„Ngay từ đầu năm các tờ  báo  thường  ghi vào lịch tuyên truyền tháng, các ngày kỷ niệm ABC từ đầu đến hết năm. Cứ sắp đến ngày đó là lãnh đạo báo phải phân công phóng viên viết bài ca ngợi ngày ấy, người ấy…“

Nguyễn Đình Ấm

Nhiều người kêu khổ vì cứ đến những ngày như 3/2, 30/4, 19/5…là bị truyền thông quốc doanh, loa phường “hành hạ” vì đài nào, báo nào cũng ra rả những thông tin cũ mèm.

Tôi làm báo quốc doanh 30 năm nên “thấm nhuần” việc tuyên truyền những ngày này.

Thông thường, sắp đến những ngày như đại hội của đảng, ngày 7/5, 30/4, 19/5, bầu cử quốc hội…là ban tuyên giáo cho đăng báo các khẩu hiệu chào mừng làm mẫu cho các cơ quan truyền thông đăng lại hoặc gửi công văn nhắc nhở  các báo tuyên truyền ngày trên với các khẩu hiệu được hướng dẫn. Các khẩu hiệu, nội dung băng rôn nghe nói được các “thánh” kể chuyện tuyên truyền cỡ GS TS Hoàng Chí Bảo sáng tác ra được ban tuyên giáo duyệt…

Cứ sau mỗi ngày “kỷ niệm” như thế, đặc biệt ngày 19/5 mà báo nào không có bài, ảnh tuyên truyền thì bị cơ quan chủ quản nhắc nhở, ban tuyên giáo phê bình trong các cuộc giao ban báo chí hàng tuần. Cái tạp chí Hàng không Việt Nam  cỡ “xó xỉnh” của tôi cũng có mấy lần bị lãnh đạo ngành hàng không và một lần ban tư tưởng văn hóa trung ương(nay là ban tuyên giáo trung ương) nhắc nhở cơ mà.

Cứ hết năm này qua năm khác việc phải có tin, bài, ảnh về những ngày ca ngợi đảng, lãnh đạo… kia trở thành lệ, tập quán, lập trình trong óc các lãnh đạo báo. Ngay từ đầu năm các tờ  báo  thường  ghi vào lịch tuyên truyền tháng, các ngày kỷ niệm ABC từ đầu đến hết năm. Cứ sắp đến ngày đó là lãnh đạo báo phải phân công phóng viên viết bài ca ngợi ngày ấy, người ấy…

Thậm chí khi lãnh đạo báo không nhắc nhở thì ban biên tập, thư ký tòa soạn cũng phải tự làm chứ không thể không có tin bài về những ngày này và ở cơ quan tôi gọi những bài báo không ai muốn đọc nhưng  buộc phải có này là “bài cúng cụ”, tức việc làm theo lệ. Đã có lần trưởng ban biên tập Trần Thanh Giang hỏi tôi-thư ký tòa soạn – “số tới có bài cúng cụ chưa?”…

Việc viết những bài ca ngợi này không khó vì với những tờ báo nhỏ, không cần cầu kỳ chỉ cần dở các báo cũ hoặc vào mạng “nhặt nhạnh” những thông tin đầy rẫy trên đó “xào xáo”  đặt tít khác cho đừng giống y chang những bài trước là được. Những tài liệu  theo hướng ca ngợi này có sai mấy cũng chẳng ai thắc mắc, bắt tội, thậm chí không ai đọc mà biết đúng, sai…

Với các báo lớn muốn bài ca ngợi hấp dẫn chút thì khai thác đủ các khía cạnh như “gặp người được bác đặt tên…Người sưu tầm 1.000 ảnh bác…Người vẽ ảnh bác, chỗ bác tắm…Gặp cô gái này, nọ tiếp đạn trong chiến dịch ABC…

Từ cơ man những tài liệu được khai thác, sáng tác như thế lại gây cảm hứng cho các nhà báo năm sau, các nhà thơ, văn nghệ sĩ tưởng tượng sáng tác tiếp những báo, bản nhạc, bức tranh ca ngợi…

Cứ thế, vào những ngày ấy truyền thông quốc doanh, loa phường, lại tấu màn đồng ca bất tận ca ngợi đảng, lãnh đạo là như thế.

Nguyễn Đình Ấm