếp tục đẩy mạnh các hành vi thôn tính Biển Đông. Ngày 18/04/2020, Bắc Kinh loan báo thành lập hai “quận” hành chánh để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung cộng tự cho là của họ, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Quyết định của Trung cộng đã lập tức bị Việt Nam cực lực phản đối hôm 19/04, xem đấy là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Phát biểu tại Hà Nội, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và “phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.
Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đó là những hành vi “sai trái”, “không có giá trị và không được công nhận”, đồng thời yêu cầu Trung cộng “tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ như trên sau khi mạng truyền hình toàn cầu Trung cộng CGTN, ngày 18/04/2020 vừa qua, cho biết là Bắc Kinh đã loan báo việc thành lập hai quận tại “thành phố Tam Sa”, tên đơn vị hành chánh mà Trung cộng đã tạo ra để quản lý các quần đảo mà họ đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Đó là “quận Tây Sa” đặt thủ phủ ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) chịu trách nhiệm quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield, mà Trung cộng gọi là quần đảo Trung Sa, và “quận Nam Sa”, phụ trách quần đảo Trường Sa, mà chính quyền đặt trụ sở trên Đá Chữ Thập, một trong 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở Trường Sa.
Lợi dụng lúc các nước khác phải lo chống Covid-19
Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền trên vùng Biển Đông đang tranh chấp. Lợi dụng lúc các quốc gia đòi chủ quyền khác đang phải lo đối phó với dịch Covid-19, Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã tăng cường sự hiện diện của họ trong vùng, khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng đòi Trung cộng chấm dứt hành vi “bắt nạt” các nước khác.
Trong số các hành vi này, có vụ tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đi sách nhiễu một tàu thăm dò của Mã Lai ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Cho đến hôm qua, 19/04, chiếc tàu này cũng với đội tàu hộ tống vẫn chưa rời đi.
Trước đó, Hà Nội cũng đã phản đối Bắc Kinh về vụ được cho là một chiếc tàu cá Việt Nam bị tàu Hải Cảnh Trung cộng đâm chìm gần Hoàng Sa vào ngày 02/04.
RFI (20.04.2020)
Trung cộng lập quận quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, VN ‘phản đối mạnh mẽ’
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình thưởng trà với ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 lên tiếng về việc Trung cộng thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố, một ngày sau thông báo của Bắc Kinh.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Trung cộng hôm 18/4 thông báo việc thành lập quận Tây Sa có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trụ sở của quận Nam Sa đặt tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Hai quận này thuộc thẩm quyền của thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam.
Tin cho hay, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng quận Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận.
Phản đối của Việt Nam được đưa ra hơn mười ngày sau khi Hoa Kỳ cho biết “hết sức quan ngại” về các tin tức nói rằng Trung cộng đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố hôm 6/4 rằng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung cộng đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như “công bố các trạm nghiên cứu” mới đặt trên các căn cứ quân sự được xây dựng trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, cũng như cho “máy bay quân sự đặc biệt” hạ cánh trên Đá Chữ Thập.
VOA (20.04.2020)
Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng chấm dứt “hành vi hăm dọa” ở Biển Đông
Ảnh tư liệu :Một tầu tuần duyên Trung cộng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/03/2014. REUTERS/Erik De Castro
Ngày 18/04/2020, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về những thông tin cho thấy “các hành động gây hấn” của Bắc Kinh phục vụ công việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung cộng chấm dứt các “hành vi hăm dọa” trong khu vực.
Sau khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung cộng đã đến vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai, theo dữ liệu hàng hải ngày 18/04. Khu vực này cũng nằm sát với những vùng biển mà cả Việt Nam, Mã Lai và Trung cộng tuyên bố chủ quyền.
Trong tuyên bố gửi qua thư điện tử, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết : “Hoa Kỳ quan ngại về những thông tin cho thấy những hành động gây hấn lặp đi lặp lại của Trung cộng nhằm tìm kiếm dầu lửa tại vùng biển mà các nước khác cũng tuyên bố có chủ quyền”.
Ngoài ra, bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu Bắc Kinh “chấm dứt kiểu hành động gây hấn và gây bất ổn” vì những hành động đó đe dọa an ninh năng lượng trong vùng và phá hoại thị trường năng lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do.
