„Có nên thưởng cho Trung cộng một ghế thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm trong một tòa án được UNCLOS công nhận (ở đây là ITLOS – bao gồm 21 thành viên), trong khi mà nước này đã ngang nhiên tấn công vào tính hợp pháp của một tòa án khác – Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA vốn cũng được UNCLOS công nhận?“
Trụ sở của Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển ITLOS, Hamburg, Đức © Ảnh UNESCO
Hội nghị thường niên lần thứ 30 của 167 quốc gia thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 19/06/2020. Trong chương trình làm việc, sẽ có việc bầu 7 thẩm phán mới vào Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển – ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea), thay thế cho 7 thẩm phán hết nhiệm kỳ.
Trong thời gian qua, một danh sách 10 ứng viên thẩm phán đến từ 10 nước khác nhau đã được chọn ra. Trong số các ứng viên này, có nhà ngoại giao Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), đại sứ Trung cộng tại Hungary. Sự có mặt của ứng viên Trung cộng đã gây ra tranh cãi trong bối cảnh từ nhiều năm nay, Bắc Kinh thu hút sự chú ý với những hành động và tuyên bố coi thường Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
Trong một bài phân tích mang tựa đề: “Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp tại Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển – Protecting the Rules-Based Order at the International Tribunal for the Law of the Sea”, đăng trên trang mạng Lawfare ngày 08/05/2020, ông Jonathan G. Odom một cựu thẩm phán quân đội Mỹ, hiện là giáo sư về luật quốc tế tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Âu George C. Marshall ở Garmisch-Partenkirchen (Đức), đã không ngần ngại kêu gọi các nước thành viên UNCLOS là không nên bỏ phiếu cho ứng cử viên Trung cộng.
Không thể bầu một nước đang phá hoại UNCLOS vào một tòa án của UNCLOS
Đối với chuyên gia Mỹ, chỉ cần so sánh quá trình làm việc và trình độ chuyên môn của các ứng viên là thấy ngay rằng bảy người khác trong số những người được đề cử năm 2020 có trình độ cao hơn hẳn ứng cử viên của Trung cộng để làm thẩm phán tại ITLOS, căn cứ vào cả kinh nghiệm tư pháp hiện tại hoặc trước đây và quá trình công tác của ông Đoàn Khiết Long.
Ngay cả khi bỏ qua vấn đề năng lực cá nhân, việc không bỏ phiếu cho ứng viên Trung cộng là một vấn đề nguyên tắc. Mỗi quốc gia thành viên của UNCLOS cần đặt ra câu hỏi: Có nên thưởng cho Trung cộng một ghế thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm trong một tòa án được UNCLOS công nhận (ở đây là ITLOS – bao gồm 21 thành viên), trong khi mà nước này đã ngang nhiên tấn công vào tính hợp pháp của một tòa án khác – Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA vốn cũng được UNCLOS công nhận?
Chưa cần đến việc kiểm tra xem các vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung cộng ở Biển Đông mà Tòa Trọng Tài đã nhận thấy là như thế nào, mỗi thành viên của UNCLOS nên xem xét ba cách mà Trung cộng đã dùng để phá hoại nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong vấn đề Biển Đông.
Cách thứ nhất là phủ nhận tính chất hợp pháp của một cơ chế trong khuôn khổ UNCLOS.
Tòa Trọng Tài Thường Trực đã xem xét và phán quyết về vụ kiện Biển Đông là một cơ chế hoàn toàn hợp pháp. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS đã xác định rõ ràng 4 tòa án và tòa trọng tài có thẩm quyền xét xử các tranh chấp trong khuôn khổ công ước: Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ), Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển ITLOS, một tòa trọng tài thường trực được thành lập theo một trong các phụ lục của UNCLOS và một tòa trọng tài đặc biệt để giải quyết một số loại tranh chấp được đặc biệt xác định (Điều 287 [1]).
Điểm cần ghi nhận là UNCLOS không quy định bất kỳ thứ bậc nào giữa 4 cơ chế tư pháp nói trên. Nói cách khác, tất cả đều được xem như là bình đẳng với nhau về thẩm quyền pháp lý để xem xét và xét xử các tranh chấp theo tinh thần Công ước. Mỗi nước tham gia UNCLOS đều có quyền chọn một trong ba cơ quan tư pháp đầu tiên để giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS (Điều 287 [1]). Nếu không tuyên bố chọn một cơ chế cụ thể nào để xét xử các tranh chấp, thì quốc gia thành viên đó mặc nhiên được coi là đã chấp nhận cơ chế trọng tài, phù hợp với phụ lục của UNCLOS (Điều 287 [3]).
Do việc Trung cộng chưa bao giờ ra tuyên bố chọn một cơ chế xét xử, vì vậy cơ quan tư pháp hợp pháp và chính đáng duy nhất để xem xét vụ kiện do Philippines đưa ra theo UNCLOS là một tòa trọng tài.
Tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào tháng 7/2016 sau phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, thứ trưởng Ngoại Giao Trung cộng Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) đã tuyên bố rằng Tòa Trọng Tài không phải là một “tòa án quốc tế”.
Theo giáo sư Odom, lập luận của Trung cộng tuy nhiên chỉ là một sự ngụy biện. Vấn đề không phải là Tòa Trọng Tài có phải là một tòa án quốc tế hay không, mà là Công Ước UNCLOS mà Trung cộng là một thành viên có xác định rằng tòa trọng tài là một cơ chế tư pháp hợp pháp để xét xử các tranh chấp phát sinh trong khuôn khổ công ước hay không.
