Vụ đâm hỏng tàu cá, cướp ngư cụ, hải sản, đánh ngư dân Việt ở Hoàng Sa: Việt Nam yêu cầu Trung cộng điều tra
Ảnh minh hoạ/chụp màn hình video VTC.
Việc tàu Trung cộng truy đuổi, đâm chìm tàu, đánh ngư dân Việt ở Hoàng Sa, Việt Nam đã yêu cầu phía chính quyền Trung cộng điều tra.
Sáng 13/6, trả lời báo giớivề thông tin tàu Trung cộng va chạm dẫn đến sự cố với tàu QNg 96416 TS khi tàu QNg 96416 TS đang đánh bắt cá tại khu vực đảo Lin-côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Về việc này, ngay trong ngày 10/6, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung cộng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung cộng điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết”.
Trước đó, ngày 12/6, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Lộc (42 tuổi, trú huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) nói trên VTC, Tuổi trẻ rằng, anh cùng cùng 15 thuyền viên hành nghề trên tàu cá QNg 96416 về đến cảng Sa Kỳ và trình báo việc bị tàu Trung cộng tấn công ở Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Lộc kể, khoảng 10h ngày 10/6, khi đang khai thác hải sản ở khu vực cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 8 hải lý, tàu của ông bị tàu sắt mang số hiệu 4006 của Trung cộng truy đuổi.
Trong quá trình bị rượt đuổi, tàu cá QNg 96416 bị tàu Trung cộng húc mạnh, dẫn tới hư hỏng, lật nghiêng.
Khi đã khống chế được tàu cá Việt Nam, những người trên con tàu của Trung cộng tiếp tục tra xét, cướp bóc ngư cụ và hải sản. Tàu cá QNg 96416 cùng 16 ngư dân xuất bến ngày 6/6, đến ngày 10/6 thì bị nạn.
ĐKN (13.06.2020)
Biển Đông: Tàu Trung cộng lại tấn công tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa
Nhiều tàu cá Việt Nam tố cáo bị tàu Trung cộng tấn công tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2013. Reuters
Theo báo chí Việt Nam, ngày hôm qua, 12/06/2020, một ngư dân ở Quảng Ngãi đã trình báo với chính quyền việc tàu đánh cá của ông bị một tàu công vụ Trung cộng truy đuổi, đâm hỏng và cướp bóc tại vùng biển Hoàng Sa. Bộ Ngoại Giao Việt Nam vào hôm nay 13/06 đã xác nhận có biết tin và đã yêu cầu phía Trung cộng điều tra.
Theo lời kể của ngư dân Nguyễn Lộc, được báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn, thì chiếc tàu QNg 96416 của ông, với một thủy thủ đoàn gồm 15 người, đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa hôm 10/06 thì bị một chiếc “tàu sắt” Trung cộng mang số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi, liên tiếp đâm vào làm cho hư hỏng và lật nghiêng, khiến các ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân.
Phía Trung cộng sau đó đã vớt một số ngư dân Việt Nam đưa trở về tàu cá, tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu, đánh đập thuyền trưởng vì không chịu ký vào giấy tờ do phía Trung cộng đưa ra, trước khi cho tàu cá rời đi.
Theo ông Nguyễn Lộc, vụ việc xẩy ra ở vùng biển cách đảo Linh Côn, thuộc Hoàng Sa, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam. Thông tin do ngư dân cung cấp không nói rõ là chiếc tàu Trung cộng thuộc đơn vị nào, nhưng xác nhận là trên chiếc tàu có trang bị hai ổ súng.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam xác nhận
Theo báo Tuổi Trẻ trên mạng, sáng hôm nay 13/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã xác nhận sự cố, cho biết là “ngay trong ngày 10/06” tức là khi xẩy ra vụ việc, bộ Ngoại Giao và đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã “trao đổi với phía Trung cộng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung cộng điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết”.
Đây là lần thứ hai trong hai tháng mà tàu Trung cộng bị tố cáo tấn công tàu đánh cá của Việt Nam tại vùng Hoàng Sa.
RFI (13.06.2020)
Trung cộng đề cử thẩm phán Tòa luật Biển quốc tế
Một phiên phân xử tranh chấp tại ITLOS ở thành phố Hamburg (Đức) ITLOS
Dự kiến tại hội nghị thường niên của các nước tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 được tổ chức từ ngày 15 – 19.6 tại New York (Mỹ), sẽ có nội dung bầu chọn thẩm phán cho ITLOS.
Bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ
Trong số các danh sách ứng viên, có ông Đoàn Khiết Long là Đại sứ Trung cộng tại Hungary. Thời gian qua, Trung cộng cũng có một đại diện trong hội đồng thẩm phán ITLOS là Cao Chi Quốc sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 9 tới.
Theo nội dung trả lời Thanh Niên về cuộc bầu chọn sắp tới, đại diện ITLOS cho biết tòa này sẽ bao gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia UNCLOS 1982 đề cử. Mỗi quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đề cử không quá 2 ứng viên. Tuy nhiên, cũng theo điều lệ của tòa thì không có 2 thẩm phán trở lên mang cùng quốc tịch của một quốc gia. Cuộc bầu chọn sắp tới nhằm bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây. Có tổng cộng 10 ứng viên tham gia kỳ này.
Tuy nhiên, ITLOS từ chối bình luận về việc Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 về việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Bỏ phiếu chống để tỏ thái độ
Liên quan vấn đề trên, trả lời Thanh Niên, GS Andrew Serdy (chuyên ngành công pháp quốc tế, Đại học Southampton, Anh) nói: “Rõ ràng Trung cộng không có ý định tuân thủ phán quyết do Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) đưa ra vào năm 2016. Tuy nhiên, dù không có cách nào để ép buộc Trung cộng phải tuân thủ, nhưng cách hành xử của nước này có thể khiến Bắc Kinh chịu tổn thất về mặt chính trị. Một tổn thất chính trị có thể được thể hiện nếu số phiếu dành cho ứng viên Trung cộng sẽ thấp đi”. Tất nhiên, theo ông Serdy, việc phiếu bầu thấp hay cao trong đợt bầu chọn tới còn lệ thuộc một số yếu tố khác.
Như vậy, các quốc gia thành viên UNCLOS có thể bỏ phiếu chống đối với ứng viên của Trung cộng như một cách thể hiện thái độ trước hành vi của Bắc Kinh liên quan tranh chấp Biển Đông.
GS Alexander Proelss, Chủ tịch về luật Biển quốc tế và luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức), cho rằng: “ITLOS phải và sẽ thực thi quyền lực của mình một cách vô tư. Đây là điều kiện mà mỗi thẩm phán phải tuân thủ. Để đảm bảo tính chí công vô tư, luật của ITLOS quy định những hoạt động mà thẩm phán không được phép làm (điều 7) và lập ra những điều kiện liên quan đến sự tham gia của mỗi thành viên vào một vụ cụ thể (điều 8). Trong khi mỗi thẩm phán dĩ nhiên sẽ tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong hội đồng về lập trường luật pháp của mình, không thể có chuyện một vị thẩm phán lại có thể, trong một hội đồng hòa giải tranh chấp gồm 21 thành viên, áp đặt quan điểm của riêng mình lên các thành viên khác”.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Mỗi thẩm phán được tự do đưa vào ý kiến riêng hoặc bất đồng với các thẩm phán và quyết định, và qua đó có thể cố gắng gây ảnh hưởng lên việc phát triển luật quốc tế trong trường hợp có liên quan”.
ITLOS sẽ phân xử tranh chấp tại Singapore
Những vụ tranh chấp trên biển được trình lên ITLOS có thể được phân xử tại Singapore. Tại hội nghị trực tuyến ngày 11.6, Chủ tịch ITLOS Jin-hyun Paik và Bộ trưởng Nội vụ Singapore K.Shanmugam ký kết thỏa thuận mới, với những điều khoản và điều kiện cho phép ITLOS thực hiện các chức năng và dịch vụ tại Singapore, theo tờ The Straits Times. Chủ tịch Paik kỳ vọng thỏa thuận mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước châu Á dễ dàng tiếp cận ITLOS để giải quyết những tranh chấp trên biển theo UNCLOS.
Có trụ sở tại TP.Hamburg (Đức), ITLOS là một cơ quan tư pháp độc lập được thành lập theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có chức năng phân xử tranh chấp liên quan UNCLOS. Hồi năm 2015, Singapore-ITLOS đưa ra tuyên bố chung, ủng hộ việc đảo quốc sư tử trở thành địa điểm để tòa án thực hiện các chức năng của mình.