Một nguồn tin an ninh của Mã Lai cho Reuters biết vào ngày 17/04, có lúc, tầu Hải Dương Địa Chất 8 được 10 tầu của lực lượng dân quân biển và hải cảnh Trung cộng hộ tống.
RFI (19.04.2020)
Việt Nam phản đối Trung cộng lập hai huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Ảnh minh họa: Một người tham gia biểu tình phản đối Trung cộng chiếm Hoàng Sa. Chụp ngày 19/1/2017 ở Hà Nội. AFP
Việt Nam vào ngày 19 tháng 4 lên tiếng phản đối việc Trung cộng vừa cho tiến hành thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì Hà Nội ‘nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’.
Bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại điều mà bà cho là lập trường nhất quán của Việt Nam ‘phản đối Trung cộng thành lập cái được gọi là ‘thành phố Tam sa’ và các hành vi có liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tại tình hình tại Biển Đông…’
Chủ tịch Huyện Hoàng Sa, ông Võ Ngọc Đồng, từ Thành phố Đà Nẵng ra thông báo ‘kiên quyết phản đối việc Trung cộng ban hành quyết định thành lập cái gọi là ‘khu Tây Sa’ và ‘khu Nam Sa’ thuộc cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’.
Người được phân công phụ trách huyện Hoàng Sa trực thuộc Thành phố Đà Nẵng nhắc lại rằng ‘Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoàng Sa bị Trung cộng cưỡng chiếm toàn bộ từ tháng giêng năm 1974 và gọi quần đảo này là Tây Sa. Còn Trường Sa thì tên Trung cộng gọi là Nam Sa.
Vào ngày 18 tháng tư vừa qua, Mạng truyền hình toàn cầu của Trung cộng (CGTN), loan tin rằng chính phủ Trung cộng đã thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo là Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực Biển Đông. Đây là hai quần đảo Trung cộng vẫn còn đang tranh chấp về chủ quyền với các nước khác trong khu vực bao gồm Việt Nam.
Theo CGTN, trụ sở huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm, tên Trung cộng là Vĩnh Hưng, thuộc quần đảo Hoàng Sa và trụ sở huyện đảo Nam SA sẽ đặt ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng theo CGTN, hai huyện đảo này cũng quản lý luôn các vùng biển xung quanh hai quần đảo này.
Hồi năm 2012, Trung cộng đã lập thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo.
Trung cộng cũng đồng thời đòi các quần đảo này phải có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với luật quốc tế.
Từ ngày 30/3 đến 10/4 vừa qua, Việt Nam đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền này của Trung cộng.
RFA (19.04.2020)
Trung cộng lập hai huyện đảo quản lý Trường Sa, Hoàng Sa
Bản quyền hình ảnhXINHUAImage captionTrung cộng đã tổ chức chuyến bay dân sự đầu tiên hôm 06/01/2016,đưa người ra thăm Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) sau khi tôn tạo, xây cất đường băng dài ở đây
Trung cộng vừa công bố thành lập hai huyện đảo trên Biển Đông, để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Huyện Nam Sa có cơ quan hành chính đặt trên Đá Chữ Thập mà nước này gọi là Vĩnh Thử trong Quần đảo Trường Sa, còn huyện Tây Sa đặt trụ sở hành chính tại đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Bản tin CGTN của nhà nước Trung cộng hôm 18/04/2020 nói “việc lập hai đơn vị hành chính quan trọng, mang tính lịch sử, huyện Nam Sa (Nansha district) và Tây Sa (Xisha district) được Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung cộng thông qua”.
Hai huyện này trực thuộc thành phố Tam Sa, nam đảo Hải Nam.
Tờ South China Morning Post nói rằng hai đơn vị hành chính mới cấp huyện sẽ quản lý Hoàng Sa và Bãi Macclesfield, và cả Quần đảo Trường Sa cùng các vùng nước xung quanh.
Các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng với Việt Nam và một số nước khác trong khu vực, trong lúc Bãi Macclesfield là nơi tranh chấp giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng ngưng ‘thái độ bắt nạt’
Việc tuyên bố thành lập hai huyện đảo được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông liên tục có những diễn biến căng thẳng trong suốt mấy tuần qua.