Và câu trả lời rõ ràng theo các điều khoản giấy trắng mực đen của UNCLOS là công ước này công nhận tòa trọng tài là một cơ chế tư pháp hợp pháp, có thể có giá trị và thẩm quyền ngang hàng với ITLOS và ICJ trong các trường hợp liên quan đến việc giải thích và áp dụng công ước.
Cách thứ hai là phủ nhận thẩm quyền hợp pháp của một cơ chế trong khuôn khổ UNCLOS.
Theo giáo sư Odom, tòa trọng tài hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định sau cùng về việc liệu họ có thẩm quyền phân xử vụ kiện Biển Đông hay không.
Theo luật pháp quốc tế, các cơ quan tư pháp (tòa án) có thẩm quyền tự xác định xem họ có thẩm quyền tài phán đối với các tranh chấp được đưa ra để nhờ họ phân xử hay không. Nguyên tắc luật quốc tế này được gọi là “Kompetenz – Kompetenz” theo tiếng Đức, hay “la compétence de la compétence” trong tiếng Pháp…
Do vậy, các hiệp định thành lập các tòa án quốc tế luôn luôn bao gồm các điều khoản rõ ràng nhằm trao cho các cơ quan tư pháp đó quyền đưa ra quyết định sau cùng về thẩm quyền tài phán trong các vụ tranh chấp cụ thể.
Đối với các tranh chấp trong khuôn khổ Công Ước LHQ về Luật Biển, UNCLOS nêu rõ bằng văn bản: “Trong trường hợp có tranh cãi về việc tòa án hay tòa trọng tài có thẩm quyền xét xử hay không, vấn đề sẽ được giải quyết theo quyết định của tòa án hoặc tòa trọng tài đó (Điều 288 [4]).
Theo giáo sư Odom, giống như nhiều điều khoản khác của UNCLOS, điểm đáng chú ý là cụm từ “tòa án hoặc tòa trọng tài” không chỉ bao gồm ICJ và ITLOS, mà cả các tòa trọng tài như cơ chế đã xét xử vụ kiện Biển Đông.
Sau khi Tòa Trọng Tài ra phán quyết chung cuộc, phủ nhận cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã tấn công cơ chế pháp lý này trong bản tuyên bố của bộ Ngoại Giao Trung cộng ngày 12/07/2016, cho rằng hành động và phán quyết của Tòa Trọng Tài vừa “bất công” vừa “bất hợp pháp” và “sai lệch hoàn toàn với mục tiêu và mục đích của UNCLOS…, phá hoại đáng kể tính toàn vẹn và thẩm quyền của UNCLOS, vi phạm nghiêm trọng các quyền hợp pháp của Trung cộng trong tư cách một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của UNCLOS…”
Đối với giáo sư Mỹ, có lý nào mà một quốc gia thành viên UNCLOS lại tự cho phép mình coi thường quyền hạn của một tòa án có thẩm quyền được ghi rõ trong các điều khoản của UNCLOS mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các thành viên? Khi làm như vậy, Trung cộng không chỉ tước bỏ quyền được đối xử công bằng mà cả cơ hội tìm kiếm công lý của tất cả các nước khác trong UNCLOS, những nước cho rằng quyền và lợi ích của họ đã bị Trung cộng vi phạm.
Cách thứ ba là từ chối tuân thủ phán quyết của một cơ chế tư pháp được UNCLOS công nhận.
Theo giáo sư Odom, các bên tham gia vụ kiện Biển Đông có nghĩa vụ pháp lý là phải tuân thủ mọi quyết định của tòa trọng tài, từ các quyết định liên quan đến thẩm quyền tài phán cho đến các quyết định về giá trị của vụ kiện.
Văn bản của Công Ước LHQ về Luật Biển nêu rõ: “Bất kỳ quyết định nào do một tòa án hoặc tòa trọng tài có thẩm quyền theo mục này đưa ra đều là quyết định tối hậu mà tất cả các bên tranh chấp phải tuân thủ (Điều 296 [1]). Điều khoản này không nói “một số quyết định” mà nói “bất kỳ quyết định nào”. Ngoài ra, tất cả những quyết định đó đều là quyết định “tối hậu”, tức là không có quyền kháng cáo, và áp dụng cho bất kỳ quyết định nào của một tòa án hoặc tòa trọng tài “có thẩm quyền xét xử theo mục này”, tức là bao gồm cả các phán quyết của một tòa trọng tài.
Ngay sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ban hành phán quyết dài 501 trang về vụ kiện Biển Đông, Trung cộng đã tuyên bố rằng phán quyết “không có giá trị và vô hiệu” và không có tính ràng buộc.
Lời khẳng định đó đã trái ngược hẳn với các nghĩa vụ pháp lý của Bắc Kinh trong khuôn khổ UNCLOS. Trên bình diện luật pháp quốc tế, Trung cộng bắt buộc phải tuân thủ các quyết định của Tòa Trọng Tài.
Căn cứ vào các hành vi coi thường UNCLOS của Trung cộng, thể hiện rõ ràng trong việc Bắc Kinh phủ nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, cũng như hàng loạt những động thái hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông, các quốc gia thành viên khác của Công Ước LHQ về Luật Biển cần tỏ thái độ bất đồng tình bằng cách không bầu cho ứng cử viên Trung cộng nhân cuộc bầu thay thế 7 thẩm phán của ITLOS vào tháng 6 tới đây, mà bầu cho bất kỳ ứng viên nào khác, mà về cả năng lực lẫn kinh nghiệm đều cao hơn đại diện của Bắc Kinh.
RFI (21.05.2020)