VietBF (13.06.2020)
Tổng thống Phi Luật Tân quay về phía Mỹ để cưỡng lại Trung cộng
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte.
Việc Tổng thống Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte, đồng ý dành cho hiệp ước quân sự Mỹ cơ hội thứ nhì dù ông ta không có thiện cảm với Washington cho thấy mối quan hệ của ông với Trung cộng đang có những bất đồng sau 4 năm, các nhà phân tích tin như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao của ông Duterte ngày 3/6 loan báo Phi Luật Tân sẽ kéo dài ít nhất tới cuối năm nay Thỏa thuận về việc cho các lực lượng thăm viếng qua lại. Hồi tháng 2, chính phủ Phi Luật Tân tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước có từ 21 năm nay mà qua đó quân đội Mỹ được tự do đến Phi Luật Tân để tập trận chung.
Washington xem Phi Luật Tân như một vị trí chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đông Á.
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin nói tại một cuộc họp báo tuần trước rằng “những căng thẳng lên cao giữa các cường quốc” tại Châu Á đã thúc đẩy chính phủ ông giữ lại hiệp ước.
Vai trò của Biển Đông
Trung cộng, nước có quân đội lớn nhất Châu Á và đang tranh chấp chủ quyền trên biển với Phi Luật Tân, trở thành một mối đe dọa trong nửa năm nay, các học giả trong vùng nói.
Bắc Kinh để cho một đội tàu đánh cá đến gần những hòn đảo nhỏ tại Biển Đông do Philippimes chiếm đóng, gởi một tàu thăm dò đến một phần của vùng biển này mà Malaysa tuyên bố có chủ quyền đã khiến Mỹ phải thực hiện bốn “cuộc hành quân tự do hàng hải.”
Tất cả góp phần vào ý niệm là đây không phải là thời điểm thuận lợi để mất cảnh giác,” Jay Batongbacal, giáo sư các vấn đề hàng hải quốc tế tại Trường đại học Phi Luật Tân, nói.
Trung cộng tuyên bố có chủ quyền khoảng 90% Biển Đông, trùng lắp với một phần vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Phi Luật Tân từng là thuộc địa của Mỹ. Chính phủ Mỹ nói Biển Đông phải được mở rộng quốc tế.
Manila và Washington cũng bị ràng buộc vì một hiệp ước phòng vệ hỗ tương. Hơn 100 tàu của Trung cộng đã bao vây những đảo nhỏ do Phi Luật Tân chiếm đóng hồi năm ngoái. Vào năm 2013, chiến hạm hai nước đối đầu tại Bãi cạn Scarboroug giàu tài nguyên cá.
Ông Duterte làm các nhà lãnh đạo thế giới và chính người dân của ông ngạc nhiên vào năm 2016 bằng cách bỏ qua một bên những tranh chấp chủ quyền trên biển để theo đuổi một chính sách thân thiện mới với Bắc Kinh. Trung cộng đáp lại với lời hứa viện trợ nhiều tỉ đô la và đầu tư, bao gồm 150.000 bộ xét nghiệm COVID-19 và 70.000 khẩu trang N95 được đề nghị trong tháng trước.
Tổng thống Phi Luật Tân chống lại ảnh hưởng của Mỹ tại nước ông. Ông bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về chiến dịch bài trừ ma túy của Phi Luật Tân và phản đối việc Mỹ thu hồi, vào tháng 1, visa cấp cho cựu tư lệnh cảnh sát Phi Luật Tân Ronald dela Rosa, hiện là một thượng nghị sĩ, nhân vật chính trong chiến dịch bài trừ ma túy được đánh dấu bằng những vụ sát hại không mang ra tòa xét xử tại Phi Luật Tân.
Tuy nhiên, ông Duterte tin vào quân đội Mỹ hơn là lực lượng vũ trang Trung cộng, ông Alexander Huang, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trường đại học Tamkang ở Đài Loan, nói. Người dân bình thường Phi Luật Tân cũng như các nhân viên quân sự cao cấp thích Hoa Kỳ là đồng minh hơn là Trung cộng.