Cùng ngày thứ Bảy 18/4, Hoa Kỳ nói Trung cộng hãy ngưng ngay “thái độ bắt nạt” tại Biển Đông, và nêu quan ngại về “các hành động khiêu khích” nhắm vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi ở vùng biển có tranh chấp giữa Trung cộng và Mã Lai, Reuters tường thuật.
Tin cho hay, một tàu khảo sát của Trung cộng mấy ngày qua đã đeo bám một tàu thăm dò của hãng dầu khí quốc gia Mã Lai Petronas, và cho đến ngày thứ Bảy, tàu Trung cộng vẫn có mặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai.
“Hoa Kỳ quan ngại về các báo cáo nói Trung cộng liên tục có các hành động khiêu khích nhắm vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác,” Reuters trích dẫn nội dung email của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phản hồi các câu hỏi về sự hiện diện của Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) tại vùng biển của Mã Lai.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung cộng đã lợi dụng việc thế giới đang chú tâm phòng chống đại dịch Covid-19 để chiếm ưu thế tại Biển Đông.
Hồi đầu tuần rồi, cũng tàu khảo sát này đã được phát hiện có mặt ở ngoài khơi Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng nói rằng tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang tiến hành các hoạt động bình thường, và cáo buộc giới chức Mỹ là bôi nhọ Bắc Kinh.
Hôm 3/4, Việt Nam nói tàu hải cảnh Trung cộng đã đâm chìm một tàu cá “đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”. Phía Việt Nam sau đó đã trao công hàm phản đối.
Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung cộng
Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và vào năm 1982 đã thành lập đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này.
Huyện đảo Hoàng Sa hiện trực thuộc thành phố Đà Nẵng, còn huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Bản quyền hình ảnhOTHERImage captionTrung cộng đã giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956
Tuy nhiên, kể từ năm 1974, Trung cộng trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa (Bắc Kinh gọi là Tây Sa), trong đó bao gồm đảo Phú Lâm, nơi nay đặt trụ sở của huyện đảo Tây Sa.
Trung cộng giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956. Năm 2012, Trung cộng thành lập ‘thành phố Tam Sa’ đặt thủ phủ ở đảo này và điều quân tới đóng trên đảo.
Đảo Phú Lâm hiện là nơi mà cả Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Các động thái chiếm và xây cất xa về phía nam Biển Đông ở Quần đảo Trường Sa (Bắc Kinh gọi là Nam Sa) trong những năm qua đã bị Việt Nam phản đối không ngừng nghỉ.
Đá Chữ Thập, Trung cộng gọi là Vĩnh Thử Tiêu, địa điểm giờ đây Bắc Kinh chọn đặt thủ phủ của huyện Nam Sa, là nơi Trung cộng trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát kể từ 1988, sau khi chiếm từ tay Việt Nam.
Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật tân và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với Đá Chữ Thập.
Bản quyền hình ảnhREUTERSImage captionCác tàu nạo vét của Trung cộng được trông thấy ở vùng nước gần Đá Chữ Thập – hình ảnh do máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ chụp hồi tháng 5/2015
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp nơi này cùng một số bãi đá, đảo nhỏ khác ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo, điều được các nước khác cho là để nhằm biến những nơi này thành tiền đồn quân sự chiến lược trên biển.
Trên Đá Chữ Thập, Trung cộng đã cho xây các công trình, sân tập, thiết bị radar, thậm chí cả vị trí đặt tên lửa, đường băng, bãi đáp máy bay, các nhà kho lớn và nhiều loại thiết bị khác phục vụ việc phát hiện, theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự, thông tin liên lạc của các nước khác.
Mới đây, hồi cuối tháng Ba, Bắc Kinh tuyên bố lắp đặt hai trạm nghiên cứu trên hai đảo nhân tạo, trong đó có một trạm trên Đá Chữ Thập.
Việc này được coi như bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thuộc địa hoá Biển Đông vào lúc cả thế giới đang lo phòng chống đại dịch Covid-19, theo một số nhà quan sát.
Đá Chữ Thập cũng là nơi mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 được cho là đã ghé vào để tiếp liệu sau khi tạm rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Việt Nam khoảng gần một tuần hồi đầu tháng 8/2019.
Việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra ra vào vào Bãi Tư Chính trong nhiều tuần hồi năm ngoái đã làm bùng lên cuộc khẩu chiến gay gắt nhất giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong nhiều năm qua.
BBC (19.04.2020)