COVID-19 là một yếu tố
Trong trường hợp có xung đột, quân đội Phi Luật Tân cần được yểm trợ, đặc biệt là hiện nay khi quân đội đang giúp cảnh sát quốc gia đối phó với COVID-19, ông Batongbacal nói. Nếu Thỏa thuận về lực lượng thăm viếng chấm dứt, quân đội Mỹ chỉ có thể vào Phi Luật Tân khi có phép đặc biệt.
Phi Luật Tân có thể gia hạn thỏa thuận như một công cụ thương thuyết, ông Stephen Nagy, phó giáo sư về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Trường Đại học Cơ Đốc Quốc tế ở Tokyo, nói.
Ông Duterte có thể yêu cầu quân đội Mỹ huấn luyện thêm hay mang theo một số khí tài khi ghé thăm, ông nói. Trung cộng, cựu đối thủ Chiến tranh Lạnh của Mỹ, có thể bước vào với nhiều trợ giúp như là một đối trọng, ông nói.
“Có thể việc đảo ngược này chỉ là một phương thức để làm cho Hoa Kỳ nhượng bộ thêm, hay là có thể họ thực sự lo ngại về Trung cộng,” ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu của viện nghiên cứu RAND Corp tại Mỹ, nói.
Ralph Jennings VOA (13.06.2020)
Việt Nam – EU tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh biển
Quang cảnh hội đàm 12/6/2020. Nguồn: baochinhphu.vn
Việt Nam và EU sắp tới sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực bao gồm đào tạo, gìn giữ hòa bình và an ninh biển.
Báo trong nước trích loan tin ngày 12 tháng 6 dẫn nội dung cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại tướng Claudio Graziano, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh châu Âu.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng cho biết tại cuộc hội đàm, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Việt Nam sẽ cử đoàn tham gia Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng 2020 trên cơ sở lời mời của phía EU. Đồng thời Thượng tướng Vịnh cũng nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn coi trọng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với EU, đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y phòng, chống dịch COVID-19 và rộng hơn là cùng hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh đến việc tích cực chuẩn bị để xúc tiến việc thực thi các thỏa thuận hợp tác trên cơ sở Hiệp định FPA ngay khi tình hình dịch COVID-19 lắng dịu.
Hiệp định FPA là hiệp định thiết lập khuôn khổ về sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU.
Trên cơ sở Hiệp định FPA, EU đã chọn Việt Nam làm quốc gia thử nghiệm trong Chiến lược Tăng cường hợp tác an ninh phòng thủ của EU tại châu Á và với châu Á.
Ngược lại, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với EU trở thành trụ cột trong khuôn khổ Hiệp định khung Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.
Hoạt động trao đổi trực tuyến lần này được nói có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và EU kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990 – 28/11/2020); các Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam – EU vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua và EU đang có tiếng nói ngày càng quan trọng và độc lập hơn tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong quan hệ với nhiều nước lớn trên thế giới.
Báo trong nước cho biết Việt Nam – EU sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động trao đổi trực tuyến ở các cấp để triển khai các nội dung đã được thống nhất tại buổi hội đàm.
RFA (12.06.2020)
Trung cộng nóng mặt khi ba hàng không mẫu hạm Mỹ tới châu Á
Mỹ dường như muốn phát tín hiệu “dằn mặt” Trung cộng khi điều cùng lúc 3 hàng không mẫu hạm tới Thái Bình Dương, trong đó hai chiếc gần Biển Đông.
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz rời quân cảng San Diego ở bang California hôm 9/6, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và các tàu chiến hộ tống cũng rời quân cảng Yokosuka, Nhật Bản, cùng ngày. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt trước đó cũng hoàn tất đợt thử nghiệm, kết thúc hai tháng nằm cảng vì Covid-19 và lên đường tới tây Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên trong gần ba năm qua, hải quân Mỹ triển khai cùng lúc ba hàng không mẫu hạm tuần tra các vùng biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng đây là màn phô diễn uy lực của Washington, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng xung quanh nguồn gốc nCoV và cách ứng phó Covid-19 của Bắc Kinh, cũng như dự luật an ninh Hong Kong và các động thái quân sự hóa đảo nhân tạo Trung cộng bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
USS Ronald Reagan di chuyển ở Biển Philippine hôm 30/5. Ảnh: US Navy.
Ba nhóm hàng không mẫu hạm này đang được phân bố đều trên Thái Bình Dương. Nhóm tàu USS Theodore Roosevelt hoạt động ở phía đông và đông bắc Biển Philippine, giữa đảo Guam và Phi Luật Tân. USS Ronald Reagan và lực lượng hộ tống cũng hiện diện ở Biển Philippine, khu vực phía nam Nhật Bản. Trong khi đó, nhóm tàu USS Nimitz đang ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mỹ và hướng về Tây Thái Bình Dương.
Số lượng hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hiện diện ở một khu vực nhất định luôn bị giới hạn, do các tàu được luân phiên bảo dưỡng, huấn luyện hoặc tuần tra ở những vùng biển khác nhau. Việc triển khai cùng lúc ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương được coi là động thái bất thường.
Giới chuyên gia cho rằng nó thể hiện thông điệp răn đe được Washington gửi tới Bắc Kinh. “Truyền thông Trung cộng cho rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh vì Covid-19. Dường như đợt triển khai này là thông điệp của Mỹ nhằm cảnh báo Trung cộng đừng tính toán sai lầm”, Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung cộng ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Theo Glasier, Trung cộng có thể coi màn phô diễn lực lượng của ba hàng không mẫu hạm Mỹ là “hành động gây hấn” và cho đây là bằng chứng cho thấy Washington mới là “nguồn cơn gây bất ổn khu vực”.
Tuy nhiên, chiến lược quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã coi Trung cộng là mối quan ngại an ninh hàng đầu và các lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng đã tìm cách điều thêm nhân lực, khí tài tới châu Á để chống lại “ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng” của Trung cộng.
“Khả năng hiện diện quân sự một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh. Tôi luôn nói với cấp dưới rằng các bạn phải hiện diện để chiến thắng khi ganh đua”, chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy tác chiến thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cho hay. “Hàng không mẫu hạm và các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm là biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ. Tôi rất mừng khi chúng ta triển khai tới ba chiếc vào thời điểm này”.
Vị trí ước tính của các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và tàu đổ bộ Mỹ ngày 8/6. Đồ họa: USNI News.
Chuẩn đô đốc Koehler khẳng định Trung cộng đang cải tạo trái phép và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, triển khai nhiều tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử tại đó, đồng thời thừa nhận các hoạt động của Washington, đồng minh và đối tác khu vực dường như chưa ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh.
Quan chức hải quân Mỹ cho biết hàng chục tàu chiến đã làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương từ lâu, nhưng việc triển khai đồng thời ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm sẽ nhấn mạnh cam kết của Washington với khu vực.
Phó đô đốc Koehler cho rằng Mỹ sẽ không duy trì hiện diện cùng lúc của 3 hàng không mẫu hạm ở châu Á – Thái Bình Dương trong dài hạn, nhưng điều này cho thấy năng lực của Washington. “Đó là điều chúng tôi có thể làm nếu muốn”, ông nói thêm.
VietBF (12.06.2020)
Ba hàng không mẫu hạm Mỹ cùng xuất hiện tại Ấn độ – TBD, thông điệp nào cho Trung cộng?
Các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76), USS Theodore Roosevelt (CVN 71) and USS Nimitz (CVN 68) trong vùng biển quốc tế trong cuộc diễn tập 3 hàng không mẫu hạm ở Tây Thái Bình Dương. Courtesy James Griffin/U.S. Navy/Handout via REUTERS/File Photo
Ba hàng không mẫu hạm Mỹ cùng lúc tuần tra vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương lần đầu tiên sau gần ba năm qua, một động thái có tính cách phô trương lực lượng của hải quân Hoa Kỳ trong một khu vực đang có căng thẳng với Trung cộng, và cũng là một dấu hiệu cho thấy Hải quân Hoa Kỳ đã lấy lại sức mạnh sau những ngày đen tối vì dịch Covid-19.
Sự xuất hiện có hơi bất thường của ba tàu chiến Mỹ, cùng các tàu tuần dương, tàu khu trục, máy bay chiến đấu và các máy bay khác, diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ đang leo thang những lời chỉ trích nhắm vào phản ứng của Bắc Kinh trước vụ bùng phát dịch corona, và các động thái của Trung cộng siết chặt kiểm soát Hong Kong và tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp và xây dựng trong Biển Đông.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Chuẩn đô đốc Steve Koehler, nói nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm là biểu tượng của sức mạnh phi thường của hải quân Mỹ, và ông cảm thấy tự hào vì sự có mặt của 3 hàng không mẫu hạm đang khu vực trong lúc này.
Hôm thứ năm, các chiến của 3 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đã được trải rộng trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến của tàu đang hoạt động ở Biển Philippine gần đảo Guam. Nhóm tác chiến của USS Nimitz đang ở Thái Bình Dương ngoài khơi Bờ Tây Hoa Kỳ. Trong khi đó tàu USS Ronald Reagan đã rời cảng ở Nhật Bản và đang hoạt động ở Biển Phi Luật Tân.
Các Tư lệnh Hải quân Mỹ lưu ý rằng hàng chục tàu Hải quân Mỹ đã hoạt động trên khắp Thái Bình Dương từ lâu, nhưng sự có mặt của ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm có lẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và đối với các đồng minh.
Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ coi Trung cộng là mối quan tâm an ninh hàng đầu, và các nhà lãnh đạo của Ngũ Giác Đài dồn nỗ lực để huy động thêm nhiều nguồn lực và khí tài quân sự tới khu vực để chống lại điều mà họ cho là ảnh hưởng kinh tế và khả năng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, nói khả năng hiện diện một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh.
Trao đổi với AP, ông Koehler nói Trung cộng đang dần dà xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông một cách có kế hoạch, lắp đặt các hệ thống tác chiến tên lửa và điện tử tại những nơi này. Gần đây nhất Trung cộng điều máy bay đến Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Koehler cho biết các tàu sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, thực hiện các cuộc tập trận trên biển và tuần tra các khu vực tranh chấp.
AP, VOA (12.06.2020)
Tàu Trung cộng truy đuổi, đâm hỏng tàu, đánh ngư dân Việt ở Hoàng Sa
Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa. Nguồn: Ngư dân chụp
Ông Nguyễn Lộc, 42 tuổi, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg 96416 cùng 15 lao động hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa vào ngày 12/6 đã đến Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi trình báo việc bị tàu Trung cộng rượt đuổi, tông va, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ…
Báo trong nước loan tin cùng ngày, cho biết thêm 16 người vừa nêu đã đến thẳng cơ quan chức năng khai báo khi vừa về đến đất liền.
Theo lời thuyền trưởng Lộc được báo trong trong nước dẫn lại, khoảng 10h sáng 10/6, tàu cá của ông bị tàu sắt Trung cộng số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi khi đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam.
Sau nhiều lần bị tàu 4006 tông, tàu cá QNg 96416 hư hỏng, lật nghiêng. Tàu Trung cộng số hiệu 4006 còn đè ở phía sau buộc15 thuyền viên nhảy xuống biển thoát thân. Thuyền trưởng Lộc sau đó cũng nhảy xuống biển.
Vẫn theo lời ông Nguyễn Lộc, 13 ngư dân bám được vào thúng, còn 3 ngư dân được xuồng máy Trung cộng đến vớt đưa về lại tàu cá. Sau đó, những người Trung cộng cùng 3 ngư dân Việt Nam đã nổ máy bơm nước ra khỏi tàu cá. 13 ngư dân chèo thúng thấy vậy trở lại tàu.
Phía Trung cộng tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu gồm 2 máy định vị và máy dò cá, 1 thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu QNg 96416. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Ngoài ra, những người Trung cộng còn hành hung thuyền trưởng Nguyễn Lộc khi ông không đồng ý ký vào giấy tờ do bên tàu Trung cộng đưa ra. Theo lời ông Lộc, ông bị đạp khoảng ba bốn chục cái và bị đánh khoảng 20 cái.
Sau khi đánh người và lấy đồ, phía Trung cộng nới với ông Lộc họ không liên can gì đến việc đưa 16 ngư dân trên tàu cá QNg 96416 vào khu vực nước cạn, kêu ngư dân Việt tự nhờ những tàu cá Việt khác dắt về bờ.
16 ngư dân trên tàu QNg 96416 khi về đến đất liền đã được các cơ quan chức năng tổ chức cách ly toàn bộ để phòng ngừa dịch COVID-19 do có tiếp xúc với những người Trung cộng.
RFA (12.06.2020)